a
§ Tác giả: Dorsa Amir | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Thu Phương | Hiệu đính:  za
24/10/2022

Vào tháng Ba, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Anthony Gustin bỗng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Anh ta là chủ của cửa hàng thực phẩm trực tuyến Perfect Keto với phương châm “Truyền cảm hứng cho hành trình chăm sóc sức khỏe của bạn trong một hệ thống thực phẩm không bao giờ quan tâm đến điều đó.” Là một “chuyên gia” với “tinh thần cảnh giác cao độ trước thức ăn và thể hình” — như cách anh tự ví về mình trên Twitter, Gustin tweet rằng mình đã đi đến Châu Phi, dành thời gian cùng với tộc Hadza, một nhóm thổ dân săn bắt hái lượm ở Tanzania, để học về phong cách sống lành mạnh. Thông qua một tour du lịch, Gustin đã theo chân người Hadza trong đời sống thường nhật của họ, quan sát cách họ săn bắn, giao tiếp và kiếm sống. Trong bài đăng gây sốt của mình, anh phân biệt giữa “những người hoang dã” với “những con người hiện đại mũm mĩm” sống trong một “sở thú nhân tạo.” Anh ta gọi những nghiên cứu về cuộc sống của người Hadza là “dối trá” và “hoang đường.” Trong một bức ảnh, Gustin ngồi cạnh bên những người đàn ông Hadza, có vẻ trầm ngâm. “Tôi đã săn, giết và ăn thịt một con khỉ đầu chó hoang dã (não và những bộ phận khác) với bộ tộc Hadza bản địa ở Châu Phi,” anh kể lại trên Twitter. “Đây là 13 điều tôi đã học được về sức khỏe con người trong suốt hành trình.”

Trong các dòng tweet của mình, Gustin trình bày một số quan sát bất ngờ về bộ lạc Hadza. Họ “hầu như không ăn bất kỳ loại thực vật” hoặc thực phẩm chứa chất xơ nào. “Những người đàn ông mơ mộng về các cuộc săn bắt lớn. Chứ không phải những bó xà lách to hay rau xanh.” Cả nam giới và phụ nữ chỉ làm việc “3-4 giờ một ngày.” Người Hadza không lãng phí thứ gì. Họ hiếm khi tỏ ra vội vàng, căng thẳng hay lo lắng. Và, tin hay không thì tùy, họ “hiếm khi uống nước,” thay vào đó sẽ húp “vài ngụm bùn.” Mặc dù “gần như đã tuyệt chủng,” người Hadza vẫn đang sinh sống khỏe mạnh trong “môi trường sống tự nhiên của họ.”

Two people in traditional Tanzanian clothing sitting on the ground outdoors.
Ảnh: Eduardo Azevedo

Là một nhà nhân chủng học, tôi đã từng gặp phải những quan niệm sai lầm trên các phương tiện truyền thông về những bộ lạc săn bắn hái lượm. Nhưng hiếm khi tôi thấy một mớ bòng bong độc hại như vậy, với những trò lố, thông tin sai lệch, và định kiến — ít nhất thì nó không nên tồn tại vào thế kỷ 21. Ban đầu, tôi không muốn trả lời các tweet này vì sợ những hiểu lầm sẽ tiếp tục bị khuếch đại và nó sẽ trở nên phổ biến hơn nữa. Nhưng khi sự chú ý tăng theo cấp số nhân, tôi cảm thấy mình buộc phải đính chính lại những điều đã được lan truyền. Tôi đã trả lời Gustin trên Twitter, tôi không chỉ nêu ra những điểm không chính xác hiển hiện trong bài thảo luận của anh ta — chẳng hạn như việc người Hadza có chế độ ăn nhiều thực vật — mà còn giải thích với anh ta rằng, anh ta đã vô tình làm sống lại những bóng ma quá khứ, cái thời đại đen tối nhất của ngành nhân chủng học. Gustin, người hiện có gần 23.000 người theo dõi trên Twitter, đã gọi tôi là đồ dở hơi và chặn tài khoản Twitter của tôi.

Điều mà Gustin không nhận ra — và dường như đang cố tình lảng tránh — là cách kể chuyện của anh ta, và những người ủng hộ cách kể chuyện ấy, đang ánh xạ những niềm tin gây tổn hại đến ngành khoa học xã hội, niềm tin về việc những cá nhân có quyền lực sẽ tiếp tục lạm dụng quyền lực của họ để gạt các nhóm dân số vốn đã sống trong tình trạng bấp bênh ra ngoài lề. Mặc dù Gustin dường như chỉ biết rất ít về cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền lãnh thổ của người Hadza, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để anh ta tự coi mình là người hùng trong câu chuyện: “Chính phủ sẽ xóa sổ vùng đất của bộ tộc Hadza,” anh ta nói, “cho đến khi chính phủ nhận ra khách du lịch (như tôi) sẽ trả tiền đến Tanzania để xem họ. “

Vậy Gustin đã hiểu sai điều gì về người Hadza và sức khỏe của con người? Gần như mọi thứ. Gustin có vẻ như không ý thức được rằng những gì anh ta trải nghiệm trong một tour du lịch ngắn ngày có thể không đại diện cho toàn bộ cuộc sống thường nhật của người Hadza khi anh ta không ở đó. Gần như mọi khẳng định về chế độ dinh dưỡng của họ — về việc chúng thiếu vắng chất xơ, thực vật và nước — đều sai cả.

Các quan sát nhân chủng học tỉ mỉ và những cuộc phỏng vấn các thành viên trong cộng đồng đã chỉ ra cho chúng ta một sự thật rằng: Người Hadza có một chế độ ăn đa dạng gồm các loại củ, quả mọng, thịt, cây bao báp và mật ong [2] — đó là những điều mà một chuyến du lịch ngắn ngày không thể chỉ ra được. Tầm quan trọng tương đối của mỗi loại dao động theo mùa. Chỉ có khoảng 15% thành viên cộng đồng sống dựa vào săn bắt và hái lượm, còn phần lớn chọn chế độ ăn chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp [3]. (Đào củ: củ là một loại thực phẩm dự phòng quan trọng và là nguồn cung cấp calo liên tục. Đào củ chủ yếu là phần việc của phụ nữ và đôi khi là trẻ em, những người rõ ràng là đã không hề hiện diện trong câu chuyện của Gustin.)

Còn phát ngôn về việc người Hadza chỉ làm việc vài giờ một ngày? Một lần nữa, Gustin lại vô tình để mình dính vào một cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ trong lĩnh vực nhân chủng học. Quan điểm cho rằng những người săn bắn hái lượm sống một cuộc sống nhàn hạ bắt nguồn từ nhà nhân chủng học Marshall Sahlins, người đã nhận định rằng những người săn bắn hái lượm sống như một “xã hội giàu có nguyên thủy.”

Sử dụng mẫu dữ liệu hoạt động của người !Kung — một nhóm người săn bắt hái lượm sống gần sa mạc Kalahari — Sahlins tuyên bố rằng những người săn bắn hái lượm dành không quá năm giờ mỗi ngày để lao động. Nhưng anh ta đã không tính đến các hình thức công việc khác, chẳng hạn như chế biến và chuẩn bị thực phẩm, những công việc này có thể khiến ước tính ban đầu về thời gian làm việc tăng lên đáng kể. Một cuộc điều

tra bài bản, với đối tượng nghiên cứu là những người làm việc cả ngày trong các xã hội phi công nghiệp, đã cho thấy: họ lao động khoảng 46-54 giờ một tuần. [4]

Tồi tệ hơn cả, những dòng chia sẻ của Gustin như thể một bức tranh biếm họa về cuộc sống người Hadza, khi cho rằng họ có một cuộc sống “hạnh phúc và nhàn hạ tột độ.” Họ dành phần lớn thời gian để “cười đùa hoặc kể chuyện,” Gustin cho biết. Đây là một kiểu “whitewash” — áp đặt góc nhìn của người da trắng lên câu chuyện. Thực tế, câu chuyện của người Hadza rất phức tạp và chứa đựng nhiều sắc thái hơn. Nhiều thành viên của bộ lạc Hadzabe, điển hình là sinh viên luật kiêm nhà hoạt động xã hội Shani Mangola, đã thường xuyên lên tiếng phản đối cách mọi người nhìn nhận sai lệch về cộng đồng của họ, và đặc biệt là lên án những người như Gustin đã cố tình lan truyền cách hiểu sai ấy: “[Mọi người] không tôn trọng chúng tôi và… sử dụng ngôn từ lăng mạ để sỉ nhục chúng tôi,” Shani đã tweet, “như thể chúng tôi [không phải] con người.” Họ tức giận như vậy là có lý do, bởi có quá nhiều yếu tố gây áp lực lên đời sống người Hadza bản địa. “Lấn chiếm đất và hủy hoại môi trường,” anh ấy viết trên tweet, “là [một] vấn đề lớn.” Anh cũng chia sẻ rằng bộ lạc Hadza thiếu thốn nguồn lực để phát triển. “Hy vọng của chúng tôi dần tàn lụi,” anh ấy nói thêm, “và tương lai của con em chúng tôi thật tăm tối.”

Gần như mọi khẳng định về chế độ dinh dưỡng của họ — về việc chúng thiếu vắng chất xơ, thực vật và nước — đều sai cả.

Ngoài những thông tin không chính xác về mặt khoa học, một lý do khác khiến tôi phải trả lời dòng tweet của Gustin đó là anh ta đã vẽ nên hình tượng bộ tộc Hadza như những sinh vật lạ, như “những con người hoang dã” còn kẹt lại trong thời kỳ Đồ Đá. Trong podcast riêng của mình, Gustin khẳng định, một cách sai lầm, rằng lối sống người Hadza đã “ít nhiều không bị tác động trong suốt 50,000 năm qua.” Họ là “cánh cửa sổ dẫn về quá khứ,” anh ta nói. “Bạn đồng hành trong chuyến phiêu lưu” của Gustin, Paul Saladino — một điển hình của người theo chế độ ăn “Carnivore Diet,” một chế độ chỉ ăn toàn thịt không theo quy cách gì— thì đệm vào: “Bộ lạc Hadza là một cỗ máy thời gian sống.” Gustin nói thêm, “Bộ lạc này muốn giữ gìn nếp sống như thế. Họ không muốn chuyển sang một lối sống ‘văn minh’ hơn. “Kiểu lập luận này không mới; thực tế nó là mô típ quen thuộc của lối lập luận ngụy khoa học khi mô tả nấc thang tiến hóa của con người. Lịch sử về các diễn ngôn xoay quanh các nhóm dân bản địa đã trải dài từ sử dụng bạo lực đến cái gọi là “phân biệt chủng tộc nhân từ” (benevolently racist). Một điển hình cho hiện tượng này là khái niệm “Noble Savage” dùng để chỉ về một con người hoang dã, không bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn của nền văn minh, và thay vào đó chọn lối sống hòa hợp với thiên nhiên.

Jean-Jacques Rousseau được biết đến như người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này, và trong suốt nhiều thế kỷ, mọi người đã dẫn lại nó như một cách để phân biệt giữa con người “văn minh” và “nguyên thủy.” Nó phản ảnh một cách sâu sắc chủ nghĩa gia trưởng — vốn luôn cho rằng các nhóm Bản địa rất ngây thơ, hoang dã và vô tội, và do đó cần được bảo vệ. Người bản địa bị tước đi quyền kiến tạo đời sống của họ, cũng như không được phép thiết lập những diễn ngôn của riêng mình. Không, chính người phương Tây sẽ ở đây để làm thay điều đó. Người da trắng thông thái hơn: Họ biết người Hadza không muốn nền văn hóa của họ bị “hủy hoại bởi nền văn minh.” Và người Hadza cũng không cần bận lòng trước một thực tế rằng điều này đồng nghĩa với việc họ bị tước bỏ quyền công dân cơ bản, như quyền được tiếp cận giáo dục, quyền sử dụng các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Gustin có thể không nhận thức đầy đủ được vai trò của mình trong câu chuyện này, nhưng anh ta không thể lấy sự thiếu hiểu biết của mình để lấp liếm cho việc anh ta đã góp phần phổ biến những định kiến độc hại về người bản địa. Trên podcast của mình, anh ta kể lại khoảnh khắc mà hướng dẫn viên người Hadza nói với Gustin và Saladino rằng họ được chào đón trở lại với bộ lạc, nhưng họ nên mang theo thêm ugali — một loại thực phẩm làm từ ngô. “Tôi tự nhủ trong đầu:” Tôi sẽ không mang ugali cho bạn đâu ” Gustin nói. “Tôi sẽ mang đến cho bạn nhiều đầu mũi tên hơn! “

Một định kiến chết người khác, nổi bật trong lịch sử của ngành nhân chủng học, là việc xem người bản địa “thấp hơn con người,” nằm ở giữa nấc thang ngăn cách con người văn minh và loài linh trưởng họ hàng. Trong podcast, Gustin cẩn thận lưu ý rằng người Hadza, trên thực tế, thuộc tộc người Homo sapiens. (Chả hiểu sao chúng ta lại phải làm rõ điều hiển nhiên này). Tuy nhiên, anh ta tiếp tục mô tả họ là một “loài có nguy cơ tuyệt chủng,” Gustin nói, trên podcast của mình, “Nếu không nhờ du lịch, có lẽ đến giờ bộ lạc họ đã bị xóa sổ hoàn toàn.”

Gustin cho rằng người Hadza thực tế, là, Homo sapiens. Hãy tưởng tượng việc ta phải chú thích một con người là một con người.

Những ngôn từ kiểu này hầu như chỉ được sử dụng để mô tả động vật chứ không phải dành cho con người — và nó đang phi nhân tính hóa trầm trọng, từ đó tước bỏ quyền tự quyết của các cộng đồng bản địa, để rồi tạo tiền đề cho sự phân biệt đối xử và bóc lột ăn sâu bám rễ. Mặc dù Gustin coi du lịch là giải pháp cho cuộc đấu tranh của người Hadza, nhưng chúng ta đều biết phát triển du lịch sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống của người bản địa.

Trong một báo cáo vào năm 2018, nhà nhân chủng học Haruna Yatsuka viết [5]: “Người Hadza cảm thấy mệt mỏi trước các dòng khách du lịch liên tục ghé đến Mang’ola.” “[Họ] phải tìm cách cân bằng giữa lối sống của mình và những áp lực để thực hiện lối sống đó trong bối cảnh nền kinh tế du lịch toàn cầu đang bị thị trường hóa.” Nhà khảo cổ học Michael Rowland lập luận rằng du lịch mang lại cho người bản địa một “nhiệm vụ bất khả thi,” “phải hành động để thoát khỏi những khuôn mẫu mà trước đó nền văn hóa thực dân đã đóng khung lên họ.” [6]

Những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch thương mại đối với cuộc sống của những người săn bắt hái lượm đã được ghi nhận. Việc thương mại hóa văn hóa bản địa thường kéo theo nhiều hệ luỵ. Bộ lạc Shuar mà tôi từng có dịp nghiên cứu là một trường hợp điển hình. Họ là một cộng đồng hái lượm — trồng trọt ở Amazonian, Ecuador. Quá trình kinh doanh du lịch bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng của họ. Người Shuar có một nghi thức riêng, họ sẽ chế tạo tsantsa — những thủ cấp teo tóp của những kẻ thù đã chết. Người phương Tây rất hăng hái trong việc sưu tầm tsantsa — hiện tại chúng vẫn được trưng bày trong các phòng triển lãm tại phương Tây, điển hình là phòng triển lãm của Ripley’s Believe It or Not. Làn sóng sưu tầm đã châm ngòi cho hàng loạt vụ đột kích và cuộc chiến giữa những người Shuar với nhau. Tất cả là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà thám hiểm và khách du lịch phương Tây. Đây là một xu hướng đã kéo dài gần 100 năm và cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng.

Dù chứa đựng đầy rẫy những thông tin sai lệch và định kiến, bài tweet của Gustin cho thấy mọi người rất hứng thú với việc nhân chủng học có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc thế nào về sức khỏe con người. Trên thực tế, các nhà nhân học thể chất đã dành nhiều thập kỷ tiến hành nghiên cứu tuân theo các quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt để trả lời những câu hỏi này. Vậy thì, nhân chủng học thể chất có thể cho chúng ta biết điều gì về phương thức sống lành mạnh hơn?

Hãy bắt đầu với chế độ ăn uống. Không giống như những người anh em họ linh trưởng của chúng ta, vốn có lựa chọn thức ăn rất hạn chế, con người là động vật ăn tạp cực kỳ linh hoạt. Khả năng ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để sinh trưởng mạnh mẽ đã giúp chúng ta sinh tồn ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên hành tinh, từ đó sáng tạo ra các món ăn, hình thành  nên thế giới ẩm thực phong phú của chúng ta. Với một tiền đề như vậy, thật lạ khi biết rằng cơ thể chúng ta đang ở trong trạng thái tiến hóa không phù hợp, các yếu môi trường, văn hóa, và năng lượng đã thay đổi quá nhanh khiến các gen của chúng ta không thể theo kịp. Đã có một số bằng chứng cho thấy điều này, nhưng những bằng chứng ấy, cũng như tất cả những thứ khác thuộc về nhân học, có những khía cạnh cần được chúng ta lưu tâm.

Nếu chưa hiểu thấu đáo và chính xác về quá trình tiến hoá này, chúng ta dễ đi đến kết luận rằng chế độ ăn uống tốt nhất là chế độ ăn uống mà tổ tiên “thượng cổ” của chúng ta đã chọn. Ta lầm tưởng rằng cơ thể chúng ta đạt trạng thái khỏe mạnh hoàn hảo trong kỷ Pleistocen và chỉ đơn giản là đã ngừng tiến hóa trong những năm tiếp theo. Rất nhiều người đã lầm tưởng như vậy, và những kẻ như Gustin đã vin vào lỗ hổng đó, biến chúng thành nền tảng để xây dựng lập luận của mình. Ý tưởng cho rằng chế độ ăn kiêng “đúng” là một chế độ ăn uống tồn tại từ thời cổ xưa đã trở thành xương sống của các mốt như Chế độ ăn kiêng Paleo và Chế độ ăn kiêng chỉ có thịt của Saladino — bạn đồng hành Gustin, cái mà có thể, như một dòng khẳng định trên webiste của anh ta, có thể đưa chúng ta “trở về với cội nguồn tổ tiên.”

Khi tôi nghe những câu đại loại như chúng ta “nên ăn giống như người của thời kỳ đồ đá cũ,” phản ứng ban đầu của tôi là: Con người nào của thời kỳ đồ đá cũ? Kỷ nguyên này — kéo dài từ 2,5 triệu năm trước đến khoảng 12.000 năm trước — bắt đầu với bộ linh trưởng Homo erectus ở Châu Phi và kết thúc với Homo sapiens ở khắp mọi nơi. Chính xác thì chúng ta phải tuân theo chế độ ăn kiêng nào? Chế độ ăn uống ở Bắc Cực thời kỳ đồ đá cũ, với chủ yếu là hải sản? Chế độ ăn kiêng Amazonian thời kỳ đồ đá cũ, chủ yếu là các loại củ và cá? Hoặc có lẽ, như Gustin và Saladino khẳng định, chúng ta nên ăn các món trong thực đơn của người Hadza, gồm khỉ đầu chó và mật ong?

Vậy thì, nhân chủng học thể chất có thể cho chúng ta biết điều gì về phương thức sống lành mạnh hơn?

Mặc dù chúng ta không thể tái hiện chính xác một chế độ ăn uống “đúng đắn” nào từ quá khứ, nhưng chúng ta có thể thu được mông số thông tin bằng cách xem xét con người khác với loài linh trưởng như thế nào về mặt sinh lý. Kiểu răng của chúng ta — sự kết hợp giữa răng cửa xé thịt và răng hàm nghiền xơ — phù hợp với chế độ ăn tạp gồm cả thịt động vật và thực vật. Kích thước ruột bé đi và cách hệ tiêu hóa xử lý thức ăn cũng đưa ra kết luận tương tự. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên ăn cả động vật và thực vật; điều đó sẽ phạm phải lỗi ngụy biện lậm chủ nghĩa tự nhiên (chỉ vì một thứ gì đó được tìm thấy trong tự nhiên, không có nghĩa là nó tốt, và tốt về mặt đạo đức).

MỘT GIA ĐÌNH HADZA Ở TANZANIA: Dorsa Amir viết, Anthony Gustin đã sử dụng thứ ngôn ngữ phi nhân tính hóa và loại bỏ quyền  tự chủ của các cộng động bản địa. Ảnh: Wikimedia Commons.

Chúng ta cũng có thể tổng hợp dữ liệu từ các cộng đồng săn bắt hái lượm còn tồn tại để tìm kiếm những điểm tương đồng và khác biệt. Tuy nhiên, có nhiều sự khác biệt hơn là những điểm tương đồng. Như nhà nhân chủng học Herman Pontzer, người đã làm việc với bộ lạc Hadza trong vài năm, đã phát biểu trong một bài báo mà ông và các đồng nghiệp đã công bố vào năm 2018, rằng: “Chế độ ăn của những cộng đồng săn bắn hái lượm rất đa dạng, nên hầu như không thể tồn tại thứ gọi là ‘chế độ ăn dành cho tất cả mọi người’.” [7]

Nhưng vẫn tồn tại một vài điểm tương đồng. Nghiên cứu của nhà nhân chủng học Melvin Konner cho thấy rằng chế độ ăn của những người trong các xã hội săn bắt hái lượm có hàm lượng natri và carbohydrate tinh chế thấp hơn rõ rệt, đồng thời có hàm lượng chất xơ và protein cao hơn nhiều so với chế độ ăn của những người sống trong môi trường đã bị công nghiệp hóa. [8] Thêm vào đó, tất cả các nhóm người đều tự nấu thức ăn cho mình, và thức ăn luôn là sự kết hợp của cả thực vật và động vật. Ngoài ra, lấy sự đa dạng trong chế độ ăn uống làm tiêu chuẩn, dữ liệu ở đây cho thấy rằng, Katharine Milton lập luận, “con người có thể phát triển mạnh khoẻ ngay cả khi họ theo đuổi chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, miễn là những chế độ ăn uống này cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.” [9]. Chúng bao gồm các chất dinh dưỡng đa lượng — những thứ như carbohydrate, chất béo, nước và protein — và vi chất dinh dưỡng, như vitamin. Một người với chế độ ăn nhiều rau, trái cây và protein đạm gần như chắc chắn sẽ có mọi thứ mà cơ thể họ cần. Pontzer viết trong cuốn sách Burn. “Mọi người ăn bất cứ thứ gì có sẵn.”

Còn tập thể dục thì sao? Một điều đáng ngạc nhiên là dường như mức năng lượng mà người Hadza sử dụng ngang bằng với các nhóm người ít vận động do sống trong xã hội công nghiệp hóa. Điều này thật kỳ lạ, bởi vì dữ liệu gia tốc kế — được thu thập thông qua các thiết bị đo bước chân — cho thấy người Hadza hoạt động thể chất một cách tích cực: Phụ nữ đi bộ trung bình gần 4 dặm một ngày, trong khi nam giới thường xuyên đi bộ gấp đôi con số đó [7]. Dù vậy, số đo tổng mức tiêu hao năng lượng của họ — số kilocalories mà họ đốt cháy trong một ngày — gần như tương đương với số liệu của những người Mỹ ít vận động.

Trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American năm 2017, Pontzer viết, “Có một sự thật vô cùng hiển nhiên,  những người năng hoạt động thể chất đốt cháy nhiều calo hơn đến mức. Điều này hiển nhiên đến mức chấp nhận mô hình này dù nó không có nhiều cơ sở nền tảng hoặc các bằng chứng thực nghiệm.” [10]. Song các thí nghiệm này đã tiết lộ một điều bất ngờ về sức khỏe con người: Cơ thể chúng ta tự điều tiết nếu chúng ta hoạt động nhiều hơn  và sẽ tự giới hạn số lượng calo chúng ta đốt cháy mỗi ngày. Bằng cách nào vậy? Cơ thể sẽ lấy đi năng lượng từ các hoạt động sinh lý khác, như duy trì tế bào, để bù vào số calo đã được giải phóng thông qua hoạt động thể chất. [11]

Nghiên cứu này sẽ thay đổi cách chúng ta thường nghĩ về các tình trạng như béo phì. Từ lâu, người ta đã tin rằng “đại dịch” béo phì là kết quả của cả việc tích trữ nhiều calo hơn mức cần thiết và lối sống ít vận động. Và nhiều người tin rằng họ có thể giảm cân hiệu quả nếu có thể kiểm soát chế độ ăn uống và tập thể dục. Mọi người đều cho rằng một lượng calo đầu vào sẽ tương đương với một lượng calo đầu ra. Cứ xem như đây là một phép toán: Số calo bạn ăn vào ít hơn số calo bạn đốt. Nhưng có vẻ như cơ thể chúng ta không tuân theo quy tắc này một cách nghiêm ngặt cho lắm; nếu cơ thể phải hoạt động nhiều hơn, nó cũng sẽ không tự hạn chế năng lượng dành cho các chức năng khác, ví dụ như duy trì tế bào. Do đó, khi bị béo phì, có lẽ ta nên ít tập trung hơn vào việc đốt cháy năng lượng thông qua hoạt động thể chất, mà tập trung nhiều hơn vào việc giảm năng lượng chúng ta thu nhận qua thức ăn. “Các gia đình Hadza không mắc bệnh béo phì và bệnh chuyển hóa vì lý do đơn giản là môi trường thức ăn của họ không khiến họ tiêu thụ quá mức,” Pontzer viết trong Burn. “Người Hadza [đã cho chúng ta] thấy một góc nhìn mới về bản thân.”Trên trang web của Gustin, anh ta nói rằng khi “bắt đầu tìm hiểu thêm về khoa học,” anh ta đã “say mê với ý nghĩ rằng mình có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.” Ai có thể bắt lỗi anh ta? Khoa học có thể truyền cảm hứng cho chúng ta theo đuổi bất kỳ niềm đam mê nào. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra, khoa học không hoàn hảo. Nhân chủng học nói riêng đã trải qua nhiều thế kỷ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, những “tàn dư” ấy vẫn còn kéo dài đến hiện tại và ảnh hưởng lên cách người ta nói về sự biến đổi của con người. Nhưng, cũng như những ngành khoa học nói chung, ngành nhân chủng học vẫn đang tự điều chỉnh chính nó. Bạn bè và đồng nghiệp của tôi trong ngành nhân chủng học quan tâm sâu sắc đến những người mà họ làm việc cùng, những người đã mời họ vào nhà, những người đã chào đón họ đến với cộng đồng của mình.

Một vài người trong số họ đang nỗ lực xác định lại quy chuẩn của đạo đức nghiên cứu xuyên văn hóa trong thế kỷ 21, đặt trọng tâm lên việc tìm hiểu những nghiên cứu mà họ tiến hành đã tác động như thế nào lên các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Ví dụ, trong một bài báo được công bố vào năm 2020, nhà nhân chủng học Alyssa Crittenden và các đồng nghiệp của cô đã viết, “Việc các nhà khoa học ngày càng muốn cải thiện mức độ đa dạng về mặt đối tượng trong các công trình nghiên cứu về nhân khẩu học, sức khỏe, sự hạnh phúc, sự hợp tác, nhận thức, sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ em, và các hệ thống niềm tin, đã làm gia tăng những câu hỏi bức thiết về tính khoa học và đạo đức, sự độc lập về nghiên cứu và lĩnh vực nghiên cứu.” [12]. Crittenden cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình về việc thành lập Quỹ Cộng đồng Olanakwe, một tổ chức tương trợ do chính người Hadza dựng nên  cho cộng đồng của mình, dựa trên mong muốn mạnh mẽ của chính cộng đồng về việc cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục và nâng cao tiếng nói của mình trong chính trị. Cô ấy không phải là người duy nhất nỗ lực thực hiện điều đó.

Cá nhân mình, tôi luôn chìm trong niềm hạnh phúc mỗi khi có dịp được học hỏi và tìm hiểu về nhân loại; tôi đã xây dựng sự nghiệp của mình từ đó. Và tôi cũng cảm nhận được niềm hân hoan tương tự ở những người khác, mong muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện của con người và vai trò của họ trong bức tranh chung của nhân loại. Chúng ta có nhiều điểm chung, cùng với hàng ngàn điều kỳ quặc và vô vàn sắc thái khác tạo nên con người chúng ta. Các nhà khoa học và công chúng có mối quan hệ cộng sinh: Công chúng ủng hộ công việc của chúng tôi thông qua các khoản tài trợ, các học bổng và sự chú ý của họ; đổi lại, chúng tôi nợ họ những thành quả nghiên cứu của chúng tôi, giúp định hướng suy nghĩ của họ về ý nghĩa của việc trở thành con người. Và đôi khi điều đó có nghĩa là chúng tôi nên đính chính những thông tin sai lệch đang tồn tại trên Twitter.

Nguồn tham khảo:

1. Marlowe, F.W., et al. Honey, Hadza, hunter-gatherers, and human evolution. Journal of Human Evolution 71, 119-128 (2014).

2. Marlowe, F.W., & Berbesque, J.C. Tubers as fallback foods and their impact on Hadza hunter-gatherers. American Journal of Physical Anthropology 140, 751-758 (2009).

3. Pollum, T.R., Herlosky, K.N., Mabulla, I.A., & Crittendon, A.N. Changes in juvenile foraging behavior among the Hadza of Tanzania during early transition to a mixed-subsistence economy. Human Nature 31, 123-140 (2020).

4. Bhui, R., Chudek, M., & Henrich, J. Work time and market integration in the original affluent society. Proceedings of the National Academy of Sciences 116, 22100-22105 (2019). 

5. Yatsuka, H. Sustainable hunting as commodity: The case of Tanzania’s Hadza hunter-gatherers. Globe Journal 11 (2018).

6. Rowland, M.J. Return of the ‘noble savage’: Misrepresenting the past, present and future. Australian Aboriginal Studies (2004).

7.  Pontzer, H., Wood, B.M., & Raichlen, D.A. Hunter-gatherers as models in public health. Obesity Reviews 19, 24-35 (2018).

8.  Konner, M., & Eaton, S.B. Paleolithic nutrition: Twenty-five years later. Nutrition in Clinical Practice 25, 594-602 (2010).

9.  Milton, K. Hunter-gatherer diets—a different perspective. The American Journal of Clinical Nutrition 71, 665-667 (2000).

10. Pontzer, H. The exercise paradox. Scientific American Special Editions 27, (2017).

11. Pontzer, H., et al. Constrained total energy expenditure and metabolic adaptation to physical activity in adult humans. Current Biology 26, 410–417 (2016). 

12. Broesch, T., et al. Navigating cross-cultural research: Methodological and ethical considerations. Proceedings of the Royal Academy B 287 202001245 (2020).


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất