Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Aceae | Hiệu đính:  Dexter, Nguyên
01/09/2016
Phần 2 và có lẽ là cuối cùng trong loạt bài về xuất bản khoa học và cách nó không thể tách rời với bản thân việc làm khoa học. Đọc phần 1 tại đây.

Từ giữa thế kỷ 20 và đi vào thế kỷ 21, khoa học ngày càng phát triển với một tốc độ giật mình. Ngày càng có nhiều tạp chí và bài viết hơn, không chỉ trình bày những nghiên cứu mới, mà còn phục vụ những ngành khoa học mới ra đời. Tuy vậy việc mô hình xuất bản và công bố khoa học, vốn được xây dựng từ thế kỷ 17, liệu có đủ khả năng để tiếp tục hỗ trợ sự lớn mạnh của nghiên cứu không, đó là một điều khác. Ở đầu tiêu thụ kiến thức, điều này khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn thấy được chính xác là có những diễn biến nào đang xảy ra trong khoa học và tìm kiếm bài viết theo đúng nhu cầu. Còn ở đầu sản xuất kiến thức, điều này cũng gây ra không ít khó khăn.

Sự gia tăng chóng mặt của số lượng bài viết đồng nghĩa với việc công bố bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín ngày càng cạnh tranh. Cuộc đua để được công bố trên các tạp chí dẫn đầu trở nên ngày càng khốc liệt; một bài viết được đăng trên Nature hay Science có thể thay đổi cục diện của cả một sự nghiệp của nhà nghiên cứu trẻ. Không khó để hình dung là sức ép này đã ảnh hưởng lên nhiều thế kệ các nhà nghiên cứu như thế nào, khi mà tương lai của họ không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công việc của họ làm.

Hãy lùi lại một bước và nhìn vào bối cảnh của xuất bản khoa học ở cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Internet ra đời và trở thành cách mạng trong truyền thông và liên lạc, nhưng những tạp chí in vẫn giữ vai trò thống trị. Trên thực tế, mặc dù khoa học phát triển với tốc độ chóng mặt, những đột phá trong xuất bản khoa học còn chậm để có thể hỗ trợ sự phát triển đó. Ví dụ như, server các bản in tiền đề (pre-print) aRxiv của cộng đồng Toán học và Vật lý xuất hiện vào năm 1991, khá lâu trước khi sinh học cố gắng bắt chước nó với bioRxiv.

Sự gia tăng của các bài viết khoa học trong thế kỷ 20. Lưu ý là ở đây chỉ tính ngành vật lý và đường cong đi lên chỉ chậm lại vì hai cuộc Thế chiến. Thêm thông tin ở đây. Nguồn: Nature.

PLoS Biology không phải là tạp chí đầu tiên cho phép bài viết của họ được truy cập miễn phí, nhưng theo tôi nó là tạp chí khoa học đầu tiên đi theo mô hình tiếp cận mở (open-access) mà đạt được cả uy tín về chất lượng lẫn ảnh hưởng rộng rãi. Có lẽ cũng khá dễ hiểu nếu trong thời đại Internet1, kiến thức khoa học lại trở nên miễn phí và dễ truy cập với tất cả mọi người. Khác với bản in giấy, với Internet khi mà không có giới hạn trong việc phân phối các bản sao bài viết, không ai lại muốn trả tiền cả.

Câu chuyện này khởi đầu vào một ngày năm 1998 tại một quán cafe, khi Harold Varmus có một cuộc trò chuyện cùng người đồng nghiệp, nhà nghiên cứu gen Patrick Brown. Brown nói với Varmus, “truyền thông khoa học thật là một mớ bòng bong” và “hệ thống hiện tại thật phi logic, phản tác dụng, và bất công với cộng đồng nghiên cứu,” như chúng ta vừa thấy trong phần 1 (1).

Brown đã chọn đúng người để gửi gắm trăn trở của mình. Varmus khi đó chính là Giám đốc của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Sau cuộc trao đổi, Varmus đề xuất ngay việc thành lập một thư viện số gồm tất cả các tạp chí khoa học hiện có, tổng hợp và sắp xếp chúng thành một kho tài liệu trung tâm. Ý tưởng “đột phá” này đã khiến Varmus phải mất việc, nhưng cuối cùng may mắn là không bị xếp xó như nhiều phát kiến khác. Giờ thư viện số đó mang tên PubMed Central.

Varmus không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. Sau đó, ông đã sáng lập ra PLoS (Public Library of Science, tạm dịch là Thư viện Khoa học Cộng đồng), với mục đích cao cả là đưa các nghiên cứu được nhà nước tài trợ tới tất cả mọi người. Hiện PLoS Biology là một tạp chí khoa học cực kỳ uy tín, trong khi PLoS One là tạp chí khoa học lớn nhất thế giới, nếu tính về số lượng bài viết mà nó công bố.

Trong vòng hơn một thập kỷ kể từ khi PLoS ra đời đến nay, hầu hết các tạp chí đáng chú ý và có lượng độc giả lớn đều đã hoặc là chuyển đổi qua mô hình tiếp cận mở hoàn toàn, hoặc chí ít là kết hợp cả hai loại bài viết miễn phí và mất phí truy cập. Nhiều tạp chí ra đời, dù chúng vốn sẽ không bao giờ khả thi nếu không có tiếp cận mở; lý do nằm ở mô hình kinh doanh.

§

Tiếp cận mở, mặc dù cái tên dường như chỉ hàm ý một hành động: tiếp cận, và chúng ta cũng sẽ chỉ chạm đến khía cạnh này, thực ra rộng lớn hơn thế rất nhiều. Nó là một tinh thần tự do trong mọi khía cạnh của việc tiêu thụ kiến thức, từ truy cập đến sử dụng nguồn thông tin truy cập được với mục đích nghiên cứu mới. Vậy chỉ để xét đến vấn đề truy cập, một sự khác biệt rất lớn của xuất bản tiếp cận mở so với xuất bản khoa học truyền thống, và điều mà tôi nghĩ làm rấy lên nhiều tranh cãi, nằm ở mô hình kinh doanh của nó. (Bản thân tiếp cận mở không phải là một mô hình kinh doanh, tuy vậy theo định nghĩa, nó yêu cầu một sự thay đổi. Khi mà bạn đi từ việc chi trả chi phí xuất bản bằng đồng tiền của độc giả đến việc cho phép độc giả truy cập miễn phí, bạn khó lòng mà giữ nguyên cách bạn kiếm tiền. Dù có đi theo bất cứ cách nào, việc xuất bản/công bố các bài viết cũng sẽ phải tốn tiền. Một hay nhiều bên liên quan chắc chắn cần phải chịu trách nhiệm chi trả những chi phí này.)

Ở đây mô hình xuất bản tiếp cận mở đã làm một cú xoay 180 độ ngoạn mục. Trong mô hình đăng ký có cước phí, độc giả (cá nhân hay tổ chức, trường đại học) trả tiền để được đọc các bài viết; trong khi với mô hình tiếp cận mở, tác giả trả tiền để bài viết của mình được xuất bản2. (Những cách khác có tồn tại; hầu hết các tạp chí tiếp cận mở lớn và uy tín nhất áp dụng cách này.) Nếu chúng ta coi xuất bản và công bố khoa học là một dạng dịch vụ (mà đúng là nó thế thật), thì vị “khách hàng” trên thực tế của những nhà xuất bản đã thay đổi hoàn toàn. Trên lý thuyết, bên cung cấp sản phẩm, theo lẽ tự nhiên, sẽ luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng của mình.

Trong thế giới khoa học, một người hoàn toàn có thể vừa là độc giả vừa là người sản xuất kiến thức, tuy vậy lợi ích của anh/cô ta sẽ có thể khác nhau tùy thuộc vào họ đang sắm vai nào.

Đến đây thì chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra vài câu hỏi quan trọng. Liệu mục tiêu của các nhà nghiên cứu và độc giả có giống nhau hay không? Liệu sự thay đổi trên đây có dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích nào không? Cụ thể ở đây, chúng ta quan tâm đến việc cho ra những bài viết khoa học chất lượng nhất có thể, và vì như đã nói ở phần 1, việc xuất bản không bao giờ tách biệt hoàn toàn với việc thực hiện nghiên cứu, việc bản thân các nghiên cứu cũng chất lượng nhất có thể (đương nhiên định nghĩa “chất lượng” của nghiên cứu và của bài viết hoàn toàn có thể khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn quan tâm đến lợi ích của ai). Nếu mục tiêu của cả bên sản xuất và tiêu thụ đều như nhau, đương nhiên là không có gì đáng bàn. Lưu ý là trong thế giới khoa học, một người hoàn toàn có thể vừa là độc giả vừa là người sản xuất kiến thức, tuy vậy lợi ích của anh/cô ta sẽ có thể khác nhau tùy thuộc vào họ đang sắm vai nào.

Hệ quả của sự thay đổi căn bản này hẳn là có tác động lớn. Với mô hình đăng ký có cước phí của tạp chí, trên lý thuyết, các tạp chí nên giới hạn số bài viết được công bố để phục vụ cả nhu cầu của độc giả và để kiểm soát chất lượng của các bài viết (nhưng nếu ta nghĩ theo một hướng ích kỷ hơn, thì cũng chính là giữ vững sự “danh giá” của các tạp chí). Trái lại, những người phản đối mô hình tiếp cận mở cho rằng với mô hình này, việc xuất bản càng nhiều bài viết đồng nghĩa với việc gia tăng lợi nhuận của các nhà xuất bản. Điều này sẽ khiến chất lượng của các bài viết đi xuống, vì các nhà xuất bản có động cơ để giảm tiêu chuẩn của mình và cứ thế cho lên càng nhiều bài viết càng tốt.

Rõ ràng, việc mô hình tiếp cận mở thu tiền tác giả cũng sẽ có mặt tối của nó. Sự xuất hiện của những “tạp chí cho có” (vanity journals) phản ánh chính khả năng này. Những tạp chí này khẳng định rằng mình có áp dụng bình duyệt, nhưng thực chất là họ sẽ công bố mọi thứ được gửi tới họ. Điều này sẽ không thể xảy ra, trừ phi họ vận hành theo mô hình tác giả trả tiền để được công bố. Cũng là tạp chí khoa học, nhưng chẳng ai dành thời gian để đọc những tạp chí này. Vậy vì sao người ta vẫn công bố trên những tạp chí này? Hoặc là họ ngây thơ (một số các tác giả không thông thạo tiếng Anh rơi vào nhóm này), hoặc là họ quá tuyệt vọng vì cấp trên của họ chỉ quan tâm đến số lượng bài báo họ công bố. Dù bất cứ ai hiểu tại sao chúng lại có thể tồn tại thì cũng sẽ không bao giờ coi trọng chúng, những tạp chí chất lượng thấp như thế này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới những độc giả chưa hiểu rõ bản chất vấn đề.

Tuy vậy, các tạp chí tiếp cận mở nhưng lại có chất lượng cao không phải là điều hiếm hoi. Các tạp chí trực thuộc PLoS là vài ví dụ. Nhiều tạp chí truyền thống và đã có uy tín cũng phần ít phần nhiều chuyển sang tiếp cận mở, và dễ thấy là việc tiếp tục kiểm soát chất lượng là một điều các tạp chí nên làm và muốn làm, nếu muốn giữ vững tầm ảnh hưởng của mình.

Bên cạnh đó, tiếp cận mở cũng mở ra một cách mới để định nghĩa từ “chất lượng.” Ví dụ, một điều thường thấy ở các tạp chí theo mô hình tiếp cận mở là chúng chỉ đánh giá chất lượng bài viết dựa trên tính chắc chắn về kỹ thuật và phương thức của bài viết chứ không phải tính “mới mẻ” hay là độ quan trọng trong ngành của nó. Bản thân việc này có tương đương với tiêu chuẩn chất lượng thật sự hay không là một sự tranh cãi, nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ khích lệ thêm nghiên cứu, và không chỉ ở những ngành, những chủ đề đang nóng hổi.

§

Để tiếp tục và nhắc lại một luận điểm chúng ta đã thấy ở phần 1: cách mà xuất bản khoa học vận hành không bao giờ là độc lập với bản thân cách làm khoa học. Mô hình tiếp cận mở đang thay đổi những ý tưởng truyền thống về kiểu nghiên cứu nào có thể được công bố và điều gì thì không. Bây giờ có cả Journal of Negative Results in Biomedicine (tạm dịch: Tạp chí Những Kết quả Tiêu cực của Y Sinh). Nó công bố những nghiên cứu mà không cho thấy kết quả gì. Và không ngạc nhiên, nó là một tạp chí tiếp cận mở, vì sẽ không bao giờ có lợi nhuận nếu làm khác. Việc tái lập và xác nhận những nghiên cứu trước đó ngày càng phổ biến hơn. Những nghiên cứu này, mặc dù nếu đứng riêng thì không có thú vị gì nhiều, nhưng lại là công cụ hiệu chuẩn hữu ích khi được tập hợp.

Thái độ về việc rút lại bài viết (hay là retraction, có thể vì một lý do nào đó, có thể là hiểu sai số liệu, cách làm thiếu chuẩn xác, hay trong một vài trường hợp, thậm chí là việc giả mạo kết quả), bình thường vô cùng gay go cho sự nghiệp của các nhà khoa học, lại trở nên thoáng hơn với những tạp chí tiếp cận mở (2). Với cách nhìn này, về lâu về dài, kiến thức khoa học sẽ tiếp cận gần hơn tới “sự thật,” hay ít nhất là mô tả chính xác hơn về những điều thật sự đã xảy ra trong phòng thí nghiệm. Có lẽ là quá sớm để dự đoán, nhưng sẽ khá thú vị nếu mô hình tiếp cận mở khiến việc tiết lộ những sự rối rắm trong phòng thí nghiệm, trên thực địa, trong những phép tính toán trên số liệu, lại trở nên chấp nhận được.

Điều này tôi nghĩ sẽ còn gây ra những ảnh hưởng tốt rộng lớn hơn. Khi mà các nhà nghiên cứu không còn e ngại và cho rằng phải đưa ra một bức tranh về khoa học sáng bóng, không hề phạm phải lỗi lầm hay sai sót nào, tuân theo hết thảy các quy tắc và lý tưởng, khoa học sẽ không còn khoác lên một bức tường thành bất khả xâm phạm nữa. Khi được biết rằng những kiến thức trong sách giáo khoa cuối cùng cũng là do con người tìm thấy, học sinh có thể phát triển kỹ năng suy nghĩ và đặt câu hỏi đối với sách vở. Trớ trêu thay, đây là một kỹ năng rất cần thiết cho một nhà nghiên cứu tương lai, nhưng cách chúng ta đối xử kiến thức hiện tại lại khó ươm mầm nó trong những cái đầu trẻ.

Tiếp theo, hãy cân nhắc trích đoạn từ The Access Principle (tạm dịch: Quy tắc tiếp cận, 2006), tác giả Willinsky viết:

Cam kết về giá trị và chất lượng của nghiên cứu đi kèm với trách nhiệm phải giúp càng nhiều người tiếp cận đến nghiên cứu của mình càng nhiều càng tốt, và lý tưởng là tiếp cận tới tất cả những người có hứng thú với nó và những người có thể được hưởng lợi từ nó.

Và cả trích đoạn này từ Joseph (2012) (3):

Điều này phản ánh một thực tế quan trọng trong giới nghiên cứu: công việc sẽ chưa được coi là hoàn thành cho đến khi kết quả được truyền đi một cách hoàn thiện, và có thể tiếp cận để mọi người xây dựng và phát triển trên nội dung đó.

Chúng ta có thể thấy rằng nghiên cứu không còn là một quy trình khép kín, hay công việc của những nhà nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc công bố kết quả trên tạp chí. Việc giúp nhiều người biết đến sản phẩm của mình giờ cũng là trách nhiệm của người nghiên cứu. Việc đảm bảo người có nhu cầu tìm được đúng bài viết họ cần tìm không còn chỉ là câu chuyện của thủ thư và độc giả. Tác giả cũng cần đóng góp vào việc khiến nghiên cứu của họ càng dễ tiếp cận càng tốt. Sự chuyển đổi vai trò này là kết quả tất yếu trong bối cảnh kiến thức khoa học ngày càng rộng lớn. Cán cân giữa “độc giả cần thông tin” và “tác giả cần người đọc” có thể đã nghiêng về vế sau khi mà số lượng bài viết ngày càng tăng lên một cách chóng mặt.

§

Vậy còn nhiệm vụ cốt lõi của mô hình tiếp cận mở thì sao? Tất cả những điều trên sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu nó không thực sự khiến kiến thức khoa học dễ tiếp cận hơn tới nhiều độc giả. Có nhiều cuộc điều tra đặt ra một câu hỏi mà hỏi thì dễ, nhưng trả lời thì khó nếu không có số liệu: việc một bài viết (hay một tạp chí) có được đọc và trích dẫn nhiều hơn không, nếu nó được truy cập miễn phí? Kết quả còn chưa thực sự chắc chắn, nhưng dường như là vậy, ít ra là đối với lượt truy cập và đọc bài viết. Tuy vậy, mô hình tiếp cận mở không chỉ thay đổi ảnh hưởng của khoa học xét về mặt số lượng, mà còn thay đổi cách chúng ta tương tác với kiến thức.

Viết trong Hội thảo Tiếp cận mở Berlin 9, Smith (2011) (4) nhấn mạnh:

Một vài tranh luận hấp dẫn nhất ở Washington về tầm ảnh hưởng của mô hình tiếp cận mở tập trung vào ý tưởng về những “độc giả không ngờ tới.” Từ rất lâu, các nhà nghiên cứu giả định rằng, đặc biệt đối với những nghiên cứu mang tính kỹ thuật cao, tất cả những người cần tiếp cận tới nghiên cứu của họ và có thể hưởng lợi nhuận từ chúng có quyền tiếp cận tới những cơ sở dữ liệu đó. Giả định này hoàn toàn không chính xác, nhưng với sự nổi lên của mô hình tiếp cận mở thì hoàn toàn đã bị phủ nhận. Khả năng của những độc giả không ngờ tới, bao gồm cả những chiếc máy tính có thể nhìn thấy sự kết nối và phát triển những hướng đi mới nhờ có một lượng lớn các bài nghiên cứu, giờ là một trong những lợi ích lớn của mô hình tiếp cận mở và là một trong những nguồn tin chính cho những đổi mới đột phá hơn trong tương lai.

Trong bài diễn thuyết của ông ở Hội thảo Berlin, Giáo sư luật Michael Carroll liệt kê 5 loại độc giả cần có quyền tiếp cận tới bài báo khoa học và có quyền tiếp cận khi mô hình tiếp cận mở trở thành phổ thông. Trong danh sách của ông có “những độc giả không ngờ tới,” những độc giả tình cờ, những người thấy bài viết quan trọng với họ nhưng không hề biết trước họ đang tìm kiếm nó; những độc giả thiếu nguồn tin; những độc giả liên ngành; những độc giả quốc tế và những độc giả máy móc (những chiếc máy tính có thể lấy thông tin từ những mẫu nghiên cứu lớn). Những độc giả tình cờ còn bao gồm cả những người tìm kiếm bài viết từ Google và đáng ra đã phải vướng vào việc phải trả tiền để có thể đọc chúng.

Khi mà các nhà nghiên cứu không còn e ngại và cho rằng phải đưa ra một bức tranh về khoa học sáng bóng, không hề phạm phải lỗi lầm hay sai sót nào, tuân theo hết thảy các quy tắc và lý tưởng, khoa học sẽ không còn khoác lên một bức tường thành bất khả xâm phạm nữa.

Hãy thử tưởng tượng xem. Một ngày kia bạn đang tìm kiếm thông tin về tác dụng của một chất hóa học lên nguồn nước của khu phố bạn. Vì quá xa lạ, chưa có một trang web phổ thông nào tổng hợp thông tin cả. Nhưng bạn hoàn toàn có thể nhấn chuột vào một trong những đường link dẫn đến các bài nghiên cứu trên Google Scholar. Smith (4) còn gợi lại một câu chuyện cảm động về một bài viết mang tính đột phá được viết bởi một em học sinh 15 tuổi, người đã có thể tiếp cận tới cơ sở dữ liệu của những bài báo khoa học.

Với người trong ngành, ít có ai nghi ngờ là mười, mười lăm năm nữa, tiếp cận mở sẽ là tiêu chuẩn của ngành xuất bản khoa học. Sau đó, có thể toàn bộ ngành này sẽ thay đổi tận gốc. Hiện giờ điều này còn khó đoán. Tuy vậy có một điều ta có thể thấy rõ: Định nghĩa về ai là người tiêu dùng và sử dụng kiến thức khoa học, và ai là người tạo ra chúng, đang thay đổi vì mô hình tiếp cận mở, và theo chiều hướng phần lớn là tích cực. Với một cá nhân muốn đi xuyên qua những bức tường thành và tiếp nhận những thông tin có giá trị với họ, thật chưa bao giờ dễ dàng hơn lúc này. Thật thú vị khi thấy sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ thay đổi cách tạo ra và lan truyền chúng tới những nhóm có nhu cầu như thế nào. Kỷ nguyên thông tin mở đang tạo ra những vai trò mới từng phút một, đặc biệt khi tiếp cận mở là mô hình của tương lai.

 

Tài liệu được trích dẫn trong bài:

(1) Poynder, R. (2011). PLoS ONE, Open Access, and the Future of Scholarly Publishing. Retrieved May 30, 2015, from http://poynder.blogspot.com/2011/03/plos-one-open-access-and-future-of.html  

(2) Peterson, G. (2013). Characteristics of retracted open access biomedical literature: A bibliographic analysis. Journal of the American Society for Information Science and Technology, 2428-2436.  

(3) Joseph, H. (2012). The impact of open access on research and scholarship: Reflections on the Berlin 9 Open Access Conference. College & Research Libraries News, 73(2), 83-87.  

(4) Smith, K. (2011). The unexpected reader. Retrieved May 31, 2015, from http://blogs.library.duke.edu/scholcomm/2011/11/15/the-unexpected-reader/  

(5) Van Noorden, R. (2013). The true cost of science publishing. Nature, 495(7442), 426-429.


  1. Internet là công cụ không thể thiếu để biến ý tưởng mô hình tiếp cận mở trở nên khả thi. Các bản sao có thể tiếp cận bởi mọi độc giả mà không phải tốn thêm chi phí nào cho những nhà xuất bản, điều mà không hề khả thi đối với tạp chí in. Chỉ xuất bản trực tuyến sẽ rẻ hơn xuất bản in (5). Những lợi ích khác bao gồm không gian trao đổi không giới hạn và có các công cụ mạnh mẽ để lập các kho thông tin và liên kết các bài viết, các mẩu kiến thức hỗ trợ hay phản biện nhau.

  2. Đương nhiên là các nhà khoa học không bỏ tiền túi của mình, khoản tiền này thường đến từ các nguồn tài trợ cho bản thân nghiên cứu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Xa mặt nhưng không cách lòng
Yêu xa là gì? Bạn có đang trong mối quan hệ yêu xa với người thương bên kia trái đất? Liệu khoảng cách có giúp những trái tim xích gần nhau hơn không?
Mới nhất