Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Amanda Gefter | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Thành Nguyên | Hiệu đính:  coda
13/07/2019

“Câu hỏi về tồn tại1 là câu hỏi sâu thẳm nhất trong mọi thể loại triết học.” William James2 đã kết luận như vậy khi suy nghĩ về câu hỏi căn bản nhất kia: làm thế nào mà tồn tại đến từ hư vô3? Câu hỏi gây nỗi điên cuồng, James nhận ra được điều đó, bởi nó đòi hỏi một lời giải thích trong khi bác bỏ chính cái khả năng xuất hiện của lời giải thích đó. “Từ hư vô đến tồn tại, chẳng có một cầu nối hợp lý nào,” ông đã viết như vậy.

Trong khoa học, các lời giải thích được xây dựng nên từ nguyên nhân và kết quả. Nhưng nếu hư vô thực sự là hư vô, thì nó lại thiếu đi sức mạnh gây ra nguyên nhân. Không chỉ là chúng ta không thể tìm được lời giải thích thỏa đáng – mà là việc bản thân việc giải thích đã thất bại khi phải đối mặt với hư vô

Thất bại này đánh ngay vào chỗ hiểm của chúng ta. Chúng ta là một loài tự sự. Những hiểu biết cơ bản nhất của chúng ta đến từ các câu chuyện kể, và cái cách mà một-thứ-gì-đó nảy ra từ hư vô là câu chuyện tối thượng cuối cùng, nguyên thủy, cơ bản hơn cả những sử thi về hành trình của người anh hùng, hay những câu chuyện về chàng và nàng. Nhưng đây là loại câu chuyện làm suy yếu đi chính cái ý niệm về những câu chuyện4. Bởi câu chuyện này được xây dựng từ sự tự hủy diệt và nghịch lý.

Sao có thể khác được? Hư vô – một chữ mà chính bản thân nó đã là nghịch lý, bởi đơn thuần cái sự tồn tại của nó đã là một chữ. Nó là một danh từ, một thứ, nhưng nó lại chẳng là gì. Cái giây phút mà chúng ta tưởng tượng về nó, nói ra tên nó, chúng ta đã phá hỏng sự trống rỗng của nó với cái vấy bẩn của ngữ nghĩa. Ta sẽ phải hỏi rằng, vậy thì, vấn đề nằm ở hư vô hay vấn đề nằm ở chúng ta? Vấn đề này thuộc vũ trụ học hay ngôn ngữ học? Triết học hiện sinh hay khoa học tâm lý ? Nó là nghịch lý của vật lý, hay là nghịch lý của tư duy?

Dù sao đi nữa, điều cần nhớ là: Giải pháp cho nghịch lý luôn nằm ở câu hỏi, chẳng bao giờ nằm ở câu trả lời. Ở đâu đó hẳn phải có một trục trặc, một giả định thiếu sót, một xác định sai lầm. Ngắn gọn như cái câu hỏi “làm sao tồn tại đến từ hư vô?” thì chẳng có nhiều nơi để những thứ kia lẩn trốn. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta cứ hết lần này đến lần khác quay trở về cùng một ý tưởng cũ rích, khoác lên đó những kiểu cách tiến bộ và mới mẻ, trình diễn khoa học như những bản phức điệu rối ren, hay những biến thể của cùng một chủ đề. Với mỗi lần lướt qua nó, chúng ta cố đặt thêm một viên đá lát đường lên cây cầu nối mơ hồ của James.

***

Viên đá xây cầu cổ xưa nhất là đây: Nếu bạn không thể lấy được gì ra từ hư vô, hãy cố khiến hư vô bớt hư vô. Những người Hy Lạp cổ đại cho rằng không gian trống rỗng vẫn chứa đầy vật chất – một khoảng đầy (plenum)5, hay một thinh không (ether)6. Aristotle7 quan niệm rằng ether là một nguyên tố thứ năm bất biến, với sự bất biến hoàn hảo và thoát tục hơn so với đất, khí, lửa, nước8. Hư vô đích thực thì mâu thuẫn với quan niệm vật lý của Aristotle, ông cho rằng vật thể đi lên hoặc rơi xuống dựa vào vị trí phù hợp của chúng trong trật tự tự nhiên. Hư vô, trái lại, phải đối xứng một cách hoàn hảo. Nó phải giống nhau tại tại mọi điểm nhìn; khiến cho những chiều hướng không gian tuyệt đối như “lên” và “xuống” trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Ether mà Aristotle tìm ra, có thể được sử dụng như một la bàn vũ trụ, một khung tham chiếu cơ bản để đo đạc mọi loại chuyển động có thể đo đạc được. Đối với những người chán ghét chân không, ether đã xóa bỏ hoàn toàn mọi dấu vết của nó9.

Ether cổ đại bị mắc kẹt trong nhiều thiên niên kỷ cho đến khi nó được hình dung lại vào cuối thế kỷ 19 bởi những nhà vật lý học như James Clerk Maxwell, người đã khám phá ra rằng ánh sáng là một loại sóng luôn di chuyển với một vận tốc cụ thể10. Vậy thì cái gì đang di chuyển dạng sóng, và, vận tốc của nó có liên quan đến điều gì? Ether là câu trả lời tiện lợi, nó tạo môi trường cho những tia sóng ánh sáng di chuyển qua, và như Aristotle đã tưởng tượng từ lâu, nó là một khung tham chiếu để soi rọi mọi thay đổi diễn ra trong vũ trụ11. Nhưng khi Albert Michelson và Edward Morley tiến hành đo lường chuyển động của Trái Đất thông qua “cơn gió ether” vào năm 1887, họ đã chẳng tìm thấy được gì12. Với thuyết tương đối hẹp13, Einstein đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của ether ngay sau đó.

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã coi thinh không chỉ còn là một sự lạ lùng lịch sử, một hồi tưởng dĩ vãng. Nhưng lại khó bị chôn vùi. Ngày nay, nó có thể xuất hiện thoáng qua trong một dạng mới: trường Higgs (Higgs field), thứ lan tỏa khắp chân không của không gian trống rỗng và sự phấn khích mà trường Higgs gây ra đến từ một thứ giờ đây đang vô cùng nổi tiếng – hạt Higgs. Trường Higgs là trường vô hướng14 duy nhất được xác nhận bằng thực nghiệm. Nó chỉ có đúng một giá trị tại mọi điểm trong không gian (không giống như trường miêu tả ánh sáng, trong đó mọi điểm đều có cả kích thước và chiều hướng). Điều này quan trọng bởi nó ngụ ý rằng trường Higgs luôn giống nhau đối với bất kỳ người quan sát nào, bất kể họ đứng yên hay đang tăng tốc.

Hơn nữa, chuyển động spin lượng tử của trường Higgs bằng không, đảm bảo rằng nó giống nhau từ mọi góc nhìn. Chuyển động spin là một đơn vị đo lường việc chúng ta phải xoay một hạt bao nhiêu vòng để nó trở lại trạng thái trước khi xoay. Những hạt mang lực (photon, gluon) có spin là số nguyên — biểu thị số vòng quay tròn 360 độ để  chúng trở về trạng thái ban đầu. Các hạt vật chất (electron, quark) có vòng quay bán nguyên, nghĩa là chúng phải quay hai lần, 720 độ, để trở lại trạng thái ban đầu. Nhưng hạt Higgs thì có số vòng là không. Bất kể bạn quay nó bao nhiêu vòng đi nữa, nó đều luôn giống nhau. Cũng giống như khoảng không. Đối xứng tương ứng với tính vô hình15.

Dựa theo trực giác của Aristotle, các nhà vật lý học ngày nay coi hư vô là trạng thái đối xứng tuyệt đối – một sự đồng đều vĩnh hằng có khả năng loại trừ đi sự khác biệt mà người ta phải dựa vào để định nghĩa một “thứ” nào đó. Quả thế, khi các nhà vật lý tua lại bộ phim vũ trụ, truy dấu lịch sử xa xưa, họ đã thấy những mảnh vỡ rời rạc của một thực tế; những mảnh này tái hợp và đồng nhất thành một trạng thái đối xứng liên tục phát triển, một sự đối xứng biểu thị cho một nguồn cội – và biểu thị cho một hư vô.

Trường Higgs trở nên nổi tiếng bởi nó cung cấp cho các hạt cơ bản một khối lượng16, nhưng điều này lại che khuất ý nghĩa thực sự của nó. Thực ra, cung cấp cho các hạt khối lượng thì dễ: chỉ cần làm chậm chúng hơn vận tốc của ánh sáng và, thế là xong, khối lượng hiện ra. Nhưng phần khó nhất là làm sao cung cấp cho các hạt khối lượng mà không phá vỡ đi tính đối xứng nguyên thủy của chúng. Trường Higgs đạt được thành tựu đáng chú ý này bằng cách nhận lấy một giá trị khác không (nonzero value) ngay cả tại trạng thái năng lượng thấp nhất. Tàng ẩn trong mỗi góc của khoảng trống là 246 gigaelectronvolt từ hạt Higgs – chỉ là chúng ta không bao giờ chú ý tới điều này bởi nó giống nhau tại mọi điểm. Chỉ có một trường vô hướng mới có thể ẩn nấp ngay trước mắt ta mà không bị phát giác. Nhưng các hạt cơ bản chỉ ra nó. Mỗi khi khối lượng của một hạt phá vỡ tính đối xứng của vũ trụ, thì hạt Higgs lại xuất hiện, đóng vai khoảng không, sửa chữa những thiệt hại. Luôn làm việc trong bóng tối, hạt Higgs giữ cho vũ trụ luôn luôn đối xứng. Ta có thể thông cảm (thậm chí là tha thứ) cho khuynh hướng đánh bóng tôn giáo của các nhà báo khi họ gọi hạt Higgs là “hạt của Chúa17” – ngay cả Leon Lederman, người sáng tạo ra cái thuật ngữ báng bổ này, ban đầu gọi nó là “cái hạt Chúa đánh Thánh đâm,” nhưng từ này không qua mắt được nhà xuất bản của ông.18

Tất cả những thứ trên ngụ ý rằng, trường Higgs gần với hư vô hơn là khái niệm về ether của Maxwell. Đây là nét cọ mới nhất mà ta tô vẽ vào hư vô. Với tính đối xứng bất thường của nó, trường Higgs đóng vai trò như một lớp ngụy trang của hư vô – nhưng bản thân nó không phải là hư vô. Nó có cấu trúc; nó có tương tác. Nguồn gốc vật lý của 246 gigaelectronvolt vẫn chưa được biết. Với trường Higgs, chúng ta có thể tiệm cận với hư vô, nhưng không thể vượt qua nó.

***

Nếu việc khiến hư vô bớt giống với hư vô chẳng trả lời được câu hỏi “làm sao thứ gì đó đến từ hư vô,” có lẽ chúng ta nên khiến nguyên nhân bớt giống với nguyên nhân. Điều này cũng có một lịch sử dài. Việc những con giòi bỗng nhiên chui ra từ miếng thịt thối đã dẫn đến một niềm tin rộng rãi vào Thuyết tự sinh19 thời Aristotle; hơi thở cuộc sống có thể được vật chất hóa từ không khí. Ranh giới giữa chẳng-có-gì và một-thứ-gì-đó tương đồng với ranh giới giữa sự sống và sự chết, tinh thần và vật chất, Chúa Trời và thế giới phàm trần. Cách lý giải này mang theo toàn bộ cái phức hợp của tôn giáo và niềm tin, và tạo ra một câu trả lời khá bao quát cho nghịch lý của chúng ta. Chúng ta chấp nhận lý thuyết này trong suốt 2000 năm, mãi cho đến khi nó bị nhà sinh vật học Louis Pasteur bác bỏ vào năm 1864. Omne vivum ex vivo – mọi sự sống đều đến từ sự sống. Trong những thập kỷ tiếp theo đó, chúng ta lại coi Thuyết tự sinh như một sự lạ lùng lịch sử khác. Nhưng, cũng giống như ether, ngày nay nó đã trở lại, dưới vỏ bọc mang tên sự biến thiên lượng tử20.

Được rèn giũa bởi sự bất định, biến thiên lượng tử là kết quả mà chẳng cần nguyên nhân, là sự nhiễu loạn đằng sau tín hiệu, một thứ sóng nhiễu nguyên thủy, ngẫu nhiên đến tận xương tủy. Định luật của cơ học lượng tử cho phép – thực ra là đòi hỏi – năng lượng (và, theo như công thức E=mc2, thì là khối lượng) xuất hiện từ “chẳng-nơi-nào.” Creatio ex ninilo, sáng tạo từ hư vô, có vẻ là như vậy. 

Nguyên lý bất định của Heisenberg21 là nguồn gốc tự nhiên của những con giòi lượng tử. Nguyên lý này phát biểu rằng có những cặp tính chất vật lý –  vị trí và động lượng , năng lượng và thời gian – bị ràng buộc vào nhau bởi một tính không xác định căn bản, vậy nên khi chúng ta càng xác định chính xác được một thứ, thì thứ còn lại sẽ càng trở nên mơ hồ. Cùng với nhau, chúng hình thành một cặp liên hợp, và cùng nhau, chúng loại trừ sự tồn tại của hư vô. Tìm đến một vị trí trong không gian, thì động lượng sẽ thay đổi điên cuồng để bù lại; đo lường càng chính xác, thì năng lượng sẽ chao đảo trên một dải toàn các giá trị không chắc chắn, thứ càng lúc càng mở rộng ra. Chỉ trong cái chớp mắt ngắn nhất, với những khoảng cách nhỏ nhất, cả vũ trụ có thể vụt xuất hiện, và biến mất. Khi phóng to đủ gần, nhìn vào thế giới, cái thực tại gọn gàng và bình lặng của chúng ta sẽ nhường chỗ cho hỗn loạn và ngẫu nhiên22.

Chỉ có điều, các cặp liên hợp này không phải tự chúng ngẫu nhiên: Chúng là những cặp tính chất mà người quan sát chẳng thể nào đo lường được đồng thời. Dù cho biến thiên lượng tử vẫn thường được miêu tả như thế này như thế nọ, cái thứ “ngồi ngoài kia” không phải là một thực tại nào đó đã hiện hữu từ trước, lắc qua lắc lại cho chúng ta xem. Thực nghiệm đã luôn chứng minh rằng cái thứ “ngồi ngoài kia” chẳng có đi đứng nằm ngồi gì hết, nó đang chờ đợi. Chưa được sinh ra. Biến thiên lượng tử không mô tả sự tồn tại, mà mô tả các điều kiện – những biến thiên này không phải là sự phản ánh của một thứ gì đã có, mà chúng là sự phản ánh về một thứ có thể trở thành khi mà một người quan sát chọn một cách đo lường cụ thể nào đó. Nghĩa là, khả năng đo lường của người quan sát sẽ xác định thứ gì mới tồn tại. Bản thể luận tóm tắt nhận thức luận 23. Sự bất định (uncertainty) của tự nhiên cũng là sự bất định của người quan sát.

Việc gán các giá trị xác định vào những tính chất của một hệ thống thực về cơ bản là bất khả thi, điều này có nghĩa là khi một người quan sát thực hiện một phép đo, kết quả thuần túy chỉ là ngẫu nhiên. Ở quy mô nhỏ, nơi mà những kết quả lượng tử ngự trị, chuỗi nhân quả đã chết tức tưởi. Cơ học lượng tử, nói như cha đẻ của nó là Niels Bohr, “thì bất khả hòa hợp với cái ý tưởng về nhân quả.” Einstein đã từng lưỡng lự trước ý tưởng này. “Chúa chẳng chơi trò xúc xắc,” Einstein nói, và Bohr trả lời, “Einstein này, dừng ngay cái việc bảo Chúa phải làm gì đi.”

Nhưng có lẽ chúng ta mới là người đáng trách, bởi cứ kỳ vọng rằng nhân quả phải giữ vị trí ưu tiên. Quá trình tiến hóa đã rèn cho chúng ta phải tìm ra quy luật nhân quả bằng bất cứ giá nào. Khi tổ tiên của chúng ta lang thang khắp các thảo nguyên Châu Phi, khả năng nhận biết được kết quả từ các nguyên nhân đánh dấu ranh giới giữa sống và chết. Cô ta ăn một cây nấm rực rỡ màu sắc, vậy là ngã bệnh. Con cọp cúi rạp xuống trước khi vồ mồi. Các câu chuyện kể đồng nghĩa với sự sống còn. Chọn lọc tự nhiên không có tác dụng đối với vật lý lượng tử – làm sao chúng ta thấy được điều này? Tuy nhiên, nó tới rồi đây. Nhân quả chỉ là tương đối. Tâm trí của chúng ta, chỉ biết thèm khát câu chuyện, liền rối tung lên.

Thế là xong ư? Câu trả lời cho câu hỏi “tại sao tồn tại” chỉ đơn giản là chẳng có “tại sao” gì cả, sự tồn tại chỉ là một sự biến thiên lượng tử ngẫu nhiên vậy sao? Vậy chúng ta có thể quên đi lời giải thích, và chỉ đơn giản là nhảy một bước nhảy lượng tử qua khỏi cây cầu nối của James. Làm sao mà thứ gì đó đến từ hư vô? Chẳng có lý do gì cả. Thật không may, mánh này chỉ đưa ta đến đó thôi. Trong khi các nhà vũ trụ học tin rằng các định luật của cơ học lượng tử có thể tự sinh ra vũ trụ, thì câu chuyện này lại tiếp tục tiến xa hơn. Vậy các định luật này đến từ đâu? Hãy nhớ rằng, chúng ta đang muốn giải thích rằng làm sao mà một thứ gì đó đến từ hư vô – chứ không phải việc một thứ gì đó đến từ những định luật vật lý có sẵn. Vứt bỏ luật nhân quả khỏi phương trình thì chưa đủ. Nghịch lý vẫn sừng sững ở đó.

***

Đầu tiên, chẳng có gì. Và rồi, có thứ gì đó.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là Thời gian, Kẻ mang Thay đổi. Liệu chìa khóa giải quyết nghịch lý của chúng ta có thể là một sự phủ định chính thời gian? Nếu thời gian, như Einstein nói, chỉ đơn thuần là một ảo ảnh dai dẳng24, chúng ta có thể bỏ đi hết ngay lập tức, không chỉ bỏ đi cái quan hệ nhân quả có nguồn gốc từ các định luật tự nhiên, mà bỏ luôn câu hỏi rằng những định luật ấy đến từ đâu. Chúng chẳng đến từ đâu, bởi chẳng có gì gọi là tiến triển cả. Câu chuyện kể sẽ tan biến đi. Chẳng có câu chuyện nào. Chẳng có cây cầu nối nào.

Khái niệm về một vũ trụ vĩnh cửu, hay một vũ trụ tuần hoàn, hoạt động dựa trên sự luân hồi vĩnh cửu25, đã xuất hiện trong những  huyền thoại và câu chuyện cổ đại, từ huyền thoại của người Bantu, cho đến Dreamtime của người Thổ dân Úc, đến vũ trụ của triết gia Hy Lạp cổ đại Anaximander, và đến kinh văn Puranas của đạo Hindu cổ. Ta có thể hiểu vì sao khái niệm này hấp dẫn. Sự vĩnh cửu trốn thoát cái hư vô.

Trong kỷ nguyên hiện đại, ý tưởng cổ đại này trở lại trong vai một lý thuyết về trạng thái ổn định (steady-state), được Ngài James Jeans26 đưa ra vào những năm 1920, rồi được bổ túc và phổ biến bởi Fred Hoyle27 và những người khác vào những năm cuối 1940. Họ nói rằng: vũ trụ mở rộng, nhưng vật chất mới liên tục xuất hiện để lấp đầy các khoảng trống, vậy thì, nhìn một cách toàn thể, vũ trụ không bao giờ thay đổi. Thuyết này sau đó hóa ra là sai lầm. Sau này nó được thay thế bằng thuyết Big Bang và sự vĩnh cửu giảm xuống còn chỉ còn mỗi 13,8 tỷ năm.

Nhưng vào những năm 1960, vũ trụ luân hồi lại tái xuất hiện theo một dạng mới lạ khác – cụ thể là là trong một phương trình trông giống như sau: H(x)|Ψ >= 0. Hai nhà vật lý John Archibald Wheeler và Bryce DeWitt đã viết nên phương trình trên – nay được biết đến với tên gọi phương trình Wheeler-DeWitt, dù Dewitt thích gọi nó là “phương trình chết tiệt” (không liên quan đến cái hạt Chúa đánh Thánh đâm nói trên (hạt Higgs – ND)). Phương trình trên là nỗ lực áp dụng các định luật lạ lùng của vật lý lượng tử lên toàn thể vũ trụ, như Einstein đã mô tả trong thuyết tương đối rộng của mình28. Vế phải của phương trình là một thứ rất đáng chú ý: số 0. Tổng năng lượng của cả hệ thống là chẳng-có-gì. Chẳng có sự diễn tiến theo thời gian29. Chẳng có gì xảy ra. Vấn đề là, cuối cùng, vũ trụ của Einstein là một không-thời gian bốn chiều (Four-dimensional spacetime), một sự kết hợp của không gian và thời gian. Trong khi đó, cơ học lượng tử đòi hỏi rằng dạng hàm sóng của một hệ vật lý phải biến thiên theo thời gian30. Nhưng làm sao mà không-thời gian có thể biến thiên theo thời gian khi nó chính là thời gian? Đây là một thế lưỡng nan đáng sợ – một vũ trụ đúng như cơ học lượng tử mô tả thì chắc chắn sẽ bị đóng băng vĩnh viễn. Phương trình Wheeler-DeWitt là một vũ trụ đảo ngược của trạng thái ổn định. Thay vì một vũ trụ vốn đã luôn tồn tại, thì giờ đây chúng ta lại thấy một vũ trụ sẽ không bao giờ tồn tại.

Phương trình Wheeler-Dewitt. Nguồn ảnh: tomate.wordpress

Bằng cách này, phương trình Wheeler-DeWitt đã giải quyết một cách tao nhã vấn đề của chúng ta. Làm sao mà tồn tại đến từ hư vô ư? Chẳng hề. Dĩ nhiên, đó là một câu trả lời rắc rối khi mà, rõ ràng là, chúng ta đang tồn tại đây thôi.

Và đó chính là điểm đáng nói. Trong cơ học lượng tử, không có gì xảy ra đến khi một người quan sát (có thể là con người hay bất kỳ một cấu tạo nào khác từ các hạt) thực hiện một phép đo. Nhưng khi nói đến việc vũ trụ như một toàn thể (the universe as a whole), thì chẳng có người quan sát nào cả. Không ai có thể đứng bên ngoài vũ trụ. Về tổng thể, vũ trụ bị mắc kẹt trong một khoảnh khắc vĩnh cửu. Nhưng từ bên trong này, mọi thứ trông rất khác.

Ở bên trong, một người quan sát không thể đo lường toàn thể vũ trụ, và buộc phải chia tách thực tại ra làm hai – người quan sát và thứ bị quan sát – bởi một thực tế đơn giản nhưng sâu sắc rằng, người quan sát không thể đo lường được chính mình. Như nhà vật lý học Raphael Bousso đã viết, “Rõ ràng, thiết bị phải có số bậc tự do ít nhất là bằng với bậc tự do của hệ thống mà nó đang cố đo lường trạng thái lượng tử 31.” Triết gia khoa học Thomas Breuer sử dụng một tranh luận kiểu Gödelian để nhấn mạnh quan điểm trên: “Không người quan sát nào có thể thu thập hoặc lưu trữ thông tin đủ để phân biệt tất cả trạng thái của một hệ thống mà trong đó chứa anh ta.”

Là người quan sát, chúng ta chỉ thấy được một mảnh ghép từ một bức tranh rộng lớn hơn mà chúng ta là một phần trong đó. Và có thể chính điều này lại là ân sủng cứu rỗi chúng ta. Khi vũ trụ chia làm hai, con số không của vế phải phương trình sẽ nhận được một giá trị mới. Mọi thứ thay đổi. Vật lý xảy ra. Thời gian bắt đầu trôi. Bạn thậm chí có thể nói rằng vũ trụ đã được sinh ra.

Nếu điều này nghe có vẻ phản-nhân-quả32, thì đúng là vậy đấy. Thuyết lượng tử đòi hỏi sự đảo ngược kỳ lạ của mũi tên thời gian. Wheeler nhấn mạnh vào sự thật này với thí nghiệm sự lựa chọn bị trì hoãn, thứ mà ban đầu chỉ là một thí nghiệm tưởng tượng33, nhưng sau đó đã được chứng minh thành công bằng thực nghiệm. Trong thí nghiệm sự lựa chọn bị trì hoãn, một phép đo của người quan sát trong hiện tại xác định hành vi của một hạt trong quá khứ  – một quá khứ có thể xảy ra từ hàng triệu, thậm chí là 13.8 tỷ năm về trước. Chuỗi nhân quả tự quay về chính nó, điểm cuối lại nối vào điểm bắt đầu của nó: cây cầu nối của James trở thành một vòng lặp.

Có khi nào tồn tại chính là hư vô nhìn từ bên trong? Nếu vậy, sự khó chịu của chúng ta đối với hư vô có lẽ lại ẩn chứa một điều sâu sắc: Bản chất con người làm ta rùng mình trước ý niệm về hư vô, nhưng cũng có thể chính góc nhìn đầy tính người và bị giới hạn của chúng ta cuối cùng sẽ giải quyết dứt điểm cái nghịch lý này.


  1. Being: Theo các tài liệu triết học được dịch ở Việt Nam, các tác giả có xu hướng dịch “being” là “hiện hữu” hoặc “tồn tại.” Ở trong bài dịch này, dịch giả sử dụng từ “tồn tại” để gần gũi với độc giả. Ngoài ra, tác giả bài viết sử dụng đồng nghĩa hai từ “being” và “existence,” vậy nên dịch giả áp dụng cách dịch “tồn tại” cho cả hai từ trên.

  2. William James (1842 – 1910) là một nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ. Ông đã viết những cuốn sách có tầm ảnh hưởng về khoa học tâm lý, tâm lý học giáo dục, tâm lý học trải nghiệm tôn giáo, chủ nghĩa thần bí cũng như triết học về chủ nghĩa thực dụng. Ông thường được gọi là “Người khai sinh Triết học Mỹ.”

  3. Something và Nothing: Đối với “nothing” và “nothingness”, dịch giả dựa vào cách dịch “hư không” mà các dịch giả thế kỷ trước từng sử dụng đối với tác phẩm (như trong L’Être et le Néant / Being and Nothingness). Đối với “something,” nhận thấy tác giả của bài biết sử dụng tương đồng hai từ “being” và “something,” nên tùy vào ngữ cảnh, dịch giả cùng sử dụng từ “tồn-tại” cho hai từ trên, hoặc sử dụng “một-thứ-gì-đó” cho từ “something” trong một vài trường hợp.

  4. Bằng tam đoạn luận:
    i. Bởi câu chuyện là nguyên nhân (còn hiểu biết của chúng ta là kết quả)
    ii. Nếu hư không là nguyên nhân (còn thứ gì đó là kết quả đến từ hư không)
    iii. Thì câu chuyện cũng là hư không, nghĩa là không tồn tại.
    Tác giả ngụ ý rằng, nếu có thể chứng minh được rằng làm sao mà tồn tại đến từ hư không, thông qua một câu chuyện, thì chính cái câu chuyện này tự bác bỏ nó, bởi nó chính là hư không, là không gì cả.

  5. Plenum: Khoảng không chứa đầy vật chất, ngược với khoảng trống. Aristotle (384–322 TCN) phân biệt sự khác nhau giữa cái gọi là vật chất (matters), và cái gọi là khoảng không (space), trong đó, khoảng không là cái hộp chứa (receptacle) mà vật chất có thể được đặt vào.

  6. Trong vật lý, ête (ether) là môi trường giả định phi vật chất lấp đầy toàn bộ không gian, được tưởng tượng để lý giải môi trường đặc biệt giúp lan truyền sóng ánh sáng (và sóng điện từ) theo quan điểm của cơ học cổ điển. Thí nghiệm Michelson-Morley đã bác bỏ giả thuyết về sự tồn tại của môi trường ête này.

  7. Aristotle (384 – 322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học , ngôn ngữ học, kinh tế học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học, và được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học chính trị.” Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học thực hành, thông qua quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại.

  8. Hy Lạp cổ đại quan niệm rằng thế giới được cấu thành bởi bốn nguyên tố trần tục là đất (earth), nước (water), khí (air), và lửa (fire). Bốn nguyên tố đất, nước, khí, lửa cũng xuất hiện trong truyền thống của Đạo Hindu, Đạo Phật, hay Đạo Bon của người Tây Tạng. Nguyên tố thứ năm xuất hiện trong các truyền thống trên với tên gọi hư không hoặc không gian.

  9. Ngụ ý của tác giả là, vũ trụ không chứa đựng thứ gì gọi là chân không, mà chứa đầy các ether.

  10. James Clerk Maxwell (1831 – 1879) là nhà toán học, nhà vật lý học người Scotland. Thành tựu nổi bật nhất của ông là xây dựng nên lý thuyết cổ điển về bức xạ điện từ, bắc chiếc cầu nối đầu tiên giữa điện học, từ học, và ánh sáng như là biểu hiện của cùng một hiện tượng. Maxwell đã viết về Ether trong tạp chí Encyclopædia Britannica như sau: “Ether đã được phát minh nhằm cho phép các hành tinh có thể bơi lội trong đó, có thể tạo nên bầu khí quyển mang điện tích và dòng từ tính, có thể truyền cảm giác từ một phần của cơ thể này sang một phần của cơ thể khác, và cứ thế, đến khi toàn bộ không gian được lấp đầy gấp ba hay bốn lần bởi các Ether (ý tác giả nói rằng, Ether được gán với nhiều loại ý nghĩa khác nhau, nhiều đến nỗi không gian không thể chứa hết được – ND). Ether duy nhất còn sót lại là thứ được phát minh bởi Huygens nhằm giải thích sự lan truyền ánh sáng.”

  11. Trước đó, các nhà vật lý không thể nào giải thích được tại sao một ánh sáng dạng sóng lại có thể đi xuyên qua được một không gian trống rỗng. Ether được quan niệm là một phương tiện lan tỏa trong không gian, là thứ khiến sóng ánh sáng có thể đi xuyên qua.

  12. Hai nhà vật lý học Albert Michelson và Edward Morley, vào năm 1887, đã tiến hành thí nghiệm Michelson–Morley nhằm xác định được sự tồn tại của ether. Xin trích một đoạn trong Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, chương I của Stephen Hawking để làm rõ hơn về thí nghiệm này:
    “Albert Michelson và Edward Morley của trường khoa học ứng dụng ở Cleveland, bang Ohio đã thực hiện các thí nghiệm cẩn thận và chính xác nhất vào năm 1887. Họ so sánh tốc độ ánh sáng của hai chùm sáng vuông góc với nhau. Vì trái đất tự quay quanh mình và quay quanh mặt trời nên dụng cụ thí nghiệm sẽ di chuyển trong ê-te với tốc độ và hướng thay đổi. Nhưng Michelson và Morley cho thấy rằng không có sự khác biệt giữa hai chùm sáng đó. Hình như là ánh sáng truyền với tốc độ như nhau đối với người quan sát, không phụ thuộc vào tốc độ và hướng của người chuyển động.” Trích (Hawking, Stephen. Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ; Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Hồng Nam d.; Đặng Vĩnh Thiên, Chu Hảo h.đ. – In lần thứ 19 – TP. Hồ Chí Minh : NXB Trẻ, 2018.)

  13. Special theory of relativity, một học thuyết vật lý của Albert Einstein. Học thuyết này “hẹp” (hoặc đặc biệt/special) là bởi nó chỉ áp dụng cho những trường hợp đặc biệt mà độ cong của không thời gian do lực hấp dẫn là không đáng kể. Để bao hàm cả trường hấp dẫn, Einstein đã thiết lập lên thuyết tương đối rộng vào năm 1915.
    Thuyết tương đối hẹp thể hiện hai tiền đề, một trong hai tiền đề đó là Nguyên lý của tính bất biến tốc độ ánh sáng: “… ánh sáng luôn luôn lan truyền trong chân không với vận tốc [tốc độ] xác định c mà độc lập với trạng thái chuyển động của nguồn phát”. Có nghĩa là ánh sáng trong chân không chuyển động với tốc độ c (một hằng số cố định, độc lập với hướng chuyển động) trong ít nhất mọi hệ quy chiếu quán tính (còn gọi là “hệ quy chiếu dừng”), bất kể trạng thái chuyển động của nguồn sáng là như thế nào.

  14. Scalar field – Trường vô hướng: Trong phạm trù vật lý, trường vô hướng đòi hỏi phải được độc lập với sự lựa chọn của khung tham chiếu, nghĩa là hai người quan sát sử dụng cùng một đơn vị đo lường sẽ cùng đồng ý với một giá trị nào đó trong không gian của trường vô hướng, bất kể vị trí đứng của hai người. Các trường vô hướng tiêu biểu là sự phân bố nhiệt độ trong không gian, sự phân bố áp suất trong chất lỏng, trường lượng tử của các hạt có spin bằng 0, chẳng hạn như trường Higgs (độc giả sẽ được tiếp cận ngay với khái niệm với những dòng tiếp theo trong bài viết).

  15. “Đối xứng tương ứng với tính vô hình.” Tác giả ngụ ý rằng, khi một thứ đối xứng toàn vẹn, nghĩa là thứ đó sẽ luôn giống nhau bất kể góc nhìn của người quan sát có đặt ở phía nào đi chăng nữa, do vậy, người quan sát không thể thấy sự thay đổi của thứ đối xứng toàn vẹn này.

  16. Các hạt khi tương tác với trường Higgs sẽ nhận lấy một khối lượng, và cũng giống như việc một vật thể đi qua một lớp nhớt, các hạt sẽ di chuyển chậm lại.
    Bản thân khối lượng không được tạo ra từ trường Higgs; bởi cái hành động tạo ra vật chất và năng lượng từ hư không thì vi phạm định luật bảo toàn (law of conservation). Khối lượng, tuy nhiên, được trao cho các hạt thông qua việc trường Higgs sử dụng các hạt Higgs. Hạt Higgs chứa một khối lượng tương đối, cái khối lượng ẩn mình dưới dạng năng lượng, và mỗi khi trường Higgs trao một khối lượng nào đó cho một hạt phi khối lượng nào đó (cụ thể, là hai loại hạt có họ boson (họ boson là loại hạt có giá trị spin nguyên, 0 hoặc 1), là photon và gluon), thì hạt này sẽ chậm lại, hay nói cách khác, giờ đây nó đã “nặng” hơn.
    Nếu trường Higgs không tồn tại, thì các hạt sẽ không có khối lượng để thu hút nhau, và sẽ bay tự do với vận tốc ánh sáng. Trọng lực cũng sẽ không tồn tại, bởi khối lượng chẳng tồn tại để mà thu hút những khối lượng khác.
    Độc giả có thể tham khảo thêm tại: https://simple.wikipedia.org/wiki/Higgs_field

  17. The Goddamn particle – còn được gọi là “hạt bị Chúa nguyền rủa, hạt mắc dịch.”

  18. Tên gọi này xuất phát từ nhan đề cuốn sách năm 1993 về boson Higgs và vật lý hạt The God Particle: If the Universe Is the Answer, What Is the Question? của Leon Lederman. Ông đã muốn dùng tên gọi là Goddamn particle (hạt Chúa đánh Thánh đâm) vì tầm quan trọng và sự khó khăn để xác định nó. Tuy nhiên biên tập viên cho rằng cách gọi này quá gây tranh cãi nên đã thuyết phục ông đổi tên.

  19. Spontaneous generation – Thuyết tự sinh: Là một lý thuyết cho rằng các sinh vật sống trên Trái đất được tự nhiên sinh ra mà không cần đến các sinh vật có kết cấu tương đồng. Ví dụ như giòi được sinh ra từ đất, hay các sinh vật sống do Mặt trời và nước tạo nên chứ không cần đến cha mẹ chúng. Vào giữa thế kỷ 19, Louis Pasteur bác bỏ Thuyết tự sinh và phát triển Thuyết tạo sinh (Biogenesis), quan niệm rằng sinh vật sống chỉ có nguồn gốc từ sinh vật sống thông qua sinh sản.

  20. Theo nguyên lý bất định Werner Heisenberg, biến thiên lượng tử (quantum fluctuation), hay thăng giáng lượng tử, là sự thay đổi năng lượng tại một điểm trong không gian, thường là trong một khoảng thời gian rất ngắn.

  21. Nguyên lý bất định (Uncertainty principle) là một nguyên lý quan trọng của cơ học lượng tử, do nhà Vật lý lý thuyết người Đức Werner Heisenberg phát triển. Nguyên lý này phát biểu rằng: “Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc (hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác.”
    Werner Karl Heisenberg (5 tháng 12 năm 1901 – 1 tháng 2 năm 1976) là một nhà vật lý nổi danh của thế kỷ 20. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel vật lý năm 1932.

  22. Nhà báo Malcolm Browne từng viết như sau trên tờ The New York Times: “Theo lý thuyết lượng tử, chân không chẳng chứa vật chất và cũng chẳng chứa năng lượng, nhưng nó chứa sự biến thiên, sự chuyển tiếp giữa tồn tại và hư không, mà ở đó, sự tồn tại tiềm tàng có thể được chuyển hóa thành sự tồn tại thực sự bằng cách nhận thêm năng lượng. (Năng lượng và vật chất thì tương đương nhau, bởi mọi vật chất thật ra đều chứa một lượng năng lượng nào đó.) Vậy nên, không gian trống rỗng hoàn toàn của chân không thật ra là một thứ hỗn loạn được cấu thành từ sự sáng tạo và sự hủy diệt, ở đó, thế giới bình thường có vẻ bình lặng, bởi mức độ biến thiên trong không gian thì nhỏ và những biến thiên có xu hướng triệt tiêu nhau. Thậm chí khi chúng có vẻ là bình lặng, chúng luôn ở trong một trạng thái bồn chồn, tìm kiếm những vật chất và biến động tương thích với mình.” Biên dịch từ: https://www.nytimes.com/1990/08/21/science/new-direction-in-physics-back-in-time.html.

  23. Nguyên văn: “Ontology recapitulates epistemology”.

    Tác giả sử dụng lại câu nói nổi tiếng của nhà tự nhiên học người Đức Ernst Haeckel “Ontogeny recapitulates Phylogeny”, nghĩa là “Thuyết phát sinh cá thể tóm tắt Thuyết phát sinh chủng loại, câu nói này ngụ ý rằng sự phát triển phôi thai của một sinh vật, từ khi thụ tinh đến lúc mang thai/hoặc ấp trứng (Thuyết phát sinh cá thể – Ontogeny), trải qua các giai đoạn giống như các giai đoạn trong lịch sử tiến hóa của các loài thủy tổ của chúng (Thuyết phát sinh chủng loại – Phylogeny).

    Bản thể luận (Ontology) là ngành triết học nghiên cứu về sự tồn tại (being), bao gồm việc nghiên cứu về khái niệm liên quan đến sự thay đổi của sự tồn tại (being), hiện sinh (existence), thực tại (reality), cũng như là các loại tồn tại với môi trường quanh chúng. Nói một cách đơn giản, nó xem xét câu hỏi: một thực tại tồn tại như thế nào, hay theo kiểu gì?

    Nhận thức luận hay Tri thức luận (Epistemology) là khuynh hướng triết học nghiên cứu về bản chất, nguồn gốc, và phạm vi của quá trình nhận thức. Trong lịch sử, nhận thức luận đã là một trong các chủ đề triết học được nghiên cứu và tranh luận nhiều nhất. Phần lớn tranh luận tập trung vào việc phân tích bản chất và sự đa dạng của tri thức cũng như mối quan hệ của nó với các khái niệm tương tự như chân lý và niềm tin. Cuộc tranh luận này liên quan nhiều đến việc chứng minh. Cụ thể, các nhà nhận thức luận phân tích các tiêu chuẩn của việc chứng minh cho các khẳng định tri thức, nghĩa là nền tảng mà từ đó người ta có thể khẳng định rằng mình biết một sự kiện cụ thể nào đó. Nói một cách đơn giản, nó xem xét câu hỏi: Bạn làm cách nào để biết điều mà bạn biết? (How to know what you know?)

    Tác giả nói “bản thể luận tóm tắt nhận thức luận”, ngụ ý rằng khi ta tìm hiểu về việc một thực tại tồn tại như thế nào, cũng có nghĩa là ta đang tìm hiểu về cách (how) mà chúng ta biết được thực tại đó tồn tại như thế nào.

  24. Có thể nhiều người trong số chúng ta đã nghe đến câu nói sau của Einstein: “Khi bạn ngồi với một cô gái xinh xắn trong hai giờ, nó cứ như hai phút. Khi bạn ngồi trên một cái bếp lò nóng trong hai phút, nó cứ như hai giờ. Đấy là thuyết tương đối.”
    Einstein bác bỏ một thời gian tuyệt đối, cho rằng thời gian chỉ là tương đối, thay vào đó, ông cho rằng cái thứ tuyệt đối phải là một hệ không-thời gian.

  25. Eternal return – Sự luân hồi vĩnh cửu: Là một thuyết quan niệm rằng vũ trụ và mọi sự tồn tại và năng lượng luôn luân hồi, mất đi và trở lại. Thuyết này có thể được tìm thấy trong triết học Ấn độ hay triết học Ai Cập cổ đại.  Friedrich Nietzsche cũng sử dụng ý niệm này trong một số tác phẩm của mình, như trong The Gay Science và Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói thư thế). Triết gia Albert Camus cũng khai triển ý niệm về sự luân hồi vĩnh cửu trong tác phẩm The Myth of Sisyphus (Thần Thoại Sisyphus). Nguồn tham khảo: <https://en.wikipedia.org/wiki/Eternal_return>.

  26. Sir James Hopwood Jeans (1877 – 1946) là một nhà vật lý học, vũ trụ học và toán học người Anh.

  27. Fred Hoyle (1915-2001) là nhà thiên văn học người Anh. Ông sống đời thiên văn của mình hoàn toàn tại Viện Thiên văn học của Cambridge. Ông là một trong những người ủng hộ thuyết của Albert Einstein về sự phát triển của vũ trụ. Thuyết này cho rằng vũ trụ sau khi được hình thành không giãn ra cũng không co lại, vẫn ở trạng thái như thế cho đến bây giờ. Thêm vào đó, Hoyle còn là một trong những người bác bỏ thuyết Big Bang, dù cho có một sự thật thú vị rằng, chính Fred Hoyle là người đã phát minh ra cái tên gọi Big Bang này trên kênh BBC vào năm 1949.

  28. Theory of general relativity – Thuyết tương đối rộng hay còn gọi là Thuyết tương đối tổng quát: Thuyết tương đối rộng thống nhất thuyết tương đối hẹp và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, đồng thời nó miêu tả lực hấp dẫn (trường hấp dẫn) như là một tính chất hình học của không gian và thời gian, hoặc không thời gian.

  29. Time Evolution – Tiến hóa thời gian: Sự thay đổi trạng thái của một hệ thống theo thời gian.

  30. Wavefunction – hàm sóng: Trong cơ học lượng tử, hàm sóng, nghiệm của phương trình Schrodinger, mô tả trạng thái của sóng vật chất của một hệ vật lý bất kì. Đó là một hàm số phụ thuộc vào không gian và thời gian, biểu diễn các trạng thái khả dĩ của hệ bằng các số phức. Các định luật của cơ học lượng tử (phương trình Schrodinger) mô tả hàm sóng tiến triển như thế nào theo thời gian.

  31. Nguyên văn: “Obviously the apparatus must have at least as many degrees of freedom as the system whose quantum state it attempts to establish.”

  32. Retrocausation – Phản nhân quả: trái với thuyết nhân quả thông thường, ở đó nguyên nhân tạo nên kết quả, thuyết phản nhân quả cho rằng tương lai gây ra sự kiện trong quá khứ. Trong vật lý lượng tử, sự phân biệt nguyên nhân và kết quả không được thực hiện ở cấp độ cơ bản nhất, vì vậy các hệ thống đối xứng theo thời gian (time-symmetric system) có thể được xem là nhân quả hoặc phản nhân quả.

  33. Thought experiment – Thí nghiệm tưởng tượng: Là loại thí nghiệm vận dụng trí tưởng tượng để thực hiện các thí nghiệm, trong đó sẽ xem xét một giả thiết, lý thuyết hay nguyên lý. Một thí nghiệm tưởng tượng không cần phải hiện thực hóa dù cho có thể hay không, mục tiêu của nó là đào móc các kết quả tiềm tàng trong nguyên lý của câu hỏi đưa ra. Một trong các thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng: Con mèo của Schrödinger trong một cái hộp kín và một mẫu phóng xạ minh họa cho bất định lượng tử. Trạng thái sống hay chết của con mèo phụ thuộc vào một sự kiện lượng tử ngẫu nhiên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất