a
§ Tác giả: Nicholas Carr | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Aceae
25/05/2017

“Dave, dừng lại. Dừng lại được không? Dừng lại, Dave. Anh có dừng lại không, Dave?” Cứ như vậy, siêu máy tính HAL đã van nài với vị phi hành gia không hề mủi lòng Dave Bowman trong một phân cảnh nổi tiếng và chua xót kỳ lạ ở cuối bộ phim 2001: A Space Odyssey (tạm dịch: 2001: Chuyến du hành Không gian) của đạo diễn Stanley Kubrick. Trong lúc bị đẩy đến cận kề cái chết trong không gian sâu thẳm vì cỗ máy bị lỗi, Bowman đã bình tĩnh và lạnh lùng ngắt kết nối các mạch điện kiểm soát “bộ não” nhân tạo của HAL. “Dave, tâm trí tôi đang biến mất,” HAL khổ sở nói, “Tôi có thể cảm thấy điều đó. Tôi có thể cảm thấy điều đó.”

Tôi cũng cảm thấy điều đó. Trong vài năm gần đây, tôi có cái cảm giác khó chịu là ai đó, hay cái gì đó, đã táy máy với bộ não của mình, kết nối lại các mạch thần kinh, lập trình lại bộ não. Tâm trí tôi không biến đi đâu cả – ít nhất là theo tôi biết – nhưng nó đang biến đổi. Tôi không còn suy nghĩ như trước nữa. Tôi cảm thấy  điều này rõ ràng nhất khi đọc. Đắm chìm bản thân trong một cuốn sách hoặc một bài viết dài đã từng là việc dễ dàng. Tâm trí tôi  bị cuốn theo mạch văn hay bước ngoặt của các luận điểm, và tôi đã từng dành hàng giờ lang thang giữa những áng văn dài. Không còn như vậy nữa. Giờ đây tôi thường mất tập trung chỉ sau hai đến ba trang. Tôi trở nên lơ đãng, đánh mất mạch tư duy, và bắt đầu tìm kiếm việc gì khác để làm. Tôi cảm thấy như thể luôn phải kéo bộ não bất kham của mình trở lại với con chữ. Khả năng đọc sâu từng xuất hiện tự nhiên giờ đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Tôi cho rằng mình biết chuyện gì đang xảy ra. Trong hơn một thập kỷ qua, tôi đã dành nhiều thời gian trực tuyến, tìm kiếm, lướt web và thỉnh thoảng đóng góp vào kho dữ liệu khổng lồ của internet. Mạng Internet quả là của trời cho đối với một người viết lách như tôi. Những nghiên cứu từng đòi hỏi nhiều ngày trong các kho sách hoặc phòng lưu trữ của thư viện, giờ có thể được thực hiện trong vài phút. Với vài lệnh tìm kiếm trên Google, vài cú nhấp chuột nhanh chóng vào các đường link,  tôi có thể có được hết thảy các thông tin hay trích dẫn súc tích mà mình cần. Ngay cả khi không làm việc, tôi vẫn thường lục lọi thông tin trên mạng, đọc và soạn thư điện tử, lướt qua các tiêu đề và các bài viết trên blog, xem video, nghe podcast, hoặc chỉ đơn giản là nhảy từ đường link này sang đường link khác. (Không giống như các ghi chú, các siêu liên kết không chỉ đưa ra các bài viết có liên quan mà còn đẩy bạn đến nơi luôn.)

Đối với tôi, cũng như nhiều người khác, mạng Internet đã trở thành một phương tiện phổ quát, một ống dẫn mà phần lớn thông tin chảy qua để vào mắt, tai, và tâm trí của chúng ta. Khả năng truy cập tức thì vào một nguồn thông tin vô cùng phong phú như vậy có rất nhiều ưu điểm, và chúng đã được mô tả rộng rãi và nhận được những lời tán dương xác đáng. Clive Thompson của tạp chí Wired viết “Khả năng ghi nhớ và triệu tập hoàn hảo của bộ nhớ silicon có thể là một lợi ích to lớn cho tư duy.” Nhưng lợi ích đó có cái giá của nó, như nhà lý thuyết về truyền thông Marshall McLuhan đã chỉ ra từ những năm 1960, truyền thông không chỉ là những kênh thông tin thụ động. Chúng cung cấp nguyên liệu cho tư duy, nhưng chúng cũng định hình các quá trình tư duy. Và những gì mà Mạng có vẻ đã làm là bào mòn khả năng tập trung và suy ngẫm của tôi. Tâm trí tôi giờ đây mong đợi nhận được thông tin theo cách mà Mạng phân phối chúng: theo một dòng vật chất di chuyển nhanh chóng. Tôi đã từng ngụp lặn trong biển ngôn từ, giờ đây tôi đang lướt trên mặt nước như một gã trên chiếc môtô nước.

Tôi không phải người duy nhất. Khi tôi đề cập đến vấn đề của mình trong việc đọc với bạn bè và người quen – phần lớn đều làm việc liên quan đến văn chương – nhiều người nói rằng họ cũng có những trải nghiệm tương tự. Càng sử dụng mạng nhiều hơn, họ càng cần nhiều nỗ lực để tập trung vào những bài viết dài. Một số blogger tôi theo dõi đã bắt đầu nói đến hiện tượng này. Scott Karp, một người viết blog về truyền thông trực tuyến, gần đây thú nhận rằng anh đã hoàn toàn ngưng đọc sách. Anh viết: “Tôi tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn, và đã từng đọc ngấu nghiến những quyển sách. Chuyện gì đã xảy ra?” Anh suy đoán: “Sẽ thế nào nếu tôi đọc mọi thứ trên mạng không phải chỉ vì cách đọc của tôi thay đổi, nghĩa là chỉ vì sự thuận tiện, mà vì cách TƯ DUY của tôi đã thay đổi?”

Bruce Friedman, người thường viết blog về ứng dụng của máy tính trong y khoa, cũng mô tả cách Internet thay đổi các thói quen tư duy của mình. Anh đã viết vào đầu năm nay: “Giờ đây tôi đã đánh mất khả năng đọc và hấp thụ những bài viết dài, dù là trên mạng hay trên giấy.” Là một nhà bệnh học (pathologist) đã làm việc một thời gian dài ở Trường Y khoa thuộc Đại học Michigan, Friedman bình luận chi tiết hơn trong một cuộc nói chuyện điện thoại với tôi. Anh nói rằng suy nghĩ của mình bị “ngắt quãng,” phản ánh cách mà anh lướt nhanh qua các đoạn văn ngắn trên mạng. “Tôi không thể đọc Chiến tranh và Hòa bình nữa,” anh thừa nhận. “Tôi đã mất khả năng làm điều đó. Ngay cả một bài blog dài quá ba bốn đoạn văn cũng là quá nhiều. Tôi chỉ lướt qua.”

Chỉ riêng những câu chuyện này thì không chứng minh được gì nhiều. Và chúng ta vẫn phải chờ các thí nghiệm tâm lý và thần kinh dài hạn cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về cách Internet tác động lên nhận thức của chúng ta. Nhưng một nghiên cứu gần đây về thói quen nghiên cứu trực tuyến, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học London, đã đưa ra giả thuyết rằng chúng ta đang đứng giữa một thay đổi to lớn về cách đọc và tư duy. Trong chương trình nghiên cứu dài năm năm, các nhà nghiên cứu đã xem xét các bản ghi trên máy tính (log) về hành vi của những người truy cập vào hai trang web nghiên cứu nổi tiếng, một được điều hành bởi Thư viện Anh và một bởi U.K. Educational Consortium, cung cấp các bài báo, sách điện tử, và các nguồn văn bản khác. Họ nhận thấy rằng người dùng sử dụng “một hình thức đọc lướt,” nhảy từ nguồn này sang nguồn khác và hiếm khi quay lại những chỗ họ đã xem qua. Họ thường đọc không quá một đến hai trang của một bài báo hoặc một quyển sách trước khi nhảy sang một trang khác. Thỉnh thoảng họ lưu lại một bài viết dài, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ quay lại và thực sự đọc nó. Các tác giả của nghiên cứu đã viết:

“Rõ ràng là họ không đọc trực tuyến theo nghĩa truyền thống; có những bằng chứng cho thấy những kiểu “đọc” mới đang xuất hiện, khi người dùng ‘lướt nhanh’ qua tiêu đề, mục lục và tóm tắt. Cứ như thể là họ lên mạng để tránh phải đọc theo cách truyền thống vậy.”

Ta không chỉ là thứ ta đọc. Ta là cách ta đọc.

Nhờ tính phổ biến của văn bản trên Internet, chưa nói đến sự phổ biến của việc nhắn tin qua điện thoại, ngày nay chúng ta có thể đang đọc nhiều hơn so với những năm 1970 hay 1980, khi tivi là phương tiện truyền thông phổ biến nhất. Nhưng đó là một kiểu đọc khác, và ẩn sau nó là một kiểu tư duy khác – có lẽ thậm chí là một cách nhận thức khác về bản thân. Maryanne Wolf, nhà tâm lý học phát triển ở Đại học Tuffs và là tác giả của Proust and the Squid: The Story and Science of the Reading Brain (Tạm dịch: Proust và Con Mực: Câu chuyện và Khoa học của Bộ não Đọc), nói: “Ta không chỉ là thứ ta đọc. Ta là cách ta đọc.” Wolf lo rằng cách đọc mà Mạng khuyến khích, một phương pháp đặt “năng suất” và “tốc độ” trên hết, có thể làm suy yếu khả năng đọc sâu, vốn đã xuất hiện khi một công nghệ cũ hơn, in ấn, giúp phổ biến những tác phẩm dài và phức tạp. Bà nói: “Khi đọc trực tuyến, chúng ta trở nên giống những người ‘giải mã thông tin’ hơn.” Khả năng diễn giải văn bản, tạo ra những kết nối tư duy phong phú, được hình thành khi chúng ta đọc sâu và không bị xao nhãng, lại thường không được dùng tới.

Wolf giải thích rằng đọc không phải là môt bản năng của con người. Nó không được ghi vào bộ gen của chúng ta như tiếng nói. Chúng ta phải dạy cho bộ não của mình cách chuyển những ký tự chúng ta nhìn thấy thành ngôn ngữ. Và phương tiện và các công nghệ khác mà chúng ta dùng trong quá trình học và luyện tập nghệ thuật đọc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các mạch thần kinh trong não bộ. Các thí nghiệm đã cho thấy rằng những người sử dụng các loại ngôn ngữ tượng hình, như tiếng Trung Quốc, phát triển hệ thống mạch thần kinh cho việc đọc rất khác với những người sử dụng các ngôn ngữ tạo thành từ bảng chữ cái như chúng ta. Sự khác biệt trải dài qua nhiều vùng trong bộ não, bao gồm những vùng điều khiển các chức năng nhận thức cốt lõi như trí nhớ hay khả năng diễn giải các kích thích thị giác và thính giác. Chúng ta có thể trông đợi rằng những mạch thần kinh hình thành do sử dụng Mạng sẽ khác với những thứ được hình thành do đọc sách và các loại ấn phẩm khác.

Vào năm 1882, Friedrich Nietzsche đã mua một chiếc máy đánh chữ, chính xác là một chiếc hiệu Malling-Hansen Writing Ball. Thị lực của ông đang suy giảm, và việc giữ mắt tập trung trên trang giấy trở nên đau đớn và kiệt sức, và thường gây nên những cơn đau đầu kinh khủng. Ông đã phải cắt giảm thời gian viết lách và sợ rằng sẽ sớm phải bỏ hẳn. Chiếc máy đánh chữ đã cứu ông, ít nhất trong một thời gian. Khi ông thành thạo kỹ thuật đánh máy, ông có thể viết kể cả khi nhắm mắt và chỉ cần sử dụng đầu ngón tay. Từ ngữ một lần nữa lại có thể chảy từ tâm trí ông vào trang giấy.

Nhưng cỗ máy còn có một ảnh hưởng tinh tế hơn đến công việc của ông. Một trong những người bạn của Nietzsche, một nhà soạn nhạc, đã chú ý đến những thay đổi trong văn phong của ông. Những câu văn vốn đã súc tích của ông trở nên chặt chẽ hơn, gần giống với điện báo hơn. “Có lẽ anh, thông qua công cụ này, thậm chí sẽ tạo ra một phương thức biểu đạt mới,” người này viết trong một bức thư, và chỉ ra rằng trong các tác phẩm của chính ông, “các ‘ý tưởng’ [của ông] trong âm nhạc và ngôn ngữ thường phụ thuộc vào chất lượng của giấy và viết.”

“Anh nói đúng,” Nietzsche trả lời, “những công cụ chúng ta dùng để viết cũng tham dự vào việc hình thành các suy nghĩ của chúng ta.” Nhà nghiên cứu về truyền thông người Đức Friedrich A. Kittler viết: “Dưới ảnh hưởng của cỗ máy, các bài viết của Nietzsche đã chuyển từ các tranh luận thành cách ngôn, từ các suy nghĩ thành chơi chữ, từ văn phong hùng biện thành văn phong điện báo.”

Khả năng được uốn nắn của bộ não của con người hầu như là vô hạn. Nhiều người thường cho rằng mạng lưới thần kinh của chúng ta, các kết nối dày đặc giữa khoảng 100 tỷ neuron trong hộp sọ của chúng ta, hầu như đã cố định khi chúng ta trưởng thành. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về não bộ đã phát hiện ra điều khác hẳn. James Olds, giáo sư khoa học thần kinh điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp Krasnow thuộc Đại học George Mason, nói rằng ngay cả bộ não của người trưởng thành vẫn “rất mềm dẻo.” Các tế bào thần kinh thường xuyên phá vỡ các liên kết cũ và hình thành các liên kết mới. Theo Olds, “Bộ não có khả năng lập trình lại chính nó ngay trong khi vận hành, thay đổi cách mà nó hoạt động.”

Khi chúng ta sử dụng thứ mà nhà xã hội học Daniel Bell gọi là “các công nghệ tri thức” của chúng ta – những công cụ mở rộng khả năng tư duy thay vì thể chất – chúng ta chắc chắn sẽ bắt đầu hấp thu các phẩm chất của chúng. Đồng hồ cơ học, bắt đầu được sử dụng phổ biến vào thế kỷ 14, cho chúng ta một ví dụ thuyết phục. Trong Technics and Civilization (tạm dịch: Công nghệ và Nền văn minh), nhà sử học và phê bình văn hóa Lewis Mumford đã mô tả cách đồng hồ “tách biệt thời gian ra khỏi các sự kiện của con người và tạo ra niềm tin vào một thế giới độc lập chứa các phân đoạn thời gian có thể đo đạc bằng toán học.” “Khuôn khổ thời gian trừu tượng” trở thành “điểm quy chiếu cho cả hành động và tư duy.”

Bộ não có khả năng lập trình lại chính nó ngay trong khi vận hành, thay đổi cách mà nó hoạt động.

Tiếng tích tắc có hệ thống của đồng hồ đã giúp tạo ra tư duy khoa học và con người khoa học. Nhưng nó cũng lấy đi vài thứ. Như nhà khoa học máy tính Joseph Weizenbaum đã ghi nhận trong cuốn sách của ông viết vào năm 1976, Computer Power and Human Reason: From Judgment to Calculation (tạm dịch: Sức mạnh Máy tính và Lý trí Con người: Từ Suy xét đến Tính toán), thế giới quan được sinh ra từ việc sử dụng rộng rãi các dụng cụ đo thời gian “vẫn là một phiên bản nghèo nàn của một phiên bản cũ hơn, vì nó dựa trên sự chối bỏ những trải nghiệm trực tiếp, vốn hình thành nên nền tảng, và là một phần của thực tại cũ.” Khi quyết định khi nào nên ăn, nên làm việc, nên ngủ, nên thức dậy, chúng ta ngừng lắng nghe cơ thể mình và bắt đầu tuân theo đồng hồ.

Quá trình thích nghi với các công nghệ tri thức mới được phản ánh trong các phép ẩn dụ mà chúng ta sử dụng để nhận thức về chính mình. Khi đồng hồ cơ học xuất hiện, mọi người bắt đầu nghĩ rằng bộ não của họ hoạt động “như đồng hồ.” Ngày nay, trong thời đại của phần mềm, chúng ta nghĩ chúng hoạt động “như máy tính.” Nhưng các nhà khoa học thần kinh nói với chúng ta rằng các thay đổi còn sâu sắc hơn phép ẩn dụ. Nhờ vào sự mềm dẻo của bộ não của chúng ta, các thay đổi còn xảy ra ở cấp độ sinh học.

Internet hứa hẹn những ảnh hưởng sâu rộng đối với nhận thức. Trong một bài viết xuất bản năm 1936, nhà toán học người Anh Alan Turing đã chứng minh rằng một máy tính điện toán, vào lúc đó chỉ mới là lý thuyết, có thể được lập trình để thực hiện chức năng của tất cả các thiết bị xử lý thông tin khác. Và đó là điều mà chúng ta đang nhìn thấy ngày nay. Một hệ thống điện toán khổng lồ đang thay thế tất cả các công nghệ tri thức khác. Nó trở thành bản đồ, đồng hồ, máy in, máy đánh chữ, máy tính, điện thoại, và radio của chúng ta.

Khi Mạng thay thế một phương tiện truyền thông, phương tiện đó được tái tạo lại theo mô hình của Mạng. Nó (Mạng) đưa những siêu liên kết, các quảng cáo nhấp nháy, và những thứ linh tinh khác vào nội dung của phương tiện truyền thông này, bao vây chúng bằng nội dung của tất cả các phương tiện khác mà nó đã hấp thu. Ví dụ, một bức thư điện tử có thể xuất hiện trong khi chúng ta đang lướt qua những tiêu đề mới nhất trên các trang báo, và kết quả là làm phân tán sự chú ý và tập trung của chúng ta.

Ảnh hưởng của Mạng không dừng lại trong ranh giới của màn hình. Khi tâm trí của con người trở nên quen với nhịp điệu điên cuồng của Internet, các phương tiện truyền thống phải đáp ứng những kỳ vọng mới của khán giả. Các chương trình tivi thêm những dòng tin nhỏ và các pop-up quảng cáo, tạp chí và báo in rút ngắn các bài viết, đưa vào các mục tóm tắt và lấp đầy các trang báo với những mảnh thông tin dễ dàng đọc lướt qua. Vào tháng ba năm nay, khi tờ The New York Times quyết định dành trang hai và trang ba của mỗi số để tóm tắt các bài báo, giám đốc thiết kế của tờ này, Tom Bodkin, giải thích rằng những “đường tắt” sẽ giúp độc giả vội vã “nếm” nhanh các tin tức trong ngày, tránh cho họ phải sử dụng phương pháp “kém hiệu quả hơn” là lật giở các trang báo và thật sự đọc các bài viết. Các phương tiện truyền thông cũ có rất ít lựa chọn ngoài việc tuân theo luật chơi của phương tiện mới.

Chưa bao giờ có một hệ thống thông tin nào lại đóng nhiều vai trò đến thế trong cuộc sống, hoặc tạo ra ảnh hưởng lớn đến thế lên tư duy của chúng ta –  như là Internet đang làm hiện nay. Tuy vậy, mặc dù ta đã tốn nhiều giấy mực để viết về mạng Internet, cách thức nó tái lập trình chúng ta vẫn ít được quan tâm. Đạo đức về mặt tri thức của Mạng vẫn nằm trong mơ hồ.

Gần như cùng thời điểm với khi Nietzsche mua chiếc máy đánh chữ, một thanh niên nghiêm túc tên là Frederick Winslow Taylor đã mang một chiếc đồng hồ bấm giờ vào nhà máy thép Midvale ở Philadelphia và bắt đầu một chuỗi thí nghiệm lịch sử nhằm cải thiện hiệu suất làm việc của các thợ máy. Với sự cho phép của chủ nhà máy, Taylor đã tuyển mộ một số công nhân, yêu cầu họ thao tác với nhiều loại máy chế biến kim loại khác nhau, và đo thời gian mỗi chuyển động của họ cũng như các hoạt động của máy móc. Bằng cách phân chia mỗi công việc thành các bước nhỏ, riêng rẽ, và kiểm tra những phương pháp khác nhau để thực hiện mỗi bước, Taylor xây dựng một hệ thống các hướng dẫn chính xác – một “thuật toán,” như cách chúng ta nói ngày nay – về cách mà mỗi công nhân nên làm việc. Các công nhân của Midvale than phiền về chế độ quản lý mới nghiêm ngặt này, tuyên bố rằng nó khiến họ giống như máy móc, nhưng năng suất của nhà máy đã tăng vọt.

Hơn một trăm năm từ khi động cơ hơi nước được phát minh, cuối cùng thì cuộc Cách mạng Công nghiệp cũng tìm được triết lý và triết gia của nó. Vũ điệu công nghiệp chặt chẽ của Taylor – “hệ thống” của ông, như cách ông thích gọi nó – được các nhà sản xuất đón nhận trên khắp cả nước và, dần dần là trên toàn thế giới. Trong lúc tìm cách tối đa hóa hiệu suất, tốc độ, và sản lượng, các chủ nhà máy đã sử dụng những nghiên cứu về thời gian và chuyển động để tổ chức và thiết lập công việc của công nhân. Mục tiêu, như Taylor xác định trong khảo luận năm 1911, The Principles of Scientific Management (tạm dịch: Các nguyên tắc của Quản lý Khoa học), là xác định và thực hành “phương pháp tốt nhất” cho mỗi công việc và nhờ đó mang lại “sự thay thế kinh nghiệm bằng khoa học trong toàn bộ nghệ thuật cơ khí.” Taylor đảm bảo với các tín đồ của mình rằng, khi hệ thống của ông được ứng dụng cho tất cả các hoạt động lao động tay chân, nó sẽ tái cấu trúc không chỉ công nghiệp mà cả xã hội, tạo ra một thiên đường với hiệu suất hoàn hảo. Ông tuyên bố: “Trong quá khứ con người đã là số một, trong tương lai hệ thống phải là số một.”

Hệ thống của Taylor vẫn còn đây với chúng ta; nó vẫn là đạo lý của sản xuất công nghiệp. Và giờ đây, nhờ sức mạnh thống trị của các kỹ sư máy tính và các nhà lập trình phần mềm đối với đời sống tri thức, đạo lý của Taylor cũng bắt đầu thống trị tư duy của chúng ta. Internet là một cỗ máy được thiết kế nhân danh hiệu suất và khả năng thu thập, truyền tải, và thao túng thông tin tự động, và đội quân các nhà lập trình của nó đang tìm kiếm một phương pháp tốt nhất – một thuật toán hoàn hảo – để thực hiện tất cả các hoạt động tư duy của thứ mà chúng ta mô tả là “lao động trí óc.”

Taylor đảm bảo với các tín đồ của mình rằng, khi hệ thống của ông được ứng dụng cho tất cả các hoạt động lao động tay chân, nó sẽ tái cấu trúc không chỉ công nghiệp mà cả xã hội, tạo ra một thiên đường với hiệu suất hoàn hảo. Ông tuyên bố: “Trong quá khứ con người đã là số một, trong tương lai hệ thống phải là số một

Trụ sở chính của Google ở Mountain View, California – Googleplex – là giáo đường của Internet, và tôn giáo trong các bức tường của nó là Chủ nghĩa Taylor. Eric Schmidt, CEO của Google, nói rằng công ty được xây dựng trên nền tảng khoa học của việc đo đạc,” và nó đang nỗ lực để “hệ thống hóa mọi thứ” mà nó làm. Sử dụng hàng terabyte dữ liệu về hành vi được thu thập thông qua công cụ tìm kiếm của nó và các trang web khác, Google thực hiện hàng ngàn thí nghiệm mỗi ngày, theo Harvard Business Review, và sử dụng kết quả để tinh chỉnh các thuật toán mà ngày càng kiểm soát cách mọi người tìm kiếm thông tin và rút ra các ý nghĩa từ chúng. Google đang thực hiện với lao động trí óc điều mà Taylor đã làm với lao động tay chân.

Công ty này tuyên bố nhiệm vụ của mình là “sắp xếp thông tin của thế giới, khiến chúng trở nên hữu ích, và có thể được truy cập ở mọi nơi.” Nó theo đuổi việc tạo ra “một công cụ tìm kiếm hoàn hảo,” được định nghĩa là “thứ có thể hiểu bạn muốn gì và đưa cho bạn chính xác thứ bạn muốn.” Theo quan điểm của Google, thông tin là một dạng tài sản, một loại tài nguyên thực tế có thể được khai thác và chế biến, với hiệu suất công nghiệp. Càng “truy cập” được nhiều thông tin và càng nhanh chóng rút ra ý nghĩa của chúng, chúng ta càng trở thành những người tư duy hiệu quả hơn.

Vậy đâu là điểm kết thúc? Sergey BrinLarry Page, hai người trẻ tuổi tài năng đã sáng lập Google khi đang làm nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính tại Stanford, thường nói về tham vọng của họ trong việc biến công cụ tìm kiếm thành một kiểu trí tuệ nhân tạo, một cỗ máy giống như HAL, có thể được kết nối trực tiếp vào bộ não của chúng ta. Page nói trong một bài phát biểu cách đây vài năm rằng “Công cụ tìm kiếm tối thượng là thứ gì đó thông minh như con người – hoặc thông minh hơn. Đối với chúng tôi, làm việc với công cụ tìm kiếm là một cách để phát triển trí tuệ nhân tạo.” Brin nói trong một bài phỏng vấn năm 2004 với tờ Newsweek, “Chắc chắn là nếu tất cả thông tin trên thế giới được kết nối vào não bộ của bạn, hoặc một bộ não nhân tạo thông minh hơn bạn, điều này sẽ tốt hơn cho bạn.” Năm ngoái, Page phát biểu trước một hội nghị khoa học rằng Google “thực sự đang cố gắng xây dựng trí tuệ nhân tạo và làm điều đó trên quy mô lớn.”

Một tham vọng như vậy cũng là tự nhiên, thậm chí đáng ngưỡng mộ, đối với bộ đôi thiên tài toán học sở hữu lượng tiền bạc khổng lồ và cả một đội quân các nhà khoa học máy tính. Với bản chất là một doanh nghiệp khoa học, Google được thúc đẩy bởi mong muốn sử dụng công nghệ, theo lời Eric Schmidt, “để giải quyết các vấn đề chưa từng được giải quyết,” và trí tuệ nhân tạo là vấn đề khó nhất. Làm sao mà Brin và Page lại không muốn trở thành người giải quyết nó cơ chứ?

Trong thế giới của Google, thế giới chúng ta bước vào khi lên mạng, không có chỗ cho sự mơ hồ của trầm tư. Sự mơ hồ không phải là một cơ hội để đạt được sự thấu hiểu, mà là một lỗi cần phải sửa. Bộ não người là một máy tính lỗi thời, cần bộ xử lý nhanh hơn và ổ cứng lớn hơn.

Tuy vậy, giả định dễ dàng của họ, rằng chúng ta sẽ ”tốt hơn” nếu bộ não chúng ta được bổ sung hay thậm chí là thay thế bằng trí tuệ nhân tạo, thật sự đáng ngại. Nó thể hiện niềm tin rằng trí tuệ là sản phẩm của một quá trình máy móc, một chuỗi các bước riêng rẽ, có thể được phân tách, đo đạc, và tối ưu hóa. Trong thế giới của Google, thế giới chúng ta bước vào khi lên mạng, không có chỗ cho sự mơ hồ của trầm tư. Sự mơ hồ không phải là một cơ hội để đạt được sự thấu hiểu, mà là một lỗi cần phải sửa. Bộ não người là một máy tính lỗi thời, cần bộ xử lý nhanh hơn và ổ cứng lớn hơn.

Ý tưởng rằng bộ não chúng ta nên hoạt động như một chiếc máy xử lý dữ liệu tốc độ cao không chỉ được xây dựng dựa trên hoạt động của Internet, nó còn là mô hình kinh doanh chủ đạo của mạng Internet. Khi chúng ta lướt Web càng nhanh – nhấp vào càng nhiều đường dẫn và xem càng nhiều trang mạng – Google và các công ty khác càng có nhiều cơ hội thu thập thông tin về chúng ta và nhồi nhét quảng cáo cho chúng ta. Phần lớn các chủ sở hữu của Internet thương mại có cổ phần trong việc thu thập các mẩu vụn thông tin mà chúng ta bỏ lại phía sau khi chuyển từ đường dẫn này sang đường dẫn khác – càng nhiều càng tốt. Thứ cuối cùng những công ty này muốn là khuyến khích cách đọc chậm rãi hoặc tư duy từ tốn, tập trung. Lợi ích kinh tế của họ dựa vào việc khiến chúng ta mất tập trung.

Có thể tôi chỉ là kẻ lo âu vô cớ. Cũng như có một khuynh hướng ca tụng sự phát triển của công nghệ, luôn có một xu hướng đối nghịch, lo ngại về điều tồi tệ nhất. Trong tác phẩm  Phaedrus của Plato, Socrates đã than phiền về sự phát triển của chữ viết. Ông sợ rằng, khi mọi người dựa vào chữ viết như một công cụ thay thế cho những kiến thức họ từng giữ trong đầu, họ sẽ, theo lời của một nhân vật, “ngừng luyện tập trí nhớ và trở nên đãng trí.” Và vì họ có thể “nhận được thông tin mà không được hướng dẫn đúng đắn, họ sẽ “nghĩ mình biết rất nhiều trong khi phần lớn là không biết gì cả.” Họ sẽ “chứa đầy sự tự phụ về tri thức chứ không phải là tri thức thật sự.” Socrates không sai – công nghệ mới này đúng là thường gây ra những ảnh hưởng mà ông lo sợ – nhưng ông đã không nhìn đủ xa. Ông không thể thấy trước những cách mà việc đọc và viết giúp lan tỏa thông tin, kích thích những ý tưởng mới và mở rộng tri thức (nếu không phải sự khôn ngoan) của con người.

Sự ra đời của công nghệ in ấn của Gutenberg, vào thế kỷ 15, cũng được đón nhận bằng những cái nghiến răng tương tự. Nhà nhân học người Ý  Hieronimo Squarciafico lo rằng sự sẵn có của sách sẽ dẫn đến sự lười biếng trong tư duy, làm con người “ít siêng năng hơn” và làm suy yếu tâm trí của họ. Những người khác tranh luận rằng sách và ấn phẩm giá rẻ sẽ làm giảm quyền lực của tôn giáo, hạ thấp giá trị công việc của các học giả và những người chép thuê, và làm lây lan sự nổi loạn và trác táng. Giáo sư Clay Shirky của Đại học New York chỉ ra rằng: “Phần lớn những lập luận chống lại in ấn là chính xác, thậm chí mang tính tiên tri.” Nhưng, một lần nữa, những người lo lắng đã không thể tưởng tượng được vô số lợi ích mà in ấn mang lại.

Vậy thì, đúng là bạn nên nghi ngờ những hoài nghi của tôi. Có lẽ những ai cho rằng những người chỉ trích Internet chỉ là đám Luddites1 hoặc hoài cổ đã đúng, và từ bộ não hiếu động và thèm khát dữ liệu của chúng ta sẽ xuất hiện một thời đại hoàng kim của những phát kiến tri thức và trí tuệ phổ quát. Tuy nhiên, một lần nữa, Mạng không phải bảng chữ cái, và mặc dù nó thay thế công nghệ in ấn, nó còn tạo ra thứ gì đó hoàn toàn khác. Cách đọc sâu mà những trang in tuần tự khuyến khích không chỉ có giá trị vì kiến thức chúng ta nhận được từ ngôn từ của tác giả, mà còn vì những rung động mà nó tạo ra trong tâm trí chúng ta. Trong không gian tĩnh lặng được tạo ra bởi việc đọc sách liên tục, không phân tán, hoặc bởi bất cứ hành động suy ngẫm nào khác, chúng ta tạo ra những liên kết, rút ra những kết luận và hàm ý, và nuôi dưỡng những ý tưởng của riêng mình. Việc đọc sâu, như Maryanne Wolf lập luận, không thể tách rời khỏi việc tư duy sâu.

Nếu chúng ta đánh mất không gian tĩnh lặng đó, hoặc lấp đầy chúng bằng “nội dung,” chúng ta sẽ hy sinh một thứ quan trọng không chỉ với bản thân mà cả nền văn hóa của chúng ta. Trong một bài viết gần đây, nhà viết kịch  Richard Foreman đã miêu tả hùng hồn về những thứ đang lâm nguy:

“Tôi đến từ nền văn hóa truyền thống của phương Tây, ở đó lý tưởng (lý tưởng của tôi) là một cấu trúc (nhân cách) phức tạp, chồng chất như một mái vòm nhà thờ cao vút, một nhân cách lưu loát và có trình độ giáo dục cao – mỗi người đàn ông và phụ nữ mang trong họ một phiên bản cá nhân độc nhất của toàn bộ di sản văn hóa phương Tây. [Nhưng ngày nay] Tôi thấy bên trong chúng ta (bao gồm bản thân tôi) sự thay thế bản chất nội tại bằng một loại bản ngã mới – đang tiến hóa dưới áp lực của sự quá tải thông tin và thứ công nghệ “có sẵn ngay lập tức.”

Foreman kết luận, khi chúng ta bị rút cạn “kho tàng di sản văn hóa nội tại,” chúng ta có nguy cơ trở thành “người bánh kếp” – rộng hơn và mỏng hơn trong khi kết nối với mạng thông tin khổng lồ có thể được truy cập chỉ bằng một nút bấm.

Tôi bị ám ảnh bởi cảnh đó trong phim 2001. Điều khiến nó trở nên cảm động và kỳ lạ đến vậy là phản ứng đầy cảm xúc của máy tính khi tâm trí nó bị tháo gỡ: sự tuyệt vọng khi từng mạch điện trở nên tối đen, lời cầu khẩn trẻ con với phi hành gia – “Tôi có thể cảm thấy nó. Tôi có thể cảm thấy nó. Tôi sợ lắm” –  và việc nó quay về một trạng thái mà ta chỉ có thể gọi là ngây thơ. Cơn bùng nổ cảm xúc của HAL tương phản với sự vô cảm đặc trưng của các nhân vật con người trong phim, những người làm việc với hiệu suất gần như máy móc. Suy nghĩ và hành động của họ giống như được lập trình, như thể họ đang làm theo các bước của một thuật toán. Trong thế giới của 2001, con người trở nên giống máy móc đến nỗi nhân vật mang tính Người nhiều nhất lại là một cỗ máy. Đó là bản chất của lời tiên tri đen tối của Kubrick: khi chúng ta sử dụng máy móc làm trung gian cho những hiểu biết của chúng ta về thế giới, trí tuệ của bản thân chúng ta có nguy cơ trở thành trí tuệ nhân tạo.

 


  1. Luddite là một nhóm thợ dệt ở Anh đã đập phá các máy dệt để phản đối do lo sợ việc sử dụng máy móc sẽ khiến họ mất việc làm. Ngày nay, thuật ngữ này được dùng (với hàm ý chê bai) để chỉ những người chống lại việc sử dụng máy móc, phát triển công nghệ, công nghiệp hóa, tự động hóa (ND).

2 thoughts on “Có phải Google đang khiến chúng ta trở nên ngu ngốc?

  1. Mình có để ý những người bạn của mình. Vốn dĩ, ban đầu họ cùng đọc sách nên tư duy đều khá logic và có sự tri nhận tốt về các vấn đề. Sau vài năm, một nhóm vẫn giữ thói quen đọc sách và nhóm còn lại thì sử dụng internet nhiều hơn, tư duy hai nhóm phát triển theo hai hướng khác. Mình đồng ý rằng đọc sách giúp chúng ta có tư duy sâu hơn và chỉ cần buông sách một thời gian, internet sẽ thay đổi chúng ta đến kinh ngạc.

  2. Dạo trước mình viết và sáng tác rất nhiều, đọc sách cũng rất nhiều, nhưng càng gần đây càng thấy khó :'(

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất