a
§ Tác giả: Cody Delistraty | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Linh Chi Ha | Hiệu đính:  HL
15/05/2021

Vào năm 1920, nhà tâm lý học người Mỹ John B Watson1 đã công bố kết quả của một trong số những nghiên cứu được cho là gây tranh cãi về đạo đức của thế kỉ 20. Watson cùng với Rosalie Rayner, một sinh viên 21 tuổi tại đại học John Hopkins ở Baltimore, nơi ông đang giảng dạy, đặt mục tiêu gieo mầm một nỗi sợ nhất định vào một đứa trẻ bình thường. 

Vào thời điểm đó, luyện tập phản xạ có điều kiện thường chỉ được thực hành trên động vật, tuy nhiên, Watson và Rayner đã lựa chọn một bé trai 9 tháng tuổi mà họ đặt tên là ‘Albert’ phục vụ cho nghiên cứu này. Họ trả mẹ cậu bé 1 đô la, và đặt rất nhiều động vật sống có kích thước nhỏ trước mặt cậu bé, trong đó có một con chuột mà ban đầu Albert rất hứng thú chơi cùng. Khi Albert bắt đầu chơi với chú chuột, các nhà thí nghiệm dùng búa đập vào thanh sắt gần đó, tạo ra tiếng động lớn khiến cậu bé hoảng sợ và khóc lên. Sau khi hành động này được lặp lại vài lần, tất cả những gì những nhà thí nghiệm cần làm để khiến cậu bé khóc đó chính là đưa một con chuột cho cậu. Kể cả khi không có tiếng động đó, họ đã thành công trong việc luyện tập và gieo rắc nỗi sợ chuột trong Albert, và dần biến thành sự sợ hãi của cậu với những động vật nhỏ nhiều lông như thỏ hoặc chó. 

Chúng ta có thể nghĩ rằng những thí nghiệm bất lương thế này có thể tạo nên sự phản đối kịch liệt từ công chúng—sau tất cả thì những nhà thí nghiệm này không hề phá giải những gì họ đã rèn luyện cho Albert—hoặc kể cả sự phản đối từ giới khoa học, bởi vốn đã không có một sự quản lý nhất định nào. Tuy nhiên, cuộc thí nghiệm này cho thấy rằng không chỉ động vật mà con người cũng có thể được luyện tập phản xạ có điều kiện bằng vô số cách khác nhau. Thực tế, sau khi bài nghiên cứu được công bố, đại học Johns Hopkins đã tăng 50% lương cho Watson để giữ ông lại. (Watson cũng đã nổi tiếng tại trường một năm trước đó, khi các sinh viên bầu chọn cho ông danh hiệu ‘giáo sư đẹp trai nhất’.). Nhưng sau khi vợ ông phát hiện và công khai những bức thư tình Watson đã viết cho Rayner—người mà ông đã ngoại tình và có ý định cưới, ông đã bị đại học Johns Hopkins sa thải.  

Watson nhanh chóng tìm được việc trong ngành quảng cáo: Công ty quảng cáo J Walter Thompson đã tuyển ông để tiếp tục thực hiện thí nghiệm luyện tập phản xạ có điều kiện trên con người, đặc biệt là trên người tiêu dùng. ‘Tôi dần nhận ra rằng việc quan sát đường cong tăng trưởng kinh doanh cũng rất đem lại cảm giác thoả mãn giống như khi quan sát đường cong học tập2 của động vật và con người.” – Watson chia sẻ những chiêm nghiệm của mình sau này. Là một người đem những đặc tính của khoa học ứng dụng vào ngành quảng cáo, ông được giao nhiệm vụ khiến người tiêu dùng thấm nhuần sự trung thành với thương hiệu, tạo ra tính cách của sản phẩm, và như việc ông và Rayner đã làm với bé Albert, đó là gieo rắc nỗi sợ vào người tiêu dùng để thúc đẩy họ mua những sản phẩm nhất định. Ví dụ với hãng giấy vệ sinh Scotts, ông đã giúp nhãn hàng tạo ra một thiết kế quảng cáo in hình bác sĩ phẫu thuật đang nhìn bệnh nhân, với dòng chữ ‘và rắc rối xảy ra khi bạn dùng giấy vệ sinh thô ráp’, như một cách vừa doạ dẫm vừa quảng cáo sản phẩm.

Ngày nay, những hành động thao túng hành vi con người như vậy đã trở nên quá đỗi bình thường, nhưng chúng ẩn náu dưới dạng khéo léo và đáng sợ hơn nhờ Big Data (Dữ liệu lớn)3 và môi trường số, nơi thuật toán theo dõi chúng ta ở khắp mọi nơi. Vậy nhưng thay vì tạo điều kiện cho một nỗi sợ cụ thể, thì kĩ thuật thâu tóm tâm lý con người hiện nay lại tập trung vào niềm hạnh phúc. Sự hạnh phúc bằng nhiều cách khác nhau chính là là phát hiện đột phá trong ngành tiếp thị trong thập kỷ vừa qua. Những món đồ chăm sóc bản thân và giảm stress đang thay phiên nhau nằm trong danh sách những món đồ bán chạy nhất trên Amazon (ví dụ như ‘chăn trọng lực’4, sách tô màu ‘xả stress’ cho người lớn và con quay). Những sản phẩm này thường được đặt cạnh những tập sách đứng đầu bảng xếp hạng viết bởi những ‘blogger về sống hạnh phúc’. Tất cả những điều này được tạo nên bởi một phiên bản ‘hạnh phúc’ mới, cụ thể, và đáng lo ngại: bằng mọi giá chúng ta phải né tránh những cảm xúc tiêu cực.  

Nỗ lực né tránh cảm xúc, thậm chí né tránh hình ảnh không hạnh phúc đã dẫn đến một văn hoá khen thưởng cho những niềm hạnh phúc mang tính thể hiện (performative happiness). Mọi người đang vẽ ra một cuộc sống ‘công khai’ trên Instagram và những trang mạng xã hội tương tự, cố gắng tạo ra một chuỗi các ‘trải nghiệm đỉnh cao’, và chỉ có vậy. Nỗi buồn và sự thất vọng bị chối bỏ, kể cả những cảm xúc trung tính và các trải nghiệm bình thường trong cuộc sống cũng sẽ bị xoá sạch khỏi khung hình. Cứ như thể những hình ảnh không vui vẻ đồng nghĩa với việc vi phạm lời răn dạy của Đức Chúa: bạn đã không làm việc đủ chăm chỉ và đủ tin tưởng vào bản thân mình. 

Dĩ nhiên, niềm hạnh phúc không phải lúc nào cũng được nhìn nhận theo cách này. Người theo chủ nghĩa Epicurus có quan điểm cực kì đơn giản và khác biệt về niềm hạnh phúc, điều mà tổng thống Thomas Jefferson5 nghĩ tới khi ông khuyến khích người Mỹ phải biết trân trọng “cuộc sống, sự tự do và mưu cầu hạnh phúc” trong bản Tuyên ngôn độc lập. Theo góc nhìn của chủ nghĩa Epicurus, hạnh phúc đơn giản chỉ là sự thiếu đi aponia—nỗi đau về thể xác và ataraxia—sự xáo trộn tinh thần. Không hề liên quan đến việc theo đuổi vật chất, hoặc nâng cao các trải nghiệm hài lòng, hạnh phúc đơn giản là sự luôn biết ơn. Miễn là chúng ta không chịu những đau đớn về tinh thần hoặc thể xác, chúng ta có thể cảm thấy hài lòng theo định nghĩa hạnh phúc này. 

Chúng ta có thể thấy định nghĩa về hạnh phúc này xuyên suốt nền tảng thế giới phương Tây. Giống như ở trong lời cầu nguyện của người Do Thái—asher yatzar: mỗi sáng sau khi vệ sinh cá nhân, mỗi người đều nói lời cảm ơn vì có thể làm được những việc đơn giản theo ý muốn của mình. Theo chủ nghĩa Epicurus, niềm hạnh phúc có thể giản đơn đến mức là khi bạn có thể đi vệ sinh được. 

Những nhà tư tưởng hiện đại thường coi hạnh phúc là một trạng trái không đau đớn hơn là sự dư dả niềm vui. Ví dụ, nhà kinh tế học người Anh Richard Layard đã chỉ ra điều gì có thể được coi là ‘nền kinh tế hạnh phúc’—điều đã trở thành nền tảng cho một khảo sát thường niên gọi là Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report). Báo cáo này đo lường mức độ ảnh hưởng của thu nhập và địa vị xã hội tới sự hạnh phúc. Tuy nhiên, tương tự như chủ nghĩa Epicurus, Layard cho rằng sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng nhất của sự hạnh phúc, giống như ông đã lý giải trong cuốn sách của ông: Happiness: Lessons from a New Science (2005) (Tạm dịch: Sự hạnh phúc: Những bài học từ khoa học thời đại mới).

Tất cả mọi sự nỗ lực trong mỗi khoảnh khắc đều được tối ưu hóa để chúng ta có thể chạm tới đỉnh cao của sự hạnh phúc.

Không phải tất cả mọi cuộc vận động hạnh phúc đều duy trì mối liên hệ mật thiết đến quan niệm của chủ nghĩa Epicurus. Đơn cử như tâm lý học tích cực đã trở nên thịnh hành vào năm 1998 sau khi Martin Seligman6 trở thành chủ tịch Hiệp Hội Tâm Lý Học Mỹ (APA) và lựa chọn hạnh phúc là chủ đề trọng tâm. Seligman đề xuất rằng niềm hạnh phúc đến từ việc sở hữu tìm kiếm những cảm xúc tích cực, một thức cảm cộng đồng và ý nghĩa cuộc sống. Ông tin rằng con người thường ‘học’ được sự buồn bã bằng việc chọn cách trốn thoát khỏi những tình huống không dễ chịu bất cứ khi nào có thể. Với quan điểm này, hạnh phúc là thứ gì đó mà con người cần liên tục ‘dạy’ cho bản thân: nó là điều mà chúng ta cố gắng xây dựng và bồi đắp. 

Quan niệm này chỉ cách một bước nhỏ so với nhận thức rộng rãi về hạnh phúc ngày nay—là sự theo đuổi và sắm sửa để đạt được những trải nghiệm tột đỉnh. Những đơn thuốc chống trầm cảm đang được tiêu thụ nhiều hơn bao giờ hết, những quyển sách self-help chất đầy trên các giá sách, và hàng loạt phương pháp trị liệu đang thi đua nhau đưa chúng ta thoát khỏi lối tư duy tiêu cực để trở nên thành công. Tất cả các điều trên đều là những cố gắng, thoạt nhìn có vẻ đa dạng nhưng phục vụ một mục đích cụ thể, đó là nhằm tối ưu hoá mỗi khoảnh khắc trong đời để con người đạt được hạnh phúc tột đỉnh, dù chỉ là cảm giác thoáng qua, đồng thời chủ động đẩy nỗi buồn ra xa. 

Ý tưởng ‘trải nghiệm hạnh phúc tột đỉnh’ này đến từ đâu trong lịch sử? Vào khoảng giữa thế kỷ 14, khi từ ‘hạnh phúc’ (happy) xuất hiện lần đầu tiên trong từ vựng tiếng Anh, nó mang sắc nghĩa gần với ‘may mắn’ (lucky) hơn, bởi địa vị của một người, sức khoẻ và sự hạnh phúc đều được gói gọn trong những quyết định toàn quyền của Chúa. (Có khả năng từ ‘may mắn’ ra đời trước, và sau đó những từ như ‘hạnh phúc’ theo sau, và có liên quan tới từ ‘tình cờ’(happenstance).) ‘Hạnh phúc’ không mang nghĩa ‘vui vẻ’ cho đến tận thế kỷ 16. Và đến giữa thế kỷ 17 khi Thomas Hobbes viết cuốn Leviathan, hạnh phúc được cho là quá trình không ngừng nghỉ để đạt được những vật chất con người mong muốn, từ đó định nghĩa lại hạnh phúc là một dạng cảm xúc mang tính chất chủ quan, có thể thay đổi dựa trên những mong muốn của mỗi cá nhân. Hobbes viết vào năm 1651 rằng ‘Niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc sống này, không nằm ở sự ngơi nghỉ của một tâm trí đã thoả mãn. Mục tiêu cuối cùng (finis ultimus) hoặc điều vĩ đại (summum bonum) là những điều không hề có thật như trong những quyển sách của các nhà triết học đạo đức thời xưa.’ 

Theo quan điểm của Hobbes, chúng ta có thể đạt được hạnh phúc một cách ý nghĩa bằng việc theo đuổi những trải nghiệm vui vẻ. Ông tin rằng không có gì gọi là sự hài lòng ổn định (‘sự ngơi nghỉ của một tâm trí thoả mãn’), và gián tiếp nói tới nhà triết học Epicurus (‘trong những quyển sách của các nhà triết học đạo đức thời xưa’); ông tin rằng chúng ta cần liên tục tìm kiếm hạnh phúc, bản chất của hạnh phúc bao gồm việc nó rất dễ bị tuột ra khỏi tầm tay và thoáng qua nhanh chóng được coi là tính năng hơn là lỗi lập trình. Nếu phải tìm ra nguồn gốc của quan niệm ‘trải nghiệm hạnh phúc đỉnh cao’ thời hiện đại, thì định nghĩa khác thường vào thời điểm đó của Hobbes là điểm lý tưởng để bắt đầu. 

Tuy nhiên định nghĩa này cũng mang trong mình nhiều vấn đề tiềm ẩn. ‘Hạnh phúc là gì?’ nhân vật giám đốc quảng cáo Don Draper trong bộ phim hư cấu Mad Men đã hỏi trong bối cảnh tân-Hobbesian7. Sau đó anh ta tự trả lời: ‘Đó là khoảnh khắc trước khi bạn nhận ra mình cần nhiều sự hạnh phúc hơn.’ Ngày nay, chúng ta theo đuổi hạnh phúc thay vì để cảm xúc tới một cách tự nhiên. Chúng ta cố gắng gom góp những khoảnh khắc hạnh phúc giống như nhặt vỏ sò trên bãi biển, kể cả khi những cơn sóng cuốn chúng đi. Việc theo đuổi này giống như một công việc nặng nhọc không hồi kết; cuối cùng nó sẽ dẫn chúng ta đến sự thất vọng. 

Sự tồn tại trống rỗng trong thời hiện đại được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh một người du lịch vòng quanh thế giới, liên tục đăng ảnh các nhà hàng, cảnh vật lên mạng xã hội, và biểu diễn sự hạnh phúc một cách đầy cạnh tranh cùng cái giá phải trả là mất đi những sự kết nối chân thành với bạn bè của mình. Cố gắng trở nên hạnh phúc hơn—tốt hơn—những người khác, họ đối mặt với nguy cơ trở nên xa lạ với chính bạn bè mình. Đây là một trò chơi nơi không ai ghi điểm8.

Có lẽ có một giải pháp cho tình huống hạnh phúc khó xử này—chúng ta muốn trở nên vui vẻ nhưng không phải tách biệt hoặc làm bản thân tổn thương trên con đường tìm hạnh phúc. Giải pháp đó chính là việc định hướng lại bản thân với những người theo chủ nghĩa Lãng mạn (the Romantics), những người đón nhận cả niềm vui và những khổ đau trong cuộc đời. Trong bài thơ Ode on Melancholy (tạm dịch: Niệm khúc sầu), John Keats đã viết như sau: “Và trong chính cái ngôi đền Lạc Thú / Quan tài thiên đã che khuất Ưu Phiền9.” Trong Lễ Vượt qua10, người Do Thái đổ đi một vài giọt rượu trước khi uống để ghi nhớ những bi kịch trước khi tận hưởng sự vui sướng (tương tự như khi ta quan sát một đám cưới của người Do Thái: họ bước lên trên những mảnh thuỷ tinh để khắc ghi sự buồn đau sẽ đồng hành cùng với cuộc sống hạnh phúc). Sự trân trọng nỗi u sầu này có thể là một cách để giải thoát con người khỏi nhà tù hạnh phúc nơi không ai có lợi, nơi khi theo đuổi hạnh phúc chỉ  dẫn đến sự cô đơn và thất vọng, và khi không theo đuổi hạnh phúc dường như có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ được chạm tới nó. Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ cảm thấy thực sự hài lòng trừ khi ta đón nhận những cảm xúc tiêu cực của chính mình. Đúng vậy, những cảm xúc tiêu cực thực ra lại không tiêu cực đến mức đấy.

Ví dụ như cảm giác buồn bã có rất nhiều tác dụng tích cực khác nhau. Những nghiên cứu gần đây bởi Joseph P Forgas, nhà tâm lý học xã hội tại đại học New South Wales, Sydney đã chứng minh rằng, con người ghi nhớ các chi tiết về một cửa hàng chính xác hơn khi thời tiết xấu và tâm trạng không tốt hơn là khi thời tiết dễ chịu và họ cảm thấy vui vẻ. Ông đưa ra suy đoán rằng nỗi buồn có thể có lợi cho trí nhớ. Forgas cũng cho thấy rằng con người thường đưa ra các nhận định chính xác hơn khi họ buồn bởi lúc đó chúng ta tỉnh táo và bớt cả tin hơn, nhờ vậy mà các nhận định được dựa trên những gì ta thực sự chứng kiến thay vì những ý tưởng chung chung và khuôn mẫu có sẵn. Một nghiên cứu khác vào năm 2007 của Forgas chỉ ra rằng sự buồn rầu giúp chúng ta trở thành những người giao tiếp và thuyết phục tốt hơn, còn một nghiên cứu năm 2013 lại cho thấy chúng ta là những người hoạt ngôn hơn khi đang buồn, nhờ khả năng nắm bắt tinh tế những sắc thái và sự mơ hồ trong cuộc hội thoại tốt hơn khi vui vẻ. 

Chúng ta không cần chủ động chuốc lấy sự buồn bã, tuy nhiên nỗi buồn cũng không nên là trở ngại khiến ta phải khó khăn vượt qua bằng cách mỉm cười  và chịu đựng trong nước mắt trên con đường hướng tới hạnh phúc. Theo Forgas, khi con người đang trong tâm trạng buồn, họ sẽ có xu hướng kiên trì và chăm chỉ làm những công việc phức tạp về mặt tâm lý hơn là những người đang vui. Họ không chỉ cố gắng giải quyết nhiều vấn đề hơn mà còn giải quyết chúng chính xác hơn những người đang vui vẻ hơn. Nỗi buồn mài dũa cảm xúc, nó giữ cho chúng ta luôn cảnh giác, khiến cho chúng ta tự nghiên cứu bản thân một cách sâu sắc và không mệt mỏi. Buồn bã chính là trạng thái hoà hợp cao độ với thế giới.

Ăn món tráng miệng thật tuyệt, tuy nhiên niềm hạnh phúc trào dâng thực ra có tác động rất nhỏ đối với kết quả của sự tiến hoá của chúng ta.

Chỉ cần sẵn sàng trải qua, vật lộn với những cảm xúc khó khăn có thể tạo ra sự hài lòng hơn với cuộc sống. Một vài năm trước, một thí nghiệm thực hành trên 365 người trong độ tuổi từ 14 đến 88 được cho là có tâm lý ổn định, và mỗi người được phát một chiếc điện thoại thông minh, và hàng ngày họ cần phải trả lời các câu hỏi về sức khoẻ cảm xúc của bản thân trong vòng 3 tuần. Nghiên cứu này được công bố trên Emotion đã chỉ ra rằng, khi những người tham gia trả lời rằng họ đang trong trạng thái cảm xúc tiêu cực, chỉ những người nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực này là có hại hoặc đối nghịch với niềm hạnh phúc mới cảm thấy kém hài lòng hơn với cuộc sống. Những người tin rằng những cảm xúc tiêu cực có thể hữu ích nói rằng mức độ hài lòng với cuộc sống của họ không đổi, bất kể cảm xúc của họ có như thế nào. Điều này chỉ ra rằng việc gắn kết với những cảm xúc tiêu cực có thể khiến chúng ta vui vẻ hơn là chỉ đơn thuần theo đuổi sự hạnh phúc. 

Nguyên nhân cho sự cần thiết của việc đón nhận cả hai mặt tích cực và tiêu cực trong cuộc sống nằm ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta. Trong cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals (1872) (tạm dịch: Những biểu hiện cảm xúc của Con người và Động vật) bởi Charles Darwin, ông dường như đã tiên liệu trước được việc tìm kiếm sự hạnh phúc có thể bị định hướng sai lệch, và viết rằng chúng ta cần cẩn thận chọn lựa trong cách thể hiện cảm xúc bởi vì cảm xúc thay đổi việc chúng ta là ai và chúng ta làm gì. Giận dữ và sợ hãi có thể khiến ta rút lui, cũng như việc cảm thấy hứng khởi tình dục khiến ta hướng ngoại hơn. Tuy nhiên trong ngôn ngữ tiến hoá, những cảm xúc mạnh mẽ nằm ở điểm cuối của hai thái cực trên thước đo xúc cảm, ví dụ như hạnh phúc mãnh liệt hoặc cực kỳ buồn bã, chỉ là những kết quả tương đối. Chúng có tầm quan trọng đối với cách chúng ta cảm nhận, nhưng dưới góc nhìn rộng hơn về tiến hoá, cảm xúc chỉ quan trọng vì chúng giúp con người sống sót và duy trì nòi giống. Chúng khi đứng một mình không có ý nghĩa gì: ví dụ, thật tuyệt vời khi được ăn một bữa tráng miệng ngon lành, tuy nhiên niềm hạnh phúc trào dâng đến từ ẩm thực đó thực ra có tác động rất nhỏ đối với kết quả của sự tiến hoá quan trọng của chúng ta. Có thể nói, niềm hạnh phúc mà chúng ta đang cố gắng theo đuổi là sự kế nhiệm từ tổ tiên, điều đã tiếp động lực để họ tiếp tục tìm kiếm và thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn nhất. Nhưng kiểu hạnh phúc này không phải là một mục tiêu cuối cùng; nó chỉ là một con đường dẫn tới mục tiêu cuối cùng. 

Đánh cược toàn bộ sự tồn tại vào những cảm xúc dễ chịu và ‘cảm giác tốt đẹp’ là sự hiểu lầm lớn về ý nghĩa của sự hài lòng chân chính. Thay vào đấy, niềm hạnh phúc Epicurean, khi chúng ta có được sự tỉnh táo và sáng suốt trong việc kiểm soát cảm xúc, xử lý những đợt sóng cảm xúc tiêu cực luôn đến với chúng ta, đây mới là niềm hạnh phúc có khả năng dễ dàng dẫn đến sự hài lòng chân thực hơn. 

Tôn sùng việc theo đuổi hạnh phúc được cho là một hiện tượng kỳ lạ của văn hoá Anh-Mỹ, có lẽ áp lực văn hoá nặng nề tại hai quốc gia này đã đè nén những cảm xúc tiêu cực. Khi so sánh với người Pháp, những người hài lòng với cuộc sống không cần quá hạnh phúc—nơi sự hạnh phúc không hề giả dối, cũng không phải là dấu hiệu nhận biết của cuộc sống trọn vẹn, người Anh, và đặc biệt là người Mỹ xem nhẹ những cảm xúc tiêu cực, để khoác lên những vẻ mặt vui vẻ nhất có thể. Người Mỹ nổi tiếng với nụ cười giả trân cùng câu nói ‘Tôi ổn, cảm ơn bạn!’, trong khi người Anh thường né tránh những cuộc nói chuyện khó khăn, và tỏ thái độ lãnh đạm kể cả khi thất vọng hoặc đau đớn. Phủ nhận và che giấu cảm xúc tiêu cực trở thành những thói thường bởi vì những cảm xúc ấy không được xã hội và văn hoá chấp nhận. Trong tư duy của người Anh—Mỹ, cảm xúc tiêu cực thể hiện con người tiêu cực của chúng ta, như thể chúng ta đã phạm một sai lầm căn bản, sống mà không biết tận hưởng và không có những điều vui vẻ và tích cực để đạt được hạnh phúc. 

Tuy nhiên việc thể hiện tất cả những niềm hạnh phúc giả trân này chỉ như đang cố gắng chơi đuổi bắt mà thôi. Theo cuốn sách của nhà tâm lý học Brock Bastian tên The Other Side of Happiness: Embracing a More Fearless Approach to Living (2018) (tạm dịch: Mặt khác của hạnh phúc: Sống dũng cảm hơn, 2018), một người sống trong văn hoá phương Tây có xu hướng phát triển bệnh lý trầm cảm hoặc lo âu hơn một người ở phương Đông từ bốn đến 10 lần. Bastian viết rằng, tại Trung Quốc và Nhật Bản, con người thường coi các cảm xúc tích cực và tiêu cực là những phần không thể thiếu được và ngang bằng nhau của cuộc sống. Đối với người phương Đông, họ quan niệm rằng niềm vui không nên phải tích cực kiếm tìm, cũng như nỗi buồn không nên bị lảng tránh hết mực. Bastian tìm hiểu về lập trường trong tôn giáo, đặc biệt là trong lý thuyết Phật pháp thường tìm cách để đón nhận trọn vẹn tất cả tình trạng của con người, và thấu hiểu nỗi đau qua các lý do uẩn khúc đằng sau. 

Niềm ham muốn thay đổi những cảm xúc không vui thành điều gì đó vui vẻ hơn là lối suy nghĩ khiến chúng ta dễ dàng đón nhận những mẩu quảng cáo thao túng con người, công việc chuyên môn của Watson. Tuy nhiên đó không phải là niềm ham muốn ăn sâu vào nền văn hoá của chúng ta qua một chiếc máy hút bụi. Có một động lực kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp khi con người tin rằng hạnh phúc là điều gì đó mà chúng ta cần phải làm việc và mua sắm để đạt được nó. Những nhân viên vui vẻ có xu hướng làm việc hiệu quả hơn khoảng 12%. Google có vị trí ‘Giám đốc Hạnh phúc’. Văn hoá ‘tự thưởng bản thân’ vẫn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh doanh, và gần như tất cả các hãng mỹ phẩm hiện nay đều tung ra quảng cáo dựa trên yếu tố ‘self-care’ (chăm sóc bản thân). Trong khi đó, APA đang cho chỉnh sửa lại ấn bản thứ 5 của cuốn Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (2013) (tạm dịch: Hướng dẫn chẩn đoán và xác suất của bệnh rối loạn tâm thần) để những người đau buồn và khổ sở hơn hai tháng có thể được coi là có bệnh tâm lý và cần được chữa trị bằng y học, ví dụ như bằng thuốc an thần Wellbutrin.

Cuộc đời thật không đáng sống biết bao nếu như chúng ta chỉ trôi nổi giữa những trải nghiệm tột đỉnh.

Nếu Wellbutrin có vẻ giống như một loại thuốc kích thích hạnh phúc trong tế bào thần kinh như Aldous Huxley viết trong tiểu thuyết Brave New World (1932) (tạm dịch: Thế giới mới tươi đẹp), đó là bởi vì loại thuốc này, và tất cả những niềm hạnh phúc có điều kiện này đều có một chút Huxleyan. Với sự phát triển của tâm lý học tích cực giữa thế kỷ 20, cùng với nền tảng là ý tưởng của Hobbes vào thế kỷ 17, Huxley đã tiên đoán trước rằng sự hạnh phúc lý tưởng của Epicurean đã, đang và sẽ thay đổi. ‘Quyền được mưu cầu hạnh phúc,’ ông viết vào năm 1956, ‘nói theo cách khác thì không khác gì quyền được vỡ mộng.’ 

Ngày nay, những nghiên cứu thị trường xây dựng trên nền móng của Watson chỉ có thể tiếp tục phát triển, từ khả năng quét khuôn mặt trong cửa hàng để nhận biết cảm xúc của người mua hàng trước những sản phẩm nhận định, tới những quảng cáo dường như theo chân chúng ta trên mọi nền tảng số, và dần dần đạt tới đỉnh cao của thao túng thị trường là: tạo ra những sản phẩm có thể ‘hack’ niềm hạnh phúc, tác động đến thần kinh con người để ta cảm thấy cần và muốn mua chúng. (Những sản phẩm này thực ra đã có mặt trên thị trường ở một góc độ nào đó, thử nghĩ đến việc Facebook kiểm soát cảm xúc của người dùng với thuật toán trên News Feed mà xem.)

Tuy nhiên nếu chúng ta tiếp tục để bản thân bị thâu tóm vào việc phải có những trải nghiệm tích cực đỉnh cao, chúng ta không những sẽ khiến bản thân dễ bị thao túng mà còn dẫn đến sự cô đơn, khả năng đánh giá kém, và trớ trêu thay là một nỗi buồn vĩnh cửu. Niềm vui kiểu Epicurean có thể sẽ không giúp ta lúc nào cũng ‘hạnh phúc’ theo kiểu chúng ta sử dụng từ này đồng nghĩa với những cảm xúc lạc quan. Nhưng cuộc đời thật không đáng sống biết bao nếu như chúng ta chỉ đơn thuần trôi nổi giữa những trải nghiệm tích cực. Thực tế, thế hệ trẻ hơn, những người dễ dàng tin vào ý tưởng ‘hạnh phúc cực độ’, lại thực sự không vui vẻ một chút nào, với 22 phần trăm người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh năm từ 1981 đến 1996) chia sẻ rằng họ không có bạn bè. Đây chắc chắn không phải là một thứ ‘niềm vui’ mà chúng ta muốn theo đuổi. 

Nếu như, thay vào đó, chúng ta hiểu rằng hạnh phúc cũng có những khúc quanh co, sự buồn bã cũng có vai trò căn bản trong cuộc sống, và trớ trêu thay là cho cả sự vui vẻ của chúng ta? Vậy tại sao chúng ta không thử thay đổi suy nghĩ của bản thân: không mưu cầu hạnh phúc nữa, mà hài lòng với tất cả những cảm xúc hiện tại của bản thân?


  1. John Broadus Watson (1878 – 1958) là một nhà tâm lý học người Mỹ đã thành lập trường phái tâm lý học về hành vi. Đọc thêm

  2. Đường cong học tập (Learning curve) đề cập đến mối quan hệ giữa quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm đối với kết quả là những tiến bộ đạt được.

  3. Big Data là dữ liệu lớn, thay đổi nhanh và phức tạp. Tuy nhiên, thật ra không có định nghĩa duy nhất cho Big Data là gì. Ví dụ, như IBM định nghĩa Big Data là 4V, bao gồm: Volume: Khối lượng dữ liệu, Velocity: Tốc độ của dữ liệu, Variety: Sự đa dạng của dữ liệu, Veracity: Tính xác thực của dữ liệu

  4. Chăn trọng lực (gravity blanket) được quảng cáo là một loại chăn có khả năng trị liệu nhờ việc tận dụng sức nặng để thư giãn hệ thống thần kinh, giúp tăng chất lượng giấc ngủ, giảm căng thẳng và lo âu.

  5. Thomas Jefferson là tổng thống thứ 3 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ-Cộng hòa Hoa Kỳ, và là một nhà triết học chính trị có ảnh hưởng lớn, một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Đọc thêm

  6. Martin Seligman là nhà tâm lý học, nhà giáo dục người Mỹ và tác giả của nhiều cuốn sách self-help. Ông nổi tiếng với thuyết tâm lý học tích cực (positive psychology). Đọc thêm.

  7. Hobbesian (nguồn gốc từ tên của nhà văn Thomas Hobbes, tác giả của cuốn Leviathan) là tình trạng cạnh tranh không kiềm chế, ích kỷ, và thiếu văn minh.

  8. Bản gốc sử dụng từ “zero-sum game”, được dịch ra tiếng Việt là “trò chơi có tổng bằng 0”, là 1 tình huống trong lý thuyết trò chơi (game theory) khi mỗi người tham gia được hoặc mất tiện ích được cân bằng chính xác bởi những mất mát hoặc lợi ích của những người tham gia khác. Đọc thêm.

  9. Bản dịch của Đông Yên, có thể đọc bản đầy đủ tại đây.

  10. Lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Lễ Vượt Qua được tiến hành như một cuộc tưởng niệm để mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Đọc thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất