Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
Series: What is...?
§ Tác giả: Tài | Hiệu đính:  Dexter
13/11/2016
Bài viết này thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của zeal hay đội ngũ ban biên tập.

Tại sao Clinton được nhiều người dân Mỹ bầu hơn, nhưng cuối cùng lại thua?

Câu trả lời nằm ở Electoral College, dịch tiếng Việt là Đại Cử tri Đoàn.
Thực ra người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Họ bầu cho những người sẽ bầu tổng thống, hay còn gọi là Đại Cử tri (Elector).
Các đại cử tri ở một bang sẽ bầu cho ứng viên được nhiều phiếu của dân chúng (còn gọi là phiếu phổ thông – popular vote) ở bang đó nhất. Ví dụ, số phiếu phổ thông cho Trump hơn Clinton ở bang Florida. Vậy toàn bộ 29 đại cử tri của bang Florida sẽ bầu cho Trump. Nói cách khác, Trump sẽ nhận 29 phiếu đại cử tri (electoral vote). (Điều này nghe dư thừa, kiểu đằng nào cũng bầu người được dân chọn, vậy sinh ra đại cử tri làm gì. Nhưng thực chất không như vậy. Bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp.)
Mỗi bang sẽ có số Đại cử tri tương ứng với dân số của mình. Ví dụ, California có đông dân nhất (hơn 39 triệu người) thì sẽ có 55 đại cử tri. Bang hẻo lánh như Wyoming (với gần 600 ngàn dân) thì có 3 đại cử tri.
Có một điểm cần lưu ý là, ứng viên sẽ dành trọn toàn bộ phiếu đại cử tri của một bang nếu ứng viên đó có số phiếu bầu cao nhất (winner-take-all), khoảng cách giữa số phiếu bầu của ứng viên đó với ứng viên xếp sau không quan trọng. (Maine và Nebraska không dùng phương pháp winner-take-all này, mà dùng phương pháp chia theo quận nên số đại cử tri được chia cho ứng viên sẽ đều (proportional) hơn là “winner-take-all”. Tuy nhiên vì số phiếu đại cử tri của cả 2 bang khá nhỏ nên không ảnh hưởng lớn.)
Ví dụ: New York có 29 đại cử tri. Giả sử có 10 triệu người đi bầu, và 7 triệu người chọn Clinton, 3 triệu người chọn Trump. Khoảng cách: 4 triệu phiếu. Kết quả: Clinton lãnh trọn 29 phiếu đại cử tri.
Florida có 29 đại cử tri. Giả sử có 10 triệu người đi bầu, và 4 triệu 950 ngàn người chọn Clinton, và 5 triệu 50 ngàn người chọn Trump. Khoảng cách: 100 ngàn phiếu. Kết quả: Trump lãnh trọn 29 phiếu đại cử tri.
Như vậy, có thể thấy khác biệt bao nhiêu phiếu phổ thông không quan trọng, ai hơn thì sẽ lãnh trọn toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.
Hiện tại, có tất cả 538 đại cử tri. Để trở thành tổng thống Mỹ, ứng viên cần nhiều hơn 50% số phiếu bầu của đại cử tri (mỗi đại cử tri có một phiếu bầu), tức là 270 phiếu đại cử tri.

Vậy ứng viên phải vận động ở cả 51 bang để lấy được nhiều phiếu đại cử tri? Hay tại sao không chỉ tập trung vào những bang đông dân như California, Texas và New York?

Cuộc đua vào nhà Trắng thực chất là cuộc đua thắng những lá phiếu ở những bang quan trọng. Ở Mỹ, có những bang luôn bầu cho đảng Dân Chủ, như New York, California và Massachusetts. Có những bang luôn bầu cho đảng Cộng Hoà, như Texas, Oklahoma và Tennessee. Tuy nhiên, cũng có những bang lúc bầu cho đảng này, lúc bầu cho đảng kia, gọi là “swing states”. Người dân ở các bang này bị chia rẽ gần như 50-50 giữa hai đảng. Những bang “swing states” quan trọng là Ohio và Florida. Vì vậy, muốn vào nhà trắng, các ứng viên phải tập trung vận động ở các bang “swing states” này.
Để biết được bang nào có xu hướng bầu ai đó hay là bang swing states thì người ta thường dựa vào lịch sử (những đợt bầu cử gần đây bầu đảng nào) hoặc các cuộc thăm dò (polls).
Năm 2016, báo chí và các nhà chiến lược của hai ứng viên xác định như sau:
+ Các bang “swing states” là New Hampshire (4 đại cử tri), Pennsylvania (20), Ohio (18), Michigan (16), Virginia (13), North Carolina (15), Georgia (16), Florida (29), Colorado (9), New Mexico (5), Arizona (11), Iowa (6) và Nevada (6). Tổng cộng: 168.
+ Những bang có xu hướng bầu đảng Dân Chủ là California (55 đại cử tri), New York (29), Illinois (20), Minnesota (10), Vermont (3), Maine (4), Maryland (10), Delaware (3), New Jersey (14), Connecticut (7), Rhode Island (4), Massachusetts (11), Washington (12), Washington DC (3), Oregon (7), Wisconsin (10), Haiwaii (4). Tổng cộng: 206.
+ Những bang có xu hướng bầu đảng Cộng Hoà là Texas (38 đại cử tri), Oklahoma (7), Arkansas (6), Louisiana (8), Mississippi (6), Alabama (9), Kansas (6), Missouri (10), Tennessee (11), Kentucky (8), West Virginia (5), Indiana (11), Nebraska (5), South Dakota (3), North Dakota (3), Montana (3), Wyoming (3), Idaho (4), Utah (6), South Carolina (9) và Alaska (3). Tổng cộng: 164.
Nhớ rằng cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Có thể thấy, nếu bạn là Trump hay Clinton, để thắng bạn cần tập trung vào “swing states”.
Trường hợp đạt được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng ít phiếu đại cử tri hơn hoàn toàn có thể xảy ra.
Để cho đơn giản, giả sử nước Mỹ chỉ có 3 bang là Florida, New York và New Hampshire. Florida có 10 triệu người đi bầu, New York có 10 triệu người, và New Hampshire có 2 triệu người đi bầu. Clinton thắng 7 triệu phiếu ở New York, 4 triệu phiếu ở Florida, và 950 ngàn phiếu ở New Hampshire. Tổng cộng: 11 triệu 950 ngàn phiếu, và 29 phiếu đại cử tri (của New York). Trump thắng 3 triệu phiếu ở New York, 6 triệu phiếu ở Florida, và 1 triệu 50 ngàn phiếu ở New Hampshire. Tổng cộng: 10 triệu 50 ngàn phiếu, và 33 phiếu đại cử tri (29 của Florida và 4 của New Hampshire). Kết quả: Dù ít hơn Clinton 1 triệu 900 ngàn phiếu phổ thông, Trump trở thành tổng thống vì có nhiều phiếu đại cử tri hơn (33>29).

Vậy điều gì đã diễn ra vào đêm bầu cử?
Clinton thua ở các bang “swing states” quan trọng như Florida (29), Ohio (18), Michigan (16), North Carolina (15), và Pennsylvania (20). Ngoài ra, Wisconsin, vốn được cho là sẽ bầu Clinton, lại bầu cho Trump. (Số phiếu phổ thông ở Wisconsin cho Trump hơn của Clinton tầm 20 ngàn phiếu). Điều này có lẽ vì Clinton và các nhà chiến lược của đảng Dân Chủ đã chủ quan, không vận động ở bang này nhiều.
Chính vì thế, dù số phiếu phổ thông của Clinton là 60.278.606, và của Trump là 59.907.356 phiếu (số liệu lấy từ Wikipedia lúc 2:35AM GMT ngày 11/11), Clinton vẫn thua Trump trong cuộc đua vào nhà Trắng vì Clinton có ít phiếu đại cử tri hơn (232) so với Trump (306).
Có nhiều người cho rằng tầng lớp lao động da trắng (white working class), vốn thích chính sách chống lại toàn cầu hoá và lời hứa hẹn dành lại việc làm cho nước Mỹ từ tay Trung Quốc của Trump, đã xuất hiện và bầu cử một cách đông bất ngờ. Lâu nay, tầng lớp này bị bỏ quên trong một trật tự kinh tế mới nên trở nên giận dữ với giới tinh hoa chính trị Mỹ mà Clinton đại diện. Các bang “swing states” như Michigan (thủ phủ một thời ngành công nghiệp ô tô), Ohio, Pennsylvania… có rất đông người da trắng lao động. Những người bầu cho Clinton thì chủ yếu ở thành phố lớn hoặc/và có học thức cao, vốn tập trung ở California, New York và các bang Đông Bắc như Massachusetts. Tuy nhiên, những người này, cùng với các nhóm thiểu số như gốc Phi, gốc Á, Mỹ Latin và người Hồi giáo không đủ đông, hoặc ít ra là không đi bầu cử đủ đông để giúp Clinton thắng các bang “swing states”.

Quay trở lại Đại Cử tri Đoàn (Electoral College)
Có lẽ giờ bạn đã hiểu nếu có Đại cử tri Đoàn sẽ tai hại như thế nào. Người được nhiều phiếu nhất chưa chắc trở thành tổng thống.
Nhưng tới đây bạn tự hỏi: vậy lỡ có người trong số 306 đại cử tri mà Trump thắng được không bầu cho Trump thì sao? Có những bang có luật bắt buộc đại cử tri phải bầu cho ứng viên được nhiều phiếu phổ thông của bang đó nhất. Có những bang không bắt buộc, hoặc nếu trái luật thì phạt nhẹ. Tuy nhiên, trường hợp đại cử tri không bầu cho ứng viên thắng bang mình rất hiếm. Ví dụ, sẽ rất khó để thấy đại cử tri bang Texas không bầu cho Trump. Vì sao?
Trước bầu cử, hai đảng sẽ giới thiệu các ứng viên cho vị trí đại cử tri. Ví dụ: ở bang Maine (4 đại cử tri), đảng Dân Chủ sẽ giới thiệu 4 người từ đảng của mình, và đảng Cộng Hoà cũng sẽ giới thiệu 4 người cùng đảng. Khi Clinton thắng Maine (có số phiếu phổ thông cao hơn Trump), vị trí 4 đại cử tri của Maine sẽ do 4 người đảng Dân Chủ nắm giữ. Vào ngày 19/12, 538 đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Tuy nhiên, vì lí do trên, thường thì đây chỉ là hình thức. Kết quả đã được quyết định từ trước.

Đại Cử tri Đoàn bất công như vậy, tại sao tới giờ vẫn dùng?
Đại Cử tri Đoàn là một thể chế có từ lúc nước Mỹ mới được lập, và giới lập quốc nắm quyền lúc đó chủ yếu là giới tinh hoa, quý tộc hoặc nhà buôn giàu có. Họ không muốn giao quyền quyết định trực tiếp vào tay người dân, nên nghĩ ra “Đại cử tri”. Mỗi bang có cách chọn đại cử tri riêng. Có bang thì tranh cử cho chức này. Có bang thì thống đốc sẽ là đại cử tri. Vân vân. Các nhà lập quốc cho rằng dân chúng ngu dốt, dễ bị mê hoặc sẽ bầu cho những kẻ giỏi nói, xảo ngôn. Cần giao việc chọn hiền tài vào tay những người có học, có tài hoặc có kinh nghiệm là các Đại cử tri. Tuy nhiên, khi quyền bỏ phiếu dần trở nên phổ thông, những cách chọn đại cử tri này không còn phù hợp vì dân chúng đòi quyền quyết định chọn tổng thống. Từ đó, ta mới thấy hình thức giới thiệu ứng viên đại cử tri theo đảng như trên.

Lời kết
Đại Cử tri Đoàn đựơc tạo ra để Hoa Kì không rơi vào tay một kẻ mị dân, tránh cái hoạ của “dân chủ trực tiếp” khi mà dân tự tay bầu tổng thống. Tuy nhiên, vào 2016, buồn cười thay, Đại Cử tri Đoàn đã đưa một người phân biệt chủng tộc, xem thường phụ nữ, tính tình không ổn định và không có kinh nghiệm chính sách vào một trong những vị trí quyền lực nhất thế giới.
Có lẽ đây là nét đẹp phi dân chủ của quốc gia chuyên tìm cách xuất khẩu dân chủ sang các nước khác. Cá nhân mình không phải công dân Hoa Kì, nhưng chính sách của Hoa Kì thì ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam và cả thế giới. Mình chỉ có thể hi vọng Trump không làm gì ngu xuẩn trong 4 năm tới, và người Mỹ sẽ quyết định đúng đắn vào 2020. Lần gần đây nhất Đại Cử tri Đoàn phá bĩnh là năm 2000, khi Al Gore thua George W. Bush hơn 500 phiếu phổ thông ở Florida, và kết quả là Bush lãnh trọn 29 phiếu đại cử tri. Dù Al Gore nhiều phiếu phổ thông cả nước hơn, nhưng vì ít phiếu đại cử tri hơn nên George W. Bush trở thành tổng thống. Kết quả là chiến tranh Iraq, cuộc chiến chống khủng bố và nhiều tai ương khác. Kể cả người Mỹ từng bầu Bush cũng chán ghét ông. Năm 2008, ông bàn giao cho Obama một nền kinh tế trong tình trạng yếu ớt.

4 thoughts on “Đại Cử tri Đoàn là gì? Và vì sao Hillary Clinton lại thua?

  1. Mình rất thích các bài viết ở mảng xã hội như chính trị và kinh tế ở bên Zeal, đọc thấy rất thích và được mở mang thêm rất nhiều kiến thức xã hội cho bản thân. Mong Zeal sẽ ra thêm nhiều bài ở mảng này nữa.

Leave a Reply to Hà Thương Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất