a
§ Tác giả: Jean-Pierre Jacquot, Roger Pouivet | Nguồn: The Conversation
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  coda
23/02/2019

Phần 1: Bản ngã, đổi thay, và tôn giáo

Ý kiến của Jean-Pierre Jacquot, giáo sư sinh học

Lần duy nhất chúng ta học triết học từ hệ thống trường phổ thông Pháp là năm cuối cấp, khi tầm 17 hay 18 tuổi. Giảng viên triết học của tôi là một người tốt tính, nhưng lại đi kèm một đặc điểm lạ lùng: ông có đôi tai cực lớn, điều mà lũ học trò chúng tôi rất thích thú mỗi khi đề cập đến. Chúng tôi lúc đó chưa biết rằng đôi tai con người to lên theo tuổi tác, và thực sự thì lúc đó ông cũng đã già. Đối với những người yêu thích khoa học, triết học hiếm khi nào được xem là một môn học chính, và chúng tôi thì cứ để cho những bài giảng đi từ tai này qua tai kia (những đôi tai nhỏ như lứa tuổi chúng tôi vậy). Hơn hết, ông giáo sư này lại cứ giảng bài với một giọng đều đều, khó mà gây hứng thú.

Nhưng bỗng một ngày, ông hoàn toàn thu hút sự chú ý của chúng tôi, đấy là lúc ông bắt đầu thảo luận về ngã (self) và vô ngã (non-self). Tôi nhớ như in cái ví dụ ông sử dụng và có thể lặp lại nó gần như đúng từng từ từng chữ, dù đã 45 năm trôi qua. Ông nói như sau: “Khi tôi đi vào toa-lét, tôi của vài giây trước biến mất đi. Và cái tôi (vừa bị mất đi kia – ND) trở thành cái-không-phải-là-tôi. Nhưng thật ra, cái-không-phải-là-tôi kia lại là tôi vài giây trước, nhưng thời điểm đó tôi lại không xem nó như cái-không-phải-là-tôi.”

Hiểu về ngã và vô-ngã1

Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi dòng tư duy trên, bởi nó có vẻ đúng và giải thích được súc tích sự khác nhau mà chúng tôi hiểu về ngã và vô-ngã – nói chung thì lúc đó chúng tôi nghĩ rằng có cái tôi/cái ngã là tốt, còn vô-ngã thì tồi tệ. Nhiều năm sau đó, tôi kể lại bài giảng triết học trên với vài đồng nghiệp vào bữa tối, một trong số họ khăng khăng bảo rằng anh ta là cái vô-ngã của tôi, lúc đó tôi không chắc rằng liệu anh ta có thực sự hiểu được cái khái niệm đó hay không… Và bởi nghĩ rằng anh tự lấy bản thân mình làm trò đùa, tôi cũng bảo rằng tôi là cái vô-ngã của anh ta…

Vậy thì sinh học nói gì về ngã và vô ngã, và làm sao việc này liên quan đến tôn giáo và thuyết luân hồi linh hồn (Metempsychosis)? Tôi đã nghiên cứu về cơ chế quang hợp hơn 40 năm nay, cụ thể là về sự cố định carbon dioxide2, và khoảng gần 20 năm nghiên cứu về sinh-hóa và sinh vật học thực vật. Các bài giảng của tôi liên quan mật thiết đến cơ chế quang hợp của diệp lục và cơ chế hô hấp của ti thể ở thực vật lẫn động vật. Nói một cách đơn giản, đối với cơ chế quang hợp, thực vật tổng hợp carbon dioxide và nước trở thành carbohydrate và oxygen; hô hấp thì ngược lại, carbohydrate với sự hỗ trợ của oxygen phân giải ra carbon dioxide và nước. Hai phản ứng này diễn ra thuận nghịch, sử dụng các chất phản ứng/sản phẩm giống nhau như phương trình bên dưới.

Nguồn ảnh: Tác giả

Sự hiểu biết về sinh-hóa này mang cho tôi một cách nhìn như sau: khi tôi hít thở cạnh một loài cây đang quang hợp, tôi tiêu thụ oxygen được cung cấp từ loài cây này, đồng thời tôi giải phóng carbon dioxide – thứ sẽ được loài cây ấy tiêu thụ. Vậy nghĩa là, carbon dioxide từng là một phần của tôi thoáng chốc trước đây, nay đã trở thành một phần của loài cây này, và ngược lại, oxygen mà nó sản sinh ra nay trở thành một phần cơ thể của tôi. Nếu xét theo phạm trù ngã và vô-ngã, thì một phần của cái thứ được gọi là cây kia từng là tôi vài giây trước, vân vân và vân vân. Đơn giản nhưng cũng đầy choáng váng phải không? Cuộc tranh luận có thể mở rộng ra và bao gồm mọi chất dinh dưỡng: Nếu tôi ăn một lát cá, một miếng thịt, một khoanh cà rốt, một mẩu bánh mì, thì những thứ từng là một phần của một con cá hồi, một con bò, một củ cà rốt, một nắm lúa mì nay đã trở thành tôi. Nói cách khác, sau khi tôi thực hiện những điều chỉnh cần thiết mà cơ chế trao đổi chất của tôi đòi hỏi, những thành phần từng là tôi (các chất thải của tôi giờ đây – ND) sẽ được thực vật và vi khuẩn xem là chất dinh dưỡng. (Và trong thực tế thì, chẳng phải chúng ta đã luôn sử dụng phân động vật để bón cho các cánh đồng trong hàng triệu năm qua sao?)

Chúng ta chỉ là các khái niệm

Những xem xét đơn giản trên dẫn đến một cách hiểu như sau: mặc dù động vật, vi sinh vật và thực vật trông có vẻ là các thực-thể (entity), thực tế thì chúng ta chẳng hề tồn tại như vậy. Thay vào đó, chúng ta luôn trao đi đổi lại chính bản thân mình với môi trường xung quanh thông qua các chu trình dinh dưỡng. Vậy nghĩa là, ngã và vô-ngã chỉ là những khái niệm không chắc chắn, như những gì giảng viên triết học của tôi đã nói. Theo một cách hiểu nào đó thì chúng ta chỉ là những khái niệm. Giá như tôi ít mơ mộng về các nữ sinh cùng lứa lại, thì tôi đã có thể nhớ được tên của nhà triết học Hy Lạp từng tuyên bố rằng thế giới này chỉ là ảo ảnh. Bằng cách nào đó, câu nói trên lại đúng với quan điểm sinh học. Một bài hát của Joni Mitchell có đoạn điệp khúc như sau “We are stardust, we are golden…” (Tạm dịch: “Chúng ta là hạt bụi tinh cầu, chúng ta là trang nhã bạc vàng”)3. Trang nhã bạc vàng, tôi không chắc, nhưng hạt bụi tinh cầu thì chắc chắn rồi – chúng ta đều là những hạt bụi tinh cầu liên tục trao đổi chất với môi trường xung quanh ta, với thực vật gần ta, với vi sinh vật trong ta, trên da ta, trong cơ thể ta. Thực tế thì, trong cơ thể con người có nhiều tế bào vi khuẩn hơn cả số lượng tế bào nhân thực, phần lớn chúng tập trung tại đường ruột…

Vậy điều này dẫn đến đâu trong phạm trù luân hồi linh hồn và tôn giáo?

Thuyết luân hồi linh hồn tin rằng linh hồn (soul) có thể di chuyển đến các thân xác khác, rằng sau khi chết thì chúng ta có thể thay đổi hình dạng và trở lại trong một cơ thể hoàn toàn mới, đó có thể là cơ thể con người, động vật hoặc thậm chí là thực vật. Tôi không biết liệu linh hồn có tồn tại hay không, nhưng sinh học đã bảo tôi rằng chúng ta luôn thay đổi bản thân mình để trở thành động vật và vi sinh vật, tương tự như những gì được phát biểu bởi thuyết luân hồi linh hồn. Dường như trong tín ngưỡng của người phương Đông, luân hồi không cần lắm một ý niệm về linh hồn4, nhưng nếu luân hồi linh hồn (metempsychosis) cũng được xem là luân hồi thể xác (metempsomasis)5, thể xác của con người luôn thay đổi, thì theo cách hiểu này, vâng, tôi tin vào luân hồi.

Còn tôn giáo thì sao? Chẳng phải mục đích của nó là nhằm an ủi con người về cái chết có thể xảy ra bất cứ khi nào, về lời hứa hướng đến một sự sống vĩnh hằng cho linh hồn của họ? Sinh học bảo tôi rằng cái chết là sự tái tạo tối thượng của chính tôi. Trong suốt cuộc đời mình, tôi trao đổi chính tôi với môi trường quanh mình, và sau khi tôi chết, các nguyên tử và phân tử của tôi sẽ được sử dụng nhằm tạo dựng nên một cuộc đời mới. Đã đủ an ủi chăng? Chẳng phải chúng ta đều sẽ bất tử theo cách này? Chúng ta có thực sự cần Chúa an ủi chúng ta? Đối với một số người, câu trả lời là có; đối với những người khác, suy nghĩ rằng  được tuần hoàn sau khi chết có lẽ đã đủ để khiến họ bớt bỏ những âu lo.

Nếu bạn cần một lời đúc kết những lời trên, thì nó là: Này bạn tôi, sau khi cái ảo ảnh được cho là tôi kia qua đời, đừng buồn bã làm chi. Tôi sẽ luôn bên bạn trong cây cối, bông hoa, thảm cỏ, đàn bò, đàn chim, và thậm chí là một phần trong bạn, nghĩa đen nhé. Đừng bi lụy làm gì.

Phản hồi của Roger Poiuvet, Giáo sư Triết học

Hãy cùng tóm tắt lại những ý kiến của Jean-Pierre Jacquot. Thông qua cơ chế trao đổi chất, sinh vật sống tiêu thụ một phần môi trường quanh chúng và ngược lại, giải phóng một phần của chúng ra xung quanh. Kết quả là, sinh vật hòa nhập với thứ gì đó không phải là nó trong quá khứ để trở thành một thứ gì khác trong hiện tại. “Nếu tôi ăn một lát cá, một miếng thịt, một khoanh cà rốt, một mẩu bánh mì, thì những thứ từng là một phần của một con cá hồi, một con bò, một củ cà rốt, một nắm lúa mì nay đã trở thành tôi.” Và, “Sau khi tôi thực hiện những điều chỉnh cần thiết mà cơ chế trao đổi chất của tôi đòi hỏi, những thành phần từng là tôi (các chất thải của tôi giờ đây – ND) sẽ được thực vật và vi khuẩn xem là chất dinh dưỡng.”

Vì vậy, “Mặc dù động vật, vi sinh vật và thực vật trông có vẻ là các thực-thể, thực tế thì chúng ta chẳng hề tồn tại. Thay vào đó, chúng ta luôn trao đi đổi lại chính bản thân mình với môi trường xung quanh thông qua các chu trình dinh dưỡng.” Từ những bằng chứng sinh học, Jean-Pierre Jacquot kết luận về cái tôi/ngã trong triết học. Vì vậy, khi biết rằng chúng ta chẳng hề tồn tại như là những thực thể hằng chắc (trái ngược với vẻ bề ngoài), sự sống sau cái chết chỉ là một ảo ảnh nhằm mang đến sự an ủi. Diễn giải được những dữ liệu sinh học này dẫn đến một bài học tuyệt diệu về triết học, về thứ chúng ta là, và về sự giả dối của tôn giáo.

Tuy nhiên, đây là lại một ý kiến không mấy thuyết phục. Tôi đặc biệt hoài nghi cái kết luận về sự tồn tại mà Jean-Pierre Jacquot nêu lên.

Sinh vật tiêu thụ các nguyên tố từ môi trường quanh chúng và thải ra chất thải, đây là một sự quan sát bình thường mà ngành sinh học có thể dễ dàng hệ thống và miêu tả. Liệu chúng ta có cần đưa ra suy đoán dựa trên tư duy đó rằng không một sinh-thể (living being) nào có một đặc tính ổn định? Câu trả lời là cần, nếu như sinh vật không thể thay đổi khác đi khi vẫn giữ cho mình “ngã.” Tuy nhiên, tại sao điều đó lại là một điều không thể? Nếu một con thỏ mập mạp hay ốm đói, nó vẫn là một con thỏ. Không những nó vẫn là một con thỏ, nó còn là một con thỏ cụ thể – bây giờ ta gọi nó là Trần Văn Thỏ cho tiện trong việc tranh luận. Gã có ăn cà rốt hay không thì đều không khiến gã Thỏ này khác đi so với gã Thỏ cũ. Gã vẫn là một Trần Văn Thỏ với ngày càng nhiều đặc điểm, cho đến một ngày gã chết già hay bị làm thịt.

Thậm chí cả sự tái tạo tế bào mới hoàn toàn của một sinh-thể, dù cho chầm chậm, cũng không dẫn đến sự mất mát đi các đặc tính của sinh-thể đó. Trao đổi chất, trái với những gì Jean-Pierre Jacquot phát biểu, có thể được hiểu như là một chỉ số miêu tả tính ổn định về bản thể học (ontological stability)6của các sinh-thể hơn là miêu tả bản chất chóng phai mờ của chúng.

Còn về bản ngã/linh hồn? Là một ảo ảnh ư? Nó thường được gắn liền với sự nhận thức (consciousness). Phải là linh hồn chứ không thể là thể xác thì mới đảm bảo được sự vĩnh hằng của con người xuyên suốt thời gian và không gian. Một vài nhà nhị nguyên luận7 tin rằng linh hồn hay ký ức có thể tiếp tục tồn tại qua quá trình thay đổi thân xác. Thảo luận của Jean-Pierre Jacquot dựa trên ký ức của một bài học triết học mà ông đã trải nghiệm từ lâu. Đấy là ký ức của ông ấy, không phải của một người không phải là ông ấy bây giờ. Học một môn học đòi hỏi phải có sự liên tục về tâm trí (dù ông ấy dường như có vấn đề về tập trung tư tưởng, theo như những gì tôi nhận thấy…). Trái với giả thuyết của ông, thứ mà ông ấy đang bàn luận chỉ rõ ra rằng ông thực sự đang sở hữu cho mình một đặc tính cá nhân, tôi ngờ rằng ông cũng đang do dự về chuyện này.

Sự tái tạo tế bào mới hoàn toàn của một sinh-thể, dù cho chầm chậm, cũng không dẫn đến sự mất mát đi các đặc tính của sinh-thể đó.

Jean-Pierre Jacquot cũng bảo chúng ta rằng những phần nhỏ của ông sẽ phân tán ra thành các vật chất khác nhau sau khi ông qua đời. Nếu một đặc tính xuyên suốt thời gian là một ảo ảnh, vậy những phần nhỏ kia của ông liệu có để lại một dấu vết gì? Tuy nhiên, tôi không cố gắng bảo vệ giả thuyết rằng đặc tính của một con người chỉ duy nhất liên kết với cái-tôi-tư-duy (thinking-self) của người này, như những gì John Locke8 đã phát biểu vào thế kỷ 17. Thay đổi kính chiếu hậu không tạo ra một chiếc xe mới, vấy một vết ố lên vải không tạo ra một mảnh vải mới, gã yêu cà rốt thì vẫn chẳng đổi thay gì sau khi ăn một hay nhiều củ cà rốt. Chúng ta sống một cuộc đời có thực thông qua nhiều cách, từ lúc ra đời cho đến trước lúc chết. Và thậm chí (cuộc đời kia còn tiếp tục kéo dài- ND) sau đó nữa, dù tôi thừa nhận rằng không phải tất cả mọi người đều đồng ý với điều này.

Liệu một sinh-thể có thể mãi hoài nhất quán khi thời gian dần trôi? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải phân tích được rằng sinh-thể là gì, đặc tính còn sót lại (remaining identity) là gì. Và một sinh-thể liệu có tự sở hữu trong bản thân nó thứ gì đó mang đặc tính của mình? Liệu một sinh-thể có hoàn toàn tồn tại xuyên suốt quá trình tiến hóa về thể xác của nó? Hoặc, liệu một sinh-thể có thật sự bị phân tán qua thời gian? Có phải sự sống sau cái chết chỉ liên quan đến linh hồn, còn thể xác chỉ là một phương tiện hoặc thậm chí là không cần thiết? Đây là những câu hỏi siêu hình cụ thể, và chắc chắn những câu hỏi này cần được đưa vào một chương trình giáo dục đa chuyên ngành.

 

***

Phần 2: Đặc tính, biến thái, và cái tôi

Hai giáo sư từ Đại học Lorraine tiếp tục thảo luận về nòng nọc và ếch, sâu bướm và bướm, hai truyện ngụ ngôn thời hiện đại được truyền cảm hứng bởi La Fontaine, và ngụ ý của chúng về bản chất của cái-tôi.

Ý kiến của JeanPierre Jacquot

Con nòng nọc đã bơi

Qua suốt cả mùa hè

Nay ngạc nhiên khi thấy

Mình thành ếch lúc nào

 

Sâu mềm mại, tơ vương

Khi mùa hè chợt đến

Ngỡ ngàng khi trông thấy

Mình hóa bướm lúc nào

 

Em bé mập mạp

Qua tháng qua năm

Nay thành ông cụ

Nơi tuổi xế chiều

 

Sự thay đổi về mặt vật lý của một người theo thời gian. Nguồn ảnh: reddit

Trong bài luận đầu tiên của cuộc đối thoại giữa nhà sinh học và nhà triết học, Roger Pouivet và tôi đã trao đổi với nhau về bản chất của cái-tôi, với quan điểm rằng sự thay đổi về mặt thể xác được diễn ra bởi quang hợp và hô hấp.

Giả thiết được nhà sinh học luận bàn là, chúng ta là những sinh vật sống, luôn trao đổi mình với môi trường xung quanh và vì vậy, sự tồn tại mang tính cá nhân chỉ đơn thuần là một ảo ảnh.

Quan điểm của nhà triết học thì hoàn toàn ngược lại, ông phát biểu rằng một sinh-thể (living being) vẫn là độc nhất bất kể cấu tạo vật lý của nó. Cuộc trao đổi đầu tiên này đã dẫn chúng tôi đào sâu thêm vào bản chất của cái tôi bằng quan điểm hiện đại (hoặc rất cũ) của sinh học. Chúng tôi cũng trò chuyện với hai đồng nghiệp người Đức về những đặc điểm vật lý của từng người trong nhóm, khi chúng tôi còn là trẻ con, thiếu niên và sau này là người trưởng thành, dựa vào những hình ảnh ở từng giai đoạn phát triển. Tất cả chúng tôi đều là thiếu niên vào thập niên 1970.Thế nên thật là thú vị khi nhìn lại những thay đổi trong gu thời trang và vẻ ngoài từ thuở đó đến nay. Có thể giờ đây chưa có ai trong chúng tôi hói đầu, nhưng cũng phải để ý rằng tóc chúng tôi đã phần lớn bạc màu, khác xa so với những ngày thời “flower power”9.

Chúng tôi có thể kết luận rằng để xác định được đứa bé trong tấm hình này liệu có phải là người trưởng thành kia chẳng phải việc dễ dàng, nhưng nhìn chung thì người ta có thể xác định nó với một xác suất thành công tương đối cao. Tình huống này càng trở nên phức tạp hơn khi đồng nghiệp Ralf cho tôi xem bức ảnh chụp hai đứa trẻ tầm 5, 6 tuổi, một trong hai đứa nhóc là chính anh, đứa còn lại là người em họ. Đáng buồn thay, tôi đã thất bại trong việc nhận biết được đâu là anh. (Có lẽ bởi người em họ kia vào lúc chụp bức hình thì xấu trai hơn anh, nên anh có một chút buồn bã.)

Tôi có lẽ không giỏi lắm trong việc đưa ra những đánh giá như trên, nhưng đa số người trưởng thành đều có thể chọn đúng. Tuy nhiên, nếu bạn phải tìm dáng hình trẻ con của một người lớn từ một bức ảnh gồm mười đứa trẻ, thì tỷ lệ thành công gần như là ngẫu nhiên. Nói cách khác, một người quan sát chưa từng tiếp xúc với lịch sự phát triển của một con người có thể dễ dàng thất bại trong việc gán ghép đứa bé với đúng người lớn mà sau này nó sẽ trở thành. Hay, một cá nhân đã thay đổi nhiều đến nỗi mối liên kết về mặt hình dáng đã chẳng còn.

Sự thay đổi diện mạo vật lý của một sinh thể dễ chú ý nhất là ở những loài động vật biến thái10, cũng là chủ đề trong đoạn thơ phía trên của La Fontaine, một tác gia cổ điển người Pháp sống vào thế kỷ 17, người được truyền cảm hứng từ những truyện ngụ ngôn Aesop. Khá rõ ràng rằng nếu thiếu đi dữ liệu về di truyền, một người quan sát sẽ chẳng biết được con sâu bướm nào hóa thành con bướm nào, hay con nòng nào trở thành con ếch nào, bởi những khác biệt rõ rệt giữa các quá trình phát triển.

Những quan sát này đưa ra một nghịch lý, rằng không thể nào một con bướm lại đồng nhất với một cái kén, nhưng chúng ta lại biết rằng đây là hai dạng đời sống đến từ cùng một loài duy nhất. Với ví dụ trên, câu hỏi được đặt ra như sau: Mặc dù chúng ta biết rằng tinh trùng và trứng, khi kết hợp lại với nhau, sẽ phát triển dần dần thành một thứ mà giờ đây là một người đàn ông hoặc một người đàn bà, liệu chúng ta có còn nhận định rằng cái tôi kia không thay đổi trong suốt quá trình biến hóa?

Tôi tin rằng chúng ta sẽ trả lời dứt khoát rằng không, bởi một số quan điểm sau đây. Đầu tiên là trong suốt quá trình biến hóa này, các hợp phần vật chất của một cá nhân đã hoàn toàn thay đổi. Hầu như chẳng còn bất kỳ một nguyên tử và hạt nhân ban đầu nào tạo nên trứng nay còn sót lại trong người trưởng thành sau này. Mọi thứ đã đổi qua tráo lại thông qua chu trình dinh dưỡng và hô hấp. Nói cách khác, bản chất lý hóa của một cá nhân đã hoàn toàn thay đổi qua thời gian, và anh ta (hoặc cô ta) không còn là chính mình nữa – xét về mặt vật lý. Khả năng thông minh của một người cũng phát triển theo cách tương tự – khả năng nhận thức và khả năng xã hội của một đứa bé sơ sinh khác xa so với một người trưởng thành, và những thứ đó lại có thể giảm đi lần nữa cùng quá trình lão hóa.

Cùng với nhau, các nhận định này dẫn đến ý kiến rằng một cá nhân không phải là độc nhất trong suốt vòng đời của người đó. Thay vào đó, người này là những sự biến hóa liên tục làm thay đổi hoàn toàn đặc tính (identity) và bản chất (nature) của cái tôi. Bằng cách nào đó, khái niệm cái tôi cần phải bao gồm tất cả các trạng thái biến hóa của một cá nhân từ sinh đến tử. Tuy nhiên, khá rõ ràng rằng không ai có thể quan sát được cả quá trình phát triển đó. Trong các mối giao tế xã hội của chúng ta, chúng ta chỉ tiếp cận được một chuỗi những  tấm hình nối tiếp nhau của một cá nhân.

Bằng cách nào đó, khái niệm cái tôi cần phải bao gồm tất cả các trạng thái biến hóa của một cá nhân từ sinh đến tử.

Khi trao đổi với đồng nghiệp của tôi – nhà triết học Roger Pouivet, tôi đã hiểu rằng đối với ông, trạng thái nhận thức của một con người, hay nói cách khác là cái tôi hoặc linh hồn của người đó, được liên kết với những khía cạnh vật chất của cơ thể. Sẽ thú vị lắm đây khi được nghe những lời bình của ông về vấn đề này.

Phản hồi từ Roger Pouivet

Một cá nhân với cơ thể thay đổi về mặt vật lý theo thời gian liệu vẫn còn là họ? Theo Jean-Pierre Jacquot, câu trả lời là  không. Thay vào đó, ông phát biểu rằng đặc tính của một con người là một ảo ảnh.

Những người theo chủ nghĩa nhị nguyên tranh luận rằng đặc tính của một con người không liên quan đến mặt vật lý, mà là mặt tâm thần (mental) và tâm lý (psychological). Về lý thuyết, một tinh thần (spirit) có thể đi vào một cơ thể khác. Một đoạn văn nổi tiếng của Locke, trong An Essay on Human Understanding, rằng một con người là “một sinh vật thông minh có khả năng suy nghĩ, có lý trí và có phản xạ, và có thể tự biết về bản thân mình, tự biết rằng mình là một thể tư duy nhất quán, trong các không gian và thời gian khác nhau11.”

Ông thêm rằng:

“Nếu linh hồn của một hoàng tử, mang theo nó nhận thức về kiếp trước của hoàng tử nọ, nhập vào cơ thể của một người thợ chữa giày, giả sử khi linh hồn của người này vừa mới rời khỏi cơ thể đó, người ta biết rằng người này và hoàng tử là một, người này chỉ chịu trách nhiệm cho các hành động của hoàng tử: nhưng nhưng ai dám nói rằng đó vẫn là cùng một người?”

“Cái chất (hoặc cái linh hồn) phi vật chất, bất kể nó nằm đâu, bất kể trong trạng thái gì, đều không tự mình tạo nên một con người nhất quán.”

Locke truy vấn về bản chất siêu hình của một con người. Ông phân biệt xác tách và rõ ràng các khái niệm “individual (cá nhân)”, “man”, “person”, và “soul (linh hồn).12 Vấn đề là ông không sắp xếp theo cách khoa học mà một nhà sinh học có thể theo dõi được. Câu hỏi siêu hình cần câu trả lời siêu hình. Để biết được đặc tính là gì, đặc biệt là đặc tính con người, người ta không tìm hiểu theo cách thực nghiệm. Đây là vấn đề về việc phân tích khái niệm, về việc liệu nó có quan trọng hay không, và về việc tranh luận.

Theo kiểu siêu hình của tôi, con người được tạo thành từ một linh hồn duy lý (rational) và vật chất. Linh hồn duy lý tạo nên đặc tính cụ thể của mình, ví dụ như khiến con người ta không giống với bất kỳ ai. Linh hồn duy lý thì phi vật chất. Tuy nhiên, mỗi con người được cá nhân hóa (individualized) bởi vẻ ngoài vật chất của họ. Sự thay đổi liên tục của cơ thể nhưng vẫn khiến một con người vẫn còn cụ thể không lẫn được với người khác, thì không làm nguy hiểm đến đặc tính cá nhân của người đó.

Đây là vấn đề của “Con tàu của Theseus (Ship of Theseus)”. Các yếu tố cấu thành của con tàu được thay thế lần lượt trong suốt chuyến đi. Liệu cuối cùng con tàu ban đầu có còn là nó khi cập bến? Ai đó có thể cho rằng việc thay đi một miếng gỗ lát sàn không đủ sức thay đổi đặc tính của một con tàu, và cũng như vậy, tôi chẳng thay đổi sau khi tôi đi cắt tóc. Sau mỗi lần, chỉ có một phần của con tàu trở nên khác đi, vì vậy đây vẫn là một con tàu nhất quán khi trở về đến cảng thậm chí khi tất cả những thành phần giờ đây đã đổi thay. Tương tự, một người đàn bà không nên nghĩ rằng chồng mình đã đổi thay sau mỗi lần y có kiểu đầu mới…

Cũng như vậy, nếu việc thay đổi tế vào của một sinh thể diễn ra từ từ (và chẳng có lý gì để không tin vào điều này), thì dáng vẻ của một cá nhân cũng sẽ thay đổi rất nhiều nhưng anh ta (hoặc cô ta) vẫn là chính mình. Siêu hình học về một con nòng nọc trở thành một con ếch thật ra lại là một sự thay đổi đột ngột. Nhưng quan điểm bản thể học (ontological) –  hay nói cách khác là câu hỏi rằng một sinh thể rốt cuộc là gì – cho đến cái quan điểm cho rằng sinh vật ban đầu nọ đã hoàn toàn biến mất liệu đã được chốt hạ?

Một linh hồn phi vật chất khiến chúng ta là thứ chúng ta là, còn cơ thể thì cụ thể hóa chúng ta.

Theo truyền thống được kế thừa từ Thomas Aquinas13, đến truyền thống mà tôi tin tưởng, bản chất siêu hình của một con người là một sự kết hợp: một linh hồn phi vật chất khiến chúng ta là thứ chúng ta là, còn cơ thể thì cụ thể hóa chúng ta. Học thuyết này không thuộc trường phái của Locke, theo ông thì đặc tính cá nhân được xác định dựa theo tâm lý và ký ức con người.

Nhiều lời người theo chủ nghĩa siêu hình đã cố trả lời câu hỏi này. Tiện thể, xin giới thiệu cuốn sách của Eric T. Olson:  What Are We? A Study in Personal Ontology. Cách trả lời vấn đề của ông khác Thomas Aquinas và Locke. Cuốn sách này nên được thưởng thức bởi các nhà sinh vật học hứng thú với siêu hình học như Jean-Pierre Jacquot.


  1. Trong bài này, dịch giả sử dụng “ngã” tương đương với “cái-tôi”, “vô-ngã” tương đương với “không-có-cái-tôi”.

  2. Sự cố định carbon là quá trình chuyển đổi cacbon vô cơ (cacbon dioxit) thành các hợp chất hữu cơ bởi các sinh vật sống.

  3. Trong bài hát Woodstock của Joni Mitchell: “We are stardust, we are golden…”.

  4. Vì mặc định thì thuyết luân hồi chỉ nói về linh hồn, một sự mặc nhận sâu sắc đến nỗi không cần ý niệm về bản thể của đối tượng hướng đến.

  5. Thông thường, luân hồi (việc chết đi và tái sinh) mặc định liên quan đến linh hồn. Metempsychosis phân tích theo từ nguyên học bao gồm: meta- (thay đổi) + en (vào) + psyche (linh hồn). Tuy nhiên, để nhấn mạnh quan điểm sinh học của mình, Jean-Pierre Jacquot dùng từ “metempsomasis” để nói về luân hồi về thể xác, với từ “soma” có nghĩa là “thể xác”. Vậy nên, dịch giả dịch cụ thể “metempsychosis” là “luân hồi linh hồn” thay vì chỉ là “luân hồi” như thông thường.

  6. Bản thể luận (Ontology) là ngành triết học nghiên cứu về thực-tại-thể (being), bao gồm việc nghiên cứu về khái niệm liên quan đến sự thay đổi của thực-tại-thể, hiện sinh, thực tại, cũng như là các loại thực-tại-thể với môi trường quanh chúng .

  7. Nhị nguyên luận chủ trương chia con người ra làm hai phần, thể xác và phần phi thể xác (có các tên gọi khác nhau, như linh hồn, tâm trí, v.v…).

  8. John Locke (1632-1704): Nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ông là nhà triết học theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh trong lĩnh vực nhận thức luận. Trong tác phẩm An Essay Concerning Human Understanding, John Locke đã định nghĩa rằng “Self is that conscious thinking thing”, tạm dịch: “Ngã là thứ tư duy có nhận thức.”

  9. Flower power là một khẩu hiệu được sử dụng vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, là một biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động khởi nguồn từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

  10. Biến thái là một quá trình sinh học của những loài động vật phát triển về mặt vật lý sau khi được sinh ra, liên quan đến một sự thay đổi dễ dàng nhận thấy và đột ngột đối với cấu trúc của cơ thể động vật, thông qua sự phát triển và biệt hóa (differentiation) tế bào.

  11. Nguyên gốc: “a thinking intelligent being, that has reason and reflection, and can consider itself as itself, the same thinking thing, in different times and places.”

  12. Việc chuyển ngữ các khái niệm này rất khó khăn, nên dịch giả xin phép giữ nguyên từ gốc. Ở đây, bài viết nhấn mạnh rằng, Locke đã phân biệt các khái niệm trông có vẻ là đồng nhất.

  13. Thomas Aquinas (1225 – 1274): Là một thầy tu người Ý, nhà triết gia, nhà thần học, nhà nghiên cứu kinh viện. Ông phát biểu trong tác phẩm Summa theologiae: “Linh hồn không thuộc về vật chất, hoặc nói cách khác là không thuộc về cơ thể; nó là hành động của một cơ thể. Bởi sự hiểu biết là phi vật chất, nên nó không sử dụng cơ quan xác thịt, bởi “cách vận hành của một thứ tạo nên cách tồn tại của thứ đó.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất