Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: David Sobel | Nguồn: Orion Magazine
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
06/09/2015

Bọn trẻ đã dậy từ 7.30 sáng, chơi điện tử và xem hoạt hình. Thật là buồn nếu chúng lại ở nhà vào một ngày đẹp trời thế này, bạn tự nhủ. Trên mặt tủ lạnh, bạn để ý thấy một tờ lịch ghi các hoạt động của một trung tâm tự nhiên gần đó. “Hãy ra gặp những bông hoa nào,” tờ lịch thúc giục. Chính là thứ này đây! Một buổi sáng tháng 5 rực rỡ. Những chồi non đang hé mở. Một luồng gió ấm áp ngập tràn hương rừng mới tỉnh giấc.

Bạn lùa bọn trẻ vào ô tô. Chúng ủ rũ nghe theo. “Chúng ta có phải theo một chương trình không bố? Theo chương trình thì chán lắm,” đứa lớn phàn nàn. Nhưng ngay khi bạn vào tới bãi đỗ xe của trung tâm tự nhiên Happy Hills, khuôn mặt chúng bừng sáng lên. Chúng trượt ngay cửa xe ô tô sang bên và chạy xuống bãi cỏ đầy hoa, đến bên bờ ao. Ross, 7 tuổi, bỏ giày và lội xuống, cúi người tìm những con ếch. Amanda, 10 tuổi, ngồi bệt xuống đất và kết những bông hoa bồ công anh thành chiếc vòng đội đầu. Thật là một quyết định đúng, bạn thầm nghĩ.

Terri, nhà tự nhiên học khoác chiếc áo đồng phục của nhân viên trung tâm tươi cười đi đến. “Mọi người đến tham gia chương trình các loài hoa đúng không?” cô nói. “Chúng ta sẽ gặp ở phòng Cozy Corner để bắt đầu nhé.”

Ross hỏi, “Freddie cũng đi cùng được chứ ạ?” tay giữ một chú ếch màu xanh béo ú thằng bé vừa kết bạn.

Mặt Terri hơi sầm lại. “Xin lỗi cháu. Freddie cần ở trong ao. Cháu có biết là dầu từ tay cháu có thể làm Freddie ốm không?”

Trong căn phòng Cozy Corner đã tắt điện, Terri chuẩn bị một bài thuyết trình PowerPoint về tất cả những loài hoa bạn có thể gặp trên đường ngày hôm nay. “Đây là một số loài hoa của mùa xuân. Chúng trông hệt như những viên kẹo bạc hà nhỏ. Nhưng, tất nhiên, chúng ta không thể ăn chúng. Và đây là một trong những loài yêu thích của tôi, hoa Anh Túc. Các bạn có biết vì sao chúng được gọi như vậy không?”

Sau khoảng tầm 7 slide, bọn trẻ bắt đầu ngọ nguậy trong chỗ ngồi của mình. “Bố ơi, con muốn đi tè,” Ross phàn nàn. Sau khoảng 27 slide, chính bạn cũng muốn đi tè.

“Và bây giờ, hãy xem chúng ta có thể tìm được bao nhiêu loài trong số đó,” Terri nói. Thật tốt khi được quay trở ra bên ngoài. Khi chuẩn bị vào rừng, Amanda nhìn thấy một con sa giông đỏ trong đám cỏ. Con bé vừa bước chệch vài bước ra khỏi lối đi thì Terri trách: “Amanda, hãy nhớ rằng thiên nhiên rất mong manh! Khi cháu bước ra khỏi lối đi, cháu giẫm lên rất nhiều sinh vật bé nhỏ mà cháu không nhìn thấy.” Ở đằng xa Ross đang cố leo lên những tán cây nghiêng xuống đầy mời gọi trên con đường. “Xin lỗi, Ross, ở đây không được leo trèo, quá nguy hiểm, chúng tôi không muốn cháu bị thương.” Trước mỗi loài hoa, Terri để mọi người đứng xung quanh và giới thiệu về tên Latin của chúng, công dụng thảo dược, loài thụ phấn, loài… Thỉnh thoảng mọi người sẽ được chạm rấtttt nhẹ vào cánh hoa. Và hái hoa thì bị cấm tuyệt đối.

Khi gần kết thúc cuộc hành trình, con đường dẫn mọi người đến cái ao, nơi Amanda tìm thấy vòng hoa bồ công anh đã tan tác của con bé và giấu vào trong áo, dè chừng để Terri không phát hiện. Trên đường về nhà, không ai nói gì cả.

“Cũng khá thú vị đấy chứ,” bạn nói một cách vui vẻ, cố gắng trò chuyện với chúng.

Amanda lấy vòng hoa ra và đội lên đầu. “Hái hoa rất vui. Nhưng bọn con đã nói với bố về những chương trình rồi, quá nhiều luật lệ. Sẽ vui hơn nhiều nếu chúng ta cùng chơi trên đồng cỏ.” Bạn nhận ra mình đồng ý với điều này.

Phần lớn việc giáo dục môi trường ngày nay mang lối tư duy bảo tàng, khi thiên nhiên giống như một vật trưng bày được lắp ghép để đằng sau tấm kính. Trẻ em có thể nhìn vào và học, nhưng chúng không thể làm gì.

Thử so sánh việc này với những kí ức của John Muir1 khi chuyển đến điền trang đầu tiên ở Mỹ của gia đình ông tại vùng Fountain Lake hẻo lánh, bang Wisconsin, năm ông 11 tuổi. Chỉ trong vài phút, ông và anh trai đã ở trên cây quan sát tổ chim giẻ cùi lam. Từ đó, họ chạy quanh để tìm tổ loài chim xanh, rồi chim gõ kiến, và nhờ vậy “bắt đầu một tình bạn với những chú ếch và rắn và rùa trong những con suối, con lạch.” Một thế giới mới của một nước Mỹ chưa bị thuần hóa thu hút cả John lẫn anh trai.

Nhảy tõm vào thế giới tự nhiên hoang dã trong lành – lễ thanh tẩy trong trái tim ấm áp của Tự nhiên – việc đó làm chúng tôi hạnh phúc làm sao! Mẹ Thiên Nhiên hòa vào trong chúng tôi, dạy chúng tôi những bài học rực rỡ tuyệt vời, chẳng giống như những bài ngữ pháp buồn chán lúc nào cũng khiến chúng tôi mệt mỏi… Những trái tim trẻ, những chiếc lá non, những bông hoa, con vật, ngọn gió và dòng suối và mặt hồ lấp lánh, tất cả thật hoang dã và vui vẻ hân hoan cùng nhau.

Đây chính là niềm vui của trẻ em khi khám phá thế giới tự nhiên, và càng ngày điều này càng trở thành một thứ bình yên bị đánh mất, không còn là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành. Có rất nhiều lý do cho sự mất mát này – đô thị hóa, sự thay đổi cấu trúc xã hội của gia đình, các bệnh truyền nhiễm từ ve và muỗi, nỗi sợ hãi về những nguy hiểm từ người lạ. Và có lẽ cả giáo dục môi trường cũng là nguyên nhân gây ra sự xa lạ của trẻ em với thiên nhiên.

Tôi biết rằng đây là một luận điểm mâu thuẫn. Bạn đang nghĩ: giáo dục môi trường được mặc định có tác dụng kết nối trẻ em với thiên nhiên, giúp chúng biết yêu thương và bảo vệ thế giới tự nhiên. Đúng vậy – đó là những điều đáng lẽ phải xảy ra. Nhưng ở đâu đó, phần lớn các chương trình giáo dục môi trường mất đi phép nhiệm màu của mình, cái sự “hoang dã và vui vẻ hân hoan cùng nhau.” Thay vào đó, nó trở nên khô cứng và giáo điều, giới hạn và nguyên tắc. Sự chuyển hướng tập trung vào nhận thức đã thay thế mục tiêu vui vẻ từng là động lực cho những nhà giáo dục giúp trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Phần lớn việc giáo dục môi trường ngày nay mang lối tư duy bảo tàng, khi thiên nhiên giống như một vật trưng bày được lắp ghép để đằng sau tấm kính. Trẻ em có thể nhìn vào và học, nhưng chúng không thể làm gì. Thông điệp ở đây là: Thiên nhiên rất mỏng manh. Nhìn thôi, đừng chạm vào. Trớ trêu thay, tư tưởng “không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” này đã len lỏi vào những quy định và chương trình của rất nhiều tổ chức đang cố gắng bảo tồn thế giới tự nhiên và xây dựng mối quan hệ giữa thế giới ấy và trẻ em.

Nếu bạn đi bộ dọc bờ biển hình răng cưa đầy những mảnh gỗ trôi dạt của vùng Maine, bạn sẽ thấy một cơ man những công trình nham nhở trong các vịnh biển. PHÁO ĐÀI CỦA TRẺ CON! CẤM NGƯỜI LỚN! Một biển hiệu viết tay sẽ cảnh báo như vậy. Những pháo đài này hoặc được xây tạc vào những cây vân sam mọc dọc theo bờ biển, hoặc núp giữa giữa những hòn đá cuội và gờ đất dốc mọc đầy mâm xôi đen. Những mảnh ván, bẫy tôm hùm, phao cứu sinh, mảnh kim loại, những chiếc thang bị gãy, tấm vải rách rưới được gắn lại với nhau để tạo thành giường ngủ, đài quan sát, bếp, tủ chứa đồ. Rõ ràng là những trò chơi sâu sắc, không-người-lớn này trở nên vô cùng sống động ở đây, nơi bờ biển mặn nồng, xa khỏi tầm mắt của các bậc phụ huynh. Vậy nhưng, ở rất nhiều nơi thuộc khu vực bảo tồn trên bờ biển vùng Maine, xây dựng pháo đài là phạm pháp do nỗi lo về pháp lý và việc mất mỹ quan.

Tôi tin rằng việc xây dựng những pháo đài một cách sáng tạo và có ích như thế thực ra giúp phát triển cảm giác gắn kết mà chính những khu bảo tồn muốn vun đắp ở những người trẻ tuổi. Việc xây dựng một mái nhà mà không phụ thuộc vào ngôi nhà cha mẹ đã dựng nên cho bạn vốn là một bản năng tự nhiên. Khi bạn dựng nên một pháo đài, một nơi ẩn náu, hay một chỗ trốn, nó tạo ra một sự gắn kết với mảnh đất, và nuôi dưỡng một sợi dây tình cảm với nơi đó. Ngăn chặn những xu hướng tự nhiên này ở trẻ em có thể dẫn đến một sự bất đồng và thiếu cam kết với kế hoạch của những khu bảo tồn. Khi tôi viết một bài bình luận độc lập cho tờ Bangor Daily News để diễn giải lời cáo buộc này, một thành viên thuộc ban bảo tồn Maine đã phản hồi như sau.

Thực tế là, nếu khu bảo tồn cho phép trẻ em xây dựng các pháo đài dọc bờ biển, vậy bao nhiêu sẽ là quá nhiều? Với cái xu hướng thấy gì làm vậy, nếu một pháo đài được xây dựng, thì những người khác cũng sẽ đến và xây cái thứ hai, và cứ như thế. Rồi chúng ta sẽ có một khu dân cư của những pháo đài, mà rồi sẽ trở thành một cái gai trong mắt những người muốn dạy trẻ em biết trân trọng thiên nhiên bằng những cách nhẹ nhàng, khéo léo. Quy mô các căn nhà tiên được bọn trẻ xây dựng phía bên kia bờ biển chính là bằng chứng cho thấy việc này sẽ gây ra hậu quả thế nào.

Hiểu ý tôi rồi chứ?

Đi về phía nam bang Texas bạn sẽ còn thấy nhiều điều tương tự như vậy nữa. Tại Trung Tâm Hoa Dại Lady Bird Johnson ở Austin, những con đường chạy rong ruổi qua vùng đồi đầy các loại cây bụi khác nhau – cây bụi cứng, một vài cây xương rồng, những cây thân gỗ. Đó là một vùng đất không hề mỏng manh, một nơi tuyệt vời để khám phá. Khi tôi hỏi liệu bọn trẻ có thể không đi trên những con đường có sẵn, để chơi giữa những đám cây không, ngài giám đốc giáo dục nhìn tôi phản đối. “Ôi không, chúng ta không thể để bọn trẻ làm điều đó.” Lời giải thích là vì như vậy quá nguy hiểm, và chúng ta phải nghĩ đến ảnh hưởng của việc đó tới những tài nguyên thiên nhiên. Tôi không nghĩ rằng cả hai lý do này đều hợp lý, dựa trên các dữ liệu có sẵn.

Trong khoảng từ sáu đến mười hai tuổi, trẻ em có một mong ước bẩm sinh là được khám phá những cánh rừng, xây dựng pháo đài riêng của mình, chế thuốc từ quả mọng, đào hầm đến Trung Quốc, và mỗi một hành động này đều là một cách tự nhiên giúp chúng phát triển những hành động và giá trị nhận thức về môi trường.

Điều này cũng xảy ra ở thành phố. Khi một người bạn của tôi là giám đốc giáo dục của vườn thực vật Arnold ở Boston, cô ấy cố gắng thiết kế ra những chương trình có thể giúp những đứa trẻ đa sắc tộc sống gần đó phát triển tình yêu với cây cối. Khi tôi hỏi, “Vậy, cậu có cho bọn trẻ trèo cây không?” tôi nhận được phản ứng không tán thành tương tự. Trèo cây ư? Không thể. Tất nhiên, tôi đồng ý là những loài cây hiếm trong vườn phải được bảo vệ, nhưng còn những cây phong và dẻ to lớn có ở khắp mọi nơi, những cây độc cần mọc bên các bờ sông – thì tại sao không? Trẻ em đã trèo cây từ hàng thiên niên kỉ nay; đó là một bài thể dục tuyệt vời, và trong phần lớn các trường hợp, chúng không bị hề hấn gì. Nên nhớ rằng trẻ em bị thương khi ngã trong bồn tắm, và chúng ta không cấm việc tắm. Tương tự, trẻ em bị thương khi chơi những môn thể thao có nhiều tính cạnh tranh. Nhưng chúng ta bỏ qua những rủi ro chấn thương trong những môn như hockey hay bóng đá vì chúng ta coi trọng lợi ích về mặt thể chất và xã hội. Vậy tại sao chúng ta không áp dụng tư tưởng đó cho việc trèo cây?

Trong khoảng từ sáu đến mười hai tuổi, trẻ em có một mong ước bẩm sinh là được khám phá những cánh rừng, xây dựng pháo đài riêng của mình, chế thuốc từ quả mọng, đào hầm đến Trung Quốc, và mỗi một hành động này đều là một cách tự nhiên giúp chúng phát triển những hành động và giá trị nhận thức về môi trường. Ngược lại, cách dạy “nhìn thôi đừng chạm vào” mang trẻ em ra khỏi tự nhiên, dạy chúng rằng thiên nhiên thật chán và đầy nguy hiểm. Vô tình, những thông điệp này đưa bọn trẻ quay về với việc chơi điện tử. Liệu có phải việc sợ kiện tụng và nỗi lo quá đáng cho việc bảo vệ từng thảm cỏ đang kìm hãm sự phát triển của những giá trị và hành động bảo vệ mà chúng ta, những nhà giáo dục môi trường, vẫn hô hào là đang cố gắng nuôi dưỡng? Tôi tin là như vậy.

Là một đứa trẻ bản địa vùng Scotland, John Muir sôi nổi chào đón thế giới thiên nhiên, tự mô tả mình như “một kẻ mộ đạo của tự nhiên” – một đứa trẻ hoang dã. Ông cũng đồng thời là một nhà sáng chế dũng cảm.

Chúng tôi chế các khẩu súng từ ống dẫn ga, cắm chúng trên những cái que nhiều hình thù, nghiền những đồng pennies thành bột làm thuốc súng, nhặt nhạnh các mẩu chì ở khắp nơi và cắt thành những mảnh nhỏ, và, trong lúc một đứa ngắm bắn, một đứa khác quẹt diêm vào nòng súng. Với những vũ khí thô sơ này chúng tôi lang thang dọc bờ biền và bắn vào những con hải âu và ngỗng khi chúng đi qua. May mắn là, chúng tôi chưa làm bị thương con nào cả. Chúng tôi còn đào cả hố trên mặt đất, đổ vào một hoặc hai nắm đầy thứ bột từ đồng pennies, nén thật chặt xung quanh một cái cầu chì làm bằng bông lúa mạch, rồi, cẩn thận rướn về phía trước và châm ngòi vào sợi rơm. Chúng tôi gọi trò này là tạo ra động đất. Và thường thì cả bọn sẽ về nhà với bộ tóc cháy khét và mặt mũi lấm lem đầy bột không thể rửa sạch.

Đây có lẽ không phải kiểu trẻ con bạn muốn con mình chơi cùng trong khu phố. Nguy hiểm, không có phép tắc, chắc là cả phá hoại. Tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ thấy một chương trình “Sáng chế súng và bắn hải âu” vào sáng thứ bảy tại một trung tâm tự nhiên. Vậy mà rồi John Muir đã góp phần xây dựng hệ thống vườn quốc gia, và các tác phẩm của ông giúp lan tỏa những hành động và giá trị nhận thức về môi trường tới hàng triệu người. Tôi tin rằng bản năng bảo vệ thiên nhiên của ông đã hình thành qua chính những trải nghiệm thời thơ ấu này, thứ có lẽ đóng góp phần lớn đến sự gắn kết của ông với thế giới tự nhiên, nhiều hơn cả việc học về sự khác nhau giữa đá trầm tích, đá biến chất, và đá mác-ma trong chương trình lớp ba.

Hoặc là hãy xem thử nhà côn trùng học và người ủng hộ đa dạng sinh học của Đại học Harvard E. O. Wilson 2 mô tả thế nào về những trải nghiệm quan trọng thời thơ ấu của ông với thiên nhiên:

Tôi săn những con bò sát: làm những con thằn lằn bóng năm chân bất tỉnh và bắt chúng bằng một cái bắn ná, và học cách bắt những con thằn lằn Carolina (tiến đến, để chúng bò đến bên kia gốc cây ra khỏi ngoài tầm mắt, liếc nhanh xem chúng đang ở đâu, và rồi bắt chúng bằng cách vòng một tay quanh thân cây và chụp lấy). Một buổi chiều muộn tôi mang về nhà một con rắn nước dài gần bằng chiều cao của tôi khi đó và đi vào nhà khi nó đang quấn quanh cổ mình.

Wilson, Muir, Rachel Carson3, và cả Aldo Leopold 4 đều có những trải nghiệm lấm lem như vậy trong thời thơ ấu. Wilson không chỉ nhìn những con bươm bướm, ông sưu tầm chúng. Ông không hề chỉ lấy những bức ảnh và chỉ để lại những dấu chân, ông bắt kiến và bỏ chúng vào lọ để quan sát. Ông không phải là một nhà sưu tập, không phải một nhiếp ảnh gia, và ông được cho phép thỏa mãn trí tò mò của mình mà không bị bất cứ một người lớn nào chỉ tay trách mắng. Suy rộng từ chính trải nghiệm của mình, ông tổng kết, “Không phải là kiến thức được hệ thống, mà là chính những trải nghiệm thực tế vào thời điểm quan trọng làm nên một nhà tự nhiên học. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta là những kẻ hoang dã chưa được đào tạo trong một khoảng thời gian, không biết những cái tên hay chi tiết giải phẫu. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta dành một khoảng thời gian đơn giản chỉ để tìm kiếm và mơ ước.”

Sau đây là hai luận điểm chính của tôi. Thứ nhất, những nhà giáo dục môi trường cần cho phép trẻ em trở thành những “kẻ hoang dã chưa được đào tạo” trong một khoảng thời gian nhất định. Những chương trình thiên nhiên nên để các em nặn những chiếc bánh từ bùn, trèo cây, bắt ếch, bôi vẽ mặt bằng than, để tay các em bẩn và chân các em ướt. Các em nên được cho đi ra khỏi những con đường đã có sẵn và chơi đùa vui vẻ. Thứ hai, những nhà giáo dục môi trường cần chú ý nhiều hơn tới trải nghiệm thực tế và bớt quan tâm đến những kiến thức theo hệ thống. Hay ít nhất phải hiểu rằng kiến thức hệ thống có thể được hình thành một cách tự nhiên từ rất nhiều trải nghiệm thực tế. Giữa thời điểm sáu và mười hai tuổi, học về thiên nhiên không quan trọng bằng việc đơn giản để trẻ em hòa nhập vào thiên nhiên.

Terri, nhà tự nhiên học ở Happy Hills, đã có thể bắt đầu chương trình về các loài hoa ngay tại cánh đồng cỏ, để mọi người ngồi kết những vòng hoa bồ công anh. (Hoặc gọi hoạt động này là “Loại bỏ những cây xâm lấn” nếu bạn muốn.) Cô ấy đã có thể chọn tập trung vào ba loại hoa trong buổi sáng hôm ấy và đố bọn trẻ nhận biết chúng mà không mở mắt, chỉ dựa vào mùi hương. Cô ấy đã có thể để bọn trẻ lăn lê trên cánh đồng để nhìn những bông hoa cao bằng con chuột chũi hoặc đưa cho chúng những con ong đã chết trên các que thí nghiệm và thách chúng thu nhặt những hạt phấn từ các bông hoa với cấu trúc khác nhau. Từ những trải nghiệm hoang dã này, một vài kiến thức có thể theo đó mà hình thành. Và Amanda và Ross đã có thể nói, “Wow, con chưa bao giờ biết những bông hoa lại hay như vậy!”

Khởi đầu của giáo dục môi trường khá khác biệt. Làn sóng trại hè, một trong những tiền thân của giáo dục thiên nhiên và môi trường, bắt đầu vào đầu thế kỉ 20 và được thành lập dựa trên nguyên tắc trân trọng cuộc sống năng động ngoài trời. Một trong những người ủng hộ bước tiến này, giáo sư Eugene Swan, là người sáng lập trại Pine Island, một trại hè nổi tiếng tại Maine cho các cậu bé. Ông từng viết, “Sẽ tốt hơn nếu các bạn… ngủ dưới những tán cây mọc xiên, cạnh một bờ hồ bên núi với những con cá hồi đang được nướng, hơn là đi thăm thư viện Quốc hội hoặc thác nước Niagara.” Và ông tin rằng việc “lắng nghe tiếng gọi của Mẹ Thiên nhiên, và sự thích nghi với những luật lệ của Mẹ, sẽ là một sự giải cứu cho dân tộc Mỹ.” Swan ủng hộ những lợi ích của việc nhảy xuống hồ nước vào sáng sớm, sống xa đất liền, ngủ dưới bầu trời đầy sao, những hoạt động vào nửa đêm, và những trò trận giả phức tạp để rèn luyện lòng can đảm. Ông coi trại của mình là “ngôi làng của các cậu bé,” nơi các trại viên có thể thả sức theo đuổi “cuộc thám hiểm vĩ đại trên mảnh đất thần tiên của thời niên thiếu.” Những cuộc thám hiểm tương tự như vậy ở trại dành cho các cô bé cũng theo đó mà hình thành.

Ông và các giám đốc trại của mình tạo ra Trò chơi Chiến Tranh, trò Whitehead, và một số lượng lớn những trò chơi địa hình quy mô rộng, phức tạp có thể diễn ra trong hàng giờ, thậm chí nhiều ngày liền, thách thức các cậu bé chạy đường dài trong rừng, di chuyển chậm và bí mật, phát hiện những manh mối được ẩn giấu, chịu đựng hàng đàn muỗi, cư xử một cách dũng cảm và anh hùng. Các trại viên được bao quanh bởi, và đồng thời, đắm mình trong thiên nhiên. Chúng lội sông, ăn cá tự bắt và quả mọng tự nhặt, lội qua các đầm lầy, trèo cây, xây pháo đài, lần theo các con đường, bắt rắn, làm tất cả những việc mà John Muir, Rachel Carson, Aldo Leopold, và phần lớn những nhà tự nhiên học vĩ đại khác đã làm trong thời thơ ấu của họ.

Làn sóng Hướng đạo sinh nam và nữ bắt đầu sau đó không lâu. Trọng tâm của chương trình này là những kĩ năng sống cơ bản – cắm trại trong thiên nhiên hoang dã, nhóm lửa, làm cung tên và mũi tên, chuẩn bị chỗ ẩn nấp, lần theo dấu các con vật. Ở thời điểm ban đầu, những chương trình này tôn vinh ước muốn thầm kín bên trong trẻ em là trở nên độc lập, học cách sinh tồn khi không có gì trong tay ngoài một con dao gập và một vài miếng da sống. Sự nổi tiếng vượt thời gian của những cuốn sách của Jean Craighead George5 – như My Side of the Mountain6 (Tạm dịch: Bên sườn núi của tôi) và Julie of the Wolves7 (Tạm dịch: Julie của bầy sói) – gợi ý rằng những bản năng đó luôn tồn tại. Cơn giận dữ xung quanh cuốn The Hunger Games8 (Tạm dịch: Đấu trường sinh tử) của Suzzane Collines9 cũng bắt nguồn từ điều này. Những khao khát này được quy định trong bộ gen của chúng ta, thôi thúc trẻ em kết nối với cái tôi hoang dại của mình.

Xu hướng đẩy mọi thứ cho những đứa trẻ ngây thơ còn đang phát triển, giống như áp lực phải học đọc ở trường mẫu giáo, dẫn đến việc hình thành một thế hệ trẻ em lo sợ về cái chết của hành tinh do bàn tay vô tâm của con người.

Từ nguồn gốc của trại hè và Hướng đạo sinh, giáo dục môi trường bắt đầu vào cuối các thập niên 60 và 70. Nó bắt đầu dưới dạng giáo dục về thiên nhiên, nhưng với những tin tức về sự tàn phá rừng nhiệt đới, lỗ thủng tầng ozone, và chất độc trong môi trường, nó nhanh chóng bị thống trị bởi mong muốn đào tạo trẻ em để giải quyết những vấn đề này. Xu hướng đẩy mọi thứ cho những đứa trẻ ngây thơ còn đang phát triển, giống như áp lực phải học đọc ở trường mẫu giáo, dẫn đến việc hình thành một thế hệ trẻ em lo sợ về cái chết của hành tinh do bàn tay vô tâm của con người. Một định nghĩa của UNESCO vào cuối thập niên 70 nói rằng “giáo dục môi trường… nên chuẩn bị cho các cá nhân một cuộc sống dựa trên hiểu biết về những vấn đề lớn [tôi nhấn mạnh] của thế giới hiện nay, và sự cung cấp những kĩ năng và phẩm chất cần thiết để có một vai trò tích cực trong việc cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường.”

Trong khi đó, ở phạm vi giáo dục chính quy, giáo dục môi trường muốn trở thành những thứ to tát. Nó muốn trở nên giống như việc đọc và học toán và khoa học, muốn được gộp chung vào những chuẩn mực học thuật. Vì vậy, giáo dục môi trường bị giảm thiểu xuống thành một khối dữ liệu cần ghi nhớ, nội dung cần học thuộc và nhắc lại. Trong nỗ lực để đạt được tính chính thống và khả năng giải quyết những vấn đề khẩn cấp, tất cả niềm vui đã bị loại bỏ.

CÂU HỎI ĐẶT RA LÀ: Đâu là cách hiệu quả nhất để dạy dỗ và giáo dục trẻ em để chúng sẽ hành động có trách nhiệm với môi trường? Hay cụ thể hơn, loại hình học tập nào, hay loại hình trải nghiệm nào, là tiềm năng nhất để hình thành những con người trẻ tuổi muốn bảo vệ môi trường, có thể trở thành thành viên trong các ủy ban bảo tồn, nghĩ về cách ứng dụng cho các quyết định tiêu dùng của họ, và giảm thiểu dấu chân sinh thái10 của chính họ và những tổ chức mà họ làm việc? Thú vị là, đang có nhiều nghiên cứu bắt đầu làm rõ hơn mối quan hệ giữa trải nghiệm thời thơ ấu và hành động bảo vệ trong giai đoạn trưởng thành.

Đầu tiên, một cơ số các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn các nhà môi trường học để xác định liệu có bất kì điểm chung nào giữa thời thơ ấu của họ mà có thể dẫn đến sự trân trọng những giá trị của hệ sinh thái hay quyết định lựa chọn làm việc trong lĩnh vực môi trường. Khi Louise Chawla của Đại học Colorado đánh giá những nghiên cứu này, bà nhận ra một đặc điểm nổi bật. Phần lớn các nhà môi trường học cho rằng sự gắn bó nghề nghiệp của họ đến từ hai nguồn, “hàng giờ liền ở ngoài trời trong một môi trường hoang dã hoặc nửa hoang dã của thời thơ ấu hoặc niên thiếu, và một người trưởng thành dạy họ cần tôn trọng thiên nhiên.” Việc tham gia vào các tổ chức như Hướng đạo sinh hay các câu lạc bộ môi trường ít được nhắc đến. Chawla nhận ra rằng các nhà môi trường học chủ yếu nói về những trò chơi và cuộc khám phá tự do ngoài thiên nhiên, và những người thân giúp họ chú ý nhiều hơn đến hành vi của cây cối và động vật. Họ không nói nhiều về giáo dục chính quy hay giáo dục thiên nhiên không chính quy. Chỉ vào giai đoạn cuối của thời thơ ấu và niên thiếu, những trại hè, giáo viên, và các câu lạc bộ môi trường mới bắt đầu đóng vai trò hình thành những hành động và giá trị nhận thức về môi trường của họ. Dường như là cho phép trẻ em trở thành “những kẻ hoang dã chưa được đào tạo” sớm có thể phát triển các kiến thức môi trường tốt hơn.

Một vài nhà nghiên cứu nói rằng: Vậy thì, hãy không chỉ nhìn vào các nhà môi trường học. Còn những người bình thường thì sao, một anh thợ sửa ống nước chẳng hạn? Điều gì ảnh hưởng đến việc họ có thể phát triển thái độ và hành vi môi trường hay không? Nancy Wells và Kristi Lekies ở Đại học Cornell trả lời câu hỏi này bằng cách mô tả những gì họ đã tìm thấy trong cuốn Nature and the Life Course: Pathways from Childhood Nature Experiences to Adult Environmentalism (Tạm dịch: Thiên nhiên và cuộc đời: Những con đường từ các trải nghiệm thiên nhiên thời thơ ấu đến sự quan tâm đến môi trường ở tuổi trưởng thành). Cuộc nghiên cứu được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn với 2000 người trưởng thành (thợ sửa ống nước, giáo viên, kế toán, y tá, công an) với độ tuổi từ 18 đến 90, được lựa trọn ngẫu nhiên từ hơn 100 khu đô thị trên khắp nước Mỹ. Những nhà nghiên cứu so sánh ba loại trải nghiệm thiên nhiên của thời thơ ấu – trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm thiên nhiên đã được thuần hóa, và giáo dục môi trường. Họ tìm ra rằng:

Sự tham gia của trẻ em vào môi trường thiên nhiên “hoang dã”, ví dụ như leo núi hay chơi đùa trong rừng, và săn bắt hoặc đánh cá, cũng như sự tham gia vào môi trường thiên nhiên “thuần hóa” như hái và trồng hoa, trồng cây hoặc gieo hạt, và chăm sóc cây cối trong thời thơ ấu có một mối quan hệ tích cực đến những giá trị môi trường trong giai đoạn trưởng thành. Việc hòa mình vào “thiên nhiên hoang dã” cũng có mối liên kết tích cực với những hành vi môi trường ở tuổi trưởng thành.

Hãy để tôi diễn giải chi tiết hơn. Họ tìm ra rằng trải nghiệm thiên nhiên hoang dã trong thời thơ ấu quan hệ trực tiếp đến giá trị và hành vi môi trường của người lớn. Trải nghiệm thiên nhiên thuần hóa có liên hệ với giá trị thiên nhiên nhưng không nhiều với hành vi. Và có lẽ ngạc nhiên nhất là, nghiên cứu chỉ ra, “việc tham gia vào các chương trình giáo dục môi trường (ở trường học, ở trại Hướng đạo sinh, ở trại hè, hay ở các chương trình cải thiện môi trường cộng đồng) không đóng vai trò lớn trong việc quyết định cả thái độ về môi trường cũng như hành vi.

Ồ! Cả cộng đồng giáo dục môi trường đã hơi giật mình khi phát hiện này được công bố. Nhưng những nhà nghiên cứu đã rất nhanh nói rằng những điều tra của họ chưa được sàng lọc kĩ càng để phân biệt giữa trải nghiệm giáo dục môi trường mang tính giáo điều, xa cách và trải nghiệm mang tính thực tế, khám phá, và khuyến khích việc chơi đùa trong thiên nhiên hoang dã như những hoạt động ở trại của Eugene Swan. Dù thế nào đi chăng nữa, thông điệp vẫn là như vậy: Có những giá trị nhất định trong việc để trẻ em vui chơi thỏa thích, thoải mái cùng nhau. Bắt ếch, làm vòng hoa bồ công anh, chạy nhảy trên đồng cỏ, chơi trò Sally chú tắc kè đều có vai trò trong việc khuyến khích trẻ em trở thành những người lớn biết cách tái chế.

Jim Pease ở Đại học Iowa State mở rộng cuộc điều tra này sang khu vực trung tâm, khi ông nghiên cứu cũng mối quan hệ đó giữa trải nghiệm thời thơ ấu và hành vi bảo vệ môi trường ở người lớn, nhưng là ở những người nông dân. Ông quyết định tập trung vào những người nông dân đã tận dụng lợi thế của chương trình tài trợ cho các đầm lầy, một chương trình cung cấp vốn cho những người nông dân tình nguyện dành ra một phần diện tích canh tác của họ làm nơi cư trú cho loài thủy cầm đang di cư. Với việc này, họ tình nguyện chịu giảm một phần thu nhập của mình để cứu thế giới hoang dã. Ông chọn được 300 nông dân có điều kiện tương tự nhau ở Iowa, 150 người theo chương trình tài trợ đầm lầy và 150 người không làm thế. Sau đó ông thực hiện các cuộc phỏng vấn và đưa ra những câu hỏi với tất cả bọn họ về những trải nghiệm tuổi thơ. Ông phát hiện ra rằng những người nông dân có hành vi bảo vệ thường có xu hướng có những trải nghiệm tuổi thơ như sau: săn bắt và đánh cá với bố mẹ khi còn bé, hái quả mọng và nhặt nấm với bố mẹ, cưỡi ngựa, chơi trong các khu vực tự nhiên, và đọc sách về thiên nhiên.

Trẻ em cần được phép leo trèo và phá hoại. Chúng cần được tự do để trèo cây, la cà, chụp bắt, và trở nên ướt sũng – và trên hết, được phép đi ra ngoài những con đường có sẵn.

Giống như nghiên cứu của Wells và Lekies, chơi đùa trong tự nhiên, dù là không có kế hoạch hay được tổ chức bởi cha mẹ, nhưng có những yếu tố không thể dự đoán trước như việc săn và bắt cá và cưỡi ngựa, là những trải nghiệm hướng những cá nhân đến hành vi bảo vệ ở tuổi trưởng thành. Nói cách khác, có vẻ như là những hoạt động gồm việc lấy và ăn (trái ngược với chỉ nhìn và học), cùng với việc được cha mẹ hướng dẫn nên làm những việc đó thế nào cho phải, là tiền thân của những hành động bảo vệ môi trường.

“Để những nơi đặc biệt tạo được phép màu cho trẻ em,” nhà nghiên cứu nhộng và bươm bướm Robert Micheal Pyle đã viết, “trẻ em cần được phép leo trèo và phá hoại. Chúng cần được tự do để trèo cây, la cà, chụp bắt, và trở nên ướt sũng – và trên hết, được phép đi ra ngoài những con đường có sẵn.” May mắn thay, có nhiều chương trình giáo dục môi trường cho phép trẻ em chơi đùa thoải mái như vậy trong thiên nhiên.

Một tổ chức ủng hộ việc để trẻ em tự do lang thang, nô đùa, thậm chí xây nhà trên những mảnh đất được bảo tồn, là trung tâm Giáo dục Bảo tồn Harris. Trung tâm Harris là một trung tâm giáo dục ở New Hampshire, đồng thời cũng là một khu bảo tồn có một trong những chương trình toàn diện nhất về gắn kết gia đình và giáo dục ở vùng bắc New England. Các nhân viên thừa nhận rằng nhiều người trưởng thành có những giá trị môi trường nói một cách say mê về những kỉ niệm tuổi thơ như xây pháo đài và cho rằng ý thức bảo tồn của họ hình thành từ những trải nghiệm đó. Vì vậy, một trong những hoạt động phổ biến của trung tâm cho trẻ em là “Câu lạc bộ Pháo đài, Hầm Trú Ẩn, và Lều Trại.” Thông báo chính thức về câu lạc bộ đó như sau:

Xây nó, sống trong nó, và yêu nó! Nếu các em muốn xây dựng pháo đài của riêng mình và muốn tìm hiểu làm thể nào để xây các loại pháo đài, hầm trú ẩn và thậm chí cả lều trại khác nhau, đây là cơ hội của các em. Những cuộc phiêu lưu đang chờ đợi các em ở câu lạc bộ này, vì các em sẽ tạo ra và xây dựng rất nhiều kiểu pháo đài ngoài trời và thậm chí là trong nhà. Những hoạt động khác trong chương trình bao gồm đan lát, nhóm lửa, và làm các công cụ hoang dã.

Một chiều mỗi tuần và trong sáu tuần như vậy, các em tham gia câu lạc bộ học cách rèn luyện những kĩ năng nền tảng từng là trọng tâm trong chương trình Hướng đạo sinh của Baden Powell – thủ công từ gỗ, sống xa đất liền, quan sát. Và, theo quan điểm của trung tâm Harris, mong rằng chúng sẽ trở thành những người đóng góp cho các bước tiên phong của việc bảo tồn đất trong tương lai.

Việc hoang dã, vui vẻ hân hoan cùng nhau cũng đã bắt đầu ở khu vực trung tâm. Trong một vài năm, các khu vườn ở Minnetrista và trung tâm văn hóa ở Muncie, Indiana, đã thực hiện chương trình có tên là Flower Fairies (Tạm dịch: Tiên hoa). Trong ba tuần trước ngày hạ chí, một vũ công dạy những trẻ em địa phương để mỗi em sẽ tự xây dựng một nhân vật tiên hoa. Chương trình này ban đầu chỉ dành cho các bé gái, nhưng sau đó những cậu bé cũng thấy hứng thú, và được phép tham gia. Mỗi em chọn một bông hoa, học về các đặc điểm của chúng, và rồi tạo ra các vũ đạo dựa trên những đặc điểm ấy. Mỗi em và giáo viên cũng sẽ tự làm trang phục dựa trên hình dáng của bông hoa. Trong khoảng hai hay ba đêm gần ngày hạ chí, trung tâm sẽ mời những người dân trong vùng đi bộ trên con đường gạch xuyên qua khu vườn bảo tồn Ball Estate Victorian. Những con đường được thắp sáng bởi những ngọn nến tràn đầy bóng dáng các tiên hoa nô đùa vui vẻ giữa những cây đỗ quyên, loa kèn, và dừa cạn. Sự thích thú của trẻ em về chuyện thần tiên, và mong ước được trở thành một cô tiên, được sử dụng làm cầu nối phát triển sự hiểu biết về hình dáng đặc trưng khác nhau của các loài hoa. Chẳng phải đây chính là nền tảng kiến thức của đa dạng sinh học sao? Chẳng phải bạn sẽ làm điều này, hơn là ngồi nghe bài thuyết trình PowerPoint của Terri sao?

Để thấy được một cách cụ thể và cảm hứng hơn về việc mọi thứ có thể khác biệt thế nào, cho phép tôi đưa bạn tới một buổi dã ngoại lấm lem bùn đất của Dự án Wilderness Youth (Tạm dịch: Tuổi trẻ Hoang dã) ở Santa Barbara, California. Chúng tôi tập trung tại Công viên Hạt Tucker’s Grove, nơi một dòng suối bạc và cánh rừng nằm nép với nhau giữa các khu đất. Không hẳn là hoang dã tuyệt đối, nhưng nơi này cho người ta cảm giác hoang dã đủ nhiều và đủ rộng để bọn trẻ cảm thấy được bao bọc bởi không gian này. Có khoảng một tá các em tuổi từ 7 đến 11 – da đen, da trắng, gốc Latin – 3 người dẫn dắt, và các bậc phụ huynh. Không khí vô cùng sôi nổi và tràn đầy năng lượng. Không hề có bài thuyết trình PowerPoints nào cả. Chúng tôi đứng thành một vòng tròn trên bãi cỏ và bắt đầu cuộc hành quân của mình theo trình tự: đi lên dần và khám phá lòng suối đã cạn khô cho đến khi gặp một bể chứa đầy bùn, đủ cho một trận chiến bùn đất.

Không xa lắm trên con đường, có một sườn dốc dẫn xuống lòng suối đã cạn. Một vài em đang bắt đầu trò trượt ván trên gờ đất tơi xốp. Hơi hỗn loạn và nhanh một chút, nhưng tuyệt đối không có một lời khiển trách nào về việc chỉ đi trong con đường đã có sẵn. Thay vào đó, một người dẫn dắt đi xuống lòng suối để tập hợp và phủi bụi bặm cho các em, trong khi một người khác ở trên quản lý dòng người. Đi thêm khoảng vài trăm yard nữa, chúng tôi tới chỗ một cây sồi đã bị đổ. Các em ngay lập tức nhảy lên và cố đi thăng bằng trên thân cây rồi lại nhảy xuống. Hơi mạo hiểm một chút. Nhưng thay vì hối thúc các em đi nhanh hơn, những người dẫn dắt nhận ra đây chính là một kiểu trò chơi tự nhiên trẻ em cần có.

Ở khúc quanh kế tiếp, chúng tôi đi đến một hàng rào có một cái cổng. Hầu hết mọi người đều đi qua cái cổng, nhưng một cậu bé muốn thử trèo qua hàng rào, được bao phủ bởi các hàng dây kẽm. Tôi chờ đợi một phản ứng điển hình của người lớn, “Không, José, cháu sẽ làm rách quần mất,” hoặc “Sao cháu không đi qua cổng?” hoặc “Để bác nhấc cháu qua,” hoặc “Trời ơi dừng lại! Thế này quá nguy hiểm.” Nhưng thay vì vậy, khi Kelly, một trong những người hướng dẫn, nhận ra ý định của cậu bé, cô nói, “Ý tưởng tuyệt vời đó José. Cháu có muốn cô trông chừng khi cháu trèo không?” Khi José trèo xong, cô khen ngợi, “Giỏi quá! Cô biết cháu làm được mà.” Tôi bị ấn tượng bởi việc ý định của cậu bé được để ý đến, chấp thuận, và ủng hộ. Hơn nữa, cô ấy đã tránh không tham gia vào việc này, chỉ cung cấp đủ sự hướng dẫn để trò chơi nhỏ đó được an toàn và để cậu bé tự làm. Thái độ ủng hộ, tích cực chiếm ưu thế, và sự sợ hãi thì bị đẩy lùi.

Khi chúng tôi đến một pháo đài cỡ cho trẻ em, được làm bởi một nhóm trước đó mô phỏng ổ của những con chuột rừng, những đứa trẻ ngay lập tức bò qua. Becka nói, “Cái này thật tuyệt. Cháu không thấy sợ chỗ này. Cháu có thể sống ở đây và thực hiện tất cả các dự án của cháu ở đây.” Ngay khi cô bé ra ngoài, em nói, “Cháu sẽ làm lại một lần nữa,” và thời gian luôn đủ cho em làm việc đó.

Một vài phút sau một số cậu bé tìm thấy một cái hố trên đường đi và thắc mắc không biết cái hố từ đâu mà có. Các em thám hiểm nó với những cái que và rồi quyết định cất giấu kho báu trong đó, lấp hố lại, và cố gắng tìm khi quay trở lại. Một tiếng sau – dù khá khó để phân biệt các đoạn đường khác với chỗ cái hố đó, và cũng chẳng người lớn nào nhắc các em tìm – các em vẫn nhớ chỗ đó và thích thú đào lên một hạt dẻ, một hòn đá hoa, và một nhánh cỏ ba lá. Hẳn là một cách thích hợp để phát triển kĩ năng quan sát – và tất cả đều do bọn trẻ tự phát triển.

Một đứa bé bắt được một con bọ to và đưa cho Mark, một người hướng dẫn, xem. Tôi chuẩn bị chờ một bài thuyết giảng ngắn chán ngắt về lịch sử tự nhiên, “Ồ, đây là loài Idiostatus aequalis. Chúng ta gọi nó là dế California và nó chỉ sống trên những triền dốc quay mặt về phía Tây ở những nơi có nhiều cây bụi nhỏ. Nó có sáu chân và ba phần cơ thể chính – đầu, bụng, và sườn, và blah, blah, blah…” Nhưng thay vì vậy, Mark nói, “Hmmm, đây là loài gì nhỉ? Nó có bao nhiêu chân vậy? Wow, nhìn đôi mắt to của nó kìa – chú thấy mắt nó có màu xanh lá. Cháu thấy nó có màu gì? Chúng ta nên gọi loài bọ này là gì nhỉ?” Sau đó, trong bữa ăn nhẹ, Mark lấy ra quyển sách hướng dẫn về côn trùng, tìm trang thích hợp, và đưa nó cho những đứa trẻ đã nhìn thấy loài côn trùng đó. Thay vì nói, “Chú nghĩ đó là loài dế California,” anh nói, “Con bọ mà chúng ta tìm thấy trên đường trông có giống con nào trong trang này không?” Cả quá trình này là để khuyến khích những đứa trẻ quan sát, thắc mắc, nhìn các đặc điểm, và liên kết mọi thứ. Những cái tên và những khái niệm, kiến thức về môi trường, sẽ tự hình thành từ những cuộc khám phá thực tế đó.

Chúng tôi quay trở lại đồng cỏ, ướt, đầy mùi bùn, và cười vang. Một trong những đứa trẻ nói tự nhiên, “Ba tiếng là không đủ cho chuyến tham quan này. Chúng ta phải đi năm tiếng. Chúng ta nên đi cả ngày! Chúng ta nên xây các pháo đài và sống ngoài đó.” Giống như là những đứa trẻ đã thực sự hòa nhập với bản ngã hoang dại của mình và trở thành các sinh vật sống trong rừng, tâm trí và cơ thể chúng đều thoải mái và cảm thấy như đang ở nhà, trong môi trường sống tự nhiên của mình. Cả chuyến đi chỉ có hơn một dặm (khoảng 1.6km) lên và xuống, nhưng quá nhiều thứ đã xảy ra. Không hề có cuộc nói chuyện nào về vấn đề nóng lên toàn cầu hay các loài vật sắp tuyệt chủng, nhưng có thật nhiều cơ hội để trở thành một phần của thế giới tự nhiên. Và những đứa trẻ đều hào hứng với việc quay lại và làm tất cả mọi thứ một lần nữa.

Đây là kiểu giáo dục môi trường mà tôi tin rằng có thể hình thành những hành động và giá trị nhận thức môi trường ở tuổi trưởng thành – sự giáo dục bắt nguồn từ xu hướng chơi đùa bẩm sinh của trẻ em trong thế giới tự nhiên, ủng hộ và cho phép việc chơi đùa thỏa thích, công nhận sự quan trọng của việc săn tìm, tụ tập, thu lượm, và, một cách thích hợp, tiêu thụ thế giới tự nhiên; khuyến khích người lớn và trẻ em khám phá và học cùng nhau để người lớn có thể hình thành sự chú ý và thái độ tôn trọng, và ủng hộ khao khát tưởng tượng của các em. Đó là kiểu giáo dục môi trường mà cho phép các em trai được sống ở ngôi làng của các cậu bé, các em gái được sống ở ngôi làng của các cô bé, và những đứa trẻ được sống ở ngôi làng trẻ em một khoảng thời gian trước khi chúng bị lùa ra khỏi rừng để bắt đầu giai đoạn trưởng thành.

Như John Burroughs11 từng nói, “Kiến thức mà không có tình yêu sẽ không tồn tại lâu dài. Nhưng nếu tình yêu đến đầu tiên, kiến thức sẽ theo đó mà có.” Là những bậc phụ huynh và giáo viên, chúng ta có trách nhiệm phải đảm bảo rằng, tình yêu đến đầu tiên.


  1. John Muir (1838 – 1914) là một nhà tự nhiên học, tác gia, và triết học môi trường người Mỹ gốc Scotland. Ông ủng hộ việc bảo vệ thiên nhiên và đã góp phần thành lập cũng như bảo tồn vườn quốc gia Yosemite, Sequoia, và nhiều khu vực hoang dã khác. Đồng thời, tình yêu thiên nhiên thể hiện trong các tác phẩm của ông đã giúp truyền cảm hứng đến hàng triệu người và thôi thúc họ hành động để bảo vệ tự nhiên. Ngày nay, John Muir được coi là “cha đẻ của các vườn quốc gia”. Xem thêm thông tin chi tiết về John Muir tại đây.

  2. Edward Osborne “E.O.” Wilson (s.n. 1929) là một nhà sinh học, nghiên cứu, lý luận, tự nhiên học, và tác gia người Mỹ. Ông đặc biệt tập trung nghiên cứu về loài kiến, lĩnh vực mà ông được coi là chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng được biết tới bởi những hoạt động bảo vệ môi trường của mình. Xem thêm thông tin chi tiết về E. O. Wilson tại đây.

  3. Rachel Carson (1907 – 1964) là một nhà sinh học đại dương và bảo tồn người Mỹ. Các tác phẩm của bà, mà nổi tiếng nhất có lẽ là Silent Spring (Tạm dịch: Mùa xuân im lặng) nói về tác hại hóa học của thuốc trừ sâu lên môi trường và đặc biệt là các loài chim, đã góp phần giúp đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Xem thêm thông tin chi tiết về Rachel Carson tại đây.

  4. Aldo Leopold (1887 – 1948) là một tác gia, nhà khoa học, nhà sinh thái học, bảo tồn, và môi trường học người Mỹ. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, A Sand County Almanac, tập trung vào trách nhiệm giữa con người và vùng đất mình sinh sống, và được coi là đã đặt một dấu mốc quan trọng trong công cuộc bảo tồn tự nhiên của nước Mỹ. Xem thêm thông tin chi tiết về Aldo Leopold tại đây.

  5. Jean Craighead George (1919 – 2012) là một nhà văn người Mỹ, tác giả của hơn một trăm cuốn sách cho trẻ em và người trẻ tuổi. Những chủ đề chính trong các cuốn sách của bà là môi trường và thế giới tự nhiên. Bên cạnh đó, bà còn viết hai cuốn sách dạy nấu ăn bằng các nguyên liệu hoang dã. Xem thêm thông tin chi tiết về Jean Craighead George tại đây.

  6. My Side of the Mountain là một cuốn tiểu thuyết viết cho trẻ em của Jean Craighead George xuất bản năm 1959, kể về một cậu bé chạy trốn khỏi nhà mình ở thành phố New York và đến sống ở một khu vực rừng núi của bang cùng tên. Câu chuyện là quá trình cậu học về lòng dũng cảm, sự độc lập, và sự quan trọng của việc có bạn đồng hành.

  7. Julie of the Wolves là một cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em của Jean Craighead George, xuất bản năm 1972. Câu chuyện kể về một cô bé người Inuit và những sự kiện cô trải qua khiến những giá trị văn hóa dân tộc trong cô thay đổi, và cuối cùng phải đứng trước lựa chọn đâu mới là con người, hay danh tính thực của mình.

  8. The Hunger Games là một bộ tiểu thuyết gồm 3 phần của Suzzane Collines, xuất bản năm 2008. Câu chuyện được kể dưới giọng của Katniss Everdeen, nhân vật chính của chuyện, và xoay quanh The Hunger Game, một sự kiện hàng năm tổ chức tại vương quốc tương lai Panem mà trong đó một chàng trai hoặc cô gái được lựa chọn ngẫu nhiên từ 12 quận xung quanh The Capitol (trung tâm chính trị của vương quốc và cai quản tất cả các vùng thuộc Panem) sẽ tham gia một trận đấu trên truyền hình và chiến đấu với nhau đến chết để tìm ra người thắng cuộc.

  9. Suzzane Collines (s.n.1962) là một biên kịch truyền hình và tiểu thuyết gia người Mỹ. Cô là tác giả của hai sê-ri tiểu thuyết bán chạy là The Underland Chronicles và The Hunger Games (gồm 3 phần). Xem thêm thông tin chi tiết về Suzzane Collines tại đây.

  10. Dấu chân sinh thái – Ecological Footprint (trong bài gốc là environmental footprint) – là một cách thức để đo mức độ tác động của con người lên hệ sinh thái thông qua việc đo lường hay ước tính diện tích của các khu vực hoang dã hoặc số lượng “vốn tự nhiên” (natural capital – chỉ tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất, bao gồm địa chất, đất, nước, không khí, và các sinh vật sống) mà con người tiêu thụ hàng năm.

  11. John Burroughs (1837 – 1921) là một nhà tự nhiên học và nhà văn viết về thiên nhiên người Mỹ, có nhiều hoạt động tích cực trong làn sóng bảo tồn của đất nước này. Xem thêm thông tin chi tiết về John Burroughs tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất