a
§ Tác giả: Drew Reed | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
26/01/2017
Vào thập kỷ 20, một nhà tư bản công nghiệp người Mỹ muốn xây dựng một thành phố dựa trên những giá trị đã giúp công ty của ông thành công – song song với việc sản xuất cao su rẻ tiền. Thành phố trong rừng xanh mang tên ông cuối cùng hóa ra lại là thất bại lớn nhất của nhà tư bản này.

Vào năm 1928, khu vực bắc Brazil rộn ràng bởi một tin tức nóng hổi. Những người dân nơi đây chuẩn bị chào đón một vị khách mới, một người đàn ông đến với lời hứa hẹn sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế đang đuối dần của họ và mang đến cho họ một cuộc sống hoàn toàn mới. Người đàn ông đó là Henry Ford.

Báo chí địa phương bắt đầu bàn tán về tương lai của vùng này. Họ dự đoán về đủ mọi thứ: một vài bình luận viên cho rằng Ford sẽ xây dựng một đường tàu chạy đến tận bờ biển, hoặc một nhà máy sản xuất ô tô mới của ông. Trên hết, họ chỉ muốn biết bao giờ thì ông sẽ tới.

Trên giấy tờ, hứng thú của Ford với Brazil nằm ở một dự án kinh doanh: việc Anh Quốc nắm độc quyền cung cấp cao su sản xuất bởi Sri Lanka khiến chi phí sản xuất xe hơi Model A mới của ông tăng lên, vậy nên ông muốn tìm một nguồn nhựa giá cả phải chăng, có thể cho phép Công ty Ford Motor tự sản xuất lốp xe nhằm giảm thiểu chi phí.

Nhưng tầm nhìn của Ford còn sâu xa hơn thế nhiều. Mục tiêu của ông không chỉ là vận chuyển nhựa đến trụ sở chính của công ty ở Dearborn – mà còn là xây dựng một thành phố thiên đường của riêng mình. Thành phố đó sẽ dung hòa những giá trị Ford đã đấu tranh bảo vệ trong suốt sự nghiệp của mình, và mang đến một tương lai tốt đẹp hơn cho một nơi đã bị quên lãng trên trái đất. Và thành phố đó sẽ mang tên ông: Fordlandia.

View of employee housing, Fordlandia, ca. 1933.
Khu nhà ở cho nhân viên tại Fordlandia, ảnh chụp vào khoảng năm 1930. Ảnh: Flickr.

Chẳng có gì là nói quá khi miêu tả về danh tiếng mà Henry Ford đã gây dựng cho mình tại thời điểm đó – dù là ở Brazil, Mỹ, hay bất cứ nơi nào khác. Vào thời của ông, cái tên Ford là một biểu tượng cho những tiềm năng tươi sáng của cách mạng công nghệ, giống như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg bây giờ – thậm chí có khi còn hơn thế.

Trong vòng một thập kỷ từ khi được thành lập ở Dearborn, Michigan vào năm 1903, Công ty Ford Motor đã cách mạng hóa nền công nghiệp sản xuất ô tô bằng việc giới thiệu dây chuyền lắp ráp – phân chia rạch ròi các công đoạn trong quá trình lắp ráp xe hơi phức tạp, cho phép những mẫu xe mới trong dòng xe thương hiệu của ông – Model T, được sản xuất nhanh hơn bao giờ hết, khiến công ty trở thành một hiện tượng thành công toàn cầu.

Vậy nhưng phát kiến vĩ đại nhất của Ford có lẽ không phải là về mặt cơ khí, mà là xã hội. Ông lấy làm tự hào về chế độ đãi ngộ nhân viên của mình, và vào năm 1914 khẳng định với báo chí rầm rộ rằng tất cả các công nhân của Ford đều được nhận mức lương $5 một ngày (tương đương $120, hay 90 bảng Anh, vào thời điểm hiện nay).

Ford tin rằng một chế độ đãi ngộ công bằng sẽ giúp các công nhân của mình trở nên trách nhiệm hơn, và thông qua đó, xây dựng một nền tảng khách hàng vững chắc cho nhà sản xuất. Rev Samuel Marquis, một trong những quản lý của bộ phận phụ trách nhân lực của Ford, từng khẳng định rằng những chiếc ô tô của ông chỉ là “một sản phẩm phụ, công việc kinh doanh thực của ông là rèn giũa con người.”

Ông ngày càng tin rằng vai trò của mình trong việc giúp xã hội tiến bộ không chỉ dừng lại ở mức độ một nhà máy mà cần bao gồm toàn bộ các thành phố.

Nhưng một vài ý tưởng về xã hội của Ford lại cực kỳ đáng sợ – mà khét tiếng nhất là tư tưởng bài trừ người Do Thái, được khắc họa một cách nổi bật trên tờ báo do chính ông phát hành, the Dearborn Independent.

Ông ngày càng tin rằng vai trò của mình trong việc giúp xã hội tiến bộ không chỉ dừng lại ở mức độ một nhà máy mà cần bao gồm toàn bộ các thành phố. Mặc dù đã thành công khi đã hiện thực hóa một vài ý tưởng đô thị nhỏ của ông, thì với một dự án khác lớn hơn rất nhiều, một thành phố sản xuất khổng lồ được xây dựng ở phía bắc bang Alabama – trải dài 75 dặm, có nguồn năng lượng cung cấp bởi con đập bên sông Tennessee – ông đã không bao giờ có thể biến nó thành hiện thực.

Cuối cùng, Ford lựa chọn một nơi khác cho thành phố địa đàng của mình, một nơi còn xa hơn bang Alabama rất nhiều: sông Amazon.

 

‘Một công trình văn minh’

Đến những năm 1920, lưu vực sông Amazon vốn đã ở trong tình trạng suy thoái. Vào cuối thế kỷ trước đó, khu vực này hưởng lợi nhờ thế độc quyền cao su toàn cầu, cùng nhu cầu cao su tăng vọt và giao thông đường thủy thuận tiện trên sông Amazon.

Những thành phố hai bên bờ sông mở rộng bởi những cư dân mới muốn tìm kiếm vận may, và các con phố xây thêm hàng dài những tòa nhà xa hoa. Belem, nằm ở cửa sông, trở thành khu cảng bận rộn nhất ở Brazil; trên thượng nguồn, Manaus nổi tiếng khắp toàn thế giới nhờ Nhà hát Amazon suy đồi.

Nhưng việc trồng cây cao su đã không thể được tiêu chuẩn hóa; trồng chúng quá gần nhau sẽ khiến các cây dễ bị mắc bệnh và nhiễm ký sinh hơn. Và mặc dù đây là loài cây bản địa của Brazil, những nhà thực vật học có tinh thần cải tiến đã nhanh chóng quyết định rằng họ sẽ thử trồng loại cây này ở các khu vực nhiệt đới khác, nơi không có các loài ký sinh tự nhiên trên cao su.

Người Anh bắt đầu trồng cao su ở Sri Lanka, sau khi hạt giống cao su bị bí mật đưa ra khỏi Brazil trong một phi vụ nổi tiếng. Và vào đầu thế kỷ 20, việc sản xuất ở đây nhanh chóng vượt mặt mùa vụ cao su ở Brazil. Lưu vực Amazon, vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lợi từ việc bán cao su, bị ảnh hưởng nặng nề.

“Chúng ta không tới Nam Mỹ để kiếm tiền, mà là để giúp phát triển vùng đất tuyệt vời và màu mỡ này.” – Henry Ford

Ngay sau thất bại với kế hoạch phát triển Alabama của mình, Ford trở nên quan tâm đến nền kinh tế tàn tạ của Amazon như một địa điểm tiềm năng để khởi động lại lý tưởng đô thị của mình. Theo các ghi chép, ông bắt đầu có hứng thú với khu vực này sau khi nghe một người bạn của mình, cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, kể về hành trình đi dọc dòng sông của ông. Việc giá cao su ngày càng tăng lên cho ông một lý do thực tế để theo đuổi giấc mơ này.

Trong lý tưởng của ông, kế hoạch trồng cao su ở Amazon (như một công chức bang sau này thuật lại) là một “công trình văn minh.” Ông tin tưởng rằng những giá trị đã làm nên thành công của công ty ông cũng sẽ đạt được những thành tựu như thế ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh. Vào năm 1928, ông đi xa tới mức tuyên bố rằng: “Chúng ta không tới Nam Mỹ để kiếm tiền, mà là để giúp phát triển vùng đất tuyệt vời và màu mỡ này.”

Nhưng hành động này còn cho thấy một sự chán chường nhất định của ông với chính đất nước mình, và một khao khát muốn xây dựng một thứ gì đó từ giấy trắng ở rừng Amazon. “Sức mạnh của chủ nghĩa công nghiệp tư bản mà [Ford] giúp giải phóng đã làm suy yếu thế giới mà ông muốn phục hồi.” Greg Grandin đã viết như vậy trong cuốn sách nổi tiếng của ông về lịch sử Fordlandia.

Đến năm 1927, lý do kinh tế cho việc Ford đến Brazil không còn thuyết phục như trước nữa. Thế độc quyền của Anh trong thị trường cao su toàn cầu bắt đầu suy giảm, và các cố vấn của Ford gợi ý rằng sẽ tốt hơn nếu ông mua cao su từ nhà sản xuất địa phương ở Brazil. Nhưng Ford đã nhanh chóng gửi hai nhân viên thân cận nhất của mình đến Brazil để tiến hành thỏa thuận với chính quyền nơi đây.

Fordlandia saw mill, ca. 1931.
Nhà máy chế biến gỗ ở Fordlandia, ảnh chụp vào khoảng năm 1931. Ảnh: Flickr.

Thỏa thuận Ford đạt được với chính quyền bang Para của Brazil không hoàn toàn có lợi cho ông. Ông phải trả $125.000 để có quyền hoạt động thương mại trên một mảnh đất rộng 5.625 dặm vuông (khoảng 14.569 km vuông) ở sông Tapajós, một nhánh sông Amazon. Một thông tin sau này tiết lộ rằng những nhân viên của Ford đã cho ông một vố lừa; theo luật, đáng lý ông đã có thể có được mảnh đất đó mà gần như chẳng phải mất xu nào.

Tuy nhiên, Ford đã có tất cả mọi thứ ông cần để hiện thực hóa lý tưởng của mình giữa rừng xanh. Như Grandin viết: “Ford có quyền điều hành Fordlandia như một tiểu bang riêng biệt.”

 

Cuộc chiến gian truân

Fordlandia được chọn tọa lạc trên một vùng đất cao nhằm tránh lũ lụt. Nhưng điều này cũng có nghĩa là thành phố ở sâu bên trong đất liền đến mức các con thuyền trở vật liệu xây dựng sẽ không thể vượt qua mặt nước trắc trở của sông Tapajós trước mùa mưa. Vào năm 1928, một đội thợ được tập hợp tại địa điểm tương lai của thành phố, tức giận bởi nguồn thức ăn đang thối rữa dần, đã nổi lên chống lại những người lãnh đạo.

Phải đến đầu năm 1929 nguyên vật liệu mới đến được Fordlandia. Công cuộc xây dựng cuối cùng cũng bắt đầu dưới sự chỉ huy của một người Na Uy tên Einar Oxholm, chịu trách nhiệm giám sát việc thiết lập hệ thống đường phố nền móng của Fordlandia.

Thành phố được xây với một khu dân cư riêng biệt, có tên Vila Americana, dành cho những nhân viên người Mỹ làm việc tại đây. Grandin chỉ ra rằng khu dân cư này tách biệt với khu vực dự định dành cho những công nhân người Brazil. “Có vài sự khác biệt ở đây, giống như giữa ngoại ô và thành phố,” ông nói. Khu Vila Americana có quang cảnh đẹp nhất ở thành phố, và là nơi duy nhất có đường ống dẫn nước, trong khi những công nhân người Brazil phải lấy nước từ giếng.

Thành phố được dự kiến sẽ có những bệnh viện, trường học, nhà máy điện, và một nhà máy chế biến gỗ hiện đại. Cho đến cuối năm 1930, khối kiến trúc nổi bật nhất của nó được hoàn thành: một tháp nước, biểu tượng của chủ nghĩa vị lợi trong thời hiện đại, đại diện cho dự án “văn minh” của Ford.

Nhưng công cuộc xây dựng thành phố vẫn phải đối mặt với rất nhiều gian truân. Phát quang rừng là một công việc mệt mỏi, và mặc cho mức lương cao nổi tiếng của Ford, nguồn lao động cho việc này bị thiếu hụt. Gỗ Amazon, thứ mà Ford ban đầu mong có thể bán được để lấy lợi nhuận cho đến khi sản xuất được cao su, lại thành ra vô dụng.

Báo chí địa phương, lúc đầu còn thân thiện, sau đó quay ra chỉ trích Ford và dự án của ông. Trong khi đó, mong muốn của Ford rằng thành phố sẽ không dính mùi cồn thành ra là một ý định quá bất khả thi. Oxholm không giữ vị trí quản lý lâu – và trong hai năm đầu tiên thành phố phải thay nhiều người quản lý khác nhau.

Khi mọi thứ vừa có vẻ bắt đầu ổn định ở Fordlandia, thì bạo lực nổ ra một lần nữa vào ngày 20 tháng Mười hai năm 1930. Tại một quán café của những công nhân, nơi xảy ra sự phân biệt giữa các công nhân có tay nghề và những người làm công việc chân tay, một cuộc tranh cãi nổ ra giữa người quản đốc Kaj Ostendfeld và Manuel Caetano, một người thợ đóng gạch. Cuộc cãi vã này nhanh chóng lan rộng, các công nhân biểu tình theo sau Caetano, đập phá thành phố, phá hủy nhà máy điện, dụng cụ sản xuất, và thậm chí cả nhà của họ.

Nhân viên quản lý của Fordlandia cố gắng chạy thoát bằng thuyền; họ cuối cùng cũng trấn áp được cuộc nổi loạn, nhưng chỉ bằng cách thuyết phục nhà tài phiệt của hãng hàng không Pan Am là Juan Trippe mang quân đội Brazil vào cuộc (tại Fordlandia) trên một trong những chiếc máy bay của ông ta.

Sau biến cố này, Fordlandia đối mặt với một bước ngoặt khác. Ford cuối cùng cũng tìm thấy một người quản lý thành công là Archibald Johnston, người đã giúp lèo lái thành phố sau cuộc bạo loạn: lát lại đường, xây lại những khu nhà cần thiết, và bắt đầu công cuộc xây dựng hệ thống đường giúp kết nối Fordlandia với khu đất rộng lớn mà Ford đã mua được phía bên trong bờ sông Amazon.

Có lẽ dưới tay Johnston mà Fordlandia đã tiến được gần nhất đến viễn cảnh lý tưởng ban đầu của Ford. Ông thành công trong việc mang đến rất nhiều những tiện nghi điển hình của các thị trấn ở Mỹ đến trung tâm lưu vực sông Amazon. Nổi bật nhất là một tòa nhà giải trí nơi chiếu các bộ phim Holywood và tổ chức các buổi vũ hội. Các cơ sở y tế và giáo dục cũng được cải thiện. Johnson đảm bảo rằng rất nhiều quy định của Ford được thực hiện, bao gồm cả một chế độ ăn nghiêm ngặt (dù rượu bia vẫn khó có thể kiểm soát), và phát triển việc làm vườn.

Fordlandia dance hall with movie screen. Building has roof and floor but no sides, ca. 1933.
Nơi tổ chức vũ hội ở Fordlandia cùng màn hình chiếu phim, ảnh được chụp vào khoảng năm 1933. Ảnh: Flickr.

Nhưng một vấn đề khác vẫn còn đó: Fordlandia không sản xuất ra được một tí cao su nào. Rừng vẫn được phá, nhưng những cố gắng trồng cao su chỉ đem đến những kết quả đáng thất vọng. Số ít những cây đâm rễ thì nhanh chóng bị đánh gục bởi sâu bệnh.

Để xử lý việc này, Ford đưa đến chuyên gia thực vật James R Weir, người làm Johnston nổi điên khi khăng khăng đòi thực hiện những phương pháp trồng trọt đắt tiền, và rồi, vào năm 1936, yêu cầu xây dựng một nhà máy thứ hai trong khu đất của Ford, tên là Belterra. Weir đột ngột rời khỏi Fordlandia một năm sau đó, và không cho ai hay biết rằng ông không bao giờ định quay trở lại.

Mặc cho những hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo, Fordlandia và Belterra vẫn trụ vững trong gần một thập kỷ sau đó. Khi việc sản xuất ô tô của Ford ngày càng can dự vào Thế chiến hai, nhiều quân Mỹ đã đến thị trấn Brazil của ông.

Khi chiến tranh kết thúc, sức khỏe của Henry Ford đã yếu. Việc quản lý công ty rơi vào tay cháu trai ông, Henry Ford II, người đã nhanh gọn cắt xén những khoản chi tiêu bằng cách bán đi các tài sản không làm ra lợi nhuận. Fordlandia là cái tên đầu tiên trong danh sách bị cắt bỏ.

Ford II bán lại mảnh đất cho Brazil với giá chỉ bằng một phần nhỏ số tiền mà ông của anh ta đã trả. Khi tin tức này đến Fordlandia, những cư dân người Mỹ của thành phố trở về nhà, bỏ lại những người Brazil không hiểu điều gì đã xảy ra với bọn họ.

 

Sự suy tàn trong yên lặng

Đối lập với những sự bàn tán ồn ào khi nó được xây dựng, sự suy tàn của Fordlandia diễn ra trong im lặng. Những dụng cụ ở nhà máy chế biến gỗ và nhà máy điện bị bỏ mặc trong sự hủy hoại dần dần của thời gian và lớp bụi mù của Amazon. Ngọn tháp nước biểu tượng vẫn đứng đó, dù nó chẳng còn chứa nước nữa, và logo của Ford từng được sơn một cách đầy kiêu hãnh trên đó cũng dần mờ đi.

Dù vậy, trong thập kỷ trước, Fordlandia trải qua một khoảng thời gian gần giống như quá trình phục hưng. Một phần trong đó liên quan đến văn hóa: lịch sử của thành phố được nhắc lại trên mặt báo, phim tài liệu, và thậm chí cả âm nhạc – nhà soạn nhạc người Iceland theo chủ nghĩa tối giản Johann Johannsson tung ra một album được truyền cảm hứng bởi thành phố vào năm 2008. Sau nhiều thập kỷ với số dân ở dưới ngưỡng 100, số người sống tại đây đã tăng lên đến khoảng 3.000 người trong những năm gần đây.

Fordlandia được tạo ra như một nhánh thương hiệu của một trong những nhà tư bản tham vọng nhất trên thế giới, và nó đã thất bại. Có lẽ nó sẽ ổn hơn nếu chỉ là một thị trấn bình thường.

“Ngày nay, phần lớn cư dân không quan tâm nhiều đến lịch sử của Fordlandia,” theo Christiane von Schwind, nhà sản xuất của một bộ phim tài liệu ngắn về thành phố. “Nếu dân số tăng lên, tôi chắc rằng lý do là bởi kinh tế chứ không phải lịch sử hay ‘linh hồn’ của Fordlandia.”

Vậy nhưng vẫn có những người nhớ về khoảng thời gian của họ ở Fordlandia. Trong một bộ phim sản xuất năm 2008 về thành phố, một người dân từng sống ở đây tên Charles Townsend quay trở lại thị trấn cùng gia đình mình. Khi nhìn thấy một ngôi trường, ông chạy vượt lên trên camera, hào hứng nói chuyện với một vài đứa trẻ.

“Ai trong số các cháu được sinh ra ở Fordlandia?” Ông hỏi bọn trẻ với phong thái dễ dãi kiểu Bồ Đào Nha và chúng reo hò trả lời. “Ông cũng sinh ra ở Fordlandia!” ông đáp lại.

Những đứa trẻ đó không có may mắn được theo học tại một ngôi trường hiện đại, như những cư dân đầu tiên của Fordlandia. Nhưng theo một cách nào đó, chúng lại đang sống tốt hơn. Fordlandia được tạo ra như một nhánh thương hiệu của một trong những nhà tư bản tham vọng nhất trên thế giới, và nó đã thất bại. Có lẽ nó sẽ ổn hơn nếu chỉ là một thị trấn bình thường.

2 thoughts on “Fordlandia: Chốn địa đàng thất bại của Henry Ford ở Amazon

  1. “hiện thực hóa một vài kế hoạch đô thị nhỏ” – “bringing some of his smaller urban planning concepts to life”
    chỗ này Zeal nên dịch urban planning concepts là ý tưởng quy hoạch đô thị, urban planning là chính là ngành quy hoạch đô thị

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất