a
§ Tác giả: Mallory Felman, Kristen Lindquist | Nguồn: Aeon Essay
Biên dịch: Linh Chi Ha | Hiệu đính:  K.
20/11/2021

Tôi không biết một người phụ nữ nào - cô gái nguyên trinh, người mẹ, một người đồng tính nữ, đã kết hôn hay độc thân, lựa chọn trở thành một người nội trợ, một cô phục vụ nước, hay một chuyên gia quét sóng não - chưa từng trải qua vấn đề nghiêm trọng liên quan tới cơ thể của mình: ý nghĩa tậm tịt, mù mờ của nó, khả năng sinh sản của nó, ham muốn của nó, sự lãnh cảm thờ ơ, bài huyết văn của nó, hay sự lặng yên, hay những đổi thay muôn hình vạn trạng, sự cưỡng đoạt và chín muồi. - Trích Of Woman Born (Tạm dịch: Phận nữ nhi) (1976) bởi Adrienne Rich.

Phụ nữ đã được nuôi dạy ngàn đời nay với ý niệm rằng cơ thể của mình là một món tài sản, cần kiểm soát và che giấu, và là thứ ngăn cản con người tiến tới bình đẳng giới. Điều này đặc biệt chính xác đối với những ‘chiếc máy quét sóng não’ chúng tôi: những nữ khoa học gia, nữ học giả, những người được công nhận bởi trí năng và thành tựu đạt được giữa giới khoa học “nam trị”. Trong những năm đầu trưởng thành và xây dựng sự nghiệp, nhìn chung phụ nữ thành công trong việc trở thành một linh hồn – cho tới khi không còn có thể nữa. Sự suy yếu về thể chất, chấn thương tình dục, sảy thai, mang thai, nuôi con, và quá trình lão hóa tàn bạo, dần dần xô chúng ta, hãy còn hoang mang, trở về với xác thịt của mình. Tất cả những trải nghiệm thân thể này không thể bị làm ngơ được nữa, và chúng ta cần nhận thấy chính khoa học cũng không thể phớt lờ chúng thêm một khắc nào.

Chúng ta nghiên cứu cách bộ não tạo tác nên sự sợ hãi, niềm vui mừng, cơn đói bụng, hay những cơn đau nhức đặc trưng cho tồn tại của con người. Chúng không mang tính tâm lý vô hình cũng chẳng thuần túy xảy ra riêng trên cơ thể , mà là sự kiện “tâm-thân”. Giống như bờ biển nơi nước và cát giao nhau, hiện thực của những trải nghiệm mà chúng ta đang trải qua là sự giao thoa của các tín hiệu cơ thể và văn hoá tự lâu đời, và nhiều trong số đó dựa trên giới tính. Một mặt, các cơ quan nội tạng cơ thể đau thắt và phồng rộp lên, ngực tụ máu và xệ xuống, xương nở ra và co lại, lượng hormone tăng giảm thất thường, và bộ não của chúng ta mải mê tinh chỉnh những biến chuyển này để duy trì cân bằng. Mặt khác, tồn tại những thể chế hoặc giang tay đón nhận hoặc đàn áp, những mối quan hệ hoặc ủng hộ hoặc áp chế, và những tự thuật hoặc trao thêm hoặc tước đi sức lực phụ nữ.

Chúng tôi muốn mời bạn cùng khám phá ranh giới giao thoa giữa hai lĩnh vực sinh học và văn hoá. Mục đích là cùng công nhận rằng cơ thể con người là một tạo tác của sinh học và văn hoá: những câu chuyện, khái niệm và ý tưởng chiếm phần lớn những gì trao ý nghĩa cho thân thể nữ giới, và thay đổi cách chúng ta trải nghiệm về cơ thể giữa thế giới này. Riêng với phụ nữ, điều này còn mang lại những hệ quả sâu sắc. Nhiều chị em được dạy và tin rằng phụ nữ có nhiều cảm xúc hơn đàn ông, rằng cơ thể nữ giới khó hiểu hơn, hay những xúc cảm thường bị lệch hướng nên cứ việc cho qua. Nhiều chị em trải qua sự phủ nhận ra mặt, vật hoá, tình dục hoá và được đem đi tôn sùng từ thời con gái. Kết quả của những điều này chính là một vòng lặp luẩn quẩn, càng đóng khuôn và khẳng định những đặc thù cơ thể của họ. Một khi chúng ta hiểu rõ thực tế này thì nó mới có tác động to lớn đến vấn đề bình đẳng giới.

Xã hội có thể thêu dệt và lưu truyền nhiều câu chuyện về cơ thể phụ nữ, sử dụng chúng để cắt nghĩa những niềm tin sâu thẳm về câu hỏi phụ nữ là ai. Nhưng thay vì là một nguồn thông tin trung lập đáng tin cậy, những kiến thức sinh học lại đóng vai trò củng cố và duy trì nhiều định kiến trên, bao gồm định kiến về bất bình đẳng giới dựa trên sự khác biệt vốn có về sinh học, hormone và cấu trúc não bộ của nữ giới. Sinh học đã và đang được sử dụng như một công cụ để kiểm soát và đàn áp quyền lợi cũng như trải nghiệm của phụ nữ và các cộng đồng yếm thế khác. Đồng thời, sinh học còn được dùng để giới hạn tiếp cận các nguồn lực kinh tế, y tế và xã hội của nữ giới. Đến đỉnh điểm, nó còn được sử dụng để biện hộ cho các tội ác quy mô lớn như hãm hiếp tập thể thời chiến hoặc diệt chủng Nazi đối với người đồng tính và chuyển giới.

Vậy thì không có gì lạ khi phong trào nữ quyền chính thống đã luôn cho rằng sinh học vừa là thứ gì nguy hiểm vừa phải chịu trách nhiệm – một vấn đề hết sức nhạy cảm mà không nhà nữ quyền nghiêm túc nào nên phạm phải. Thay vào đó, những nhà hoạt động nữ quyền thường có xu hướng lý giải bất bình đẳng giới dựa trên định hình văn hoá, chẳng hạn như thể thân thể là một cỗ máy được lập trình bởi chế độ gia trưởng để thực thi những thuật toán về cấp bậc giới tính. Tuy nhiên tự thuật này, giống như tự luật về sinh học quy giản ở trên, có điểm chung là phủ nhận quyền được có những trải nghiệm chân thực của phụ nữ. Chúng ta đều sở hữu cơ thể, và cơ thể chúng ta có khả năng định hình hoặc thậm chí là tạo ra hiện thực cuộc sống. Cơ thể người không hề bị động, cứng nhắc hay yên lặng chút nào, mà chúng tương tác và thấm nhuần văn hoá trong suốt đời người.

Một phương pháp khoa học với tên gọi ‘thuyết kiến tạo tâm lý’ (psychological constructionism/ psychological constructivism) tập trung vào việc trả lời câu hỏi ngàn đời nay, về cách bộ não kiến tạo ra đời sống tinh thần cho con người. Từ thời xưa, khi các triết gia Hy Lạp bắt đầu suy tư về vấn đề này tới nay thì nó vẫn chưa trở nên đơn giản hơn chút nào. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu của chúng ta thời đại ngày nay có lợi thế hơn nhờ việc sở hữu tri thức có bề dày hơn một thế kỷ về các bằng chứng khoa học thần kinh liên quan chủ đề này. Trên phương diện tập thể, nghiên cứu này cho thấy rằng bộ não không chỉ đơn thuần phản chiếu lại ‘thế giới bên ngoài’ như máy chiếu phản chiếu lên màn hình. Thay vào đó, nó chủ động ‘xây dựng’ ý nghĩa cho các phản ánh này bằng cách kết hợp các xúc cảm từ bên trong và bên ngoài cơ thể để tạo ra một hình mẫu sống động về thế giới – đó là một bộ linh cảm có trọn vẹn thông tin về ý nghĩa của từng xúc cảm dựa trên những trải nghiệm trước đây.

Kể cả những cảm xúc cơ bản nhất của con người đều được thanh lọc dưới lăng kính những định nghĩa của cá nhân và xã hội đương đại ta đang sống.

Để dễ hiểu hơn, chúng tôi sẽ lấy ví dụ về một thí nghiệm giả tưởng quen thuộc về cây đổ trong rừng: Nếu không có ai ở xung quanh, có nghe thấy tiếng cây đổ không? Câu trả lời thông thường sẽ là ‘Có’. Tuy nghiên, nhà kiến tạo tâm lý sẽ nói rằng, cây đổ tạo ra tiếng động chỉ khi người có thính giác chuyển những sóng âm khi cây đổ thành âm thanh. Ngoài ra, để một người nghe thấy được tiếng cây đổ, họ cũng cần phải biết cái cây là gì, và mường tượng được nhất định âm thanh tạo ra khi bị đổ xuống. Họ phải có khả năng phân biệt âm thanh này với những tiếng dòng nước cuốn, tiếng chim hót hoặc tiếng rơi của một vật thể lớn như một tảng đá. Tất cả những kiến thức và trải nghiệm này đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra thời gian sống và tiếp thu các khái niệm giúp ta thấu hiểu và hình thành những kỳ vọng với các sự việc xảy ra.

Khá dễ kết luận rằng các khái niệm ấy bẩm sinh đã có, nhưng đến những khái niệm âm thanh và hình ảnh cơ bản nhất (như ‘cái cây’) cũng được hình thành qua quá trình tiếp xúc và học tập. Tất nhiên, nhiều học giả đã tranh luận rằng, một chức năng quan trọng của văn hoá là duy trì vĩnh viễn những quan niệm được cho là quan trọng nhất với một nhóm người. Thử nhớ về lần đầu bạn nghe thấy một ngôn ngữ khác xa với ngôn ngữ bạn đang dùng: khi chưa hề có chút quen thuộc nào với âm thanh, bạn không thể hiểu được một từ bắt đầu và kết thúc lúc nào. Hoặc là một lần bạn nghe trình diễn âm nhạc trên một gam lạ: bạn sẽ khó nghe ra được các hợp âm hay nhận ra giai điệu đó, thậm bạn nghe nó còn chẳng ra nhạc. Những trải nghiệm về xúc giác chẳng gì khác hơn những xung không khí hay nhịp ánh sáng, hay những mảnh vụn hóa chất, hay sự co cơ, hoặc các cảm nhận về áp lực đơn thuần nếu như không được bộ não vận dụng khái niệm để giải thích. Thế giới vật chất là một mớ hổ lốn, và con người sử dụng các khái niệm trong văn hóa để phân loại đâu là tín hiệu có chứa thông tin quan trọng với chúng ta, và đâu là tiếng ồn.

Chúng ta có thể cho rằng những trải nghiệm thân thể này không hề liên quan đến yếu tố văn hoá hay những khái niệm. Suy cho cùng, không có xúc cảm nào nguyên thuỷ hơn những cảm xúc đói, sợ hãi, ham muốn hay vui vẻ. Vậy mà cả những cảm xúc cơ bản nhất của con người đều được thanh lọc dưới lăng kính những khái niệm cá nhân ta sở hữu và bởi xã hội mà ta đang sống. Các loài động vật có các giác quan rải rác khắp tim, phổi và ruột nhằm biến đổi và truyền thông tin về trạng thái hoá học, nhiệt độ và cơ học của cơ thể chúng. Bộ não sử dụng những thông tin này để giữ cho cơ thể chúng sống sót khoẻ mạnh, điều phối mỗi khi cơ thể cần kiểm soát lượng đường và oxy, hoặc di chuyển các múi cơ nhằm tiếp cận tài nguyên và tránh tổn thương. Và cũng như những xúc cảm đến từ thế giới bên ngoài, bộ não của bạn luôn luôn lý giải những xúc cảm bên trong cơ thể dựa trên một khuôn mẫu hiện hành. Cảm giác đói hay sợ hãi hoá ra không hề giống một chút nào với tiếng cây đổ trong rừng.

ảnh: Ramez E. Nassif/Unsplash

Khi chúng ta biết trân trọng việc cảm xúc cơ thể có ý nghĩa từ chính những khái niệm văn hóa chúng ta có được, thì mới nhìn thấy toàn cảnh bức tranh về giới và giới tính, và các danh tính xã hội khác. Các nhà kiến tạo tâm lý đang thử nghiệm trên rất nhiều ý tưởng từng được đề xuất bởi các học giả nữ quyền liên ngành thuộc các chủ đề như thuyết chủng tộc quan trọng1, thuyết người khuyết tật, về béo phì và về giới. Họ là những người đầu tiên nhận ra rằng các khái niệm văn hoá được kiến tạo và ứng dụng khác nhau cho từng đối tượng khác nhau, dựa trên chủng tộc, sắc tộc, năng lực, giới, xu hướng tính dục và tầng lớp xã hội. Như học giải Riki Lane đã viết, giới tính của một người không đến từ một quá trình ‘phụ trội’ mà mang tính ‘biến đổi’: không phải là ‘X % gen cộng với Y % các trải nghiệm hormone tử cung cộng với Z % trải nghiệm tâm lý đầu đời’, mà đến từ những hành vi ‘phức tạp phi tuyến tính và phức tạp ngẫu nhiên tạo ra các tổ hợp cơ thể và não bộ theo giới tính sinh học, bản dạng giới và các quan hệ xã hội.’

Tuy vậy, từ quá lâu nay, tâm lý học, khoa học thần kinh, và dược học lại chú trọng nghiên cứu trải nghiệm của một người bình thường về mặt lý thuyết: một người hoặc ngầm hiểu hoặc rõ ràng là nam giới. Chủ nghĩa nam quyền trung tâm (androcentrism) không chỉ là một dấu hiệu của tính thiên vị trong khoa học và y dược, mà nó còn là hệ lụy của một xã hội ở đó đàn ông là giống mặc định được mã hoá trong ngôn ngữ, giải trí và luật pháp. Caroline Criado Perez từng tranh luận rằng, tất cả mọi thứ dường như đều được thiết kế dành cho đàn ông, từ tầm bàn làm việc, từ hình dáng ô tô, kích cỡ điện thoại, độ rộng của phím đàn. Cơ thể của phụ nữ và những giới thiểu số còn lại đơn giản được nhìn nhận như một biến thể của cơ thể bình thường – ‘những người đàn ông bị cắt xén’ theo cách diễn đạt của Aristotle.

Nhưng việc nhìn nhận đúng đắn các trải nghiệm của nữ giới không đồng nghĩa với việc tối giản chúng thành một khối đơn điệu tính sinh học kể cả khi ở cấp độ đơn giản nhất thì cũng đã cực kỳ phức tạp rồi, và phụ nữ còn đa dạng một cách tráng lệ: từ cấu tạo sinh học, đến quỹ đạo đời người, danh tính xã hội và sự hội nhập văn hoá. Sự da dạng này chính là mấu chốt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự biểu hiện, thế nhưng phần lớn các nghiên cứu khoa học được thực hiện trên đàn ông và phụ nữ hợp giới và phần lớn là người da trắng, cơ thể bình thường, và dị tính. Cần nhiều hơn nữa các nghiên cứu trên các đối tượng đa dạng hơn để kiểm chứng những quy luật này biểu hiện ra sao trên những nhóm người khác nhau.

Nhìn nhận qua lăng kính thuyết kiến tạo tâm lý có thể thay đổi suy nghĩ của chúng ta về cách cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho phụ nữ – nhất là với các hiện tượng quan trọng như kinh nguyệt, thai kỳ và điều trị hormone. Không phải phụ nữ nào cũng trải qua các hiện tượng giống nhau, và không ít người có những trải nghiệm này lại không phải phụ nữ, như người chuyển giới nam hay người bất nhị. Những đặc điểm cơ thể khác biệt, thường bị khoa học y sinh bỏ qua, lại là tiền đề rất giá trị trong việc khám phá những hệ quả của thuyết kiến tạo tâm lý tới công bằng giới tính.

Đói là một trong những trải nghiệm tâm lý thiết yếu nhưng ít được thấu hiểu nhất. Đói bụng dường như là một cảm giác rất trực diện: đơn thuần chỉ là tín hiệu hoá học tới bộ não, thông báo rằng lượng đường trong máu đã giảm xuống dưới ngưỡng chấp nhận được. Chính tín hiệu này tạo ra một loạt các xúc cảm bên trong cơ thể như cảm giác thiếu hụt năng lượng, khó tập trung, bứt rứt, khó chịu, run rẩy và đầy hơi. Tuy nhiên những trải nghiệm tinh thần của một cơn đói lại không phải là kết quả phụ tất yếu của các cảm giác thể chất; mà chúng buộc bộ não phải cấp ý nghĩa những xúc cảm có thể cảm nhận được khi đói, thông qua các gợi ý từ những yếu tố bên ngoài, ví dụ như thời điểm trong ngày hoặc các hình tượng về “sự đói” trong nền văn hoá.

Bất kỳ ai đã trải qua cảm giác “giận vì đói” (hangry) cho biết, họ thật sự cảm thấy rõ trạng thái cảm xúc này dấy lên trong cơ thể mình, ví dụ như sự tức giận. Trong phòng thí nghiệm, khi chúng tôi yêu cầu nghiệm thể nhịn ăn và sau đó thực hiện một loạt yêu cầu phục vụ cho mục đích thí nghiệm, những người ít để tâm đến cơ thể mình cho biết, họ cảm thấy bốc đồng, dễ tức giận, tiêu cực và cảm thấy ghét bỏ hoặc bị người khác đánh giá người khác mỗi khi giao tiếp với họ – chứ không phải là cảm giác đói. Thế nhưng khi những người này được nhắc nhở nhìn trở lại chú ý hơn đến cảm xúc tới từ cách chúng ta dùng các khái niệm về giới đối với cơ thể để sàng lọc. Về mặt sinh học, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ thật sự khác biệt trên trung bình so với đàn ông: ví dụ, sự khác biệt trong sự phân bổ cơ và mỡ trong cơ thể có ảnh hưởng tới khả năng chuyển hoá năng lượng, từ đó tác động tới nhu cầu cần ăn. Chu kỳ hormone tự nhiên hoặc hormone tình dục như oestrogen qua đường ăn uống, tiêm vào da cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác và nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ.

Tuy nhiên những xúc cảm gắn liền với việc đói cũng được gán cho ý nghĩa thông qua các khuôn mẫu giới về hình ảnh cơ thể, thức ăn và cách ăn uống, các khuôn mẫu định hình cách nhìn nhận của phái nữ về các tín hiệu sinh lý báo hiệu cơn đói. Ví dụ, nghiên cứu trên phụ nữ hợp giới đã liên tục chỉ ra rằng, mặc dù họ quan sát cơ thể của mình kỹ lưỡng hơn đàn ông, khả năng nhận biết những thay đổi khách quan về thể chất (ví dụ như nhịp tim hoặc co bóp dạ dày) của họ lại kém hơn. Hơn nữa, nghiên cứu cũng liên kết sự khác biệt giữa khả năng thực hiện nhiệm vụ với những trải nghiệm tự vật hoá (self-objectification): khi một người càng nhìn nhận cơ thể mình như một vật thể được đánh giá bởi vẻ ngoài của nó, thì khả năng nhận biết các tín hiệu về sự thay đổi thể chất bên trong của họ càng kém.

Một lời giải thích cho hiện tượng này chính là phụ nữ từ nhỏ đã được huấn luyện để nhìn nhận bản thân từ ngoài vào trong. Quá trình tự vật hoá này ít nhiều đã ảnh hưởng tới phụ nữ trên toàn thế giới theo nhiều mức độ khác nhau, và chúng tôi nghi ngờ rằng đây là nguyên nhân quan trọng giải thích vì sao phụ nữ ở nhiều nơi gặp phải những vấn đề sức khoẻ như bệnh béo phì, chứng rối loạn ăn uống, và suy dinh dưỡng nhiều hơn đàn ông. Nhưng chúng ta đều biết rằng, cảm giác đói sẽ không bao giờ biến mất kể cả khi chúng ta chọn bỏ qua, hiểu lầm và phớt lờ nó. Nếu một người phụ nữ có những cảm giác khó chịu do cơn đói, nhưng lại không có ý niệm hóa cảm giác này – vậy thì sự khó chịu này sẽ được hiểu như thế nào? Một quy nạp chẳng lấy gì làm dễ chịu từ những bằng chứng thu thập được chính là nó đi vào chính các nhận thức về bản thân và về thế giới xung quanh họ.

Chăm sóc cho bản thân càng trở nên khó khăn hơn khi phụ nữ phải giải mã những xúc cảm của chính mình dựa trên những thông điệp xã hội gièm pha về cơ thể họ. Cơ thể người đã tiến hoá để đưa ra tín hiệu hiệu quả hơn về việc khi nào và bao nhiêu lượng thức ăn con người cần tiêu hoá, tuy vậy nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ cảm thấy việc ăn khi cơ thể phát ra tín hiệu đói khó khăn hơn đàn ông. Điều này liên quan đến việc phụ nữ thường gắn ăn uống với việc tăng cân (thay vì với cảm giác thỏa mãn). Những kiểu niềm tin về chuẩn mực hình tượng cơ thể này là những mối đe dọa lớn nhất tới chế độ ăn và chứng rối loạn ăn uống – những trạng thái ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể con người, và chúng đại diện cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng bất công tới những cộng đồng yếu thế hơn trong xã hội như cộng đồng LGBTQ.

Những nhà kiến tạo tâm lý sẽ nói rằng, cơn đói xuất hiện là sự hội tụ của ảnh hưởng sinh học và văn hoá – và cả hai yếu tố này vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của bất bình đẳng giới đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội liên quan đến thực phẩm. Để giải quyết những chúng cần nhiều hơn là chỉ quyết tâm hay sự tự tin của phụ nữ. Chúng ta không thể yêu cầu phụ nữ biết chăm lo cho nhu cầu của cơ thể, hoặc dạy họ cách hiểu cơ thể chính xác hơn và khoa học hơn nếu vẫn không tháo gỡ được những câu chuyện và khái niệm về xúc cảm cơ thể nhuốm đậm ý nghĩa văn hoá.

Đau đớn là một cảm xúc nội tại khác nhấn mạnh trải nghiệm con người. Tương tự như đói, cảm giác đau là một trạng thái xảy ra trong đầu thường đi kèm, nhưng không nhất thiết bao gồm, tổn thương mô. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chúng ta ở bên cạnh, những gì thu hút sự chú ý, và cả cách chúng ta cảm nhận, đều là các yếu tố ảnh hưởng tới cách giải nghĩa kích thích đau đớn. Ví dụ như hiệu ứng giả dược (placebo effect) xảy ra khi cơn đau thuyên giảm bởi chúng ta tin vào tác dụng giảm đau của viên thuốc tuyền đường. Giả dược không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nữa – bộ não và biểu hiện kích thích đau đớn của cơ thể và tổn thương mô quả thực đã biến đổi đúng như chức năng của hiệu ứng giả dược.

Các định nghĩa về đau vẫn mang đậm màu giới tính trong biểu hiện sinh học lẫn văn hóa. Ví dụ, chu kỳ kinh nguyệt là một quá trình tự nhiên để cơ thể giải phóng và cấy trứng đã thụ tinh vào tử cung để sinh sản. Chu kỳ này bắt đầu từ lúc 12 hoặc 13 tuổi (độ tuổi này thay đổi tuỳ theo chủng tộc và tình trạng kinh tế xã hội), và ở một đất nước công nghiệp hoá kinh nguyệt tiếp tục kéo dài đến 40 năm sau. Các đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt bao gồm lượng hormone dao động, sự tăng và giảm lượng hormone này giúp nội mạc tử cung sẵn sàng để tiếp nhận một trứng đã được thụ tinh, hoặc lớp nội mạc sẽ bong ra trở thành máu kinh nguyệt.

Để đạt được các mục tiêu trên hormone cần phải tạo ra vô số thay đổi về sinh lý trên khắp cơ thể, và một trong số đó xảy ra dưới dạng cơn đau. Nó bao gồm cơn đau bụng co thắt xảy ra khi tử cung co bóp để giải phóng lớp niêm mạc của nó. Phụ nữ cảm thấy đau trong thời gian rụng trứng khi một túi chứa trứng phát triển và vỡ ra. Trong những ngày trước khi bắt đầu chu kỳ, phụ nữ có thể cảm thấy đau mỏi cơ khớp, đau đầu, đau ngực và đau dạ dày. Biến động trong hormone giới tính nhìn chung cũng có ảnh hưởng cách bộ não tiếp nhận cảm giác đau đớn này. Ví dụ, khi lượng oestrogen đang khá cao, bộ não giải phóng chất giảm đau tự nhiên nhóm opioid để làm giảm triệu chứng đau. Khi lượng oestrogen khá thấp, phụ nữ cho biết họ thường có cơn đau dữ dội hơn. Nhiều người cho biết họ có các trải nghiệm sinh lý tương tự khi tiêm hormone giới tính. Ví dụ, những phụ nữ được kê đơn tiêm oestrogen để duy trì giới tính có thể phải trải qua triệu chứng bao gồm những cơn đau bất thường, thường là rất dữ hội khi thay đổi xảy ra với sự phân bổ lượng mỡ, cơ và da trên cơ thể.

Khi nói đến nỗi đau, phụ nữ không được dạy đi hiểu tìm nguyên nhân sâu xa bên trong của chúng; thay vào đó, họ được xã hội hoá rằng phải che giấu điều đó và tiếp tục sống.

Thai kỳ là một trải nghiệm mang đặc thù giới tính khác cũng tạo ra những thay đổi thể chất to lớn khắp cơ thể. Khi một người có thai, cơ thể người đó thay đổi và thích nghi theo nhiều cách khác nhau để chăm sóc cho bào thai đang lớn lên trong bụng và chuẩn bị cho sinh nở. Những thay đổi này ảnh hưởng tới nội tạng, xương, cơ, hormone và thậm chí là não bộ. Phần lớn trong những thay đổi này, đơn cử như việc giãn nở cơ và dây chằng, hoặc thay đổi vị trí các cơ quan nội tạng để chứa bào thai đang lớn lên, tất cả đều làm sản sinh ra những cảm giác khó chịu và đau đớn, và đây mới chỉ là trải nghiệm trước khi sinh nở. Chưa kể, khoảng 10-20% phụ nữ mang thai bị sảy thai (tỷ lệ này cao hơn với phụ nữ da màu). Sảy thai thường đi kèm với các cảm giác đau từ nhẹ cho đến dữ dội, chảy máu, đứt đoạn mô, và sự thay đổi hoàn toàn trong nồng độ hormone kéo dài lên tới vài tuần. Những đau đớn về thể xác này kết hợp với nỗi đau về tinh thần khiến cho sự đau đớn nhìn chung dữ dội và kéo dài hơn.

Nỗi đau, ví dụ như khi đói, là một trạng thái thích nghi; mặc dù cảm giác này không dễ chịu, nhưng nó lại là một cơ sở quan trọng để nhìn sâu sắc về vấn đề này. Kinh nguyệt là trải nghiệm lấy từ các hormone ngoại sinh, và thai kỳ có thể là nền tảng cho sự sáng suốt, sự thấu triệt, niềm tự hào và thậm chí là niềm hạnh phúc đối với phụ nữ. Khi nói đến nỗi đau, phụ nữ không được dạy đi hiểu tìm nguyên nhân sâu xa bên trong của chúng; thay vào đó họ được truyền dạy phải che giấu và tiếp tục sống. Những trải nghiệm đau đớn của phụ nữ thường bị phớt lờ hoặc họ phải âm thầm chịu đựng, một phần bởi vì sự yếu đuối để người ngoài nhìn thấy có thể được dùng để chống lại nữ giới. Khi chúng ta bắt đầu nói về nỗi đau của phụ nữ, về ‘những người phụ nữ thương tổn’, Leslie Jamison viết, ‘chúng ta dễ thay đổi cách nhìn nhận sự chịu đựng của phụ nữ từ góc độ trải nghiệm thành một phần định hình nữ giới, vốn có lẽ là kết quả chung cuộc tốt nhất và cũng mong manh nhất.’

ảnh: Alexander Krivitskiy/Unsplash

Những chuẩn mực văn hoá này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của phụ nữ và những y bác sĩ chăm sóc họ. Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ hợp giới thường bị chẩn đoán sai những triệu chứng ban đầu của bệnh đau tim (ví dụ như sự hoảng loạn), hoặc những bệnh trạng nghiêm trọng và đau đớn như lạc nội mạc tử cung2 thường bị chẩn đoán nhầm thành đau tâm thểhoặc đau do thống kinh. Những bệnh nghiêm trọng như thế này thường bị bỏ qua bởi vì cả bệnh nhân và bác sĩ đều không nhận ra chúng bất thường. Thời gian trung bình để chẩn đoán ra bệnh lạc nội mạc tử cung ở Mỹ là 12 năm.

Vậy câu hỏi là, suốt ngần ấy năm thì người bệnh chịu đau đớn như thế nào? Có phải họ cứ chịu đựng, như khi mặc áo ngực hay đi giày cao gót, hay coi như đó là một biểu tượng của một người phụ nữ trưởng thành, bị chèn ép ở trường học hay nơi công sở? Hay những nỗi đau này được chuyển thành những trạng thái tâm lý khác như sự tự nhận thức, cảm xúc hay sự đúc kết về thế giới? Con người có khả năng thần kỳ có thể phớt lờ những cảm xúc dai dẳng và ‘không liên quan’, ví dụ như tiếng dòng điện máy tính hoặc tiếng xe cộ phố xá ngoài cửa sổ. Với những người phụ nữ mà nỗi đau của họ bị phớt lờ, những cơn đau kinh niên có thể là một biểu hiện dai dẳng của sự xấu hổ và khó chịu: một tấm phông nền thầm kín của những cảm xúc, suy nghĩ, sự tự nhận thức liên tục của bản thân họ.

Giải quyết vấn đề bất bình đẳng phổ biến của cơn đau cũng như cách chữa trị cơn đau đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được sự liên kết mật thiết giữa vai trò của sinh học và văn hoá. Chúng ta phải hiểu rõ những ảnh hưởng sinh học đang định hình nỗi đau của phụ nữ, và cần loại bỏ những câu chuyện khuyến nghị phụ nữ chọn cách phớt lờ, kìm nén hay cảm thấy xấu hổ mỗi khi đau đớn. Đồng thời, các bác sĩ và nhà khoa học cần lưu ý tới cách bệnh nhân cảm thấy như thế nào về cơ thể và cách hoạt động của cơ thể họ. Đây là những yếu tố nền tảng tiên quyết giúp cho việc phát triển công nghệ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và nghiệp vụ để phục vụ phụ nữ và cộng đồng đa dạng giới tốt hơn.

Cảm xúc có lẽ là thành trì vững chắc và khó hiểu cuối cùng mà thuyết kiến tạo tâm lý có thể định hướng về cách chúng ta tiến tới bình đẳng giới. Cảm xúc cũng tương tự như các cảm giác và sự nhận thức khác, đều là một trạng thái được cấu tạo từ nhiều yếu tố khác nhau. Có nhiều nghiên cứu trong ngành tập trung vào các những cảm xúc như sợ hãi, giận dữ hoặc vui vẻ xuất hiện tại nơi giao thoa giữa sinh học và văn hoá. Cảm xúc dẫn lối cho chúng ta giải mã những chất liệu cảm giác đến từ cơ thể và thế giới ngoài kia. Và những cảm xúc bất ổn cũng tạo nên những chuỗi rối loạn tình cảm, ví dụ như trầm cảm nặng, lo âu nói chung và rối loạn dạng cơ thể (somatic disorder).

Chứng rối loạn khí sắc (affective disorder) đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la chi phí chăm sóc sức khoẻ trên thế giới và cũng gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm; đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật và làm suy giảm chất lượng cuộc sống, và căn bệnh này phổ biến ở phụ nữ gấp đôi so với nam giới. Chứng bệnh này còn đặc biệt phổ biến ở những người chuyển giới với tỷ lệ rất cao. Ví dụ, tỷ lệ trầm cảm trong đời của một người phụ nữ chuyển giới ở Mỹ sẽ cao gấp 4 lần so với phần đông dân số.

Những sự khác biệt kể trên có ảnh hưởng từ sinh học. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh rối loạn khí sắc song trùng với những giai đoạn trưởng thành quan trọng của con người: thường xuất hiện vào thời kỳ dậy thì, và có thể phát triển trong kỳ thai sản, hậu sản và mãn kinh; và suy giảm dần sau mãn kinh. Những bằng chứng cho thấy các biểu hiện cảm xúc như lo lắng hay trầm cảm thay đổi khác nhau trong một chu kỳ kinh nguyệt: một nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi trong nồng độ oestrogen và progesterone gắn liền với các dạng liên kết não với những trải nghiệm mang cảm xúc tiêu cực. Nghiên cứu về những ảnh hưởng của phương pháp điều trị hormone với phụ nữ tiền mãn kinh đã cho các kết quả tương tự – những người có lượng hormone tăng cao hơn, ví dụ như oestrogen, thì sẽ gia tăng những cảm xúc tiêu cực. (Lưu ý, các nghiên cứu trên đối tượng người chuyển giới trưởng thành theo phương pháp điều trị hormone đã chứng minh rằng các hormone ngoại sinh có thể cải thiện sức khỏe tinh thần đáng kể, gợi ý rằng những tác động tiêu cực khó tránh khỏi của hormone đối với tâm trạng con người.)

Phụ nữ ít có khả năng được điều trị giảm đau hơn nam giới, nhưng họ có nhiều khả năng được điều trị cho chứng trầm cảm hoặc lo lắng.

Văn hoá cũng đóng một vai trò nhất định. Năng lượng kém, áp lực triền miên, phân biệt nam nữ và các sự kiện tiêu cực khác trong cuộc sống đều góp phần làm gia tăng nguy cơ một người mắc chứng rối loạn khí sắc, và phụ nữ phải đối mặt với những tình trạng này nặng nề nặng nề hơn ở hầu hết các xã hội loài người. Tỷ lệ trải qua bạo hành và bạo lực tình dục ở phụ nữ cao hơn; và họ còn chịu đựng nỗi đau sảy thai và trầm cảm khi sinh con. Những nghịch cảnh nghiêm trọng như chiến tranh hoặc nghèo đói ảnh hưởng đến phụ nữ theo nhiều cách khác nhau, đồng thời họ cũng thường là cộng đồng ít đặc quyền hơn trong xã hội, có ít ổn định về tài chính cũng như trong các cơ hội nghề nghiệp. Những hoàn cảnh này đang gây áp lực hơn cả lên những nhóm phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ da màu và phụ nữ chuyển giới.

Trước những thực tế như vậy, phụ nữ và người chăm sóc họ thường chọn biến những cảm giác nội tại thành những trải nghiệm và tự nhận thức về cảm xúc. Hành động này được dẫn dắt bởi niềm tin cố hữu rằng phụ nữ ‘về bản chất’ dễ xúc động hơn đàn ông. Nghiên cứu (với các đối tượng là người hợp giới) đã chứng minh rằng phụ nữ không trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thường ngày hơn ai, vậy nhưng họ thường xuyên tin rằng mình có nhiều cảm xúc hơn và cảm nhận chúng mãnh liệt hơn đàn ông. Trên thực tế, càng công nhận những cảm xúc mang tính khuôn mẫu giới bao nhiêu, thì chị ta càng dễ nhớ lại cảm xúc mãnh liệt trong một sự kiện kích động bấy nhiêu.

Việc nhìn nhận cảm xúc là trọng tâm trong cuộc sống của một người phụ nữ thường trực xuất hiện trong suốt các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ ít được điều trị các triệu chứng đau hơn nam giới, nhưng nhiều hơn cho các triệu chứng về cảm xúc như chứng trầm cảm hoặc lo âu. Phụ nữ có khả năng cao được chẩn đoán nội tại hóa suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, trong khi đàn ông thường được chẩn đoán bệnh dựa trên các yếu tố ngoại tại hình thành bởi các hành vi gây xúc động (dùng chất kích thích, sự hiếu chiến). Tất cả những điều này đều đồng nhất với niềm tin cố hữu rằng phụ nữ phải gắn với cảm xúc, còn đàn ông với bạo lực.

Giống như đói và đau, cảm xúc là sản phẩm nhận thức của bộ não: chúng đưa ra tín hiệu về thực tại sinh học và cấu trúc cơ bản, như các công cụ giao tiếp quan trọng mỗi khi chúng ta cần sự giúp đỡ. Chúng ta cần chú trọng vào việc giáo dục phụ nữ (và các cá nhân thuộc tất cả các giới khác) cách đào sâu vào những nhận định về bản thân. Tương tự, chúng ta cần lập ra các cấu trúc hỗ trợ công nhận các phản hồi sinh văn hóa mang lại cảm xúc cho phụ nữ. Người phụ nữ nào từng luân phiên nhận được điều trị bởi bác sĩ, chuyên gia y tế và bác sĩ sức khỏe tâm thần đều có thể chứng thực mong mỏi dành cho thay đổi. Khi phụ nữ phủ nhận những thông tin về chính cơ thể mình và bị nhồi nhét với những thông tin khác khiến họ dần diễn giải nỗi khó chịu trong cơ thể “chỉ” do cảm xúc gây ra, họ tự động phủ nhận tính tự chủ của mình.

Bước trên ranh giới nơi sinh học và văn hóa gặp nhau, chúng ta có thể nhìn rõ những trải nghiệm của phụ nữ ra đời từ tương hỗ của cảm giác về thể chất và hiện thực văn hoá xã hội. Vùng ranh giới này đã và đang thay đổi suốt hàng nghìn năm nay, và sẽ tiếp tục thay đổi trong suốt cuộc đời của một người. Biến động này có tác động quan trọng tới sức khoẻ và sự hạnh phúc của con người ngay giữa thời điểm hiện tại, như Adrienne Rich đã viết trong cuốn Of Woman Born (Tạm dịch: Phận nhi nữ): ‘Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể biến thể chất thành kiến thức và quyền năng.’

Khi một cái cây đổ trong rừng, nó có gây ra tiếng động gì không? Khi một cô gái khóc trong đau đớn, cô ấy có tạo ra tiếng động nào không? Dựa trên thuyết kiến tạo tâm lý, những câu hỏi này đều có chung một câu trả lời. Nhìn, nghe, ngửi, hay cảm nhận đều cần có một cơ thể và một động thái gán ý nghĩa cho các hành động đó. Đây là một nỗ lực tập thể được mài giũa ngay giữa các hệ thống quyền lực ràng buộc cách con người chúng ta cảm nhận bản thân và thế giới xung quanh chúng ta. Một cơn đói, một cơn đau, và một nỗi sợ sâu thẳm: tất cả những trải nghiệm này chẳng hề nhẹ nhàng, cũng như chẳng hề bất biến hay thiết yếu chút nào. Tất cả chúng đều được bao bọc và được thể hiện, và quan trọng nhất là chúng đều xứng đáng được chúng ta lắng nghe.


  1. critical race studies phản ứng của các học giả pháp lý đối với ý tưởng rằng Hoa Kỳ đã trở thành một xã hội mù màu, nơi không còn bất bình đẳng hay phân biệt chủng tộc

  2. endometriosis: là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung (hay màng trong tử cung, là loại mô hình thành nên lớp niêm mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh có thể gây ra vô sinh do khả năng làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất