Vài năm về trước, một sinh viên bước vào văn phòng của Cesar A. Hidalgo, giám đốc nhóm nghiên cứu Collective Learning của MIT Media Lab. Hidalgo lúc đó đang nghe nhạc và ông hỏi cô sinh viên có biết bài hát đó không. Cô ngập ngừng. “Có phải nhóm Coldplay không ạ?” cô hỏi. Đó là bài “Imagine” của John Lennon. Hidalgo chẳng lấy làm lạ khi học sinh của ông không biết bài hát này. Ông giải thích trong cuộc phỏng vấn dưới đây rằng ông hiểu bài hát này không thuộc về thế hệ của cô. Song, điều khiến Hidalgo để tâm là sự việc này đã làm dấy lên một câu hỏi đã hấp dẫn ông từ lâu, đó là bằng cách nào mà âm nhạc, phim ảnh và tất cả những thứ từng lên ngôi trong nền văn hóa đại chúng dần biến mất khỏi ký ức cộng đồng.
Hidalgo là một trong những nhà khai phá dữ liệu hàng đầu về lịch sử thế giới. Cùng với đồng nghiệp của mình ở MIT, ông đã phát triển Pantheon, một tập dữ liệu sắp xếp các nhân vật lịch sử theo mức độ phổ biến từ năm 4000 trước Công nguyên đến năm 2010. Aristotle và Plato chiếm lĩnh vị trí đầu. Jesus xếp thứ ba. Đây là một nền tảng cực kỳ hấp dẫn, cho phép bạn tìm kiếm về con người, địa điểm, nghề nghiệp với các tham số đa dạng. Tay vợt tennis nổi tiếng nhất mọi thời đại? Đúng, chính là tay vợt người Pháp Rene Lacoste sinh năm 1904. (Roger Federer xếp thứ 20.) Về cơ bản, việc xếp hạng được đúc rút từ các trang tiểu sử trên Wikipedia, nhất là những trang có trên 25 ngôn ngữ khác nhau, và theo lượt xem trên trang Wikipedia.
Tháng trước (10/2018), Hidalgo và đồng nghiệp của ông công bố một bài báo trên tạp chí Nature, cũng dựa trên cơ sở khai phá dữ liệu để trả lời một câu hỏi khác: Con người và các văn hóa phẩm dần mờ nhạt khỏi bức tranh văn hóa như thế nào? Họ lần theo sự biến mất của các ca khúc, bộ phim, ngôi sao thể thao, các sáng chế, và các công bố khoa học. Họ tận dụng dữ liệu từ nhiều nguồn như Billboard, Spotify, IMDb, Wikipedia, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, và Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ nơi thu thập tư liệu về các bài báo vật lý từ năm 1896 đến năm 2016. Nhóm của Hidalgo sau đó đã thiết kế các mô hình toán học để tính toán tốc độ thoái trào của các ca khúc, nhân vật và các bài báo khoa học.
Bài báo “The universal decay of collective memory and attention” (tạm dịch: “Tính suy thoái phổ quát của sự chú ý và ký ức tập thể”) kết luận rằng con người và sản phẩm tồn tại được từ 5 năm đến 30 năm nhờ phương thức truyền miệng. Sau đó chúng được chuyển thể thành tư liệu chữ viết và trực tuyến, nơi chúng trải qua quá trình thoái trào chậm hơn và lâu hơn. Bài báo chỉ ra rằng những nhân vật và sản phẩm được người ta bàn luận trong các câu chuyện buôn dưa lê nơi công sở có khả năng được chuyển thành tư liệu vật lý cao hơn. “Những đổi mới trong công nghệ truyền thông, như sự lên ngôi của báo in, radio và tivi,” theo đó, tác động tới mức độ quan tâm của chúng ta, và toàn bộ những văn hóa phẩm, từ các bài hát cho đến bài báo khoa học, sẽ “đi theo một hàm suy thoái phổ quát.”
Tuần trước tôi gặp Hidalgo để trò chuyện về bài báo của ông trên tạp chí Nature. Nhưng tôi cũng muốn biết xem ông nhận thấy điều gì qua những đồ thị toán học và suy xét hệ quả của sự suy thoái ký ức tập thể dưới góc nhìn của một nhà khoa học xã hội.
Ông định nghĩa thế nào về “ký ức tập thể?”
Định nghĩa đơn giản nhất là những kiến thức và thông tin được chia sẻ giữa rất nhiều người.
Tại sao sự suy thoái ký ức tập thể lại quan trọng?
Nếu anh nghĩ về nó, văn hóa và ký ức là những điều duy nhất mà chúng ta có. Ta trân quý ký ức bởi ta dùng ký ức để kiến tạo và sản sinh ra mọi thứ quanh ta. Tri thức đó giúp ta xây dựng tương lai và giải quyết những vấn đề tồn đọng. Nếu người ngoài hành tinh đến đây và vẩy chiếc đũa phép thuật khiến con người lãng quên mọi thứ – xe cộ, nhà cửa, cầu đường, máy bay, hệ thống điện,… – xã hội chúng ta sẽ sụp đổ ngay tức khắc.
Vị thế của các nhà khoa học đã suy yếu khi chúng ta thoát khỏi thời đại in ấn và bước vào kỷ nguyên của sự trình diễn.
Trong suy nghĩ của ông, đâu là ví dụ điển hình cho sự suy thoái ký ức tập thể?
Tôi từng nghĩ ai cũng biết đến bài “Imagine” của John Lennon. Tôi gần 40 rồi và học trò của tôi cũng khoảng 20. Nhưng tôi nhận ra rằng “Imagine” không thịnh hành ở thế hệ của cô ấy như thế hệ của tôi, và ở thế hệ của tôi có lẽ còn không thịnh hành bằng thế hệ trước đó. Khả năng ghi nhớ của con người có hạn. Ngoài kia đang diễn ra một cuộc chạy đua về nội dung, và số lượng người biết đến và ghi nhớ một thứ gì đó sẽ giảm theo thời gian. Có một ví dụ khác, về những kỷ vật của Elvis Presley. Nhiều năm trời người ta mua kỷ vật của Elvis với giá cao ngất ngưởng. Sau đó, đột nhiên giá bắt đầu sụt. Nguyên nhân là những người sưu tầm kỷ vật của Elvis bắt đầu ra đi. Gia đình của họ chứa một đống đồ của Elvis và muốn bán chúng. Nhưng tất cả những người mua cũng đã dần ra đi.
Ông viết rằng ký ức tập thể cũng phản ánh sự thay đổi trong công nghệ truyền tải thông tin, chẳng hạn như sự lên ngôi của báo in, radio, và tivi. Tức là sao?
Lấy ví dụ về ngành in. Việc thế giới thay đổi từ văn hóa truyền miệng sang văn hóa giấy tờ đã tạo ra một phương thức truyền tải dữ liệu tốt hơn. Rất nhiều người đã liên hệ cuộc cách mạng trong khoa học và thiên văn học với sự nổi lên của ngành in ấn, bởi lẽ như bảng thiên văn chẳng hạn đã có thể được sao chép một cách chính xác hơn. Trước khi in ấn ra đời, bảng thiên văn được chép tay, dẫn tới nhiều sai sót làm giảm tính chính xác của dữ liệu. Nhờ in ấn, người ta có nhiều hình thức dữ liệu đáng tin cậy hơn. Số liệu rõ ràng cho thấy sự lên ngôi của ngành in kéo theo sự nổi lên của các nhà thiên văn học, toán học và khoa học. Anh cũng chứng kiến sự nổi lên của các nhạc sĩ bởi việc in ấn giúp cho việc lưu hành các bản nhạc. Vì thế khi anh nhìn lại những nhân vật chúng ta nhớ nhất từ thời ngành in bắt đầu khởi phát, anh thấy họ đều đến từ ngành khoa học và nghệ thuật.
Những phương tiện truyền thông tới sau đó có ý nghĩa gì đối với khoa học?
Chắc chắn một điều rằng, những phương tiện truyền thông mới như radio và tivi phù hợp với ngành giải trí hơn là khoa học. Những người thuộc giới khoa học, chỉ là một phần nhỏ của những người nổi tiếng, đã thuyên giảm đáng kể trong thế kỷ XX. Những phương tiện truyền thông mới không phù hợp để truyền tải những sắc thái mà khoa học cần có. Vì lý do chính đáng, các nhà khoa học cần dè dặt khi tuyên bố về bất cứ điều gì và phải cẩn trọng khi phát ngôn về tính tương quan. Họ cần cụ thể hóa những phương pháp họ sử dụng và số liệu họ thu thập. Tất cả những sắc thái này rất khó để truyền đạt trên những phương tiện truyền thông vốn phù hợp với tính giải trí và trình diễn. Vì vậy sức ảnh hưởng của các nhà khoa học, hay vị thế của họ trong xã hội, đã suy yếu khi chúng ta thoát khỏi thời đại in ấn và bước vào kỷ nguyên của sự trình diễn.
Cùng lúc đó, các nhà khoa học và cộng đồng khoa học nói chung chưa thích ứng tốt lắm trong việc truyền tải ý tưởng của họ trên các phương tiện truyền thông mới. Nhà khoa học này là người đầu tiên hạ bệ một nhà khoa học khác, người đang cố gắng phổ cập nội dung theo một cách phi truyền thống. Cho nên trong cuộc chiến này các nhà khoa học là kẻ thù lớn nhất của chính họ. Họ bị tụt hậu về khả năng học hỏi cách sử dụng các phương tiện truyền thông. Đôi khi họ quá chú tâm vào phần nội dung mà không để tâm đến việc làm sao để truyền tải nó qua loại phương tiện truyền thông phù hợp nhất.
Phân tích của ông cho chúng ta biết điều gì về sự suy thoái của ký ức tập thể?
Chúng tôi bắt đầu bằng cách quan sát mức độ phổ biến của một thứ gì đó trong hiện tại, dựa trên khoảng thời gian từ lúc nó bắt đầu trở nên phổ biến. Chúng tôi suy đoán rằng ký ức tập thể suy thoái qua thời gian theo một đường trơn, tức là thời gian trôi qua càng lâu, càng nhiều thứ bị lãng quên. Nhưng khi quan sát những văn hóa phẩm – phim ảnh, âm nhạc, hình tượng thể thao, sáng chế và các bài báo khoa học – chúng tôi nhận ra rằng sự suy thoái đó không hề trơn tru, mà diễn ra theo hai giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn thứ nhất, sự chú ý khởi đầu rất mạnh và sự suy thoái diễn ra rất nhanh. Giai đoạn thứ hai, phần đuôi của đồ thị được kéo dài ra, khi đó sự suy thoái diễn ra từ tốn hơn, và sự chú ý cũng ít hơn.
Tôi thấy ngạc nhiên rằng làm thế nào mà Hoa Kỳ, một đất nước với nhiều người làm nhiều việc khác nhau, lại có thể trở nên đơn điệu trên quy mô lớn như vậy.
Khi chúng tôi bắt đầu nghĩ về sự suy thoái, chúng tôi nhận ra có thể sử dụng hai khái niệm của ngành nhân chủng học – “ký ức giao tiếp” và “ký ức văn hóa.” Ký ức giao tiếp xuất phát từ việc chuyện trò về mọi thứ. Hiện nay, Donald Trump hiện diện rất nhiều trong ký ức giao tiếp của chúng ta. Bạn bước xuống phố và thấy mọi người đang bàn luận về Trump – Trump và thuế quan, Trump và chiến tranh thương mại. Nhưng sẽ đến một thời điểm, khoảng 20 năm sau, khi Trump không còn là chủ đề trong cuộc nói chuyện hàng ngày. Trump sẽ thoát khỏi ký ức giao tiếp và trở thành ký ức văn hóa. Và đó là ký ức chúng ta lưu giữ bằng tài liệu. Mặc dù số năm trung bình để một điều gì đó tồn tại trong ký ức giao tiếp là khác nhau – chẳng hạn như vận động viên thì tồn tại lâu hơn các ca khúc, bộ phim, và bài báo khoa học, đôi khi đến hàng thập kỷ – chúng tôi nhận thấy xu hướng suy thoái tương tự này trong nhiều lĩnh vực văn hóa khác.
Trong bài báo tới đây của ông, “Cách phương tiện định hình thông điệp,” ông có đề cập đến nhà phê bình văn hóa quá cố Neil Postman, người cho rằng sự phổ biến của tivi kéo theo sự thống trị mới của ngành giải trí, thứ làm cho chúng ta ngố đi, vì tivi là để dành cho giải trí. Đây có phải điều ông nhận ra không?
Đúng, chúng tôi đã tìm thấy dẫn chứng cho lời khẳng định đó. Bởi lẽ trong thế kỷ XX, phần trăm những người thuộc giới khoa học, một phần nhỏ những cá nhân trở nên nổi tiếng, đã thuyên giảm đáng kể. Điều này hoàn toàn chứng minh cho nhận định đó.
Ông có đồng ý với Neil Postman rằng chúng ta đều đang “giải trí đến chết?”
Tôi không nghĩ chúng ta đang giải trí đến chết. Tôi không phải một người bi quan đến thế. Tôi nghĩ một phần của cuộc sống là sự tận hưởng trên suốt chặng đường, không chỉ là thực hiện những điều vĩ đại. Những phương tiện truyền thông mới như TikTok, một nền tảng giống Twitter nhưng dành cho video, rất tuyệt cho biểu đạt sáng tạo. Mọi người đang xây dựng những tiểu phẩm tuyệt vời trên TikTok. Các yếu tố giải trí và nghệ thuật của các nền tảng mới không hề tệ chút nào, tuy nhiên mọi nền tảng đều có thể bị tấn công bởi những kẻ cực đoan, những người biết cách tạo ra những thông điệp giải trí, đặc biệt để chúng phục vụ cho mục đích riêng.
Những loại hình thông tin nào thì phù hợp đối với Internet?
Khó có thể coi Internet như một phương tiện. Nó là một nền tảng mà ở đó Facebook, Twitter, email, và TikTok là các phương tiện khác khau. Chúng gửi đi những thông điệp riêng biệt. Một bức ảnh đẹp trên Instagram chưa chắc sẽ nổi bật trên Twitter, nơi người ta tìm kiếm những thứ khác. Hành vi và cách tương tác là khác nhau. Chẳng hạn, Twitter thiên về tính tranh luận. Anh biết đấy, một cách để bị tổn thương trên Twitter là cố gắng ở trung tâm! Tôi có sử dụng Twitter một chút, nhưng không nhiều. Tôi cảm giác nó hơi thù địch. Tôi thuộc tuýp người đàn ông của gia đình, cho nên tôi dùng Facebook. Trên Facebook, ít nhất là trong vòng tròn quen biết của tôi, anh có thể bình luận một cách cụ thể hơn và chín chắn hơn.
Hiện nay những người như Elon Musk đang là trung tâm của nền văn hóa. Người trẻ bây giờ thần tượng các doanh nhân như cách chúng ta từng thần tượng các nghệ sĩ.
Phải chăng ký ức tập thể đang suy thoái ngày càng nhanh vì công nghệ truyền thông tân tiến hơn rất nhiều?
Tôi cũng rất muốn biết câu trả lời nhưng đáng tiếc là không thể. Một vài người cho rằng ký ức tập thể suy thoái không phải theo thời gian mà theo tốc độ sản xuất nội dung mới. Ta lãng quên Elvis vì The Beatles xuất hiện, ta lãng quên The Beatles vì Led Zeppelin xuất hiện, ta lãng quên Led Zeppelin vì Metallica xuất hiện, và cứ như vậy. Dẫu vậy, có nhiều thứ sẽ mãi thân thuộc với một thế hệ và người ta sẽ không lãng quên chúng chỉ vì có nội dung mới chào sân. Cho nên sự suy thoái là đặc tính thuộc về con người, chứ không phải về khối lượng nội dung. Để phân biệt hai thứ đó, chúng tôi cần quan sát nội dung từ những thời đại rất khác nhau. Hiện tại, chúng tôi chưa có đủ dữ liệu cần thiết để trả lời câu hỏi đó.
Vậy là ông không nghĩ rằng tốc độ mà những thông tin trên mạng lướt qua não chúng ta hàng ngày không để lại một sự hủy hoại nào đó đối với ký ức tập thể sao?
Tôi không chắc. Tôi lớn lên ở Chile, một đất nước chắc chắn là nhỏ hơn so với Hoa Kỳ. Tôi đến Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1996. Và một trong những điều đến nay vẫn làm tôi bất ngờ là văn hóa Mỹ một màu đến thế nào. Năm 1996, tất cả mọi thứ xoay quanh O.J. Simpson. Nhà nhà nói về O.J. Simpson. Anh ta xuất hiện khắp nơi trên truyền hình. Cũng giống như Trump ngày nay, anh ta tràn ngập khắp toàn bộ băng thông. Tôi thấy ngạc nhiên rằng làm thế nào một đất nước với nhiều người như vậy, và mỗi người đều làm nhiều việc khác nhau, lại có thể trở nên đơn điệu trên quy mô lớn như vậy. Ngày nay, chúng ta có nhiều nội dung hơn những năm 1996 do sự lên ngôi của Internet và khả năng sáng tạo nội dung của mọi người. Nhưng hãy nhìn lại phần trăm của những cuộc chuyện trò và giao tiếp trực tuyến bị Trump chiếm sóng. Trong bối cảnh đó, tôi không nghĩ nội dung đang bị thay thế dễ dàng. Tôi không coi đó là sự nổi lên của tính đa dạng.
Điều đó thật sự ấn tượng đấy. Bởi vì một trong những lời chỉ trích cho việc ngập ngụa thông tin ngày nay là giữa chúng ta không tồn tại một giá trị văn hóa cốt lõi chung. Mỗi người đều có cho riêng mình những mối quan tâm nhỏ và chúng ta không có sự liên kết về mặt văn hóa, không có một John Lennon.
Đó có phải một hiện tượng ký ức tập thể hay đó là bởi vì ngày nay những người là tâm điểm của nền văn hóa là những người khác? Những nhân vật khác nhau trở thành tâm điểm của nền văn hóa bởi vì nhiều phương tiện truyền thông xuất hiện. Nhạc sĩ đã tồn tại hàng ngàn năm, và suốt hầu hết thời gian đó, nhạc sĩ không dư dả cho lắm. Chỉ đến khi xuất hiện một phương tiện cho phép họ bán âm nhạc của mình – đĩa than, băng từ, đĩa – họ mới có thể kiếm ra tiền. Tôi nghĩ điều đó đã kiến tạo nên một thời đại vàng của nhạc pop những thập niên 60, 70, và 80. Và nó có liên quan tới công nghệ truyền thông chi phối thời điểm đó. Radio và đĩa là một cách để phổ cập buổi biểu diễn của các thần tượng âm nhạc nổi tiếng thời đó tới quần chúng. Khi công nghệ này bị thay thế bởi các phương thức sao chép đơn giản hơn, như sao chép các tập tin trên Internet, tất cả những thông tin đó truyền đi khắp mọi nơi. Hiện nay những người như Elon Musk đang là trung tâm của nền văn hóa. Ông ấy không phải John Lennon. Ông ấy là một kiểu người tiên phong rất khác, một hình mẫu cho những người trẻ. Nhưng công việc đầu tiên của Musk là khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Và tôi nghĩ rất nhiều người trẻ ngày nay thần tượng các doanh nhân như cách chúng ta từng thần tượng các nghệ sĩ.
Từ nghiên cứu này, ông có đúc rút được cái nhìn sâu sắc hơn về cái gì có hoặc không khiến một thứ tồn tại trong ký ức tập thể không?
Gần đây tôi có đọc một cuốn sách rất hay tên là The Formula (tạm dịch: Công thức) của Albert-Laszlo Barabas. Ông ấy nói rằng anh có thể coi chất lượng và mức độ phổ biến là như nhau trong những trường hợp sự thể hiện có thể được đo lường cụ thể. Nhưng trong các trường hợp sự thể hiện không thể được đo đạc rõ ràng, anh không thể đánh đồng mức độ phổ biến với chất lượng. Nếu nhìn vào các tay quần vợt, anh sẽ thấy các tay vợt thắng các giải đấu và các trận đấu khó sẽ nổi tiếng hơn. Do đó chất lượng và sự nổi tiếng tương quan chặt chẽ với nhau ở lĩnh vực mà sự thể hiện được đánh giá cụ thể, như trường hợp của các tay quần vợt chuyên nghiệp. Khi anh chuyển sang lĩnh vực mà sự thể hiện khó có thể được định lượng, như nghệ thuật hiện đại, mạng lưới của anh sẽ trở nên quan trọng trong việc quyết định mức độ phổ biến.
Chúng ta nên nghĩ thế nào về chất lượng nội dung trên truyền thông?
Chà, tôi nghĩ rằng sự suy thoái ký ức tập thể là một tiêu chí quan trọng để đánh giá khi nói về chất lượng. Nếu anh đưa ra clickbait nào đó chỉ nổi trong thời gian đầu, thu hút nhiều lượt xem những ngày đầu, nhưng sau một năm chẳng ai xem nó nữa, anh có một hệ quy chiếu tốt. Điều tương tự cũng đúng nếu anh đưa ra một sản phẩm sâu sắc hơn, tuy có thể không nổi bật trong thời gian đầu bởi nó không hoạt động như clickbait1 – nó đòi hỏi sự tương tác nhiều hơn từ độc giả – nhưng tiếp tục có thêm nhiều độc giả theo thời gian. Vì vậy sự khác biệt về thời gian tồn tại là một thang đo quan trọng cho chất lượng.
Điều này gợi lại về một bài báo tôi từng thực hiện khi còn là sinh viên đại học, về xu hướng suy thoái của việc đi đến các rạp chiếu phim. Đã từng có rất nhiều bộ phim đạt doanh thu cao trong tuần đầu công chiếu nhưng sau đó thuyên giảm rất nhanh. Có nhiều bộ phim khác thì suy thoái chậm hơn. Chúng tôi đã xây dựng một mô hình để mọi người có thể bàn luận và trao đổi thông tin về chất lượng của bộ phim. Và mô hình đó chỉ có một tham số, đó là bộ phim hay ở mức nào. Từ đó, chất lượng của bộ phim sẽ quyết định xác suất những người đi xem nó tăng hay giảm. Sau đó chúng tôi quan sát biểu đồ và kết luận xem bộ phim hay ở mức nào, không phải dựa trên khu vực mà phim được công chiếu, hay tổng doanh thu, mà dựa trên hình dáng của đồ thị. Điều này rất thú vị bởi có những bộ phim dở tệ như Tomb Raider mà lại có doanh thu mở màn vô cùng thành công. Nhưng nếu anh đưa bộ phim vào mô hình của chúng tôi, anh sẽ thấy bộ phim chỉ là một sản phẩm thổi phồng: người ta xem nó, ghét nó, và đồ thị dốc xuống rất nhanh.
Clickbait là một tiêu đề để thu hút sự chú ý khi nói quá những thông điệp mà nội dung truyền tải.↩