PETER VICTOR là một nhà kinh tế học, người luôn băn khoăn với một câu hỏi lạ lùng: Liệu rằng Trái đất có thể hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng?
Trước giờ, các nhà kinh tế học cho rằng câu trả lời cho câu hỏi trên là “có.” Vào những năm 1960, khi Victor còn đang đi học, sự gia tăng đều đặn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tổng giá trị của các công việc được trả lương và các sản phẩm do chúng ta tạo ra – được coi là thiết yếu để nâng cao chất lượng sống cũng như giúp cho mọi người tránh khỏi đói nghèo. Chúng ta phát triển hoặc chúng ta suy thoái: Giả định này đã trở thành trung tâm của nền kinh tế, đứng đằng sau hầu hết mọi quyết định tài chính mà các nhà lãnh đạo đưa ra. Giả định này đối với kinh tế học cũng giống như Định luật thứ hai về Nhiệt động lực học1 đối với vật lý.
Nhưng Victor – hiện là giáo sư tại trường Đại học York tại Toronto – lại cảm thấy một điều gì đó thôi thúc ông suy nghĩ theo hướng ngược lại. Các nhà sinh thái học đã bắt đầu nhận ra rằng Trái đất là hữu hạn. Bơm đủ chất thải ô nhiễm ra một cái hồ là có thể huỷ hoại nó mãi mãi; đốn đủ cây và rừng sẽ không bao giờ mọc lại được nữa. Vào đầu những năm 2000, những giới hạn của hành tinh càng được bộc lộ rõ ràng hơn – và đáng lo ngại hơn – như việc khí nhà kính tích tụ lại và các khối băng tại đảo Greenland đã bắt đầu vỡ ra và tan vào biển. “Con người đã trải qua 125.000 thế hệ, nhưng duy chỉ có tám thế hệ trẻ nhất là có được sự tăng trưởng,” Victor nói. “Vậy thế nào mới được coi là bình thường? Tôi cho rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất không bình thường. Và các dấu hiệu đang xuất hiện ở khắp nơi, cho thấy rằng gánh nặng chúng ta đang đặt trên môi trường tự nhiên là quá sức chống đỡ.”
Thực chất, sự tăng trưởng không ngừng đặt chúng ta vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà dường như không có lời giải. Không có nó, chúng ta sẽ lâm vào cảnh nghèo đói. Với nó, chúng ta sẽ bòn rút cạn kiệt hành tinh này. Bất kể là chiều hướng nào, chúng ta đều thua.
Tất nhiên là trừ phi có một cách thứ ba. Liệu chúng ta có thể có một nền kinh tế vững mạnh nhưng không tăng trưởng? Liệu chúng ta có thể ngăn chặn sự phá huỷ hệ sinh thái bằng việc kìm hãm nền kinh tế thế giới? Liệu chúng ta có thể làm vậy mà không chết đói không?
Victor muốn tìm kiếm câu trả lời. Đầu tiên, ông tạo lập một mô hình máy tính mô phỏng nền kinh tế hiện đại của Canada. Sau đó, ông sửa đổi các biến số trọng yếu – bao gồm lượng tiêu thụ, năng suất và dân số – sao cho chúng dần dần ngừng tăng trưởng kể từ sau năm 2010. Để ngăn ngừa tình trạng thất nghiệp, ông rút ngắn tuần làm việc xuống còn độ bốn ngày, tạo thêm nhiều việc làm hơn. Ông còn đặt mức thuế cao hơn cho người giàu, tăng thêm các dịch vụ công cộng cho người nghèo và đánh thuế các-bon2 giúp tăng thêm ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích cắt giảm việc sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch. Kết quả cuối cùng ra sao? Phải mất một vài thập kỷ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp dần dần giảm xuống còn 4 phần trăm, điều kiện sống của hầu như tất cả mọi người đều tăng lên, và lượng khí thải nhà kính giảm xuống dưới mức của Nghị định thư Kyoto3. Nền kinh tế đạt “trạng thái ổn định.” Và nếu như mô hình này là chính xác, thì một thứ gì đó tương tự như vậy, theo như một số nhà kinh tế học quan tâm về vấn đề sinh thái có nói, có thể là cách duy nhất để nhân loại có thể sinh tồn về lâu về dài.
Học thuyết kinh tế của Victor còn khá mới mẻ, nhưng ông không đơn độc. Trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, một số học giả đã dần tạo nên nền tảng tri thức cho một nền kinh tế “không tăng trưởng,” và cũng có rất nhiều cuốn sách mới đây đã đề cập tới các nguyên lý để gây dựng nên một nền kinh tế toàn cầu không tăng trưởng vững mạnh. Ngay cả chính phủ của một số quốc gia lớn trên thế giới, cùng một lúc bị đe doạ bởi sự nóng lên toàn cầu và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, cũng đã bắt đầu bắt tay vào khám phá ý tưởng tưởng như nổi loạn này: Vào năm 2008, Thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị Joseph E. Stiglitz, người đã đạt giải Nobel kinh tế, soạn thảo ra các cách thức mới để đánh giá sự thịnh vượng mà không sử dụng GDP làm chỉ số chính. Nhưng một xã hội không tăng trưởng thì sẽ ra sao? Liệu chúng ta có thích nó? Và liệu chúng ta có thể xây dựng nên một xã hội như vậy không?
Thu nhập trung bình của các gia đình người Mỹ
đã tăng lên khoảng 85% kể từ năm 1957.
Bình quân đánh giá mức độ hạnh phúc của chúng ta đã giảm 5%.
Ý TƯỞNG NÀY thực chất đã có từ rất lâu rồi. Ngay cả Adam Smith4, ông tổ của chủ nghĩa tư bản cũng thừa nhận rằng một nền kinh tế có thể tận dụng hết các nguồn lực tự nhiên và ngừng phát triển. Vào thế kỷ thứ 19, nhà kinh tế học-triết gia John Stuart Mill5 đã đưa ra lập luận rằng sự tăng trưởng chỉ cần thiết đến ngưỡng mà mọi người có thể tận hưởng một điều kiện sống hợp lý. Quá ngưỡng đó, ông nói, “trạng thái ổn định” đó sẽ chuyển thành tình trạng “giày xéo, xô đẩy, tranh đấu và giẫm đạp lên nhau” như những gì ông đã nhận thấy trong sự phát triển ồ ạt của chủ nghĩa tư bản. Tương tự như vậy, vào năm 1930, John Maynard Keynes6 cũng đã dự đoán rằng đến một khoảng thời gian trong tương lai – có thể ngay ở đời cháu của ông – nền kinh tế không còn cần tăng trưởng thêm nữa để thoả mãn những yêu cầu cơ bản của con người. “Vấn đề kinh tế” của con người sẽ được giải quyết, và mọi người sẽ “ưu tiên dành nhiều năng lượng hơn vào các mục đích phi kinh tế.” Những thứ kể như nghệ thuật, nuôi dạy con cái, và vui chơi giải trí.
Tuy vậy, học thuyết “không tăng trưởng” chưa bao giờ được hiện thực hoá. Các nhà chính trị gia thì coi tăng trưởng như một phương thức đảm bảo khỏi sự thâm hụt trong chi tiêu và tỷ lệ thất nghiệp cao – một vấn đề chính trị nhạy cảm7 (political third rail) – và các nhà kinh tế học thì cho rằng các giai đoạn tăng trưởng kéo dài là cần thiết để đưa mọi người ra khỏi cảnh nghèo đói. Vì thế, chính phủ các nước phương Tây đã điều chỉnh chính sách – giả dụ như áp dụng mức thuế trên thặng dư vốn thấp hơn so với mức thuế nhân công – nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua khuyến khích đầu tư. Nỗi ám ảnh với sự tăng trưởng cũng là một vấn đề thực tế, vì dường như tăng trưởng là phương thức đáng tin cậy nhất để đánh giá mức độ thịnh vượng của một quốc gia. Các phương thức sử dụng để đánh giá những thứ giả dụ như chỉ số hạnh phúc không đủ khách quan để thỏa mãn các nhà kinh tế học. Thay vào đó, họ dựa vào GDP làm tiêu chuẩn cơ bản để nhìn nhận liệu mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hay tồi tệ hơn.
Các nhà kinh tế học cổ điển không dành nhiều thời gian để lo lắng về việc liệu môi trường có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng vô hạn hay không. Thực chất thì, trong suốt những năm hình thành của nền kinh tế công nghiệp, tài nguyên đúng là tưởng chừng như không bao giờ cạn kiệt. (Những người dân sống ở California từ thuở xưa có hồi tưởng lại rằng cá hồi nhiều đến nỗi một người có thể vượt dòng trên lưng cá.) Thêm vào đó là vấn đề về việc định giá: Nền kinh tế không tính đến những thứ nó không thể định giá, và cũng không ai có thể dễ dàng đưa ra một mức giá phải trả cho những việc, giả dụ như, làm ô nhiễm vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lakes), hay đẩy một loài sinh vật đến cảnh diệt chủng do chặt phá, càn quét môi trường rừng nơi chúng sinh sống.
Một số ít những nhà tư duy kinh tế đời đầu mà có lo lắng về việc hành tinh này sẽ bị bòn rút tới cạn kiệt, có vẻ đã đi trước thời đại đến vài thế kỉ. Từ khoảng năm 1800, Thomas Robert Malthus8 đã đưa ra lời dự báo nổi tiếng rằng dân số đang tăng trưởng vượt mức mà trái đất có thể nuôi dưỡng được. Tuy vậy, lời dự báo của ông về nạn đói lan rộng khắp toàn cầu đã không trở thành hiện thực, vì những cải tiến công nghệ trong nông nghiệp đã làm tăng hiệu suất đất canh tác hơn so với những gì mà Malthus có thể hình dung. Ông cũng không lường trước được rằng phồn thịnh gia tăng sẽ làm hãm lại tỉ suất sinh. (Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề dân số, hãy xem bài “The Last Taboo” (Tạm dịch: Điều tối kị cuối cùng).)
Vào thế kỉ 20, tăng trưởng không chỉ trở thành một điều kỳ vọng tất yếu trong kinh tế, mà còn trở thành một quan điểm chính trị sâu sắc. Khi Franklin Roosevelt ủng hộ việc giải quyết vấn nạn thất nghiệp trong cuộc Đại khủng hoảng9 (Great Depression) bằng cách giảm thời gian làm việc xuống còn 30 giờ một tuần, những tập đoàn lớn đã phản đối dữ dội. Theo họ, nước Mỹ chỉ có thể được cứu rỗi bởi một “niềm tin tiêu dùng” mới (gospel of consumption). Chính phủ cần phải theo đuổi tăng trưởng, nới lỏng các bộ luật lao động, và những biện pháp tương tự, để các nhà công nghiệp có thể hồi sinh đất nước. Roosevelt đã nhượng bộ.
THÁCH THỨC TIẾP THEO đối với tư duy chính thống ủng hộ tăng trưởng không xuất hiện cho tới tận đầu những năm 1960 với sự xuất bản cuốn sách Silent Spring (Tạm dịch: Mùa xuân im lặng) của Rachel Carson. Cuốn sách có tầm ảnh hưởng đầu tiên nói về các tác động của ô nhiễm môi trường, nó đã trở thành một đầu sách bán chạy nhất, cảnh tỉnh đám đông rằng các hoạt động kinh tế kéo dài có thể phá huỷ hoàn toàn thế giới tự nhiên. Trước lời cảnh tỉnh này, Câu lạc bộ Rome10 (The Club of Rome) – một nhóm các nhà tư bản công nghiệp, các học giả, các nhà ngoại giao và các chuyên gia trên thế giới – đã đề nghị một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), dưới sự dẫn dắt của chuyên gia về quản trị hệ thống Dennis Meadows đi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu xã hội loài người tiếp tục phát triển với tốc độ hiện giờ.
Các nhà khoa học này đã xây dựng một mô hình máy tính xem xét các hợp phần chính của sự tăng trưởng toàn cầu – bao gồm gia tăng dân số và các phát minh đột phá giúp cho nhân công làm việc năng suất hơn. Điều quan trọng là họ cũng đã tính toán – tốt nhất có thể – các tác động của ô nhiễm môi trường cũng như giới hạn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh, và đưa chúng vào mô hình này. Sau đó, họ nhấn nút “enter.”
Kết quả thật ảm đạm. Nếu như xã hội không thay đổi, theo tính toán của các nhà khoa học, sự thịnh vượng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên đến một thời điểm nào đó trong thế kỷ này, trong khi tăng trưởng khiến cho mức sống cao trở nên rẻ hơn và phổ biến rộng rãi hơn. Nhưng sau đó, chu kỳ đó sẽ bắt đầu đảo ngược một cách khủng khiếp. Tài nguyên thiên nhiên sẽ trở nên khan hiếm tới nỗi giá cả leo thang, khiến giá của hầu như mọi thứ đều tăng vọt. Điều kiện sống trên toàn thế giới sẽ tụt dốc.
Meadows và các cộng sự đã công bố các kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách với tựa đề The Limits to Growth (Tạm dịch: Các giới hạn của tăng trưởng), và nó đã nhanh chóng trở thành một cuốn sách bán chạy nhất toàn cầu, với 12 triệu bản được bán ra. Không lâu sau đó, chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức các buổi toạ đàm căng thẳng, lo lắng liệu tăng trưởng có giết chết tất cả chúng ta không.
Các nhà kinh tế học cổ điển đã hết sức bối rối. Hàng tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, họ phản bác: Người thì gán cho cuốn Các giới hạn tăng trưởng cái mác “gieo giắc sự hoang mang.” Người lại cho rằng cuốn sách đó “không bằng một học thuyết giả khoa học và chỉ có chút nhỉnh hơn một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi.” Một bài viết có ảnh hưởng trên trang Foreign Affairs chế nhạo cuốn sách giống như “Cái máy tính in ra chó sói” (The Computer That Printed Out Wolf). Một vấn đề lớn, theo như các nhà phê bình, là mô hình đó đã không đưa vào một cơ chế về giá để mô phỏng nguyên lý bàn tay vô hình của Adam Smith; họ khăng khăng cho rằng nếu những nguồn tài nguyên cơ bản trở nên quá khan hiếm, các công ty sẽ chỉ đơn giản là đổi sang các loại nguyên vật liệu khác – hoặc sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra cùng một lượng của cải vật chất nhưng sử dụng ít nguyên vật liệu hơn.
Khi nền kinh tế trưởng thành, theo các nhà kinh tế học, công nghệ sẽ “tách biệt” sự phồn thịnh kinh tế và những yếu tố vật chất: Các công việc sẽ thiên về cung cấp dịch vụ hơn, sử dụng ít nguyên liệu thô hơn. Đây, họ khẳng định, chính là điều đã giữ cho GDP của nước Mỹ tăng trưởng trong những năm 1980 và 1990, mặc cho nền tảng công nghiệp của đất nước trở nên suy yếu.
Những tranh cãi xoay quanh Các giới hạn tăng trưởng không chỉ là về mặt học thuật; nó còn là một cuộc chiến về tư tưởng. Các nhà kinh tế học đã dành toàn bộ niềm tin và sự nghiệp của họ vào sự ưu việt tăng trưởng – chưa kể, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những ý kiến cho rằng tư bản chủ nghĩa gieo rắc mầm mống hủy hoại sinh thái có vẻ mang nặng dáng dấp của chủ nghĩa Mác. Một số nhà phê bình đã bóp méo thông điệp của cuốn sách – nói rằng các tác giả đã tiên đoán rằng dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào năm 1992. (Cuốn sách đưa ra một quan điểm tinh tế hơn, rằng chúng ta chỉ có vừa đủ nguồn dự trữ (mà ta có biết tới) để kéo dài được đến thời điểm đó, dựa trên tốc độ tiêu dùng hiện tại.) Một lời chỉ trích khác, có giá trị hơn, đánh vào thực tế rằng mô hình mà nhóm các nhà nghiên cứu này đưa ra – cũng giống như rất nhiều mô hình kinh tế khác – còn đơn giản, và dựa trên một vài giả định khá lớn. (Trên một bài đăng blog năm 2008, Paul Krugman đã nhạo báng cách tiếp cận này là “garbage-in-garbage-out.” (Tạm dịch: “Đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác,” hay còn gọi là GIGO.) Những lời chỉ trích này có tác dụng. Các nhà kinh tế học không tăng trưởng lại bị ra rìa.
Tuy vậy, ý tưởng này không hoàn toàn biến mất. Herman Daly, nhà kinh tế học kỳ cựu đã làm việc sáu năm cho Ngân hàng Thế giới kể từ cuối những năm 80, là một trong số những nhà nghiên cứu được truyền cảm hứng bởi cuốn sách Mùa xuân im lặng. Ông nhớ rằng thời chính quyền (Jimmy) Carter “phần nào cởi mở” với tư duy không tăng trưởng. “Nhưng rồi đến những năm (Ronald) Reagan cầm quyền, và ôi thôi, quên đi,” ông nhớ lại. Chỉ một số ít những nhà tư tưởng chủ yếu – trong đó Daly là người đáng chú ý nhất – tiếp tục phát triển học thuyết không tăng trưởng, đưa ra các kết luận mới mẻ và mạnh mẽ.
Daly cho rằng ý tưởng “tách biệt” nền kinh tế – tiếp tục tăng trưởng trong khi sử dụng ít nguyên liệu thô hơn – là một điều không tưởng. Theo cái nhìn của ông, điều dường như hiển nhiên là khi các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, họ không hề ngừng lại việc ngấu nghiến tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là thực sự kìm hãm ham muốn đó lại. Họ chỉ đơn thuần chuyển đổi vấn đề sang cho châu Á, châu Phi, và Nam Mỹ hoặc tìm đến những nguồn nội địa mới với giá rẻ. Daly chỉ ra rằng, nền kinh tế Internet, vốn được cho là một bước nhảy vọt trong việc phi vật chất hóa tiêu dùng, lại dựa vào năng lượng và các bộ phận máy tính. Và việc tạo ra các bộ phận đó đòi hỏi các kim loại quý hiếm, một số trong đó đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đến mức gây ra những cuộc xung đột “kim cương máu.”
Vào năm 1982, các lãnh đạo doanh nghiệp và lao động Hà Lan đã ký một thỏa thuận ủng hộ việc giảm thời gian làm việc. Theo sau đó là thứ thường được biết đến với cái tên “Dutch miracle.” (Tạm dịch: “Điều kỳ diệu mang tên Hà Lan”)
Sự gia tăng lượng khí thải nhà kính cũng cho thấy rằng chỉ mình thị trường tự do không thể giải quyết được các vấn đề ô nhiễm đang đe dọa hành tinh này. Quả thực, giá thành thấp của nhiệt điện từ than cũng khuyến khích các công ty tiếp tục thải ra một lượng lớn khí CO2 thay vì theo đuổi các nguồn năng lượng sạch hơn. “Toàn bộ ý tưởng rằng chúng ta có thể có một nền kinh tế không ngừng tăng trưởng mà không sử dụng tài nguyên thiên nhiên thật điên rồ, và hai thập kỷ vừa qua, về cơ bản, đã chứng minh điều đó,” Daly nói.
Đóng góp chính của Daly cho lĩnh vực này chính là khái niệm về tăng trưởng “phi kinh tế” (uneconomic growth) – sự tăng trưởng mà thực chất lại khiến cho mức sống đi xuống. Ông tin rằng nước Mỹ đã đạt tới điểm mà Mill và Keynes lường trước, khi mà mức sống trung bình đã tăng đến độ cần thiết để tạo nên một xã hội về cơ bản là sung túc. Ông chỉ ra rằng mức độ hạnh phúc của người Mỹ, theo báo cáo của các nhà khoa học xã hội, tăng mạnh sau Thế chiến thứ 2 cùng với tăng trưởng GDP. Nhưng kể từ cuối những năm 50, mối liên hệ này đã bị đứt đoạn: Mặc dù thu nhập mức trung của các gia đình đã tăng gần như gấp đôi kể từ năm 1957, tỷ lệ số người nói rằng họ “rất hạnh phúc” hầu như không đổi. Daly cho rằng chúng ta đơn giản là đã chạm đến điểm lợi tức giảm dần. Tăng trưởng trở nên phi kinh tế: GDP giờ tiếp tục tăng bởi chúng ta đang sản xuất ra những thứ màu mè và những dịch vụ mà không thực sự giúp gia tăng mức độ hạnh phúc của mình. Hoặc là tồi tệ hơn: Nó gia tăng bởi chúng ta đang đổ tiền để giải quyết những vấn đề mà chính tăng trưởng tạo ra.
Một trong những vấn đề lớn của việc sử dụng GDP làm thước đo chỉ số hạnh phúc của một quốc gia (national well-being) là GDP tăng lên ngay cả khi những điều thực sự tồi tệ xảy ra. Giả dụ một công ty làm rò rỉ chất độc PCB11 vào một hồ chứa, và tỷ lệ mắc ung thư tại địa phương tăng vọt, kết quả sẽ là một chuỗi kích thích kinh tế: Các bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân ung thư, các đội thuyền làm sạch hồ chứa, luật sư thì bận rộn với việc kiện tụng và bào chữa cho kẻ gây ô nhiễm. Đó vẫn là tăng trưởng – tăng trưởng phi kinh tế. Đến những năm 2000, Daly đã viết bốn cuốn sách khám phá thêm những ý tưởng này, với mong muốn tìm ra cách mà một nền kinh tế không tăng trưởng có thể hoạt động.
Ông không còn quá cô độc nữa. Với việc mối lo ngại về biến đổi khí hậu của cộng đồng khoa học được toàn thể xã hội quan tâm, số lượng các nhà kinh tế học sẵn sàng đặt câu hỏi về sự tăng trưởng đã dần dần tăng lên. Những cuốn sách mới đây về chủ đề này gồm có cuốn Managing Without Growth (Tạm dịch: Xoay xở mà không tăng trưởng) xuất bản vào năm 2008 của Peter Victor, và Prosperity Without Growth (Tạm dịch: Thịnh vượng mà không tăng trưởng) xuất bản vào tháng 12 vừa qua của Tim Jackson, ủy viên kinh tế của Ủy ban Phát triển Bền vững của Vương quốc Anh. (Năm 2004, nhóm các nhà khoa học MIT đã xuất bản ấn bản mới của cuốn sách Các giới hạn tăng trưởng, với bản cập nhật cho mô hình họ đã đưa ra.) Mặc dù mỗi bên đều có khác biệt về chi tiết, nhưng nhìn chung, họ đều thống nhất về một tập hợp các nguyên tắc kinh tế – một lộ trình dẫn tới một thế giới không tăng trưởng, nhưng cũng không sụp đổ.
MỘT VÀI kết luận họ đưa ra lại dễ chịu một cách đáng kinh ngạc. Ví dụ, để không tăng trưởng, tất cả chúng ta sẽ phải làm việc ít hơn rất nhiều. Điều đó là do các nhà kinh tế học phi tăng trưởng đồng tình với các nhà kinh tế học chính thống ở một điểm lớn: Những tiến bộ công nghệ đang khiến cho người lao động càng ngày càng năng suất hơn. Theo quan niệm thông thường, hiệu quả lao động làm cho hàng hóa rẻ hơn, khiến thu nhập sau thuế của người tiêu dùng cao hơn – khoản tiền đó sẽ được họ đầu tư hoặc tiêu dùng vào nhiều thứ hơn, dẫn tới việc thuê thêm nhân công để đáp lại nguồn cầu. Ngược lại, những người ủng hộ phi tăng trưởng sẽ thực hiện mọi thứ khác đi; họ sẽ tận dụng hiệu quả lao động để rút ngắn tuần làm việc, như vậy hầu hết mọi người đều vẫn có việc và kiếm được mức lương thỏa đáng. Nếu công nghệ mới tiếp tục làm gia tăng năng suất, người dân trong một nền kinh tế không tăng trưởng sẽ làm việc ngày một ít đi theo thời gian và với khối lượng công việc ngày một thu hẹp.
Nếu được thực hiện đúng, theo như những nhà kinh tế học phi tăng trưởng, điều này sẽ dẫn đến một sự bùng nổ thời gian rảnh rỗi mà có thể hoàn toàn thay đổi cách chúng ta đang sống. Nó có thể mở ra một thời kỳ phục hưng cho nghệ thuật và khoa học, cũng như sự kết nối trở lại với thế giới tự nhiên. Các bậc phụ huynh với khối lượng công việc nhẹ nhàng hơn có thể giáo dục con cái tại nhà nếu họ muốn, hoặc chăm sóc người thân bị bệnh – hoàn toàn tái định hình lại lĩnh vực giáo dục và chăm sóc người cao tuổi. (Một vài nhà tư tưởng theo trường phái ổn định (steady-state) tranh cãi rằng các hình thức lao động trong gia đình này cần phải được đưa vào trong các phép tính toán GDP và thậm chí, cần được nhà nước bao cấp, bởi các hoạt động này có đóng góp vô cùng lớn lao cho phúc lợi quốc gia.)
Khi nhìn nhận theo cách này, một nền kinh tế không tăng trưởng có thể có sức hấp dẫn chính trị lớn lao, mang đến cảm giác khăng khít và những giá trị gia đình mà chủ nghĩa bảo thủ xã hội (social conservatism) coi trọng. Những người theo chủ nghĩa tự do có thể sẽ coi trọng khái niệm san sẻ công việc, giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa giàu và nghèo. Thật vậy, một số nước đã dần đi theo tầm nhìn này. Vào năm 1982, các công đoàn tại Hà Lan đã đồng ý hạn chế yêu cầu tăng lương để đổi lại sự thay đổi về mặt chính sách, khuyến khích mọi người làm việc ít hơn. Trong vòng một thập kỷ, tỷ lệ công dân Hà Lan làm việc bán thời gian tăng từ 19 lên tới 27 phần trăm, trung bình một tuần làm việc giảm từ 30 xuống còn 27 giờ, và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ 10 xuống còn 5 phần trăm. (Họ gọi đó là “điều kỳ diệu mang tên Hà Lan.”) Việc san sẻ công việc cũng từng được thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng: Ở Áo và Đức, bộ luật Kurzarbeit cho phép các nhà tuyển dụng tránh phải sa thải nhân viên bằng cách giảm thời gian làm việc và tiền lương cho nhân công – giả dụ, giảm 10 phần trăm tiền lương vì công việc cũng giảm 10 phần trăm. Chính phủ sau đó sẽ vào cuộc và chi trả phần chênh lệch cho người lao động.
Các loại hình công việc (và tiền lương chi trả) hiện giờ sẽ thay đổi đáng kể trong viễn cảnh không tăng trưởng. Để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và cạn kiệt tài nguyên, những nhà ủng hộ thuyết không tăng trưởng đề cao việc đánh thuế thật nặng đối với các-bon và các loại chất thải khác. Đồng thời, họ cũng muốn chính phủ đầu tư vào năng lượng sạch như một phần của kế hoạch “Green New Deal” (Tạm dịch: “Thỏa thuận xanh”) nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân để chuyển đổi nhân công vào những công việc cần nhiều sức lao động – nghệ sĩ, cán bộ y tế dự phòng, nghệ nhân sản xuất thủ công, nông dân trồng sản phẩm hữu cơ, y tá – những công việc tiêu thụ tương đối ít nguyên liệu thô.
Làm việc ít hơn là phần vui vẻ hơn (hay ít nhất là khả thi hơn). Phần khó là chúng ta sẽ phải tiêu thụ ít đi – và có lẽ là ít đi rất nhiều.
Vậy chính xác thì điều đó nghĩa là gì? Daly cho rằng người Mỹ sẽ phải giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng về mức những năm 1960 (giả sử nếu chúng ta vẫn dựa vào một nền kinh tế vận hành chủ yếu bởi nhiên liệu hóa thạch). Về phần mình, Victor chỉ ra rằng 1983 là năm cuối cùng khi mà “nền kinh tế thế giới còn ở ngưỡng mà hành tinh này có thể hỗ trợ được.” Kể từ đó, tất nhiên với sự bùng nổ dân số thế giới, các nguồn tài nguyên trái đất đã sụt giảm hơn nữa.
Ngoài các thông số mang tầm vĩ mô này, chưa một chuyên gia nào từng thực sự phân tích các số liệu để có thể mường tượng cuộc sống hàng ngày liệu sẽ ra sao trong một thế giới không tăng trưởng – mặc dù họ cùng thống nhất rằng đó là điều mà mọi người nên bắt đầu suy nghĩ đến.
Với những bước đầu, họ nói rằng, lượng tiêu thụ của các nước phương Tây sẽ phải được giảm thiểu một cách không đồng đều sao cho công dân của các quốc gia như Ấn Độ và El Salvador được tận hưởng một cuộc sống đủ đầy hơn. Sao lại thế? Những người ủng hộ thuyết không tăng trưởng lập luận rằng một thế giới với ít sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo thì sẽ ổn định hơn; nhưng bên cạnh đó, các mô hình họ đưa ra cũng yêu cầu dân số thế giới phải được ổn định, và việc nâng cao mức kinh tế cho người nghèo là một biện pháp đã được minh chứng để làm điều đó.
Nếu sự tái phân bổ của cải là cần thiết để đạt được điều này, người Mỹ sẽ cần phải quay ngược lại thời gian tới khoảng trước năm 1983; trên thực tế, chúng ta sẽ khá là may mắn nếu được quay về năm 1960 – khi mà một gia đình trung bình kiếm được $35,994 theo mệnh giá đô-la ngày nay (so với $61,932 vào năm 2008).
Sẽ rất khác so với sự bạt ngàn mà chúng ta vẫn hằng quen. Tuy vậy, các tiến bộ kỹ thuật khiến cho đồng đô-la của bạn có giá trị hơn rất nhiều. Chỉ với một vài đồng, bạn có thể mua được một cái máy tính bỏ túi, có thể làm được những việc mà trước đây đòi hỏi một cái máy trị giá hàng triệu đô chỉ các trường đại học mới có. “Giờ chúng ta đã tiến bộ hơn trong việc tạo ra nhiều thứ,” Victor nói, vì vậy mức sống của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều so với những gì con số 1960 gợi ý.
Trong một nền kinh tế không tăng trưởng, như Daly chỉ ra, chúng ta vẫn sẽ tiêu thụ những thứ mới – chỉ là ở một mức độ chậm hơn nhiều. Mọi người có thể sẽ cần coi trọng trở lại những hàng hoá lâu bền, đòi hỏi nhiều nhân lực để sản xuất, nhưng sau cùng, lại sử dụng ít nguồn lực tự nhiên hơn so với những mặt hàng chất lượng thấp, dùng vài lần là hỏng. Chúng ta cũng sẽ phải dần bỏ đi hành vi tiêu dùng vì “địa vị” – cảm thấy sung sướng vì bạn sở hữu một thứ gì đó mà người khác không có.
Thế thì có lẽ cứ sau 12 tháng người ta sẽ thôi không mua phiên bản iPhone mới nhất nữa. Hoặc có lẽ chúng ta sẽ kiếm tìm sự thoả mãn thông qua các hoạt động để lại dấu chân các-bon12 nhẹ nhàng hơn – thể thao, âm nhạc, leo núi. Hiện thực gây tranh cãi là ở chỗ các nhà tư tưởng không tăng trưởng chỉ đơn giản là không biết mọi chuyện sẽ biến chuyển như thế nào. Sau cùng thì chúng ta không hề có bất kỳ ví dụ thực tế nào để học hỏi. Trong quá khứ, các xã hội không tăng trưởng duy nhất là xã hội nông nghiệp hoặc xã hội của những người săn bắt-hái lượm.
Nhưng khi đưa thử nghiệm tư duy này đi xa hơn một vài bước, học thuyết không tăng trưởng đặt ra một loạt các câu hỏi về tâm lý và động lực. Làm thế nào để có thể ngăn mọi người khỏi sản xuất và mua những thứ không cần thiết? Liệu sức sáng tạo có giảm sút nếu các doanh nhân không nghĩ rằng họ có thể bán được con số hàng triệu? Liệu các công ty có tiếp tục phát triển không – và nếu không, ai sẽ muốn đầu tư vào chúng?
Ở mọi trường hợp, con đường để nước Mỹ tình nguyện giảm thiểu mức tiêu thụ của nó dường như rất mơ hồ. Các nhà đài phía cánh hữu không ngừng đưa lời chống đối chính quyền chỉ vì chính sách hạn chế bóng đèn dây tóc; ai cũng có thể hình dung được phản ứng của họ ra sao đối với việc cắt giảm tiêu thụ đến mức giống như thời Kennedy còn làm tổng thống. Chưa kể đến việc chính phủ sẽ phải thông qua các điều luật mới về thuế, nghiêm túc giải quyết vấn đề thu nhập không đồng đều, và đưa ngân hàng về với vai trò ban đầu là huy động và cho vay vốn (chứ không phải đánh cược trên các phái sinh tài chính13 và hoán vị rủi ro tín dụng14 (credit default swaps) không lường trước được).
Có một số mặt khác của học thuyết không tăng trưởng – như ổn định dân số – có thể gây lo ngại cho mọi đảng phái. Để kìm hãm sự tăng trưởng dân số, cần phải giảm tỉ lệ sinh toàn cầu tới mức trung bình mỗi cặp đôi có hai con. Nhưng nếu việc nâng cao đời sống của người dân không tháo gỡ được quả bom dân số, vậy sẽ ra sao? Kiểm soát dân số bằng hình thức bắt buộc thì chẳng khác gì chế độ chuyên chế.
Vậy thì, mọi thứ không hẳn là dễ dàng. Nhưng dù đặt ra những câu hỏi khó nhằn , một điều có thể khẳng định về tư duy ổn định là: Nó tham vọng ở tầm vũ trụ. Trước tình trạng những tranh cãi về nền kinh tế thế giới giậm chân tại chỗ, học thuyết không tăng trưởng như một con thú quý hiếm: một tầm nhìn về sự thay đổi xã hội thực sự khác biệt, gần như không thể tin được. Ngay cả việc nói về những ý tưởng này thôi, Victor thừa nhận trong cuốn sách của mình, “có thể khiến một chính trị gia không thể nào đắc cử.” Những người theo học thuyết không tăng trưởng coi công việc của họ không phải là để thúc đẩy những chính sách cụ thể, mà là mở rộng phạm vi tranh luận. “Tôi muốn khiến cho mọi người có thể đơn giản chỉ là bắt đầu suy nghĩ về tăng trưởng và vai trò của nó trong tư duy kinh tế,” Victor nói.
Liệu thế giới đã sẵn sàng để đón nhận, hoặc thậm chí là có quan tâm tới, những ý tưởng mới lạ như thế? Những cuốn sách mới về chủ đề này không gây ra những phản ứng dữ dội như cuốn Các giới hạn đã từng gặp phải. Jackson cho rằng có khả năng sự biến đổi khí hậu đã khiến cho chúng ta trở nên dễ tiếp thu hơn. Trong khi đi tuyên truyền về cuốn sách của mình, một vài chính trị gia và doanh nhân đã miễn cưỡng thừa nhận rằng tăng trưởng bành trướng đã gây ra nhiều vấn đề thực sự – dù rằng họ không mấy tán thành những giải pháp được đưa ra. “Phản ứng thường thấy ở họ là suy luận logic của tôi là không hề sai,” Jackson nói với tôi, “nhưng các khuyến nghị về chính sách thì thật điên rồ.” Ông cũng hoài nghi rằng học thuyết không tăng trưởng còn quá xa vời và không thu hút được nhiều sự chú ý – đợt này không có cuốn sách nào lọt vào top bán chạy – nhưng nếu thuyết này đạt được đà chính trị, các cuộc tấn công sẽ nổi lên.
Daly, người không ngừng đấu tranh cho luận điểm của mình suốt bốn thập kỷ, đã bắt đầu tin rằng chỉ có chính Trái đất mới có thể buộc cho con người phải hành động. Trong một vài thập kỷ, nếu các nguồn tài nguyên cơ bản trở nên khan hiếm, giá cả gia tăng, và biến đổi khí hậu gây ra mâu thuẫn toàn cầu, tư duy về không tăng trưởng sẽ trỗi dậy, dù ta có thích nó hay là không. “Nó sẽ được áp đặt lên chúng ta,” ông nói. Rốt cuộc, về việc định hình nền kinh tế, hành tinh này có lẽ lại nắm giữ bàn tay vô hình quyền lực nhất.
Các định luật của nhiệt động lực học mô tả các liên hệ giữa nhiệt năng, hay nhiệt lượng, và các dạng năng lượng khác, và cách năng lượng ảnh hưởng đến vật chất. Định luật thứ hai của nhiệt động lực học nói về chất của năng lượng. Nó phát biểu rằng khi năng lượng truyền đi hay chuyển hóa, nó bị tiêu hao càng lúc càng nhiều. Định luật thứ hai còn phát biểu rằng xu hướng tự nhiên của bất kì hệ cô lập nào là suy thoái sang một trạng thái mất trật tự hơn. Hay nói cách khác, ở cấp độ rất vi mô, định luật này có thể được hiểu đơn giản là nếu bạn có một hệ cô lập, thì mọi quá trình tự nhiên trong hệ đó diễn tiến theo hướng làm tăng mức hỗn loạn, hay entropy, của hệ.↩
Thuế các-bon là một loại thuế môi trường, đánh vào lượng CO2 phát thải của nhiên liệu, đây là một hình thức định giá các-bon. Thuế các-bon là công cụ được áp dụng cho việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch – những sản phẩm dùng than và nhiên liệu như xăng dầu, nhiên liệu hàng không và khí tự nhiên – tương ứng với hàm lượng các-bon thải ra.↩
Nghị định thư Kyoto là một Nghị định liên quan đến Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu tầm quốc tế của Liên hiệp quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo được kí kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ ba khi các bên tham gia nhóm họp tại Kyoto, và chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005.
Bạn đọc có thể xem thêm về Nghị định thư Kyoto tại đây.↩Adam Smith, FRSE (rửa tội ngày 16/06/1723, hay 05/06/1723 trong lịch Julian; mất ngày 17/07/1790) là nhà kinh tế chính trị học và triết gia đạo đức học lớn người Scotland; là nhân vật mở đường cho phát triển lý luận kinh tế. Bộ sách Bàn về tài sản quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) đã giúp tạo ra kinh tế học hiện đại và cung cấp một trong những cơ sở hợp lý nổi tiếng nhất của thương mại tự do, chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tự do.↩
John Stuart Mill (20/05/1806 – 8/05/1873) là một nhà triết học và kinh tế chính trị học người Anh. Ông là một trong số những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử chủ nghĩa tự do. Ông đã có nhiều đóng góp cho lý thuyết xã hội, lý thuyết chính trị và nền kinh tế chính trị. ↩
John Maynard Keynes (05/06/1883 – 21/04/1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.↩
Đây là một phép ẩn dụ cho mọi vấn đề gây tranh cãi “vô cùng nhạy cảm” và “không thể đụng tới,” đến độ bất cứ chính trị gia hay cán bộ công chức nào dám đụng chạm tới chủ đề này sẽ không tránh khỏi chịu phải những công kích về mặt chính trị.↩
Thomas Robert Malthus, (13/02/1766 – 23/12/1834), hội viên Hội Hoàng gia London, là một nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học người Anh. Ông là một trong những đại biểu của kinh tế học cổ điển. Ông có nhiều đóng góp vào các học thuyết kinh tế và các đóng góp vào lĩnh vực dân số, đặc biệt là vấn đề sự gia tăng dân số thông qua Thuyết dân số của ông.↩
Đại khủng hoảng là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29/10/1929 (còn được biết đến như Thứ Ba Đen tối). Nó bắt đầu ở Hoa Kỳ và nhanh chóng lan rộng ra toàn Châu Âu và mọi nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển.↩
Câu lạc bộ Rome là một tổ chức của những cá nhân cùng chia sẻ mối quan tâm về tương lai của nhân loại và cùng phấn đấu để tạo ra sự khác biệt. Thành viên của CLB là những nhà khoa học, kinh tế học, doanh nhân, viên chức cấp cao và cựu nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của CLB là nâng cao nhận thức về những thách thức toàn cầu mà nhân loại đang gặp phải và đề ra những phương án giải quyết thông qua phân tích khoa học, truyền thông và vận động chính sách.↩
Polychlorinated biphenyl là một nhóm các hợp chất nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong quá khứ, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng chúng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe.↩
Carbon footprint (dấu chân các-bon) biểu thị mức độ tác động của con người đến môi trường thông qua tổng lượng khí nhà kính được sản xuất trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ hoạt động của con người, thường được mô tả bằng tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Số dấu chân carbon được tính toán dựa trên nhiều yếu tố, như địa điểm cư trú, phong cách sống, loại năng lượng, sản phẩm công nghệ được sử dụng,…↩
Phái sinh (Derivatives), hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại. Các nghiệp vụ phái sinh bao gồm một loạt hợp đồng tài chính, bao gồm các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu, các hoán đổi, các tương lai, các quyền chọn, các trần lãi suất, các sàn lãi suất, các tròng tài chính (collar), các kỳ hạn, và các kết hợp phong phú của chúng.↩
CDS (Credit Default Swap, hoán vị rủi ro tín dụng) là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác. Bên mua thực hiện các khoản phí định kỳ và bên bán sẽ trả một khoản tiền cụ thể theo hợp đồng nếu công cụ tài chính cơ sở bị thiệt hại. Nguyên thủy, CDS được xem như một công cụ phòng vệ rủi ro tài chính, là loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo kê rủi ro để được bồi đền một khoản tiền cố định nếu sự cố được bảo kê thực sự xảy ra. Tuy nhiên, khi CDS được dùng như một sản phẩm đầu cơ thì nó có một số khác biệt với công cụ bảo hiểm đơn thuần. Theo đó, người mua CDS không cần sở hữu chứng khoán hay tài sản cơ sở và do vậy thực ra họ cũng không thực sự bị thiệt hại từ sự cố rủi ro.↩