Robert Frank, giáo sư kinh tế tại trường đại học Cornell, nói rằng ông vẫn còn sống đến ngày hôm nay là nhờ vào “may mắn.” Năm 2007, ông đột quỵ trên sân quần vợt, và nguyên nhân được chẩn đoán sau đó là bị chết tim đột ngột, một chứng bệnh mà chỉ có 2% nạn nhân sống sót. Dù bệnh viện gần nhất cách sân quần vợt đến 5 dặm (gần 8 km), Frank đã sống sót nhờ vào một chiếc xe cấp cứu trùng hợp xuất hiện đúng lúc đó vì một ca cấp cứu khác cách đó vài trăm mét. Bởi ca cấp cứu kia không quá nghiêm trọng, chiếc xe cấp cứu đã kịp thời chuyển hướng và cứu sống Frank. Các bác sỹ đặt máy sốc tim lên ngực ông trong thời gian kỷ lục. Frank được nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó một chiếc trực thăng đưa ông đến một bệnh viện lớn hơn, nơi mà ông chờ phẫu thuật qua đêm. Hầu hết những người sống sót trong các trường hợp tương tự đều có những di chứng về não bộ và cơ thể. Còn Frank, ông trở lại sân quần vợt chỉ hai tuần sau đó.
Frank cho biết các ý tưởng nghiên cứu của ông thường bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân, và nghiên cứu về may mắn không phải ngoại lệ. Quyển sách mới nhất của ông, Success and Luck: Good Fortune and the Myth of Meritocracy (tạm dịch:Thành công và may mắn: Vận may và thần thoại về năng lực) lập luận rằng vai trò của may mắn trong cuộc sống, đặc biệt là trong các thành công vê kinh tế, chưa được ghi nhận đúng đắn. Quyển sách khẳng định nếu những người giàu có nhận thức rõ hơn về vai trò của may mắn đối với thành công của họ, họ sẽ ủng hộ hơn nỗ lực của chính phủ trong việc phân bổ cơ hội, cũng như là lượng thuế cao hơn mà họ phải trả.
Các tác phẩm khác của Frank bao gồm những quyển sách The Winner-Take-All Society (tạm dịch: Xã hội nơi kẻ thắng lấy tất cả) (viết cùng Philip J. Cook),The Darwin Economy (tạm dịch: Nền kinh tế Darwin), và Princples of Economics (tạm dịch: Nguyên lý kinh tế) (viết cùng Ben S. Bernanke) cũng như mục báo kinh tế trên Thời báo New York trong một thập kỷ vừa qua. Gần đây, tôi có nói chuyện với ông qua điện thoại trong lúc ông đang chờ sửa xe tại đại lý xe ở Syracuse. Ông lộ vẻ thích thú và quan tâm đến những kinh nghiệm của bản thân tôi về may mắn và thành công, ông trả lời những câu hỏi phỏng vấn như thể ông có tất cả thời gian trên đời vậy.
Thưa ông, bằng chứng nào cho thấy chúng ta không xem trọng vai trò của may mắn trong cuộc sống như nó xứng đáng được nhận?
Nếu chúng ta muốn một ví dụ trực quan về vấn đề này, tôi sẽ hướng họ đến trang web ghi chép những phản ứng của các cử tri với hai bài phát biểu vận động tranh cử vào năm 2012, một của Elizabeth Warren1, một của Barack Obama. Nội dung của cả hai bài hầu như giống nhau, và nếu bạn đọc bản ghi chép nội dung của chúng một cách cẩn thận, bạn chắc sẽ thốt lên, “Wow. Chẳng có gì đáng tranh cãi cả.” Hai bài phát biểu này đã tuyên bố rằng, ngoài chăm chỉ và giỏi giang trong lĩnh vực của mình, nếu một người làm kinh doanh, họ còn cần vận chuyển hàng hóa đến chợ trên những đoạn đường được chi trả bởi cả cộng đồng, họ thuê nhân công mà cộng đồng giúp đào tạo, mọi người còn trả lương cho cảnh sát và lính cứu hỏa để giữ an toàn cho họ. Vì thế, thành công của những doanh nhân không chỉ là sản phẩm của tài năng và nỗ lực của riêng một người, mà nó còn là thành quả của cả cộng đồng.
Đã có những phản ứng hết sức gay gắt về hai bài phát biểu này. Những doanh nhân dường như nghĩ rằng Obama và Elizabeth Warren đang ám chỉ rằng họ (những doanh nhân này) không xứng đáng với thành công đạt được, rằng họ là những kẻ mạo danh bằng cách chiếm lấy các vị trí cao quý. Đó không phải là thông điệp chính của cả hai bài phát biểu trên, nhưng thật khó cho mọi người để chắt lọc được những thông điệp hợp lý và trái với lẽ thường từ chúng.
Toàn bộ quá trình kể chuyện về cuộc đời một người thường thiên vị khi nó đảm bảo mọi người sẽ không nhận ra đủ vai trò của những sự kiện may rủi. Vâng, bạn đã thành công, bạn đã ở đỉnh cao đó 30 năm. Đúng là bạn làm việc chăm chỉ mọi lúc, bạn dậy sớm, bạn bỏ nhiều công sức, những ký ức phong phú đó đều đọng lại trong trí nhớ của bạn. Bạn đã giải quyết được rất nhiều vấn đề khó khăn. Bạn cũng nhớ đến những ví dụ của chúng. Bạn còn nhớ những đối thủ đáng gờm mà bạn đã vượt qua. Làm sao bạn quên được họ? Vì vậy, khi ai đó hỏi. “Tại sao bạn thành công?” những điều đó sẽ xuất hiện đầu tiên trong câu chuyện của bạn.
Có lẽ đã có một giáo viên đã giúp bạn vượt qua khó khăn ở lớp 11. Bạn không nhớ đến sự kiện đó. Có lẽ bạn được thăng chức sớm vì một trong những đồng nghiệp phù hợp với vị trí đó hơn bạn đã từ chối để dành thời gian chăm sóc ba mẹ họ đang bệnh nặng. Bạn cũng không nhớ đến sự kiện này. Đây chính là khái niệm tính không đối xứng trong ký ức.
Bạn đang chạy trong cơn gió, cảm nhận nó trong từng giây. Bạn rẽ ngay góc đường và cơn gió đang ở sau lưng bạn. Tuyệt. Bạn thích điều này. Nhưng chỉ sau hai phút trong đoạn đường trở về, bạn đã hoàn toàn quên bạn đã được nó trợ giúp. Bởi vì bạn cần hoạt động tích cực để đối đầu một cơn gió ngược chiều, chắc chắn bạn không thể không chú ý đến nó. Nhưng một cơn cùng chiều giúp bạn chạy tốt hơn; nó hầu như không tồn tại trong tâm trí bạn. Bạn không nghĩ về nó bởi vì bạn không cần nghĩ về nó.
Ông lập luận rằng sự bất bình đẳng trong thu nhập tăng lên một phần bởi nhiều cạnh tranh và một phần bởi vai trò của may mắn. Chính xác thì nó hoạt động như thế nào?
Bối cảnh của toàn bộ cuộc thảo luận này là minh chứng rõ ràng cho những thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn trước. Điều gì khiến thị trường trở nên kém cạnh tranh? Giả sử một nhà sản xuất bao trùm thị trường địa phương. Còn người mua, họ không biết đến những nguồn cung cấp thay thế khác. Vì thế, theo một cách nào đó, họ rơi vào thế bị động. Người mua bắt buộc phải giao dịch với người bán này. Có lẽ, các chi phí vận chuyển thực sự có nhiều ảnh hưởng.
Chi phí vận chuyển, mà thật ra là hình ảnh ẩn dụ cho rất nhiều thứ, vừa giảm đồng loạt. Bây giờ bạn nghĩ đến giá trị của một sản phẩm… Trước hết tôi muốn bàn về một vài thông tin thú vị về máy tính. Đã từng có lúc phần lớn giá trị của một chiếc máy vi tính nằm ở nguyên liệu làm nên nó. Mỗi năm trôi qua, nguyên liệu lại chiếm một phần giá trị nhỏ hơn và phần ý tưởng phía sau chiếc máy vi tính ngày càng chiếm một tỉ trọng lớn hơn. Ý tưởng có thể đi đến bất cứ đâu mà không tốn chi phí nào. Bạn không cần vận chuyển một ý tưởng trong thùng chứa. Bây giờ, chỉ cần một cú nhấp chuột và nó sẽ đi tới mọi nơi. Vì thế, việc bạn có thể vận chuyển một giá trị lớn hơn so với mỗi đồng đô la chi phí vận chuyển nghĩa là quy mô của thị trường đã mở rộng đáng kể. Điều đó đồng nghĩa việc nhiều nhà sản xuất khác có thể cạnh tranh để dành lấy sự chú ý và ủng hộ của khách hàng.
Bây giờ, bạn có cả cuộc cách mạng thông tin nơi mà nếu chúng ta muốn một thứ nào đó, ta có thể tìm nó trên mạng. Chúng ta trải nghiệm sự bùng nổ về các lựa chọn, từ những pop-up (mẫu tin tự xuất hiện) và phản hồi của những dòng lệnh tìm kiếm đơn giản nhất. Vì thế, ý tưởng người bán có thể kìm hãm người mua để lợi dụng họ ngày một phi thực tế. Nếu bạn muốn tìm lời giải thích cho bất bình đẳng và các hình thức khác của thất bại thị trường (market failure)2, hoặc những kết quả thành công khác trên thị trường mà bạn không thích, lời giải thích truyền thống về độc quyền hoặc sự bóc lột thông qua độc quyền người bán (monopoly)3 hoặc người mua (monopsony)4 ngày càng thiếu thuyết phục. Và có những lời giải thích hợp lý khác cho vấn đề đó.
Và đó là lúc vận may xuất hiện, bên cạnh tài năng và nỗ lực?
Tài năng và nỗ lực chắc chắn quan trọng, nhưng nếu bạn có loại công nghệ mà bạn chỉ cần đến một nhà sản xuất, giả sử bạn cần một ai đó thu âm bản chuyển soạn cho đàn cello của Bach chẳng hạn. Bạn sẽ cần bao nhiêu người để thực hiện? Bạn cần một người chơi cello, tương tự như một trăm năm trước. Đã từng có một thị trường cho hàng ngàn người chơi cello bởi vì nếu bạn muốn nghe những bản nhạc đó, bạn cần phải đến rạp hát. Còn bây giờ nếu muốn, phần lớn chúng ta sẽ nghe bản thu của chúng.
Và rồi, chúng ta muốn gì nữa? Tất nhiên, khi bản thu đã hoàn thành, sẽ chẳng tốn mấy chi phí để tạo ra các bản sao từ nó. Vậy nên nếu bạn có thể lựa chọn giữa nghệ sĩ cello giỏi nhất và nghệ sĩ giỏi nhì cùng biểu diễn một bản, tại sao bạn muốn nghe người thứ hai? Bạn có thể sẽ sẵn lòng trả thêm vài đồng chỉ để nghe người giỏi nhất, bởi vì họ đều giỏi. Nhưng, ngay cả khi nếu bạn muốn trả thêm vài đồng, việc hàng triệu bản thu được bán đồng nghĩa với việc công ty ký hợp đồng thành công với Yo-Yo Ma5 hoặc một ai đó được biết đến là người chơi cello giỏi nhất sẽ giành lấy tất cả thị phần trong thị trường đó.
Và vì thế, bạn phải trả giá xứng với giá trị của nghệ sĩ thu âm hay nhất. Một người có mức thu nhập hàng năm dài tám đến chín chữ số, trong khi một nghệ sĩ khác trình độ gần tương đương lại đang dạy nhạc cho học sinh lớp ba đâu đó ở New Jersey. Đó là một cuộc chiến quyết định ai là người được công nhận là nghệ sĩ giỏi nhất. Người cuối cùng đạt đến vinh quang là người đã vượt qua hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn đối thủ khác trong các cuộc thi đã bắt đầu từ rất sớm.
Vậy nên, nếu bạn nghĩ may mắn chỉ góp một phần rất nhỏ vào những cuộc thi như vậy – 99% ở tài năng và nỗ lực còn 1% là may mắn – thì có rất nhiều thí sinh bị chặn lại ngay trần của thang đo tài năng và nỗ lực. Hãy tìm người xếp hạng cao nhất trên những thang đo đó. Một ai đó sẽ giỏi hơn tất cả những người tham dự khác, nhưng sẽ có hàng chục người bám sát người đó. Đúng là có một người giỏi nhất, nhưng sự chênh lệch không quá đáng kể vì với nhiều người tập trung ở đỉnh của những thang đo như vậy, chắc chắn sẽ có một số lượng đáng kể những người chỉ cách một khoảng nhỏ về tài năng và nỗ lực với người đứng đầu.
Nếu bạn chỉ chọn người giỏi nhất dựa trên tài năng và nỗ lực, người đó không may mắn hơn nhiều so với những người khác. Anh ấy có thể chỉ may mắn vừa vừa thôi. Ok, vậy hãy tìm những người mà chỉ kém anh ta một tí ti về tài năng và nỗ lực. Trong nhóm người này, tìm người may mắn nhất, và bạn chẳng cần đến một tập hợp lớn để chứng minh độ may mắn của người này khác biệt rõ rệt với độ may mắn trung bình, và người đó là người có xác suất thắng cuộc lớn nhất trong hầu hết các trường hợp.
Ngay cả nếu may mắn chỉ chiếm 1%, bạn sẽ thấy người thắng cuộc phần lớn không phải là người tài năng nhất. Hầu hết những người chiến thắng thuộc vào nhóm may mắn nhất của các thí sinh. Bây giờ cho vận may chiếm một tỉ trọng lớn hơn, và rất dễ để chúng ta dựng lên viễn cảnh mà ở đó nó còn ảnh hưởng nhiều hơn nữa.
Ông có thể cho một ví dụ cụ thể trong đời sống không?
Tôi nghĩ trường hợp của Bryan Cranston là một ví dụ rõ ràng.
Vince Gilligan đã muốn chọn ông ấy vào vai Walter White từ ban đầu. Nhưng các ông chủ của hãng phim không muốn vậy. Breaking Bad6 sẽ là một sản phẩm rất tốn kém. Họ đang thử nghiệm liệu AMC có thể tìm chỗ đứng trong thiên đường truyền hình cáp hay không. Vì thế, họ đầu tư nhiều vào bộ phim này và họ muốn một diễn viên hạng A vào vai chính. Tôi nghĩ Cranston ở thời điểm đó được biết đến nhờ vào vai diễn người cha trong Malcolm in the Middle (tạm dịch: Malcom ở giữa), một phim truyền hình mà tôi chưa từng xem. Có lẽ ông ấy đã nhập vai khá tốt, nhưng chắc chắn nó chưa bao giờ một vai diễn hàng đầu.
Hãng phim mong muốn một diễn viên nổi tiếng hơn. Các ông chủ kiên quyết yêu cầu Gilligan trao vai diễn Walter White cho John Cusack. Cusack từ chối. Họ chuyển sang Matthew Broderick. Broderick cũng từ chối. Tôi không nhớ rõ ai được trao vai trước. Cuối cùng cả hai đều từ chối. Gilligan trở lại cố gắng thuyết phục sếp của mình. Cuối cùng, họ miễn cưỡng cho phép ông chọn Cranston cho vai Walter White. Và, như bạn đã biết, White làm nên thành công cho Breaking Bad. Ông nhận bốn giải Emmy xuyên suốt năm phần của bộ phim. Ngày nay ông là một trong những diễn viên được săn đón nhất trong lứa tuổi của mình. Nhưng tôi chắc sẽ không biết đến Cranston nếu Cusack và Broderick không từ chối vai diễn đó từ đầu.
Nhưng những nghệ sỹ đẳng cấp thế giới như Cranston và Yo-Yo Ma dường như là những trường hợp đặc biệt. Những công việc thông thường hơn thì như thế nào? Và liệu việc có nhiều công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ trong nền kinh tế so với công việc sản xuất có ảnh hưởng đến câu chuyện trên?
Đúng thế. Về cốt lõi, hai câu chuyện (giữa vai diễn của Cranston và những công việc thông thường) không khác nhau lắm. Hãy thử xem xét ngành bất động sản. Chênh lệch về giá trị giữa một người môi giới bất động sản giỏi và không giỏi là bao nhiêu? Năng lực phục vụ khách hàng của một người môi giới ngày trước bị hạn chế hơn rất nhiều so với bây giờ. Ngày nay, chúng ta có điện thoại, trang web, và hàng loạt phương tiện khác để liên lạc với các khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều so trước kia. Một người môi giới bất động sản giỏi ngày nay có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn so với thập kỷ 1950. Và vì thế, phân bố tiền hoa hồng cũng ngày càng lệch về một bên. Mình bạn không thể tác động bất kỳ sự kiện [may rủi] nào, nhưng chúng ta hợp sức thì có thể.
Nếu bạn bán giày cho trẻ em và là một người bán hàng rất giỏi, tài năng của bạn không được tận dụng triệt để cho lắm. Nếu bạn bán cổ phiếu chứng khoán cho các quỹ đầu tư nhà nước, bạn sẽ tạo nên khác biệt lớn hơn về mặt lợi nhuận (the bottom line)7 của hoạt động đó. Tôi nghĩ có nhiều cách tốt hơn để phát hiện những người giỏi về những công việc dịch vụ cơ bản như trên và những cơ chế hiệu quả hơn để kết nối những người thạo việc với những công việc trả công hậu hĩnh.
Mình bạn không thể tác động bất kỳ sự kiện [may rủi] nào, nhưng chúng ta hợp sức thì có thể.
Bạn không còn tìm thấy những người bán hàng tài ba bán giày trẻ em nữa. Theo tôi biết, bây giờ không một ai còn đi bán giày cho trẻ em nữa. Bạn tự thử nó hoặc mua nó từ Amazon.
Ông đề xuất rằng chúng ta nên thay thế thuế thu nhập bằng một loại thuế tiêu dùng lũy tiến (progressive consumption tax)8, thứ thuế sẽ đánh vào chi tiêu thay vì thu nhập và sẽ thu về nhiều hơn, đặc biệt từ giới nhà giàu. Điều này thì liên quan như thế nào đến may mắn?
Sau khi tôi viết xong quyển sách, nhiều người bảo rằng phần chuyển giữa chương bàn về may mắn và chương thuế tiêu dùng lũy tiến thật đột ngột. Mục đích của nó là gì vậy?
Theo cách nhìn nhận của tôi, phần đầu của quyển sách cố gắng trả lời câu hỏi tại sao những sự kiện may rủi lại thường quan trọng đến thế và may rủi là một thứ gì đó chúng ta không thể kiểm soát. Nếu bạn có thể kiểm soát, nó đã không còn là may rủi. Có một thước đo các sự kiện mà cá nhân bạn không thể điều khiển, và vì thế được xem là may rủi. Có lẽ điều quan trọng nhất trên thước đo đó là địa điểm và thời điểm bạn sinh ra. Nếu bạn sinh ra ở đây (Mỹ), bạn may mắn hơn rất nhiều nếu bạn sinh ra ở Somalia.
Chọn cha mẹ cho mình, loại gen của mình, hoàn cảnh mình lớn lên, và đất nước cha mẹ bạn ở là những thước đo lớn nhất trong tất cả sự kiện may rủi ảnh hưởng đến cuộc đời bạn. Mình bạn không thể tác động bất kỳ sự kiện nào, nhưng chúng ta thì có thể. Chúng ta có thể đầu tư để tạo nên một môi trường mà nếu bạn làm việc chăm chỉ và có tài năng bạn sẽ có đủ cơ hội để thành công, ít nhất là với một mức độ vừa đủ. Không giống như ở Somalia, nơi dù bạn làm việc vất vả hay bạn tài năng đến thế nào, bạn sẽ không đạt được thành công nào cả. Chúng ta có thể tác động đến những kết quả đó. Là một cá thể, ta không không làm được, nhưng là một tập thể, chúng ta có thể thay đổi nó.
Vậy, chúng ta may mắn vì đã sinh ra ở Mỹ, nhưng ông nói rằng chúng ta còn có thể thay đổi hoàn cảnh để thuận lợi hơn nữa cho may mắn.
Đúng vậy, nhưng hoàn cảnh hiện tại không còn thuận lợi về may mắn cho mọi người so với thời kỳ của tôi. Tôi lớn lên trong một gia đình bình dân chẳng mấy dư dả tiền bạc. Tôi tốt nghiệp đại học Georgia Tech không một đồng nợ. Ngày nay, để tốt nghiệp từ một trường tốt tôi ắt sẽ có một khoản nợ $40.000 sau tốt nghiệp. Đó là trong trường hợp tôi vào được đại học. Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ngày nay không còn cơ hội tham gia các hoạt động như âm nhạc, mĩ thuật, thể thao – tất cả đều phát sinh chi phí phụ thu. Tôi có nhắc đến một thống kê rất bi quan là nếu bạn đạt điểm cao môn toán, xác suất bạn tốt nghiệp đại học sẽ thấp hơn nếu bạn xuất thân từ một gia đình thu nhập thấp so với việc nếu bạn đạt điểm thấp nhưng đến từ gia đình khá giả.
Ngoài ra ông tin rằng hạnh phúc của người giàu sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức thuế cao hơn, bởi vì khoản tăng lên sẽ ảnh hưởng họ như nhau và chỉ giảm thứ mà ông gọi là “cuộc chạy đua thứ bậc” trong chi tiêu của họ.
Tôi nghĩ cụm từ “cuộc chạy đua thứ bậc” (positional arms race) dựa vào phép ẩn dụ mà mọi người đều biết và cho rằng không gây tranh cãi, đó là cuộc chạy đua vũ trang (military arms race). Các bên đối địch liên tục trang bị vũ trang với hy vọng có lợi thế hơn phe còn lại, nhưng cuối cùng hai bên chỉ đi đến sự cân bằng trong lực lượng ở một cái giá cao hơn. Không bên nào cảm thấy an toàn hơn nếu mỗi bên chi tiêu ít hơn vào vũ trang và nhiều hơn vào những trường học và bệnh viện, và mọi người đã có thể cùng có lợi nhiều hơn.
Đó là lý do các nước ký hiệp ước kiểm soát vũ trang. Họ thống nhất việc không chế tạo bom. Bạn cần đến các bên thanh tra và biện pháp ép buộc để đảm bảo mọi việc diễn ra, nhưng ở những nơi những hiệp ước này được tiến hành, không ai nói rằng, “Lý do nào dẫn đến hiệp ước như thế nhỉ?” Mọi người trong cuộc đều thầm hiểu mục đích của nó.
Vì thế, tôi tạm mượn phép ẩn dụ quen thuộc này và áp dụng vào tập hợp các tình huống mà tôi nghĩ hoàn toàn tương đồng.
Nếu bạn gợi lên cảm giác biết ơn trong lòng mỗi người, họ sẽ rộng lượng hơn với những người khác, và sẵn lòng hơn để tiếp nối những việc tốt đó.
Nơi bạn có thể thấy sự tương đồng theo một cách lãng phí rõ ràng chính là chi phí của các đám cưới. Tôi nghĩ bạn không cần phải nhờ đến Bridezillas9 hoặc một bộ não siêu việt để thấy được việc chi phí đám cưới ngày càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Chi phí trung bình của một đám cưới Mỹ năm 1980 là $10.000. Vào năm 2014, con số mới nhất tôi biết, là $31.000. Ở Manhattan, con số trung bình là $76.000.
Không một ai nghĩ rằng đôi uyên ương vừa trả $31,000 cho đám cưới của họ lại hạnh phúc hơn nhờ vào số tiền đó so với những cặp ngày xưa chi trả chỉ $10,000. Sự khác biệt nằm ở việc tiêu chuẩn về khái niệm “đặc biệt” đã leo thang. Mọi người hoàn toàn cảm thấy bình thường về mong muốn rằng khách khứa của mình sẽ cảm thấy vui vẻ hài lòng khi rời khỏi buổi tiệc. Nhưng nếu mọi người biết bạn chỉ bỏ ra một phần mười con số (chi phí đám cưới) mà mọi người thường chi trả, họ sẽ nghĩ rằng đám cưới mình vừa tham dự thuộc hàng tầm thường. Vì thế, chi phí tổ chức ngày một đội lên. Việc thu nhập ngày càng tập trung ở đỉnh cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc này. Bạn sẽ thấy những sự kiện nối tiếp nhau như trên trong quyển sách của tôi và trong đời sống hàng ngày.
Điều này thật lãng phí. Nếu tất cả căn nhà rộng thêm 20%, không ai cảm thấy hạnh phúc hơn trước, đặc biệt là những người ở vị trí cao nhất. Việc này chỉ là để nâng tiêu chuẩn về kích thước và phong cách nhà của bạn sao cho bạn cảm thấy mình đã đạt đến yêu cầu tối thiểu của những người bạn đang giao du. Nếu bạn gợi lên cảm giác biết ơn trong lòng mỗi người, họ sẽ rộng lượng hơn với những người khác, và sẵn lòng hơn để tiếp nối những việc tốt đó.
Quay lại với may mắn, ông nghĩ việc mọi người chống lại thuế cao bắt nguồn bao nhiêu từ việc không xem trọng vai trò của may mắn trong thành công của họ?
Trợ lý nghiên cứu của tôi thực hiện một thí nghiệm. Chúng tôi thảo luận bằng cách nào để thiết kế một thí nghiệm có thể trả lời câu hỏi đó.
Trợ lý của tôi yêu cầu những người tham gia thí nghiệm miêu tả một điều tốt đẹp mới xảy ra với họ. Sau đó, cô ấy chia mọi người thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên, họ chỉ cần trả lời duy nhất câu hỏi đó. Nhóm thứ hai, ngoài câu hỏi trên, cô ấy yêu cầu mọi người liệt kê ba thứ họ làm đã khiến điều tốt đẹp ấy thành hiện thực. Nhóm cuối cùng, cô ấy yêu cầu mọi người liệt kê ba thứ mà những người người khác làm hoặc do yếu tố ngoại cảnh mà đã khiến điều tốt đẹp kia xảy diễn ra.
Cuối buổi thí nghiệm, tất cả sinh viên tham gia đều nhận tiền thưởng vì đã tham gia thí nghiệm và họ có quyền chọn đóng góp một phần hoặc tất cả số tiền thưởng này tới một trong ba tổ chức từ thiện, chỉ cần nói với người trợ lý. Sau đó, cô ấy tổng hợp và thấy rằng những người liệt kê những tác nhân ngoại cảnh tạo nên điều tốt đẹp thường đóng góp nhiều hơn 25% so với những người chỉ liệt kê những việc mà họ làm dẫn đến điều đó. Nhóm kiểm soát (the control group)10 thì nằm giữa hai nhóm trên.
Đã từng có rất nhiều thí nghiệm cho thấy nếu bạn gợi lên cảm giác biết ơn trong lòng mỗi người, họ sẽ rộng lượng hơn với những người khác, và sẵn lòng hơn để tiếp nối những việc tốt đó.
Vậy bằng cách nào chúng ta có thể khiến những người thành công nhận ra sự may mắn của họ?
Tôi nghĩ tôi có một lời khuyên thực tế rất quan trọng, đó là đừng cố gắng nói những người bạn thành công của mình là họ may mắn. Chúng ta thấy khi Obama phát biểu vào năm 2012 và Elizabeth Warren có bài nói tương tự, mọi người hoàn toàn không thích điều này. Những bài nói trên hoàn toàn có lý, như tôi đã nói ở trên, nhưng mọi người không thèm lắng nghe đến những phần có lý đó. Thông điệp duy nhất họ nghe chính là việc họ không xứng đáng với thành công của họ. Đó hoàn toàn không phải thông điệp của những bài phát biểu đó. Nếu bạn muốn mọi người nghĩ về việc họ may mắn, đừng nói thẳng ra như thế. Hãy hỏi họ có ví dụ gì về những may mắn đã xuất hiện trong hành trình đến đỉnh cao của họ hay không.
Tôi đã thử cách trên rất nhiều lần và có thể tự tin nói bạn rằng những người thành công sẽ cảm thấy tức giận và nhảy chồm chồm lên nếu người khác nói họ may mắn, thay vào đó, họ không giận dữ hay sồn sồn chút nào cả khi họ nghĩ về câu hỏi, “Bạn có thể cho một ví dụ về một thời điểm bạn đã gặp may?” Thay vì giận dữ, mắt họ sáng lên, họ cố gắng nghĩ về những thời điểm đó, họ kể lại chi tiết cho bạn, và từ câu chuyện này dẫn đến một câu chuyện khác, họ sẽ kể về nó liên tiếp, và chẳng mấy chốc họ sẽ nói về những khoản đầu tư mà chúng ta nên làm.
Elizabeth Warren (sn. 22/06/1949) là một giáo sư và chính trị gia người Mỹ. Bà hiện là thành viên của đảng Dân chủ và là thượng nghị sĩ bang Massachusetts.↩
Thất bại thị trường là hiện tượng kinh tế mà các tài nguyên kinh tế không được phân bổ theo cách tối ưu nhất.↩
Độc quyền người bán là hiện tượng có một người bán và nhiều người mua trong một thị trường. Khi đó, người bán có thể áp đặt giá cả theo ý mình và buộc người mua mua ở giá cao hơn bình thường.↩
Độc quyền người mua là hiện tượng có một người mua và nhiều người bán trong một thị trường. Khi đó, người mua có thể áp đặt giá cả theo ý mình và buộc người bán bán ở giá thấp hơn bình thường.↩
Yo-Yo Ma (sn. 7/10/1955) là nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Hoa. Sự nghiệp âm nhạc của ông đồ sộ với hơn 90 đĩa thu và 18 giải Grammy.↩
Breaking Bad là một phim truyền hình dài tập về tội phạm của Mỹ. Bộ phim được đánh giá là một trong những phim truyền hình hay nhất mọi thời đại.↩
Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (income statement), dòng cuối cùng (bottom line) là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh trong một giai đoạn.↩
Thuế lũy tiến là loại thuế có thuế suất tăng lên khi phần có thể đánh thuế được tăng lên. Ví dụ, với thuế thu nhập lũy tiến, người có thu nhập càng cao sẽ trả mức thuế suất cao hơn so với người có thu nhập thấp.↩
Ám chỉ người phụ nữ trở nên ám ảnh với từng chi tiết của đám cưới của họ. Là từ ghép của bride (cô dâu) và Godzilla (một quái vật trong phim Nhật Bản).↩
Đối với các thí nghiệm khoa học, nhóm kiểm soát là nhóm không bị tác động từ thí nghiệm. Mục đích dể tạo ra một thang đo để so sánh tác động của thí nghiệm.↩