Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Arwa Mahdawi | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Hằng | Hiệu đính:  Za
01/12/2018
Các công việc không tự dưng biến mất, chúng chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác. Những ai không cập nhật những kỹ năng công việc mới để thích ứng thì hiển nhiên sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc.

Những con rô-bốt đang đến! Những con rô-bốt đang đến!

Các báo cáo thường kỳ cảnh báo chúng ta rằng một cuộc biến động lớn đến từ việc tự động hóa đang đến gần. Vào tháng Giêng, một nghiên cứu của công ty McKinsey đã chỉ ra khoảng 30% công việc trong 60% các ngành nghề có khả năng sẽ được tự động hóa. Năm ngoái, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Anh Quốc nói rằng 80 triệu công việc ở Hoa Kỳ và 15 triệu công việc ở Anh Quốc có thể sẽ được thay thế bởi rô-bốt.

Hiển nhiên là không phải tất cả các ngành nghề được cấu thành đồng đều như nhau. Năm 2013, một nghiên cứu được nhiều trích dẫn của Đại học Oxford có tên Tương lai của việc làm đã xem xét 702 ngành nghề phổ biến và nhận thấy rằng một số nghề, như tiếp thị qua điện thoại, nhân viên kê khai thuế và trọng tài thể thao – chịu một mức rủi ro cao hơn những ngành nghề khác như nhà trị liệu tinh thần1, nha sĩ và bác sĩ.

Công nghệ thực chất tạo ra nhiều công việc hơn là xóa sổ chúng. Trong quá khứ, những báo cáo về sự ra đi của các nghề nghiệp thường được phóng đại. Người ta gọi đây là lối Ngụy biện Người bảo thủ, có nguồn gốc từ thế kỷ 19 khi một nhóm các công nhân dệt may đập phá những cỗ máy dệt mới vì chúng đã khiến các kỹ năng của họ trở nên thừa thãi. Hơn nữa, công việc mà tự động hóa đã loại trừ trong 60 năm vừa qua chỉ có duy nhất một việc: điều phối viên thang máy.

Trong khi có nhiều dự đoán tích cực rằng công nghệ mới sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và đẩy lùi các tệ nạn, như dự đoán năm 1930 của nhà kinh tế học John Maynard Keynes cho rằng thời cháu chắt mình rồi sẽ đạt đến một tiêu chuẩn lý tưởng, đó là chỉ cần làm việc 15 giờ một tuần; điều này hóa ra lại quá trái ngược với thực tế đa số chúng ta hiện nay, làm việc 15 giờ một ngày thì may ra còn hợp lý.

Cuộc cách mạng công nghệ thời nay là một con mãnh thú khác hẳn so với thời cách mạng công nghiệp. Tốc độ của nó thay đổi chóng mặt theo cấp số mũ cùng với qui mô không ngừng mở rộng. Như Jerry Kaplan, viện sĩ thuộc Đại học Stanford, viết trong cuốn Con người không cần phải thích ứng: ngày nay tự động hóa là “một kẻ mù màu cổ áo2.” Bất kể bạn là một công nhân nhà máy, một cố vấn tài chính hay một nghệ sỹ thổi sáo chuyên nghiệp thì tự động hóa cũng sẽ tìm đến bạn như một lẽ tất yếu.

Những ngành nghề nào bị đe dọa nhiều nhất?

Trước khi đào quá sâu vào mảng tối u ám, ta cần nhấn mạnh rằng tự động hóa không đồng nghĩa với mất việc. Trao đổi với tôi qua điện thoại, Frey nhanh chóng chỉ ra rằng công việc của ông không hề đưa ra những dự đoán cụ thể như “47% công việc ở Mỹ sẽ biến mất.” Nó chỉ đơn thuần thể hiện rằng những công việc này sẽ phải trải qua quá trình tự động hóa.

Nói cách khác, các công việc không biến mất hoàn toàn, thay vào đó chúng sẽ được định hình lại. Dĩ nhiên, như Frey thừa nhận, “từ góc nhìn của người công nhân thì hai việc đó chẳng khác gì nhau là mấy” giữa công việc biến mất và công việc được định hình lại từ gốc rễ. Thường thì họ sẽ thiếu những bộ kỹ năng cần thiết cho vai trò mới và đằng nào thì cũng sẽ bị đào thải ra khỏi nghề nghiệp này.

Các công việc không biến mất hoàn toàn, thay vào đó chúng sẽ được định hình lại.

Giáo sư Richard Susskind, tác giả cuốn Tương lai các ngành nghề và những nhà luật sư tương lai, nhắc đi nhắc lại đặc điểm này: “Điều mà bạn sẽ thấy ở rất nhiều công việc là một hỗn hợp phối trộn các loại nhiệm vụ khác nhau.” Ông giải thích: “Vì vậy mà một luật sư ngày hôm nay không phát triển các hệ thống cung cấp lời tham vấn, nhưng người luật sư của năm 2025 thì sẽ làm điều đó. Họ sẽ vẫn được gọi là luật sư nhưng công việc họ làm sẽ rất khác.”

Vậy thì những nghề nghiệp nào có nguy cơ bị đào thải cao nhất?

Martin Ford, nhà tương lai học kiêm tác giả cuốn Sự trỗi dậy của Rô-bốt: Công nghệ và Mối nguy của một tương lai không có công ăn việc làm, giải thích những việc có mối nguy lớn nhất là những việc “thường nhật, lặp đi lặp lại và có tính chất dễ dự đoán.”

Lấy ví dụ việc tiếp thị qua điện thoại, đây là một công việc mang tính lặp lại cao và có 99% khả năng sẽ được tự động hóa theo báo cáo Tương lai của việc làm. Có lẽ bạn cũng đã nhận thấy sự xuất hiện phiền phức, ngày một nhiều của các con rô-bốt tự động trả lời điện thoại. Tính toán mức thuế, loại công việc gồm nhiều công đoạn xử lý các khối lượng lớn dữ liệu một cách hệ thống, cũng đối mặt với khả năng 99% sẽ được tự động hóa. Thực ra thì công nghệ đã và đang tính thuế của chúng ta: H&B Block, một trong những nhà cung cấp dịch vụ báo cáo thuế lớn nhất Hoa Kỳ, hiện đang dùng Watson, một phần mềm hoạt động trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence (AI))3.

Rô-bốt cũng sẽ thay thế những công việc lặp đi lặp lại trong các ngành như ngành Luật, với 94% khả năng công việc của các phụ tá pháp lý và trợ lý luật sư sẽ được tự động hóa. Theo một báo cáo gần đây của Deloitte, hơn 100.000 công việc trong ngành luật có nguy cơ cao sẽ được tự động hóa trong vòng 20 năm tới.

Đầu bếp thức ăn nhanh cũng đối mặt với 81% khả năng bị thay thế bởi những con rô-bốt như Flippy, một phụ bếp AI đang có hẳn một công việc lật bánh mỳ kẹp trong chuỗi nhà hàng của CaliBurger.

Cơ mà đợi đã! Vậy những việc nào sẽ an toàn khỏi đám rô-bốt?

Ford, nhà tương lai học, phân loại các công việc có tính linh hoạt cao thành ba lĩnh vực.

Loại đầu tiên là những công việc gồm “hoạt động sáng tạo thuần túy như làm một nghệ sỹ, nhà khoa học hay phát triển một chiến lược kinh doanh.” Ford lưu ý rằng: “Hiện tại, con người vẫn giỏi nhất trong việc sáng tạo. Tuy nhiên, với những dấu hiệu, tôi không dám chắc rằng trong 20 năm tới lực lượng sáng tạo nhất hành tinh này lại không phải là một chiếc máy tính. Đã có rồi những chiếc máy tính có thể vẽ những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản. Vậy 20 năm nữa ai biết được chúng sẽ đi xa tới cỡ nào?”

Lĩnh vực thứ hai là những nghề nghiệp liên quan tới việc xây dựng mối quan hệ phức tạp với con người, ví dụ như y tá, hoặc một vị trí trong doanh nghiệp đòi hỏi bạn phải hình thành mối quan hệ thân thiết với khách hàng.

Lĩnh vực thứ ba là các công việc mang nhiều tính chất khó dự đoán, ví dụ như một người thợ ống nước được gọi vào các trường hợp khẩn cấp ở những địa điểm khác nhau.

Bạn có thể thấy những yếu tố trên ở những công việc được xác định là có mối nguy thấp nhất sẽ được tự động hóa theo nghiên cứu Tương lai của việc làm, bao gồm nhà trị liệu tinh thần (recreational therapist)4, giám sát viên cơ khí, nhà trị liệu phục hồi chức năng (occupational therapist)5 và nhân viên y tế cộng đồng.

Mặc dù làm việc trong ngành sáng tạo hay những nghề lấy con người làm trung tâm có thể giữ công việc của bạn an toàn trong khoảng 10 năm tới, vẫn rất khó để dự đoán được tương lai của 20 năm sau. Susskind nhấn mạnh rằng chúng ta thật sự nên cẩn thận với cái cách mà ta xem nhẹ việc máy tính sẽ thay đổi sân chơi của thế giới công việc.

Mặc dù làm việc trong ngành sáng tạo hay những nghề lấy con người làm trung tâm có thể giữ công việc của bạn an toàn trong khoảng 10 năm tới, vẫn rất khó để dự đoán được tương lai của 20 năm sau. Ảnh: Unsplash

Bà tin tưởng rằng những năm sau 2020 sẽ không phải là thập niên của nạn thất nghiệp, mà là tái định hình nghề nghiệp. Tuy vậy, bức tranh xa hơn nữa lại quá đỗi mờ mịt: “Tôi không nghĩ bất kỳ ai có đủ tự tin để dự đoán xa đến vậy.” Bà Susskind cũng lưu ý: “chúng ta đinh ninh rằng sự tồn tại của con người là không thể nào thay thế,” nhưng các cỗ máy đã và đang làm những việc mà chúng ta từng nghĩ chỉ có con người mới làm được. Điển hình như chúng soạn nhạc, và đánh bại các đấu thủ chuyên nghiệp trong các môn cờ phức tạp với những nước đi đầy sáng tạo.

Chúng thậm chí còn đang giúp đỡ mối quan hệ của chúng ta với thánh thần. Mặc dù giới tăng lữ chỉ có 0,81% khả năng được tự động hóa, theo số liệu của Tương lai của việc làm, Susskind tin rằng các thuật toán một ngày nào đó sẽ thay thế cả các tăng lữ. Bà lưu ý rằng đã có những ứng dụng như Confession cung cấp “những lựa chọn phong phú để dõi theo dấu vết của tội lỗi.”

Mặc dù chúng ta đã chỉ điểm rô-bốt rất nhiều, ta nên nhớ rằng tự động hóa không phải hiện tượng duy nhất tác động lên thị trường việc làm. Saadia Zahidi, trưởng ban sáng kiến giáo dục, vấn đề giới tính và hệ thống công việc ở Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF), phát biểu rằng chúng ta “không nên quên rằng có rất nhiều dòng lực thay đổi khác.”

Một báo cáo năm 2016 của WEF xác định các dòng lực đó gồm biến đổi khí hậu, sự gia tăng giới trung lưu ở các thị trường mới nổi, dân số già ở một số khu vực châu Âu và Đông Á, khát khao thay đổi của nữ giới là những nhân tố sẽ tác động lớn đến việc làm. “Chính sự hội tụ của những dòng lực thay đổi này sẽ dẫn đến sự phân rã của thị thường lao động,” Zahidi lưu ý.

Chính sự hội tụ của những dòng lực thay đổi sẽ dẫn đến sự phân rã của thị thường lao động.

Báo cáo trên cảnh báo rằng chúng ta sẽ sớm được chứng kiến sự chia tách đến từ tự động hóa. Zahidi giải thích:” Ba năm tới đây sẽ là khoảng thời gian đầy biến động với nhiều mất mát hơn là thành tựu. Điều này không hề ám chỉ rằng sẽ có nhiều công ăn việc làm mất đi. Nhưng nếu chúng ta không hành động gì cả thì đó đích thị sẽ là tương lai đang chờ sẵn.”

Tự động hóa có thể làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng giới. Phụ nữ chiếm tỉ lệ thấp trong số những người sẽ đi sâu vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư, toán và công nghệ thông tin, những ngành sẽ cần nhiều nhân lực trong tương lai. Mặt khác, Zahidi lưu ý rằng sẽ có xu hướng có nhiều phụ nữ hơn trong các ngành nghề cần sự chăm sóc, như y tế và giáo dục, những ngành ít có nguy cơ bị tự động hóa.

Về lâu dài, phụ nữ có thể được lợi nhiều hơn từ thay đổi công nghệ. Một báo cáo gần đây của PricewaterhouseCoopers phát hiện ra rằng tự động hóa có nguy cơ cao hơn ở các công việc của đàn ông hơn là của phụ nữ, đặc biệt với bộ phận có trình độ giáo dục thấp hơn.
Vậy thì bạn có thể làm gì để trang bị cho bản thân trước những gì sắp xảy ra?

Justin Tobin, sáng lập công ty tham vấn cải tiến DDG, nói ông tin rằng: “Ngày càng nhiều người có tư duy độc lập nhận ra rằng làm một nhân viên đồng nghĩa với việc đặt tất cả tiền vào một loại cổ phiếu – một chiến lược tốt hơn đó là đa dạng hóa các khoản mục đầu tư. Vì vậy mà bạn sẽ thấy càng nhiều người tìm cách đa dạng hóa nghề nghiệp của mình.” Faith Popcorn, một nhà tương lai học, hưởng ứng ý tưởng rằng chúng ta đều sẽ phải trở nên nhạy bén nhất có thể và “có nhiều dạng tài năng và công việc để cung cấp cho nền kinh tế.”

Trong tương lai, bà nói, chúng ta đều sẽ có 7 hay 8 công việc, với người trưởng thành trung bình sẽ làm việc cho một số công ty cùng một lúc hơn là chỉ làm độc nhất cho một tập đoàn lớn.

“Chúng ta đang đứng ở trung tâm của một cuộc thay đổi càn quét tác động đến tất cả lực lượng trong xã hội,” Popcorn cảnh báo.

Dự đoán tương lai là kế sinh nhai của Popcorn, và bằng cách đó bà gần như trở thành một huyền thoại trong những năm vừa qua, nhưng kể cả vậy bà vẫn có vẻ hơi lưỡng lự về nhịp độ thay đổi ngày nay. Bà nói với một tiếng thở dài mệt nhọc: “Nó chỉ khiến bạn muốn nốc thêm rượu mà thôi.”


  1. Phương pháp trị liệu tinh thần (recreational therapy) là một quá trình có tính hệ thống ứng dụng sự can thiệp của các hoạt động giải trí (như thể thao, âm nhạc) hướng tới các nhu cầu thiết yếu của người điều trị là bệnh nhân hay người tàn tật, như một cách để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, hạnh phúc và phục hồi chức năng.
    Nguồn: https://nctrc.org/about-ncrtc/about-recreational-therapy/

  2. Các nhóm lao động được phân loại bằng cách gọi màu sắc cổ áo. Áo cổ trắng dùng cho giới nhân viên văn phòng trong khi áo cổ xanh là công nhân hay lao động phổ thông. Áo cổ hồng dành cho những người làm việc trong ngành dịch vụ. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Designation_of_workers_by_collar_color

  3. Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,….
    Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_tu%E1%BB%87_nh%C3%A2n_t%E1%BA%A1o

  4. Phương pháp trị liệu tinh thần (recreational therapy) là một quá trình có tính hệ thống ứng dụng sự can thiệp của các hoạt động giải trí (như thể thao, âm nhạc) hướng tới các nhu cầu thiết yếu của người điều trị là bệnh nhân hay người tàn tật, như một cách để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, hạnh phúc và phục hồi chức năng.
    Nguồn: https://nctrc.org/about-ncrtc/about-recreational-therapy/

  5. Phương pháp trị liệu phục hồi chức năng (occupational therapy) dựa trên sự tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa trong đời sống (như kỹ năng chăm sóc bản thân, giáo dục, công việc, hay giao tiếp) cho đối tượng điều trị có những khiếm khuyết, giảm sút, hay tổn thương trong chức năng cơ thể hay tinh thần, với mục đích đặc biệt tạo điều kiện hoặc khuyến khích họ tham gia vào những hoạt động này.
    Nguồn: https://www.merriam-webster.com/dictionary/occupational%20therapy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất