Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Miya Tokumitsu | Nguồn: Jacobin
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Dexter
29/12/2016

“Theo đuổi đam mê.”

Câu khẩu hiệu được đóng khung và đặt trong một phòng khách có thể coi là “có thiết kế đẹp.” Bức ảnh của căn phòng này xuất hiện lần đầu tiên trên một blog thiết kế nổi tiếng, nhưng cho tới bây giờ, nó đã nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên Pinterest, Tumblr và Facebook.

Căn phòng được chiếu sáng và chụp lại rất lung linh. Nó được thiết kế nhằm tạo cảm hứng Sehnsucht – một từ tiếng Đức được dịch nôm na là niềm khao khát dễ chịu đối với những đồ vật hay nơi chốn lý tưởng đến không thật. Mặc dù trên thực tế, căn phòng này biến sự bóp méo lao động thành nơi thư giãn, nhưng những phòng khách theo kiểu “theo đuổi đam mê” – nơi đầy những vật trang trí thẩm mỹ và nơi công việc không phải việc kiếm sống mà là đam mê – đó chính là thứ mà tất cả nhũng người chia sẻ và “yêu thích” bức hình đều mong ước có được. Bức hình đôi này (“Do what you love” và “Love what you do”) cho thấy một phiên bản vô thần của một nhà thờ thời trung cổ.

Không nghi ngờ gì nữa, “theo đuổi đam mê” chính là lời niệm chú không chính thức của thời đại chúng ta. Vấn đề là, suy nghĩ này không những không giúp chúng ta được cứu rỗi, mà còn khiến giá trị của lao động thực sự bị suy giảm – bao gồm cả giá trị của những công việc lao động mà nó có vẻ như đang cổ vũ. Hơn thế nữa, nó làm giảm giá trị của số đông người lao động.

Một cách hời hợt, “theo đuổi đam mê” khuyên nhủ, khích lệ và khiến chúng ta phải suy nghĩ xem điều gì làm cho bản thân cảm thấy thích thú nhất và biến việc đó thành cỗ máy sinh lợi. Những tại sao sở thích của chúng ta lại phải vì lợi nhuận? Những ai là đối tượng nhắm đến của câu châm ngôn này? Những ai thì không?

Bằng việc khiến chúng ta chú trọng vào bản thân và hạnh phúc cá nhân, “theo đuổi đam mê” làm chúng ta quên đi điều kiện làm việc của những người khác đồng thời hợp lí hóa quyết định của bản thân và giải thoát chúng ta khỏi sự gò ép phải làm theo tất cả những người “phải làm việc,” không cần biết họ có yêu thích công việc mình làm hay không. Đó là sự liên kết bí mật giữa những người có điều kiện và thế giới quan của những kẻ ưu tú ngụy trang dưới lớp vỏ là sự hoàn thiện bản thân đầy danh giá. Theo cách suy nghĩ này, lao động không phải việc ta làm để được trả công mà là một hành động của sự quý trọng bản thân. Nếu như họ làm việc vì đam mê mà không có lợi nhuận thì đó là do họ chưa đủ đam mê và ý chí. Thành công thực sự của tư tưởng này là việc nó khiến người lao động tin rằng công việc của họ phục vụ cho bản thân họ chứ không phải là cho thị trường.

Câu cách ngôn này có vô số nguồn gốc và biến thể, nhưng bản chất chung chung và lặp đi lặp lại của nó khiến việc ghi nhận nguồn chính xác trở nên khó khăn. Oxford Reference cho rằng câu nói này và những biến thể của nó có liên quan tới Martina Navratilova1 và François Rabelais2 và vài người khác nữa. Trên mạng, người ta thường cho rằng nó bắt nguồn từ Nho giáo, trong một bối cảnh quá khứ mơ hồ, đậm chất phương Đông. Oprah Winfrey và những kẻ “buôn bán niềm tin” luôn kết luận như thế trong những bài diễn thuyết của họ suốt hàng chục năm trời, tuy nhiên nhân vật quan trọng nhất giúp truyền bá cho tín ngưỡng “theo đuổi đam mê” chính là cố giám đốc điều hành Apple – Steve Jobs.

Đó là sự liên kết bí mật giữa những người có điều kiện và thế giới quan của những kẻ ưu tú ngụy trang dưới lớp vỏ là sự hoàn thiện bản thân đầy danh giá.

Bài phát biểu của ông3 trong lễ tốt nghiệp khóa 2005 tại Đại học Stanford cũng hấp dẫn không kém bất kì câu chuyện thần thoại nào khác, đặc biệt là khi Jobs vốn đã được phong là cha đẻ của sự mĩ miều hóa công việc rất lâu trước khi ông qua đời. Trong bài phát biểu, Jobs kể lại sự hình thành của Apple và thêm vào đó đôi dòng suy ngẫm sau:

“Bạn phải tìm ra điều mà bạn say mê. Điều này áp dụng cho cả chuyện tình cảm cũng như sự nghiệp của bạn. Công việc của bạn sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn, cách duy nhất để cảm thấy thật sự toại nguyện chính là làm những điều bạn tin là tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm điều tuyệt vời chính là yêu công việc bạn đang làm.”

Trong chỉ bốn câu, từ “bạn” đã xuất hiện tám lần. Không hề ngạc nhiên tí nào khi lời nói chú trọng vào cá nhân này được phát ra từ Jobs – một người đã cố công xây dựng hình ảnh đặc trưng của bản thân như một người lao động: truyền cảm hứng, giản dị và nhiệt huyết – tất cả những cảm xúc tương tự như trong tình yêu lãng mạn lý tưởng. Jobs đã cho thấy sự kết hợp cái tôi hăng say lao động với hình ảnh công ty của mình hiệu quả đến mức cái áo cổ lọ đen và quần bò xanh của ông đã thành một hoán dụ cho cả Apple và những người đang làm việc cho công ty.

Nhưng bằng cách miêu tả Apple như một thành quả của niềm yêu thích cá nhân, Jobs làm lu mờ đi công sức của hàng nghìn người làm việc ở những nhà máy của Apple, những hình ảnh được ém nhẹm dễ dàng ở nơi tận phía bên kia bán cầu – những người lao động đã giúp ông có thể hiện thực hóa đam mê của mình.

Tính xúc phạm của sự xóa bỏ này cần được lên án. “Theo đuổi đam mê” nghe có vẻ vô hại và cao cả, nhưng nói cho cùng nó chính là sự chú trọng vào bản thân đến mức ái kỉ. Công thức “theo đuổi đam mê” của Jobs là phiên bản đối lập đáng buồn với viễn cảnh lý tưởng của Henry David Thoreau4 về lao động. Trong cuốn “Life without Principle” (Tạm dịch: Sống không luật lệ), Thoreau viết:

“… sẽ rất tốt cho kinh tế ở một nơi nếu có thể trả công cho người lao động thật hậu hĩnh đến mức họ không còn cảm thấy như mình đang phải làm việc đơn thuần vì tồn tại, mà là làm việc vì mục đích khoa học thậm chí là nhân đạo. Đừng thuê một người làm việc chỉ vì tiền, mà hãy thuê một người làm việc vì tình yêu của họ cho công việc.”

Phải đồng ý là Thoreau không hiểu những người thuộc giai cấp vô sản (thật khó để tưởng tượng một người rửa bỉm “vì mục đích khoa học, thậm chí là nhân đạo,” dù nó có được trả công hậu hĩnh như thế nào). Nhưng ông vẫn khẳng định rằng xã hội có trách nhiệm khiến cho lao động trở nên ý nghĩa và được trả công xứng đáng. Trái lại, những người theo học thuyết của Jobs ở thế kỉ hai mốt coi nhu cầu của tất cả chúng ta đều vì bản thân. Điều này miễn cho chúng ta khỏi bất kì ràng buộc hay bận tâm đến thế giới bên ngoài, nó cho thấy sự bất nhất trong nền tảng của tất cả những người lao động, dù họ có tiếp nhận suy nghĩ này một cách tỉnh táo hay không.

Một hệ quả khác của sự cô lập này là chia rẽ giữa những người lao động – tạo ra bởi chính suy nghĩ “theo đuổi đam mê.” Ranh giới tạo ra gần như trùng với ranh giới giữa các tầng lớp xã hội. Lao động sẽ được chia ra làm hai loại: một loại “hấp dẫn” (công việc sáng tạo, trí thức, được xã hội coi trọng) và một loại không có được những yếu tố trên (lặp đi lặp lại, không trí thức, không nổi bật). Những người có công việc thuộc loại “hấp dẫn” thường là những người có lợi thế hơn về mặt của cải, địa vị xã hội, giáo dục, thiên vị chủng tộc, tầm ảnh hưởng chính trị, và họ chỉ là một phần thiểu số của lực lượng lao động.

Đối với những người buộc phải làm những công việc không hấp dẫn, điều này mang một ý nghĩa khác. Theo như tôn chỉ của “theo đuổi đam mê,” công việc làm vì mục đích và nhu cầu khác ngoài sự đam mê ra (thật ra, đa số mọi công việc đều như thế) không chỉ đáng hổ thẹn mà còn phải bị xóa sổ. Như trong bài phát biểu của Jobs, những công việc tẻ nhạt nhưng cần thiết cho xã hội bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi nhận thức.

Hãy nghĩ đến các vô số những công việc đã giúp Jobs có thể hoàn thành công việc dù chỉ trong một ngày của một CEO: đồ ăn của ông được thu hoạch từ những cánh đồng, rồi được vận chuyển qua những quãng đường rất xa. Những sản phẩm của công ty ông được lắp ghép, sản xuất, đóng gói, vận chuyển. Quảng cáo của Apple được lên kịch bản, tuyển chọn diễn viên và quay. Những vụ kiện cáo được xử lí. Những sọt rác ở văn phòng được trút sạch, mực máy in được đổ đầy. Sự sáng tạo trong công việc cần cả hai. Khi mà đa số những người lao động vô hình trong mắt giới tinh hoa đang bù đầu vào những công việc đáng mến của họ, chả lấy gì làm lạ nếu những vẫn đề nghiêm trọng mà những người lao động ngày nay phải đối mặt (đồng lương mạt hạng, những khoản chi phí khổng lồ dành ra cho việc nuôi trẻ, vân vân…) không được coi như là một vấn đề chính trị ngay cả đối với bộ phận theo chủ nghĩa tiến bộ của tầng lớp thống trị?

Làm ngơ trước số đông lao động và xếp loại những công việc còn lại là đam mê, theo đuổi đam mê chính là lý tưởng phản lao động mang vẻ tao nhã nhất từng thấy. Tại sao những người lao động phải tụ hội và đòi quyền lợi của giai cấp nếu như không có cái gọi là việc làm?

Sự thật là khả năng theo đuổi sự nghiệp đơn thuần chỉ vì niềm yêu thích cá nhân chính là một đặc ân được ban phát bất công, là biểu hiện của vị thế kinh tế – xã hội của một người.

Theo đuổi đam mê là lớp vỏ bọc. Sự thật là khả năng theo đuổi sự nghiệp đơn thuần chỉ vì niềm yêu thích cá nhân chính là một đặc ân được ban phát bất công, là biểu hiện của vị thế kinh tế – xã hội của một người. Ngay cả khi một nhà thiết kế đồ họa tự do có bố mẹ là hậu thuẫn để chi trả cho việc học ở một trường mỹ thuật và kí hợp đồng thuê một căn hộ hào nhoáng ở Brooklyn thì cô ta vẫn có thể huênh hoang ban phát lời khuyên sự nghiệp cho những người ham muốn có được thành công như của cô ta – “hãy theo đuổi đam mê.”

Nếu chúng ta tin rằng cứ phải là một nhà khởi nghiệp ở Sillicon Valley hoặc một nhà báo hay thành viên của một viện nghiên cứu và tư vấn chính sách (think-tank) mới là sống thật với chính mình – hay đúng hơn là yêu bản thân mình – thế ta hiểu gì về tâm sự và hi vọng của những người dọn dẹp phòng khách sạn và những người xếp đồ ở siêu thị? Câu trả lời là: không gì cả.

Tuy nhiên, những công việc vất vả lương thấp đó chính là những gì người Mỹ đang và sẽ làm. Theo Cục Thống Kê Lao Động Mỹ (the US Bureau of Labor Statistics), phụ tá chăm sóc cá nhân và chăm sóc tại gia là hai công việc phát triển nhanh nhất theo dự kiến trước năm 2020, với mức lương trung bình lần lượt là 19.640 và 20.560 đô la Mỹ mỗi năm vào 2010. Tâng bốc vài ngành nghề nhất định như một thứ xứng đáng với đam mê chắc chắn dẫn đến việc đánh giá thấp những công việc nhàm chán nhưng giúp xã hội vận hành, đặc biệt là đóng góp quan trọng của những người làm nghề chăm sóc.

Nếu như “theo đuổi đam mê” hạ thấp hay khiến cho bộ phận lớn công việc giúp chúng ta có cuộc sống tiện nghi và có thể theo đuổi sở thích trở nên vô hình, nó đồng thời cũng làm tổn hại không ít đến những ngành nghề có vẻ được nó cổ vũ, đặc biệt những nghề xuất hiện trong khuôn khổ giới tri thức. Những tín đồ của câu khẩu hiệu “theo đuổi đam mê” trong giới học thuật là người người hứng chịu nhiều nhất. Những người học bằng tiến sĩ ở những năm giữa thập kỉ trước từ bỏ công việc dễ kiếm tiền ở lĩnh vực như tài chính, luật (bây giờ đã khó hơn chút xíu) và sống với đồng lương khiêm tốn để theo đuổi đam mê nghiên cứu thần thoại Bắc Âu hay lịch sử âm nhạc Afro-Cuba.5

Phần thưởng cho việc đi theo tiếng gọi cao cả này chính là thị trường tuyển dụng của giới học thuật với 41% giảng viên ở Mỹ là giảng viên hợp đồng – những giảng viên hợp đồng lương thấp, không văn phòng, không bảo hộ việc làm, không có cổ phần dài hạn ở trường nơi họ công tác.

Có nhiều lí do khiến cho những vị tiến sĩ mặc dù là một lao động chuyên nghiệp nhưng chấp nhận mức lương cực kì thấp, trong đó có sự lệ thuộc vào con đường họ đã chọn6 và những chi phí chìm7 để lấy được một tấm bằng tiến sĩ (hay nói cách khác là họ đã đổ quá nhiều công sức và tiền bạc vào việc theo đuổi tấm bằng tiến sĩ, điều đó khiến họ rất khó có thể nghĩ tới việc từ bỏ ngành của họ), nhưng yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là tư tưởng “theo đuổi đam mê” đã ăn sâu trong giới học thuật. Trong một số ngành, sự liên kết giữa danh tính cá nhân với kết quả công việc của những người làm nghề đó rất chặt chẽ. Chính cách định danh này là lí do tại sao có khá nhiều giảng viên cánh tả này lại im lặng một cách kì lạ trước điều kiện làm việc của những đồng nghiệp của họ. Là vì nghiên cứu khoa học thì cần phải được thực hiện bằng đam mê đơn thuần, điều kiện thực tế và lương thưởng chỉ là những thứ đến sau, đó là nếu như chúng còn được xét đến.

Sarah Brouillette có viết trong cuốn “Academic Labor, the Aesthetics of Management, and the Promise of Autonomous Work” (Tạm dịch: Lao động học thuật, nghệ thuật quản lí và triển vọng làm việc độc lập) về những giảng viên học thuật như sau:

“… chúng tôi tin là công việc mình đang làm đem lại những phần thưởng không phải là vật chất, công việc là một phần quan trọng với danh tính của chúng tôi hơn với người làm một “công việc bình thường,” chúng khiến chúng tôi trở thành nhân viên lý tưởng, nhất là khi mục tiêu của công việc quản lý chính là tạo ra giá trị lao động cao nhất với chí phí nhỏ nhất.”

Nhiều học giả thích nghĩ rằng họ đã thoát được khỏi môi trường làm việc tập thể và những giá trị liên quan, tuy nhiên Marc Bousquet có lưu ý một điều trong bài luận “We work” (Tạm dịch: Chúng ta lao động) rằng họ – những học giả lại chính là hình mẫu cho việc quản lý tập thể:

“Làm thế nào để phỏng theo môi trường làm việc học thuật và khiến cho người ta làm việc ở tần suất trí tuệ và mức độ căng thẳng về mặt tinh thần cao trong năm mươi đến sáu mươi giờ một tuần với đồng lương chỉ bằng một tay pha rượu? Có cách nào khiến nhân viên trở nên mê mải trên bàn làm việc, miệng vẫn lẩm bẩm “Tôi đam mê công việc của mình” như lời đáp lại khối lượng công việc cứ tăng lên và lương lậu thì cử giảm dần? Làm thế nào để ta khiến những công nhân của mình giống như những vị giảng viên đó và không nghĩ rằng họ “phải” làm việc? Làm thế nào chúng ta có thể điều chỉnh văn hóa công sở cho giống với văn hóa nơi giảng đường, để những nhân viên của chúng ta cũng say mê với công việc của mình?”

Điều này không có nghĩa là những công việc đem lại niềm vui nên bớt “vui” đi, mà là những công việc mang lại cảm giác thỏa mãn về tinh thần cũng vẫn là một công việc, dù nghĩ về nó như niềm vui cũng không thể thay đổi đi sự thật đó. Mặt khác, chối bỏ điều này chính là tiếp tay cho sự bóc lột luẩn quẩn và làm tổn hại đến tất cả mọi người lao động.

Mỉa mai là “theo đuổi đam mê” củng cố sự bóc lột ngay trong những ngành nghề được gọi là “đáng yêu” – những công việc mà việc làm thêm ngoài giờ không lương, lương thấp, hay không trả lương thành điều bình thường: những phóng viên được yêu cầu làm công việc thay cho những tay nhiếp ảnh đã bị sa thải, nhà báo thì phải pin và tweet ngay cả vào cuối tuần, và 46 phần trăm lao động phải kiểm tra email công việc dù trong những ngày nghỉ ốm. Không có gì khiến sự bóc lột dễ dàng hơn việc khiến nhân viên tin rằng họ đang làm việc vì đam mê.

Thay vì tạo nên một thể chế của những người lao động hạnh phúc, thỏa mãn, thời buổi “theo đuổi đam mê” phải đối mặt với sự lên ngôi của giảng viên hợp đồng và công việc thực tập không lương – những người bị thuyết phục để làm việc với lương thấp hoặc miễn phí, thậm chí nguy cơ lỗ ròng tài sản. Đây chính là thực trạng của tất cả những công việc thực tập để lấy tín chỉ trong trường đại học hay những người thậm chí mua công việc thực tập cực đáng ngưỡng mộ ở những nhà mốt qua cuộc đấu giá. (Valentino và Balenciage là một trong số những hãng mang đấu giá những kì thực tập dài một tháng, đương nhiên là vì mục đích từ thiện.) Trường hợp thứ hai là “đỉnh cao” của sự bóc lột lao động, và như một nghiên cứu đang tiến hành của Pro Publica cho biết, những công việc thực tập không lương này đang phổ biến hơn bao giờ hết trong lực lượng lao động ở Mỹ.

Không có gì khiến sự bóc lột dễ dàng hơn việc khiến nhân viên tin rằng họ đang làm việc vì đam mê.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những công việc thực tập không lương tập trung vào những lĩnh vực rất được xã hội ngưỡng mộ như thời trang, truyền thông hay nghệ thuật. Những ngành công nghiệp này từ lâu đã quen với đa số những nhân viên sẵn lòng làm việc vì vị thế xã hội chứ không phải vì tiền lương thật sự, tất cả trên danh nghĩa của đam mê. Những người không có được những cơ hội này, đương nhiên, chính là phần đông dân số: những người phải làm việc vì tiền. Sự loại trừ này không chỉ cho thấy sự cứng nhắc về mặt kinh tế cũng như nghề nghiệp, mà khiến những ngành công nghiệp này không phải lắng nghe quan điểm đa dạng mà xã hội cần đáp ứng.

Theo như Madeleine Schwartz viết trong Dissent (tạm dịch: Bất đồng), không phải ngẫu nhiên mà những ngành công nghiệp dựa nhiều vào việc thực tập như thời trang, truyền thông, hay nghệ thuật lại là những ngành thiên về “tính nữ.” Một hậu quả tai hại nữa của “theo đuổi đam mê” là tác động đầy nhẫn tâm của nó khi được dùng để lôi kéo lượng nhân công nữ làm việc với lương thấp hoặc không công. Phần lớn lực lượng lao động giá thấp hoặc không lương chính là phụ nữ; ví dụ như những người làm nghề chăm sóc, giảng viên hợp đồng, thực tập không lương, số lượng phụ nữ nhiều hơn hẳn so với đàn ông. Điểm giống nhau giữa những công việc này, dù chúng được thực hiện bởi người tốt nghiệp phổ thông hay tiến sĩ, chính là niềm tin rằng tiền lương không phải là động lực chính khi làm công việc đó. Phụ nữ được coi là phải làm những việc đó vì họ là những người nuôi dưỡng bẩm sinh và vui vẻ làm hài lòng (người khác); sau tất cả họ vẫn đang làm những công việc như chăm sóc trẻ, người già và nội trợ mà không cần đền đáp từ lâu lắm rồi. Và nhận tiền cũng chả giống một quý cô tẹo nào.

Đúng với những lầm tưởng thường thấy ở Mỹ, ước mơ được theo đuổi đam mê chỉ mang vỏ bọc dân chủ. Những vị tiến sĩ có thể làm công việc họ yêu thích, tạo dựng một sự nghiệp có thể thỏa mãn đam mê của họ với văn học thời Victoria và viết những bài luận đầy suy ngẫm cho tờ New York Review of Books. Những người tốt nghiệp phổ thông cũng có thể làm điều tương tự, xây dựng một đế chế đồ ăn sẵn từ công thức làm mứt của dì Pearl. Con đường đầy hào quang của những người khởi nghiệp luôn mở ra con đường thoát khỏi điểm xuất phát không mấy thuận lợi, giải thích tại sao chúng ta chấp nhận để cho họ trở nên đáng thương đến như vậy. Ở Mỹ mọi người đều có cơ hội để làm những điều mình thích và trở nên giàu có.

Làm những gì bạn thích rồi bạn sẽ không phải mưu sinh dù chỉ một ngày trong suốt cuộc đời! Trước khi đầu hàng trước sự vỗ về tai hại của những hứa hẹn đó, cần phải cân nhắc: ai mới chính là người có lợi trong việc khiến cho việc làm không giống như một công việc? Tại sao những người công nhân nên cảm thấy như họ đang không phải lao động trong khi thực sự họ đang lao động? Nhà sử học Mario Liverani nhắc nhở chúng ta rằng “các hệ tư tưởng có vai trò giúp những người bị bóc lột nhìn thấy lợi ích của sự bóc lột đó.”

Bằng cách ngụy trang cho cơ chế bóc lột lao động mà nó đang thúc đẩy, “theo đuổi đam mê” thật sự là một công cụ lý tưởng cho chủ nghĩa tư bản. Nó hạ thấp giá trị lao động của những người khác và gán công việc lao động với chính bản thân chúng ta và che dấu đi sự thật rằng nếu chúng ta thừa nhận công việc là một nghề nghiệp, chúng ta có thể đặt ra những giới hạn, bao gồm một chế độ đãi ngộ công bằng, lịch làm việc “có tình người” cho phép có thời gian cho gia đình và thư giãn.

Và nếu chúng ta làm được điều đó, sẽ ngày càng nhiều người có thể dành thời gian để làm điều mình thực sự đam mê.


  1. Martina Navratilova (1956) là vận động viên tennis kì cựu người Mỹ gốc Séc. Bạn có thể tìm hiểu thêm về sự nghiệp của bà tại đây.

  2. François Rabelais (1494- 1553) là nột nhà văn lớn thời kì phục hưng của Pháp, ông được coi là một trong những người sáng tạo nên nền văn học hiện đại Châu Âu. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Francois tại đây.

  3. Bạn có thể xem bài phát biểu của Jobs tại đây.

  4. Henry David Thoreau (1817-1862) là triết gia nổi tiếng người Mỹ. Ông từng học ở Harvard, ủng hộ phong trào bãi nô, ủng hộ lối sống hướng về tự nhiên. Các tác phầm nổi tiếng của ông gồm có Walden, Civil Disobedience. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Thoreau tại đây.

  5.  Âm nhạc Afro-Cuba chỉ dòng nhạc của những người Cuba gốc Tây Phi, nó gồm hai loại chính là nhạc tôn giáo và trần tục (không liên quan đến tôn giáo).

  6. “Path dependency” là khát niệm chỉ một hiện tượng kinh tế, xã hội, trong đó người ta có xu hướng làm theo những gì đã có từ trước, đưa ra lựa chọn dựa theo thói quen cũ.

  7. “Sunk cost” là một khái niệm trong kinh tế, chỉ những chi phí đã được bỏ và không thể bù đắp được.

5 thoughts on “Nhân danh đam mê

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất