Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Loren Eiseley | Nguồn: The Immense Journey
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
08/08/2016
Phần 2 và cuối cùng trong bài viết kinh điển của tác giả Loren Eiseley. Đọc phần 1 tại đây.

Vài đêm trước tôi chợt thấm thía được là thế giới đã thay đổi nhiều kể từ thời đại xa xưa đó. Tôi tỉnh dậy bởi một tiếng động lạ trong phòng mình. Không phải một âm thanh nhỏ – không phải tiếng gỗ cọt kẹt, hay tiếng chuột bò – mà là một tiếng nổ xé rách màn đêm, tựa như là một bàn chân vô ý đã giẫm vỡ ly rượu vậy. Ngay tức thì tôi tỉnh giấc và nằm đó căng thẳng, nín thở. Tôi cố nghe cho ra một tiếng bước chân nữa. Không có.

Không chịu được nữa, tôi bật điện lên và đi từ phòng này sang phòng kia, bất an liếc nhìn đằng sau cái ghế, vào trong tủ quần áo. Chẳng có gì có vẻ bị động vào, và tôi đứng băn khoăn giữa phòng khách. Rồi mắt tôi bắt gặp một vật thể nhỏ hình cúc áo trên thảm. Nó cứng, láng và bóng. Suốt chiều dọc phòng có vài vật tương tự, lấp lánh như những con mắt nhỏ cảnh giác. Quả thông nằm trên đĩa đã bị thổi bay dọc cái bàn. Cái đĩa bản thân nó khó có thể là nguồn gốc của tiếng nổ. Cạnh đó tôi tìm thấy hai miếng dài như ruy-băng màu xanh nhung. Tôi cố ghép chúng lại thành một cái kén. Bọn chúng quả quyết xoắn khỏi nhau và không còn vừa nhau nữa.

Đến lúc đó thì tôi nằm dài trên ghế, vì đã giải quyết được bí ẩn của vụ nổ nửa đêm. Hai dải xoắn đó là quả của cây tử đằng (wisteria) tôi mang về một hai hôm trước và để trên đĩa. Chúng đã chọn thời khắc nửa đêm để nổ bung, rải rác nguồn vốn sự sống của chúng khắp căn phòng. Một cái cây, một thứ cố định, cắm rễ, bất động một chỗ, đã phát minh ra một cách để giải phóng hạt giống của nó qua không gian mở. Ngay lúc ấy, đi qua trước mắt tôi là cả triệu kén hạt cây bông tai (milkweed) nhẹ bỗng và những cái móc của loài cỏ sandbur. (Tôi nghĩ đến) hạt bám trên đuôi loài chó sói, hạt níu lấy áo khoác người thợ săn, loài thảo nhi gửi hạt cưỡi gió – tất cả đều đang bằng cách nào đó chiến thắng những giới hạn của sự sống. Vậy mà chúng không hề có khả năng làm được điều này ngay từ đầu. Đây là sản phẩm của những nỗ lực và thử nghiệm không ngừng.

Hạt của loài bồ công anh, với bộ lông nhẹ bẫng cưỡi gió đi đến vùng đất mới. Nguồn: Wikimedia.

Và đâu đó trong đây, tôi vừa nghĩ vừa chọc chọc một chiếc vỏ hạt đặc biệt cứng đầu của một loài cỏ dại, chứa đựng chính bản thân loài người.

Những cái hạt trên thảm nhà tôi sẽ không chịu nằm yên nơi chúng rơi xuống như người họ hàng xa xưa của chúng, những hạt trần trên vảy của quả thông. Chúng là những người du hành. Giật mình vì suy nghĩ này, hôm sau tôi đi ra ngoài và thu thập vài loại nữa. Tôi xếp chúng thành một hàng trên bàn mình – thật nhiều những viên nhộng đầy sự sống, có cánh, có móc, có gai. Tất cả đều là hạt kín, sản phẩm của những loài cây ra hoa đích thực. Những cái hộp này chứa đựng bí mật của vụ nổ kỷ Phấn trắng xa xôi đó, xảy ra cách đây một trăm triệu năm và đã thay đổi bộ mặt của Trái đất. Và đâu đó trong đây, tôi vừa nghĩ vừa chọc chọc một chiếc vỏ hạt đặc biệt cứng đầu của một loài cỏ dại, chứa đựng chính bản thân loài người.

§

Khi đóa hoa đơn giản đầu tiên hé nở trên một vùng đất trần trụi nào đó vào cuối Kỷ nguyên Khủng long, nó được thụ phấn nhờ gió, y hệt như những họ hàng quả thông của nó. Nó là một đóa hoa rất mờ nhạt, bởi vì nó vẫn chưa tiến hóa đạt đến được một phương thức chắc chắn hơn hấp dẫn chim chóc và côn trùng để có thể vận chuyển phấn hoa. Nó gieo phấn của chính mình và nhận lại phấn hoa của những bông hoa dựa vào cơn gió đỏng đảnh. Nhiều loài thực vật sống ở những vùng hiếm côn trùng đến ngày nay vẫn tuân theo quy tắc này. Dù sao đi chăng nữa, bông hoa đích thực – và thứ hạt nó sinh ra – là một phát kiến to lớn trong thế giới sống.

Rèm hoa tử đằng (wisteria) nổi tiếng tại Vườn hoa Ashigaka, Nhật Bản. Nguồn: Wikipedia.

Theo một cách nào đó thì sự kiện của thế giới thực vật này tương đồng với điều đã xảy ra trong thế giới động vật. Hãy nghĩ về khả năng sống sót tương đối của một quả trứng cá đặt ngoài cơ thể, đối lập với một quả trứng được thụ tinh trong của loài thú, được bao bọc cẩn thận hàng tháng trong cơ thể của con mẹ, đến khi con thú nhỏ (hoặc em bé) đã phát triển đến mức có thể sống sót được. Hao hụt trong trường hợp sau ít hơn – tương tự như với cây ra hoa. Bào tử nguyên thủy, một tế bào đơn được thụ tinh bởi một tinh trùng bơi lội, không khích lệ việc phân phối nhanh chóng, và cây con lại còn phải vật lộn đi lên từ bàn tay trắng. Chẳng ai để lại cho nó chút thức ăn, ngoại trừ số nó tự kiếm được mà không có trợ giúp.

Những hệ quả của phát kiến sinh học này thật nhiều không đếm xuể. Thực vật du ngoạn như chúng chưa bao giờ làm được trước đó.

Để tương phản thì, những cây ra hoa đích thực (từ angiosperm bản thân đã có nghĩa là “hạt được bao bọc”) vun đắp cho hạt giống nằm trong trái tim của một đóa hoa, được kích hoạt để phát triển bởi một hạt phấn thụ tinh, không bị phụ thuộc vào độ ẩm môi trường1. Nhưng hạt giống, khác với bào tử, vốn đã là một cái cây phôi thai được trang bị đầy đủ, đóng gói vào một cái hộp chứa đầy dinh dưỡng. Hơn thế nữa, với lông tơ đính kèm, như ở hạt bồ công anh hay hạt cây bông tai, chúng có thể bay lên cùng luồng gió mạnh và đi cùng gió xa hàng dặm; hoặc với những cái móc chúng có thể bám vào bộ lông của gấu hay của thỏ; hoặc như loài dâu rừng chúng có thể được bao phủ bởi lớp thịt quả mọng nước và hấp dẫn để quyến rũ loài chim chóc, trôi qua đường ruột của chúng mà không bị tiêu hóa, và trở lại với đất, cách xa cây mẹ nhiều dặm.

Những hệ quả của phát kiến sinh học này thật nhiều không đếm xuể. Thực vật du ngoạn như chúng chưa bao giờ làm được trước đó. Chúng đặt chân đến những môi trường lạ mà từ trước  đến nay chưa bao giờ có dấu vết của thực vật bào tử cổ xưa hay thực vật hạt-trần-quả-thông cứng nhắc. Những phôi thai no đủ được chăm sóc cẩn thận ngóc đầu lên ở mọi nơi. Nhiều loài thực vật cổ hơn với những cơ chế sinh sản nguyên thủy hơn dần biến mất trong cuộc đua bất cân xứng này. Chúng thu hẹp phạm vi của mình vào những vùng đất tách biệt hơn. Một số, như là loài thông gỗ đỏ, nán lại như những vết tích của thời xa xưa; nhiều loài thì biến mất hoàn toàn.

Thế giới của kẻ khổng lồ là một thế giới đang chết dần. Những hạt giống nhỏ bé ảo diệu nhảy nhót và bay lượn quanh những rừng già và thung lũng mang theo một khả năng thích nghi đáng kinh ngạc. Nếu không phải cả cuộc đời ta đã sống xung quanh chúng, điều này sẽ khiến ta phải sững sờ. Thế giới bằng gỗ cũ kỹ, cứng nhắc, cao đến tận trời đã biến hình thành một vùng đất với màu sắc lạ lùng rực sáng chỗ này góc kia, chế tạo ra những trái quả kỳ dị chưa ai nghe tới bao giờ và những vỏ hạt giống nhỏ bé nạm khắc tinh xảo, và, quan trọng nhất là, sản xuất ra thức ăn ở những nồng độ tập trung mà các lục địa chưa bao giờ được chứng kiến, hoặc thậm chí là mơ đến trong những ngày ăn-lá, xơi-cá của lũ khủng long.

Nếu không phải cả cuộc đời ta đã sống xung quanh chúng, điều này sẽ khiến ta phải sững sờ.

Lượng thức ăn đó đến từ ba nguồn, tất cả đều được sản xuất bởi cơ quan sinh sản của cây có hoa. Có những mật ngọt và phấn hoa mời gọi, vốn để hấp dẫn bọn côn trùng đến thụ phấn, và cũng đã một phần tạo ra loài chim ruồi, tác phẩm nạm ngọc tuyệt vời của tạo hóa. Có những quả mọng dụ dỗ để quyến rũ động vật lớn, bên trong giấu kín hạt giống với vỏ bọc cứng cáp, ví dụ như là quả cà chua. Rồi, dường như vẫn chưa đủ, có cả thức ăn ngay trong chính hạt giống, vốn là để dành nuôi dưỡng phôi thai cây. Vòng quanh thế giới, như là hạt ngô nóng hổi trong máy làm bắp rang, những sắc thái đa dạng khó tin của loài cây ra hoa cứ tiếp tục bùng nổ. Thực vật hạt kín đã chiếm lĩnh thế giới trong một nước đi gần như là tức thời, nếu dựa trên thời gian địa chất. Cỏ dần phủ kín bề mặt trần trụi của trái đất, và cho đến ngày nay đã có hơn sáu ngàn loài. Đủ loại dây leo và bụi rậm vặn vẹo và ngọ nguậy dưới những tán cây mới với hạt giống bay lượn.

Sự phát triển bùng nổ này cũng có những ảnh hưởng đến thế giới động vật. Những nhóm côn trùng chuyên môn hóa xuất hiện để tiêu thụ những nguồn thức ăn mới và, một cách tình cờ bất ngờ, để thụ phấn cho thực vật. Những bông hoa nở và nở rộ với những hình dáng ngày càng tráng lệ. Một số mang sắc trắng nhợt nhạt phi phàm để lôi cuốn lũ ngài đêm dưới ban tối chạng vạng, một số loài lan thậm chí còn mang lên mình mặt nạ tựa như con nhện cái để hấp dẫn lũ nhện đực lang thang, một số mang màu đỏ rực bùng cháy ban trưa hoặc lấp ló khiêm tốn giữa thảo nguyên. Những cơ chế tinh xảo vẩy phấn hoa lên ngực của loài chim ruồi, hoặc đặt trên bụng của những chú ong vo vo cần mẫn từ đóa này sang đóa kia. Mật ong chảy tràn, lũ côn trùng sinh sôi gấp bội, và đến cả con cháu của loài thằn lằn-chim cổ xưa đó cũng đã trở nên khác biệt lạ thường. Giờ đây được trang bị những cái mỏ dò tìm thay vì hàm răng cắn xé, chúng mổ hạt và nuốt chửng lũ côn trùng mà thực chất chính là mật hoa đã được chuyển đổi (thành một dạng sống khác).

Ong và hoa, mối quan hệ hợp tác ngàn đời. Nguồn: Unsplash.

Trải dọc hành tinh những thảo nguyên dần lan rộng. Sự dâng cao chậm chạp của lục địa, một phần của Kỷ nguyên Hoa, đã hạ nhiệt khí hậu Trái đất. Những con bò sát rình mò và những tiểu quỷ màu đen với bộ cánh da bay lượn trên các vách núi bờ biển đã biến mất. Giờ chỉ còn chim là dạo chơi trên không trung, những cái máy máu nóng và trao đổi chất tốc độ cao.

Các loài thú cũng sống sót và đang mò mẫm tiến vào những lãnh thổ mới, nhìn quanh có lẽ với chút kinh ngạc rằng chúng giờ đây là bá chủ bởi lũ thằn lằn chúa đã không còn. Nhiều trong số chúng, ban đầu là những động vặt gặm lá trong rừng, dần dà bò ra khám phá thế giới ngập tràn ánh sáng và cỏ cây mới này. Cỏ có hàm lượng silica lớn và yêu cầu một loại men răng mới rất cứng cáp, nhưng các hạt cỏ (note ở đây là hầu hết các thể loại ngũ cốc của nhân loại là loài cỏ) mà lũ động vật tình cờ nuốt vào lại rất giàu dinh dưỡng. Một thế giới mới mở ra cho loài thú máu nóng. Các loài ăn cỏ to lớn như voi mam-mút, ngựa và bò rừng xuất hiện. Lởn vởn quanh chúng là các loài thú ăn thịt hung bạo mới nổi lên như loài sói lớn (direwolves) nay đã tuyệt chủng, hay là loài báo răng kiếm.

Dù là động vật ăn thịt, những sinh vật này thực chất là được nuôi sống nhờ cỏ dại, chỉ là cách ra một bước (trong chuỗi thức ăn)2. Năng lượng hung dữ của chúng được duy trì ở một mức độ cao và hiệu quả, qua những ngày nóng bức và đêm giá lạnh, chính bằng nguồn năng lượng tập trung của thực vật hạt kín. Năng lượng này, ở vài loài ngũ cốc chiếm tới ba mươi phần trăm hoặc hơn trọng lượng toàn bộ cây, đang được tích trữ và cô đọng lại trong những kho chất béo và đạm giàu có của những đàn thú khổng lồ trên các thảo nguyên.

Ở bìa rừng, một loài vật kiểu cũ lạ kỳ vẫn còn đứng đó phân vân. Cơ thể nó là cơ thể của một cư dân sống trên cây, và mặc dù cứng cáp theo tiêu chuẩn con người, theo tiêu chuẩn của thế giới mà nó đang đứng nhìn thì nó lại là một thứ yếu đuối. Răng của nó, dù khỏe vì nhai quả cứng của rừng, hoặc thi thoảng là nghiền răng rắc một con chim mất cảnh giác nó bắt được với hai bàn tay cầm nắm của mình, không sánh được với cặp nanh cào xé của họ mèo khổng lồ. Nó có một sở thích là đu mình lên cao để quan sát, với một trí tò mò linh hoạt chẳng chịu ngồi yên. Nó có lúc chạy, với chút gượng gạo không chắc chắn, trên hai chân sau của mình, nhưng chỉ vào những lúc hiếm hoi mò mẫm xuống mặt đất. Tất cả là di sản của những ngày tháng leo trèo; nó có bàn tay với những ngón tay mềm dẻo linh động và chẳng có bốn vó chuyên biệt để mà có thể phi nước đại như cơn gió.

Trong thời khắc đó, những tòa tháp hoàng kim của loài người, những thành phố triệu dân, những bánh xe lăn tròn, những thư viện chất đầy kiến thức, lóe lên lờ mờ dưới hình bóng tổ tiên của lúa – một vài hạt giống trong một bàn tay vấy bùn.

Nếu nó có định cạnh tranh trong thế giới mới đó, tốt nhất là quên đi; răng sắc hay vó khỏe, nó đã đến quá muộn (để có thể bắt đầu rèn luyện đạt được một trong hai). Nó là một kẻ vô tích sự, nửa nọ nửa kia. Tạo hóa đã không ban phát nhiều cho nó. Cứ như là nàng đã lưỡng lự và chưa bao giờ quyết định được ra làm sao. Có lẽ vì thế mà mắt nó ánh lên một tia sáng sắc lẹm, cái nhìn của kẻ ở rìa xã hội, chẳng được chia phần và biết rằng hắn phải chiếm lấy bất cứ miếng ăn nào. Một ngày kia một bầy vượn – nó chính là loài vượn – lủi rủi mò ra bãi cỏ; câu chuyện của loài người đã bắt đầu.

Vượn rồi sẽ trở thành người, bằng trí tuệ khôn lường của thiên nhiên, chính bởi vì những bông hoa đã tạo ra hạt giống và quả với số lượng dồi dào đến mức một nguồn năng lượng mới hoàn toàn khác đã trở nên sẵn có. Dù loài khủng long chậm chạp, não bé có ấn tượng, thật khó tưởng tượng sự đa dạng sinh học dồi dào đang tràn ngập khắp hành tinh ngày nay lại có thể tồn tại trong kỷ nguyên của chúng. Cạnh một bờ suối trên thảm cỏ, một trong số những con vượn với những ngón tay tò mò đó lật ngửa một hòn đá cuội và mơ hồ nhấc nó lên. Cả lũ vượn rục rịch gọi nhau, dùng họng để tạo ra âm thanh, và dần tản mất qua lớp cỏ cao để đi kiếm hạt và côn trùng. Con vượn kia vẫn cầm, ngửi ngửi, và nhấc lên đặt xuống hòn đá nó đã tìm thấy. Nó thích cảm giác cầm viên đá này giữa những ngón tay. Cuộc tấn công thế giới động vật (bởi lũ vượn-thợ săn) chuẩn bị bắt đầu.

Người tiền sử với các công cụ đá và giáo mác đá. Nguồn: Wikimedia.

Nếu ta có thể chiếu câu chuyện của nhóm người đầu tiên đó qua một triệu năm như một bộ phim tua nhanh, ta có thể nhìn thấy hòn cuội trong tay đó biến thành chiếc rìu bay và ngọn đuốc. Hết thảy thế giới thảo nguyên đó với bò rừng và mam-mút khổng lồ của nó sẽ khuỵu xuống đổ nát để nuôi ăn dân số lớn dần và không thể thỏa mãn của một loài ăn thịt mà như loài mèo khổng lồ trước đó, đang lấy năng lượng gián tiếp từ cỏ cây. Sau này nó tìm thấy lửa và lửa đã đổi thay thứ thịt dai nhách và bòn rút nhanh hơn nữa năng lượng từ thức ăn vào một dạ dày còn chưa kịp thích nghi với chế độ ăn hung bạo mới này.

Tứ chi của nó ngày càng kéo dài, nó sải bước thêm quyết đoán trên thảo nguyên. Năng lượng lấy cắp đã mang con người đi khắp lục địa cuối cùng cũng sẽ thất bại. Những đàn thú hùng mạnh của Kỷ Băng hà lẽ tất nhiên rồi sẽ biến mất3. Khi đó, một bàn tay khác, như bàn tay đã cầm hòn cuội bên bờ suối ngày xưa, sẽ bứt một nắm hạt và nắm chúng đầy suy nghĩ4.

Trong thời khắc đó, những tòa tháp hoàng kim của loài người, những thành phố triệu dân, những bánh xe lăn tròn, những thư viện chất đầy kiến thức, lóe lên lờ mờ dưới hình bóng tổ tiên của lúa – một vài hạt giống trong một bàn tay vấy bùn. Nếu không có món quà của hoa và sự đa dạng vô hạn của quả, con người và chim chóc, nếu có tồn tại, sẽ chẳng ai nhận ra nổi. Loài Archaeopteryx, chính là loài thằn lằn-chim, có lẽ vẫn còn đang chộp lấy lũ bọ trên cành cây củ tùng; con người vẫn sẽ còn là loài ăn côn trùng gặm nhấm lũ gián dưới màn đêm. Sức nặng của một cánh hoa đã thay đổi bộ mặt thế giới và biến nó thành của chúng ta.


  1. Tác giả so sánh với phương thức thụ tinh của các loài thực vật cổ đại – luôn cần đến nguồn nước

  2. Nếu động vật ăn thịt ăn loài ăn cỏ, lũ này lại ăn cỏ, thì chẳng phải là toàn bộ thế giới động vât hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp sống bằng cỏ sao?

  3. Có lẽ tác giả nhắc đến việc các loài thú lớn châu Mỹ (và một số loài ở châu Âu) đa số tuyệt chủng sau kỷ Băng Hà gần nhất kết thúc, cách đấy khoảng 12 ngàn năm. Sự kiện này lại vô cùng trùng hợp với việc con người đặt chân đến châu lục này. Nếu mở rộng ra thì các loài thú lớn thú nhỏ từ vài ngàn năm trước và vẫn tiếp tục đến ngày nay đang dần tuyệt chủng dần vì ảnh hưởng của con người, trong một sự kiện được đặt tên là Holocene Extinction.

  4. Bình minh của kỷ nguyên nông nghiệp!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất