Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Linh Đan | Hiệu đính:  Nhi
12/09/2020

6h sáng, đều đặn mỗi ngày, meo meo meo…

Những tiếng kêu meo meo và tiếng cào cào nhẹ vào tấm chăn là một hỗn hợp âm thanh báo thức tuyệt vời. Bạn không thể chỉ thẳng tay ném chiếc “đồng hồ báo thức” ra khỏi giường để dập tắt những âm thanh này, mà nhất định phải mở mắt ra vuốt ve nó một cách tử tế và “tỏ ra” là bạn đã tỉnh dậy rồi thì mới mong được buông tha. “Chiếc đồng hồ báo thức” đấy không ai khác chính là sinh vật mang tên mèo – hoặc chó, thú cưng của bạn.

Thú cưng được hiểu đơn giản theo định nghĩa của từ điển Cambridge như sau: “một con vật được giữ trong nhà như một người bạn đồng hành và được đối xử tử tế” (an animal that is kept in the home as a companion and treated kindly). Nếu như ngày xưa, người ta nuôi mèo để bắt chuột và nuôi chó để canh nhà, thì trong những năm gần đây, thú cưng hầu như không còn phải làm những việc mà chúng vốn được thuần hóa để làm. Chúng không phải trông nhà, bắt chuột, và tuyệt đối không được nuôi làm thức ăn. Chúng dường như chỉ có một nhiệm vụ là quấn quýt bên chủ và trông thật đáng yêu. Đó là chưa kể đến việc thú cưng, đặc biệt là ở thành phố có những đặc quyền mà đồng loại của chúng trước đây không hề có: được chăm sóc kỹ càng, được tới spa cắt móng, được mua thuốc khi bị nấm, và thậm chí được… triệt sản khi đủ điều kiện về sức khỏe.

Rõ ràng, con người hiện đại không còn nuôi chó mèo với cùng lý do mà tổ tiên chúng ta đã thuần hóa chúng từ xa xưa. Liệu nuôi thú cưng giờ đây có phải là một việc làm vô bổ?


Từ rất lâu, con người đã thuần hóa loài chó. Vào khoảng 14.000 đến 15.000 năm trước, chó thậm chí còn được chôn cất cùng với chủ nhân của chúng. Người Hy Lạp cổ đại rất quan tâm đến việc đặt cho chó của họ những cái tên ý nghĩa; không có cái tên nào được ban tặng một cách ngẫu nhiên hoặc bất chợt. Không chỉ vậy, họ còn công khai khóc thương khi chúng chết, chôn cất long trọng, xây dựng bia mộ riêng và khắc lên đó những lời thân thương như đối với một con người. Một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ví dụ như dân tộc Cơ Tu, Bru, Xê Đăng và Pa Kô, thì coi chó như loài vật tổ. Truyền thuyết về ông tổ chó ngày nay được thể hiện ở tục thờ chó, trang phục và tóc theo kiểu chó (người Dao, người Cơ Tu,…), hay tục kiêng giết và ăn thịt chó (người Pa Cô).

Loài mèo cũng gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng của loài người từ thuở xa xưa. Một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ đại tôn sùng nhất – nữ thần Bastet, nữ thần của niềm vui, âm nhạc và gia đình – mang hình dáng của một người phụ nữ với đầu mèo. Theo những ghi chép về Ai Cập cổ đại, nếu xảy ra hỏa hoạn, người Ai Cập sẽ cứu mèo trước rồi mới tìm cách thoát thân. Ngoài ra, mèo cũng là loài vật hiếm hoi được họ ướp xác và chôn cất giống như con người.

Tượng mèo Ai Cập bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Michael C. Carlos thuộc Đại học Emory.

Thời cổ đại đã vậy, ngày nay chúng ta lại càng cuồng chó mèo hơn. Theo số liệu tính đến năm 2014, đã có hơn 2 triệu video mèo được đăng trên YouTube với gần 26 tỷ lượt xem. Điều này nghĩa là có trung bình 12.000 lượt xem cho mỗi video mèo, nhiều hơn bất kỳ danh mục nội dung nào khác trên YouTube. Thậm chí còn có các liên hoan trực tiếp hàng năm dành cho “những chú mèo Internet,” chẳng hạn như Liên hoan video về mèo trên Internet ở Minneapolis và Chicago và Liên hoan phim Feline Los Angeles.

Từ những năm 2014 – 2015 đến nay, số lượng và lượt xem video về mèo đã tăng khủng khiếp theo đà phát triển của Internet và mạng xã hội. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, số lượng thành viên tính đến tháng 10/2019 của một nhóm Facebook mang tên Đảo Mèo1 đã lên tới hơn 1,9 triệu người. Trên trang cá nhân Facebook của tôi, những video hay ảnh về mèo cũng luôn nhận về rất nhiều tương tác nhiệt tình như những lượt thả “love,” “haha” và các bình luận kể về thú cưng của mọi người.

Vì sao chó mèo lại hấp dẫn con người đến vậy? Bim (tên chú mèo cưng của tôi) thường nấc lên, hai vai rung rung và khóe mắt rớm nước như đang khóc khi chúng tôi ăn cá mà chưa cho nó ăn, hệt như một em bé đang vòi vĩnh, sao mà không động lòng cho được! Những biểu hiện này cũng xuất hiện khi tôi cho nó lên gác xép chơi nhưng lại tắt đèn đi xuống mà chưa kịp bế nó theo cùng (vào lúc Bim khoảng hơn hai tháng tuổi). Bim thích nhảy vào lòng tôi nằm, còn tôi thì yêu các đệm thịt hồng mềm mại trong lòng bàn chân nó. Tuy thế, thỉnh thoảng khi tôi vuốt ve thì Bim lại phản kháng mạnh mẽ bằng cách giơ móng vuốt cào và dùng răng cắn vào tay chân tôi. Sự kiêu kỳ đi kèm với sự nũng nịu kỳ lạ từ loài mèo làm tôi vừa ghét vừa thích thú với nó, cũng như không ngừng chơi đùa và chọc tức con mèo của mình vào mỗi cuối ngày khi đi làm về như một biện pháp giải trí.

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh thú cưng mang lại nhiều lợi ích rõ rệt về sức khỏe cả thể chất và tinh thần của con người. Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa chó và người chỉ ra rằng sự tương tác giữa người và chó, bao gồm những kích thích giác quan không độc hại, có thể làm giảm căng thẳng nhờ việc giải phóng oxytocin2 ở cả người và chó và tạo ra các hiệu ứng như giảm nồng độ cortisol3 và huyết áp. Một nghiên cứu năm 2015 của Miho Nagasawa (Khoa Khoa học Động vật và Công nghệ sinh học, Đại học Azabu, Sagamihara, Kanagawa, Nhật Bản) và cộng sự ghi nhận hành vi nhìn chằm chằm vào chủ tăng lên ở những con chó được cho ngửi oxytocin, dẫn đến sự gia tăng nồng độ oxytocin ở người và kéo theo đó là cảm xúc gắn bó thân thiết giữa chó và người – điều này giống như việc một đứa trẻ nhìn chăm chăm vào mẹ nó sẽ khiến lượng oxytocin ở hai người tăng lên. Một nghiên cứu cập nhật hơn vào năm 2017 của Maria Petersson (Khoa Y học Phân tử và Phẫu thuật, Học viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển) và cộng sự vẫn tiếp tục chỉ ra rằng sự tương tác giữa chủ và chó dẫn đến nồng độ oxytocin tăng cao ở cả hai, trong khi mức độ cortisol giảm ở chủ nhưng tăng ở chó, tức là nồng độ oxytocin của chủ và chó có liên quan chặt chẽ với nhau. Từ đó, có thể thấy rằng chủ và chó cảm thấy tích cực khi ở cạnh nhau và từ đó góp phần vào mối quan hệ lâu bền của loài người và loài chó.

Nuôi thú cưng không chỉ giúp cải thiện tinh thần bằng oxytocin, mà còn tốt cho sức khỏe theo một cách cổ điển: chúng giúp con người năng vận động hơn. Một con chó cần vận động từ 30 – 60 phút mỗi ngày; nếu bạn không đáp ứng được điều đó, chúng sẽ trở nên khó chịu, sủa ầm ĩ hoặc rên ư ử. Chính vì vậy, bạn sẽ thường xuyên phải dắt chúng đi dạo và vận động cùng chúng. Khi dắt chó của mình ra ngoài, bạn khó có thể đứng yên, bởi nếu để chó tự chạy thì nguy cơ nó biến mất rất cao, nên bạn cũng phải chạy cùng hoặc ít nhất là đi bộ cùng nó. Một nghiên cứu năm 2017 của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Đông Anglia đưa ra một kết luận thú vị: vào những ngày có điều kiện thời tiết xấu nhất, những người dắt chó đi dạo có mức độ vận động cao hơn 20% so với những người không nuôi chó và dành thời gian ngồi yên ít hơn 30 phút mỗi ngày. Có lẽ nuôi chó sẽ là một lựa chọn không tồi nếu bạn muốn tăng thời gian vận động mỗi ngày, chí ít là cho việc chạy bộ.

Dắt thú cưng ra ngoài còn mang lại những lợi ích ngoài việc giúp (hoặc ép buộc) bạn tập thể dục. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng quen thuộc này trên đường phố: một cô gái chạy bộ cùng chú chó lông xù của mình, và một anh chàng dắt chó cưng đi dạo chầm chậm từ hướng ngược lại. Hai con chó sủa nhặng lên khi đi ngang qua nhau hoặc lao vào cắn xé nhau một lúc. Hai người chủ dĩ nhiên sẽ ngăn cản bằng cách kéo chúng ra xa, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, họ phải cười và nói với nhau bâng quơ một vài câu đã. Đây là một ví dụ điển hình cho việc thú cưng giúp người chủ tăng tương tác xã hội bằng việc đóng vai trò là “người phá băng” (icebreaker) hay “chất xúc tác xã hội” (social lubricant).

Vào năm 2000, hai nhà nghiên cứu June McNicholas và Glyn M. Collis từ Khoa Tâm lý học của Đại học Warwick, Vương quốc Anh đã thực hiện một thí nghiệm như sau: họ hướng dẫn một chú chó đã được huấn luyện dẫn đường cho người mù cách để không thu hút sự chú ý và tỏ ra “bình thường” nhất có thể khi đi cùng với người tham gia thí nghiệm trong tất cả các hoạt động hàng ngày của người đó: đưa trẻ đến trường, đi làm ở trường đại học, sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Người làm thí nghiệm đóng vai trò quan sát và tự đảm bảo không chào hỏi mọi người hoặc tham gia vào hành vi có khả năng được hiểu là bắt đầu tương tác. Thí nghiệm kéo dài 10 ngày, trong đó có 5 ngày có sự tham gia của chú chó và 5 ngày không có sự góp mặt của nó. Kết quả là trong 206 lượt tương tác được ghi lại, 156 lượt diễn ra khi người tham gia thí nghiệm đi cùng chú chó, so với 50 lượt khi người này không đi cùng nó. Điều này cho thấy chó đóng vai trò là chất xúc tác xã hội mạnh mẽ ngay cả khi được huấn luyện để bỏ qua người qua đường hoặc những đối tượng tương tác tiềm năng.

Mối quan hệ giữa thú cưng với con người có thể được xem xét như một mối quan hệ tình cảm quan trọng, tương đương mối quan hệ bạn bè. Một số người còn cảm thấy rằng bạn bè có thể sẽ phán xét, nhưng thú cưng thì không, bởi vậy chúng là ứng cử viên sáng giá để bầu bạn khi họ cảm thấy căng thẳng, đặc biệt đối với những người có ít mối liên hệ xã hội. Điều này được ghi nhận trong một nghiên cứu do Karen Allen thuộc Trường Y Nha khoa, Đại học Bang New York tại Buffalo thực hiện về ảnh hưởng của thú cưng đến huyết áp của con người. Theo đó, một nhóm người được yêu cầu tính nhẩm – một hoạt động gây căng thẳng nhẹ – với sự xuất hiện của vợ/chồng hoặc thú cưng. Kết quả đo cho thấy huyết áp của những người này tăng trung bình từ 120/80 lên 155/100 khi có sự hiện diện của vợ hoặc chồng, trong khi chỉ tăng nhẹ lên 125/83 khi họ ở với thú cưng. Vậy là thú cưng còn giúp giảm áp lực hơn cả người thân.

Ảnh: Unsplash (Cindy Makonin).

Vào năm 2014, tại phòng chờ của Trung tâm Thú y AMC – một trung tâm dịch vụ thú y tiên tiến – một nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh để xác định vai trò của thú cưng trong các gia đình thành thị ở Mỹ và so sánh vai trò này với các thành viên khác. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe yêu cầu khách hàng ước tính thời gian họ dành cho thú cưng của mình. Họ phát hiện rằng những người dành hơn 16 giờ một ngày với thú cưng thường phát triển một sợi dây gắn kết đặc biệt mạnh mẽ, không kém gì một người thân trong gia đình. Đối với một số cư dân thành thị, thú cưng nằm trong vòng tròn gia đình của họ. Giống như các thành viên gia đình của con người, thú cưng tạo sự thoải mái và là người bạn đồng hành đáng tin cậy, cho phép chúng ta bày tỏ những cảm xúc sâu sắc nhất về kết nối mật thiết và sự nuôi dưỡng với chúng. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên rằng có thể thúc đẩy sức khỏe của con người bằng cách khuyến khích sự tương tác giữa người và thú cưng.

Mối quan hệ giữa bạn và thú cưng có tác động tới sức khỏe tinh thần của bạn, giúp bạn giảm căng thẳng và được kết nối yêu thương. Thật tuyệt nếu bạn đã có một (hay nhiều) em thú cưng! Việc của bạn chỉ đơn giản là hằng ngày cho ăn, vuốt ve và chơi đùa cùng chúng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 15 phút chơi với thú cưng mỗi ngày là đủ để cải thiện mối quan hệ này một cách đáng kể, tương tự như cách ta duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người thân trong gia đình. Mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ và thú cưng mang lại ý nghĩa cho cả hai, và với những lợi ích kể trên, không có gì ngạc nhiên khi việc nuôi thú cưng ngày càng phổ biến.

Dĩ nhiên, nuôi thú cưng không phải điều dễ dàng với tất cả mọi người. Có thể bạn bị dị ứng lông chó mèo, cảm thấy chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm cho một “thành viên nhí” trong nhà, hoặc đơn giản là gia đình bạn không cho phép. Nếu không thể chung sống cùng thú cưng, bạn vẫn có thể thu được những lợi ích kể trên bằng cách chơi với thú cưng của bạn bè, hàng xóm hay bất cứ thú cưng nào bạn gặp trên đường phố (nếu chủ của chúng cho phép, nhưng bạn yên tâm đi, phần lớn họ đều rất thoải mái với điều đó), và dành thời gian cho chúng bất cứ khi nào có thể.

“Cuồng” thú cưng – những con vật vốn chỉ long nhong chạy quanh nhà, nằm lười phơi nắng và tỏ ra thật đáng yêu – hóa ra không hề vô bổ. Ngược lại, nuôi dưỡng và yêu thương thú cưng đúng cách không chỉ giúp bạn có những giây phút thoải mái và thư giãn, mà còn góp phần đẩy lùi bệnh huyết áp và tim mạch, thúc đẩy vận động, và tăng cường tương tác xã hội. Kết luận rằng việc nuôi thú cưng khiến bạn hạnh phúc hơn sẽ là một kết luận mơ hồ, thế nhưng niềm vui, sức khỏe và mối quan hệ tốt đẹp chẳng phải là những điều mà ai cũng mong muốn hay sao?


Tham khảo

  1. Cambridge Dictionary. “Pet.”
  2. Ancient History Encyclopedia (2019). “Dogs in the Ancient World.” https://www.ancient.eu/article/184/dogs-in-the-ancient-world/
  3. Greek Reporter (2020). “Ancient Greeks’ Love for Their Dogs.” https://greece.greekreporter.com/2020/02/21/ancient-greeks-love-for-their-dogs/
  4. Cổng thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam (2018). “Con chó trong đời sống văn hóa người Việt.” http://bandantoc.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=84&NID=9663&con-cho-trong-doi-song-van-hoa-nguoi-viet
  5. Ancient History Encyclopedia (2012). “Cats in the Ancient World.” https://www.ancient.eu/article/466/cats-in-the-ancient-world/
  6. Jessica Gall Myrick (2015). Emotion regulation, procrastination, and watching cat videos online: Who watches Internet cats, why, and to what effect?
  7. Andrea Beetz, Kerstin Uvnäs-Moberg, Henri Julius & Kurt Kotrschal (2012). Psychosocial and Psychophysiological Effects of Human-Animal Interactions: The Possible Role of Oxytocin.
  8. Miho Nagasawa et al. (2015). Oxytocin-gaze positive loop and the coevolution of human-dog bonds.
  9. Maria Petersson et al. (2017). Oxytocin and Cortisol Levels in Dog Owners and Their Dogs Are Associated with Behavioral Patterns: An Exploratory Study.
  10. Yu-Tzu Wu, Robert Luben & Andy Jones (2017). Dog ownership supports the maintenance of physical activity during poor weather in older English adults: Cross-sectional results from the EPIC Norfolk cohort.
  11. June McNicholas & Glyn M. Collis (2010). Dogs as catalysts for social interactions: Robustness of the effect.
  12. Karen Allen (2003). Are Pets a Healthy Pleasure? The Influence of Pets on Blood Pressure.

  1. Nhóm Đảo Mèo đã bị xóa.

  2. Hormone Oxytocin hay còn có tên gọi là hormone tình yêu, có tác dụng giảm stress, giảm đau, tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu…, thậm chí còn có khả năng cải thiện mối quan hệ xã hội.

  3. Cortisol là một loại hormone được sinh ra chủ yếu để đối phó với stress.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất