a
§ Tác giả: Fay Bound Alberti | Nguồn: Aeon Ideas
Biên dịch: Nhi | Hiệu đính:  coda
24/11/2018

“Chúa ơi, cuộc đời con chỉ toàn nỗi cô đơn,” nữ văn sĩ Sylvia Plath viết trong nhật ký cá nhân. Bất kể chúng ta có che giấu điều đó bằng những nụ cười hay chìm ngập trong thuốc phiện ra sao, bà vẫn tuyên bố:

khi cuối cùng ta cũng tìm được một ai đó, người mà ta cảm thấy có thể trút bầu hết những mảnh vỡ trong tâm hồn, ta sẽ giật mình trước những từ ngữ mà ta thốt lên – chúng thật thô ráp, xấu xí, vô nghĩa và yếu ớt, bởi chúng đã được niêm phong ở một xó xỉnh tối tăm nào đó trong tâm khảm ta từ lâu lắm.

Đến thế kỷ 21, nỗi cô đơn đã trở nên đầy rẫy. Người ta ví nó như một “đại dịch,” một kiểu “bệnh phong,” và “cơn dịch hạch thầm lặng” của nền văn minh. Thậm chí, vào năm 2018, Vương quốc Anh còn bổ nhiệm thêm Bộ trưởng Cô đơn1 vào nội các. Tuy thế, sự cô đơn không phải là một tình trạng phổ quát, cũng chẳng phải một trải nghiệm nội tâm thuần túy. Thay vì là một xúc cảm đơn lẻ, nỗi cô đơn nên được hiểu đúng hơn là một mớ các cảm giác hỗn độn, như giận dữ, thương tiếc, sợ hãi, lo lắng, buồn bã và xấu hổ. Bản thân từ “cô đơn” cũng bao hàm các khía cạnh xã hội và chính trị theo thời gian, cùng với sự phát triển của các ý tưởng như cái tôi cá nhân, Chúa trời và thế giới tự nhiên. Nói cách khác, nỗi cô đơn có một dòng chảy lịch sử cuộn trong nó.

Từ “cô đơn” (loneliness) lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng năm 1800. Trước đó, từ gần nghĩa nhất với nó là “một mình” (oneliness). Giống như từ “cô độc” (solitude) – có gốc “solus” từ tiếng Latin, cũng nghĩa là “một mình” – “oneliness” không ám chỉ một sự thiếu hụt cảm xúc nào cả. Cô độc hay một mình không phải là một trạng thái thiếu lành mạnh và không mong muốn, mà là một khoảng không gian cần thiết để kết nối với Chúa, cũng như phản chiếu sâu thẳm trong nội tại con người. Như vậy, một người không bao giờ thực sự một mình vì luôn có Chúa ở bên. Tuy vậy, trong một hoặc hai thế kỷ tiếp theo, từ “cô đơn” – hàm ý mô tả sự trống rỗng và thiếu vắng của liên kết xã hội – đã vượt qua phạm trù của “một mình.” Điều gì đã xảy ra?

Khái niệm đương đại về sự cô đơn bắt nguồn từ những thay đổi văn hóa và kinh tế trong thế giới phương Tây hiện đại. Công nghiệp hóa, sự lên ngôi của kinh tế tiêu dùng, vị thế suy giảm của tôn giáo và sự phổ biến của sinh học tiến hóa2 – tất cả đều nhấn mạnh rằng cá nhân mới là điều quan trọng, chứ không phải là xã hội truyền thống, gia trưởng với những quy củ gò bó, nơi mà ai cũng giống như ai, đều biết vị trí của mình trong xã hội.

Vào thế kỷ 19, các nhà triết học chính trị đã sử dụng thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin để biện minh cho việc theo đuổi sự giàu có cá nhân của những người sống trong thời đại Victoria3. Ngành y, với trọng tâm nghiên cứu về các cảm xúc và trải nghiệm trong não bộ, và đảm trách việc phân loại các trạng thái cơ thể thành “bình thường” và bất thường, cũng nhấn mạnh sự chuyển biến này. Thời kỳ này cũng kết thúc kỷ nguyên 2.000 năm thống trị y dược phương Tây của thuyết phân loại con người theo bốn trạng thái cảm xúc (lãnh đạm, lạc quan, nóng tính, và u sầu), để theo đuổi một mô hình sức khỏe mới dựa trên trạng thái vật lý của cơ thể.

Trong thế kỷ 20, các ngành khoa học tâm trí mới – đặc biệt là tâm thần học và tâm lý học – bắt đầu chiếm lấy vị trí trung tâm trong việc định nghĩa các cảm xúc lành mạnh và không lành mạnh một người có thể trải nghiệm. Carl Jung là người đầu tiên đặt ra hai khái niệm “hướng nội” (introvert) và “hướng ngoại” (extravert) để phân loại tính cách trong cuốn Psychological Types (1921; tạm dịch: Các kiểu hình tâm lý). Tính hướng nội được gán cho tâm lý bất ổn (neuroticism) và cô đơn (loneliness), trong khi tính hướng ngoại dễ được liên tưởng đến sự hòa nhã, tính tập thể và tự lập. Với người Mỹ, ý tưởng phân loại tính cách này mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt bởi nó gắn với các phẩm chất cá nhân như sự tự cải thiện, độc lập và giấc mơ Mỹ.

Những sắc thái tiêu cực được gán cho tính hướng nội có thể giúp ta lý giải tại sao sự cô đơn lại bị kỳ thị đến như vậy trong xã hội ngày nay. Người cô đơn thường hiếm khi thừa nhận rằng họ cô đơn. Dù đúng là nỗi cô đơn có thể khiến người ta cảm thông, nó cũng có thể là đối tượng của sự khinh miệt và né tránh – như thể cô đơn có thể lây lan như bệnh dịch vậy. Thêm vào đó, khi ta so sánh nó với một đại dịch hiện đại, ta cũng đang tham gia vào một cuộc hoảng loạn đạo đức về nỗi cô đơn, thứ chẳng mang lại tích sự gì ngoài việc khoét sâu thêm tính nghiêm trọng của vấn đề. Việc giả thiết rằng cô đơn là một nỗi ưu phiền cá nhân nhưng phổ biến rộng khắp khiến cho ta thật khó lòng nào giải quyết triệt để vấn nạn này.

Hàng thập kỷ nay, các nhà văn đã nhận ra mối liên hệ giữa sức khỏe tâm trí và sự thuộc về cộng đồng. Cống hiến cho xã hội là một cách để phục vụ cá nhân – bởi vì, như Alexander Pope đã tuyên bố trong bài thơ An Essay on Man (1734; tạm dịch: Luận về loài người): “Tình yêu bản thân thực sự và tính xã hội đích thị là một.” Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sự cô đơn lại được gán cho một chức năng tâm lý và xã hội riêng biệt. Nhà thần kinh học John Cacioppo lập luận: giống như cơn đói, nỗi cô đơn bắt nguồn từ sự khai trừ của cá thể khỏi một nhóm hay bộ tộc cổ đại; vì thế, nó báo hiệu sự đe dọa đối với hạnh phúc của chúng ta.

“Không người đàn ông nào là một hòn đảo,”4 nhà thơ John Donne đã viết như vậy trong cuốn Devotions Upon Emergent Occasions (1624; tạm dịch: Lời cầu nguyện vào những dịp nổi bật) – và phụ nữ cũng vậy, bởi mỗi giới đều tạo nên “một mảnh ghép của lục địa, một phần của tổng thể.” Nếu như “một nắm đất bị cuốn trôi đi bởi biển cả, châu Âu sẽ trở nên thiếu hụt… bất cứ cái chết nào đều khoét đi một mảnh của tôi, vì tôi là một phần của nhân loại.” Đối với một số người, nhận xét của Donne là một lời giễu nhại sâu cay trong thời điểm Vương quốc Anh chuẩn bị rời châu Âu hay Donald Trump lên ngôi Tổng thống Mỹ. Nó cũng có thể là một ẩn dụ y học: Donne nhắc tới đoàn thể chính trị bị phá hủy như một gợi nhắc tới nỗi cô đơn mang tính vật lý – một dịch bệnh bùng nổ của thời hiện đại.

Chúng ta rất cần một đánh giá chuẩn chỉ hơn về việc ai đang cô đơn, khi nào và tại sao. Các chính trị gia thường xuyên than phiền về nỗi cô đơn vì sự đắt đỏ của nó, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa. Những người cô đơn có xu hướng dễ mắc phải các căn bệnh như ung thư, bệnh tim và trầm cảm, và nhiều khả năng chết sớm hơn so với phần còn lại của dân số đến 50%. Nhưng chẳng có điều gì tránh được ở việc già đi và cô độc – ngay cả ở những quốc gia như Mỹ và Anh, nơi chưa từng xuất hiện truyền thống chăm sóc liên gia đình cho người già như hầu hết các nước châu Âu khác. Sự cô đơn và chủ nghĩa cá nhân trong kinh tế có mối liên hệ mật thiết.

Cho đến những năm 1830 ở Anh, người già vẫn còn được chăm sóc bởi hàng xóm, bạn bè, gia đình và giáo xứ. Thế rồi Nghị viện quyết định thông qua Luật Tế bần Mới5. Theo đó, trợ cấp tài chính cho tất cả mọi người, trừ người già và ốm yếu, bị xóa bỏ và chỉ cung cấp hạn chế cho công nhân lao động. Chính phủ coi việc xóa đói giảm nghèo là khoản vay được giám sát thông qua một quá trình mang tính quan liêu. Sự lên ngôi của thành thị và phân nhỏ những cộng đồng địa phương, cùng với việc nhóm những người nghèo khó với nhau trong những tòa nhà nhất định, đã sản sinh ra những thế hệ người già càng tách biệt hơn nữa. Rất có thể, những người sống trong các nền văn hóa cá nhân (như Anh, Nam Phi, Mỹ, Đức và Úc) đang có những trải nghiệm cô đơn khác hẳn so với những người sống trong xã hội nặng tính tập thể (như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Guatemala, Argentina và Brazil). Như vậy, sự cô đơn không chỉ là một trải nghiệm khác biệt qua thời gian mà còn giữa những mốc không gian đa dạng.

Những điều này không nhằm khiến cho việc sinh sống trong tập thể trở thành một ý tưởng sầu muộn, hay hàm ý rằng không có bất kỳ sự cô lập xã hội nào diễn ra trước thời Victoria. Thay vào đó, những gì tôi đang muốn nói ở đây là cảm xúc của con người luôn gắn với bối cảnh xã hội, kinh tế và tư tưởng tạo ra nó. Lấy ví dụ, sự giận dữ chính đáng của những người bị xúc phạm đạo đức gần như không thể được hình thành nếu như những người này không có niềm tin sẵn có vào đúng – sai và trách nhiệm cá nhân. Tương tự, sự cô đơn chỉ có thể tồn tại trong một thế giới mà cá nhân được nhìn nhận như một thực thể tách biệt, chứ không phải một phần của màng lưới xã hội. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, rõ ràng, đã ăn mòn những kết nối xã hội và tập thể, và dẫn đến một kiểu ngôn ngữ mới về sự cô đơn chưa từng xuất hiện trước thế kỷ 19.

Sự cô đơn chỉ có thể tồn tại trong một thế giới mà cá nhân được nhìn nhận như một thực thể tách biệt, chứ không phải một phần của màng lưới xã hội

Nếu như các triết gia thời xưa từng hỏi điều gì tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa, thì ngày nay, những câu hỏi được quan tâm nhiều nhất trong văn hóa thường liên quan đến sự lựa chọn cá nhân, khao khát và thành tựu. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” (với ý nghĩa tiêu cực) được sử dụng lần đầu vào những năm 1830, trong đúng khoảng thời gian mà sự cô đơn đang “thịnh hành.” Nếu nỗi cô đơn đúng là một đại dịch hiện đại, thì nguồn gốc của nó cũng xuất phát ở thời hiện đại – và việc hiểu về lịch sử của nỗi cô đơn có thể chính là điều sẽ cứu rỗi chúng ta.

 


  1. Đầu năm 2018, bà Tracey Crouch được Thủ tướng Anh Theresa May chỉ định đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Cô đơn lần đầu được lập ra tại nước này. Đây là một động thái nằm trong chiến dịch đấu tranh với “dịch” cô đơn tại Anh, một vấn đề mà bà Theresa May gọi là “hiện thực đáng buồn của cuộc sống hiện đại.”

  2. Sinh học tiến hóa (evolutionary biology) là một nhánh của ngành sinh học, nghiên cứu về tổ tiên, hậu duệ và quá trình phát triển của các chủng loài theo thời gian.

  3. Thời kỳ trị vì kéo dài 63 năm của Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901) là một kỷ nguyên rực rỡ trong lịch sử Vương quốc Anh, đánh dấu một loạt tiến bộ về công nghiệp, văn hóa, chính trị, khoa học và quân sự.

  4. Nguyên văn: No man is an island, entire of itself; every man is a piece of the continent, a part of the main. If a clod be washed away by the sea, Europe is the less, as well as if a promontory were, as well as if a manor of thy friend’s or of thine own were: any man’s death diminishes me, because I am involved in mankind, and therefore never send to know for whom the bells tolls; it tolls for thee.
    (Tạm dịch: Không ai là một hòn đảo tự mình hoàn chỉnh được; mỗi người là một mảnh ghép của lục địa, một phần của tổng thể. Nếu như một nắm đất bị cuốn trôi đi bởi biển cả, châu Âu sẽ trở nên thiếu hụt; cũng như nếu sóng cuộn xuống biển một mũi đất, hay ngôi nhà của bạn anh, hay là của chính anh: bất cứ cái chết nào đều khoét đi một mảnh của tôi, vì tôi là một phần của nhân loại; bởi thế nên anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy.)

  5. Để đối phó với các khoản chi cứu tế đói nghèo ngày càng đắt đỏ, vào năm 1834, Nghị viện Anh ban hành Luật Tế bần Mới (New Poor Law). Theo luật này quy định, người nghèo không được hưởng trợ cấp chính phủ trừ khi tham gia lao động trong các trại tế bần có điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất