Chỉ trong vài chục năm tới đây, kỹ thuật cải thiện sinh học (bioenhancement) rất có thể sẽ trở thành một nét đặc trưng cơ bản của xã hội loài người. Những dược phẩm được cá nhân hóa sẽ cho phép chúng ta tự điều chỉnh thể xác và tâm trí mình chính xác theo cách mà ta muốn, với ít tác dụng phụ hơn hẳn so với những loại thuốc ngày nay. Những giao diện mới giữa trí não và máy móc (brain – machine interfaces) sẽ cải thiện khả năng ghi nhớ và nhận thức của chúng ta, phát triển các giác quan, và trao quyền kiểm soát trực tiếp cho một loạt các công cụ bán thông minh (semi-intelligent gadgets). Công nghệ biến đổi gen và biến đổi biểu sinh (epigenetic modification) 1 sẽ cho phép chúng ta thay đổi ngoại hình và thể chất, cũng như biến đổi một số khía cạnh trừu tượng hơn của loài người như cảm xúc, tính sáng tạo, và khả năng hòa đồng.
Đọc đến đây, bạn có thấy lo lắng về những viễn cảnh này? Một trong số nhiều những hệ quả đáng sợ của việc tự biên soạn bản thân là nó sẽ xóa nhòa đi ranh giới giữa người và vật. Lí do đơn giản là: sản phẩm của quá trình cải thiện sinh học là những món hàng. Những món hàng thì đòi hỏi máy móc, hóa chất, dụng cụ, và kỹ thuật mà sẽ được phát triển qua thời gian. Chúng sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau vài năm. Rất có thể chúng còn sẽ được giao bán rộng rãi. Một số món hàng sẽ tốt hơn hay đắt hơn những món hàng khác. Một số – giống như xe cộ hay trang sức – sẽ cho bạn một địa vị xã hội thấp hoặc cao hơn.
Nhưng nếu ta không cẩn thận, ta sẽ bỏ qua một thực tế là những ‘món hàng’ này đang thay đổi nhiều khía cạnh chủ chốt về nhân dạng2 (self-hood) của một con người. Nếu không nhận ra điều này, ta sẽ bị lún sâu vào một kiểu suy nghĩ giảm thiểu giá trị của một cá nhân xuống chỉ còn là tổng của những đặc điểm được biến đổi và chưa được biến đổi của anh ta. Chúng ta có thể sẽ quên đi những chân giá trị và phẩm chất nội tại của cá nhân đó, và bắt đầu so sánh những người xung quanh như thể họ là những chiếc xe second-hand được rao bán đầy ở những bãi xe cũ.
Một trong số nhiều những hệ quả đáng sợ của việc tự biên soạn bản thân là nó sẽ xóa nhòa đi ranh giới giữa người và vật. Lí do đơn giản là: sản phẩm của quá trình cải thiện sinh học là những món hàng
Vấn đề của sự phi nhân tính hóa (dehumanisation) không hề mới; lịch sử lạnh lẽo của các cuộc chiến tranh, sự thuộc địa hóa và tình trạng nô lệ đã chứng thực vấn đề này. Nhưng như một hệ quả của việc bành trướng chủ nghĩa tư bản tiêu dùng3 (consumer capitalism) trong những thập kỉ gần đây, nhu cầu so sánh, thể hiện, hay áp lực phải liên tiếp gặt hái những thành quả đang ngày ngày đè nén và chi phối cuộc sống của rất nhiều người ở các nước phát triển. Truyền thông quảng cáo, giải trí, và mạng xã hội đang khuyến khích chúng ta cố gắng trở nên tốt hơn, thon gọn hơn, thông minh hơn, ngầu hơn – hay nói cách khác, khiến ta luôn luôn cảm thấy không hài lòng với bản thân mình và những gì ta đang có.
Nếu kỹ thuật cải thiện sinh học trở nên phổ biến trong những thập kỉ tới đây, sẽ có nhiều lí do để chúng ta tin rằng những xu hướng đáng lo sợ này sẽ ngày càng gia tăng. Sự cám dỗ của việc nói chuyện một cách bình thường về “lên đời” hay “chọn một hình mẫu hiện đại hơn” cho bản thân sẽ khó tránh khỏi. Các cuộc nói chuyện của chúng ta, thay vì “Sarah vừa mới có một cuộc cấy ghép não nhưng cô ấy không hài lòng với hiệu suất làm việc của nó,” sẽ trở thành “bộ não vừa được nâng cấp của Sarah có vẻ khá tốt, nhưng cậu có thấy Alice vẫn còn tốt hơn cô ấy không?”
Bất kể một ai nói chuyện theo cái cách vừa rồi đã vượt qua một giới hạn tuy vô hình nhưng cực kì quan trọng. Những người nói chuyện theo cách đó đang coi con người như thể những món đồ có thể bị đánh giá, đo lường, và thậm chí trao đổi. Theo cách nhìn này, nhân loại trở thành một dạng “nền tảng” (platform) – giống như những phần mềm hay một hệ điều hành, mà hiệu suất của chúng có thể được gia tăng, lập trình thêm, hay thao túng một cách dễ dàng. Những đặc điểm riêng của tính cách sẽ trở thành các “tính năng”; những kỹ năng khó rèn luyện hay tài năng sẽ trở thành “tài sản”; những khó khăn sâu thẳm hay thất bại cá nhân sẽ trở thành “của nợ”. Đương đầu với xu hướng biến nhân loại thành một thứ hàng hóa, và phản kháng lại chúng với những chiến thuật văn hóa hiệu quả cho việc ‘hồi sinh nhân tính’, sẽ là một trong những thử thách đạo đức quan trọng nhất cho thời đại của chúng ta.
*****
Vậy, bây giờ bạn có thể làm gì? Đầu tiên, bạn nên tiếp nhận và xúc tiến những triết lý cá nhân mà coi trọng phẩm giá con người. Bạn nên bài trừ bất kì một hệ suy nghĩ nào mà tối giản con người xuống chỉ còn là một tập hợp của những đặc tính và thành quả. Luôn luôn nhắc nhở bản thân bạn rằng bạn và những thành quả của bạn không phải là một, và giá trị của bạn không nằm ở một vài khả năng nhất định mà là sự toàn vẹn kỳ diệu không thể diễn tả bằng lời của con người bạn. Hãy chiến thắng sự cám dỗ của việc cố gắng ‘đo lường mọi thứ’: mặc dù người ta có thể số hóa sức lực của bạn, hiệu suất của bạn, hay trí thông minh của bạn, nhưng thứ làm nên bạn như một bản thể riêng biệt thì không thể bị đo đếm trên bất kì một cái bảng điểm nào.
Những đặc điểm riêng của tính cách sẽ trở thành các “tính năng”; những kỹ năng khó rèn luyện hay tài năng sẽ trở thành “tài sản”; những khó khăn sâu thẳm hay thất bại cá nhân sẽ trở thành “của nợ”
Thứ hai, hãy gắn những cải thiện hiện có của bạn lên những tiêu chuẩn đánh giá quan trọng hiện nay. Nếu bạn càng để sự tồn tại hằng ngày của mình gắn bó hơn với những thiết bị, bạn sẽ càng cảm thấy khó khăn khi tưởng tượng cuộc sống của mình ở một chế độ khác. Ví dụ như dù ta nhận thức được rằng ta đã phải đánh đổi quá nhiều về cảm xúc và sự chú ý khi liên tục dành thời gian trên chiếc điện thoại thông minh, dường như ta vẫn không ít sử dụng chúng hơn. Một khi những vật chất phức tạp và sự cải thiện sinh học trở thành bản chất và một phần của cơ thể, việc cân đong đo đếm lợi hại của việc “không tham gia” [vào việc cải tiến sinh học] – nhất là trong trường hợp ai ai cũng “lên đời” – sẽ phức tạp hơn bao giờ hết. Nói ngắn gọn, cái cần bây giờ là một hành động tưởng tượng mang tính cực đoan: hình dung một thực tế mà ở đó một số dụng cụ và thói quen cơ bản của cuộc sống hằng ngày bị mất đi một cách tạm thời. Nó có lẽ giống như một sự khám phá nửa đùa nửa thật, mà qua đó bạn nắm bắt được giới hạn của bản thân, hay những gì bạn làm như một thói quen.
Cuối cùng, hãy chọn cho bạn những sự cải thiện với một tâm thế cho sự phát triển hơn là chỉ chăm chăm vào sự ganh đua hay thành công. Khi lựa chọn một sự biến đổi nhất định, câu hỏi đầu tiên của bạn có thể là: ‘Sự biến đổi này sẽ cho phép tôi làm điều gì mà trước đó tôi chưa thể làm?’ Nhưng, câu hỏi thứ hai sẽ giúp bạn nhiều hơn: ‘Khả năng mới này có thể đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống của tôi như thế nào?’ Một số người sẽ cười nhạo bạn vì bạn giống như những người Luddite hay những nghệ sĩ theo trường phái lãng mạn4 lỗi thời. Nhưng mục đích này có lý riêng của nó: để làm rõ đâu hay cái gì mới là điều quan trọng để sống một cuộc đời ý nghĩa, hơn là chỉ một chế độ tồn tại được cải thiện, và để đánh giá lợi hại của mỗi sự biến đổi từ góc nhìn này. Các câu hỏi mà bạn có thể muốn hỏi bản thân bao gồm: Những hoạt động nào khiến tôi cảm thấy trọn vẹn nhất? Những mối quan hệ bằng hữu nào tôi muốn có, hay tôi muốn dành thời gian cho những người bạn này như thế nào? Những loại công việc nào mà tôi thấy có ý nghĩa nhất? Tôi dành cho bản thân bao nhiêu khoảng không để có sự trầm lặng và tĩnh mịch cần thiết?
Ví dụ như dù ta nhận thức được rằng ta đã phải đánh đổi quá nhiều về cảm xúc và sự chú ý khi liên tục dành thời gian trên chiếc điện thoại thông minh, dường như ta vẫn không ít sử dụng chúng hơn
Là con người, chúng ta không chỉ là những thực thể hữu cơ dùng những công cụ vật chất bên ngoài để thỏa mãn nhu cầu của ta. Những công cụ và công nghệ đó đang ngày ngày trở thành một phần của ta, và vì thế ta cần cẩn trọng trong việc chọn lựa và sử dụng chúng. Ranh giới mập mờ giữa người và vật vốn đã phổ biến rồi, và, theo một cách nào đó, đã trở thành một tính chất không thể tránh khỏi của xã hội nay. Nếu chúng ta muốn chống lại nó, chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi nan giải ngay từ hôm nay, và bắt bắt tay vào thực hiện những lựa chọn và cải cách mà giúp chúng ta giữ được nhân tính một cách mạnh mẽ và sáng tạo nhất. Có lẽ, đây mới là sự cải thiện thực sự.
Di truyền biểu sinh chỉ sự thay đổi mức biểu hiện gen do thứ tự nongenomic gây nên, ví dụ: methyl hóa DNA và thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể…; epigenomics là môn khảo sát hiện tượng biến đổi biểu hiện gene mà không do tác động của sự thay đổi hóa học của chuỗi DNA trong bộ gene.↩
Trong triết học, vấn đề bản sắc cá nhân (tiếng Anh: personal identity) đề cập đến câu hỏi “Cái gì làm cho một cá nhân tại một thời điểm cũng chính là cá nhân đó ở một thời điểm khác?” hoặc là “Chúng ta thuộc về dạng nào? Nhân dạng để chỉ một phần tạo nên bản sắc cá nhân của từng cá thể.↩
Xã hội tiêu dùng là một hình thái xã hội được nhìn nhận trên cơ sở hệ quy chiếu tất các mối quan hệ xã hội về hai phạm trù sản xuất và tiêu dùng trong đó hình thái xã hội này đề cao yếu tố tiêu dùng, các hoạt động tiêu thụ, mua sắm, vui chơi, giải trí. Theo lý thuyết về xã hội tiêu dùng (chủ nghĩa tiêu thụ) của Thorstein Veblen thì đây là một trật tự xã hội và kinh tế trên cơ sở phát triển nhu cầu mua bán hàng hoá, dịch vụ với số lượng lớn để thỏa mãn ngày càng nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ, thụ hưởng ngày càng cao của đời sống nhân dân và ngày càng phổ biến với quá trình toàn cầu hóa.↩
Chủ nghĩa lãng mạn vừa là trào lưu văn học, vừa là phương pháp sáng tác, mang một nội dung lịch sử xã hội-cụ thể, được hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Chủ nghĩa lãng mạn chia làm hai khuynh hướng: lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực, nhưng giữa chúng vẫn có mối liên hệ qua lại khá phức tạp. Lãng mạn được hiểu theo nghĩa chiết tự là sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng khoáng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc. Xung quanh từ lãng mạn có rất nhiều thuật ngữ khác nhau mà chủ nghĩa lãng mạn chỉ là một trong số đó.↩