Trên lý thuyết, phép thống kê lẽ ra nên giúp giải quyết các tranh cãi. Lẽ ra nó phải cung cấp những điểm tham chiếu vững chắc mà mọi người đều có thể đồng thuận, bất chấp quan điểm chính trị của họ. Thế nhưng trong những năm gần đây, sự bất đồng về mức độ tin cậy của thống kê đã trở thành một trong những vấn đề chính gây chia rẽ trong các xã hội dân chủ tự do phương Tây. Một nghiên cứu ở Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười một cho thấy 68% những người ủng hộ Trump không tin tưởng các dữ liệu kinh tế do chính quyền liên bang công bố. Ở Anh, một nghiên cứu về các học thuyết âm mưu (conspiracy theories) do Đại học Cambridge và YouGov1 tiến hành ghi nhận 55% dân chúng tin rằng chính phủ đang che đậy số lượng người nhập cư sinh sống tại đây.
Thay vì làm dịu sự tranh cãi và chia rẽ, có vẻ như thống kê lại đang thêm dầu vào lửa. Sự ác cảm với thống kê đã trở thành một trong những đặc trưng của phe dân túy cánh hữu (populist right)2, với việc những nhà thống kê và kinh tế dẫn đầu trong số các “chuyên gia” dường như đã bị cử tri loại bỏ trong năm 2016. Không chỉ bị nhiều người xem là không đáng tin, thống kê còn có vẻ gì đó gần như là xúc phạm và kiêu ngạo. Việc quy giản các vấn đề kinh tế và xã hội thành những tập hợp số liệu và trung bình dường như đã xúc phạm tới cảm nhận của một số người về chuẩn mực chính trị.
Điều này được minh họa sinh động hơn cả trong vấn đề nhập cư. Tổ chức nghiên cứu (thinktank) British Future đã nghiên cứu về phương pháp tốt nhất để thắng trong các cuộc tranh luận ủng hộ nhập cư và chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism). Một trong những phát hiện chính của họ là người ta thường phản ứng tích cực hơn với các dữ liệu định tính, ví dụ như những câu chuyện về người nhập cư và các bức ảnh về những cộng đồng đa văn hóa. Tuy nhiên, thống kê – đặc biệt là những thống kê dẫn ra các lợi ích của việc nhập cư đối với nền kinh tế nước Anh – lại gây ra phản ứng hoàn trái ngược. Nhiều người cho rằng những con số này đã bị can thiệp và căm ghét những kẻ tinh hoa3 chuyên viện dẫn những bằng chứng định lượng. Khi các số liệu ước tính chính thức về số lượng người nhập cư bất hợp pháp được đưa ra, phản ứng chung của họ là chế nhạo. British Future phát hiện ra rằng, việc chỉ ra những ảnh hưởng tích cực của việc nhập cư đối với GDP không những không làm gia tăng sự ủng hộ mà còn khiến người ta càng thù địch. Ngay bản thân GDP cũng mang dáng vẻ của con ngựa thành Troy4 phục vụ cho mục đích của giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do. Nhận thấy điều này, các chính trị gia giờ đây đã gần như từ bỏ việc thảo luận về nhập cư từ quan điểm kinh tế.
Tất cả những điều trên đã tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với nền dân chủ tự do. Nói thẳng ra thì chính phủ Anh – các quan chức, chuyên gia, cố vấn, và nhiều chính trị gia của nước này tin rằng nhập cư, cân đi tính lại, vẫn là tốt cho nền kinh tế. Chính phủ Anh cũng tin rằng Brexit là một lựa chọn sai lầm. Vấn đề là chính phủ hiện nay đã ở trong trạng thái tự kiểm duyệt vì sợ sẽ khiến người dân giận dữ thêm.
Đây là một mâu thuẫn khó xử. Hoặc chính phủ tiếp tục đưa ra những tuyên bố mà họ tin là đúng và bị những người hoài nghi buộc tội tuyên truyền, hoặc các chính trị gia và quan chức chỉ được phép nói những điều có vẻ hợp lý và đúng theo trực giác nhưng có thể rốt cuộc lại là sai. Dù theo cách nào, các hoạt động chính trị cũng sẽ bị sa lầy trong những lời buộc tội về sự dối trá và che đậy.
Sự suy giảm quyền lực của các số liệu thống kê – và các chuyên gia phân tích – nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị “hậu – sự thật” (post-truth). Và trong thế giới mới mơ hồ này, thái độ đối với các kỹ năng và tri thức định lượng đang ngày càng trở nên chia rẽ. Có quan điểm cho rằng việc đặt nền tảng của chính trị trên thống kê là ngạo mạn, phi dân chủ, vô cảm với những cảm xúc mà người dân dành cho cộng đồng và đất nước của họ. Chẳng qua chỉ là một cách nữa mà những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi ở London, Washington DC, hoặc Brussels sử dụng để áp đặt thế giới quan của họ lên mọi người. Từ quan điểm đối lập, thống kê lại hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa tinh hoa. Nó giúp cho các nhà báo, công dân và chính trị gia thảo luận về xã hội như một tổng thể, theo những cách có thể kiểm chứng, thay vì dựa vào giai thoại, cảm tính, và thành kiến. Thứ thay thế cho các con số thống kê sẽ “dân chủ” chẳng kém gì việc để mặc cho các báo lá cải và những kẻ mị dân tự do cung cấp phiên bản “sự thật” của họ về những gì đang diễn ra trong xã hội.
Sự suy giảm quyền lực của các số liệu thống kê – và các chuyên gia phân tích – nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị “hậu – sự thật”.
Liệu có cách nào thoát khỏi sự phân cực này không? Không lẽ chúng ta buộc phải chọn lựa giữa một nền chính trị dựa vào sự thật và một nền chính trị dựa vào cảm xúc? Liệu có thể xem xét tình thế này theo cách khác không? Có một cách là nhìn thống kê qua lăng kính lịch sử. Chúng ta phải cố gắng nhìn nhận thống kê đúng với bản chất của nó: không phải như một sự thật không thể chất vấn, cũng không phải âm mưu của giới tinh hoa, mà là những công cụ được thiết kế để đơn giản hóa công việc của chính phủ, dù điều đó là tốt hay xấu. Khi nhìn nhận dưới góc độ lịch sử, chúng ta có thể nhận ra vai trò quan trọng của thống kê đối với hiểu biết của chúng ta về các nhà nước và tiến trình của chúng. Điều này đặt ra một câu hỏi báo động: chúng ta làm thế nào để vẫn có được những ý kiến chung về xã hội và sự phát triển – nếu điều đó là khả thi – một khi thống kê bị vứt lại bên đường.
***
Vào nửa cuối thế kỷ 17, sau những cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu, các nhà cầm quyền ở châu Âu đã theo đuổi một cách nhìn hoàn toàn mới về công việc của chính quyền – tập trung vào các xu hướng trong nhân khẩu học – cách tiếp cận này trở nên khả thi nhờ sự ra đời của phương pháp thống kê hiện đại. Các cuộc điều tra dân số đã được thực hiện từ thời cổ đại nhưng cách này rất khó khăn và tốn kém, và chỉ tập trung vào các công dân được xem là quan trọng về chính trị (đàn ông chủ sở hữu tài sản), thay vì toàn thể xã hội. Thống kê cung cấp thứ rất khác biệt và đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất của chính trị.
Thống kê được thiết kế để cung cấp sự hiểu biết về toàn thể dân số, thay vì chỉ xác định các nguồn quyền lực và tài sản có giá trị chiến lược. Trong thời gian đầu, việc này không phải luôn liên quan đến chuyện tính toán các con số. Ví dụ như ở Đức (nơi khai sinh thuật ngữ Statistik), thách thức lúc đó là lập ra bản đồ các phong tục, thiết chế, và luật pháp khác nhau giữa hàng trăm tiểu quốc. Loại kiến thức này mang tính thống kê vì bản chất tổng quát của nó: mục đích của nó là cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cả quốc gia. Thống kê mô tả dân số theo cách mà bản đồ mô tả các vùng lãnh thổ.
Quan trọng không kém là cảm hứng từ các ngành khoa học tự nhiên. Nhờ các phương pháp đo đạc được chuẩn hóa và các kỹ thuật toán học, kiến thức thống kê có thể được trình bày một cách khách quan, giống như thiên văn học vậy. Các nhà nhân khẩu học tiên phong ở Anh như William Petty và John Graunt đã áp dụng các kỹ thuật toán học để ước lượng những thay đổi về dân cư, nhờ đó họ được Oliver Cromwell và Charles II tuyển dụng.
Thống kê mô tả dân số theo cách mà bản đồ mô tả các vùng lãnh thổ.
Cuối thế kỷ 17, một sự kiện đã đánh dấu sự ra đời của nền văn hóa “chuyên gia” mà ngày nay bị các nhà dân túy phỉ báng. Đó là sự nổi lên của các cố vấn chính phủ thích nhận là có uy tín khoa học hơn là nhạy bén về chính trị hay quân sự. Những người mở đường này không phải là học giả thuần túy hay quan chức chính phủ, mà ở đâu đó giữa hai nhóm này. Họ là những người nghiệp dư nhiệt thành, họ đưa ra cách suy nghĩ mới về dân số và (cách suy nghĩ mới này) ưu tiên các dữ liệu tổng hợp và những sự thật khách quan. Nhờ khả năng toán học, họ tin rằng mình có thể tính toán được những thứ mà lẽ ra phải cần đến một cuộc điều tra lớn để tìm ra.
Ban đầu, chỉ có một khách hàng cần loại kiến thức chuyên môn này, và đầu mối nằm trong từ “thống kê.”5 Chỉ có các quốc gia tập quyền mới đủ khả năng thu thập dữ liệu trên quy mô lớn theo phương pháp chuẩn, và chỉ có các chính phủ mới có nhu cầu về những dữ liệu đó. Trong nửa sau của thế kỷ 18, các quốc gia châu Âu bắt đầu thu thập thêm số liệu thống kê theo dạng mà ngày nay chúng ta thấy quen thuộc. Khi nhìn vào dân cư trên toàn quốc, các chính phủ đã tập trung vào một loạt các con số: mức sinh đẻ, tử vong, rửa tội, hôn nhân, thu hoạch, nhập khẩu, xuất khẩu, biến động giá cả. Những thứ trước đây chỉ được ghi chép cục bộ và bất nhất ở địa phương, nay đã có thể được tổng hợp ở cấp quốc gia.
Các kỹ thuật mới được phát triển để xử lý các chỉ số này, khai thác cả chiều dọc và chiều ngang của trang ghi chép, sắp xếp dữ liệu trong các ma trận và bảng, giống như cách các thương gia đã làm để cải thiện và chuẩn hóa các phương cách ghi chép sổ sách tài chính vào cuối thế kỷ 15. Việc sắp xếp các con số thành hàng và cột tạo ra một phương pháp mới mạnh mẽ để biểu thị các thuộc tính của một xã hội nhất định. Các vấn đề lớn, phức tạp bây giờ có thể được khảo sát đơn giản bằng cách lướt qua các dữ liệu đã được sắp xếp theo dạng hình học trên một trang giấy.
Những sự đổi mới này mang lại tiềm năng phi thường cho các chính phủ. Bằng cách đơn giản hóa các tập hợp dân cư đa dạng thành các chỉ số cụ thể và thể hiện chúng trong các bảng biểu phù hợp, các chính phủ có thể tránh được yêu cầu phải có những nhận thức rộng và chi tiết về địa phương và lịch sử. Tất nhiên, xét từ một góc độ khác, sự mù quáng đối với sự đa dạng của văn hoá địa phương chính là điều làm cho thống kê trở nên thiếu tế nhị và dễ gây công kích. Bất kể một quốc gia có bản sắc văn hoá chung hay không, các nhà thống kê vẫn sẽ cho rằng có một số tiêu chuẩn thống nhất, hoặc như một số ý kiến, họ áp đặt sự thống nhất đó.
Không phải mọi khía cạnh của một tập hợp dân cư đều có thể được thu thập bằng thống kê. Trong các dữ liệu thống kê, luôn xảy ra một sự lựa chọn ngầm về những thứ được giữ lại và những thứ bị loại trừ, và chính lựa chọn này có thể trở thành một vấn đề chính trị. GDP chỉ tính được giá trị của các công việc được trả lương, do đó loại trừ các công việc nội trợ của phụ nữ, nên chỉ số này đã trở thành mục tiêu phê bình của phong trào nữ quyền kể từ những năm 1960. Ở Pháp, việc thu thập dữ liệu điều tra dân số về chủng tộc bị cấm từ năm 1978, với lý do là dữ liệu đó có thể được sử dụng cho các mục đích chính trị phân biệt chủng tộc. (Tác dụng phụ của điều này là khiến cho việc phân biệt chủng tộc có hệ thống trên thị trường lao động trở nên rất khó định lượng).
Bất chấp những lời chỉ trích này, khát vọng miêu tả xã hội như một tổng thể và theo một phương pháp khách quan, đã gắn liền nhiều lý tưởng tiến bộ với thống kê. Việc ngành thống kê bị cho là một thứ khoa học không khoan nhượng về xã hội chỉ là một phần của câu chuyện. Phần khác là về việc các lý tưởng chính trị mạnh mẽ đã trở nên say mê những phương pháp này như thế nào: những lý tưởng về “chính sách dựa trên bằng chứng,” về lý tính, tiến bộ và tính dân tộc đều phải dựa vào các dữ kiện thay vì những câu chuyện lãng mạn.
***
Từ đỉnh cao của Thời kỳ Khai sáng6 cuối thế kỷ 18, những người ủng hộ chế độ tự do và cộng hòa đã hy vọng rằng các khuôn khổ đo lường quốc gia có thể tạo nên một nền chính trị lý tính hơn. Nền chính trị đó sẽ được tổ chức dựa trên những cải thiện có minh chứng rõ ràng trong đời sống xã hội và kinh tế. Benedict Anderson7, lý thuyết gia vĩ đại của chủ nghĩa dân tộc, đã miêu tả các quốc gia là “những cộng đồng tưởng tượng,” nhưng các số liệu thống kê hứa hẹn biến sự tưởng tượng này trong một cái gì đó hữu hình. Thống kê cũng hứa hẹn sẽ tiết lộ con đường lịch sử mà quốc gia đang đi trên: hình thái phát triển nào đang diễn ra? Và diễn ra nhanh đến mức nào? Đối với những người theo chủ nghĩa tự do của Thời kỳ Khai sáng, những người cho rằng các quốc gia tiến theo một đường hướng lịch sử duy nhất, câu hỏi này là rất quan trọng.
Khả năng tiết lộ tình trạng quốc gia của thống kê đã được nắm bắt ở Pháp thời kỳ sau cách mạng8. Nhà nước Jacobin bắt đầu áp dụng một khuôn khổ hoàn toàn mới về đo lường và thu thập dữ liệu ở quy mô quốc gia. Cơ quan thống kê chính thức đầu tiên của thế giới được mở tại Paris vào năm 1800. Việc thu thập dữ liệu một cách thống nhất và được giám sát bởi một đội ngũ chuyên gia có trình độ học vấn cao, là một phần không thể tách rời của lý tưởng về một nền cộng hòa tập quyền nhằm tạo ra ra một xã hội thống nhất và bình đẳng.
Kể từ Thời kỳ Khai Sáng, số liệu thống kê đóng vai trò ngày càng quan trọng trong không gian công cộng (public sphere)9, tạo ra những cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông, cung cấp bằng chứng cho các phong trào xã hội. Theo thời gian, nhà nước không còn là khách hàng duy nhất có nhu cầu thu thập và phân tích dữ liệu.” Các nhà nghiên cứu xã hội học đã bắt đầu phân tích dữ liệu với ý định của riêng mình, thường là hoàn toàn không liên quan đến các mục tiêu chính sách của chính phủ. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà cải cách như Charles Booth10 ở London và WEB Du Bois ở Philadelphia đã tự mình tiến hành các cuộc điều tra để tìm hiểu về tình trạng nghèo đói ở thành thị.
Để hiểu được thống kê được gắn liền với các khái niệm về sự tiến bộ của quốc gia như thế nào, hãy xem xét trường hợp của khái niệm GDP. GDP là tổng sản phẩm nội địa của cả quốc gia, bao gồm mức chi tiêu của người tiêu dùng và của chính phủ, mức đầu tư, và cán cân thương mại (xuất khẩu trừ nhập khẩu), được thể hiện bằng một con số duy nhất. Rất khó để tính cho đúng con số này. Trong những năm 1930, cũng như nhiều phương pháp toán học khác, những nỗ lực nhằm tính toán GDP chỉ là mối quan tâm bên lề kiểu “mọt sách.” Nó chỉ trở thành vấn đề chính trị cấp bách ở tầm quốc gia do cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi các chính phủ cần biết liệu sức sản xuất trong nước có theo kịp các nỗ lực chiến tranh hay không. Trong các thập niên tiếp theo, mặc dù luôn bị chỉ trích, chỉ số này đã chiếm một địa vị chính trị thần thánh, với vai trò là thước đo tối hậu về năng lực của chính phủ. Sự tăng giảm của GDP hiện nay hầu như đồng nghĩa với việc xã hội đang tiến lên phía trước hay đang thụt lùi.
Hoặc hãy xem xét hoạt động thăm dò dư luận, một ví dụ minh họa đầu tiên về cuộc cách mạng thống kê trong khu vực kinh tế tư nhân. Vào những năm 1920, các nhà thống kê đã xây dựng các phương pháp để xác định được mẫu đại diện bao gồm những người trả lời khảo sát, để rồi qua đó rút ra quan điểm của toàn bộ công chúng. Bước đột phá này lập tức được các nhà nghiên cứu thị trường sử dụng và nhanh chóng dẫn đến sự ra đời của hoạt động thăm dò dư luận. Kỹ nghệ mới này ngay lập tức mê hoặc công chúng và cả nền chính trị, còn báo đài thì đưa tin về ngành khoa học mới này cho ta biết “phụ nữ” hoặc “người Mỹ” hoặc “người lao động chân tay” nghĩ gì về thế giới.
Ngày nay, những sai sót của việc thăm dò dư luận liên tục được chỉ ra. Tuy nhiên điều này một phần là do người ta đã hy vọng quá nhiều vào nó từ khi bắt đầu. Trong một chừng mực, chúng ta quan tâm đến suy nghĩ của công chúng bởi vì chúng ta tin vào sự dân chủ cho mọi người. Tuy nhiên, việc chúng ta có thể biết được suy nghĩ của công chúng về những vấn đề cụ thể lại chủ yếu là nhờ vào thống kê thay vì các thiết chế dân chủ. Chúng ta đánh giá thấp sự phụ thuộc của nhận thức về “lợi ích công” (public interests) với tính toán của các chuyên gia thay vì các thiết chế dân chủ.
Vì các chỉ số về sức khoẻ, sự thịnh vượng, bình đẳng, ý kiến và chất lượng cuộc sống giờ đây có thể cho ta biết chúng ta là ai và liệu mọi thứ đang tốt lên hay xấu đi, các chính trị gia đã dựa vào các số liệu thống kê để củng cố quyền lực của họ. Đôi khi, để phục vụ cho mục đích của mình, họ lạm dụng chúng, thổi phồng các bằng chứng, giải thích dữ liệu một cách cẩu thả. Tuy nhiên đó là một mối nguy hiểm không thể tránh khỏi vì sự phổ biến của các con số trong đời sống công cộng, và không nhất thiết phải gây ra thái độ chối bỏ thẳng thừng các kiến thức chuyên môn mà chúng ta đã chứng kiến gần đây.
Sự mù quáng đối với sự đa dạng của văn hoá địa phương chính là điều làm cho thống kê trở nên thiếu tế nhị và dễ gây công kích.
Theo nhiều cách, sự công kích của chủ nghĩa dân túy hiện nay nhằm vào các “chuyên gia” được sinh ra từ cùng một nỗi oán giận giống như sự công kích vào các đại biểu dân cử. Khi nói về xã hội như một tổng thể, khi tìm cách quản lý nền kinh tế như một tổng thể, cả các nhà chính trị lẫn kỹ trị đều bị cho rằng họ đã quên mất cảm giác làm một công dân cụ thể. Các nhà thống kê và nhà chính trị đều rơi vào cái bẫy “nhìn giống như một quốc gia”, theo cách nói của nhà tư tưởng chính trị vô chính phủ11 James C Scott. Việc thảo luận về quốc gia một cách khoa học – ví dụ như kinh tế vĩ mô – là một sự xúc phạm đối với những người muốn dựa vào ký ức và chuyện kể để hình thành cảm giác về quốc gia của họ, và cảm thấy phát bệnh khi được thông báo rằng “cộng đồng tưởng tượng” của họ không hề tồn tại.
Mặt khác, thống kê (cùng với các đại biểu dân cử) cũng đã thực hiện khá tốt việc làm trụ cột cho một không gian thảo luận công cộng đáng tin cậy trong hàng chục năm nếu không phải là hàng trăm năm. Vậy điều gì đã thay đổi?
***
Cuộc khủng hoảng thống kê thực ra không tới quá đột ngột như vẻ ngoài của nó. Trong khoảng 450 năm, thành tựu to lớn của các nhà thống kê là quy giản những khía cạnh phức tạp và đầy biến động của dân số thành các thông tin và con số dễ hiểu. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã thay đổi đáng kể, do sự xuất hiện của chính trị học văn hoá12 vào những năm 1960 và ngay sau đó là sự thay đổi hình thái của nền kinh tế toàn cầu. Không rõ các nhà thống kê có luôn bắt kịp những thay đổi này hay không. Các hình thức phân loại và định nghĩa thống kê truyền thống đang chịu sức ép từ sự gia tăng tính linh hoạt của các đặc tính sinh hoạt, thái độ và đường lối kinh tế khác nhau. Những nỗ lực nhằm biểu diễn các thay đổi nhân khẩu học, xã hội và kinh tế bằng các chỉ số đơn giản, dễ nhận biết giờ đang dần trở nên không phù hợp.
Hãy xem xét những thay đổi về địa lý chính trị và kinh tế của các quốc gia trong 40 năm qua. Phần lớn những số liệu thống kê được mang ra trong các cuộc tranh luận chính trị đều ở mức quốc gia: mức nghèo đói, thất nghiệp, GDP, tỉ lệ di cư. Tuy nhiên địa lý của chủ nghĩa tư bản đã phát triển theo hướng khác. Rõ ràng là hiện tượng toàn cầu hóa đã không làm mất đi tầm quan trọng của địa lý. Trong nhiều trường hợp, nó khiến cho vị trí địa lý của hoạt động kinh tế trở nên quan trọng hơn nhiều, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các vị trí thành công (London và San Francisco) và các vị trí kém thành công hơn (như vùng đông bắc nước Anh hoặc Vành đai Rỉ sét13 của Hoa Kỳ). Các đơn vị địa lý chủ chốt trong hoạt động kinh tế không còn là các quốc gia mà thay vào đó là các thành phố, các vùng miền hoặc các khu dân cư đô thị, những nơi đang trỗi dậy và tàn lụi.
Lý tưởng Khai sáng xem quốc gia như một cộng đồng duy nhất, được gắn kết với nhau bởi một khuôn khổ đo lường chung, ngày càng khó duy trì. Nếu bạn sống ở một trong những thị trấn trong thung lũng xứ Welsh vốn từng lệ thuộc vào việc sản xuất thép hoặc khai thác mỏ để tạo ra việc làm thì việc các chính trị gia nói rằng “nền kinh tế” đang “phát triển tốt” có thể làm tăng thêm sự tức giận. Từ quan điểm đó, thuật ngữ “GDP” không thể hiện được điều gì có ý nghĩa hoặc đáng tin cậy.
Khi kinh tế vĩ mô được sử dụng để đưa ra một lập luận chính trị, điều này ngụ ý rằng những thiệt hại ở một vùng của đất nước sẽ được bù lại bởi những lợi ích ở một nơi khác. Các chỉ số quan trọng ở tầm quốc gia, như GDP và tỷ lệ lạm phát, che giấu mọi thành quả và thiệt hại ở quy mô địa phương mà các chính trị gia thường ít thảo luận. Nhập cư có thể tốt cho nền kinh tế về tổng thể, nhưng điều này không có nghĩa là không có chi phí địa phương nào cả. Vì vậy, khi các chính trị gia sử dụng các chỉ số quốc gia để biện hộ cho lý lẽ của họ, họ ngầm giả định một loại tinh thần hy sinh vì lòng yêu nước ở phía cử tri: bạn có thể là kẻ thua cuộc trong dịp này, nhưng lần sau bạn có thể là người hưởng lợi. Nhưng nếu tình thế không bao giờ thay đổi thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu có một thành phố hoặc khu vực liên tiếp chiến thắng, trong khi những nơi khác luôn thua cuộc? Liệu có nguyên tắc cho-nhận nào biện hộ được điều đó hay không?
Ở châu Âu, liên minh tiền tệ đã làm vấn đề này thêm trầm trọng. Ví dụ, các chỉ số quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là những con số đại diện cho nửa tỷ người. ECB quan tâm đến tỷ lệ lạm phát hoặc tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro như thể nó là một lãnh thổ đơn nhất, trong khi số phận kinh tế của các công dân châu Âu đang rẽ theo các hướng khác nhau, tùy thuộc vào khu vực, thành phố hoặc khu phố nơi họ sinh sống. Các kiến thức chính thống ngày càng xa rời trải nghiệm thực tế, cho đến khi chúng đơn giản là không còn đáng quan tâm hay đáng tin cậy nữa.
Việc quốc gia được xem như quy mô phân tích tự nhiên của thống kê là một trong những sự thiên vị cố hữu của thống kê, khuynh hướng này vốn đã bị xói mòn sau nhiều năm biến động kinh tế. Một khuynh hướng cố hữu khác cũng đang ngày càng phải chịu nhiều áp lực là phương pháp phân loại. Một phần công việc của các nhà thống kê là phân loại con người bằng cách đưa họ vào một loạt các danh mục mà các nhà thống kê đã tạo ra: có việc làm hay thất nghiệp, có gia đình hay độc thân, ủng hộ châu Âu hay chống châu Âu. Miễn là mọi người có thể được đưa vào các danh mục theo cách này, chúng ta có thể đánh giá được quy mô của các danh mục trong toàn bộ quần thể.
Điều này có thể rút gọn các lựa chọn. Ví dụ nếu một người muốn được tính là thất nghiệp, họ phải trả lời khảo sát là mình thất nghiệp không tự nguyện, kể cả khi thực tế có thể phức tạp hơn như vậy. Có nhiều người tiếp nhận và rời bỏ các công việc vì lý do sức khoẻ và việc gia đình cũng như điều kiện thị trường lao động. Tuy nhiên, nhờ sự đơn giản hóa này mà chúng ta có thể xác định tỷ lệ thất nghiệp trên toàn bộ dân số.
Nhưng đây cũng là một vấn đề. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều câu hỏi của thời đại chúng ta không thể trả lời bằng phạm vi số người mà phải dựa trên mức độ mà người dân bị ảnh hưởng? Tỷ lệ thất nghiệp là một ví dụ. Việc nước Anh trải qua thời kỳ Đại suy thoái (Great Recession) 2008-13 mà không có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung được xem là một thành tựu tích cực. Tuy nhiên việc tập trung vào “tỷ lệ thất nghiệp” đã che đậy sự gia tăng của tình trạng thiếu việc làm (underemployment), tức là những người không có đủ công việc hoặc đang làm việc ở mức dưới mức mà họ có thể làm. Những người này hiện chiếm khoảng 6% lực lượng lao động “có việc làm.” Ngoài ra, sự gia tăng của lực lượng lao động tự do (self-employed) khiến sự phân chia giữa “có việc làm” và “thất nghiệp không tự nguyện” trở nên vô nghĩa.
Lời chỉ trích này không nhằm vào các cơ quan như Văn phòng Thống kê Quốc gia (Office for National Statistics – ONS), cơ quan này hiện nay đang thu thập dữ liệu về tỷ lệ thiếu việc làm. Tuy nhiên chừng nào các chính trị gia còn tiếp tục đánh lạc hướng dư luận bằng cách sử dụng tỷ lệ thất nghiệp, thì trải nghiệm của những người phải cố gắng vất vả để có đủ công việc hoặc để sống được bằng lương sẽ không được nhắc đến trong các cuộc tranh luận công khai. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu những người này trở nên nghi ngờ các chuyên gia chính sách và việc sử dụng số liệu thống kê trong các cuộc tranh luận chính trị, vì những gì các nhà chính trị nói về thị trường lao động không phù hợp với cuộc sống thực của họ.
Sự nổi lên của chính trị bản sắc14 kể từ những năm 1960 đã tạo thêm căng thẳng cho các hệ thống phân loại như vậy. Dữ liệu thống kê chỉ đáng tin cậy nếu người ta chấp nhận việc chỉ được cung cấp một nhóm hạn chế các danh mục nhân khẩu học, và những danh mục này được lựa chọn bởi các chuyên gia chứ không phải là người trả lời. Tuy nhiên khi bản sắc trở thành một vấn đề chính trị, người ta cần phải xác định bản thân theo định nghĩa của chính mình, khi đó giới tính, chủng tộc hay giai cấp trở nên quan trọng.
Các cuộc thăm dò dư luận có thể đang phải hứng chịu chỉ trích vì những lý do tương tự. Các cuộc thăm dò truyền thống thường thu thập dữ liệu về thái độ và sở thích của người dân, dựa trên giả định hợp lý rằng đó là những yếu tố chi phối cách hành xử của mọi người. Tuy nhiên trong thời đại mà sự tham gia chính trị đang ngày càng suy giảm, không thể chỉ xem xét việc người tham gia thích đánh dấu “X” vào ô nào. Ta cũng cần biết rằng họ có đủ quan tâm đến một chủ đề để tham gia khảo sát không. Và khi nói đến việc nắm bắt những thay đổi thất thường như vậy trong cảm xúc con người, các cuộc thăm dò là một thứ công cụ vụng về.
Dữ liệu thống kê chỉ đáng tin cậy nếu người ta chấp nhận việc chỉ được cung cấp một nhóm hạn chế các danh mục nhân khẩu học, và những danh mục này được lựa chọn bởi các chuyên gia chứ không phải là người trả lời.
Thống kê vẫn luôn phải đối mặt với sự chỉ trích trong suốt lịch sử lâu dài của nó. Những thách thức mà chính trị bản sắc và toàn cầu hoá hiện đang đặt ra cũng không phải là mới. Vậy, tại sao những sự kiện trong năm qua lại có vẻ nguy hại đến thế đối với tiêu chuẩn về kiến thức định lượng và vai trò của nó trong các cuộc tranh luận chính trị?
***
Trong những năm gần đây, một phương pháp định lượng và trình bày các dữ liệu về dân số mới đã xuất hiện, và nó có khả năng đẩy thống kê ra bên lề, mở ra một thời đại hoàn toàn mới. Các số liệu thống kê, vốn được thu thập và biên soạn bởi các chuyên gia kĩ thuật, đang nhường chỗ cho những dữ liệu được thu thập tự động, kết quả của hoạt động số hoá sâu rộng. Theo truyền thống, các nhà thống kê thường xác định những câu hỏi và tập hợp mà họ muốn tìm hiểu, sau đó sẽ đi tìm câu trả lời. Ngược lại, các dữ liệu tự động được sinh ra bất cứ khi nào chúng ta quét thẻ khách hàng thân thiết, bình luận trên Facebook hoặc tìm kiếm một thứ gì đó trên Google. Khi các thành phố, xe hơi, nhà cửa và đồ gia dụng của chúng ta được kết nối bằng kỹ thuật số, lượng dữ liệu chúng ta để lại sẽ ngày càng lớn hơn. Trong thế giới mới này, dữ liệu được thu thập trước, rồi các câu hỏi nghiên cứu mới đến sau.
Về lâu dài, hệ quả của điều này có thể sẽ có ảnh hưởng sâu rộng như việc phát minh ra thống kê vào cuối thế kỷ 17. Sự dấy lên của “dữ liệu lớn” (big data) tạo ra nhiều cơ hội cho việc phân tích định lượng hơn bất kỳ cuộc thăm dò hoặc mô hình thống kê nào. Tuy nhiên, khác biệt không chỉ nằm ở khối lượng dữ liệu. Dữ liệu lớn đại diện cho một loại kiến thức hoàn toàn khác, cùng với một dạng chuyên môn hoàn toàn mới.
Thứ nhất, không có quy mô phân tích cố định (như quốc gia) hay bất kỳ loại danh mục cụ thể nào (chẳng hạn như “thất nghiệp”). Những bộ dữ liệu mới khổng lồ này có thể được khai thác để tìm kiếm các mô hình, xu hướng, tương quan và các dạng tâm trạng nổi bật. Nó trở thành một cách để theo dõi các đặc tính mà người ta gán cho mình (chẳng hạn như “#ImwithCorbyn” (tạm dịch: Tôi ủng hộ Corbyn) hoặc “doanh nhân khởi nghiệp” (entrepreneur) thay vì áp đặt các danh mục lên họ. Đây là một hình thức tổng hợp phù hợp với thời đại mà chính trị linh hoạt hơn, khi mà không phải mọi thứ đều gắn liền với lý tưởng Khai sáng, trong đó quốc gia đóng vai trò người giám hộ vì lợi ích chung.
Thứ hai, đa số chúng ta hoàn toàn không được biết lượng dữ liệu này đang nói gì về bản thân mình, cả với tư cách là các cá nhân hay một tập thể. Không có Văn phòng Thống kê Quốc gia nào quản lý các dữ liệu lớn được thu thập vì mục tiêu thương mại. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những cảm xúc, đặc điểm và mối quan hệ của chúng ta có thể bị theo dõi và phân tích với một tốc độ và độ nhạy chưa từng thấy, nhưng khả năng mới mẻ này lại không gắn liền với lợi ích công và những cuộc thảo luận công chúng. Có những nhà phân tích dữ liệu làm việc cho Google và Facebook, nhưng họ không phải là kiểu “chuyên gia” tạo ra các số liệu thống kê và đang bị lên án khắp nơi. Khả năng hoạt động ẩn danh và bí mật của các nhà phân tích mới này có thể khiến họ nắm nhiều quyền lực chính trị hơn bất kỳ nhà khoa học xã hội nào.
Một công ty như Facebook có khả năng thực hiện các nghiên cứu định lượng về khoa học xã hội trên hàng trăm triệu người với chi phí rất thấp. Tuy nhiên họ có rất ít động lực để tiết lộ kết quả đó. Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu của Facebook công bố kết quả của một nghiên cứu về “lây nhiễm cảm xúc” mà họ thực hiện với người dùng của họ, trong đó họ đã thay đổi các mục tin (news feed) để xem người dùng phản hồi như thế nào qua các nội dung mà họ chia sẻ. Nghiên cứu này đã bị phản đối dữ dội với lý do là mọi người không được biết rằng mình bị thử nghiệm. Vì vậy, từ quan điểm của Facebook, tại sao lại phải dính vào những rắc rối của việc công bố? Tại sao không đơn giản là cứ làm nghiên cứu và giữ im lặng về nó?
***
Điều quan trọng nhất về mặt chính trị trong sự chuyển đổi từ logic của số liệu thống kê sang logic của dữ liệu là sự liên kết của nó với chủ nghĩa dân túy. Các nhà lãnh đạo dân túy có thể rủa xả các chuyên gia truyền thống, như các nhà kinh tế và nhà thăm dò dư luận chẳng hạn, nhưng lại tin tưởng vào một dạng phân tích số học khác. Các chính trị gia này dựa vào một nhóm trí thức mới, ít nổi bật hơn, những người tìm kiếm các hình mẫu từ các ngân hàng dữ liệu khổng lồ nhưng hiếm khi công bố kết quả, chứ chưa nói đến việc công bố bằng chứng. Những nhà phân tích dữ liệu này thường là các nhà vật lí hoặc nhà toán học, những người mà kỹ năng của họ hoàn toàn không được phát triển để nghiên cứu xã hội. Điều này, để ví dụ, là quan điểm được truyền bá bởi Dominic Cummings, cựu cố vấn của Michael Gove và giám đốc chiến dịch của Vote Leave15. “Vật lý, toán học và khoa học máy tính là những lĩnh vực có các chuyên gia thực sự, không giống như dự báo kinh tế vĩ mô,” Cummings đã lập luận.
Các nhân vật thân cận với Donald Trump, chẳng hạn như chiến lược gia trưởng Steve Bannon và tỷ phú của Thung lũng Silicon, Peter Thiel, rất quen thuộc với các kỹ thuật phân tích dữ liệu tiên tiến, thông qua các công ty như Cambridge Analytica mà Bannon có chân trong ban lãnh đạo. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Cambridge Analytica đã thu thập các nguồn dữ liệu khác nhau để phát triển hồ sơ tâm lý của hàng triệu người Mỹ, sau đó sử dụng nó để giúp Trump nhắm tới các cử tri với thông điệp phù hợp.
Khả năng phát triển và cải tiến những hiểu biết tâm lý học về các nhóm dân số lớn là một trong những khía cạnh sáng tạo và gây tranh cãi nhất của phương pháp phân tích dữ liệu mới. Khi các kỹ thuật “phân tích tình cảm” — đánh giá tâm trạng của một số lượng lớn người bằng cách theo dõi các chỉ số như cách dùng từ trên các phương tiện truyền thông xã hội — được lồng ghép vào các chiến dịch chính trị thì sự quyến rũ cảm xúc của các nhân vật như Trump sẽ phải chịu sự kiểm duyệt khoa học. Trong một thế giới mà cảm xúc chính trị của công chúng có thể được theo dõi đến mức này, ai còn cần các nhà thăm dò làm gì chứ?
Rất ít kết quả nghiên cứu xã hội phát sinh từ loại hình phân tích dữ liệu này được công khai cho công chúng. Điều này có nghĩa là nó đóng góp rất ít trong việc gắn kết các tư tưởng chính trị khác nhau bằng một thực tế chung. Khi thống kê dần mất đi uy tín và không có gì thay thế nó trong không gian công cộng, người ta có thể sống trong bất cứ cộng đồng tưởng tượng nào mà họ cảm thấy gần gũi nhất và sẵn lòng tin tưởng. Mặc dù thống kê có thể được sử dụng để sửa chữa những nhận định sai lầm về kinh tế, xã hội hoặc dân cư, nhưng vào thời đại phân tích dữ liệu, có rất ít cơ chế để ngăn cản người dân phản ứng theo bản năng hoặc thành kiến cảm xúc của họ. Trong khi đó, các công ty như Cambridge Analytica coi những cảm xúc đó là những thứ cần được theo dõi.
Tuy nhiên ngay cả khi có một Văn phòng Phân tích Dữ liệu, hoạt động thay mặt cho công chúng và chính phủ như ONS, thì chúng ta cũng không rõ liệu nó có đưa ra quan điểm trung lập mà các những người theo chũ nghĩa tự do hiện nay đang nỗ lực để bảo vệ hay không. Các thiết bị tính toán siêu tốc (number-crunching) mới rất phù hợp để phát hiện các xu hướng, theo dõi tâm trạng và phát hiện các vấn đề khi chúng còn đang manh nha. Nó phục vụ rất tốt cho các nhà quản lý chiến dịch và tiếp thị nhưng ít phù hợp cho việc đưa ra các tuyên bố rõ ràng, khách quan, có khả năng tạo sự đồng thuận về xã hội mà các nhà thống kê và các nhà kinh tế được trả tiền để tạo ra.
Trong môi trường kỹ thuật và chính trị mới này, giới tinh hoa kỹ thuật số mới sẽ lãnh trách nhiệm xác định các sự kiện, dự báo và sự thật giữa luồng dữ liệu ồ ạt. Chúng ta vẫn sẽ phải chờ để xem liệu các chỉ số như GDP và tỷ lệ thất nghiệp có còn ảnh hưởng về chính trị hay không, nhưng dù là không thì điều đó cũng không nhất thiết báo hiệu hồi kết của các chuyên gia, chứ chưa nói đến hồi kết của sự thật. Trong bối cảnh các số liệu đang được tạo ra liên tục sau lưng chúng ta và vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta, vấn đề cần được xem xét nghiêm túc hơn là cuộc khủng hoảng thống kê đã ảnh hưởng đến nền dân chủ đại diện như thế nào.
Một mặt, cần phải nhận thức được khả năng chống chọi của các thiết chế chính trị lâu đời. Cũng giống như việc các loại hình “kinh tế chia sẻ” như Uber và Airbnb gần đây đã bị cản trở bởi các phán quyết pháp lý (Uber buộc phải công nhận tài xế là nhân viên, Airbnb bị cấm bởi một số chính quyền thành phố), luật về quyền riêng tư và quyền con người là một trở ngại tiềm ẩn đối với sự mở rộng của hoạt động phân tích dữ liệu. Điều kém rõ ràng hơn là làm thế nào để cung cấp những lợi ích của phân tích số cho công chúng, theo cách đã được làm với nhiều bộ dữ liệu thống kê. Các cơ quan như Viện Dữ liệu Mở (Open Data Institute), đồng sáng lập bởi Tim Berners-Lee16, đã mở chiến dịch vận động nhằm làm cho dữ liệu được công bố công khai, nhưng họ ít có ảnh hưởng đối với các tập đoàn đã tích lũy rất nhiều dữ liệu của chúng ta. Khi mới sinh ra, thống kê chỉ là một công cụ mà chính phủ dùng để xem xét xã hội, nhưng nó đã dần trở thành một thứ mà cả giới học thuật, các nhà cải cách quyền công dân và các doanh nghiệp đều có phần. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty phân tích số liệu, bí mật xung quanh các phương pháp và nguồn dữ liệu là một lợi thế cạnh tranh mà họ sẽ không tự nguyện từ bỏ.
Một xã hội hậu thống kê là viễn cảnh đáng sợ, không phải vì nó sẽ thiếu bất kỳ hình thức của sự thật hoặc kiến thức chuyên môn, mà bởi vì nó sẽ tư nhân hóa chúng một cách quyết liệt. Thống kê là một trong nhiều trụ cột của chủ nghĩa tự do và của Lý tưởng Khai sáng. Các chuyên gia xây dựng và sử dụng chúng hiện bị xem là kiêu ngạo và vô cảm với những khía cạnh tình cảm và cục bộ của chính trị. Rõ ràng là có nhiều cách điều chỉnh hoạt động thu thập dữ liệu để phản ánh thực tế cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến trường kỳ trong tương lai không phải là giữa một nền chính trị dựa trên thông tin xác thực do giới tinh hoa lãnh đạo với nền chính trị dân túy dựa trên cảm xúc. Đó là cuộc chiến giữa những người vẫn còn tận tụy với kiến thức công khai và tranh luận công khai với những người hưởng lợi khi những điều đó đang dần tan rã.
YouGov là một công ty quốc tế chuyên nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu, có trụ sở ở Anh.↩
Chủ nghĩa dân túy (populism) hay nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa” và trong các tuyên bố cho là mình đứng về phía “dân thường.”
(https://www.luatkhoa.org/2017/12/ta-vs-ho-cai-noi-cua-chu-nghia-dan-tuy/)↩Chủ nghĩa tinh hoa (elitism) là niềm tin cho rằng thành viên của các nhóm tinh hoa, được xác định bằng nguồn gốc, năng lực, học vấn, kỹ năng, tài sản…, có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của xã hội nên xứng đáng nắm quyền hơn đa số người dân. (Nguồn: Wikipedia)↩
Con ngựa thành Troy (Trojan Horse): Theo truyền thuyết, trong cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Thành Troy, người Hy Lạp đã tạo ra một con ngựa gỗ lớn và cho quân lính ngồi vào trong. Sau đó, người Hy Lạp giả vờ rút lui, bỏ lại con ngựa. Người Thành Troy mắc lừa đã kéo con ngựa vào thành. Đến đêm, lính Hy Lạp chui ra khỏi con ngựa, mở cổng thành cho toàn bộ quân đội tiến vào và chiếm được Thành Troy. Con ngựa thành Troy trở thành một thuật ngữ ẩn dụ để chỉ những trò lừa đảo hay chiến thuật khiến mục tiêu tự đưa đối thủ vào nhà. (Nguồn: Wikipedia)↩
Từ “statistics” trong tiếng Anh bắt nguồn từ “statisticum collegium” (council of state – hội đồng quốc gia) trong tiếng Latin và “statista” (statesman – chính khách) trong tiếng Ý. Từ “Statistik” trong tiếng Đức được nhà thống kê Gottfried Achenwall (1719-1722) đặt ra năm 1749 với ý nghĩa ban đầu là sự phân tích các dữ liệu về quốc gia (Nguồn: Wikipedia)↩
Thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment): còn gọi là thế kỷ Ánh sáng, là giai đoạn thế kỷ 18 của triết học phương Tây. Thời kỳ Khai sáng thường được liên hệ chặt chẽ với cuộc Cách mạng Khoa học, do cả hai phong trào đều nhấn mạnh vào lý tính, khoa học hay sự hợp lý, trong khi phong trào Khai sáng còn tìm cách phát triển hiểu biết có hệ thống về các quy luật tự nhiên và thần thánh. Các nhà tư tưởng Khai sáng tin rằng có thể áp dụng tư duy có hệ thống cho mọi lĩnh vực của hoạt động con người và đưa nó vào trong phạm vi chính phủ (Nguồn Wikipedia).↩
Benedict Richard O’Gorman Anderson (1936 – 2015): nhà khoa học chính trị và sử học người Ireland. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Imagined Communities” (tạm dịch: Những cộng đồng tưởng tượng) nghiên cứu về nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc (Nguồn: Wikipedia).↩
Cách mạng Pháp là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp, diễn ra từ năm 1789 đến 1799, khi lực lượng dân chủ và cộng hòa đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Phái Jacobin do Maximilien Robespierre (1758-1794) đứng đầu năm quyền lãnh đạo cách mạng và thành lập chính phủ chuyên chính trong giai đoạn 1793-1794 (Nguồn:Wikipedia).↩
Không gian công cộng, theo nhà triết học và xã hội học người Đức Jurgen Habermas (1929-), là nơi mà mọi người có thể thảo luận về các vấn đề xã hội một cách tự do và bình đẳng (Nguồn: Wikipedia).↩
Charles James Booth (1840 – 1916): nhà nghiên cứu và cải cách xã hội người Anh. Ông nổi tiếng với các nghiên cứu về đời sống của người lao động ở London vào cuối thế kỷ 19 (Nguồn: Wikipedia).↩
Chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism) là quan điểm rằng xã hội có thể và nên được tổ chức mà không cần một nhà nước cưỡng ép (Nguồn: The Concise Oxford Dictionary of Politics).↩
Khái niệm “chính trị học văn hóa” (cultural politics) đề cập đến cách văn hóa – bao gồm thái độ, ý kiến, niềm tin, quan điểm của con người cũng như các phương tiện truyền thông và nghệ thuật – định hình xã hội và chính trị, và dẫn đến sự ra đời của các thực thể kinh tế, xã hội và pháp lý (Nguồn: https://blogs.sussex.ac.uk/dirtpol/2014/04/01/what-is-meant-by-cultural-politics-by-prof-steph-newell/)↩
Vành đai rỉ sét (Rust Bell) bao gồm các khu vực thuộc vùng Trung Tây (Midwest) và vùng Hồ Lớn (Great Lakes) của Hoa Kỳ, vốn có nền kinh tế phụ thuôc chủ yếu vào công nghiệp Khái niệm “rỉ sét” đề cập đến hiện tượng phi công nghiệp hóa, suy thoái kinh tế, giảm dân số, và phân rã đô thị do lĩnh vực công nghiệp bị thu hẹp (Nguồn: Wikipedia).↩
Chính trị bản sắc (Identity politics): chính trị dựa trên lợi ích, quan điểm, văn hóa của các nhóm xã hội. Các nhóm này có thể được phân chia bằng các yếu tố như tuổi, giới tính, chủng tộc, giai cấp… (Nguồn: Wikipedia).↩
Một tổ chức vận động bỏ phiếu cho nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu ↩
Sir Timothy John “Tim” Berners-Lee (1955-) là một nhà khoa học máy tính người Anh, được biết đến nhiều nhất với vai trò là người phát minh ra World Wide Web (Nguồn: Wikipedia).↩