20/04/2017
Khi mình hỏi những người bạn của mình học Đại học ở Việt Nam về môn triết học, đa phần phản ứng đều rất ngán ngẩm và chẳng có ai có tẹo hứng thú nào với môn này. Khi được hỏi kỹ hơn về nội dung môn triết dạy trên trường, phải đến 90% sẽ trả lời là tư tưởng Hồ Chí Minh và triết học Mác Lê-nin. Có bạn còn đọc cho mình làu làu quy luật bất thành văn của phép biện chứng duy vật, rằng khi có đủ thay đổi về lượng sẽ có biến đổi về chất. Triết học, đối với các bạn mình, chỉ xoay quanh chất và lượng, lượng và chất, chất chất rồi lượng lượng.
Thực ra, triết học không hẳn là quá cao siêu như thế. Triết học chỉ đơn giản là nghĩ chậm lại một chút, đặt câu hỏi cho những điều mà mọi người xung quanh bạn cho là điều hiển nhiên, và tìm lý do tại sao mọi người lại nghĩ rằng điều đó là hiển nhiên. Hay thậm chí việc nghĩ thế nào để nghĩ về vấn đề cho đúng cũng là một phần của triết học. Ví dụ, mọi người đều cho rằng quan hệ tình dục với xác chết có vẻ sai sai về mặt đạo đức, chưa nói đến việc người thực hiện hành động trên còn bị người đời sỉ vả, khinh bỉ. Vậy nhưng, nếu một người cho rằng không có vấn đề gì khi quan hệ với búp bê tình dục, thì tại sao họ lại nghĩ việc quan hệ với xác chết là sai? Về mặt sinh học, người chết và búp bê tình dục đâu có khác gì nhau? Nếu việc một người đạt khoái cảm với một cô búp bê làm bằng silicon không sai, thì tại sao việc một người khác đạt khoái cảm với một cô “búp bê” bằng thịt đang trong quá trình phân hủy lại sai? Khi bạn đặt những câu hỏi như vậy, vậy là bạn đang suy nghĩ triết học rồi.
Một ví dụ nữa bạn có thể nghĩ tới là, ở Việt Nam,việc ăn trứng vịt lộn là một việc rất đỗi bình thường. Nếu bạn nào không biết, về bản chất ăn trứng vịt lộn là ăn bào thai của một con vịt con. Hay nói cách khác, bạn đang giết bào thai của một con vật. Bạn lại tự hỏi, nếu mọi người nghĩ nạo phá thai, cũng là giết một bào thai, là sai về mặt đạo đức, thì tại sao ăn trứng vịt lộn lại không bị coi là sai? Tại sao có những người ở nước mình lại không thấy ghê ghê khi ăn trứng vịt lộn nhỉ?
Bạn liền bị một đứa bạn đập ngay lại, “mày suy nghĩ kiểu gì vậy? Bào thai của vịt là động vật, còn bào thai người là con người. Giết động vật thì không sai. Nhưng giết người thì sai.” Bạn liền hỏi lại: “Vậy mày có phân biệt chủng tộc không? Mày có cho là con người có giá trị khác nhau khi họ thuộc những chủng tộc khác nhau không?” Bạn của bạn liền đáp: “Tất nhiên là không rồi, nhưng cái này thì có liên quan gì đến trứng vịt lộn?” “Có chứ sao không, nếu mày phản đối việc phân biệt chủng tộc, mày cũng phải phản đối việc phân biệt giống loài chứ? Phân biệt chủng tộc và phân biệt giống loài đâu có khác gì nhau về bản chất?”
Hay thậm chí bạn cũng sẽ lo lắng về việc quyết định xem nạo phá thai là đúng hay sai. Bạn nghi ngờ rằng việc coi một bào thai là một con người toàn diện cũng chưa hẳn đã rõ ràng. Bạn có thể đặt câu hỏi ở thời điểm nào trong quá trình phát triển phôi thai thì thai nhi được coi là một “con người.” Bạn có thể lo ngại rằng sự phát triển chưa toàn diện của thai nhi về mặt não bộ lẫn nhận thức chưa chắc đã đủ để chúng ta coi thai nhi là một “con người” toàn diện. Nếu bạn suy nghĩ như vậy, bạn cũng đang suy nghĩ triết học rồi.
Tất nhiên, mục đích của bài viết này không phải để cổ xúy cho việc quan hệ tình dục với xác chết hay phê phán những ai thích ăn trứng vịt lộn, mà hơn hết mình muốn chỉ ra rằng triết học không chỉ gói gọn trong tư tưởng Hồ Chí Minh hay những thứ xa vời như mọi người thường cảm nhận. Triết học trên thực tế lại rất gần gũi với chúng ta và nhờ nó mà chúng ta có một tư duy độc lập. Điều này rất quan trọng nhưng mình sẽ nói ở những bài viết sau.
Triết học chỉ đơn giản là nghĩ chậm lại một chút, đặt câu hỏi cho những điều mà mọi người xung quanh bạn cho là điều hiển nhiên, và tìm lý do tại sao mọi người lại nghĩ rằng điều đó là hiển nhiên. Hay thậm chí việc nghĩ thế nào để nghĩ về vấn đề cho đúng cũng là một phần của triết học
Triết học là gì?
Có 4 nhánh được coi là nền tảng của triết học mà đến tận bây giờ các triết gia vẫn còn vật lộn với những câu hỏi xoay quanh chúng. 4 nhánh đó là siêu hình học (metaphysics), tri thức luận (epistemology), đạo đức học (ethics), và logic (logics). Sau đây mình sẽ giải thích rõ hơn về từng nhánh này thông qua các ví dụ cụ thể. Tuy nhiên, mình muốn lưu ý rằng những ví dụ mình đưa ra đều không phải là một bản liệt kê hoàn chỉnh về những luồng tư tưởng chính trong từng nhánh. Mục đích chính của những ví dụ đó chỉ là để các bạn có một cái nhìn tổng quát nhất cũng như những kiến thức cơ bản, dễ hiểu nhất về từng nhánh triết học mà thôi.
Thứ nhất, chúng ta có siêu hình học (metaphysics) là một trong tứ trụ của triết học. Ở trong siêu hình học, các triết gia đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bản chất của hiện thực là gì, và cái gì tạo nên hiện thực mà bạn đang tồn tại trong đó.
Ví dụ, giả sử bạn cho rằng, vũ trụ này, hay thực tại này, chỉ được cấu thành bởi vật chất. Nước được tạo bởi Hidro và Oxi, các chất hữu cơ được tạo bởi hợp chất của Carbon, Hidro, và Oxi. Các nguyên tố Carbon, Hidro, và Oxi lại được cấu tạo từ các nguyên tử gồm các hạt nhân ở trung tâm và các đám mây điện tích electron bao xung quanh. Tất nhiên, còn vô số đơn vị nhỏ hơn nguyên tử như hạt quark, photon, v.v. mà các nhà khoa học ngày nay tin rằng là đơn vị cơ bản tạo nên tất cả mọi thứ. Nếu bạn tin vào lối suy nghĩ như trên, chúc mừng, bạn là một người theo chủ nghĩa duy vật (Materialism). Nghe quen không? Đúng rồi đấy, chủ nghĩa này chính là thứ các bạn học sinh phải vật lộn để qua môn triết trong hai năm đầu ở các trường đại học Việt Nam. Tại sao chủ nghĩa duy vật lại là một phần trong siêu hình học? Vì những người đi theo chủ nghĩa này đang đưa ra một giả thuyết về bản chất cấu tạo của thế giới mà ta đang sinh sống.
Ví dụ thứ 2, tất nhiên không phải nhà triết học nào cũng đồng ý với giả thuyết của các triết gia duy vật. Điển hình là Rene Descartes, một triết gia Pháp sống ở thế kỉ 17 nổi tiếng với câu nói “Tôi tư duy, tôi tồn tại.” Descartes tin rằng thực tại được cấu tạo từ hai phần hay hai thực thể hoàn toàn độc lâp và tách biệt. Phần thứ nhất là vật chất (ở điểm này Descartes đồng ý với suy nghĩ của chủ nghĩa duy vật). Nhưng phần thứ hai, quan trọng hơn cả, là ý thức (mind stuff/consciousness), và không có một vật chất nào có thể tạo nên ý thức được cả. Nếu bạn có chung quan điểm với Descartes thì cũng xin chúc mừng, bạn là một người tin vào thuyết nhị nguyên (dualism).
Ví dụ thứ 3, bạn đã từng xem bộ phim The Matrix (Ma trận) và nghĩ rằng có lẽ ta cũng đang sống trong một ma trận hay thế giới giả lập được lập trình bởi các máy tinh siêu hiện đại của tương lai chưa? Thực tại của ta không phải được cấu thành từ vật chất, cũng chẳng phải ý thức như Descartes nói, mà thực tại của ta chẳng là gì ngoài những dòng code dài vô tận và các đơn vị máy tính bits và bytes. Đây cũng là một giả thuyết trong siêu hình học, giúp ta trả lời câu hỏi, thực tại của chúng ta là gì?
Trên đây là ba ví dụ về một số câu hỏi, tư tưởng, và chủ nghĩa thường gặp trong lĩnh vực siêu hình học, Tựu chung lại, có thể hiểu đơn giản rằng siêu hình học là một lĩnh vực trong triết học giúp chúng ta đi tìm bản chất của hiện thực.
Lĩnh vực thứ 2 trong triết học là nhận thức luận hay tri thức luận (epistemology). Trong nhánh thứ hai này, các nhà triết gia đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Bản chất của nhận thức là gì? Làm thế nào để phân biệt giữa chân lý (knowledge) và niềm tin (belief)? Làm thế nào để ta chứng minh một niềm tin là chân lý? Làm cách nào ta biết được những gì mà ta biết? Ta có bao giờ biết một cái gì chắc chắn không?
Nhắc đến tri thức luận thì thật là một thiếu sót khi không kể ngay đến chủ nghĩa hoài nghi cực đoan (Extreme skepticism). Nếu bạn theo chủ nghĩa hoài nghi cực đoan thì bạn sẽ cho rằng không có gì là chắc chắn cả. Người theo chủ nghĩa này sẽ khuyên bạn nên hoài nghi về tất cả mọi thứ, từ việc bạn có đang thực sự sở hữu một cơ thể sinh học hay không, bạn có phải là một “brain-in-a-vat ”1 hay không, cho đến việc bạn sẽ không bao giờ chứng minh được rằng bạn đang không sống trong một ma trận. Tất cả những vấn đề liên quan đến bản chất của nhận thức và tri thức đều nằm trong lĩnh vực tri thức luận. Ngoài lề một chút, bạn còn nhớ triết gia Descartes được nhắc đến ở trên chứ? Câu nói “Tôi tư duy, tôi tồn tại” được dùng để chứng minh chủ nghĩa hoài nghi cực đoan là sai. Vì sao sai? Vì chủ nghĩa này cho rằng ta không biết thứ gì chắc chắn cả. Descartes phản biện rằng không thể, có một điều chắc chắn là tôi đang tồn tại. Vì sao tôi đang tồn tại? Vì tôi đang suy nghĩ đây. Ít nhất là, nếu tôi không tồn tại dưới dạng một cơ thể hữu cơ, tôi cũng tồn tại dưới dạng một thực thể đang suy nghĩ.
Hết tri thức luận, sang đến trụ thứ 3 trong triết học là đạo đức học (ethics). Tất nhiên, đạo đức trong triết học không chỉ gói gọn trong môn giáo dục công dân hay trong những cuốn sách đạo đức ứng xử bạn vẫn thường đọc. Đạo đức trong triết học có những câu hỏi chính sau đây: Cái gì được coi là tốt? Cái gì được coi là xấu? Đâu là đúng? Đâu là sai? Bản chất của tốt là gì? Bản chất của xấu là chi? Khi nào và dưới tình huống nào, một hành động được coi là đúng đắn? Tại sao một việc đúng ở trường hợp này lại sai ở trường hợp khác? Chúng ta nên sống một cuộc sống ra sao? Chúng ta nên làm những gì?
Có một ví dụ kinh điển trong lịch sử tranh luận đạo đức. Một số triết gia nghĩ rằng để đánh giá một hành động là đúng hay sai, chúng ta phải nhìn vào kết quả của hành động đó. Ta không cần quan tâm đến những yếu tố khác, mà chỉ cần một kết quả tốt thì có thể cho rằng hành động đó là đúng. Có nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong việc quyết định thế nào là một kết quả tốt. Chủ nghĩa utilitarianism (tạm dịch: chủ nghĩa hệ quả hạnh phúc) thì cho rằng kết quả tốt là khi tổng lượng hạnh phúc của tất cả mọi người là lớn nhất. Bởi vậy khi một hành động tạo nên lượng lớn hạnh phúc cho một lượng lớn người thì hành động đó được coi là đúng. Có nhiều quan điểm khác nhau về hệ quả và như thế nào được coi là hệ quả tốt. Nhưng tựu chung lại, dù kết quả tốt là như thế nào, nếu việc xác định sự đúng sai của hành động được dựa trên kết quả hành động đó thì đây là lối suy nghĩ của trường phái hệ quả (consequentialism).
Có một trường phái khác không đặt tính đúng sai của hành động vào kết quả của hành động. Trường phái này tin rằng ý định của người thực hiện hành động mới quan trọng. Một hành động với một ý định tốt nhưng kết quả không tốt vẫn được coi là đúng.
Ví dụ như, bạn thấy người yêu mình đang đi sang đường và có một chiếc ô tô lao tới. Bạn lo rằng chiếc xe mất phanh sẽ đâm người yêu bạn, và bạn chạy nhanh đến để cứu người ấy nhưng chẳng may lại vấp phải vỏ chuối, đẩy người yêu bạn ngã đập đầu xuống đất. Kết quả là người yêu bạn vẫn phải nhập viện. Trong trường hợp này, nếu bạn tin rằng ý định mới là điều quan trọng, thì bạn sẽ cho rằng hành động của mình là đúng dù cho kết quả của nó có không được tốt đẹp lắm.
Hay đây, một vấn đề khá nổi tiếng: The Trolley Problem. Giả sử có một đoàn tàu mất phanh đang chạy. Ở phía cuối đường ray có 5 người công nhân đang làm việc. Bạn biết rằng nếu để đoàn tàu chạy và bạn không làm gì, 5 người kia sẽ chết. Tuy nhiên, có một đường ray kế bên, bạn có thể gạt cần và khiến đoàn tàu đổi ray, đi sang đường ray phụ để cứu 5 người, nhưng ở cuối đường ray phụ lại là 1 người công nhân. Giả sử, tất cả bạn có thể làm là gạt cần để đoàn tàu đổi ray. Liệu bạn có gạt? Theo một cuộc khảo sát, có đến 90% người sẽ bảo okay, gạt, giết 1 người để cứu 5 người. Họ cho rằng đó là điều nên làm trong hoàn cảnh khá trớ trêu này.
Vậy nhưng, cũng đoàn tàu như trên, cũng mất phanh, cũng có 5 người công nhân ở cuối đường ray. Điều khác biệt là, lần này, bạn không còn gạt cần nữa. Bạn đang đứng trên cầu, và bên cạnh bạn có một ông béo. Bạn biết rằng nếu bạn đẩy ông béo này xuống đường ray, chắc chắn 100% ông béo sẽ chặn lại được đoàn tàu và 5 người công nhân kia thoát nạn, nhưng hệ quả là ông béo sẽ chết. Liệu bạn có đẩy? Trong trường hợp này, nhiều người lại chọn không, dù về bản chất hành động vẫn là giết 1 người cứu 5 người. Tại sao cùng một hành động, con người lại cho rằng nó sai trong một trường hợp và đúng trong một trường hợp khác? Đây cũng là một trong những câu hỏi, một sự thiếu thống nhất, mà các nhà đạo đức học vẫn đang tìm câu trả lời.
Cuối cùng, trụ thứ 4 trong triết học: Logic. Không chỉ có các triết gia quan tâm đến logic mà các nhà toán học, lập trình cũng hứng thú với bộ môn này. Logic chủ yếu là bàn về các luật của suy nghĩ, và những dạng và cách thức nào của suy nghĩ được coi là chặt chẽ, hợp lý. Để có thể học triết, bạn không cần phải biết quá nhiều về logic mà chỉ cần nắm vững những nguyên lý cơ bản. Một trong số đó, và cũng là ứng dụng quan trọng nhất của logic trong triết học, là lập luận (argument). Đây là khía cạnh một người cần hiểu và nắm chắc nếu muốn hiểu và tư duy triết học. Những kiến thức cơ bản về lập luận sẽ được trình bày trong bài thứ hai của series triết học này.
Ngoài ra, triết học không chỉ có 4 nhánh chính như vừa liệt kê ở trên. Có một lĩnh vực trong triết học mà mình xin gọi là triết học của X (philosophy of X), trong đó X là một chuyên ngành nào đó hoặc một hành vi hay hành động của con người.
Triết học của X là gì? Khi bạn bước ra ngoài một chuyên ngành và đặt câu hỏi cho chính chuyên ngành đó, thì khi đó bạn đang suy nghĩ theo kiểu triết học của X. Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy lấy ví dụ về vật lý, mà cụ thể là Định luật III Newton. Mình cho bạn ba giây để nêu nhanh định luật III Newton. Đúng rồi đấy. Định luật này cho rằng khi vật A tác dụng vào vật B một lực, vật B sẽ tác dụng ngược lại lên vật A một phản lực có độ lớn tương đương nhưng ngược chiều. Định luật này đã trở thành một định luật cơ bản trong vật lý và được các nhà vật lý cổ điển và hiện đại chấp nhận rộng rãi. Nhưng có thể bạn không biết, định luật này đang có một sự giả định rất lớn, đó là chúng ta đang sống trong một vũ trụ có trật tự chứ không phải một vũ trụ hỗn loạn. Có nghĩa là, bối cảnh của định luật này là khi có A thì chúng ta thường có B, thay vì có A thì lần một có B, lần hai có D, lần ba bốn lại là Y hay Z. Nói cách khác, định luật đang được áp dụng cho một vũ trụ hoạt động theo quy luật, và chưa tính đến trường hợp liệu trong một vũ trụ hỗn loạn thì định luật này có còn đúng.
Khi bạn bước ra khỏi bộ môn vật lý và đặt câu hỏi về những giả sử trong lĩnh vực này như ví dụ trên, như: Liệu vũ trụ của chúng ta có phải là một vũ trụ hoạt động theo một quy luật nhất định? Hay ta đang sống trong một vũ trụ hỗn loạn? Có ai lại hỏi những câu hỏi tưởng như hiển nhiên thế này không? Có. Đây không phải là những câu hỏi dành cho các nhà vật lý. Vì sao? Vì các nhà vật lý đã giả sử điều đó là đúng rồi, các nhà vật lý đã và phải giả sử vũ trụ của ta phải có một quy luật nào đó để vật lý có thể hoạt động.
Đây, trái lại, là những câu hỏi triết học của vật lý. Những câu hỏi đó xuất hiện khi bạn bước ra khỏi vật lý, bạn đặt câu hỏi cho những thừa nhận của vật lý, những giả định mà các nhà vật lý học đã xem như đúng, và suy nghĩ về những câu hỏi trên, tìm bằng chứng cho những câu hỏi trên. Đây là lúc bạn đang suy nghĩ theo lối triết học của X, mà trong trường hợp này mình tạm gọi triết học của vật lý.
Một ví dụ khác có thể kể đến là tôn giáo. Tôn giáo cũng có rất rất nhiều những thừa nhận. Khi bạn bước ra khỏi phạm trù của tôn giáo và đặt câu hỏi cho những thừa nhận của tôn giáo đó, đánh giá phê bình một cách nghiêm ngặt về những niềm tin được thừa nhận trong tôn giáo, vậy là bạn đang thực hành triết học tôn giáo. Để dễ hiểu hơn chúng ta hãy xem xét ví dụ sau: Nếu bạn chỉ đơn thuần đặt câu hỏi về một khái niệm liên quan tới một tôn giáo nào đó thì bạn đang nghiên cứu về tôn giáo ấy chứ không phải triết học tôn giáo. Ví dụ, đạo Công Giáo tin rằng Jesus là con của Chúa. Khi bạn hỏi con của Chúa có nghĩa là gì, hay Jesus là ai, ông ta có quyền năng gì, khi bạn hỏi để làm rõ những khái niệm đó trong tôn giáo, thì cái bạn đang làm là thần học (theology) chứ không phải triết học tôn giáo.
Còn khi bạn lấy một khái niệm mang tính cơ bản, trọng tâm mà nhiều tôn giáo đều thừa nhận, và bạn đặt câu hỏi cho những sự thừa nhận đó, vậy là khi đó bạn đã bước ra ngoài tôn giáo và đặt câu hỏi cho tôn giáo. Cái câu hỏi bạn vừa đặt là câu hỏi triết học.
Ví dụ, khái niệm cơ bản và quan trọng nhất trong tôn giáo là gì? Đơn giản. Chúa. Rất rất nhiều (không phải toàn bộ) tôn giáo trên thế giới đều tin có một đấng tối cao gọi là Chúa. Khái niệm về Chúa đều rất rất quan trọng trong những đạo như Công Giáo (Christianity), Hồi Giáo (Islam), hay Do Thái giáo (Jewish). Nếu bạn hỏi Chúa có nghĩa là gì trong đạo Công Giáo, thì bạn chỉ đang nghiên cứu thần học trong Công Giáo. Nhưng nếu bạn hỏi câu hỏi về những đặc tính như toàn đức, toàn tài, toàn năng, toàn trí của một đắng cứu thế, hay liệu đấng Chúa trời có thực sự tồn tại? Và nếu ngài là một người toàn đức và ngài là một người toàn năng, tại sao lại con người lại có quá nhiều nỗi khổ đau như vậy? Tại sao Chúa không cứu giúp con người với năng lực mà Chúa có? Những câu hỏi bạn vừa đặt chính là câu hỏi triết học.
Có một nhánh nhỏ cuối cùng trong triết học rất thú vị mà khiến các triết gia dành cả đời cũng chưa chắc tìm ra được câu trả lời thích đáng. Thuật ngữ triết học dùng để gọi nhánh này là nghịch biện hay nghịch lý (philosophical paradox). Một nghịch biện là “một kết luận bất hợp lý được rút ra từ một quá trình lý luận hợp lý và những tiền đề hợp lý”. Để dễ hiểu hơn, hãy cùng xem xét ví dụ sau. Một nghịch biện siêu nổi tiếng có tên là nghịch biện về người thợ làm tóc (the barber paradox). Nghịch biện này như sau: Trong một làng nọ có một ông thợ cắt tóc. Ông thợ này chỉ cắt tóc cho những ai không tự cắt tóc được cho chính bản thân họ. Hỏi là ông thợ cắt tóc này có cắt tóc cho chính ông ta hay không? Nếu câu trả lời là có, ông ấy tự cắt tóc cho chính mình. Cái này vô lý vì ông ta chỉ cắt tóc cho những ai không tự cắt tóc cho chính bản thân họ mà thôi. Còn nếu câu trả lời là không, ông ta không tự cắt tóc cho bản thân ông ta, thì đáng lẽ ra ông ta phải cắt tóc cho ông ta mới đúng, vì ông ta cắt tóc cho những người không tự cắt tóc cho bản thân họ mà.
Có một nghịch biện cũng khá hay nữa về hạt cát và đụn cát. Bạn có một đụn cát. Nếu bạn lấy một hạt cát ra khỏi một đụn cát đó. Thì một đụn cát trừ một hạt cát vẫn sẽ là một đụn cát. Bạn lại tiếp tục lấy ra một hạt cát nữa từ cái đụn cát vừa rồi (cái đụn cát mà bạn vừa lấy ra một hạt cát lần thứ nhất). Vì một đụn cát mất đi một hạt cát vẫn là một đụn cát, nên bạn vẫn sẽ có một đụn cát sau lần thứ hai bạn lấy hạt cát ra. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi bạn chỉ còn một hạt cát. Câu hỏi đặt ra là đụn cát đâu rồi?
Trên đây là một bản giới thiệu sơ lược về những phân nhánh và luồng tư tưởng chính trong triết học. Mình hi vọng bài viết này có thể giúp các bạn có một cái nhìn toàn cảnh hơn về triết học và thấy lĩnh vực này thú vị hơn phần nào.
Trong triết học, bộ não trong thùng là khái niệm được sử dụng trong một loạt các thí nghiệm tưởng tượng với mục đích tìm hiểu một số đặc trưng của tư tưởng chúng ta về kiến thức, thực tế, tâm trí, và ý nghĩa. Nó bắt nguồn từ những câu chuyện khoa học giả tưởng, trong đó một bộ não bị bóc ra từ cơ thể người, lưu trữ trong một thùng có chất lỏng duy trì sự sống, và kết nối các tế bào thần kinh của nó với một siêu máy tính. Siêu máy tính này sẽ gửi các kích thích đến não như những gì bộ não thông thường nhận được. Như vậy, máy tính đã mô phỏng thực tế (bao gồm các phản ứng từ não bộ) và các kinh nghiệm tiếp theo bộ não thu được sẽ không liên quan gì tới thế giới thực↩
🙂 Rất trực quan.
hai cái ví dụ sau cùng là hai cái thấy hài và thoải mái nhất trong bài viết
bài viết rất hay, thanks đã viết và chia sẻ
Mình thấy một số chỗ có chút luẩn quẩn (như phần empistemology). Cảm ơn tác giả của zeal với bài viết hay về triết học này !!! =))
Luẩn quẩn là phải rồi :)) http://zeally.net/vi-sao-bi-an-ve-nhan-thuc-van-chua-duoc-giai-ma/
Đụn cát hạt cát thì mình hiểu nhanh hơn ông cắt tóc. Thôi suy nghĩ tiếp vậy