Người già và người trẻ lại đang tranh cãi gay gắt – lần nữa.
Không quá khi cho rằng đây là một khía cạnh bất diệt trong xã hội loài người: Những người trẻ luôn tồn tại, và những người lớn tuổi hơn sẽ luôn phàn nàn về họ. Đổi lại, những người trẻ thì luôn bảo, “Ôi, người già chẳng hiểu gì sất.”
Gần đây, câu nói “Ôi, người già chẳng hiểu gì sất” đã lan truyền thành meme “OK boomer”1 phổ biến.
Nếu bạn đang theo dõi: “OK boomer” là một lời đáp trả mang ý chế giễu của Thế hệ Z đang lên nhằm chỉ trích những người lớn tuổi hơn về sự thờ ơ đồng loạt của họ về biến đổi khí hậu, về sự kháng cự (nói chung) của họ đối với các chính sách tiến bộ, và về giọng điệu trịch thượng mà những người lớn tuổi hay dùng khi mô tả “bọn trẻ ngày nay.” Thế hệ boomer2 thì không mấy vừa lòng với cụm từ này. Một người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ gọi nó là “lời khinh miệt cho sự phân biệt tuổi tác.”
Sau đây là dự đoán: Những người trẻ “OK boomer” này sẽ già đi và bắt đầu than thở về giới trẻ trong tương lai. Họ có thể sẽ sử dụng những lời phỉ báng tương tự, phàn nàn rằng bọn trẻ ở những năm 2050 và 60 được hưởng nhiều quyền hơn, ái kỷ hơn và kém tự lập hơn so với các thế hệ trước. Họ sẽ để ý một cách thái quá đến những cuộc tranh cãi trong các khuôn viên trường đại học và viết các chuyên mục cho New York Times về việc những tranh cãi đó là dấu hiệu cho một sự sụp đổ xã hội đang chực chờ ra sao.
Đó là bởi vì “bọn trẻ ngày nay” là một hình thái phản kháng cổ xưa, kể từ thời cổ đại, và có lẽ còn sớm hơn nữa. Đó là một chu kỳ mà chúng ta buộc phải lặp lại.
Nhưng tại sao? “Có vẻ là do vấn đề về trí nhớ,” John Protzko, nhà tâm lý học tại tại Đại học California, Santa Barbara, cho biết. “Rối loạn trí nhớ liên tục xảy ra, từ thế hệ này qua thế hệ khác.”
Gần đây, ông và các đồng nghiệp đã xuất bản một bài viết trên tạp chí Science Advances nhằm tìm ra lý do tại sao thiên kiến “bọn trẻ ngày nay” luôn tồn tại xuyên suốt các thời kỳ. Nghiên cứu mới của họ hàm chứa một bài học quan trọng về cách trí nhớ con người hoạt động (và không), và những đánh giá tiêu cực của chúng ta về người khác tiết lộ gì về bản thân chúng ta.
Ngay cả các chuyên gia cũng đánh giá sai đám trẻ
Protzko bắt đầu quan tâm đến “hiệu ứng bọn trẻ ngày nay” – khuynh hướng người lớn tuổi cho rằng giới trẻ ngày nay dù sao đi nữa đều kém hơn giới trẻ ngày xưa – sau khi khảo sát vài trăm chuyên gia hàng đầu về tâm lý học phát triển.
Vào năm 2017, Protzko đã xem xét một tập dữ liệu khổng lồ về điểm kiểm tra trong vòng 60 năm của những đứa trẻ để đánh giá độ kiên nhẫn và khả năng khả năng trì hoãn sự hài lòng. Với đống nghiên cứu này, ông có thể xem liệu những người trẻ, nhìn chung, đang trở nên tốt hơn hay tệ hơn trong khả năng khả năng trì hoãn sự hài lòng qua nhiều thập kỷ.
Trước khi phân tích dữ liệu, ông đã yêu cầu 260 nhà tâm lý học phát triển đưa ra dự đoán. Liệu các chuyên gia này cho rằng những đứa trẻ, qua thời gian, sẽ trở nên tốt hơn, tệ hơn, hay vẫn giữ nguyên khả năng của chúng khi đối mặt với cám dỗ? Đây là những người hẳn phải có cái nhìn sâu sắc nhất về xu hướng hành vi của trẻ.
Đại đa số – 84% – dự đoán những đứa trẻ sẽ trở nên tệ hơn qua thời gian, hoặc không thay đổi. Nhưng họ nhầm hết. Chỉ có 16% đưa ra dự đoán chính xác: Đám trẻ ngày nay – nếu bạn tin vào độ hợp lý của phép đo cụ thể được gọi là thí nghiệm kẹo dẻo3 này – nhìn chung thực sự giỏi trì hoãn sự hài lòng hơn hơn so với những đứa trẻ ở nhiều thập kỷ trước.
“Chà,” Protzko nghĩ, “ngay cả các chuyên gia thế giới chuyên nghiên cứu về phát triển nhận thức vẫn kiểu như ‘không, khách quan thì đám trẻ tệ hơn.’”
Những lời phàn nàn của người lớn về bọn trẻ qua các thời kỳ luôn giống nhau: “Họ cho rằng người trẻ lười biếng, tự cho mình có quyền, và hành xử theo cách ích kỷ,” Cort Rudolph, nhà tâm lý học tại Đại học Saint Louis đã dành thời gian theo dõi mức phổ biến của việc người lớn phàn nàn về tình trạng của những người trẻ trong suốt lịch sử, cho biết.
Từ cuộc khảo sát của mình, Protzko tự hỏi: Tại sao? Tại sao, từ thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, người lớn cứ cho rằng đám trẻ ngày nay tệ hơn đám trẻ ngày xưa?
Đó là một câu hỏi đáng suy ngẫm. “Đây là một định kiến, là một thiên kiến, và nếu mọi người đưa ra những nhận định mà họ hiện đang dành cho thanh niên và trẻ em, thay vào đó, nếu họ đưa ra những nhận định tương tự như vậy về các dân tộc thiểu số, chẳng hạn, mọi người sẽ nổi giận, nói rằng ‘Thật nhảm nhí, bạn không có bằng chứng khách quan nào cho điều này,’” Protzko nói.
Có thể thiên kiến cực khó bị dập tắt. Nhưng không có nghĩa là không thể hiểu được nó. Và thiên kiến đặc thù này bắt đầu trở nên dễ hiểu hơn dưới góc độ khoa học trí nhớ.
Ký ức của chúng ta về quá khứ mang đậm màu sắc của hiện tại
Ký ức của con người không hoạt động như cách bạn nghĩ. Nó không giống như một cuốn băng video. Khi chúng ta nhớ lại chuyện gì đó, bộ não của chúng ta không giống như đang tua lại một cuốn băng và phát lại các sự kiện chính xác như khi chúng diễn ra.
Thay vào đó, như chúng tôi đã giải thích, ký ức được dựng nên.
Khi chúng ta nhớ lại một ký ức, chúng ta phải ráp lại nó từ những mảnh thông tin khác nhau trong tâm trí chúng ta. Kết cuộc thì một vài điều trong ký ức của chúng ta là sự thật. Nhưng có sự lười biếng khi chúng ta hồi tưởng. Khi tái tạo lại ký ức, bộ não của chúng ta thường lấy những mảnh thông tin dễ nhớ nhất.
Bộ nhớ giống như một biên tập viên video làm việc trong thời hạn một phần nghìn giây. Trong lúc gấp gáp, biên tập viên này ghép các mảnh sự thật với bất cứ thứ gì hữu ích có thể lấp khoảng trống. Điều tai hại về về hết thảy chuyện này là: Khi biên tập viên video tạo những đoạn cắt và bổ sung vào ký ức của chúng ta, nó thực sự rất giỏi trong việc che giấu các đường nối. “Chúng ta có ảo tưởng rằng chúng ta nhớ mọi thứ như khi chúng diễn ra,” Linda Levine, nhà tâm lý học nghiên cứu trí nhớ về cảm xúc nghiên cứu trí nhớ về cảm xúc tại tại Đại học California, Irvine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.
Một hệ quả từ hệ thống ký ức này là một thiên kiến được gọi là thuyết hiện tại (presentism). Khi cố gắng nhớ lại điều gì đó, chúng ta lấy những mảnh ghép ở hiện tại và xếp chúng vào ký ức của quá khứ.
Ví dụ: Ký ức của chúng ta về những mối quan hệ trong quá khứ được tô màu bởi cảm giác của chúng ta về những người đó ở hiện tại. Nếu mối quan hệ đã trở nên tồi tệ, nhiều khả năng bạn sẽ nhớ các sự kiện theo hướng tiêu cực, bất kể bạn đã thực sự cảm thấy như thế nào khi đó. Một ví dụ khác: “ký ức của bạn về lượng thức ăn bạn đã ăn trong hai tuần qua có thể bị ảnh hưởng bởi việc tôi đưa cho bạn đồ ăn để ăn ngay bây giờ hay tôi bắt bạn mang bụng đói vào phòng thí nghiệm,” Protzko nói.
Thiên kiến trong trí nhớ dẫn đến những lời phàn nàn về “bọn trẻ ngày nay” ra sao
Vậy trí nhớ có liên quan gì đến cách người lớn nhìn nhận giới trẻ? Để đưa ra đánh giá về giới trẻ ngày nay, bạn phải cố gắng nhớ lại mấy đứa trẻ đã từng như thế nào. Nhưng điều đó thật khó! Ai có thông tin khách quan về việc bọn trẻ từng như thế nào? Vì chúng ta không có toàn bộ dữ liệu, chúng ta sử dụng thông tin từ hiện tại để lấp đầy các khoảng trống.
Nhưng chúng ta không sử dụng thông tin về bọn trẻ thời nay, chúng ta sử dụng thông tin về chính chúng ta. Trong một loạt các nghiên cứu, Protzko và đồng tác giả của ông đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy điều này.
Nếu chúng ta dùng bản thân hiện tại của mình để đánh giá bọn trẻ ngày nay, vậy thì những người có mức điểm cao hơn về các đặc điểm như chuyên chế (tức tôn trọng quyền hành), khả năng đọc viết (được đo lường bằng sự hiểu biết về các tác giả), và trí thông minh có lẽ cũng sẽ đánh giá những đứa trẻ khắt khe hơn về các mục đó. Và đó là những gì họ tìm thấy, ở nghiên cứu của họ với 3.458 người lớn tham gia tham gia các cuộc khảo sát trực tuyến.
Nghiên cứu cho thấy những người lớn chuyên chế hơn thường cho rằng bọn trẻ ngày nay ít tôn trọng người lớn tuổi hơn nhiều so với trước đây. Những người lớn đọc sách nhiều hơn bảo rằng trẻ em ngày nay ít thích đọc sách hơn nhiều so với trước đây. Và những người lớn thông minh hơn (được ước chừng bằng một phiên bản rút ngắn của bài kiểm tra IQ) nhiều khả năng cho rằng bọn trẻ kém thông minh hơn trước đây.
“Bạn không thật sự có hiểu biết khách quan về mức độ đọc của những đứa trẻ khi bạn còn nhỏ, vì vậy, khi tôi yêu cầu bạn suy nghĩ về điều đó, bạn chỉ có một lượng dữ liệu hạn chế để tiếp tục,” Protzko nói. “Đó chỉ là ký ức của bạn. Nhưng bản thân ký ức đó đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề thuyết hiện tại này.”
Nghiên cứu thậm chí còn cung cấp một thao tác thử nghiệm dẫn đến việc người lớn đánh giá đám trẻ ngày nay nhiều hay bớt khắc nghiệt hơn. Trong thí nghiệm, một số người lớn đã làm bài kiểm tra để đánh giá mức độ ham đọc của họ. Một số nhận được phản hồi sai, và được cho biết rằng họ ít đọc hơn so với thực tế. Những người lớn này sau đó đánh giá bọn trẻ ít khắc nghiệt hơn, ít khả năng nói bọn trẻ ngày nay không chịu đọc nhiều. Đó là: Khi khiến cho người lớn tưởng rằng họ không đọc nhiều, họ có thể nhớ lại một một quá khứ mà trong đó những đứa trẻ cũng ít đọc.
Protzko nhấn mạnh rằng thiên kiến thuyết hiện tại không phải là lý do duy nhất khiến người lớn nghĩ bọn trẻ ngày nay tệ hơn đám trẻ ngày xưa. Nhìn chung, ngay cả những người lớn đạt điểm thấp về tính chuyên chế cũng cảm thấy trẻ em ngày nay ít tôn trọng người lớn tuổi hơn trước đây. “Thiên kiến trong trí nhớ này chỉ là một phần của câu chuyện,” ông nói. “Mọi thứ đều có nhiều nguyên nhân.”
Những nguyên nhân khả thi khác: “bọn trẻ ngày nay” là một cụm từ văn hóa mà mọi người đều được dạy. Hoặc, nó có thể được liên kết với niềm tin rằng quá khứ, nhìn chung, tốt hơn hiện tại.
Dù nguyên nhân là gì thì người lớn cũng nên bớt khắt khe với giới trẻ hơn một chút. Dù gì đi nữa, dữ liệu cho thấy thế hệ Z đang lên, ít nhất, tốt hơn về nhiều mặt so với các thế hệ trước: Họ ít sử dụng ma túy hơn, ít uống rượu hơn, và quan hệ tình dục ở độ tuổi lớn hơn (họ cũng lo lắng và trầm cảm nhiều hơn, như các nhóm tuổi khác trong xã hội).
Tuy nhiên, thiên kiến vẫn tồn tại. Và nó tồn tại, một phần, là do cách người lớn nhìn nhận chính bản thân họ.
Người lớn (hy vọng là) hành xử tốt hơn và hiểu biết hơn so với khi còn nhỏ. Thật vậy, khoa học nhân cách phát hiện ra rằng, nhìn chung, con người trở nên tận tâm hơn (đặc điểm tính cách của việc siêng năng làm việc, và nói chung là hữu hiệu hơn) khi họ lớn tuổi hơn. Protzko không nghiên cứu về tính tận tâm, nhưng có vẻ hợp lý khi chúng ta có khuynh hướng ước đoán sự tận tâm ngày càng gia tăng dựa trên các đánh giá của chúng ta về quá khứ của những đứa trẻ.
Tiêu chuẩn đó có thể hơi quá cao. Chúng ta nên để cho bọn trẻ được thư thả.
Các thế hệ không nhất thiết là như vậy và phần nào giống như chiêm tinh học
Các thế hệ luôn phàn nàn về nhau. Rudolph cho rằng điều này quá thường xuyên dẫn đến “chủ nghĩa thế hệ” (generationalism) – hoặc chỉ là một thiên kiến hoặc định kiến chung đối với một nhóm người, dựa trên thời điểm họ được sinh ra.
“Mọi người có xu hướng đưa ra những tuyên bố quá khái quát hóa về các thế hệ,” Rudolph nói, “và cố gắng dựng nên một câu chuyện xoay quanh ý tưởng rằng chúng ta nhận thấy có sự khác biệt giữa những người mà chúng ta có thể quy về các thế hệ. Nhưng những gì chúng ta biết về điều đó chính là nó phức tạp hơn nhiều.”
Ông lập luận rằng những khác biệt mà chúng ta thấy giữa các thế hệ không nhất thiết đặc trưng cho các thế hệ đó. Có thể chúng chẳng qua chỉ là một sự phản ánh chung về độ tuổi. Người trẻ luôn xem mình là trung tâm và ái kỷ hơn. Người lớn tuổi thì luôn bảo thủ hơn. Điều này không phải để xóa bỏ hoàn toàn những phàn nàn thật sự của mọi người về thế giới. Giới trẻ cảm thấy chán ngấy những người lớn làm trong lĩnh vực chính trị và công nghiệp đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Nhưng rõ ràng đó không phải là toàn bộ thế hệ boomer.
Có một cuộc tranh luận sôi nổi trong tâm lý học về việc liệu thế hệ có gây ảnh hưởng hơn cả ảnh hưởng của tuổi tác hay không. Nhưng cuối cùng, không có nhiều dữ liệu để giải đáp được câu hỏi này.
Việc trả lời câu hỏi “Liệu thế hệ có quan trọng không?” sẽ cần đến một cuộc nghiên cứu đồ sộ nhằm theo dõi nhiều người được sinh ra tại nhiều thời điểm khác nhau, trong một thời gian dài. Bạn cần phải tách ra ba biến số riêng biệt: hiệu ứng thuần tập (tức là được sinh ra trong một năm nhất định), hiệu ứng thời kỳ (tức là những khoảnh khắc lịch sử gây ảnh hưởng đến mọi người, bất kể tuổi tác), và hiệu ứng tuổi tác (những thay đổi tự nhiên xảy đến với với mọi người qua thời gian). Và một nghiên cứu như vậy thì không tồn tại. (“Nếu bạn biết ai đó có ngân sách 10 triệu đô la để làm chuyện đó, hãy cho tôi biết,” Rudolph nói.)
Nếu không có dữ liệu, cách chúng ta nói về các thế hệ cũng giống như nói về các dấu hiệu chiêm tinh. “Sự khác biệt giữa cung hoàng đạo hoặc thế hệ của ‘tôi’ và cung hoàng đạo hoặc thế hệ của ‘họ’ cho mọi người cơ hội gắn mình vào một nhóm người, đồng thời phân biệt mình với những người khác,” Rudolph và một số đồng nghiệp lập luận trong một bài viết gần đây.
Nói về các thế hệ theo một cách khái quát tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, đơn giản hóa để diễn giải về thế giới và cách nó vận hành. “Những câu chuyện này luôn tồn tại và mọi người sẽ tìm kiếm dữ liệu để củng cố thiên kiến của họ,” Kali Trzesniewski, nhà tâm lý học phát triển xã hội tại Đại học California, Davis, nói.
Nhưng ngay cả khi có một chút sự thật về suy nghĩ rập khuôn rằng những người trẻ thì vị kỷ, bà cho rằng chúng ta không cần phải coi đó là một điều xấu. “Chúng tôi nghĩ – và chúng tôi không có nhiều dữ liệu về điều này – rằng độ tuổi thanh niên có mức ái kỷ cao hơn, và đối với tôi, điều đó có ý nghĩa về sự phát triển,” bà nói. “Họ phải nghĩ về những gì họ sẽ làm trong phần đời còn lại. Họ có thể phải đi ra ngoài, và thử làm mọi thứ, và không sợ hãi điều đó. Vậy nên bạn cần thêm một chút tự tin.”
Protzko cho biết câu hỏi phổ biến nhất mà các nhà báo hay hỏi ông kể từ khi công bố nghiên cứu trên Science Advances là biến tấu của câu “Vậy đây có phải là lời biện hộ cho thế hệ Y không?” Đối với câu hỏi đó, ông thẳng thừng đáp “Không.” Thay vào đó, ông cho rằng bài học này bao quát hơn về nhân loại nói chung.
“Thế hệ Y cũng giống như bao người khác,” ông nói. “Họ sẽ lớn lên thành những người lớn tuổi, những người tiếp tục để ý mấy đứa trẻ và đưa ra những lời phàn nàn tương tự về chúng. Thiên kiến trong trí nhớ [này] … sẽ tiếp tục tác động đến chúng ta trong 1.000 năm nữa.”
“OK boomer” là câu cửa miệng mang ý mỉa mai mà giới trẻ ngày nay dùng để đáp trả những quan điểm, ý kiến cổ hủ của thế hệ boomer.↩
Baby boomer (gọi tắt là boomer) là thế hệ người lớn sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời điểm bùng nổ trẻ sơ sinh hậu Thế chiến II.↩
Thí nghiệm kẹo dẻo (marshmallow test) là một thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhằm đánh giá khả năng trì hoãn cảm giác thỏa mãn, được tiến hành bởi giáo sư Walter Mischel tại Đại học Stanford vào năm 1972. Những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non tham gia thí nghiệm đứng trước hai lựa chọn: ăn ngay một viên kẹo dẻo, hoặc chờ thêm 15 phút để được thưởng viên kẹo thứ hai.↩