Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Steven Pinker | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Nguyên
16/03/2017
Phần 1 của bài viết "Bản năng đạo đức" trên tờ The New York Times. Bạn đọc có thể theo dõi phần 2 tại đây.

Theo bạn, ai là người đáng ngưỡng mộ hoặc ít đáng ngưỡng mộ nhất trong số những người sau đây: Mẹ Teresa, Bill Gates, hay Norman Borlaug? Đối với hầu hết mọi người, đây không phải là một câu hỏi khó. Mẹ Teresa là người nổi tiếng với các hoạt động phụng sự người nghèo ở Calcutta, được Vatican phong chân phước, được trao giải Nobel Hòa bình và, theo một cuộc thăm dò ở Hoa Kỳ, được xếp hạng là người đáng ngưỡng mộ nhất thế kỷ 20. Bill Gates, khét tiếng với cái kẹp giấy Microsoft nhảy múa và màn hình xanh chết chóc, đã bị biến thành những hình châm biếm chặt đầu trên các trang web “Tôi Ghét Gates” và bị ném bánh vào mặt. Còn Norman Borlaug… Norman Borlaug là tên quái nào chứ?

Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải nghĩ lại câu trả lời của mình nếu xem xét vấn đề sâu hơn. Borlaug là cha đẻ của “Cách Mạng Xanh,” cuộc cách mạng đã ứng dụng khoa học nông nghiệp để giảm nạn đói trên toàn cầu, được ghi nhận là người đã cứu hàng tỷ mạng sống, nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Gates, khi quyết định nên làm gì với khối tài sản của mình, đã tính toán những con số và kết luận rằng ông có thể xoa dịu nhiều đau khổ nhất bằng cách chiến đấu chống lại những tai họa xảy ra hàng ngày ở các nước đang phát triển như bệnh sốt rét, tiêu chảy, và các loại ký sinh trùng. Còn về phần mình, Mẹ Teresa ca tụng đức hạnh của sự chịu đựng và điều hành các nhiệm vụ được tài trợ đầy đủ của bà theo đúng tinh thần đó: Các bệnh nhân nhận được vô số lời cầu nguyện nhưng phải sống trong điều kiện khắc nghiệt với các phương pháp điều trị thô sơ nguy hiểm và ít được dùng thuốc giảm đau1.

Không khó để thấy tại sao danh tiếng đạo đức của ba nhân vật này lại không tương xứng đến vậy với những việc tốt họ đã làm. Mẹ Teresa là hiện thân của một vị thánh với áo choàng trắng, đôi mắt buồn, sự khổ hạnh, và thường được chụp ảnh với những cảnh khốn cùng của thế giới. Gates là một tên mọt sách kinh điển và là kẻ giàu nhất thế giới, với khả năng lên thiên đường cỡ bằng xác suất con lạc đà chui lọt lỗ kim. Và Bolaug, hiện đang ở tuổi 93, là một nhà nông học đã dành cả đời trong phòng thí nghiệm và cho các công việc phi lợi nhuận, ít khi xuất hiện trước truyền thông, và cũng bởi vậy nên gần như không tồn tại trong nhận thức của chúng ta.

Có hai điều khiến tâm tư chúng ta tràn ngập niềm ngưỡng mộ và sự kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi ta suy ngẫm về chúng, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu ta và quy tắc luân lý ở trong ta.

Tôi không tin là những ví dụ ở trên sẽ thuyết phục được bất kỳ ai cho rằng Bill Gates xứng đáng được phong thánh hơn Mẹ Teresa. Nhưng chúng cho thấy rằng suy nghĩ của chúng ta có thể dễ dàng bị tác động bởi hào quang của sự thánh thiện, không còn chú tâm đến sự nhận xét khách quan hơn về những hành động khiến con người đau khổ hoặc phồn thịnh. Có vẻ như tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi các ảo giác đạo đức, cũng giống như việc mắt ta bị lừa bởi những đường cong trên hộp ngũ cốc và trong các giáo trình tâm lý học. Các ảo giác là công cụ yêu thích thường được các nhà khoa học nhận thức sử dụng để làm lộ diện cơ chế hoạt động của năm giác quan, và được các nhà triết học sử dụng để khiến mọi người thức tỉnh khỏi niềm tin ngây thơ rằng tâm trí của chúng ta cung cấp một cái nhìn thông suốt về thế giới (vì, nếu mắt chúng ta có thể bị một ảo giác đánh lừa, tại sao chúng ta nên tin tưởng chúng trong những trường hợp khác?). Hiện nay, ảo giác đang được sử dụng trong một lĩnh vực mới để tiết lộ sự thật về loại giác quan thứ sáu, giác quan đạo đức. Các trực giác đạo đức đang được thu thập từ con người trong phòng thí nghiệm, từ các trang web và máy quét não, và được giải thích bằng các công cụ của lý thuyết trò chơi, khoa học thần kinh, và sinh học tiến hóa.

Immanuel Kant đã viết như sau: “Có hai điều khiến tâm tư chúng ta tràn ngập niềm ngưỡng mộ và sự kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi ta suy ngẫm về chúng, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu ta và quy tắc luân lý ở trong ta”. Ngày nay, quy tắc luân lý bên trong đang được nhìn nhận với nếu không phải là sự ngưỡng mộ thì sẽ là sự kính sợ ngày càng tăng. Giác quan đạo đức của con người hóa ra là một cơ quan rất phức tạp, với những đặc điểm kỳ lạ phản ánh lịch sử tiến hóa và cơ sở sinh học thần kinh của nó.

Những đặc điểm này chắc chắn có tác động đến các tình huống khó xử của con người. Đạo đức không phải là một chủ đề xưa cũ bất kỳ nào đó  trong tâm lý học, mà nó gắn bó chặt chẽ với quan niệm của chúng ta về ý nghĩa cuộc sống. Lòng tốt là thứ mang lại cho mỗi người chúng ta nhận thức rằng bản thân mình là những con người có giá trị. Chúng ta tìm kiếm nó ở bạn bè và bạn đời của mình, nuôi dưỡng nó ở con cái chúng ta, thúc đẩy nó trong chính trị và biện minh cho nó bằng các tôn giáo. Sự thiếu tôn trọng đạo đức bị kết tội là đã gây ra cả các tội lỗi thường nhật cũng như những tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử. Để gánh vác vai trò trọng đại này, các khái niệm về đạo đức phải lớn hơn bất kỳ ai trong chúng ta đến từ bên ngoài, hay độc lập với bản thân chúng ta.

Vì vậy, việc phân tích các trực giác đạo đức không phải là một vấn đề cỏn con. Nếu đạo đức chỉ là một trò lừa của bộ não, như một số người có thể lo sợ, thì chính những nền tảng của các hành vi đạo đức của chúng ta có thể bị xói mòn. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, khoa học về ý thức đạo đức có thể giúp những cơ sở đó vững chắc hơn, bằng cách làm rõ đạo đức là gì và cách nó chỉ đạo những hành động của chúng ta.

 

Công Tắc Đạo Đức

Để hiểu được rằng trong tâm lý của chúng ta có một phần riêng biệt dành cho đạo đức, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm hiểu sự khác biệt giữa các phán xét đạo đức và các loại ý kiến ​khác của chúng ta về việc mọi người nên cư xử thế nào. Ý thức đạo đức là một trạng thái tâm lý có thể được bật và tắt như một công tắc, và khi nó bật lên, một kiểu tư duy riêng biệt nắm quyền điều khiển suy nghĩ của chúng ta. Đây là kiểu tư duy khiến chúng ta cho rằng một hành động nào đó là vô đạo đức (“giết chóc là sai”), chứ không phải chỉ đơn thuần là gây khó chịu (“Tôi ghét rau cải”), lỗi thời ( “quần ống loe lỗi mốt rồi”), hoặc thiếu khôn ngoan (“đừng gãi vết muỗi cắn”).

Việc ngăn cấm hiếp dâm và giết chóc được cho là không phải chỉ là vấn đề của phong tục địa phương, mà mang tính phổ quát và được đảm bảo một cách khách quan. Người ta có thể dễ dàng nói: “Tôi không thích cải brussels, nhưng tôi không quan tâm nếu bạn ăn chúng,” nhưng không ai có thể nói: “Tôi không muốn giết chóc, nhưng tôi không quan tâm nếu bạn giết người.”

Đặc điểm đầu tiên của nhận thức đạo đức là việc các luật lệ mà nó viện dẫn thường được cho là phổ quát. Ví dụ, việc ngăn cấm hiếp dâm và giết chóc được cho là không phải chỉ là vấn đề của phong tục địa phương, mà mang tính phổ quát và được đảm bảo một cách khách quan. Người ta có thể dễ dàng nói: “Tôi không thích cải brussels, nhưng tôi không quan tâm nếu bạn ăn chúng,” nhưng không ai có thể nói: “Tôi không muốn giết chóc, nhưng tôi không quan tâm nếu bạn giết người.”

Một đặc điểm khác là mọi người cảm thấy rằng những người có hành vi vô đạo đức xứng đáng bị trừng phạt. Chúng ta không chỉ cảm thấy việc gây đau đớn cho những kẻ đã phá vỡ quy tắc đạo đức là chấp nhận được, mà còn cho rằng sẽ là sai lầm nếu chúng ta không thực hiện việc đó, “để chúng thoát tội.” Do đó, con người không hề thấy áy náy khi viện đến sự trừng phạt của thần linh hoặc quyền lực của nhà nước để làm hại người mà họ cho là vô đạo đức. Bertrand Russell đã viết, “Các nhà đạo đức cảm thấy dễ chịu khi sử dụng một lương tâm trong sạch để gây ra sự tàn ác – vì thế mà họ đã phát minh ra địa ngục.”

Hell - Unknown Master - Portugal - 1st third of 16th century - oil on oak.JPG
Địa ngục. Liệu sự trừng phạt có phải là đạo đức? Ảnh: Wikimedia.

Chúng ta đều biết cái cảm giác khi công tắc đạo đức bật lên bên trong chúng ta – sự công chính tỏa sáng, sự phẫn nộ thiêu đốt, sự thôi thúc muốn chiêu mộ người khác để cùng đấu tranh cho một mục đích. Nhà tâm lý học Paul Rozin đã nghiên cứu sự chuyển đổi này bằng cách so sánh hai nhóm người thực hiện cùng một hành vi, nhưng với các “cài đặt” chuyển đổi khác nhau. Người ăn chay vì sức khỏe không ăn thịt vì những lý do thực tế, như để giảm hàm lượng cholesterol và tránh các chất độc hại. Người ăn chay vì đạo đức không ăn thịt vì những lý do luân lý: để tránh gây ra sự đau khổ cho loài vật. Bằng cách nghiên cứu cảm xúc của họ về việc ăn thịt, Rozin chỉ rằng động cơ đạo đức khởi động một chuỗi các ý kiến. Người ăn chay vì đạo đức thường xem thịt như một thứ vấy bẩn – ví dụ, họ từ chối ăn một bát súp nếu trong đó có một giọt nước thịt bò. Họ dễ có xu hướng nghĩ rằng những người khác cũng nên ăn chay, và cũng thường liên kết thói quen ăn uống của mình với các đức tính khác, như tin rằng việc tránh ăn thịt làm cho người ta ít hung hăng và thú tính hơn.

Phần lớn lịch sử xã hội của chúng ta gần đây, bao gồm cả các cuộc chiến văn hóa giữa phe tự do và bảo thủ, đều liên quan đến việc đạo đức hóa hoặc phi-đạo đức hóa (amoralize) một số loại hành vi cụ thể. Ngay cả khi mọi người mong muốn cùng một kết quả, họ có thể không đồng ý về việc liệu có nên coi đó là một vấn đề về sở thích hoặc sự thận trọng hay là một vấn đề về tội lỗi và đức hạnh. Ví dụ, Rozin chỉ ra rằng việc hút thuốc lá gần đây đã được đạo đức hóa. Cho đến gần đây, chúng ta vẫn hiểu rằng một số người không thích hút thuốc hoặc tránh hút thuốc vì thuốc lá gây nguy hại đến sức khỏe của họ. Tuy nhiên, khi các tác hại của việc hút thuốc thụ động được phát hiện, hút thuốc giờ bị coi là vô đạo đức. Những người hút thuốc đang bị tẩy chay; những hình ảnh có người hút thuốc bị kiểm duyệt; và những người bị tác động bởi khói thuốc cảm thấy bị ô nhiễm (do đó khách sạn không chỉ có các phòng cấm hút thuốc mà còn cả các tầng cấm hút thuốc). Mong muốn trừng phạt đã hướng vào các công ty thuốc lá, và các công ty này đã phải chịu những hình thức “phạt tăng thêm.”

Các nhà đạo đức cảm thấy dễ chịu khi sử dụng một lương tâm trong sạch để gây ra sự tàn ác – vì thế mà họ đã phát minh ra địa ngục.

Đồng thời, nhiều hành vi khác đã được phi-đạo đức hóa, từ những thất bại về đạo đức chuyển thành các lựa chọn về lối sống. Những hành vi này bao gồm ly hôn, có con ngoài giá thú, là một người mẹ có công việc, sử dụng cần sa, và đồng tính luyến ái. Nhiều nỗi đau từ chỗ bị coi là sự trừng phạt cho các lựa chọn sai trái giờ được xem như chỉ là sự không may. Những người từng bị gọi là “lang thang” hay “bụi đời,” giờ được gọi là “vô gia cư.” Nghiện thuốc trở thành một “căn bệnh”; giang mai từ cái giá của hành vi dâm ô đã trở thành “bệnh lây truyền qua đường tình dục,” và gần đây hơn là “nhiễm trùng qua đường tình dục.”

Làn sóng phi-đạo đức hóa này đã khiến những người cánh hữu về văn hóa than thở rằng đạo đức đang bị tấn công, như chúng ta thấy ở nhóm tự phong “Liên minh Đa số Luân lý” (Moral Majority)2. Trên thực tế, có vẻ như có một Định luật Bảo toàn Đạo đức, để khi một số hành vi cũ được đưa ra khỏi lĩnh vực đạo đức, các hành vi mới lại được thêm vào. Nhiều điều mà những thế hệ trước xem là các vấn đề thực tế hiện đã trở thành những chiến trường đạo đức, bao gồm tã dùng một lần, các bài kiểm tra I.Q., các trang trại gia cầm, búp bê Barbie, và nghiên cứu ung thư vú. Riêng thực phẩm đã trở thành một bãi mìn, với các nhà phê bình thuyết giảng về kích thước của lon soda, tính chất hóa học của chất béo, quyền tự do của loài gà, giá cà phê, các loài cá, và giờ là khoảng cách thực phẩm được vận chuyển từ trang trại đến bàn ăn.

Rất nhiều việc trong làn sóng đạo đức hóa này, như các những tấn công vào việc hút thuốc, có thể được hiểu là những chiến thuật thực tế để giảm thiểu một số tác hại được xác định gần đây. Tuy nhiên việc liệu một hoạt động có bật công tắc tinh thần của chúng ta sang chế độ “đạo đức” hay không không chỉ phụ thuộc vào tác hại của hoạt động đó. Chúng ta không tỏ vẻ khinh thường người đàn ông đưa gia đình đi nghỉ bằng xe hơi hoặc không thay pin trong thiết bị báo khói, dù cả hai việc này đều làm tăng nguy cơ họ sẽ chết vì tai nạn. Lái một chiếc Hummer hao xăng thì đáng lên án, nhưng lái một chiếc Volvo cũ hao xăng lại không; ăn một cái Big Mac là vô lương tâm, nhưng ăn phô mai hoặc món Crème brûlée nhập khẩu thì chẳng sao. Lý do cho những tiêu chuẩn kép này rất rõ ràng: mọi người có xu hướng liên kết đạo đức với lối sống của riêng mình.

 

Lý luận Và Hợp lý hoá

Không chỉ nội dung của các phán xét đạo đức của chúng ta mà cả cách chúng ta đi đến những phán xét đó cũng đáng ngờ. Chúng ta thích nghĩ rằng khi chúng ta buộc tội một thứ gì đó, có những lý do tốt để chúng ta làm như vậy. Đó là lý do tại sao một hướng tiếp cận cũ hơn về tâm lý học đạo đức, do Jean Piaget và Lawrence Kohlberg dẫn đầu, cố gắng ghi lại quá trình lý luận dẫn dắt con người đến những kết luận về đạo đức. Tuy nhiên, hãy xem xét những tình huống này, được khởi xướng bởi nhà nhà tâm lý học Jonathan Haidt:

Julie đang đi du lịch tại Pháp trong kỳ nghỉ hè đại học với anh/em trai của cô là Mark. Một đêm, họ quyết định rằng sẽ khá vui và thú vị nếu họ thử quan hệ với nhau. Julie đã dùng thuốc tránh thai, nhưng Mark cũng sử dụng bao cao su để bảo đảm. Cả hai đều thích trải nghiệm này nhưng họ quyết định sẽ không làm như vậy nữa. Họ giữ đêm đó như một bí mật đặc biệt, và nó làm cho họ cảm thấy gần gũi nhau hơn. Bạn nghĩ gì về việc này – việc họ quan hệ với nhau như vậy có ỔN không?

Một người phụ nữ đang dọn dẹp tủ quần áo của mình và tìm thấy một lá cờ Hoa Kỳ cũ. Cô không muốn dùng lá cờ nữa, nên cô đã cắt nó ra và dùng vải vụn để lau phòng tắm.

Con chó của một gia đình bị xe đụng chết ở trước nhà. Họ nghe nói thịt chó ngon nên đã nấu nó thành bữa tối.

Hầu hết mọi người đều ngay lập tức tuyên bố rằng những hành vi trên là sai trái và sau đó cố gắng tìm cách lý giải tại sao chúng lại sai, và đây không phải là điều dễ dàng. Trong trường hợp của Julie và Mark, có người nêu ra khả năng họ có thể sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh, nhưng được nhắc nhở rằng cặp đôi đã cẩn trọng sử dụng các biện pháp tránh thai. Họ gợi ý là hai người sẽ bị tổn thương về tình cảm, nhưng câu chuyện đã làm rõ là không phải vậy. Họ cho rằng hành động đó sẽ xúc phạm đến xã hội, nhưng sau đó lại nhớ lại rằng chuyện đó được giữ bí mật. Cuối cùng nhiều người thừa nhận, “Tôi không biết, tôi không thể giải thích, tôi chỉ biết đó là sai.” Haidt lập luận rằng, mọi người thường không lý luận về đạo đức (moral reasoning), mà chỉ hợp lý hóa đạo đức (moral rationalization): họ bắt đầu với kết luận, được gợi lên bởi một cảm xúc vô thức, và sau đó suy nghĩ ngược lại, cố gắng tìm ra một sự biện minh hợp lý.

Khoảng cách giữa niềm tin của mọi người với những biện minh của họ cũng được thể hiện trong một thử nghiệm yêu thích mới của các nhà tâm lý học đạo đức, một thí nghiệm tư duy thiết kế bởi các nhà triết học Philippa Foot và Judith Jarvis Thomson, gọi là Vấn đề Xe điện (The Trolley Problem). Hãy tưởng tượng, khi đang đi dạo vào buổi sáng, bạn nhìn thấy một chiếc xe điện lao như điên trên đường ray,  người lái tàu gục trên bảng điều khiển. Trên đường đi của chiếc xe là năm người công nhân đang làm việc trên đường ray, không hề biết gì về hiểm họa đang đến gần. Bạn đang đứng ở một ngã rẽ của đường ray và có thể kéo một đòn bẩy để chuyển hướng xe điện sang một đoạn rẽ và cứu mạng năm người. Thật không may, nếu vậy xe điện sau đó sẽ đâm vào một công nhân duy nhất đang làm việc ở ngã rẽ đó. Vậy, chúng ta có được phép kéo cần gạt để chuyển hướng xe điện, giết một người để cứu năm người khác không? Hầu như tất cả mọi người đều trả lời là “có.”

Giờ hãy xem xét một bối cảnh khác. Bạn đang ở trên một cây cầu nhìn xuống đường ray và phát hiện chiếc xe điện mất lái đang lao tới năm công nhân. Bây giờ cách duy nhất để chặn xe là để ném một vật nặng vào đường đi của nó. Và vật nặng duy nhất trong tầm tay là một người đàn ông béo đứng bên cạnh bạn. Bạn có nên đẩy ông ta xuống không? Cả hai vấn đề này đều cho bạn lựa chọn hi sinh một người để cứu năm, và vì vậy, theo các tiêu chuẩn của chủ nghĩa vị lợi về điều tốt đẹp nhất cho nhiều người nhất, cả hai vấn đề này tương đương nhau về mặt đạo đức. Nhưng hầu hết mọi người không thấy như vậy: mặc dù họ sẽ kéo cần trong tình huống đầu tiên, họ sẽ không đẩy người đàn ông béo trong trường hợp thứ hai. Khi bị buộc phải đưa ra lý do, họ không thể đưa ra bất cứ điều gì logic và chặt chẽ, mặc dù ngay cả các nhà triết học đạo đức cũng khó có thể chỉ ra một sự khác biệt giữa hai trường hợp.

Mọi người thường không lý luận về đạo đức (moral reasoning), mà chỉ hợp lý hóa đạo đức (moral rationalization): họ bắt đầu với kết luận, được gợi lên bởi một cảm xúc vô thức, và sau đó suy nghĩ ngược lại, cố gắng tìm ra một sự biện minh hợp lý.

Khi các nhà tâm lý học nói “hầu hết mọi người,” ý của họ là “hầu hết trong số vài chục người điền vào bảng câu hỏi để lấy tiền mua bia.” Tuy nhiên trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là hầu hết trong số 200.000 người từ một trăm quốc gia đã người chia sẻ về trực giác của họ trong một thí nghiệm được tiến hành qua mạng bởi các nhà tâm lý học Fiery Cushman và Liane Young và nhà sinh học Marc Hauser3. Sự khác biệt giữa việc chấp nhận kéo cần vời việc đẩy ông béo, và việc không thể biện minh cho sự lựa chọn, đã được tìm thấy trong câu trả lời của những người đến từ Châu Âu, Châu Á, Bắc và Nam Mỹ; ở cả nam giới và phụ nữ, người da đen và người da trắng, thanh thiếu niên và người già, người Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái, và người vô thần; những người có trình độ tiểu học và những người có học vị tiến sĩ.

Trolley problem.png
The Trolley Problem: Liệu bạn có sẵn sàng gạt cần để hy sinh một người nhằm cứu năm người khác? Ảnh: Wikimedia.

Joshua Greene, một nhà triết học và nhà khoa học thần kinh nhận thức, cho rằng sự tiến hóa đã trang bị chúng ta nỗi khiếp sợ đối với việc làm tổn thương người vô tội. Ông gợi ý rằng bản năng này có xu hướng áp đảo bất kỳ tính toán vị lợi nào về số mạng sống được cứu và mất đi. Sự thôi thúc chống lại việc làm hại đồng loại có thể giải thích cả các ví dụ khác, trong đó mọi người phản đối việc giết một người để cứu nhiều người, như an tử một bệnh nhân để lấy nội tạng và cứu năm bệnh nhân hấp hối đang cần cấy ghép; hay ném ai đó ra khỏi một chiếc thuyền cứu hộ đông người để giữ nó không chìm.

Điều này tự bản thân nó đã là một câu chuyện hợp lý, nhưng Greene đã hợp tác với  nhà thần kinh học nhận thức Jonathan Cohen và một số đồng nghiệp từ Princeton để quan sát bộ não của con người bằng phương pháp cộng hưởng từ chức năng. Họ cố gắng tìm ra các dấu hiệu của sư xung đột giữa các vùng não liên quan đến cảm xúc (các vùng phản ứng trước việc làm tổn hại đến ai đó) và các khu vực dành cho phân tích duy lý (những vùng tính toán về số mạng sống bị cướp đi và được cứu).

Khi mọi người suy nghĩ về những tình huống khó xử yêu cầu họ phải giết một ai đó bằng chính tay mình, nhiều mạng lưới trong não của họ sáng lên. Một phần, trong đó bao gồm các phần giữa (hướng vào trong) của thùy trán, tham gia vào việc chi phối cảm xúc về người khác. Một phần thứ hai, bề mặt phía sau và bên hông (phần phía trên và quay ra ngoài) của thùy trán, tham gia vào những tính toán diễn ra trong tâm trí (bao gồm cả các lý luận không liên quan đến đạo đức, như việc quyết định đến nơi nào đó bằng máy bay hay tàu hỏa). Và một khu vực thứ ba, vùng vỏ não vành trước (một dải nằm ở đáy của bề mặt bên trong của mỗi bán cầu não, mà theo tiến hóa đã có từ lâu), ghi nhận sự mâu thuẫn giữa một sự thôi thúc đến từ một phần của não bộ và những lời khuyên đến từ một phần khác.

Tuy nhiên khi mọi người cân nhắc về một tình huống nan giải mà họ không phải trực tiếp tham gia vào, như kéo cần gạt về phía đường ray có một người công nhân duy nhất, não bộ có phản ứng khác hẳn: chỉ có các khu vực liên quan đến tính toán duy lý hoạt động. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những bệnh nhân thần kinh bị suy giảm cảm xúc vì tổn thương ở các vùng thùy trán trở thành những người theo chủ nghĩa vị lợi: họ nghĩ rằng việc đẩy ông béo xuống cầu là hoàn toàn hợp lý. Cùng với nhau, những phát hiện này chứng thực lý thuyết của Greene rằng trực giác phi vị lợi của chúng ta đến từ chiến thắng của các thôi thúc cảm tính đối với các tính toán chi phí-lợi ích.

 

Đạo Đức Phổ Quát?

Những phát hiện liên quan đến vấn đề xe điện (trolleyology) – các trực giác đạo đức phức tạp, mang tính bản năng và phổ quát – đã dẫn dắt Hauser và John Mikhail (một học giả pháp lý) xem xét lại sự so sánh giữa ý thức đạo đức và ngôn ngữ do nhà triết học John Rawls đưa ra. Theo Noam Chomsky, chúng ta được sinh ra với một “ngữ pháp phổ quát” buộc chúng ta phải phân tích một bài phát biểu dựa trên cấu trúc ngữ pháp của nó mà không nhận thức rõ các quy tắc cụ thể trong bài phát biểu đó. Tương tự, chúng ta được sinh ra với một “ngữ pháp” đạo đức phổ quát buộc chúng ta phải phân tích hành động của con người theo cấu trúc đạo đức của nó, và cũng với một nhận thức không mấy rõ ràng hơn.

Ý tưởng rằng ý thức đạo đức là một phần bẩm sinh của bản chất con người không phải là một điều khó tin. Một danh sách các đặc điểm phổ quát của con người được thu thập bởi nhà nhân chủng học Donald E. Brown bao gồm nhiều khái niệm đạo đức và cảm xúc, trong đó có sự phân biệt đúng sai; sự đồng cảm; ý thức công bằng; lòng ngưỡng mộ đối với sự rộng lượng; quyền và nghĩa vụ; việc cấm giết người, hiếp dâm, và các hình thức bạo lực khác; sửa sai; biện pháp trừng phạt các hành vi sai trái chống lại cộng đồng; cảm giác nhục nhã; và những điều cấm kỵ

Những cảm xúc đầu tiên về đạo đức xuất hiện từ sớm trong thời thơ ấu. Một cách tự nhiên, trẻ em nhường đồ chơi, giúp đỡ người khác, và cố gắng để an ủi những người mà chúng nghĩ là đang có chuyện buồn. Và theo hai nhà tâm lý học Elliot Turiel và Judith Smetana, trẻ mẫu giáo có một ý niệm mơ hồ về sự khác biệt giữa các quy ước xã hội với các nguyên tắc đạo đức. Những đứa trẻ bốn tuổi nói rằng không được phép mặc đồ ngủ đến trường (một quy ước) và cũng không được phép đánh một cô bé mà không có lý do (một nguyên tắc đạo đức). Nhưng khi được hỏi liệu những hành động này ổn không nếu giáo viên cho phép, hầu hết các em cho biết rằng mặc đồ ngủ thì được nhưng đánh một cô bé thì vẫn không.

Mặc dù chưa ai xác định được các gien quy định ý thức đạo đức, có bằng chứng gián tiếp (circumstantial evidence)4 cho thấy chúng tồn tại. Hai đặc điểm tính cách là “sự tận tâm” và “tính tình dễ chịu” có độ tương quan lớn hơn ở các cặp song sinh cùng trứng nhưng bị tách ra từ khi mới sinh (cùng bộ gien, khác môi trường) so với các anh chị em được nhận nuôi và lớn lên cùng nhau (cùng môi trường nhưng khác bộ gien). Những người được chẩn đoán “rối loạn nhân cách chống xã hội” (antisocial personality disorder) hoặc “thái nhân cách” (psychopathy) có dấu hiệu không nhận thức được, hay “” đạo đức từ khi còn là trẻ con. Họ bắt nạt những đứa trẻ nhỏ hơn, tra tấn động vật, có thói quen nói dối, và dường như không có khả năng đồng cảm hay hối hận, dù họ thường có hoàn cảnh gia đình bình thường. Một số những đứa trẻ này trở thành những con quái vật khi lớn lên: Họ lừa đảo người già để cướp tiền tiết kiệm, cưỡng hiếp phụ nữ hàng loạt, hoặc cướp cửa hàng tiện lợi và bắn những nhân viên đang nằm rạp xuống sàn nhà.

Mặc dù thái nhân cách có thể xuất phát từ yếu tố di truyền, một phiên bản nhẹ hơn có thể bắt nguồn từ những tổn thương ở các vùng trước trán của não bộ (bao gồm cả các khu vực có tác dụng ngăn cản những người bình thường đẩy ông béo xuống cầu). Các nhà thần kinh học Hanna và Antonio Damasio và đồng nghiệp của họ phát hiện ra rằng một số trẻ em bị tổn thương nghiệm trọng ở thùy trán có thể trở thành những người lớn nhẫn tâm và vô trách nhiệm, mặc dù vẫn có trí thông minh bình thường. Họ nói dối, ăn cắp, lờ đi sự trừng phạt, gây nguy hiểm cho con cái của chính mình, và không thể nghĩ thông suốt ngay cả những tình huống đạo đức đơn giản nhất, như hai người nên làm gì nếu họ muốn chọn xem các kênh truyền hình khác nhau, hoặc liệu một người đàn ông có được phép ăn cắp thuốc để cứu người vợ sắp chết của mình.

Do đó, ý thức đạo đức có thể bắt nguồn từ cấu trúc của bộ não con người. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chưa hoàn thiện, bởi chúng ta vẫn còn choáng ngợp khi xem xét các quy tắc đạo đức bẩm sinh của chúng ta. Hãy xem xét tình huống đạo đức nan giải này: Một xe điện mất lái sắp giết chết một giáo viên. Bạn có thể chuyển hướng xe điện vào một đường tránh, nhưng xe điện sẽ kích hoạt một công tắc gửi tín hiệu đến một lớp học gồm những đứa bé 6 tuổi, cho phép chúng đặt tên một con gấu bông là Muhammad5. Vậy chúng ta có được phép kéo đòn bẩy không?

Đây không phải là chuyện đùa. Tháng trước, một nữ giáo viên người Anh dạy tại một một trường tư ở Sudan đã cho phép học sinh của mình đặt tên cho một con gấu bông theo tên cậu bé nổi tiếng nhất lớp, và cậu bé lại trùng tên với nhà sáng lập của đạo Hồi. Kết quả là cô đã bị bỏ tù vì tội báng bổ và bị dọa đánh roi ở nơi công cộng, trong khi một đám đông bên ngoài nhà tù kêu gào đòi cô phải bị xử tử. Rõ ràng đối với những người này, cuộc sống của người phụ nữ có giá trị thấp hơn phẩm giá tôn giáo của họ, và sự phán xét của họ về việc chuyển hướng xe điện sẽ khác với chúng ta. Bất kể loại “ngữ pháp” nào chi phối các phán xét đạo đức của chúng ta, nó cũng không thể phổ quát đến thế. Bất kỳ ai không ngủ gật trong lớp Nhân chủng học 1016 đều có thể đưa ra nhiều ví dụ khác.

Tất nhiên, các ngôn ngữ cũng khác nhau. Trong lý thuyết của Chomsky, ngôn ngữ tuân theo một thiết kế trừu tượng, giống như các câu được tạo ra từ động từ và tân ngữ, trong khi các chi tiết khác thì đa dạng hơn, ví dụ như vị trí của động từ hoặc tân ngữ. Liệu chúng ta có thể được kết nối với một bản thiết kế trừu tượng như vậy, thứ có thể bao hàm tất cả những quan niệm đạo đức kỳ lạ của con người từ các nền văn hóa khác nhau?

 

Bạn đọc có thể theo dõi tiếp phần 2 tại đây.


  1. Đây là một trong những điều chỉ trích gây tranh cãi về mẹ Teresa. Để biết thêm thông tin có thể tham khảo tại đây.

  2. Liên minh Đa số Luân lý (Moral Majority): một tổ chức chính trị Hoa Kỳ có quan hệ chặt chẽ với phe cánh hữu Thiên Chúa giáo và Đảng Cộng Hòa. Được thành lập vào năm 1979 bởi Jerry Falwell, một mục sư phái Baptist, và giải thể vào cuối những năm 1980, tổ chức này đã đóng vai trò thiết yếu trong việc tập hợp những người Thiên Chúa giáo bảo thủ thành một lực lượng chính trị và đặc biệt trong thắng lợi của Đảng Cộng Hòa ở các cuộc bầu cử tổng thống vào thập niên 80 (Nguồn: Wikipedia)

  3. Tham khảo về thí nghiệm này ở đây.

  4. Bằng chứng gián tiếp là những thông tin, chi tiết cho thấy chắc chắn là một điều gì đó là đúng nhưng không thực sự chứng thực điều đó.

  5. Nhà sáng lập đạo Hồi. Người Hồi giáo tôn xưng Muhammad là đấng tiên tri và mọi hàng động bị cho là xúc phạm đến ông đều gây ra sự phẫn nộ đối với họ.

  6. Ở Mỹ các lớp được đánh số để thể hiện mức độ kiến thức và độ khó của lớp đó, và 101 là số dùng cho những lớp ở trình độ nhập môn. Ý của câu này là bất kỳ ai chú tâm học hành trong lớp cơ bản nhất về nhân chủng học đều có thể đưa ra những ví dụ khác.

One thought on “Bản năng đạo đức (phần 1)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất