a
§ Tác giả: Elizabeth Kolbert | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: J. | Hiệu đính:  Sicalo
13/04/2017
Năng lực lý luận vẫn thường được tâng bốc của con người có lẽ nghiêng về việc giành phần thắng trong các cuộc tranh luận hơn là tư duy mạch lạc.

Vào năm 1975, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã mời một nhóm sinh viên tham gia vào một nghiên cứu về hành vi tự sát. Mỗi người trong số họ được đưa một cặp thư tuyệt mệnh. Trong mỗi cặp thư, một lá được viết bởi một cá nhân ngẫu nhiên, lá còn lại là từ một người đã thực sự kết liễu mạng sống của  mình. Các sinh viên được yêu cầu phân biệt đâu là lá thư thật và đâu là lá thư giả.

Một vài sinh viên phát hiện ra rằng họ có biệt tài trong việc thực thi nhiệm vụ này. Trong 25 cặp thư, họ có thể nhận dạng chính xác được lá thư thật tới 24 lần. Những sinh viên khác lại thấy vô vọng. Họ chỉ xác định đúng được 10 lá thư thật.

Cũng giống như nhiều nghiên cứu khác về tâm lý học, toàn bộ thiết lập là một sự sắp đặt chủ quan.  Mặc dù phân nửa số thư là thật—được lấy từ văn phòng điều tra tại Hạt Los Angeles—điểm số mà nghiên cứu đưa ra là hư cấu. Những sinh viên mà được bảo là gần như luôn đoán đúng thì, tính trung bình, cũng không sáng suốt hơn những người đoán gần như luôn sai là mấy.

Trong vòng nghiên cứu thứ hai, lời nói dối này đã được tiết lộ.  Các sinh viên được cho biết mục đích thực sự của thí nghiệm là đánh giá phản ứng của họ với việc nghĩ rằng mình đúng hay sai. (Điều này, thực chất cũng không phải là thật.) Cuối cùng, các sinh viên được yêu cầu đưa ra ước lượng số lá thư tuyệt mệnh mà họ đã phân loại đúng, và số thư mà họ nghĩ một sinh viên bình thường sẽ chọn đúng là bao nhiêu. Lúc này, một điều khá lạ lùng đã xảy ra. Các sinh viên ở nhóm được điểm cao nói rằng họ nghĩ là họ, trên thực tế, đã làm khá tốt—tốt hơn rất nhiều so với sinh viên bình thường—cho dù, như họ vừa được nghe, họ không có cơ sở gì để tin vào điều này. Ngược lại, những người thuộc nhóm điểm thấp nói rằng họ nghĩ là họ làm tệ hơn rất nhiều so với một sinh viên bình thường—một kết luận cũng không kém phần vô căn cứ.

“Những ấn tượng, một khi đã hình thành, thì cực kì khó thay đổi”, các nhà nghiên cứu nhận xét.

Vài năm sau, một nhóm sinh viên Đại học Stanford khác đã được mời tham gia vào một nghiên cứu liên quan. Các sinh viên được trao cho những bộ hồ sơ thông tin về hai người lính cứu hoả, Frank K. và George H. Lý lịch của Frank, bên cạnh các thông tin khác, có nói rằng anh là cha của một bé gái và có sở thích lặn biển. George thì có một cậu con trai nhỏ và thích chơi gôn. Hồ sơ thông tin cũng bao gồm câu trả lời của hai người đàn ông trong một nghiên cứu tên là Kiểm tra đánh giá Lựa chọn Mạo hiểm-An toàn. Theo như một phiên bản hồ sơ thông tin được cung cấp, Frank là một lính cứu hỏa thành công, người mà, trong bài kiểm tra, luôn lựa chọn phương án an toàn nhất. Còn trong một phiên bản hồ sơ khác, Frank cũng luôn lựa chọn phương án an toàn nhất, nhưng anh ta lại là một lính cứu hỏa tệ hại, người bị cấp trên “cho vào sổ đen” rất nhiều lần. Lại một lần nữa, ở nửa chừng nghiên cứu, các sinh viên được cho biết rằng họ đã bị lừa, và toàn bộ thông tin mà họ nhận được đều là giả. Sau đó, các sinh viên được yêu cầu mô tả lại niềm tin của chính mình. Họ được hỏi một người lính cứu hỏa thành công cần phải có thái độ như thế nào khi đối mặt với hiểm nguy? Những sinh viên nhận được bộ hồ sơ thông tin thứ nhất cho rằng anh ta sẽ né tránh lựa chọn mạo hiểm. Những sinh viên thuộc nhóm thứ hai thì cho rằng anh ta sẽ lựa chọn đối mặt với nó.

Các nhà nghiên cứu khẳng định ngay cả khi có bằng chứng “cho thấy rằng niềm tin của mình đã hoàn toàn bị bác bỏ, mọi người vẫn không thể điều chỉnh một cách thích hợp những niềm tin đó.” Trong trường hợp này, thất bại trong việc điều chỉnh “rất đáng ngạc nhiên,” bởi lẽ hai hồ sơ hoàn toàn không đưa ra đủ dữ liệu để có thể kết luận.

Năng lực lý luận không phát triển nhằm giúp chúng ta giải quyết những vấn đề mơ hồ, mang tính logic, hay để đưa ra kết luận từ những dữ liệu không quen thuộc; thay vào đó, lý luận phát triển để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ việc sống trong các hội, nhóm.

Các nghiên cứu này của Đại học Stanford trở nên nổi tiếng. Theo một nhóm các học giả của những năm bảy mươi, việc con người không thể tư duy mạch lạc là một quan điểm gây sốc. Giờ không còn như vậy nữa. Hàng nghìn thí nghiệm sau này đã khẳng định (và làm rõ thêm) khám phá này. Tất cả những người theo dõi nghiên cứu này—hoặc thậm chí chỉ thỉnh thoảng đọc một ấn bản của tờ Psychology Today—đều biết rằng, bất cứ một sinh viên cao học nào, với một bảng kẹp hồ sơ, cũng có thể chứng minh rằng những người trông có vẻ duy lý lại thường hay hoàn toàn vô lý. Hiếm có khi nào mà sự hiểu biết này lại trở nên đáng quan tâm như hiện nay. Tuy vậy, câu hỏi cần được giải đáp vẫn là: Làm thế nào mà chúng ta lại trở nên như vậy?

*****

Trong một cuốn sách mới, “The Enigma of Reason” (Harvard) (Tạm dịch: Điều bí ẩn về năng lực Lý luận), hai nhà khoa học nghiên cứu về nhận thức đã thử tìm đáp án cho câu hỏi này. Mercier, người làm việc tại một viện nghiên cứu của Pháp tại Lyon, và Sperber, hiện đang công tác tại Đại học Trung Âu tại Budapest, chỉ ra rằng lý luận là một đặc điểm tiến hóa, cũng giống như khả năng đi lại bằng hai chi hay việc cảm nhận màu sắc ở ba vùng quang phổ khác nhau1. Nó khởi nguồn từ các thảo nguyên ở Châu Phi, và phải được hiểu dựa trên bối cảnh đó.

Bỏ qua khá nhiều chi tiết liên quan tới khoa học nhận thức, quan điểm của Mercier và Sperber có thể được hiểu đại khái là: Lợi thế lớn nhất của con người so với các giống loài khác là khả năng hợp tác. Quan hệ hợp tác thì khó để thiết lập cũng như duy trì. Với bất kỳ ai, hưởng lợi vô điều kiện luôn là việc thích nhất. Năng lực lý luận không phát triển nhằm giúp chúng ta giải quyết những vấn đề mơ hồ, mang tính logic, hay để đưa ra kết luận từ những dữ liệu không quen thuộc; thay vào đó, lý luận phát triển để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ việc sống trong các hội, nhóm.

“Lý luận là khả năng thích ứng với hình thái xã hội mà con người đã phát triển cho chính mình,” Mercier và Sperber viết. Những thói quen của tâm trí mà có vẻ lạ lùng, ngốc nghếch, hay đơn thuần là ngớ ngẩn theo con mắt “học thuật” lại trở nên khôn ngoan khi nhìn nhận trên quan điểm “tương tác” xã hội.

Xét đến thứ mà được biết đến với cái tên “thiên kiến xác nhận,” 2 con người có xu hướng vin vào những thông tin thuận theo niềm tin của mình và phủ nhận những thông tin ngược với những gì họ đã tin tưởng. Trong vô vàn những lối tư duy sai lệch đã được biết đến, thiên kiến xác nhận luôn được nhận diện nhiều nhất; những thí nghiệm về nó có thể chiếm nguyên cả cuốn giáo trình. Một trong số những thí nghiệm nổi tiếng nhất, một lần nữa, lại được thực hiện tại Stanford. Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã tập hợp một nhóm sinh viên với những ý kiến trái chiều về án phạt tử hình. Một nửa số sinh viên ủng hộ và cho rằng mức án này giúp ngăn chặn tội phạm; số còn lại phản đối và cho rằng nó không mảy may có tác động gì tới tỉ lệ phạm tội.

Các sinh viên được yêu cầu đưa ra ý kiến phản hồi đối với hai bài nghiên cứu. Một bài đưa ra dữ liệu ủng hộ quan điểm rằng án phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội ác, và bài còn lại đặt ra nghi vấn về sự ảnh hưởng của bản án này. Cả hai nghiên cứu—bạn cũng biết rồi đấy—đều được dàn dựng, và được thiết kế để thể hiện, một cách khách quan, dữ liệu thống kê có sức thuyết phục tương đương nhau. Những sinh viên thuộc nhóm ủng hộ cho rằng dữ liệu thể hiện rằng bản án tử hình có tác dụng ngăn chặn tội ác là vô cùng đáng tin và dữ liệu thể hiện rằng bản án tử hình không có tác dụng ngăn chặn tội ác là không đủ sức thuyết phục; và những sinh viên thuộc nhóm phản đối lại có đánh giá ngược lại. Sau thí nghiệm, các sinh viên được hỏi lại một lần nữa về quan điểm của mình. Những người ban đầu ủng hộ bản án tử hình càng thêm tin vào nó; những người ban đầu phản đối án phạt này lại phản đối gay gắt hơn.

Nếu việc lý luận được thiết kể để đưa ra những phán đoán hợp lý, thì thật khó để có thể hình dung một sơ suất thiết kế nào trầm trọng hơn là thiên kiến xác nhận. Mercier và Sperber gợi ý, nếu ta thử tưởng tượng một con chuột có lối suy nghĩ giống như chúng ta. Chính con chuột đó, “tự bóp méo thông tin để khẳng định niềm tin của nó rằng không có con mèo nào ở xung quanh,” sẽ sớm bị làm thịt. Ở mức độ mà thiên kiến xác nhận khiến con người loại trừ đi những dấu vết thể hiện những mối đe dọa mới hay không lường trước được—giống như con mèo lởn vởn quanh góc khuất kia—nó đáng ra phải là một đặc điểm cần được loại bỏ (qua quá trình tiến hoá). Thực tế, việc mà cả chúng ta và nó (thiên kiến xác nhận) cùng tồn tại, Mercier và Sperber giải thích, chứng minh rằng nó nhất định phải phục vụ cho chức năng thích ứng nào đó, và chức năng đó có liên quan tới khả năng “hoà đồng quá-thể-đáng” (hypersociability) của chúng ta.

Mercier và Sperber thích sử dụng thuật ngữ “định kiến thiên vị” (myside bias)3. Họ chỉ ra rằng con người không ngẫu nhiên trở nên cả tin. Đối mặt với lý lẽ của người khác, chúng ta khá giỏi trong việc nhìn ra những yếu điểm trong đó. Nhưng chúng ta hầu như luôn không thể nhìn ra điểm yếu của chính mình.

Nếu việc lý luận được thiết kể để đưa ra những phán đoán hợp lý, thì thật khó để có thể hình dung một sơ suất thiết kế nào trầm trọng hơn là thiên kiến xác nhận.

Một thí nghiệm mới được Mercier và một vài đồng nghiệp tại Châu Âu thực hiện gần đây thể hiện rõ sự bất đối xứng này. Những người tham gia vào thí nghiệm được yêu cầu trả lời một chuỗi các câu hỏi lý luận đơn giản. Sau đó họ phải đưa ra lời giải thích cho câu trả lời của mình, và được cho một cơ hội để sửa đổi nếu họ thấy có sai sót. Phần lớn đều tỏ ra ưng ý với lựa chọn ban đầu của mình; không đến 15% số người thay đổi suy nghĩ trong bước hai.

Trong bước ba, người tham gia được phép xem lại một trong số những vấn đề đã được đưa ra trước đó, cùng với câu trả lời của mình và của một người có kết luận khác với họ. Lần này, họ cũng có cơ hội để thay đổi đáp án của mình. Nhưng mẹo ở đây là: những câu trả lời được cho là của người khác này thực chất lại là của chính họ, và ngược lại. Phân nửa số người tham gia thí nghiệm đã nhận ra điều gì đang xảy ra. Nửa còn lại đột nhiên trở nên suy xét hơn. Gần 60% người tham gia giờ lại bác bỏ đáp án mà họ đã từng thấy rất vừa ý.

Sự chênh lệch này, theo Mercier và Sperber, phản ánh chính nhiệm vụ mà lý luận tiến hóa để thực hiện, đó là bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn hại bởi những thành viên khác trong cùng nhóm. Sinh sống trong các nhóm săn bắt-hái lượm nhỏ, tổ tiên của chúng ta luôn phải bận tâm tới vị thế xã hội, và với việc đảm bảo rằng mình không phải là những người mạo hiểm cả tính mạng khi săn bắt trong khi những kẻ khác chây lười quẩn quanh trong hang động. Chẳng có mấy lợi ích trong việc trình bày lý luận một cách rành mạch, trong khi chiến thắng trong các cuộc tranh luận lại có thể mang lại rất nhiều thứ.

Trong số rất nhiều, rất nhiều vấn đề mà tổ tiên của chúng ta không bận tâm tới là tác dụng ngăn chặn của án phạt tử hình và những phẩm chất lý tưởng của một người lính cứu hỏa. Họ cũng chẳng phải màng tới những nghiên cứu giả tạo, các tin tức bịa đặt, hay là Twitter. Chẳng trách mà, việc lý luận của thời đại này thường khiến chúng ta thất vọng. Như Mercier và Sperber có viết, “Đây là một trong số rất nhiều trường hợp mà môi trường thay đổi quá nhanh khiến cho chọn lọc tự nhiên không thể bắt kịp.”

*****

Steven Sloman, giáo sư của Đại học Brown, và Philip Fernbach, giáo sư của Đại học Colorado, cũng là các nhà khoa học nhận thức. Họ cũng tin rằng tính xã hội chính là chìa khoá giúp tâm trí con người vận hành, hay có lẽ nói đúng hơn, là khiến nó trở nên trục trặc. Họ mở đầu cuốn sách “The Knowledge Illusion: Why We Never Think Alone” (Riverhead) (Tạm dịch: Ảo giác về kiến thức: Tại sao chúng ta không bao giờ suy nghĩ độc lập) bằng việc bàn đến những chiếc bồn cầu.)

Hầu như tất thảy mọi người ở Mỹ, và thực chất là ở khắp nơi trên thế giới phát triển này, đều quen thuộc với bồn cầu. Chiếc bồn cầu tiêu biểu có một cái bồn xi măng chứa đầy nước. Một khi giật cần gạt, hoặc nhấn nút, lượng nước đó—cùng toàn bộ mọi thứ được xả vào trong nó—bị hút vào một ống dẫn và từ đó, đi vào hệ thống xử lý nước thải. Nhưng điều này thực chất xảy ra như thế nào?

Trong một nghiên cứu thực hiện tại Đại học Yale, các sinh viên sau đại học được yêu cầu tự đánh giá hiểu biết của mình về các thiết bị hàng ngày, bao gồm bồn cầu, dây kéo, và khoá trụ (cylinder lock). Sau đó họ sẽ phải ghi lại một cách chi tiết, từng bước một giải thích nguyên lý hoạt động của các thiết bị đó, và đánh giá sự hiểu biết của mình lại lần nữa. Rõ ràng là, nỗ lực đó đã hé lộ cho các sinh viên sự thiếu hiểu biết của chính mình, vì kết quả tự đánh giá của họ đã tụt giảm. (Hoá ra bồn cầu lại phức tạp hơn vẻ bề ngoài của chúng rất nhiều.)

Mọi người tin rằng họ biết nhiều hơn những gì họ thực sự hiểu biết. Thứ cho phép chúng ta khẳng định được niềm tin này chính là những người khác.

Sloman và Fernbach đã nhìn ra ảnh hưởng này, họ gọi nó là “ảo tưởng về chiều sâu lý giải,” thứ hiển hiện ở khắp mọi nơi. Mọi người tin rằng họ biết nhiều hơn những gì họ thực sự hiểu biết. Thứ cho phép chúng ta khẳng định được niềm tin này chính là những người khác. Trong trường hợp chiếc bồn cầu của tôi, một người nào khác đã thiết kế nó, để tôi có thể dễ dàng sử dụng. Đây là điểm mà con người rất thành thục.  Chúng ta đã luôn dựa dẫm vào trình độ của người khác kể từ khi chúng ta khám phá ra cách để cùng đi săn; đây có lẽ là một thành quả phát triển quan trọng trong lịch sử tiến hoá của loài người. Chúng ta hợp tác tốt đến nỗi, Sloman và Fernbach nói, chúng ta hầu như không thể phân biệt được sự hiểu biết của chính mình và của người khác.

“Một hệ quả của xu hướng tự nhiên của chúng ta khi phân chia lao động nhận thức,” họ nói, đó là “không hề có ranh giới rõ ràng giữa ý tưởng và kiến thức của một người” và “ý tưởng và kiến thức của những thành viên khác” trong một nhóm.

Sự không phân định, hay nói cách khác, sự mơ hồ này cũng quan trọng đối với thứ mà chúng ta coi là sự tiến bộ. Cùng với việc phát minh ra dụng cụ mới để phục vụ cho những cách sống mới, con người đồng thời cũng mở ra những địa hạt mới của sự những sự thiếu hiểu biết; nếu như tất cả mọi người đều khăng khăng vào một việc, giả dụ như, làm chủ các nguyên lý luyện kim trước khi cầm lên một con dao, thời Đồ Đồng có lẽ sẽ chẳng quan trọng đến vậy. Đối với những công nghệ mới, sự thiếu hiểu biết mới có thể tạo thành sức mạnh thúc đẩy.

Theo Solman và Fernbach, chúng ta gặp vấn đề với sự không phân định này khi dính dáng đến lĩnh vực chính trị. Việc tôi xả nước bồn cầu mà không biết nó hoạt động như thế nào là một chuyện, nhưng việc tôi ủng hộ (hay phản đối) lệnh cấm nhập cư mà không biết tôi đang nói về cái gì lại là một chuyện khác. Sloman và Fernbach đã trích dẫn một nghiên cứu thực hiện năm 2014, không lâu sau khi Nga thôn tính lãnh thổ Crimea của Ukraine. Những người tham gia nghiên cứu được hỏi rằng họ nghĩ Mỹ nên phản ứng như thế nào, và liệu rằng họ có thể nhận diện Ukraine trên bản đồ hay không. Định vị về mặt địa lý càng xa, họ càng có xu hướng ủng hộ can thiệp quân sự. (Những người trả lời không biết vị trí chính xác của Ukraine, đến nỗi mà trung bình phỏng đoán của họ sai lệch tới tám trăm dặm (khoảng 1287 km), gần bằng khoảng cách từ Kiev tới Madrid.)

Khảo sát về rất nhiều vấn đề khác cũng đem đến những kết quả đáng ngạc nhiên tương tự. “Như một quy luật, cảm giác chắc chắn đối với các vấn đề không xuất phát từ sự hiểu biết cặn kẽ,” Sloman và Fernbach viết. Và đây chính sự phụ thuộc của chúng ta vào trí óc của người khác là thứ khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Giả dụ, nếu nhận định của bạn về Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act)4 là không có cơ sở mà tôi lại tin tưởng vào ý kiến của bạn, hẳn nhiên ý kiến của tôi cũng trở nên vô căn cứ. Khi tôi nói chuyện với Tom và anh ta quyết định đồng ý với tôi, ý kiến của anh ta cũng không có căn cứ, nhưng giờ cả ba đều đồng tình với nhau nên chúng tôi cảm thấy tự mãn hơn nhiều với quan điểm của mình. Nếu giờ chúng tôi quyết định lờ đi mọi thông tin trái với suy nghĩ của mình vì chúng không đủ sức thuyết phục thì, đó, bạn có Bộ máy chính quyền Trump.

“Đây là cách mà một hội nhóm kiến thức có thể trở nên nguy hiểm,” Sloman và Fernbach nói. Hai ông đã đích thân thực hiện phiên bản thí nghiệm “bồn cầu” của mình, thay thế các đồ gia dụng bằng những chính sách công. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2012, họ đặt ra câu hỏi về quan điểm của mọi người với những thứ như: Liệu có nên đưa vào vận hành một hệ thống chăm sóc sức khỏe mà mỗi người phải tự chi trả thông qua việc đóng thuế (single-payer health-care system)? Hay liệu có nên trả lương cho giáo viên dựa trên năng lực? Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu đánh giá lập trường của mình thông qua mức độ đồng ý hay phản đối với những kiến nghị đó. Sau đó, họ phải giải thích, tường tận nhất có thể, tác động của việc triển khai mỗi chính sách. Hầu như tất cả mọi người đều gặp khó khăn tại bước này. Khi được yêu cầu đánh giá quan điểm của mình một lần nữa, họ lập tức giảm cường độ câu trả lời, thể hiện sự hưởng ứng hoặc phản đối ở mức độ bớt kịch liệt hơn.

Chính sự phụ thuộc của chúng ta vào trí óc của người khác là thứ khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Sloman và Fernbach thấy kết quả này như ánh nến le lói trong một thế giới tối tăm. Nếu chúng ta—hay bạn bè ta, hay các chuyên gia trên CNN—ít dành thời gian cho việc thuyết giáo mà cố gắng để luận ra những hệ quả của những kiến nghị chính trị, chúng ta sẽ nhận ra mình hồ đồ tới mức nào mà cân bằng lại quan điểm của bản thân. Điều này, họ viết, “có thể là cách tư duy duy nhất có thể đập tan ảo tưởng về chiều sâu lý giải và thay đổi thái độ của mọi người.”

*****

Khoa học có thể được coi là một hệ thống sửa đổi những xu hướng tự nhiên ở con người. Trong một thí nghiệm được thực hiện cẩn thận, không có chỗ cho định kiến thiên vị; kết quả thu được phải có thể được tái hiện trong các thí nghiệm khác, thực hiện bởi những nhà nghiên cứu không có bất cứ động cơ nào để tự xác nhận những kết quả đó. Và điều này được cho là lý do giải thích tại sao hệ thống khoa học thành công đến vậy. Vào một thời điểm nào đó, một lĩnh vực có thể bị chiếm lĩnh bởi những tranh cãi, nhưng cuối cùng, những phương pháp vẫn sẽ chiếm ưu thế. Khoa học vẫn đi lên, kể cả khi chúng ta dậm chân tại chỗ.

Trong cuốn “Denying to the Grave: Why We Ignore the Facts That Will Save Us” (Oxford) (Tạm dịch: Đến chết vẫn phản đối: Tại sao chúng ta lại bỏ qua những sự thật sẽ cứu lấy chúng ta), Jack Gorman, một bác sĩ tâm thần, và con gái ông, Sara Gorman, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, đã khám phá ra khoảng cách giữa những gì khoa học nói với chúng ta và những gì chúng ta nói với chính mình. Điều họ quan ngại là những niềm tin cố chấp như thế không chỉ sai rành rành mà còn có khả năng gây chết người, giống như sự chắc chắn rằng vắc-xin gây nguy hiểm. Tất nhiên, điều nguy hiểm chính là không được tiêm phòng; đó là lý do vì sao vắc-xin được tạo ra. “Tiêm chủng là một trong những thành tựu vĩ đại của nền y học hiện đại,” Cha con Gorman nói. Nhưng bất luận bao nhiêu nghiên cứu khoa học khẳng định được rằng vắc-xin an toàn, và chẳng có bất cứ mối liên hệ nào giữa tiêm chủng và chứng bệnh tự kỷ, những người bài trừ vắc-xin vẫn không hề bị lay chuyển. (Họ có thể dựa dẫm vào đồng minh của mình—kiểu như—Donald Trump, người đã nói rằng, mặc dù ông ta cùng với vợ và con trai, Barron, có đi tiêm phòng, họ không làm theo lịch trình mà các bác sĩ nhi khoa đưa ra.)

Cha con Gorman cũng cho rằng các chiều hướng tư duy có vẻ mang hơi hướng hủy hoại bản thân hiện giờ chắc chắn đã từng có tác dụng thích nghi tại một thời điểm nào đó. Và họ đã dành rất nhiều trang để bàn về thiên kiến xác nhận, thứ mà họ khẳng định là có một đặc điểm sinh lý. Họ trích dẫn những nghiên cứu cho thấy con người trải nghiệm niềm vui sướng thực sự—sự tuôn trào dopamine5—khi xử lý được những thông tin củng cố niềm tin của mình. Họ chỉ ra rằng “cảm giác ‘khăng khăng với nhận định của mình’ thật tuyệt, kể cả nếu chúng có sai đi chăng nữa.”

Cha con Gorman không chỉ muốn chỉ ra cái sai của chúng ta; họ muốn giúp sửa đổi những cái sai này. Họ cho rằng chắc chắn phải có một cách nào đó có thể thuyết phục mọi người rằng vắc-xin có lợi cho trẻ nhỏ, và súng cầm tay rất nguy hiểm. (Một niềm tin rất phổ biến khác dù không hề được ủng hộ về mặt thống kê mà họ muốn lật tẩy là sở hữu một khẩu súng khiến bạn an toàn hơn.) Nhưng cũng chính ở đây, họ lại gặp phải những vấn đề mà họ đã chỉ ra. Việc đưa cho mọi người thông tin chính xác dường như không giúp ích gì cho lắm; họ đơn giản là không màng đến nó. Việc thu hút cảm xúc của mọi người có vẻ sẽ có tác dụng hơn, nhưng làm vậy rõ ràng trái với mục tiêu ủng hộ khoa học chân chính. “Thách thức còn vướng lại,” họ viết ở cuối sách, “đó là tìm ra cách khắc phục những khuynh hướng dẫn tới niềm tin khoa học sai lệch.”

Việc đưa cho mọi người thông tin chính xác dường như không giúp ích gì cho lắm; họ đơn giản là không màng đến nó. Việc thu hút cảm xúc của mọi người có vẻ sẽ có tác dụng hơn, nhưng làm vậy rõ ràng trái với mục tiêu ủng hộ khoa học chân chính.

“Điều bí ẩn về năng lực lý luận,” “Ảo giác về kiến thức,” và “Đến chết vẫn phản đối” đều là những cuốn sách được viết vào trước đợt bầu cử tháng 11. Dẫu vậy, chúng vẫn tiên liệu được về Kellyanne Conway và sự trỗi dậy của “những sự thực thay thế.” Dạo gần đây, cả quốc gia cảm tưởng như đang trải qua một thí nghiệm tâm lý tầm cỡ được thực hiện bởi chẳng ai cả, hoặc bởi Steve Bannon. Những người duy lý sẽ tìm ra một phương án giải quyết. Nhưng, về vấn đề này, các nghiên cứu cho tới giờ vẫn chưa thể trấn an chúng ta.


  1. Các dao động của điện trường trong ánh sáng tác động mạnh đến các tế bào cảm thụ ánh sáng trong mắt người. Mắt người cũng như các thiết bị thu nhận hình ảnh khác được cấu tạo bởi 3 loại tế bào nhạy sáng với 3 vùng quang phổ (3 màu sắc cơ bản) khác nhau – đỏ, xanh lá, xanh da trời (RGB). Sự kết hợp cùng lúc 3 tín hiệu từ 3 loại tế bào này tạo nên những cảm giác màu sắc phong phú.

  2. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, hay khi họ diễn giải nó một cách thiên vị, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những đức tin đã ăn sâu vào tâm thức. Những thiên kiến ​​xác nhận góp phần gây nên sự tự tin quá mức vào niềm tin cá nhân hoặc tư duy tập thể và có thể duy trì hoặc tăng cường những niềm tin đó khi đối mặt với bằng chứng trái chiều.
    Bạn đọc có thể xem thêm về “Thiên kiến xác nhận” tại đây.

  3. Một sai lầm phổ biến với tư duy hàng ngày của con người là định kiến thiên vị — xu hướng tạo lập, thu thập bằng chứng, và đánh giá giả định một cách lệch lạc, dựa vào ý kiến chủ quan của bản thân.

  4. Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Patient Protection and Affordable Care Act, viết tắt PPACA), thường được gọi là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act, ACA) hoặc Obamacare, là một đạo luật liên bang Hoa Kỳ đã được Tổng thống Barack Obama ký thành luật ngày 23 tháng 3 năm 2010. Đạo luật này nhằm mục đích nâng cao chất lượng và khả năng chi trả của bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ không có bảo hiểm bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm công và tư nhân, và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và chính quyền. Bạn đọc có thể xem thêm về Đạo luật này tại đây.

  5. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh trong các vùng não điều chỉnh hành động, cảm xúc, nhận thức, động cơ và cảm giác vui thích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cách ra đi tuyệt vời nhất
Nếu được toàn quyền lựa chọn cách để kết thúc cuộc đời từ một chiếc máy bán vô hạn cách để ra đi, bạn sẽ chọn cách nào? Bạn có nên có quyền lựa chọn không?
Mới nhất