a
§ Tác giả: Noah Berlatsky | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mika | Hiệu đính:  Nguyên
27/06/2017
Từ Frederick Douglass và John Stuart Mill đến các học giả ngày nay, có rất nhiều nam giới, bất chấp những điểm chưa hoàn hảo của họ, đã góp phần giúp thúc đẩy phong trào giải phóng phụ nữ.

Liệu nam giới có thể ủng hộ phong trào nữ quyền? Một số nhà văn, kể cả tôi, gần đây đã phân tích câu hỏi này, chủ yếu là về mặt lý thuyết. Các lập luận có xu hướng tập trung vào việc liệu có hợp lý về mặt tư tưởng hay không khi nam giới tự cho rằng mình ủng hộ phong trào nữ quyền, hoặc liệu những thuật ngữ về chủ nghĩa nữ quyền có bao gồm cả nam giới hay không. Tuy nhiên lại không có mấy thảo luận về vị trí của nam giới trong lịch sử làn sóng nữ quyền.

Quả là một điều đáng xấu hổ, bởi vì trên thực tế, Châu Âu và Bắc Mỹ có một truyền thống lâu đời về chủ nghĩa nữ quyền ở nam giới, tồn tại ít nhất 175 năm trước thời của Frederick Douglass1 – một người từng là nô lệ và theo theo chủ nghĩa bãi nô (abolionism). Ở Mỹ, phong trào giải phóng nô lệ và phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ có mối liên hệ mật thiết với nhau, và Douglass là một trong số ít những người đàn ông tham dự hội nghị về quyền phụ nữ nổi tiếng ở Seneca Falls2 năm 1848. Sau cuộc Nội chiến Mỹ, Douglass có những bất đồng về các chiến lược của nhiều nhà hoạt động về quyền phụ nữ. Một số nữ lãnh đạo da trắng của phong trào giành quyền bầu cử cho nữ giới cho rằng phụ nữ da trắng có địa vị cao hơn nam giới da đen và xứng đáng có quyền bỏ phiếu trước. Riêng về phần mình, Douglass cảm thấy việc giành quyền bỏ phiếu cho đàn ông da đen thông qua Bản sửa đổi thứ 15 (15th Amendment)3 là “cấp bách” hơn, bỏ qua một thực tế rằng phụ nữ da đen vẫn chưa có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông đối với quyền bầu cử cho nữ giới vẫn không hề lung lay. Trong một bài phát biểu vào năm 1888, ông khẳng định lập trường của mình và nhấn mạnh vị trí tối quan trọng của nữ giới trong phong trào của chính họ: “Tôi tin rằng, không một người đàn ông nào, dù có suy nghĩ và ăn nói giỏi đến mấy, có thể chỉ ra những sai trái và trình bày về những nhu cầu của phụ nữ với sự khéo léo và ảnh hưởng, với quyền lực và thẩm quyền hơn chính bản thân người phụ nữ. Tên đàn ông đánh đập lại chính là kẻ sẽ ăn vạ. Người đại diện tốt nhất cho phụ nữ… chỉ có thể là chính họ.”

Vào lúc Douglas đang giành quyền bầu cử cho phụ nữ ở Mỹ, John Stuart Mill cũng đang đấu tranh cho vấn đề này ở Anh. Trong cuốn “The Subjection of Women” (Tạm dich: Sự chinh phục của Phụ nữ) được viết vào năm 1861 cùng với vợ ông là Harriet Taylor Mill, ông tuyên bố: “Cái nguyên tắc quy định mối quan hệ xã hội hiện tại giữa hai giới – sự lệ thuộc hợp pháp của một giới vào giới còn lại – là sai, và giờ còn là một trong những trở ngại chính đối với sự tiến bộ của con người; và nguyên tắc này phải được thay thế bằng một nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối, tức là thừa nhận không có bất cứ quyền lực hay đặc quyền nào ở một bên, cũng như không có sự yếu thế nào ở bên còn lại.” Năm 1866, Mill trở thành thành viên đầu tiên của Quốc hội Anh đưa ra một dự luật kêu gọi quyền bầu cử cho phụ nữ.

Người đại diện tốt nhất cho phụ nữ… chỉ có thể là chính họ.

Dường như mối quan hệ giữa Mill và vợ ông đã truyền cảm hứng cho những hoạt động vì quyền phụ nữ của ông. Tương tự, hoạt động nữ quyền của nhà văn đương thời, John Stoltenberg, cũng có mối liên hệ mật thiết với mối quan hệ lâu năm, và cuối cùng là hôn nhân, của ông với nhà văn nữ quyền Andrea Dworkin. Stoltenberg đã thành lập nhóm “Men Can Stop Rape” (Tạm dịch: Đàn ông Có thể Chấm dứt Nạn Hiếp Dâm), nhưng có lẽ ông được biết đến nhiều nhất bởi sự nghiệp viết lách đầy tính học thuyết của mình, đặc biệt là cuốn sách xuất bản năm 1989 tựa đề Refusing to Be a Man (Tạm dịch: “Từ chối làm một người đàn ông”), trong đó ông lập luận rằng đàn ông cần phải tạo dựng và ủng hộ một phiên bản nam tính ít độc đoán dựa trên sự tôn trọng hơn là coi thường phụ nữ. Ông tập trung vào những ấn phẩm khiêu dâm –  đặc biệt là khiêu dâm đồng giới với tư cách là một người đồng tính nam – ông cho rằng sự khổ dâm và bạo dâm trong những ấn phẩm khiêu dâm, dù đồng tính hay dị tính, khiến nam giới đối xử với phụ nữ như là “những người khổ dâm hoàn toàn phục tùng, thích tận hưởng sự đau đớn, nhục nhã, và nếu bị cưỡng hiếp, cũng sẽ thích thú với điều đó.” Một kết luận nổi tiếng của ông là: “Những nội dung khiêu dâm nói dối về phụ nữ. Nhưng nội dung khiêu dâm lại nói lên sự thật về đàn ông,” có nghĩa rằng sách báo khiêu dâm là một đại diện chính xác về cách nam giới, cả đồng tính và dị tính, xây dựng bản năng tình dục của mình dựa trên sự thống trị, vật hóa4, và làm mất tính người5 của phụ nữ.

Một học giả tích cực khác về chủ nghĩa nữ quyền hiện nay là Adam Jones, một nhà khoa học chính trị tập trung nghiên cứu về nạn diệt chủng tại Đại học British Columbia Okanagan. Trong những cuốn sách và trên website của mình, Gendercide Watch, ông đã sử dụng lý thuyết nữ quyền để ghi chép và phân tích nạn thảm sát dựa trên giới tính (gendercide6), bạo lực gây ra bởi các lý do liên quan đến giới tính. Ví dụ, ông đã phân tích việc những người phụ nữ Bengali bị tách riêng ra để sát hại hàng loạt trong vụ diệt chủng năm 1971 tại Pakistan; ông cũng nghiên cứu những trường hợp đàn ông trở thành mục tiêu của bạo lực giới tính, như trong chiến dịch Anfal của Saddam Hussein chống lại người Do Thái, trong đó đàn ông bị thảm sát trên diện rộng.

Cần phải thừa nhận rằng, mặc dù Douglass, Mill, Stoltenberg, và Jones đều là những người đàn ông ủng hộ phong trào nữ quyền, sự gắn kết của họ với chủ nghĩa nữ quyền mang nhiều hình thức khác nhau. Cam kết của Douglass là kết quả của sự gắn bó của ông với chủ nghĩa bãi nô. Chủ nghĩa nữ quyền của Mill là một phần trong quan điểm chính trị tự do tổng quát của ông. Còn Stoltenberg đã sử dụng chủ nghĩa nữ quyền để suy ngẫm về những vấn đề của sự nam tính và khinh thường phụ nữ, mà ông coi là vấn đề cá nhân cũng như chính trị của nam giới. Jones gắn kết với chủ nghĩa nữ quyền thông qua các nghiên cứu của ông về nạn diệt chủng và giới tính. Đối với tất cả bọn họ, chủ nghĩa nữ quyền là một tổ hợp của lòng vị tha, ý thức cộng đồng, sự hứng thú với tri thức, niềm tin chính trị, và đóng góp cá nhân – mà có lẽ cũng là điều bạn có thể thấy ở hầu hết các nhà nữ quyền là nữ giới.

Mặc dù những hoạt động nữ quyền và tác phẩm của những người đàn ông này đầy cảm hứng, không một tác phẩm nào của họ không bị, và cũng không nên không bị, phê bình. Douglass đã ưu tiên quyền của đàn ông da đen hơn quyền của phụ nữ ở một thời điểm quyết định, tạo nên một sự chia rẽ giữa các phong trào dân quyền và phong trào nữ quyền mà đến nay vẫn còn tồn tại. Các quan điểm chống lại khiêu dâm và khổ dâm của các nhà lý thuyết như Stoltenberg và Dworkin đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ các nhà nữ quyền ủng hộ tình dục (pro-sex feminists)7. Quan niệm của Jones về thảm sát dựa vào giới tính đã bị chỉ trích là lộn xộn trong khái niệm, cũng như luận điệu của ông rằng chủ nghĩa nữ quyền chưa chỉ ra đầy đủ các vấn đề của nam giới và sự nam tính.

Những phê bình trên không có nghĩa những người đàn ông này không phải là các nhà nữ quyền thực sự, cũng không có nghĩa là đàn ông không thể là những nhà nữ quyền. Nó chỉ có nghĩa là có tồn tại những tranh luận, những khác biệt, và thất bại trong chủ nghĩa nữ quyền, cũng như trong bất kỳ dự án nào về sự giải phóng – hay cho bất kỳ nỗ lực nào của con người. Việc Mill, Douglass, Stoltenberg, hay Jones có những sai sót chỉ cho chúng ta thêm lý do để nhắc đến họ. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng các nhà nữ quyền nam giới không hề mới mẻ hay hoàn hảo, nhưng họ đã có những đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của phụ nữ. Họ là những con người có thực, những người có những sai lầm chúng ta có thể học hỏi và thành công chúng ta có thể tiếp bước.


  1. Frederick Douglass (818[ – 1895) là nhà cải cách xã hội, nhà hùng biện, tác gia, và chính khách người Mỹ gốc Phi. Sau khi thoát khỏi cuộc sống nô lệ, ông trở thành nhà lãnh đạo phong trào bãi nô, tạo được tiếng vang nhờ khả năng hùng biện đáng kinh ngạc cũng như sự nghiệp viết lách được ông sử dụng để chống lại chế độ nô lệ và sự tham nhũng. Ông là một bằng chứng sống chống lại luận cứ của các chủ nô cho rằng người nô lệ thiếu năng lực trí tuệ không thể hành động như là những công dân Mỹ độc lập. Thông tin chi tiết về ông có thể xem thêm tại đây.

  2. Hội nghị Seneca Falls là hội nghị đầu tiên về quyền của phụ nữ ở Hoa Kỳ. Hội nghị diễn ra vào ngày hai ngày 19-20 tháng 7 năm 1848 tại Seneca Falls, New York. Hội nghị được tổ chức bởi một số ít phụ nữ hoạt động trong các phong trào bãi nô và chống lại sự tiêu thụ của thức uống có cồn, với ý định kêu gọi sự chú ý đến việc phụ nữ bị đối xử bất công. Ước tính có khoảng 300 người đến tham dự sự kiện này, trong đó có khoảng 40 người đàn ông. Thông tin chi tiết về hội nghị có thể xem thêm tại đây.

  3. Bản sửa đổi thứ 15 (Bản sửa đổi thứ XV) của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm các chính phủ liên bang và tiểu bang phủ nhận quyền bầu cử dựa trên “chủng tộc, màu da, hoặc tình trạng nô lệ trước đây của công dân.” Bản sửa đổi được phê chuẩn vào ngày 3 tháng 2 năm 1870. Thông tin chi tiết về Bản sửa đổi này có thể xem thêm tại đây.

  4. Nguyên gốc tiếng Anh: Objectification, chỉ hành động coi và đối xử với người (hay đôi khi là cả con vật) như một thứ đồ vật.

  5. Nguyên gốc tiếng Anh: Dehumanization, chỉ những hành động hay quá trình làm giảm, mất đi tính cá nhân và những phẩm chất con người của một hay một nhóm người nhất định. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về khái niệm dehumanization tại đây.

  6. Gendercide chỉ việc tấn công và giết hại những người thuộc một giới tính nhất định, nói cách khác là làm hại người khác dựa trên giới tính của họ. Thuật ngữ này cũng bao gồm cả việc nạo phá thai, giết hại trẻ con, và bất cứ hành động bạo lực nào chống lại một giới tính cụ thể ở bất kì độ tuổi nào.Thông tin chi tiết về khái niệm này có thể xem thêm tại đây.

  7. Ở đây đang nói đến phong trào tình dục tích cực (Pro-sex movement), một phong trào xã hội nhằm thúc đẩy và tôn vinh tình dục, nhấn mạnh vào hoạt động tình dục an toàn và ý nghĩa của sự đồng thuận. Phong trào mang đến thông điệp những hoạt động tình dục có sự đồng thuận thì đều lành mạnh, và kêu gọi phát triển hoạt động giáo dục giới tính cũng như ủng hộ hoạt động tình dục an toàn. Thông tin chi tiết về phong trào này có thể xem thêm tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất