Stephen Gough thích được khoả thân, thích đến mức việc đó đã khiến ông phải trả giá bằng chính sự tự do của mình. Ông đã phải ở tù tổng cộng 10 năm vì đã hở hang quá mức ở những nơi công cộng, dẫn đến nhiều lần bị bắt giữ.
Gough, với biệt danh “kẻ ngao du trần truồng” (naked rambler), thích cởi bỏ quần áo mỗi khi tiết trời ấm lên. Ông không gây nguy hiểm đến xã hội, nhưng khi ông khoả thân đi bộ từ John o’Groats đến Lands’ End1 ở Anh vào năm 2003, ông đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt trên khắp đất nước.
Khi cố gắng thử lại cuộc hành trình này, ông đã nhanh chóng bị bắt giữ. Trong tù, ông vẫn thường bị biệt giam vì từ chối mặc quần áo.
Tuy nhiên, không ai có thể chối cãi sự thật rằng giống như Gough, chúng ta khi sinh ra đều chẳng có quần áo trên người. Điểm khác biệt là về sau, phần lớn chúng ta đều biết che chắn cơ thể của bản thân trong đời sống cộng đồng.
Có nhiều lý do chính đáng để làm vậy: chúng ta sẽ rét đến chết ở những nơi có khí hậu lạnh hơn nếu không mặc thêm đồ, và quần áo cũng bảo vệ chúng ta khỏi Mặt Trời những lúc thời tiết nóng gắt. Tuy nhiên, một vài tộc người sống bằng nghề săn bắt và hái lượm vẫn sống mà gần như không mặc gì, chứng tỏ rằng quần áo không phải là yếu tố quyết định sự sinh tồn của chúng ta.
Nếu khoả thân là một việc rất tự nhiên, thì sự ám ảnh với quần áo của chúng ta bắt đầu từ khi nào, và tại sao lại như vậy?
Quần áo không biến thành hoá thạch, nên chúng ta không có bằng chứng trực tiếp về thời điểm mà tổ tiên của loài người – “hominin”2 – bắt đầu khoác lên mình những tấm lông và da thú thay vì đi lại trong tình trạng khoả thân.
Thay vào đó, các nhà nhân chủng học chủ yếu dựa vào những biện pháp gián tiếp để xác định nguồn gốc của quần áo. Một nghiên cứu về chấy năm 2011 đề xuất rằng việc này chỉ mới bắt đầu từ 170.000 năm trước. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chấy trong tóc và chấy trên quần áo đã phân tách vào khoảng thời gian này. Họ nghĩ rằng khi con người bắt đầu mặc quần áo, một số con chấy bắt đầu sinh sống ở đó và tiến hoá thành một loài khác.
Đây cũng là lúc giống loài của chúng ta, Homo sapiens, bắt đầu đi lại trên đất châu Phi. Họ không còn nhiều lông trên người để giữ ấm vào buổi tối và bảo vệ khỏi sức nóng của Mặt Trời như những loài người Hominin cổ xưa.
Ian Gilligan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, Úc, cho rằng có khả năng con người bắt đầu mặc quần áo để bù đắp cho sự biến mất của lông mao.
Ngày nay, vẫn còn tồn tại một số tộc người sinh sống nhờ săn bắt và hái lượm, ví dụ như tộc Nuer ở miền Nam Sudan, gần như không mặc quần áo. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta không mặc quần áo đơn thuần chỉ để được bảo vệ. Có thể con người bắt đầu cảm thấy “tự giác” và muốn che đi cơ thể mình, nhưng khó có thể tìm được bằng chứng trực tiếp cho việc đó.
Tư liệu lịch sử cho thấy rằng một số tộc người khác, cũng sinh sống nhờ săn bắt và hái lượm, ví dụ như tộc Fuegians ở Nam Mỹ, đôi lúc mặc những trang phục đơn giản, nhưng phần lớn thời gian họ không mặc gì cả. Có lẽ người tối cổ chỉ mặc quần áo lúc trời lạnh.
Có thể dễ dàng thấy được sự cần thiết của quần áo trong việc bảo vệ bản thân khỏi giá rét đối với những tộc người sống ngoài châu Phi. Neanderthal, một loài khác trong chi Người, đã sống trong điều kiện khí hậu lạnh hơn rất nhiều, và chắc chắn họ đã phải mặc quần áo.
Người Neanderthal đã sống ở châu Âu trong một khoảng thời gian rất dài trước khi loài người hiện đại xuất hiện. Chúng ta đều có một tổ tiên chung, được cho là Homo heidelbergensis. Vì vậy, nếu người Neanderthal mặc quần áo, thì có nghĩa là quần áo đã được phát minh ra nhiều lần và người Neanderthal đã tạo ra quần áo trước chúng ta.
Cùng thuộc tông Người, nhưng Neanderthal và chúng ta có những trang phục khác nhau. Nathan Wales, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, đã nhận xét rằng: “Có một sự phân biệt khá rõ ràng giữa quần áo của Neanderthal và quần áo của con người.”
Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2012, Wales ước lượng rằng người Neanderthal phải bảo vệ 70-80% cơ thể trong suốt mùa đông để có thể sống sót trong điều kiện khí hậu lúc bấy giờ. Để tính được con số này, Wales đã so sánh trang phục của những tộc người săn bắt và hái lượm hiện nay trong những môi trường tự nhiên khác nhau, và đối chiếu với điều kiện khí hậu trong lịch sử.
Wales lập luận rằng loài người hiện đại cần bảo vệ cơ thể nhiều hơn một chút, lên đến tầm 90%. Theo ông, điều này có nghĩa là người Neanderthal không cần phải mặc những bộ quần áo vừa khít và phủ kín toàn bộ cơ thể họ.
Giờ đây, chúng ta tìm được một ít manh mối về loại quần áo họ đã từng mặc.
Có thể người Neanderthal đã khoác lên người những tấm lông thú đơn giản, theo một nghiên cứu xuất bản vào tháng 8 năm 2016. Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng những người Neanderthal điển hình đã phủ lông của một con vật lên mình.
Trong khi đó, quần áo của loài người hiện đại thì được làm phức tạp hơn một chút, có lẽ là được vá lại từ nhiều miếng khác nhau.
Người đứng đầu nghiên cứu trên, Mark Collard, một nhà nghiên cứu của trường Đại học Simon Fraser tại Burnaby, Canada, nhận thấy rằng loài người hiện đại có xu hướng săn bắt các loài động vật có thể giúp họ tạo ra những bộ lông dày và kín gió hơn. Chồn sói là một ví dụ điển hình. Lông của nó có thể được may thành phần đệm đầy ấm áp ở cổ áo hoặc cổ tay.
Collard nhận thấy rằng kể cả hiện nay, chồn sói vẫn được ưa chuộng trong săn bắn ở những cộng đồng như người Inuit3. Ông nhận xét rằng: “Những tấm da như vậy rất được ưa thích, có lẽ vì cấu tạo những sợi lông giúp chúng không đông cứng nhiều như các loại lông thú khác. Chúng còn hiệu quả hơn cả những bộ đồ chống rét trong quân đội.”
Đối với Wales, những bằng chứng này khẳng định rằng người hiện đại có lối sống khác với Neanderthal: “Kỹ thuật đó đã giúp con người rất nhiều, họ có thể nhanh chóng định cư ở những vùng đất mới. Vì vậy thay vì phải phát triển khả năng thích nghi với môi trường khác, họ chỉ cần tạo nên những bộ quần áo tốt hơn thôi.”
Dù vậy, Neanderthal, với vóc người thấp và chắc hơn, có thể thích nghi với khí hậu lạnh của châu Âu tốt hơn loài người hiện đại. Họ đã đặt chân đến châu Âu sớm hơn chúng ta rất nhiều, trong khi loài người hiện đại đã dành phần lớn chiều dài lịch sử của mình để tồn tại trong khí hậu nhiệt đới của châu Phi.
Nghịch lý thay, việc người Neanderthal thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh có thể đã phần nào dẫn đến sự tuyệt chủng của họ.
Nếu điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, thì thật ra đúng là nó có mâu thuẫn ở một mức độ nào đó.
Loài người hiện đại có lượng mỡ ít hơn, vì vậy cơ thể càng dễ bị tổn thương trong giá rét. Vì thế nên tổ tiên của chúng ta bắt buộc phải phát triển các kỹ thuật bổ sung. “Chúng ta đã tạo ra những bộ quần áo tốt hơn để bù đắp cho thiếu sót ấy, và việc đó đã giúp chúng ta sống sót khi khí hậu trở nên vô cùng lạnh giá vào khoảng 30.000 năm trước,” Gilligan nhận định.
Có bằng chứng khảo cổ học để khẳng định rằng loài người đã phát triển kỹ thuật tân tiến hơn cho việc may mặc. Chúng ta đã chế tạo những dụng cụ cắt chuyên dụng như lưỡi dao và thậm chí là cây kim khâu. Những dụng cụ này đã giúp chúng ta cắt da thú thành những hình khối như hình chữ nhật và hình vuông để vá lại với nhau.
Ngược lại, người Neanderthal dường như chỉ có những vật dụng đơn giản dùng để nạo. Vào năm 2007, Gilligan đề xuất rằng việc này đã phần nào dẫn đến sự tuyệt chủng của họ, vì họ chỉ có những trang phục kém chất lượng để mặc trong những thời kỳ lạnh nhất của Kỷ Băng hà cuối cùng.
“Khi họ bắt đầu phải chống chọi với cái rét, đó có thể là lý do khiến họ bị tuyệt chủng; họ không có kỹ thuật để tạo ra những bộ quần áo phức tạp như loài người hiện đại đã phát triển trước đó khi còn ở châu Phi,” Gilligan nhận xét.
Dù con người có những dụng cụ và quần áo tân tiến hơn, điều đó không có nghĩa Neanderthal là những sinh vật khờ khạo như chúng ta từng nghĩ, và không có lý do gì để tin rằng họ chậm phát triển hơn chúng ta. Đơn giản chỉ là họ không cần phải bảo vệ toàn bộ cơ thể, và đến lúc họ phải làm như vậy, kỹ thuật của họ lại không đáp ứng được việc đó.
Thực ra, chúng ta đã học được một vài cách xử lý da động vật từ người Neanderthal.
Năm 2013, một nhóm nghiên cứu mà đứng đầu là Marie Soressi tại đại học Leiden, Hà Lan đã tìm thấy bằng chứng rằng Neanderthal là loài người đầu tiên sử dụng những dụng cụ làm từ xương, thay vì từ đá. Họ đã dùng những vật liệu như vậy từ khoảng 40 đến 60.000 năm trước.
Những “dụng cụ Lissoir”4 này được làm từ những mảnh xương sườn của hươu. Chúng được dùng để khiến da của động vật mềm hơn, khả năng cao là để làm quần áo.
Sau khi người Neanderthal bị tuyệt chủng, những dụng cụ làm từ xương tương tự đã được tìm thấy ở những nơi sinh sống của loài Homo sapiens.
Soressi nói rằng: “Loại dụng cụ làm từ xương này rất phổ biến trong những dấu tích của thời kỳ Đồ đá Cũ Muộn (Upper Palaeolithic)5, nên chúng rất phổ biến tại những nơi loài Homo sapiens từng sinh sống sau sự tuyệt chủng của loài Neanderthal. Theo tôi, có khả năng đây là bằng chứng đầu tiên cho sự chuyển giao giữa người Neanderthal và người hiện đại.”
Việc học hỏi được những mẹo chống rét từ người Neanderthal có thể rất hữu ích với loài người hiện đại, vì họ có thể phối hợp những dụng cụ bằng xương với những dụng cụ riêng của mình để làm ra những trang phục tốt hơn nữa.
Nếu điều đó thực sự đã xảy ra, thì chúng ta lại cần đặt ra câu hỏi tại sao người Neanderthal không tiếp thu những kỹ thuật tân tiến hơn từ loài người hiện đại. Có thể đơn giản là vì loài người hiện đại chỉ tìm thấy những khúc xương mà người Neanderthal để lại, chứ không thực sự gặp gỡ họ.
Gần đây hơn một chút, có lẽ vào khoảng 30.000 năm trước, quần áo thời Đồ đá tiếp tục trở nên tân tiến hơn.
Trong hang động Dzudzuana tại Georgia, những nhà nghiên cứu đã tìm thấy những sợi lanh được nhuộm màu ở những khu vực nơi loài người sinh sống. Chúng có thể đã được sử dụng để làm vải lanh với nhiều màu khác nhau.
Điều này cho thấy quần áo đã không chỉ có công dụng thực tế mà còn có chức năng trang trí. Nói cách khác, quần áo dần trở thành một biểu tượng.
Gilligan chỉ ra rằng loài người đã trang trí bản thân trước khi quần áo tồn tại: “Xét đến những tộc người vẫn sống nhờ săn bắt và hái lượm ngày nay mà không mặc quần áo, họ trang trí bản thân bằng những hình vẽ rực rỡ trên cơ thể. Họ không cần thiết phải có quần áo thì mới có thể làm như vậy.”
Các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng cho thấy người Neanderthal cũng đã trang trí cơ thể bằng màu đỏ từ đất son, với dấu tích cổ nhất từ khoảng 200.000 năm trước. Đương nhiên cũng có khả năng là những chất màu này đã được dùng để nhuộm da thú, để chôn cất theo lễ nghi, hoặc để vẽ lên hang động.
Khi khí hậu trở nên quá lạnh để có thể chưng diện những cơ thể đầy sắc màu ấy, loài người buộc phải mặc quần áo. Gilligan đề xuất rằng: “Công dụng trang trí ấy đã được chuyển sang quần áo. Khi đó, con người cần quần áo cho cả những nhu cầu xã hội và sức khỏe.”
Điều này có thể lý giải cho việc quần áo trở thành một phần tất yếu trong nhân dạng của nhiều người. Cũng như vậy, việc không mặc quần áo là một phần rất quan trọng trong danh tính của một số bộ tộc sống nhờ săn bắt và hái lượm, và của “kẻ ngao du trần truồng.”
Vì vậy, sự thật đằng sau quần áo phức tạp hơn chúng ta tưởng. Không có chúng, chúng ta có lẽ đã không sống sót được, nhưng ngày nay chúng ta sử dụng quần áo không chỉ để giữ ấm.
Chúng là một phần của danh tính, văn hóa, và những chuẩn mực xã hội của chúng ta. Theo Gilligan, quần áo tách biệt chúng ta ra khỏi những loài vật khác và khỏi tự nhiên. Hơn nữa, bằng cách cho thấy chúng ta thuộc về một nhóm xã hội hoặc chính trị nhất định, quần áo cũng có thể tách biệt chính chúng ta khỏi những người xung quanh.
Đây là hành trình trải dài nước Anh: John o’Groats là điểm cực bắc, Lands’ End là điểm cực Nam.↩
Tông người (Hominin) là một tông trong Phân họ Người chỉ bao gồm các loài người, tinh tinh cùng các tổ tiên đã tuyệt chủng của chúng.↩
Inuit (còn gọi là Eskimo) là tên gọi một nhóm những người bản địa sống ở các vùng Bắc cực của Canada.↩
Lissoir là một từ trong tiếng Pháp với nghĩa “để làm nhẵn.”↩
Thời kỳ Đồ đá Cũ Muộn (Later Stone Age hay Upper Palaeolithic) kéo dài từ khoảng 50 đến 10 nghìn năm về trước.↩