Tại sao chúng ta lại chấp nhận những kẻ lãnh đạo bạo ngược, độc đoán hết lần này đến lần khác? Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các nhà triết học và lý luận chính trị đã đi tìm lời giải thích cho việc tại sao chúng ta sẵn sàng bị áp bức bởi những nhà độc tài. Câu hỏi này lại càng trở nên cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay với sự nổi dậy đáng lo ngại của các chế độ độc tài trên khắp thế giới.
Plato là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất suy nghĩ về sự chuyên chế. Trong cuốn Cộng hòa viết vào khoảng năm 380 TCN, ông lý luận rằng các nhà nước dân chủ chắc chắn sẽ rơi vào sự độc tài. Plato chẳng ưa gì chế độ dân chủ, có lẽ vì chính nền dân chủ ở Athens lúc bấy giờ đã đẩy người thầy đáng mến Socrates của ông đến cái chết. Ông tin rằng các hình thức chính phủ dân chủ sẽ khiến cho dân chúng trở nên vô kỷ luật và dễ bị dắt mũi bởi lời ngon tiếng ngọt của các chính khách – những bậc thầy trong việc thỏa mãn ý thích của người dân. Trong cuốn Gorgias, được viết vào cùng khoảng thời gian với Cộng hòa, ông bảo rằng những chính trị gia ấy dụ dỗ dân chúng bằng các lời hứa bất lương thay vì nuôi dưỡng lợi ích chung. “Những kẻ làm bánh lại mạo danh lương y,” Plato nhận xét đầy chế giễu, “và tỏ vẻ hiểu biết về các loại thực phẩm bổ dưỡng nhất đối với cơ thể, để rồi nếu một kẻ làm bánh và một thầy thuốc phải thi đấu trước trẻ con, hoặc trước những người lớn khờ khạo không khác gì trẻ con, để quyết định xem ai là người có kiến thức chuyên môn về việc thức ăn nào là có lợi hay có hại, người thầy thuốc sẽ chết đói.”
Giờ thì tua nhanh 2500 năm, đến đầu thế kỷ 20, và xem xét thành tựu của nhà xã hội học người Đức Max Weber. Weber, một trong những vị cha đẻ của ngành xã hội học, đã đề ra khái niệm “uy quyền thiên phú” (charismatic authority)1 – một “phẩm chất cụ thể trong tính cách cá nhân, mà nhờ đó cá nhân ấy trở nên khác biệt so với người thường và được coi như sở hữu những sức mạnh hoặc đặc tính siêu phàm, dị thường, hoặc ít ra là vô cùng đặc biệt.” Những nhà lãnh đạo biết thu hút quần chúng sẽ gây dựng được lòng tin, và được đám đông sùng bái như những nhà tiên tri. Lý luận của Weber giúp hoàn thiện miêu tả cơ bản của Plato. Kẻ độc tài như tỏa ra một vầng hào quang đặc biệt đến mức nhiệm màu. Những người đi theo tin rằng hắn có thể thực hiện phép màu và thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng làm thế nào mà việc này xảy ra? Điều gì khiến cho những người vốn có lý trí lại bị mê muội bởi những tư tưởng phi lý và nguy hiểm như vậy? Để tìm ra câu trả lời, chúng ta cần đào sâu hơn.
Điều gì khiến cho những người vốn có lý trí lại bị mê muội bởi những tư tưởng phi lý và nguy hiểm như vậy?
Cùng khoảng thời gian mà Weber đang phát triển lý thuyết về sự cuốn hút thiên phú của mình ở Berlin, Sigmund Freud cũng đang vật lộn với những ý tưởng tương tự tại Vienna. Những suy ngẫm của ông đã được đúc kết vào trong cuốn Tâm lý đám đông và Phân tích cái Tôi xuất bản năm 1921. Phần Tâm lý đám đông tập trung làm rõ các động lực tâm lý đằng sau hành vi của một đám đông. Như phần lớn các tác phẩm của Freud, đây là một cuốn sách phức tạp, nhưng nổi bật có hai vấn đề chính. Thứ nhất, Freud lý luận rằng những người bị cuốn hút bởi các nhà độc tài đã lý tưởng hóa, xem những nhà lãnh đạo như một tấm gương, một vị anh hùng không hề có khuyết điểm. Thứ hai, ông lý luận rằng dân chúng kết nối chặt chẽ với nhà lãnh đạo bằng cách thay thế hắn với cái mà Freud gọi là “cái tôi lý tưởng” (ego ideal). Cái tôi lý tưởng là sự biểu hiện các giá trị sống của một người. Nó bao gồm các khái niệm đúng sai, điều gì là bổn phận và điều gì là phải ngăn cấm hoàn toàn. Nó là kim chỉ nam về mặt đạo đức: về cơ bản thì nó giống như lương tâm của mỗi người. Bằng cách thế chỗ cái tôi lý tưởng, kẻ độc tài trở thành lương tâm của đám đông, và tiếng nói của hắn trở thành tiếng nói của lương tâm. Từ đó, bất kỳ mong muốn nào của hắn, theo một nghĩa nào đấy, cũng trở nên đúng đắn.
Luận đề của Freud có thể dễ dàng áp dụng vào hoàn cảnh của nước Đức dưới sự thống trị của Hitler. Đơn cử như trường hợp của Alfons Heck. Thời trẻ, Heck từng là thành viên của Đoàn Thanh niên Hitler2. Trong cuốn sách “The Nazi Conscience” (tạm dịch: Lương tâm Phát xít) xuất bản năm 2003, nhà sử học Caludia Koonz kể rằng khi Heck nhìn lực lượng Gestapo3 tập trung những người Do Thái trong làng lại, trong đó có người bạn thân Heinz của cậu, để đưa đi lưu đày, cậu không tự nhủ rằng: “Việc trục xuất những người Do Thái là một việc làm khủng khiếp.” Ngược lại, bởi tiếp thu kiến thức về “tội ác Do Thái,” cậu nói: “Thật bất hạnh khi Heinz lại là người Do Thái.” Khi lớn lên, cậu kể lại: “Tôi chấp nhận việc lưu đày như một lẽ chính đáng.”
Việc cộng đồng những người ủng hộ mang một danh tính chung với nhà độc tài còn dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng khác. Họ liên kết với nhau để tạo nên một “phong trào” và hòa thành một tập thể chung. Cảm giác hòa nhập đầy say mê, và sự hi sinh lợi ích bản thân vì lợi ích chung, là một phần rất quan trọng trong các chế độ độc tài. Có thể thấy yếu tố này trong không ít các thông điệp độc đoán, điển hình như của Đế chế Thứ ba. Quan niệm cho rằng con người chỉ là một bộ phận của toàn thể dân tộc hay Volk, và rằng trách nhiệm của mỗi người đối với tinh thần chung và siêu việt này quan trọng hơn lợi ích cá nhân hẹp hòi, trở nên vô cùng phổ biến tại Đức Quốc Xã. Trẻ em Đức được dạy rằng phải giữ cho dòng máu của mình được “tinh khiết” – nói cách khác là không được kết hôn với người khác chủng tộc. Chúng được bảo rằng dòng máu ấy không thuộc về chúng mà thuộc về dân tộc nước Đức – xuyên suốt quá khứ, hiện tại, và tương lai – và nhờ có nó, chúng có thể tận hưởng sự sống vĩnh hằng.
Không khó để nhìn thấy những đặc tính gần với tôn giáo trong các nhà nước độc tài. Người dân phải cống hiến bản thân cho một thế lực cao hơn và hi sinh những giới hạn của cái tôi cá nhân để gìn giữ sự tinh khiết. Qua đó mà họ có được sự bất tử, sự tái sinh, và cơ hội chuộc tội. Bản chất gần với tôn giáo trong sự trỗi dậy của Hitler đã được nhà sử học Laurence Rees miêu tả trong cuốn “Sức mê hoặc huyền bí của Adolf Hitler” xuất bản năm 2012:
“Những đám đông người Đức đi du lịch – nhưng kỳ thực chẳng khác gì một cuộc hành hương – đến nhà Hitler tại Berchtesgaden để bày tỏ lòng thành kính với ông; hàng nghìn những đơn thỉnh cầu gửi đến Hitler ở Phủ Thủ tướng; những bức tranh mang âm hưởng tôn giáo khắc họa các buổi tập hợp tại Nuremberg4; việc trẻ em Đức được dạy rằng Hitler “được Chúa phái xuống” và là “niềm tin” cũng như “ánh sáng” của chúng; tất cả những điều này đều cho thấy một thực tế rằng Hitler không được coi như một chính trị gia bình thường mà như một nhà tiên tri được ban tặng năng lực siêu phàm.
Từ đó, có thể nhìn vào chuyên khảo “The Future of an Illusion” (tạm dịch: Tương lai của một Mộng tưởng) của Freud xuất bản năm 1927. Dù cuốn sách tập trung khai thác tâm lý học tôn giáo, chúng ta không thể lờ đi bối cảnh và nội dung về chính trị của nó. Tất cả những người Do Thái sống tại “Vienna Đỏ” năm 1927 (cũng là năm mà cuộc tập hợp Nuremberg đầu tiên đã diễn ra) đều lo sợ sự nổi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1926, Freud nói:
“Tôi nói tiếng Đức. Văn hóa của tôi, kiến thức của tôi là của nước Đức. Về mặt trí tuệ, tôi coi bản thân là một người Đức, cho đến khi tôi nhận thấy sự nổi lên của định kiến bài Do Thái ở Đức và Áo thuộc Đức (German Austria). Từ ấy, tôi thích gọi mình là người Do Thái.”
Một mộng tưởng được ông đề cập đến trong văn bản là quan niệm rằng “chỉ có dân tộc Đức mới có thể tạo ra một nền văn minh.”
Lúc bấy giờ, chính trường Áo chia ra làm hai phe: một bên là những người Công giáo cánh hữu theo chủ nghĩa Xã hội (với lực lượng vũ trang Heimwehr được tài trợ bởi Phát-xít Ý) và bên còn lại là đảng Dân chủ Xã hội nghiêng về cánh tả (với lực lượng vũ trang Schutzbund).
Căng thẳng giữa hai phe đã bùng nổ vào ngày 15 tháng 7 năm 1927, khi phe Cánh tả thực hiện một cuộc biểu tình phản đối với quy mô lớn, khởi đầu bằng một nỗ lực nhằm chiếm đóng Đại học Vienna, chỉ cách căn hộ của Freud vài phút đi bộ, và sau đó lên đến đỉnh điểm với việc đám đông ồ ạt xông vào Trụ sở Bộ Tư pháp – cách đó khoảng 20 phút đi bộ – và đốt cháy tòa nhà. Lực lượng cảnh sát đã xả súng vào những người biểu tình, và ba tiếng sau, 89 người trong số họ cùng với năm cảnh sát đã chết. Ngày hôm đó và hai ngày tiếp theo được gọi là Schreckentage – những “ngày kinh hoàng” (days of horror). Với các trí thức ở Vienna như Freud, sự uy hiếp của chính quyền độc tài đang diễn ra chỉ cách một khung cửa.
Tiếp nối truyền thống của các triết gia Đức là Ludwig Feuerbach và Karl Marx, Freud lý luận rằng niềm tin tôn giáo là những mộng tưởng, nhưng ông có một cách tiếp cận đặc biệt: ông cho rằng sự khác biệt giữa mộng tưởng và không-phải-mộng-tưởng (non-illusions) không nằm ở sự đúng sai, mà nằm ở cách chúng hình thành. Mộng tưởng là những niềm tin mà ta chấp nhận vì ta muốn chúng thực sự xảy ra. Những niềm tin như vậy thường sai, nhưng đôi khi chúng lại trở thành sự thật. Giả sử bạn mua vé xổ số vì sáng hôm ấy bạn thức dậy với niềm tin mãnh liệt rằng bạn sẽ trúng số. Và giả sử như, một cách trùng hợp, bạn thật sự trúng xổ số. Dù niềm tin rằng bạn sẽ thắng không hề sai, nó vẫn được tính là một mộng tưởng Freud (Freudian illusion).
Những mộng tưởng hấp dẫn nhất rồi sẽ trở thành những ảo tưởng (delusions). Ảo tưởng là những mộng tưởng sai sự thật và đi ngược lại hoàn toàn với lý trí, nhờ sức mạnh vô cùng lớn của các khát khao đằng sau chúng. Niềm tin tôn giáo là ví dụ điển hình của Freud về ảo tưởng. Ông viết rằng chúng là “sự đáp ứng những khát khao lâu đời nhất, mãnh liệt nhất, và cấp thiết nhất của nhân loại. Đằng sau sức mạnh của chúng là sức mạnh của những ước muốn này.”
Những mộng tưởng hấp dẫn nhất rồi sẽ trở thành những ảo tưởng
Nền tảng của niềm tin tôn giáo nằm ở những ước muốn về sự giải thoát khỏi sự bất lực của con người. Chúng ta yếu ớt trước các thế lực tự nhiên, như bệnh tật, thiên tai và cái chết, và trước hành động của những người có thể hãm hại, giết, hoặc đối xử bất công đối với chúng ta. Theo Freud, khi nhận thức được sự bất lực này, chúng ta trở lại với nguyên mẫu sơ sinh (infantile prototype): những kí ức về sự bất lực tuyệt đối mà chúng ta đã trải qua khi còn là trẻ sơ sinh – việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào những người lớn đã chăm sóc (hoặc thất bại trong việc chăm sóc) chúng ta. Ông cho rằng những người theo đạo chống lại cảm giác bất lực này bằng cách bám vào mộng tưởng về một thế lực uy quyền bảo vệ họ và ban cho họ một cuộc sống ở thế giới bên kia.
Có thể thấy rõ mối liên hệ giữa phân tích của Freud về sức mạnh ẩn đằng sau thế lực tôn giáo với những tác động về mặt tâm lý trên bàn cờ chính trị. Chính trị là sự đáp lại tính chất dễ bị tổn thương của con người. Những mong ước và nỗi sợ thầm kín nhất của chúng ta tràn ngập vào chính trường, và điều đó khiến chúng ta dễ tin vào những viễn cảnh được giới chính trị vẽ ra, và bám vào chúng với sự say mê mãnh liệt và vô lý đến mức chúng rơi vào định nghĩa về ảo tưởng của Freud. Như vậy, những chế độ chính trị độc tài giống với các tôn giáo độc thần. Cũng như Chúa, nhà lãnh đạo là đấng toàn tri (omniscient), toàn năng (omnipotent), và toàn bích (omnibenevolent). Lời nói của ông là thước đo của chân lý. Ông phải được tán dương và xoa dịu, nhưng không ai được phép chống đối ông. Các kẻ thù của ông, theo định nghĩa, là những kẻ ác.
Nếu tôn giáo chỉ là những tưởng tượng nhằm thỏa mãn mong muốn, thì chẳng có gì để bàn. Nhưng thực tế không phải vậy. Sự hứa hẹn ngọt ngào của thiên đường chỉ có ý nghĩa khi đặt cạnh cái tăm tối của địa ngục, và sự cứu rỗi chỉ xảy ra khi có một sinh mệnh cần được cứu vớt, kể cả khi cái giá phải trả là sự khổ hạnh, nỗi đau đớn, và – trong trường hợp của những người tử vì đạo – sự đọa đày và cái chết. Chính trị độc đoán cũng vậy. Nó không chỉ là cái bánh ngọt, mà còn là liều thuốc độc.
Để hiểu thêm về mặt tối của lối tư duy độc đoán, hãy cùng nhìn vào công trình nghiên cứu của một nhà phân tâm học ít nổi tiếng hơn – Roger Money-Kyrle. Ông lớn lên trong một gia đình quý tộc Anh và gia nhập Quân đoàn Không quân Hoàng gia5 năm 18 tuổi để chiến đấu trong Thế chiến thứ Nhất. Ông bị bắn hạ ở phía bắc nước Pháp vào năm 1917, điều này đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp quân đội của ông. Sau chiến tranh, ông theo học tại Đại học Cambridge để nghiên cứu vật lý và toán học, nhưng không lâu sau chuyển sang triết học. Như một số học giả tại Cambridge bấy giờ, Money-Kyrle trở nên hứng thú với ngành phân tâm học (psychoanalysis), và đến Vienna vào năm 1922 để hoàn thành bằng Tiến sĩ với triết gia Moritz Schlick (chủ tọa của Nhóm Vienna6) và thực hiện phân tích với Freud. Sau khi trở lại Anh Quốc vào năm 1926, ông đạt được tấm bằng Tiến sĩ thứ hai, lần này là trong ngành nhân chủng học, và cuối cùng trở thành một nhà thực hành phân tâm học.
Năm 1932, Money-Kyrle đến Berlin theo lời mời của bạn mình, nhà ngoại giao Arthur Yencken (người sau đó đã bị sát hại khi quân Phát-xít đặt một quả bom hẹn giờ trên máy bay của ông). Yencken đưa ông tới một cuộc tập trung của Đảng Quốc xã, với những bài diễn thuyết của cả Joseph Goebbels7 và Hitler. Cảm thấy tò mò và băn khoăn trước những điều mắt thấy tai nghe, ông cố gắng tìm hiểu tình hình bằng cách xem xét các bài diễn văn và động lực trong hành vi của đám đông dưới con mắt của một nhà phân tâm học. Kết quả là nghiên cứu “Tâm lý học Tuyên truyền” xuất bản năm 1941.
Vào thời điểm đến thăm nước Đức, Money-Kyrle đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Melanie Klein8 – một nhà phân tâm học người Anh sinh ra ở Hungary. Klein cho rằng tất cả mọi người bị ám ảnh bởi những nỗi sợ khổng lồ mà bà gọi là “rỗi nhiễu tâm lý lo âu” (psychotic anxieties). Bà nghĩ rằng các mối lo này, và phản ứng của ta đối với chúng, quyết định một lượng lớn những hành vi của con người – cả tốt lẫn xấu. Theo học thuyết của Klein, các mối lo tâm thần chia làm hai loại chính: mối lo hoang tưởng (paranoid anxiety) – nỗi sợ bị truy hại bởi các thế lực xấu xa bên ngoài, và mối lo trầm cảm (depressive anxiety) – cảm giác tội lỗi vì đã phá hỏng những điều mà mình yêu thương và quý trọng. Klein cũng đề ra khái niệm sự phòng vệ hưng cảm (manic defence) – việc chối bỏ sự bất lực và lệ thuộc vào người khác bằng những ảo tưởng về sức mạnh, uy quyền, và khả năng tự lực, và được thể hiện qua thái độ thắng lợi, kiểm soát, và coi thường.
Money-Kyrle đã lấy Klein làm cơ sở để giải thích sức mạnh của thuật hùng biện Phát-xít. Ông kết luận rằng Hitler và Goebbels gây ra một dạng tâm thần diện rộng (mass psychosis) cho người nghe, và điều khiển nó với các mục đích chính trị. Ông viết:
“Những bài diễn thuyết thực chất không ấn tượng đến vậy. Nhưng lại khó mà quên được đám đông. Họ như dần mất đi tính chất cá nhân và hòa thành một con quái vật không thông minh lắm nhưng lại vô cùng quyền lực … hoàn toàn dưới sự điều khiển bởi người đứng trên bục, xúc cảm của nó dễ dàng dâng lên và thay đổi như những nốt nhạc ngân vang trên một cái đàn óc-gan khổng lồ.”
Quan sát Hitler và Goebbels đã làm Money-Kyrle nghĩ rằng để tuyên truyền chính trị thành công, các nhà tuyên truyền phải khơi dậy một cảm giác bất lực trong đám đông (liều thuốc độc) rồi cung cấp cho họ giải pháp thần kỳ (cái bánh ngọt). Đầu tiên, họ làm người nghe chán nản – khiến họ cảm thấy như mình đã mất đi hoặc đã phá hủy một thứ gì đó vô cùng tốt đẹp và giá trị. Họ đã đến bước đường cùng. Họ đã trở thành một trò cười. Họ đã phản bội vận mệnh huy hoàng của dân tộc Đức. Như Money-Kyrle miêu tả: “Trong vòng 10 phút, chúng ta nghe về sự đau khổ của nước Đức … kể từ cuộc chiến. Con quái vật dường như đắm chìm trong sự tự thương hại.”
Các nhà tuyên truyền phải khơi dậy một cảm giác bất lực trong đám đông rồi cung cấp cho họ giải pháp thần kỳ.
Bước thứ hai là khẳng định rằng một nhóm thiểu số hoặc nhóm người ngoài là thủ phạm gây ra sự đau khổ ấy. Họ bị coi là các thế lực xấu xa, truy hại từ bên ngoài hoặc tiêu hủy từ bên trong. Money-Kyrle viết:
“Trong 10 phút tiếp theo là sự phê bình giận dữ đến mức ghê sợ đối với người Do Thái và những người theo chủ nghĩa Dân chủ xã hội – các “thủ phạm” duy nhất đứng sau nỗi khổ của họ. Sự tự thương hại nhường chỗ cho sự căm ghét; và con quái vật như thèm khát giết người.”
Bước thứ ba là đưa ra một liều thuốc thần kỳ cho nỗi sợ hãi trong sự bất lực ấy:
“Sự tự thương hại và lòng căm thù dường như là không đủ. Nỗi sợ cần phải được triệt tiêu … Nên những diễn giả chuyển từ những lời chỉ trích cay nghiệt sang việc tự tán dương bản thân. Từ khởi đầu khiêm tốn, Đảng Quốc xã đã trở nên bất bại. Mỗi người nghe đều cảm thấy là một phần của uy quyền tuyệt đối. Họ như được chuyển vào trạng thái rối loạn tâm thần mới. Sự buồn bã đã chuyển thành sự lo sợ, và rồi thành hoang tưởng tự đại.
Đỉnh điểm của giai đoạn hưng cảm cuối cùng này trong màn biểu diễn của Hitler là lời kêu gọi sự thống nhất, điều mà Money-Kyrle nghĩ là thiết yếu cho sự thành công của luận điệu tuyên truyền cho chế độ độc tài, vì “nếu Chúa chỉ có sấm chớp, Chúa đã chẳng là Chúa.” Nhờ câu nói đầy mãnh liệt, tích cực này, Hitler đã hứa hẹn thiên đường chốn trần gian; “Nhưng Thiên Đường này chỉ dành cho những người Đức thực sự và đảng viên Đức Quốc xã thực sự. Tất cả những người bên ngoài đều thuộc phe ác, và vì thế xứng đáng bị ghét bỏ.”
Dù được truyền cảm hứng từ những quan sát về thuật hùng biện của đảng Đức Quốc xã, nhưng lý luận của Money-Kyrle không chỉ áp dụng cho trường hợp của họ. Trong giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhà báo Gwynn Guilford đã tham dự vào một số buổi vận động ủng hộ Donald Trump, và cô đã sử dụng các quan sát của mình để kiểm tra giả thuyết của Money-Kyrle. Trong một bài báo thú vị trên tạp chí Quartz, cô viết: “Khi nhìn lại những ghi chú của mình về các bài diễn thuyết của Trump, tôi nhận thấy phần lớn bài nói phù hợp với tiến trình mà Money-Kyrle đề ra.”
Dù cơ sở phân tâm học đằng sau sự hấp dẫn của các nhà lãnh đạo có chính xác hay không, chúng ta cần những giải thích như vậy về sự hình thành mong muốn có được những nhà lãnh đạo độc đoán. Hiểu được sự hấp dẫn của các mộng tưởng được những nhà độc tài vẽ ra có thể giúp chúng ta chống lại chúng, và tránh khỏi việc bị dẫn vào vực thẳm một lần nữa.
“Charisma” bắt nguồn từ một thuật ngữ Hy Lạp cổ đại, dùng để đề cập đến một món quà được thần thánh trao cho, đó chính là sự uy quyền đầy lôi cuốn của các vị lãnh đạo Giáo hội. Max Weber đã sử dụng khái niệm thần học này và khái quát nó thành một kiểu uy quyền trong ba kiểu uy quyền đặc trưng.↩
Đoàn Thanh niên Hitler là một tổ chức bán quân sự của Đảng Quốc xã cho các thanh niên nam trong độ tuổi 14-18.↩
Lực lượng Gestapo là lực lượng mật vụ chính thức ở Đức Quốc xã, với nhiệm vụ tình báo, điều hành trại tập trung, và phụ trách những nhân vật quan trọng như tướng lĩnh.↩
Từ năm 1922 đến 1938, Đảng Quốc xã tổ chức các buổi tập trung tại thành phố Nuremberg để truyền bá tư tưởng. Các buổi tập trung này đã thu hút hàng trăm nghìn người tham dự.↩
Quân đoàn Không quân Hoàng gia là bộ phận Không quân của Quân đội Vương quốc Anh trong Thế chiến thứ nhất và từ trước đó. Trong thời gian đầu của chiến tranh, Quân đoàn có trách nhiệm hỗ trợ về mặt vũ trang và thực hiện các cuộc trinh sát. Dần dần, Quân đoàn trực tiếp tham gia vào các trận chiến trên không với quân Đức, cũng như thực hiện các nhiệm vụ thả bom những địa điểm trọng yếu của Đức.↩
Nhóm Vienna (Vienna Circle) là một nhóm các triết gia và nhà khoa học gặp gỡ thường xuyên tại Đại học Vienna dưới sự chủ tọa của Moritz Schlick từ 1924 đến 1936. Sau khi Áo sát nhập vào Đức Quốc xã, phần lớn các thành viên của Nhóm Vienna đã buộc phải di tán.↩
Joseph Goebbels là một trong số những trợ lý gần gũi nhất của Adolf Hitler, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã từ 1933 đến 1945, và được biết đến với những lần diễn thuyết trước công chúng cùng tư tưởng bài Do Thái sâu sắc.↩
Melanie Klein là một nhà phân tâm học người Anh sinh ra ở Vienna dưới thời Đế quốc Áo-Hung. Bà là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về phân tâm học ở trẻ em.↩