a
§ Tác giả: Gideon Lichfield | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  HL
20/03/2021

TRẢI NGHIỆM CẬN TỬ đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong dạo gần đây. Bộ phim Heaven Is for Real (Tạm dịch: Thiên đàng Có Thật) vào năm 2014, kể về một cậu bé nói với cha mẹ mình rằng cậu đã đến thăm thiên đàng trong lúc đang được phẫu thuật cấp cứu, đạt mức doanh thu đáng ngưỡng mộ là 91 triệu đô la ở Mỹ. Cuốn sách được bộ phim chuyển thể, xuất bản năm 2010, đã bán được khoảng 10 triệu bản và nằm trong danh sách bán chạy nhất của báo New York Times suốt 206 tuần. Hai cuốn sách gần đây được viết bởi các bác sĩ – Proof of Heaven (Tạm dịch: Bằng chứng về Thiên đàng), của Eben Alexander, viết về trải nghiệm cận tử của bản thân trong lúc hôn mê kéo dài một tuần do viêm màng não, và To Heaven and Back (Tạm dịch: Đến Thiên đàng và Quay về), của Mary C. Neal, người có trải nghiệm cận tử khi bị chìm xuống sông sau một tai nạn chèo thuyền kayak – đã lần lượt nằm trong danh sách bán chạy trên suốt 94 và 36 tuần. (Nhân vật trong The Boy Who Came Back From Heaven (Tạm dịch: Cậu bé Trở Về Từ Thiên đàng), xuất bản năm 2010, mới đây thừa nhận cậu ấy đã bịa ra mọi chuyện.)

Câu chuyện của họ tương đồng với những câu chuyện được kể trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm cuốn sách và hàng ngàn cuộc phỏng vấn với “những người có trải nghiệm cận tử” (NDErs), hoặc “những người trải nghiệm” (experiencers), như cách họ tự xưng, trong vài thập kỷ qua. Các chi tiết và mô tả tuy khác nhau giữa các nền văn hóa, nhưng nội dung khái quát của trải nghiệm lại giống nhau đến kỳ lạ. Các trải nghiệm cận tử ở phương Tây được nghiên cứu nhiều nhất. Phần nhiều trong số đó kể lại cảm giác trôi lơ lửng và nhìn thấy cảnh tượng xung quanh cơ thể đang hôn mê của mình; dành thời gian ở thế giới tâm linh đẹp đẽ; gặp gỡ các vị thần (một số người gọi là thiên thần) và sự hiển linh đầy yêu thương mà một số người gọi là Thượng Đế; gặp gỡ người thân hoặc bạn bè đã mất từ ​​lâu; nhớ lại những cảnh tượng trong cuộc đời mình; cảm nhận cảm giác được kết nối với vạn vật cũng như cảm giác yêu thương ngập tràn, mãnh liệt; và cuối cùng bị kêu gọi rời khỏi thế giới huyền ảo và quay trở về cơ thể của chính mình một cách miễn cưỡng. Nhiều người trải nghiệm cận tử kể rằng trải nghiệm của họ có vẻ không giống như một giấc mơ hay ảo giác mà còn, như họ thường mô tả, “thật hơn cả cuộc sống thực.” Họ đã bị thay đổi hoàn toàn kể từ đó, và có xu hướng gặp khó khăn khi tái hòa nhập cuộc sống thường ngày. Một số người thậm chí dấn thân vào những con đường sự nghiệp mới hoặc chia tay bạn đời của họ.

Qua thời gian, cùng với sự phổ biến của những câu chuyện được kể lại, ngày càng có nhiều các tài liệu khoa học cố gắng giải thích rằng các trải nghiệm cận tử (NDEs) là kết quả từ những thay đổi thể chất trong bộ não bị căng thẳng hoặc đang chết dần. Các nguyên nhân được đặt ra gồm có thiếu oxy, gây mê không hoàn hảo, và các phản ứng hóa học thần kinh của cơ thể đối với chấn thương. Những người trải nghiệm cận tử bác bỏ các giải thích này là không thỏa đáng. Theo họ, những điều kiện y khoa khiến trải nghiệm cận tử xảy ra quá đa dạng để có thể giải thích cho một hiện tượng dường như rất phổ biến và nhất quán.

Các cuốn sách gần đây của hai bác sĩ Sam Parnia và Pim van Lommel mô tả lại các nghiên cứu từng được công bố trên các tạp chí bình duyệt1, những nghiên cứu đã cố gắng giải thích những gì xảy ra trong trải nghiệm cận tử dưới điều kiện thí nghiệm được kiểm soát. Parnia và các đồng nghiệp của ông đã công bố kết quả từ một nghiên cứu mới nhất được thực hiện theo cách trên, với hơn 2.000 bệnh nhân bị ngưng tim, vào tháng 10. Và những cuốn sách mới đây của Mary Neal và Eben Alexander kể về trải nghiệm cận tử của chính mình đã giúp quan niệm về tâm linh của họ nhận thêm sự công nhận mới từ bên ngoài. Mary Neal, vài năm trước khi trải nghiệm cận tử, là giám đốc phẫu thuật cột sống tại Đại học Southern California (hiện cô đang hành nghề tư nhân). Eben Alexander là bác sĩ phẫu thuật thần kinh, đã giảng dạy và làm việc tại một số bệnh viện và trường y uy tín, gồm Brigham and Women’s và Harvard.

Chính Alexander là người đã củng cố bằng chứng khoa học cho trải nghiệm này. Ông đã nghiên cứu các biểu đồ y tế của chính mình và đi đến kết luận rằng ông đã bị hôn mê sâu trong suốt trải nghiệm cận tử, trong khi não của ông đã hoàn toàn ngừng hoạt động, từ đó, cách duy nhất để lý giải cho những thứ ông cảm nhận và nhìn thấy được chính là linh hồn ông quả thật đã lìa khỏi cơ thể và thực hiện một chuyến du hành đến thế giới khác, và các thiên thần, Thượng Đế và thế giới bên kia đều thật hơn bao giờ hết.

Alexander không công bố phát hiện y khoa của mình trên bất kỳ tạp chí bình duyệt nào, và một bài viết điều tra vào năm 2013 trên tạp chí Esquire đã đặt nghi vấn về một vài chi tiết trong ghi chép của ông, trong đó có lời khẳng định then chốt rằng trải nghiệm của ông diễn ra khi não ông đang mất khả năng hoạt động. Đối với những người hoài nghi, câu chuyện của Alexander và việc chối bỏ gần đây của The Boy Who Came Back From Heaven chỉ là thêm bằng chứng cho thấy trải nghiệm cận tử, xếp chung với những vụ bắt cóc của người ngoài hành tinh, sức mạnh tâm linh, và ma quỷ, là mồi ngon cho những kẻ lòe bịp đang tìm cách đánh lừa những người ngờ nghệch và dễ bị lung lay.

Nhưng ngay cả những người hoài nghi này cũng hiếm khi cáo buộc những người trải nghiệm thêu dệt nên toàn bộ câu chuyện của họ. Mặc dù một vài trong số những câu chuyện này có thể là bịa đặt, và hẳn nhiên được thêm thắt trong lúc kể lại, nhưng có quá nhiều những câu chuyện như vậy và đều được ghi chép tỉ mỉ đến mức khó có thể bác bỏ hoàn toàn. Cũng khó có thể phớt lờ những lời tường thuật của các bác sĩ uy tín, những người luôn bảo vệ danh tiếng về chuyên môn của bản thân. Ngay cả khi thế giới bên kia không có thật, cảm giác được đặt chân đến nơi ấy vẫn hiện hữu.

Có điều gì đó về trải nghiệm cận tử khiến chúng trở nên thu hút về mặt khoa học. Trong khi những dụng cụ ghi âm, ghi hình khiến chúng ta không còn tin vào một vụ bắt cóc của người ngoài hành tinh hoặc thần thánh hiển linh, những trải nghiệm cận tử vẫn diễn ra khi một người bị bao quanh bởi một loạt thiết bị được thiết kế để đo lường mọi thứ trên cơ thể mà tạo hoá đã cho phép chúng ta có khả năng đo lường.

Hành trình của người hùng2 rất phổ biến trong kỹ thuật kể chuyện bởi vì nó tràn đầy  khát vọng. Nó cho chúng ta cơ hội được giúp thoát ly thực tế và lột xác.

Hơn nữa, khi công nghệ y khoa tiếp tục được cải thiện, nhiều người đang cận kề bờ vực của cái chết hơn bao giờ hết được quay trở về. Một số ít người may mắn đã hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn hồi phục sau khi trải qua hàng giờ ngừng hô hấp hoặc ngừng tim, bị chôn vùi trong tuyết hoặc chìm dưới nước lạnh giá. Bác sĩ phẫu thuật đôi khi chủ ý tạo ra những tình trạng này, làm lạnh cơ thể bệnh nhân hoặc làm ngưng tim để thực hiện các phẫu thuật phức tạp, nguy hiểm; gần đây họ đã bắt đầu thử nghiệm những kỹ thuật như vậy trên các nạn nhân gặp chấn thương nghiêm trọng, giữ họ giữa sự sống và cái chết cho đến khi vết thương của họ có thể được chữa trị.

Tất cả những điều này khiến cho trải nghiệm cận tử có lẽ là trải nghiệm tâm linh duy nhất mà chúng ta có cơ hội tìm hiểu theo một cách thật sự khoa học và thấu đáo. Nó giúp trải nghiệm cận tử trở thành một phương tiện để khám phá niềm tin của người cổ đại rằng chúng ta không chỉ đơn thuần là xác thịt. Và nó cũng khiến trải nghiệm cận tử biến thành một lăng kính để qua đó soi vào cách hoạt động của ý thức – một trong những bí ẩn lớn trong sự tồn tại của con người, ngay cả đối với những người theo chủ nghĩa duy vật kiên định nhất.

“…trải nghiệm cận tử có lẽ là trải nghiệm tâm linh duy nhất mà chúng ta có cơ hội tìm hiểu theo một cách thật sự khoa học và thấu đáo.”

Đó là lý do tôi đã có mặt ở Newport Beach, California vào mùa hè năm ngoái, tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế (IANDS), một tổ chức chính thức từ năm 1981. Tôi muốn biết: Điều gì khiến một người bắt đầu tin rằng anh ấy đã thật sự nhìn thấy thế giới bên kia? Tại sao thế giới bên kia của một người trông rất giống với nhiều người khác? Và có cách nào để khoa học khám phá những gì đang thật sự diễn ra hay không?

Buổi hội nghị có không khí vui vẻ, thân thiết của một cuộc hội ngộ; nhiều người rõ ràng đã quen biết nhau trong nhiều năm. Những người tham dự đeo dải băng với nhiều màu sắc khác nhau có đề vai trò của họ như DIỄN GIẢ, CỐ VẤN, TÌNH NGUYỆN VIÊN, và NGƯỜI TRẢI NGHIỆM, đối với những người đã có trải nghiệm cận tử. Chương trình gồm các cuộc thảo luận và hội thảo về mọi thứ từ “Khoa Học Thần Kinh Y Khoa Tìm Được Gì Từ Trải Nghiệm Cận Tử” cho đến “Vũ Điệu Hình Học Thần Thánh: Tạo Ra Cơn Lốc Dẫn Đến Đấng Thiêng Liêng” và “Nhóm Hồi Quy Tiền Kiếp.”

Lời mở đầu, bởi Diane Corcoran, chủ tịch hiệp hội, rõ ràng là dành cho những người mới; hội trường chính, có sức chứa khoảng 300 người, gần như trống rỗng. Bà bắt đầu bằng việc phác thảo nhiều tình huống gặp trải nghiệm cận tử khác nhau – “bị đau tim, sắp chết đuối, bị điện giật, mắc bệnh nan y, sang chấn tâm lý hậu chiến (combat fatigue)3” – rồi chuyển đến các điểm đặc trưng của trải nghiệm. Bà nhắc đến Bruce Greyson, một trong những vị bác sĩ đầu tiên nghiên cứu trải nghiệm cận tử một cách nghiêm túc, người đã phát triển một thang đo đánh giá cường độ của một trải nghiệm dựa trên 16 chỉ tiêu riêng biệt, như cảm giác vui sướng, gặp gỡ các vị thần, và cảm giác rời khỏi cơ thể. Thang đo ấn định số điểm từ 0 đến 2 cho mỗi chỉ tiêu, cho phép số điểm tối đa có thể đạt được là 32. Mức điểm 7 trở lên được xếp loại là trải nghiệm cận tử, và theo một nghiên cứu, mức điểm trung bình giữa những người báo cáo về trải nghiệm này là khoảng 15.

Tuy nhiên, Corcoran nhấn mạnh, các tác động dài hạn của trải nghiệm cận tử cũng là một dấu hiệu quan trọng không kém quá trình trải nghiệm, cho thấy liệu bạn có trải nghiệm đó hay không. Theo bà, nhiều người không biết rằng họ đã có trải nghiệm cận tử trong nhiều năm, và chỉ nhận ra nó sau khi họ cảm nhận được các ảnh hưởng. Những ảnh hưởng bao gồm nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh, và một số hóa chất nhất định; trở nên chu đáo và rộng lượng hơn, đôi khi là với một lỗi lầm; gặp khó khăn trong việc đúng giờ và các vấn đề tài chính; cảm thấy yêu thương mọi người vô điều kiện, điều có thể gây áp lực lên người thân và bạn bè; và có sức ảnh hưởng kỳ lạ lên thiết bị điện. Tại một hội nghị của những người trải nghiệm cận tử, Corcoran kể lại, hệ thống máy tính của khách sạn đã bị ngừng hoạt động. “Bạn cứ đưa 400 người trải nghiệm cùng vào một khách sạn, chuyện gì đó sẽ xảy ra,” bà ấy nói. Các khán giả ngồi rải rác thầm cười khúc khích tán thành.

Bản thân Corcoran mang hai phù hiệu. Một cái cho biết tên của bà và đính theo một dải băng đủ màu như một cái mành cửa sổ đang buông ghi 35 NĂM, HIỆP HỘI DI SẢN (legacy society)4, HÃY HỎI TÔI, và Ở ĐÂY ĐỂ PHỤC VỤ. (“Chuyện đó bắt đầu như một trò đùa, bà ấy kể với tôi về việc tăng thêm dải băng ở mỗi hội nghị, “và nó trở thành một truyền thống.”) Một huy hiệu khác đề ĐẠI TÁ: sự nghiệp lâu năm của bà gồm một loạt các chức vụ điều dưỡng cao cấp trong Quân Y (bà có bằng tiến sĩ về quản lý điều dưỡng). Corcoran có trải nghiệm cận tử lần đầu tiên khi, lúc còn là một y tá trẻ, bà phục vụ tại Long Bình, căn cứ quân sự lớn nhất Việt Nam, vào năm 1969.

“Không ai nói đến chúng,” Corcoran nói khi chúng tôi gặp nhau vào bữa sáng. “Một thanh niên kể với tôi về [một trải nghiệm cận tử] và tôi không hiểu anh ấy đang nói về cái gì, nhưng tôi có thể nhận thấy cảm xúc và tác động mạnh mẽ của nó đối với anh ta.” Kể từ đó, bà đã cố gắng theo đuổi nghề y để tìm hiểu trải nghiệm cận tử một cách nghiêm túc. “Cái chết và trạng thái hấp hối không phải là điều mà hầu hết các bác sĩ hiểu rất rõ ngay từ đầu,” bà nhấn mạnh một cách hóm hỉnh. “Vậy nên khi bạn bắt đầu nói về những hiện tượng lúc bạn rời khỏi cơ thể và nhìn thấy và nghe thấy mọi thứ, bạn vượt quá suy đoán của họ.”

Gần đây, Corcoran đã cố gắng, với nhiều khó khăn, tìm kiếm cựu binh trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, những người sẵn sàng kể về bất kỳ trải nghiệm cận tử nào mà họ có thể đã gặp phải. “Tôi đã luôn quả quyết trong Quân đội rằng đây là vấn đề y học. Tôi bảo [các bác sĩ] rằng họ phải đưa ra quyết định, nhưng có rất nhiều bệnh nhân gặp phải trải nghiệm này, và nếu bạn sắp sửa chăm sóc họ, bạn phải biết điều này.”

Các ghi chép về trải nghiệm cận tử – hoặc những thứ nghe có vẻ giống vậy – có niên đại ít nhất là từ thời Trung Cổ, một số nhà nghiên cứu cho là từ thời cổ đại. Tạp chí y khoa Resuscitation gần đây đã xuất bản một bài viết ngắn về bản mô tả y học lâu đời nhất được biết đến về trải nghiệm cận tử, được viết bởi một bác sĩ quân y người Pháp ở thế kỷ 18. Nhưng kỷ nguyên hiện đại của nghiên cứu về trải nghiệm cận tử thường được cho là bắt đầu từ năm 1975. Đó là năm Raymond A. Moody Jr., một triết gia trở thành bác sĩ tâm thần, xuất bản cuốn Life After Life (Tạm dịch: Luân hồi), một cuốn sách dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 50 người trải nghiệm .

Cuốn sách của Moody đã khởi đầu một loạt sự xuất hiện đều đặn của các hồi ký, chương trình truyền hình, và bài viết. Kể từ đó, một cộng đồng nhỏ gồm các bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, bác sĩ tim mạch, và các chuyên gia khác dần hình thành. Họ chia sẻ niềm tin của Moody rằng ý thức—tâm trí, linh hồn, những gì bạn có thể gọi—có thể tồn tại ở dạng phi vật chất, độc lập nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với não bộ, và trải nghiệm cận tử có thể cung cấp bằng chứng về điều này. Các thành viên hàng đầucủa nhóm này đều có sự nghiệp nổi bật tại các trường đại học và bệnh viện uy tín. Họ viết lời giới thiệu sách cho nhau và bàn luận về tâm linh và bản chất của ý thức.

Trong số những cuốn sách đó, có lẽ quyển tóm lược hay nhất là The Handbook of Near-Death Experiences: Thirty Years of Investigation (Tạm dịch: Cẩm Nang Trải Nghiệm Cận Tử: Ba Mươi Năm Khám Phá), một tuyển tập được xuất bản năm 2009. Theo cuốn The Handbook, đến năm 2005, hàng chục nghiên cứu liên quan đến gần 3.500 đối tượng báo cáo đã có trải nghiệm cận tử đã trở thành tài liệu cho khoảng 600 bài viết học thuật. Nhiều bài trong số này nằm trong tạp chí Journal of Near-Death Studies (Tạm dịch: Tạp Chí Nghiên Cứu Cận Tử), tạp chí của nhà xuất bản IANDS—là tạp chí bình duyệt, theo như hiệp hội tự hào nhấn mạnh. Còn nhiều bài khác nằm trong các ấn phẩm y khoa chính thống. Một tìm kiếm vào tháng Hai trên PubMed, cơ sở dữ liệu do Thư Viện Y Dược Quốc Gia duy trì (và trong danh mục của cơ sở dữ liệu này không có tạp chí của IANDS), đã cho ra kết quả là 240 bài báo đề cập đến các trải nghiệm cận tử.

Hầu hết các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử là hồi cứu5, tức là các nhà nghiên cứu tìm kiếm những người đã có trải nghiệm này để họ chia sẻ và trả lời phỏng vấn. Về mặt khoa học, việc này gây ra một vài vấn đề. Điều đó có nghĩa là các đối tượng nghiên cứu được quyền lựa chọn, vậy nên họ có thể không mang tính đại diện. Chẳng hạn, những người gặp phải trải nghiệm cận tử đáng sợ có thể ít hào hứng chia sẻ câu chuyện của họ hơn những người có trải nghiệm vui vẻ. (Một trong những tranh cãi bạn nghe được về việc tại sao trải nghiệm cận tử không phải là những ảo giác trong lúc não đang chết dần là vì có quá nhiều câu chuyện có điểm giống nhau; nhưng đáng chú ý là, trong khi một số nghiên cứu chỉ báo cáo những trải nghiệm cận tử tích cực phổ biến, còn những trải nghiệm cận tử không dễ chịu chiếm tổng cộng 23 phần trăm trong tổng số báo cáo qua hàng chục nghiên cứu khác nhau. Chúng ít được chú ý hơn nhiều và dường như chắc chắn không bán được nhiều sách đến vậy.) Hầu hết các cuộc phỏng vấn diễn ra nhiều năm sau trải nghiệm, vì vậy các ký ức có thể đã không còn chính xác. Và quan trọng nhất, các nghiên cứu hồi cứu khiến việc lấy được dữ liệu đáng tin cậy về những gì đã thật sự xảy ra với cơ thể và não bộ của các đối tượng nghiên cứu trong lúc họ cảm thấy linh hồn đang hiện diện nơi khác trở nên bất khả thi.

Gần hàng tá nghiên cứu theo thời gian6 đã được công bố, một vài trong số đó được công bố trong những năm gần đây. Trong đó, các nhà nghiên cứu thường sắp xếp sao cho mỗi bệnh nhân còn sống sót sau một ca cấp cứu cụ thể (chẳng hạn như bị ngưng tim) tại bệnh viện đồng ý tham gia nghiên cứu được phỏng vấn càng sớm càng tốt ngay sau đó. Các bệnh nhân được hỏi những câu hỏi mở về những gì, nếu có, họ trải qua trong lúc các bác sĩ đang cố gắng cứu sống họ. Nếu họ báo cáo bất cứ điều gì bất thường, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra hồ sơ y tế của họ và ghi chép của những người đã điều trị cho họ, tìm kiếm những thứ có thể giải thích cho trải nghiệm đó hoặc cho thấy não của họ đã ngừng hoạt động ở thời điểm liên quan. Tổng cộng, các nghiên cứu này đã thu thập được trải nghiệm cận tử của khoảng dưới 300 người.

Mục tiêu của những người tin rằng tâm trí thật sự rời khỏi cơ thể là tìm ra một trường hợp đã được kiểm chứng về điều mà một nhà nghiên cứu nổi tiếng gọi là “nhận thức chân thật phi vật chất rõ ràng” (apparently nonphysical veridical perception)—nói cách khác, trải nghiệm mà trong đó bạn nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ mà thông thường bạn không thể cảm nhận được nhưng sau đó được xác định là đã thật sự xảy ra. (Veridical có nghĩa là “không phải ảo giác.”) Trải nghiệm bên ngoài cơ thể (out-of-body experience) chỉ là một trong 16 yếu tố khả thi của trải nghiệm cận tử trên thang đo Greyson, và tỷ lệ người trải nghiệm báo cáo có yếu tố này biến đổi đa dạng từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác.

Là giai đoạn duy nhất trong trải nghiệm cận tử liên quan đến việc nhận thức về thế giới vật chất thay vì thế giới tâm linh, trải nghiệm bên ngoài cơ thể có nhiều khả năng thuyết phục được những người hoài nghi nhất. Nếu bạn có thể chứng minh được ai đó đã nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ mà khoa học não bộ cho rằng họ không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy, thì ít nhất, bạn sẽ có bằng chứng cho thấy sự hiểu biết của chúng ta về bộ não còn thiếu sót hơn chúng ta vẫn tưởng, và nhiều nhất, là một dấu hiệu cho thấy một tâm trí có ý thức có thể tồn tại bên ngoài một cơ thể sống.

Do đó, các báo cáo về nhận thức chân thật mang ý nghĩa biểu tượng đối với những người trải nghiệm cận tử. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là câu chuyện của “Maria,” một lao động nhập cư có trải nghiệm cận tử khi bị ngưng tim tại một bệnh viện ở Seattle vào năm 1977. Cô đã kể với nhân viên công tác xã hội của mình rằng trong lúc các bác sĩ đang hồi sức cho cô, cô thấy mình đang trôi lơ lửng bên ngoài tòa nhà bệnh viện và trông thấy một chiếc giày tennis trên bệ cửa sổ tầng ba, theo lời mô tả khá chi tiết của cô. Nhân viên công tác xã hội đi đến chỗ cửa sổ nơi Maria đã chỉ, và không những tìm thấy chiếc giày mà còn nói rằng cách mà chiếc giày được đặt cho thấy Maria không thể nào thấy được tất cả chi tiết mà cô đã mô tả nếu vẫn ở bên trong phòng bệnh.

Người nhân viên công tác xã hội đó, Kimberly Clark Sharp, giờ đã là một bà lão 60 tuổi đầy nhiệt huyết với mái tóc xù xoăn tít, người đóng vai trò là phát ngôn viên báo chí không chính thức cho tôi trong hội nghị. Bà và câu chuyện của bà là một giai thoại ở IANDS; tôi đã nghe nhiều người nhắc đến “câu chuyện chiếc giày của Maria” hay đơn giản là “câu chuyện chiếc giày tennis.”

Tuy nhiên, trong khi chiếc giày của Maria chắc hẳn tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, nó lại sơ sài về mặt bằng chứng. Vài năm sau khi được điều trị, Maria biến mất, và không ai có thể truy tìm được cô để xác nhận thêm về câu chuyện này.

Một trường hợp có nhiều bằng chứng hơn là trường hợp của Pam Reynolds, một nhạc sĩ-ca sĩ. Năm 1991, Reynolds, khi đó 35 tuổi, trải qua ca phẫu thuật loại bỏ một khối phình mạch não cực lớn ở đáy não. Lo lắng khối phình mạch não có thể vỡ ra và khiến cô tử vong trong ca phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật của cô đã chọn một biện pháp cấp tiến là “ngưng tim hạ thân nhiệt” (hypothermic cardiac arrest)—làm lạnh cơ thể của cô ấy xuống 60 độ F (tương đương 15 độ C), ngưng tim đập, và rút máu ra khỏi đầu. Việc hạ nhiệt sẽ ngăn các tế bào không chết đi khi thiếu oxy. Khi các bác sĩ kích tim đập và làm cơ thể cô ấm lại, trên thực tế, cô ấy sẽ được hồi sinh.

Dù bạn nhìn thấy một vị thần hay não của bạn chỉ đang tiết ra hóa chất, trải nghiệm này vô cùng mãnh liệt đến mức nó buộc bạn phải suy ngẫm lại vị trí của mình trên Trái Đất.

Để hết sức chắc chắn rằng não của Reynolds hoàn toàn không hoạt động trong suốt ca phẫu thuật, đội ngũ y tế đã đặt những chiếc loa nhỏ vào tai cô. Chúng phát ra những tiếng lách cách nhanh, liên tục ở mức 100 decibel—mức âm thanh được mô tả tương đương với âm thanh do máy cắt cỏ hoặc máy khoan tạo ra. Nếu bất cứ phần nào trong trí não cô còn hoạt động, tiếng lách cách liên tục đó sẽ hiển thị dưới dạng tín hiệu điện trong thân não, thứ mà các bác sĩ phẫu thuật theo dõi trên điện não đồ.

Máy đo xác nhận rằng trong một vài phút Reynolds thực sự đã chết ở cả não và cơ thể. Nhưng sau ca phẫu thuật, cô thuật lại rằng cô đã có một trải nghiệm cận tử mãnh liệt, bao gồm cả trải nghiệm bên ngoài cơ thể, và nhớ chính xác một số chi tiết về những gì đang diễn ra trong phòng phẫu thuật, chẳng hạn như hình dạng của lưỡi cưa xương sử dụng trên hộp sọ của cô, những đoạn hội thoại giữa các nhân viên y tế, và các nhân viên y tế đã nghe—hơi không phù hợp lắm, cô nhớ mình đã nghĩ vậy—bài hát “Hotel California” (“You can check out any time you like, but you can never leave”) (Tạm dịch: Bạn có thể trả phòng bất cứ lúc nào bạn muốn, nhưng bạn không bao giờ có thể rời khỏi). Đối với cộng đồng trải nghiệm cận tử, Reynolds là trường hợp kinh điển.

Nhưng không có nhận thức chân thật nào của Reynolds xảy ra trong lúc điện não đồ (EEG) của cô hiển thị một đường thẳng. Tất cả đều diễn ra trước hoặc sau đó, khi cô bị gây mê nhưng vẫn còn sống. “Thức tỉnh giữa cơn mê” (anesthesia awareness) được ước tính thường xảy ra ở khoảng một trên 1.000 bệnh nhân. (Xem bài “Awakening (Tạm dịch: Thức tỉnh),” của Joshua Lang, trên tạp chí Atlantic tháng 1/tháng 2 năm 2013.) Vì vậy, khi cuộc tranh luận đầy hoài nghi nổ ra, Reynolds có thể đã nghe thấy các đoạn hội thoại; cô ấy có thể đã suy diễn hình dáng lưỡi cưa xương từ tiếng ồn của nó hoặc cảm giác rung động nó gây ra trên hộp sọ của mình; và cũng có thể cô ấy đã tái tạo lại một số ký ức giả từ những chi tiết cô thấy được trước hoặc sau ca phẫu thuật.

Năm 2011, một năm sau khi Reynolds qua đời (vì bệnh suy tim), Tạp Chí Nghiên Cứu Cận Tử đã dành hẳn một số báo cho cuộc tranh luận về trường hợp của Reynolds, trong đó một người hoài nghi và hai người tin tưởng tranh cãi về những tiểu tiết như thời lượng chiếc loa trong tai cô ấy phát ra tiếng ồn, cách xương truyền âm thanh, và những lý thuyết phức tạp về cách một tâm trí phi vật chất có thể cảm nhận được các kích thích vật lý. Tóm lại, Janice Miner Holden, biên tập viên của tạp chí, đã kết luận rằng những trường hợp như Reynolds “cung cấp dữ liệu không hoàn chỉnh và không thể nào đem lại bằng chứng rõ ràng.”

Các trường hợp khác về nhận thức chân thật rõ ràng, ít nhất thì, cũng rất thu hút —nhưng ít đến kinh ngạc. Để viết một chương trong The Handbook of Near-Death Experiences, Holden đã lùng sục các tài liệu nhằm tìm kiếm những ghi chép như vậy. Bỏ qua các nguồn tài liệu như hồi ký cá nhân được xuất bản sau cuốn sách của Raymond Moody năm 1975 và tập trung chủ yếu vào những cuốn sách được xuất bản trước năm 1975 và những nghiên cứu có hệ thống của các nhà nghiên cứu và bác sĩ, bà đã thu thập được khoảng 100 báo cáo về nhận thức chân thật trong trải nghiệm cận tử. Chỉ 35 ghi chép trong số đó có những chi tiết mà các tác giả có thể xác minh là hoàn toàn chính xác với một nguồn khác ngoài người trải nghiệm. Trong đó, không có một ca nào thực sự thuyết phục—một trường hợp hoàn toàn không thể chối cãi của một người đã nhìn thấy thứ gì đó mà chỉ có một linh hồn lìa khỏi xác mới có thể thấy.

Đó là lý do tại sao một số nghiên cứu đã cố gắng tận dụng những trường hợp đặc biệt mà theo đó trải nghiệm cận tử có xu hướng xảy ra, nhằm tạo ra một phương pháp đơn giản để kiểm tra nhận thức chân thật.

ĐỂ LẤY ĐƯỢC BẰNG CHỨNG về việc ý thức tách rời khỏi thân xác có thể làm hài lòng các nhà khoa học, bạn cần một phương thức nghiên cứu phù hợp. Hóa ra, cũng không khó để tạo ra một nghiên cứu như vậy. Trong The Handbook, Janice Holden phác thảo nó như sau:

Ở nơi mà trải nghiệm cận tử có khả năng xảy ra, hãy bố trí một vài kích thích nhận thức nào đó, rồi sau đó phỏng vấn tất cả những người sống sót sau pha cận tử trong phạm vi xảy ra kích thích đó để xác định xem họ có cảm nhận được nó hay không… Đặt kích thích sao cho chỉ người trải nghiệm cận tử cảm nhận được còn những người khác trong khu vực thì không; trên thực tế, để loại trừ khả năng phỏng vấn viên hoặc những người khác có thể cố ý hoặc vô tình truyền đạt nội dung của kích thích đến người trải nghiệm cận tử thông qua các phương tiện bình thường – hoặc thậm chí là dị thường, hãy chuẩn bị nó sao cho ngay cả đội ngũ nghiên cứu hoặc cộng tác viên cũng không biết gì về kích thích.

Cho đến nay, sáu nghiên cứu đã thử nghiệm một vài hình thức của phương pháp này, chủ yếu trên các bệnh nhân bị ngưng tim, và tất cả đều thất bại trong việc tìm ra một trường hợp chắc chắn có nhận thức chân thật. Tất cả đều liên quan đến việc đặt kích thích—chẳng hạn, một hình ảnh hoặc một biểu tượng trên một mảnh giấy hoặc màn hình điện tử—ở vị trí cao, chỉ có thể nhìn thấy khi bạn lơ lửng gần trần nhà. Những người thiết kế nghiên cứu đã cố hết sức để đảm bảo không một ai—kể cả bác sĩ hay y tá, bệnh nhân, và bất kỳ ai phỏng vấn bệnh nhân sau đó—có thể biết kích thích là gì cho đến khi cuộc phỏng vấn kết thúc. (Khiến nhân viên bệnh viện tôn trọng phương thức này không bao giờ là dễ dàng, Holden cho biết.)

Nỗ lực lớn nhất và gần đây nhất theo phương thức trên thuộc về cái gọi là nghiên cứu Aware (tạm dịch: Nhận thức), dẫn đầu bởi Sam Parnia của Đại học bang New York ở Stony Brook, được xuất bản trong tạp chí Resuscitation hồi tháng 10 năm ngoái. Trong đó, 15 bệnh viện tham gia nằm ở Mỹ, Anh Quốc, và Áo đã lắp những chiếc kệ để đặt nhiều bức ảnh khác nhau trong phòng các bệnh nhân bị ngưng tim có khả năng cần được hồi tỉnh.

Kết quả của nghiên cứu Aware ngay lập tức làm bật lên vấn đề mấu chốt của loại nghiên cứu này: rất khó để có đủ dữ liệu. Qua bốn năm, nghiên cứu đã ghi nhận tổng cộng 2.060 ca ngưng tim. (Có nhiều hơn thế, nhưng các nhà nghiên cứu không thể ghi lại tất cả.) Trong số những bệnh nhân đó, 330 người sống sót, 140 người trong số đó được đánh giá phù hợp để phỏng vấn và đồng ý tham gia. Trong số 140 người đó, 101 người đã vượt qua cuộc phỏng vấn sàng lọc; những người khác không thể tiếp tục, “chủ yếu là vì quá yếu.” Trong số 101 người đó, chín người nhớ được trải nghiệm được xem là trải nghiệm cận tử theo thang đo Greyson, và hai người nhớ được trải nghiệm bên ngoài cơ thể. Trong hai người đó, một người quá yếu để có thể phỏng vấn thêm. Chỉ còn lại một người có thể kể lại chi tiết những gì ông ấy đã thấy.

Đó lại là một trường hợp trêu ngươi. Bệnh nhân, một người đàn ông 57 tuổi, mô tả ông đã trôi lơ lửng đến một góc phòng, xem các nhân viên y tế đang cấp cứu cho mình, và nhìn thấy mình được khử rung tim7. Theo bài nghiên cứu của Parnia, một số chi tiết ông mô tả đã được kiểm chứng. Hơn nữa, sau khi đối chiếu mô tả của bệnh nhân với cách hoạt động của máy khử rung tim, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể ông ấy đã nhìn thấy những chuyện xảy ra trong khoảng ba phút sau khi tim ông ngừng đập.

Nếu đúng thì điều này rất đáng chú ý. Trên điện não đồ, não thường biểu hiện ngưng hoạt động trong khoảng 20 giây tim ngừng đập. Hồi sức tim phổi (cardiopulmonary resuscitation) giúp bơm đủ lượng máu để trì hoãn quá trình chết của tế bào, nhưng không đủ để kích hoạt não. Không giống như não của người bị gây mê hoặc hôn mê, não của bệnh nhân này lẽ ra phải hoàn toàn ngưng hoạt động cho đến khi tim của ông bắt đầu tự đập trở lại.

Tuy nhiên, vẫn khó nắm bắt được bằng chứng mấu chốt. Mặc dù các bệnh viện tham gia nghiên cứu Aware đã đồng loạt lắp khoảng 1.000 chiếc kệ đặt các bức ảnh đặc biệt tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng chỉ 22% các trường hợp ngưng tim xảy ra ở nơi có gần một chiếc kệ. Bệnh nhân quan trọng ở trên lại không nằm trong số này.

THẬT KHÔNG NGẠC NHIÊN khi, cùng với những câu chuyện trải nghiệm cận tử siêu nhiên, những người trải nghiệm cảm thấy các lời giải thích mà khoa học đưa ra là không thỏa đáng. Đầy rẫy các giả thuyết khoa học về nguyên nhân gây ra trải nghiệm cận tử—hoặc ít nhất là những gì có khả năng gây ra—nhưng chúng khô khan, nhàm chán và không đầy đủ so với những gì mà những người trải nghiệm cận tử cho rằng đã xảy đến với họ.

Chẳng hạn, người ta tin rằng tình trạng thiếu oxy (chứng giảm oxy huyết)8, kết quả phổ biến từ chứng ngưng tim, có thể gây mất định hướng, lú lẫn hoặc ảo giác. Một trục trặc nhỏ ở vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương, một phần của não hoạt động như một nơi tích hợp dữ liệu từ tất cả các giác quan và cơ quan đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc lắp những dữ liệu này vào nhận thức tổng thể của cơ thể, có thể tạo ra một trải nghiệm bên ngoài cơ thể. Người ta cho rằng quá nhiều khí CO2 (chứng tăng thán huyết)9 có thể khiến con người có cảm giác bị tách rời khỏi cơ thể hoặc đang ở trong một đường hầm (dù không có nhiều bằng chứng về điều này). Các chất dẫn truyền thần kinh có thể góp một phần trong việc kích hoạt ảo giác hoặc tạo ra cảm giác bình yên. Và còn nhiều lý giải khác.

Các bác sĩ đồng tình với nhận định của những người trải nghiệm có nhiều phản bác đối với những giải thích thiên về chủ nghĩa duy vật này. Sam Parnia, Pim van Lommel, và những người khác dành những đoạn dài trong sách của họ để nói về chúng. Rốt cuộc, nguyên nhân chính cho những ý kiến phản bác này là dù những lời giải thích trên nghe có vẻ hợp lý, không có bằng chứng nào cho thấy chúng thật sự lý giải được những gì đang xảy ra. Nhiều trải nghiệm cận tử vẫn diễn ra dù không có một trong các điều kiện có thể đo lường theo khoa học nêu trên. Và những điều kiện đó cũng thường xảy ra nhưng lại không xuất hiện trải nghiệm cận tử. Các dữ liệu vẫn chưa được ghi nhận đủ để có thể thiết lập sự tương quan, huống chi là mối quan hệ nhân quả.

Hơn nữa, quá khó để nhận biết như thế nào là có thể đủ dữ liệu, ít nhất là đối với phương pháp thực nghiệm xem xét hồ sơ của các trường hợp ngưng tim. Nghiên cứu Aware của Parnia tìm thấy chỉ chín bệnh nhân có trải nghiệm cận tử tại 15 bệnh viện trong bốn năm. Một nghiên cứu theo thời gian của Slovenia được công bố vào năm 2010, tìm thấy mối tương quan giữa trải nghiệm cận tử và chứng tăng thán huyết ở bệnh nhân bị đau tim—dù không có mối tương quan nào với chứng giảm oxy huyết—tuy chỉ có 52 bệnh nhân trong mẫu, và chỉ 11 người trong số đó báo cáo có trải nghiệm cận tử.

Có một nghiên cứu khá mới được phe chủ nghĩa duy vật quan tâm. Một nghiên cứu tại Đại học Michigan, xuất bản năm 2013, đã gây mê chuột rồi làm ngưng tim của chúng. Trong vòng 30 giây, điện não đồ của chuột báo hiệu đường thẳng—nhưng thoạt đầu chúng tăng vọt, với cường độ cho thấy các phần khác nhau trong não đang trao đổi thông tin với nhau thậm chí còn tích cực hơn so với khi chuột còn tỉnh táo.

Cách thức trao đổi này được cho là bước mấu chốt trong nhận thức; các vùng khác nhau của não đang so sánh các ghi chép về những kích thích mà chúng tiếp nhận được một cách có hiệu quả. Nếu con người có sóng điện não tăng đột biến khi chết giống như chuột, điều đó có nghĩa lý do não bắt đầu bước vào cơn co thắt cực độ cuối cùng khi nguồn cung cấp oxy bị cắt là bởi vì não đang cố tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nếu vậy, hoạt động tăng cường đó có thể lý giải tại sao những người nói họ có trải nghiệm cận tử kể lại rằng những gì họ trải nghiệm dường như còn thật hơn cả thế giới thực.

Nhưng một lần nữa, thực tế là lời giải thích hợp lý không khiến nó trở nên đúng. Nếu các nhà nghiên cứu như Parnia có thể chứng minh một cách thuyết phục rằng một bệnh nhân như người đàn ông trong nghiên cứu Aware có thể có nhận thức tỉnh táo trong phút chốc hoặc hơn sau khi tim ngừng đập, toàn bộ cuộc tranh luận sẽ lại bùng lên lần nữa. Cho đến giờ, giây phút sóng điện não nhảy vụt đó cũng chỉ là một mảnh ghép rời rạc cho câu đố trải nghiệm cận tử, và chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để ghép nó.

Vậy đâu là bước tiếp theo cho khoa học về trải nghiệm cận tử?, tôi đã dành câu hỏi đó cho Susan Blackmore, một nhà tâm lý học người Anh và có lẽ là người nổi tiếng nhất của chủ nghĩa hoài nghi khoa học đối với các giải thích tâm linh về trải nghiệm cận tử. Sau khi có trải nghiệm bên ngoài cơ thể mãnh liệt khi còn là một phụ nữ trẻ, bà bắt đầu điều tra về những tuyên bố siêu linh, và dành phần lớn sự nghiệp của mình để giải thích chúng theo một cách khoa học.

Theo Blackmore, bí ẩn hầu hết đã được giải đáp. Chúng ta đã biết, bà nói, một bộ não hoạt động cực độ dưới áp lực cận kề cái chết có thể kích hoạt bất kỳ hoặc tất cả các hiện tượng trên. Câu hỏi lớn còn lại, theo như bà viết trong một email, là đây:

Chúng ta xem xét tất cả những khía cạnh này một cách riêng rẽ—ngẫu nhiên, với nhiều loại thuốc khác nhau, trong tình trạng bệnh tật và vân vân—nhưng trong trải nghiệm cận tử, chúng có xu hướng diễn ra theo một trình tự cụ thể. Tại sao lại như vậy? Chúng ta đoán điều này có liên quan đến một loạt các chất dẫn truyền thần kinh hoặc có thể là cách để sự tăng động lan truyền hoặc … ? Tôi không biết câu trả lời nhưng tôi đoán chúng ta sẽ sớm tìm ra thôi.

Tôi nghĩ một đáp án khoa học cho câu hỏi của Blackmore—tại sao có rất nhiều trải nghiệm cận tử tuân theo một chuỗi trình tự giống nhau—sẽ có ý nghĩa lớn hơn là chỉ giải đáp câu đố về cách mà chúng xảy ra. Điều đó cũng sẽ giúp chúng ta hiểu lý do tại sao các trải nghiệm cận tử lại ảnh hưởng sâu sắc đến những người trải nghiệm đến vậy. Một trong những diễn giả tại hội nghị, Alana Karran, một chuyên gia khai vấn cho cấp lãnh đạo (executive coach)10, người chỉ dẫn thiền định theo hướng dẫn (guided meditation)11 để hồi tưởng các giai đoạn trong một trải nghiệm cận tử điển hình, đã giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của chuỗi trình tự đó. Cô chỉ ra rằng điều này cũng tương tự như hành trình của người hùng, hoặc câu chuyện về chuyến du hành, cấu trúc mà nhà văn và nhà thần thoại học người Mỹ Joseph Campbell đã xác định và gọi là “monomyth” vào năm 1949. Cuộc hành trình của người hùng là nền tảng cho gần như mọi loại kỹ thuật kể chuyện, từ thần thoại tín ngưỡng đến sử thi Hy Lạp, cho đến bom tấn Hollywood và hồi ký cá nhân. Trong cấu trúc này, một nhân vật chính bị kéo ra khỏi lối sống thường ngày của anh ta bởi một sự xáo trộn nào đó và—ban đầu thường do bất đắc dĩ, nhưng dưới sự thôi thúc của người thầy hoặc nhân vật thông thái nào đó—tự thực hiện chuyến hành trình đến một cõi xa lạ. Ở đó, anh ta phải đối mặt với các thử thách, chiến đấu với kẻ thù, tự vấn lòng trung thành của bạn bè và đồng minh, chịu đựng thử thách đỉnh điểm, cận kề bờ vực của thất bại hoặc cái chết, và cuối cùng quay trở về nơi anh ta bắt đầu, giành được vinh quang nhưng đã lột xác theo một cách nào đó.

Nhiều trải nghiệm cận tử do mọi người kể lại tuân theo một số phiên bản của cấu trúc này. Trong cuốn Proof of Heaven, Eben Alexander mô tả trải nghiệm của ông bắt đầu từ việc bị nhốt trong một nơi tăm tối, xung quanh là một loại bùn gần như trong suốt được gọi là “thạch Jell-O bẩn thỉu,” đầy ắp “những bộ mặt động vật dị hợm,” gây ra cảm giác ngày càng ngột ngạt và ghê rợn. Cuối cùng, một cái gì đó kéo ông vào trong “thế giới kỳ lạ, đẹp đẽ nhất mà tôi từng thấy”—một vùng nông thôn yên bình. Ở đó, ông bắt gặp một cô gái xinh đẹp cưỡi trên một cánh bướm, và nói với ông rằng ông “được yêu thương và trân trọng vô vàn, mãi mãi,” rồi hộ tống ông trong một chuyến đi đến một khoảng không ngập tràn ánh sáng, nơi ông gặp một vị thần khai mở cho ông nhiều bí mật về vũ trụ này. Sau khi dành một chút thời gian qua lại giữa hai cõi, ông lại rơi xuống chỗ tối tăm nơi ông đã bắt đầu một lần cuối, chỉ là lần này các sinh vật dị hợm đã được thay thế bằng khuôn mặt của những người đang cầu nguyện cho ông.

Nếu cuộc sống của bạn là một trận chiến, trải nghiệm cận tử sẽ lái bạn sang một hướng khác: bạn gần như đã chết, vậy nên phải thay đổi một điều gì đó.

Hành trình của người hùng rất phổ biến trong kỹ thuật kể chuyện (quả thật, một số người sẽ nói rằng Campbell đã phá hỏng nền giải trí hiện đại khi phát hiện ra điều này) bởi vì nó mang lại quá nhiều khát vọng. Nó giúp bạn có thể thoát ly khỏi thứ gì đó đang kìm hãm bạn, và biến đổi thành một thứ gì đó tốt hơn.

Không ai trong hội nghị là hiện thân cho hy vọng được cứu rỗi và lột xác tốt hơn Jeff Olsen, một trong hai diễn giả chính. Câu chuyện của Olsen, được ông kể trong hai cuốn sách và nhiều video khác trên YouTube, rất đau lòng: Chiếc xe của ông bị đâm sau khi ông ngủ gục trên vô lăng khi đang lái xe đưa gia đình quay trở về sau kỳ nghỉ. Nằm giữa tàn dư với lưng bị gãy, một cánh tay gần như bị rách toạc và một chân bị giập nát, ông vẫn đủ tỉnh táo được một lúc để nhận ra đứa con trai 7 tuổi của mình đang khóc còn vợ và bé trai sơ sinh chìm trong im lặng. Trong I Knew Your Hearts (Tạm dịch: Tôi Hiểu Con Tim Bạn), một trong những cuốn sách của ông, ông viết rằng, “Bạn sẽ nói gì với một người đàn ông cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một nửa gia đình mình?”

Câu trả lời—ít ra nếu bạn là một vị thần—là “Con thật hoàn hảo; con cũng là con trai ta như bất cứ ai; và con rất tuyệt vời.” Đó là những gì Olsen kể lại khi nghe thấy—hoặc cảm nhận được, hoặc được truyền đạt đến ông bằng một cách nào đó—như một phần của quá trình “dọn dẹp não” (brain dump)12 trong suốt trải nghiệm cận tử. Ông dường như thấy mình ở trong một căn phòng có một cái nôi, đang ôm đứa con trai đã chết. Khi ông bế nó lên, ông liền cảm thấy mình được bao bọc trong sự hiển linh đầy yêu thương mà ông nhận ra chính là “đấng tạo hóa thiêng liêng” của ông.

Đây chính là lời giải đáp cho những thứ khiến trải nghiệm cận tử trở nên mãnh liệt, và tại sao mọi người cứ níu chặt lấy chúng bất chấp các bằng chứng khoa học. Dù bạn thật sự nhìn thấy một vị thần hay não của bạn chỉ đang tiết ra nhiều hóa chất hơn bao giờ hết, trải nghiệm này vô cùng sâu sắc và mới mẻ đến mức nó buộc bạn phải suy ngẫm lại vị trí của mình trên Trái Đất. Nếu trải nghiệm cận tử diễn ra giữa một bi kịch, nó đưa ra hướng giúp thông suốt ý nghĩa của bi kịch đó và tái tạo cuộc sống của bạn. Nếu cuộc sống của bạn là một cuộc chiến với bệnh tật hoặc sự ngờ vực, một trải nghiệm cận tử sẽ lái bạn sang một hướng khác: bạn gần như đã chết, vậy nên phải thay đổi một điều gì đó.

Và điều đó đưa chúng ta quay lại với câu hỏi của Susan Blackmore: Nếu trải nghiệm cận tử chỉ là kết quả từ sự mất kiểm soát của não bộ, vậy tại sao quá nhiều trải nghiệm cận tử tuân theo chuỗi trình tự diễn ra theo cấu trúc kể chuyện cơ bản nhất của chúng ta về sự lột xác và đổi mới?

“…ông liền cảm thấy mình được bao bọc trong sự hiển linh đầy yêu thương mà ông nhận ra chính là “đấng tạo hóa thiêng liêng” của ông.”

DƯỜNG NHƯ không ai trong hội nghị nghĩ rằng trải nghiệm cận tử chỉ là sản phẩm của các quá trình thể chất bên trong não. Nhưng một số người phát biểu rằng họ cam đoan sẽ xem xét khía cạnh khoa học của trải nghiệm cận tử.

Alan Hugenot là một kỹ sư cơ khí ở độ tuổi trung niên, người đến và nói về cường độ chuyển động, như thể ông ấy gần như không thể ngăn được sự phấn khích của bản thân. Phần trình bày của ông được gọi là “Khoa Học Hàng Đầu về Thế Giới Bên Kia.” Dẫn dắt khán giả qua một loạt các kiến thức vật lý tiên tiến và thuyết thần bí, ông kết luận rằng toàn bộ vũ trụ đều có ý thức và điều này lý giải cho cả trải nghiệm cận tử lẫn những nghịch lý nhất định trong thuyết lượng tử.

Là một người có bằng vật lý, tôi biết giả thuyết của Hugenot có đầy lỗ hổng, nhưng tôi cũng biết ý tưởng cơ bản về một vũ trụ có ý thức không hề điên rồ cũng không hề mới mẻ. Erwin Schrödinger, một trong những cha đẻ của vật lý lượng tử, đã từng là một sinh viên say mê triết học Ấn Độ giáo, và cũng tin vào một cái gì đó tương tự vậy. Có một thông lệ lâu đời giữa các nhà khoa học hàng đầu đặt niềm tin vào tôn giáo và những điều thần bí.

Trải nghiệm cận tử có lẽ là trải nghiệm tâm linh duy nhất mà chúng ta có cơ hội điều tra theo một cách khoa học, thấu đáo.

Nhưng điều khiến họ trở thành các nhà khoa học là vì họ hiểu và duy trì sự khác biệt giữa các lý thuyết khoa học, những điều phải kiểm chứng được qua các bằng chứng có thể quan sát, với thuyết thần bí hoặc sự suy đoán. Vì vậy, khi kết thúc phần trình bày của Hugenot, tôi đã yêu cầu ông cho tôi biết giả thuyết của ông có thể được kiểm chứng như thế nào. Thoạt đầu, ông không trả lời câu hỏi, nhưng cuối cùng ông cho biết có những thí nghiệm có thể được thiết kế.

Anh đã thiết kế chúng phải không?, tôi hỏi.

“Không, tôi chưa có cơ hội để làm chuyện đó.”

Điềm tĩnh hơn là Robert Mays, một vị giáo sư có bộ râu như Sigmund Freud, người đã vạch ra một giả thuyết chi tiết được ông phát triển cùng với vợ mình, Suzanne. Mays đề xuất một ý thức phi vật chất—một “thực thể trí tuệ”—có thể điều khiển trực tiếp bộ não cơ thể, giống như Phù Thủy Xứ Oz kéo đòn bẩy phía sau bức màn. Theo Mays, điều này là lời giải thích giúp giải quyết cả hai vấn đề là làm thế nào mà một chuỗi các xung điện trong não biến thành cảm nhận về ý thức và sự bí ẩn của trải nghiệm cận tử.

Ít ra thì Mays đã nêu rất cụ thể về các tế bào não mà ông cho rằng thực thể trí tuệ tác động đến nhằm kiểm soát bộ não. Ông thậm chí còn có một số ý tưởng về những gì có thể là thực thể trí tuệ xét về mặt vật lý: “một cấu trúc phân hóa tinh vi gồm các lưỡng cực điện hoặc từ dao động cực tiểu,” ông và Suzanne đã viết. Khi tôi hỏi ông giả thuyết này có thể được kiểm chứng bằng cách nào, ông nói ta có thể đo lường mức độ ảnh hưởng của “trường năng lượng” của một người lên “các tế bào thần kinh sống trong ống nghiệm.” Điều này có vẻ ổn, ngoại trừ việc ý tưởng về trường năng lượng của ông là một điều gì đó mà không nhà vật lý học nào từng thấy qua.

Dù khác biệt về phong cách và chủ đề, Mays, Hugenot, và những người khác đều đưa ra những ý tưởng giống nhau: những lời giải thích rộng, bao quát, liên kết những điều mà mọi người biết chắc là đúng với những điều mà họ muốn nó đúng và điều đó tạo ra ý thức trật tự đối với vũ trụ. Điều đó có nghĩa rằng những người trải nghiệm cận tử sẽ cảm thấy những thứ như vậy rất thuyết phục.

Nhưng tại sao lại có quá nhiều sự kháng cự đối với khoa học chân chính, đáng tin cậy tại hội nghị? Trong bữa sáng giữa tôi với Diane Corcoran, tôi đã hỏi bà tại sao dường như không ai trong hội nghị bàn luận về lập trường chủ nghĩa duy vật.

“Qua nhiều năm, và với những nghiên cứu đã được thực hiện, chúng tôi đã vượt qua khỏi điều đó,” bà nói. “Lúc nào cũng có một hoặc hai người hoài nghi, nhưng chúng tôi không mang chúng vào môi trường này, vì đây là môi trường hỗ trợ, không phải môi trường chất vấn.” Bà nói thêm, “Chúng tôi có kêu gọi gửi các bài nghiên cứu, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy một người hoài nghi nào gửi đến một bài nghiên cứu.”

“Có lẽ họ cảm thấy họ sẽ không được hoan nghênh,” tôi nói.

“Chắc vậy!” bà ấy đáp. “Nhưng chúng tôi đang cố gắng mở rộng lĩnh vực, và có rất nhiều thứ để tìm hiểu về ý thức tồn tại bên ngoài bộ não.” Một nhà nghiên cứu nổi tiếng, bà nói, lập luận rằng “khi ai đó công bố một bài nghiên cứu nói ‘Đây chính là lời giải thích,” thì nó thậm chí không đáng để hưởng ứng. Hầu hết những người làm điều đó không tìm hiểu lĩnh vực này theo một cách nghiêm túc nào hết.”

Ở một mức độ nào đó, tôi thấy điều này hợp lý. Rất nhiều bài viết về trải nghiệm cận tử không chỉ chất vấn người trải nghiệm mà còn chế giễu họ. Và đúng là những giải thích khoa học, dù có lý, cũng không đủ thuyết phục.

Tuy nhiên, tại hội nghị, tôi không chỉ gặp phải sự phản đối mà còn có rất nhiều quan niệm sai lầm về khoa học. Trong hành lang khách sạn, tôi vô tình gặp Hugenot. Trọng điểm của các lý thuyết khoa học, tôi nói, là chúng phải có thể kiểm chứng được. Có thể kiểm chứng được tức là có khả năng phản nghiệm13: về nguyên tắc bạn phải có khả năng thực hiện một thí nghiệm có thể chứng minh một lý thuyết là sai. Chẳng hạn, nếu tôi làm rơi tách cà phê tôi đang cầm, và nó không tràn ra khắp sàn mà thay vào đó lại trôi lơ lửng xuống hành lang, điều đó sẽ làm phản nghiệm lý thuyết về trọng lực. Mỗi khi lý thuyết vượt qua một bài kiểm tra như vậy, niềm tin của chúng ta vào nó lại tăng lên. Nhưng niềm tin vào lý thuyết của chúng ta luôn là tạm thời: chúng ta liên tục tìm kiếm những tình huống mà ở đó lý thuyết có thể không đúng. Vậy thì làm thế nào mà, tôi đặt câu hỏi, một vũ trụ có ý thức có thể được kiểm chứng?

Ông ấy lảng tránh câu hỏi bằng cách ngụy biện: Nếu bạn làm rơi cốc cà phê, bạn cho rằng nó sẽ rơi xuống? Nhưng hướng nào là xuống? Nếu bạn thay đổi quan điểm và hình dung mặt đất nằm phía trên chúng ta, có thể xuống tức là lên. Tôi giơ chiếc cốc qua đầu ông ấy và đề nghị kiểm chứng lý thuyết đó. Ông ấy liền cười to và để lộ sự lo lắng.

Đến ngày thứ ba của hội nghị, tôi bắt đầu tuyệt vọng trong việc tìm kiếm một tiếng nói lý trí. Tất cả mọi người dường như đang sống trong phạm vi từ giả khoa học đến chủ nghĩa thần bí toàn diện, với rất nhiều sự thiếu hiểu biết trong đó. Đó là khi tôi gặp Mitch Liester.

Liester, một bác sĩ tâm thần đẹp trai với gương mặt sắc nét, dáng người cao lớn, giảng dạy tại Đại học Colorado và Đại học California tại Irvine, có thái độ lịch thiệp, chuẩn mực khiến bạn muốn trò chuyện với anh ấy về mọi thứ. Anh nói với tôi việc học y khiến anh thấy hoài nghi về những trải nghiệm cận tử. Nhưng lúc anh còn đi học, ông của anh đã có trải nghiệm cận tử, và sau đó anh lại tiếp tục gặp gỡ những người trải nghiệm khác—không phải lúc nào cũng là bệnh nhân. “Mọi người cứ kể cho tôi thôi.”

Liester cũng để bản thân anh có một “trải nghiệm giống cận tử”—một chuyện gì đó mang những đặc tính của trải nghiệm cận tử, dù anh không gần chết hoặc không có bất kỳ ảo giác nào khi nó diễn ra. Vậy nên, tôi hỏi anh, bản thân anh nghĩ gì về ý tưởng cho rằng tâm trí và cơ thể là tách biệt nhau?

“Nhiều người có trải nghiệm cận tử không hứng thú với khoa học đến thế.”

“Đầu óc lý trí của tôi không tin lắm nhưng, khi đã từng trải nghiệm qua, tôi biết nó có thật. Đó là một cuộc  tranh luận kéo dài với chính mình.”

Liệu có một khoảng trung gian, tôi hỏi, giữa các nhà tâm linh và những nhà duy vật? Quá khó để tìm được, anh thừa nhận. “Nhiều nhà khoa học duy vật dường như không xem đây là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học nghiêm túc … Trong khi đó, nhiều người có trải nghiệm cận tử không hứng thú về khoa học đến thế.”

Mỗi thứ hai, Liester dùng bữa sáng với một nhóm chiết trung14 nhỏ. Nhóm bao gồm một nhà vật lý, một nhà khoa học vật liệu, một nghệ sĩ, một giáo sĩ có bằng triết học và một cố vấn ở nhà an dưỡng cuối đời đồng thời là vũ công trong nghi lễ tín ngưỡng của người Mỹ da đỏ. Họ bàn về cách đưa nghiên cứu trải nghiệm cận tử phát triển theo lập trường khoa học khắt khe nhưng cùng với một thái độ cởi mở. “Tôi nghĩ rằng có một cách để thu hẹp khoảng cách,” anh nói.

Trong buổi trò chuyện giữa chúng tôi và trong một email sau đó, Liester đã tóm lược một vài lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu có thể theo đuổi sâu hơn. Họ có thể phác họa bộ não của con người khi ở trong trạng thái nhập định hoặc trong trạng thái “siêu nhiên” khác. Họ có thể nghiên cứu về những người tuyên bố có sức mạnh tâm linh đặc biệt, chẳng hạn như các pháp sư. Họ cũng có thể cố gắng tìm hiểu bản chất của những ký ức được hình thành trong trải nghiệm cận tử, và chúng khác với những ký ức thông thường như thế nào (Liester đang nghiên cứu về điều này). Họ có thể sáng chế ra những phương pháp thực nghiệm đáng tin cậy để kiểm chứng nhận định của những người nói rằng họ trở nên nhạy cảm với các trường điện từ hoặc có thể gây nhiễu các thiết bị điện tử. Họ có thể thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về việc sóng điện não tăng cao khi chết mà các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan tìm thấy ở chuột, và thậm chí là cố gắng nghiên cứu nó một cách riêng rẽ ở bệnh nhân con người. Vân vân.

Hơn hết thảy, ông nói, bất kể bạn giải thích chúng như thế nào, trải nghiệm cận tử là sự kiện then chốt trong cuộc sống của con người. “Nó là một chất xúc tác cho sự phát triển ở nhiều cấp độ khác nhau—về tâm lý, về cảm xúc, thậm chí là về sinh lý.

Bất kể bạn giải thích chúng như thế nào, trải nghiệm cận tử là sự kiện then chốt trong cuộc sống của con người.

CUỐI CÙNG, NGAY CẢ KHI NGHIÊN CỨU CHO THẤY—như hầu hết các nhà khoa học nhận định—rằng trải nghiệm cận tử không gì khác hơn là sản phẩm từ sự co thắt trong một bộ não sắp chết, vẫn có lý do chính đáng để theo đuổi cuộc nghiên cứu này, đó là chúng đặt ra thách thức cho sự hiểu biết của chúng ta về những vấn đề bí ẩn nhất trong khoa học: ý thức.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết, vốn được cho là rạch ròi, đã trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Trong một bài viết tổng quan gần đây có tựa đề “Cái Chết và Ý Thức,” Sam Parnia thừa nhận nghiên cứu chứng minh rằng, trái với niềm tin phổ biến, thứ gây ra tổn thương cho não khi bạn ngừng thở hơn vài phút không chỉ là sự thiếu oxy trong não. Các tế bào não bị thiếu oxy có thể mất nhiều giờ để phân hủy đến mức không thể hồi phục lại, đặc biệt là nếu chúng được giữ lạnh—vì thế có những trường hợp con người hồi sinh sau khi bị chôn vùi trong tuyết hoặc rơi xuống hồ đóng băng. Thay vào đó, nguyên nhân gây ra nhiều tổn thương chính là sự quay trở lại đột ngột của oxy vào các tế bào não qua dòng chảy ồ ạt của máu và các hóa chất, được gọi là “hội chứng sau hồi sức.” Các kỹ thuật y khoa mới đang dần có thể ngăn chặn sự tổn thương này và hồi sinh những người từng bị tuyên bố là đã chết.

Đối với một số người, đây đơn giản là thêm bằng chứng cho thấy tâm trí chắc hẳn có thể tồn tại độc lập với cơ thể—nếu không thì nó đi đâu khi não chết? Đối với những người theo chủ nghĩa duy vật, đó lại là bằng chứng cho điều ngược lại: tâm trí không “đi” đâu cả, chẳng khác gì hình ảnh từ máy chiếu đi đâu đó khi bạn tắt máy chiếu. Thay vào đó, điều này cho thấy tâm trí và ý thức là những đặc tính nổi bật của não, được đan kết vào nhau bằng cách nào đó bởi toàn bộ quá trình vật lý và hóa học bên trong hệ thống thần kinh của chúng ta.

Nhưng nếu vậy, làm thế nào mà việc đan kết này lại xảy ra? Đây là câu hỏi quan trọng đối với các nghiên cứu về ý thức. George A. Mashour, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu trên chuột ở Đại học Michigan, chắc chắn thuộc phe chủ nghĩa duy vật. Ông lưu ý rằng nếu việc giải thích một bộ não khỏe mạnh tạo ra ý thức như thế nào là quá khó, thì để giải thích làm thế nào mà một bộ não suy yếu gần chết tạo ra những cảm giác “siêu thực”, sống động như vậy thậm chí còn khó hơn. “Giải thích khoa học về trải nghiệm cận tử có thể là một điểm sáng cực kỳ quan trọng cho khoa học về ý thức,” ông nói với tôi.

Nếu chúng ta có thể xác định hoạt động thần kinh tăng đột biến xảy ra bên trong bộ não sắp chết của con người tương tự những gì Mashour cùng đồng nghiệp nhận thấy ở chuột, điều đó có thể giúp giải thích các trải nghiệm cận tử và cho chúng ta một số manh mối về bản chất sinh học thần kinh của ý thức. Dù vậy, con người không phải chuột. Mashour cho biết rất khó để chúng ta có thể thu thập đủ dữ liệu hữu ích về những người có trải nghiệm cận tử trong lúc bị ngưng tim và còn sống để thuật lại câu chuyện. Nhưng nghiên cứu trên chuột của ông, ông cho biết, ít ra “đã làm sáng tỏ khả năng” rằng để giải thích những trải nghiệm cận tử bạn không cần phải “bác bỏ mối liên hệ giữa não và ý thức.”

Câu hỏi ý thức xuất hiện như thế nào trên thực tế có thể là một trong những vấn đề quyết định của thế kỷ 21, khi lần đầu tiên chúng ta có thể tạo ra những cỗ máy phức tạp như bộ não con người. Liệu những máy móc đó sẽ có ý thức? Chúng ta có thể biết điều đó như thế nào? Ý thức của chúng có phải là thứ gì đó giống như của chúng ta hay không? Và chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào khi là người chế tạo ra chúng? Đây là những câu hỏi mà chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách hiểu tường tận ý thức của chính chúng ta bao gồm những gì.

Cuối cùng, những nghiên cứu nghiêm túc về trải nghiệm cận tử là đáng thực thiện, kể cả nếu không vì lý do nào khác ngoài việc để bác bỏ chỉ một số giải thích tâm linh. Những người sùng tín thế giới bên kia sẽ không bao giờ bị lung lay. Rốt cuộc, có rất nhiều niềm tin mà mọi người cứ khư khư giữ lấy dù có vô vàn bằng chứng khoa học chứng minh ngược lại (như vắc-xin, hoặc sự nóng lên toàn cầu). Nhưng khoa học chỉ phát triển được bằng cách thừa nhận giới hạn về những gì ta biết và từ từ đẩy chúng ra xa. Không có căn cứ để chế nhạo niềm tin của mọi người về trải nghiệm cận tử cho đến khi việc nghiên cứu hoàn thành và lật tẩy được chúng.

Cứ cho rằng các thí nghiệm đã hoàn thành, và cuối cùng cũng có một ghi nhận toàn diện, nghiêm túc về mặt khoa học, và theo chủ nghĩa duy vật về nguyên nhân gây ra trải nghiệm cận tử. Sau đó thì sao? Liệu điều đó có nghĩa là tất cả những câu chuyện mà mọi người kể về việc nhìn thấy thiên thần và gặp gỡ người thân quá cố của họ chỉ là những câu chuyện cổ tích rồi bị phớt lờ?

Tôi sẽ nói không. Những gì tôi nhìn thấy tại hội nghị—ngay cả sự kỳ quái nhất của nó—đã cho tôi thấy rằng ngay cả một nhà duy vật cứng cỏi cũng có thể học được rất nhiều từ trải nghiệm cận tử về cách mọi người hiểu về những điều xảy ra với họ—và trên hết, những câu chuyện chúng ta kể đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình nhận thức của chúng ta về chính bản thân mình.

Về điều này, Susan Blackmore, người hoài nghi nhất, cũng cảm thấy tương tự. Bà kết thúc email gửi cho tôi bằng cách trách mắng những người cứ khăng khăng phân biệt phải trái sai lầm và vô ích giữa việc các trải nghiệm cận tử là “thật, tuyệt vời, tâm linh, v.v.” [so với] những trải nghiệm cận tử “CHỈ là một ảo giác không quan trọng.” Đối với tôi, thật tình thì trải nghiệm cận tử có thể là những trải nghiệm tuyệt vời, giúp thay đổi cuộc sống khi làm sáng tỏ điều kiện làm người (human condition)15 và các câu hỏi về sự sống và cái chết.


  1. Bình duyệt (peer-review) là một quá trình tự giám sát và đánh giá bởi một hội đồng chuyên gia hoặc là quá trình đánh giá có sự tham gia của các cá nhân uy tín trong lĩnh vực đó. Các phương pháp bình duyệt được sử dụng để đảm bảo chất lượng, nâng cao kết quả và tạo ra sự uy tín. Trong học thuật, peer review thường được sử dụng để xác định một bài viết nghiên cứu (paper) có đủ khả năng để đăng lên tạp chí hay không.

  2. Hành trình của người hùng (Hero’s journey) là mẫu kể chuyện thường gặp, có liên quan đến một người hùng trải qua một cuộc phiêu lưu, chiến thắng trong khoảnh khắc quyết định, rồi trở về trong hình ảnh lột xác.

  3. Chứng rối loạn thần kinh do sự lo âu, căng thẳng cực độ khi phải sống trong điều kiện chiến tranh, tiếp xúc với chiến trường,… Xem thêm

  4. Hiệp hội di sản: Một hiệp hội được xây dựng từ quỹ cộng đồng. Tổ chức cộng đồng sáng lập và các tổ chức phi lợi nhuận khác kêu gọi sự tài trợ từ các hội viên. Đổi lại, hội viên sẽ nhận được các phần quà và phúc lợi trong tương lai.

  5. Hồi cứu (retrospective): Loại hình nghiên cứu dựa trên cơ sở các số liệu, hồ sơ ghi chép trước thời điểm nghiên cứu viên bắt đầu tiến hành nghiên cứu.

  6. Nghiên cứu theo thời gian/Tiến cứu (prospective): Nghiên cứu theo dõi hiện tượng, tình trạng của đối tượng nghiên cứu qua thời gian. Dữ liệu được ghi chép và thu thập khi nghiên cứu viên bắt đầu tiến hành nghiên cứu.

  7. Khử rung tim (defibrillate): Phương pháp điều trị khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim gây đe dọa tính mạng. Xem thêm.

  8. Chứng giảm oxy huyết (hypoxia): Hiện tượng cơ thể hay một phần cơ thể bị thiếu hụt lượng oxy cần thiết để lưu thông trong các mô và duy trì các chức năng của cơ thể. (Xem thêm)

  9. Chứng tăng thán huyết (hypercarbia): Tình trạng tăng nồng độ cacbon dioxit (CO2) trong máu bất thường. (Xem thêm)

  10. Chuyên gia khai vấn cho cấp lãnh đạo (executive coach): Là người tư vấn và hỗ trợ cho các nhà điều hành doanh nghiệp, các lãnh đạo cao cấp trong việc định hướng, thiết lập mục tiêu và cải thiện hiệu quả công việc.

  11. Thiền định theo hướng dẫn (guided meditation): Là quá trình có một hoặc nhiều người tham gia thiền định theo sự hướng dẫn của giáo viên hoặc hướng dẫn viên được đào tạo bài bản bằng cách trực tiếp hoặc qua văn bản, video, ghi âm,… (Xem thêm)

  12. Dọn dẹp não (brain dump): Quá trình chuyển tải những kiến thức trong não sang một phương tiện lưu trữ khác như giấy, máy tính, điện thoại…, giúp cho trí não thoát khỏi tình trạng tình trạng quá tải, tê liệt.

  13. Trong triết học khoa học, khả năng phản nghiệm là khả năng để một tuyên bố, lý thuyết hoặc giả thuyết bị mâu thuẫn với bằng chứng. Ví dụ, mệnh đề “Tất cả thiên nga đều có màu trắng.” có thể được phản nghiệm bởi vì người ta có thể quan sát được có những con thiên nga màu đen tồn tại.

  14. Chiết trung (eclectic): Cách tiếp thu khái niệm nhưng không theo một mẫu hình hoặc các giả định một cách cứng nhắc, mà thay vào đó rút ra từ nhiều lý thuyết, phong cách, hoặc ý tưởng để đạt được những hiểu biết bổ sung vào một chủ đề, hoặc áp dụng các lý thuyết khác nhau vào những trường hợp cụ thể. (Xem thêm)

  15. Điều kiện làm người (human condition): Tất cả những đặc điểm và sự kiện chính tạo nên các yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của con người, bao gồm sinh, tăng trưởng, cảm xúc, khát vọng, xung đột và tử vong.
    (Xem thêm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất