a
§ Tác giả: Doughlas Starr | Nguồn: Slate
Biên dịch: Đình Đức | Hiệu đính:  za
15/05/2022

Khi ai đó gây ra một tội ác tày đình và “khó giải thích,” chúng ta đều tự nhiên muốn biết liệu anh ta có bị tâm thần không, bởi còn ai ngoài một người điên có thể gây ra điều đó? Nhưng khi kẻ thủ ác tỏ ra điên dại sau khi bị bắt, chúng ta đều tự hỏi liệu đây có phải là cách mà y dùng để đối phó với phiên tòa sau đó không. Đây cũng chính là nghi vấn xoay quanh kẻ giết người tại Colorado, James Holmes1, kẻ mà việc điều trị tâm lý cũng như hành vi kỳ quặc của hắn trong phiên tòa và trong tù đều khiến mọi người muốn biết liệu hắn thực sự là người điên hay chỉ đang tạo ra một vụ án có thể bào chữa2 bằng cách vin vào chứng rối loạn tâm thần. Điều này gợi mở một vấn đề: Tội phạm liệu có thể thoát tội bằng cách giả điên?

Các chuyên gia đã tranh luận về vấn đề này kể từ khi khái niệm “bào chữa dựa trên rối loạn tâm thần” ra đời vào giữa thế kỷ 19. Để tránh thòng lọng hoặc máy chém, tội phạm thời đó sẽ giả mạo các triệu chứng tâm lý, lĩnh vực mới nổi lúc bấy giờ. Nó nhanh chóng trở thành một trò chơi mèo vờn chuột: đám tội phạm sẽ hành động theo hiểu biết của chúng về những hành vi tâm thần và những người giám định pháp y tâm thần (thuật ngữ thời đó dành cho các nhà tâm lý học) sẽ viết các nghiên cứu về cách phát hiện những “kẻ giả vờ” này. Hầu hết các kỹ thuật đều dựa vào kinh nghiệm và khả năng quan sát của điều tra viên — tìm kiếm sự thiếu đồng nhất trong các triệu chứng, đợi cho đến khi nghi phạm chán trò chơi hoặc chỉ đơn giản là phát hiện chân tướng khi nhìn vào mắt anh ta. Như nhà tội phạm học người Áo Hans Gross đã viết: “Khi nghĩ rằng không có ai đang nhìn, kẻ giả vờ thường liếc nhanh và dò xét nhân viên điều tra để xem người đó có tin y hay không.”

shallow focus photography of puppet toys
Từ thế kỷ 19, để tránh thòng lọng hoặc máy chém, tội phạm sẽ giả mạo các triệu chứng tâm lý. Ảnh: Unsplash

Ngày nay, chưa đến 1% các bị cáo trọng tội đưa ra lời bào chữa dựa trên rối loạn tâm thần và một phần nhỏ trong số này thành công. Tuy nhiên, ở một tiểu bang như Colorado, nơi việc chứng minh được mình mắc rối loạn tâm thần có thể giúp tránh khỏi bản án tử hình, thì bị bệnh tâm thần hẳn có sức hấp dẫn rất lớn. Và các nhà tâm lý học pháp y hiện đại, cũng giống như những bậc tiền bối của họ, theo dõi sự giả mạo bằng con mắt lâm sàng sắc bén. Họ xác định liệu các triệu chứng có khớp với các triệu chứng của bệnh lý đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hay không và liệu các dấu hiệu có còn nhất quán theo thời gian hay không. Họ cũng có thể áp dụng một loạt các bài kiểm tra có thể lừa được kẻ giả mạo.

Bước đầu tiên là xem xét kỹ lưỡng lý lịch của nghi phạm. Bệnh tâm thần không phát triển trong một sớm một chiều, vì vậy điều quan trọng là phải biết liệu người đó đã từng nhập viện hoặc điều trị các triệu chứng tương tự hay chưa. Các điều tra viên cũng xem xét báo cáo hiện trường vụ án. Nếu nghi phạm giấu vũ khí, rửa sạch dấu vân tay hoặc thực hiện các bước khác để trốn tránh cảnh sát, thì đó là dấu hiệu của sự sáng suốt chứ không phải bệnh tâm thần.

Sau đó, sẽ có một hoặc nhiều cuộc phỏng vấn dài, lan man — càng dài càng hiệu quả, bởi vì sau vài giờ, một số nghi phạm bắt đầu mất dấu các triệu chứng của họ hoặc trở nên mệt mỏi vì trò này. Phillip J. Resnick, giáo sư tâm thần học tại Đại học Case Western Reserve, kể rằng ông yêu cầu nghi phạm nói thật lâu về quá khứ của mình trước khi bắt đầu nói về vụ án nhằm giảm bớt cơ hội “gia cố” hình mẫu bệnh tật. Ông và các đồng nghiệp của mình lắng nghe cẩn thận các dấu hiệu của các bệnh tâm thần cụ thể.

Tali Walters, một nhà tâm lý học pháp y ở Boston, cho biết: “Hầu hết những kẻ giả vờ không đọc tài liệu tâm lý học, vì vậy họ mang tới một phiên bản Hollywood về cách một người điên hành động.”

Ví dụ: một số nghi phạm kể rằng mình nghe thấy giọng nói trong đầu mà không tài nào kháng cự nổi, một mô tả thường được kịch tính hóa về bệnh tâm thần phân liệt. Không giống như những gì chúng ta thấy trong phim, hầu hết các ảo giác thính giác3 là lành tính; chúng dường như có nguồn gốc từ ngoài đầu (không phải từ trong), và hiếm khi đến từ người ngoài hành tinh hoặc những sinh vật không phải con người khác. Chỉ một tỷ lệ nhỏ là “ảo giác ra lệnh” và thậm chí tỉ lệ ra lệnh cho một hành động bạo lực còn nhỏ hơn. Hơn nữa, những người tâm thần phân liệt thực sự sẽ tìm ra các chiến lược để phớt lờ những tiếng nói này, hoặc thậm chí làm hòa với chúng. Họ học được rằng các hoạt động nhất định, chẳng hạn như tập thể dục, giúp tắt tiếng nói; trong khi những việc khác, chẳng hạn xem TV, khuyến khích những “giọng nói,” để khiến chúng không thể cưỡng lại việc nhận xét về những gì người bệnh nhìn thấy.

Vì vậy, nếu một kẻ tình nghi nói rằng anh ta cảm thấy buộc phải tuân theo giọng nói của người ngoài hành tinh trong đầu bảo anh ta giết người, thì rất có thể anh ta đang giả vờ. Điển hình: David Berkowitz, hay còn gọi là “Con trai của Sam,” kẻ đã bắn sáu người trong một vụ giết người hàng loạt kéo dài ba năm ở New York. Berkowitz khai rằng anh ta đang làm theo lệnh của một con chó săn Labrador bị quỷ ám, nhưng sau đó thừa nhận đó là một trò lừa bịp. “Một con chó,” Resnick nói, “không phải là một ảo giác [thính giác] điển hình.”

persons hand on black metal frame
Các điều tra viên cũng xem xét báo cáo hiện trường vụ án. Nếu nghi phạm giấu vũ khí, rửa sạch dấu vân tay hoặc thực hiện các bước khác để trốn tránh cảnh sát, thì đó là dấu hiệu của sự sáng suốt chứ không phải bệnh tâm thần. Ảnh: Unsplash

Những kẻ giả vờ thường phóng đại các triệu chứng của mình và bỏ qua các dấu hiệu thông thường, tinh vi, chẳng hạn như cảm xúc của bệnh nhân tâm thần bị suy giảm. Một số kẻ nói một đằng và làm một nẻo. Những người này có thể giả vờ nhầm lẫn với bác sĩ tâm thần nhưng sau đó dễ dàng trò chuyện với bạn cùng phòng, hoặc tự nhận mình bị hoang tưởng khi đang ngồi trong tâm thế thoải mái. Một số kết hợp các triệu chứng từ các bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như ảo giác của bệnh tâm thần phân liệt và những cơn bộc phát thô tục như bị hội chứng Tourette4. Nhà tâm lý học pháp y có thể gợi ý ảo tưởng thái quá trong cuộc phỏng vấn, chẳng hạn như, “Bạn có tin rằng ô tô là một phần của tôn giáo có tổ chức không?” Những kẻ giả vờ có thể bám vào miếng mồi này và cứ thế bám theo đó. Những người tâm thần phân liệt thực sự sẽ nói không.

Tại một thời điểm nào đó, thẩm tra viên sẽ dẫn dắt cuộc nói chuyện đến tội ác mà hắn đã làm, đây là một cách khác nhằm giăng bẫy những kẻ giả vờ. Cho dù lời khai của nghi phạm có ảo tưởng đến đâu, hiện trường vụ án phải phù hợp với ảo giác mà anh ta mô tả. Thật khó tin khi một kẻ tình nghi nói rằng anh ta đã chém dã man vào đội quân người ngoài hành tinh bằng một con dao làm bếp trong khi anh ta thực sự để lại một vết đâm duy nhất trên ngực mẹ mình. Một manh mối khác là một câu chuyện giả tạo có thể trộn lẫn giữa ảo tưởng và thực tế một cách thuận tiện.

“Đôi khi tất cả chỉ cần một câu,” Resnick nhận định. “Nói rằng: ‘Chúa bảo tôi giết mẹ tôi để cứu cả nhân loại’ là một chuyện, nhưng nếu nói, ‘Chúa bảo tôi giết mẹ để tôi có tiền mua thêm ma túy’ thì lại là chuyện khác.”

Hầu hết những kẻ giả vờ không đọc tài liệu tâm lý học, vì vậy họ mang tới một phiên bản Hollywood về cách một người điên hành động.

Ngoài ra còn có các bài kiểm tra tiêu chuẩn nhằm dụ những kẻ giả vờ mắc bẫy. Một bài kiểm tra sơ bộ kéo dài 10 phút, được gọi là M-FAST5 (Bài kiểm tra Đánh giá Triệu chứng Pháp y của Miller), đưa ra một loạt 25 câu hỏi đan xen giữa các triệu chứng giả và thật. Hầu như không thể chọn được sự kết hợp phù hợp nếu bạn không bị bệnh tâm thần hoặc là một nhà tâm lý học pháp y được đào tạo chuyên sâu. Một loạt câu hỏi kỹ lưỡng hơn, được gọi là SIRS6 (Phỏng vấn có cấu trúc về các triệu chứng được báo cáo) mất khoảng một giờ để hoàn thành.

Thậm chí còn có một bài kiểm tra về giả chứng mất trí nhớ, một trong những chứng bệnh tâm thần thường xuyên bị giả mạo nhất. Trái với suy nghĩ của nhiều người, những người mắc chứng hay quên không hoàn toàn mất khả năng ghi nhớ mọi thứ. Vì vậy, các nhà tâm lý học pháp y đưa ra một bài kiểm tra trí nhớ dễ dàng đến mức ngay cả một người bị mất trí nhớ cũng có thể vượt qua. Họ hiển thị một loạt các chữ cái, con số và hình dạng trong vài giây và sau đó yêu cầu anh ta vẽ chúng trên một tờ giấy trắng. Ngay cả những người bị chứng hay quên do tổn thương não cũng có thể tái tạo hầu hết các ký hiệu. Cách duy nhất để không làm được là khi bạn cố tình làm như vậy. Jerry J. Sweet, giám đốc khoa tâm lý học thần kinh của Hệ thống Y tế Đại học North Shore ở Evanston, nói: “Tôi không muốn đề cập quá cụ thể vì như vậy mọi người có thể tránh các phương pháp phát hiện của chúng tôi. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ không giáo dục cộng đồng.”

Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần được phỏng vấn về câu chuyện này đã do dự khi bình luận về vụ Holmes, vì họ chưa nhìn thấy nghi phạm hoặc hồ sơ của anh ta. Nhưng họ đã bày tỏ sự nghi ngờ về chứng mất trí nhớ mà anh ta khai, vốn cực kỳ hiếm nếu không do chấn thương não, ma túy hoặc một bệnh lý nào khác gây ra. Walters lưu ý rằng mặc dù bác sĩ tâm thần của Holmes đã gửi cảnh báo đến bộ phận an ninh của Đại học Colorado7, nhưng không rõ liệu hành vi khiến bác sĩ cảnh báo có phải trực tiếp do bệnh tâm thần hay không.

Các cuộc khảo sát cho thấy rằng trong số khoảng 60.000 ca đánh giá “năng lực hầu tòa” mà các nhà tâm lý học pháp y thực hiện mỗi năm, có khoảng từ 8% đến 17% nghi phạm bị phát hiện là giả vờ.

Có lẽ kẻ giả vờ thông minh nhất từ trước tới nay là ông trùm mafia Vincent Gigante, được báo chí New York mệnh danh là “Bố già” vì những hành vi kỳ lạ của hắn. Trong nhiều thập kỷ, y lê la về Làng Greenwich trong bộ quần áo ngủ, nói chuyện với đồng hồ đậu xe, chảy dãi và lẩm bẩm nhằm thể hiện sự kém cỏi về trí tuệ. Khi bị buộc tội âm mưu giết người và lừa đảo, y đã đánh lừa một số nhà tâm lý học hàng đầu và trì hoãn phiên tòa trong sáu năm. Ngay cả sau khi vào tù năm 1997, y vẫn duy trì vẻ ngoài điên dại. Mãi cho đến năm 2003, khi y thỏa thuận nhận tội8 để tránh những cáo buộc nghiêm trọng hơn, Gigante mới thừa nhận tất cả chỉ là giả.


  1. Ngày 20/7/2012, James Holmes đã xả súng tại một rạp chiếu phim và giết chết 12 người.

  2. Insanity defense: Theo Luật Mỹ, rối loạn tâm thần được xếp vào nhóm lý do bào chữa giúp bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù hành vi của bị cáo vẫn được coi là tội phạm. https://www.law.cornell.edu/wex/insanity_defense

  3. Là chứng ảo giác mà người bệnh tiếp nhận được âm thanh mà không có kích thích thính giác

  4. Chứng rối loạn thần kinh gây ra các cử động, co giật đột ngột không tự chủ.

  5. Viết tắt của Miller Forensic Assessment of Symptoms Test

  6. Structured Interview of Reported Symptoms

  7. Nơi Holmes theo học chương trình Tiến sĩ và đã ngừng học vào tháng 6/2012.

  8. Hay còn gọi là “mặc cả nhận tội”, là một chế định đặc trưng trong pháp luật tố tụng hình sự Mỹ và các nước theo thông luật. Thông qua chế định này, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình để đổi lấy mức án thấp hơn và không bị xét xử trước tòa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất