a
§ Tác giả: Eloghosa Osunde | Nguồn: The Paris Review
Biên dịch: Tuyết Nhi | Hiệu đính:  coda
18/02/2023

Ký ức tuổi thơ tôi tựa như một hố đen, dành cho những khoảnh khắc và năm tháng được đánh dấu bằng những lần giác ngộ và phép màu. Như khi tôi lên sáu, cái năm tôi học gọi tên các vật như thể chúng (đã) đúng là thế. Đấy là một lời dạy trong Kinh thánh, và những đứa em trai của tôi cũng đã gửi lời chào đến thế giới từ đấy, sau ngần ấy năm chờ đợi. Nương vào những lời thốt ra từ mẹ, tôi hàng đêm đều cầu nguyện cho 2 nhóc sinh đôi, và bắt đầu kể về chúng như thể đã tường tận từ lâu. Ở khía cạnh nào đó, tôi đã từng như thế. Một, là do các em đã là thực thể từ trước khi hình hài, và hai, là do mong ước của tôi đẹp lòng Đức Chúa. Tôi được dạy nhiều điều về việc giữ vững hy vọng và việc lĩnh nhận với sự tập trung cao độ; và những lời răn ấy khiến tôi dựng tóc gáy, cảm tưởng như có ai đó đang đứng quan sát sau lưng mình, gióng lên từng bài dạy chỉ dành riêng cho tôi mà thôi. Tôi kết thúc lời cầu nguyện với câu amen thật nhanh, kèm thêm những mong ước từ tận đáy lòng vô tình vương vào đời tôi, rồi cũng thở phào. Hình mẫu bắt nguồn từ tên của tôi, [Eloghosa] dịch trắng ra thì có nghĩa là “nó không làm khó được Thiên Chúa.” Quả thực, chẳng có thứ gì làm khó Ngài cả. Cái tên dẫn lối tâm trí. Gia đình xem trọng những giấc mơ đời tôi, bởi lẽ Đức Chúa thường che cất tương lai khỏi đôi mắt của tôi, nhưng đến khi việc quan sát quá đỗi khó khăn, tôi gửi lại con mắt cho Người – con mắt nhận lấy hình ảnh và buộc bản thân tôi phải suy biết – cất tiếng, Sức nặng này quá lớn. Độ 13, vào năm tôi hiểu rằng Chúa thấu rõ lời giao ước, tôi tin rằng các Ngài sẽ không bao giờ ép buộc tôi mà không có dự tính.

Linh hồn kiểm soát thân xác, và vì thế mọi thứ đều tồn tại đâu đó trước khi nó đặt chân đến đây. Tôi không bao giờ quên lời dạy này, bởi nó đã trở thành truyền thống, tựa như một dòng huyết thanh truyền qua các thế hệ. Một món quà, được gửi đến miễn phí. Nhưng tôi đã từng đem giấu nó, để không bị xem như kẻ quẫn trí. Đã rất lâu rồi, tôi không mong cầu gì ngoài việc được sống bình đạm, trở thành một người như bao người, tươi trẻ, chẳng vướng sự gì. Có lẽ cần nhiều công sức để trút đi sức nặng của những chữ bình đạm, và nên [là].

Thời gian vô thực, điều đó đúng, nhưng năm tháng trôi đi tựa như những viên nang chứa đựng thời gian. Năm nay qua đi đã khuấy đảo, khiến con người ta bất động trong những con số và lấy đi từ một số trong chúng ta nhiều hơn những người khác, bởi không gì là bình phẳng. Nhiều lúc, tôi vẫn trải qua chuỗi những hạnh phúc, dù thế giới đang đảo điên. Điều đó khả thi chủ yếu là nhờ sự an toàn cùng ân huệ khi được ở trong một ngôi nhà có mái và những bức tường cách biệt tôi với hầu hết mọi thứ, phần còn lại chắc là do lời khước từ thẳng thừng để tin rằng thế giới tôi ước ao vẫn chưa đến. Quả đúng là thế. Đó không phải hy vọng, mà là đức tin, như trong chương 11 Kinh thánh Hebrew định nghĩa là “sự xác tín cho những điều ta hy vọng, là bằng cớ cho những điều ta chẳng nhìn thấy.’’ Năm 2020 đưa tôi trở về thuở lên sáu thêm lần nữa, coi những câu chuyện như cuộc sống mình, tương lai cũng như hiện tại, hiện tại cũng như quá khứ; sắp sự siêu thực lên trên sự thực, thời gian lên trên thời gian. Tôi không biết sẽ thế nào khi nhìn từ bên ngoài. Nhưng có lẽ sẽ cảm thấy an yên nếu như bạn mặc lấy lớp da của tôi.

Bài luận của Tourmaline vào hè năm ngoái đã chỉ dạy tôi về việc mơ mộng tự do. Khái niệm này không mới với tôi – tôi hiểu rõ thế giới tôi trông mong: tôi phân phát điều riêng biệt trải khắp các phương tiện nghệ thuật; hé mở không hồi thu từ chính cuộc sống của tôi – nhưng cái tên cùng với mục đích (của khái niệm này — ND) thì lại khác. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã thực hành rất nhiều, không chỉ cố thu nhỏ thế giới, mà còn thay thế nó. Mỗi khi có hỗn loạn bên ngoài ngôi nhà, tôi biến ngôi nhà thành một thế giới. Mỗi khi có tiếng thất thanh bên ngoài căn phòng, tôi biến căn phòng thành Hỏa Tinh. Mỗi khi bên giường là sự thù ghét nặng trịch, tôi hướng giác quan của mình về cả vũ trụ. Tôi có thể khiến phần tồn tại còn sót lại chết đi đúng thời điểm và biến mọi thứ trở thành vô thực, trừ những hợp âm vang vọng trong bản nhạc, những trang giấy trong cuốn sách hay những gam màu trong bức họa. Tôi có thể rời thế giới này không chút vướng bận, ngồi cạnh bên chính mình và nâng niu đôi tay thần linh nhỏ bé. Người trưởng thành quanh tôi hay gọi nó là mất trí. Nhưng họ đã sai rồi. Tôi chỉ đang hít thở. Chỉ tự do mơ mộng. Chỉ tạo nên cuộc sống hiện tại giờ đây.

Tôi hay cảm nhận thời gian bằng thứ tôi gọi là một cỗ máy chụp thời gian. Tương lai chồng lên quá khứ chất lên hiện tại. Băng, nước, hơi – mọi căn nguyên của vấn đề, tùy theo. Nhưng vào năm ngoái (2020 – ND), thời gian đã đến trong bức tranh The Persistence of Memory (Tạm dịch: Sự Dai dẳng của Ký ức) của danh họa Dalí: tảng sắt đang nóng chảy trên đá tảng, thời gian như đang luồn chảy vào lòng đất, những cây kim cứng băng trên mặt ba chiếc đồng hồ. Đó chẳng phải là điều tất cả chúng ta học được khi thế giới phải ngừng hoạt động vào tháng Ba hay sao? Thời gian vô thực, nguy cấp chỉ là hư cấu, bất kỳ điều gì được cho là nhất định phải hoàn thành giờ đây lại có thể đợi chờ được. Hết thảy chúng ta đều kinh ngạc. Và tôi đã dành thời gian hòng quan sát về điều khiến con người ta kinh ngạc. Nó là rất nhiều thứ khác nhau. Có người kinh hãi khi nghĩ về kết cục của thế giới này; một số cho rằng thế giới này quá độc ác và chính phủ thì tàn bạo; số khác là do họ nhận ra sự bé mọn của bản thân; nhóm khác là do cái chết có thể đến quét sạch thế giới, thứ vẫn cứ thế quay vòng, không chút khoan nhượng. Tôi hiểu được một vài điều trong số đó theo cách khắc nghiệt, và nó không chỉ khiến tâm trí tôi tan vỡ, mà còn khiến thế giới của tôi tan biến, vì thế tôi không chê trách những ai “vất vả mang gánh nặng nề.’’ Nó chỉ là – nó chỉ không phải là lần đầu. Gốc rễ của lẽ phải giờ đây đang sinh sôi vươn xa.

Đứng ở góc nhìn từ 2019, ngoái lại năm vừa qua, tôi đã bình tâm cho bản thân được vui thỏa. Tôi đã chết lặng quá đủ rồi, và tôi nợ bản thân sự tĩnh lặng mà tôi đã gom góp, sự bình yên mà tôi đã hái gặt. Khi một năm bắt đầu hé mở, tôi và một người bạn từng cho rằng chúng ta không khinh sợ bởi bất kỳ loại hình bạo lực nào, nhưng bởi tầm cỡ của nó; bởi khả năng phục hồi và vòng ôm kiên cố của thế giới (điều gì là đủ để khiến nó dừng lại); cũng bởi phiên bản trẻ hơn của chúng ta, cũng từng bị la rầy khi sống trong những câu chuyện kể hơn là thực tế cuộc sống, từng tự phụ cho rằng thực tại đang bị bẻ cong.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều mong cầu về một sự canh tân, điều mới mẻ, về một thế giới mới, nhưng bằng cách nào ta có thể đến được đó? Tôi luôn tự nhủ với bản thân và những người thân thương rằng thế giới trước khoảng lặng này đã được tưởng tượng đến. Thế giới sau đó, giờ đây cũng đang được hình dung. Chúng ta là tất cả mảnh ghép của công cuộc đó. Một lời nhắn nhủ tôi hy vọng chúng ta sẽ mãi lan truyền, bởi nó có cấu trúc kiên cố, được tạo thành không gì ngoài khoảng hư vô. Tôi, từ chính cuộc sống của bản thân, cho rằng đâu đó có một cơn chấn động dữ dội buộc bạn đánh mất lăng kính mà lâu nay vẫn dùng để quan sát thế giới. Đổ vỡ. Mất mát. Vỏn vẹn, không chỉ của riêng ai đó, mà là toàn bộ phương hướng bạn hiểu về việc nhìn dõi. Đâu đó là sự tĩnh lặng chớp nhoáng theo sau. Bạn sẽ không thể xoay chuyển hay trốn chạy khỏi nó; bạn cần phải làm điều gì đó, hay thứ gì đó sẽ hành động vì bạn. Theo lời chỉ điểm, hãy tự chọn cuộc đời và lăng kính để sống sót đi.

Đấy chẳng phải là bài học khai phóng nhất khi trưởng thành sao: khoảnh khắc bạn nhận ra mọi thứ như đều đã được định sẵn, rồi truyền xuống cho bạn như một điều luật không thể lay chuyển. Đối với tôi, ở thực tại, nhận ra điều này cũng giống như đang đảo ngược thời gian để tìm về thời tôi lên 5, lên 7, lên 10. Mãi luôn như thế, đắm chìm trong một bản nhạc, nhào lộn tạo nên bức tranh, dịch chuyển vào trong thước phim, gom góp từng mảnh ghép một – đặc biệt là những mảnh ghép từng khiến tôi bị coi là kẻ xa cách thế gian. Tôi quyết tâm trẻ hóa bản thân, bởi lẽ tôi có nhiều điều muốn dạy cho mình như cách để tỉnh thức trong một thực tại đang tan biến, về cách tạo ra niềm vui từ đống hoang tàn, về cách kết bạn với búp bê, cuộc vui bên ngoài chuyến tàu, ngôi nhà an toàn bên ngoài đống gạch xếp hình. Tôi của nhiều năm trước có nhiều thứ để dạy tôi về đức tin, tin vào những thứ ta chưa thấy. Tôi đã cạnh bên “em” thật nhiều.  

Tôi kể cho em một bí mật. Tôi kể rằng đôi lúc tôi lo ngại trưởng thành là một quá trình dài chung sống với những thứ khó nuốt chỉ để giữ bản thân mình ổn, bởi những bất ổn tâm lý? Nơi đơn côi nhất trong thân thể, nơi đơn côi nhất ở dương gian. Tôi kể em nghe về những tháng ngày mà ngay cả khả năng phục hồi cũng khinh chê, để tôi lại trong nước mắt; rằng tôi không phải lúc nào cũng hiểu rõ về những thứ xung quanh mình hay bằng cách nào người ta vẫn tiến về phía trước, còn tôi chỉ mỉm môi và cười nhẹ bởi nó vẫn hiệu quả. 

Em kể tôi nghe về sử sách. “Nó thật phẳng lì và nhàm chán và em chẳng tin vào nó,” “Em thích chuyện kể hơn. Bởi chúng chân thực.”

Tôi thấy đúng. Chúng chân thật hơn. Chẳng phải điều nguy hiểm nhất là những mẩu chuyện ta không bao giờ được kể về đạo đức thực sự là gì sao?

Tôi không màng giấu giếm em góc tối ấy bởi em đã biết về nó, vì thế tôi kể em nghe về việc nhìn thấy bàn tay của chính phủ Nigeria gạch bỏ tên người dân từ một sự kiện tất cả chúng ta đều trông thấy; cách họ lạm dụng chúng ta tồi tệ mà ta truyền tai nhau lần này đến lần khác: Chúng ta chứng kiến tất cả những điều đã xảy ra. Và thế là đôi khi ta nghi hoặc về đôi mắt của chính mình, âm giọng run lên ngờ vực. Tôi kể rằng họ đã bắn người và nói dối về chuyện đó; rằng trong cuộc biểu tình, chính những người chiến đấu vì công lý đã cố xóa sổ nhóm khác bởi ngoại hình và cách họ yêu thương; và rằng tôi đã thấy một niềm hy vọng lớn lao mà đất nước Nigeria từng đón nhận từ ngày độc lập, nhưng rồi phải vụn vỡ dưới làn đạn của sự đàn áp.

Nước mắt em giàn giụa. Em nói “Tại sao họ lại làm thế? Họ chẳng biết nghĩ sao? Họ thật chẳng biết việc họ làm!”

Tôi la lớn tiếng hơn bao giờ hết, rằng họ biết suy nghĩ, rằng họ biết chính xác họ đang làm gì với mục đích gì. Mọi thảm họa đều có tính toán. Tôi bảo em rằng tôi chẳng còn tin vào lịch sử, bởi bao nhiêu trong đó là lạm dụng và chọn lọc chẳng chút nhân tính? Những điều ta tin có mấy phần được định sẵn cho ta? Tôi giải thích cho em rằng chúng ta luôn sống trong thế giới tưởng tượng có chọn lọc của người khác. Chúng ta chỉ có thể tự do tới khung trời mà chúng ta, và những người thương ta, có thể trông thấy.

Khi tôi hỏi em đang đọc gì, em đáp rằng Malorie Blackman. Em hỏi tôi đang chịu trách nhiệm cho điều gì; chúng ta rồi sẽ đi về đâu, liệu em ấy thực sự cần đến tính toán, liệu chúng tôi làm mọi thứ đúng thời gian. Tôi bảo em quên đi toán học và tập trung vào những câu chuyện, rằng trong nhà tôi không có chiếc đồng hồ nào, rằng ở thế giới của chính mình, chúng tôi chuyển động dựa theo cảm quan — tiếng mưa trong phòng ngủ trải qua làn gió khô, bóng đêm tiếp diễn giữa những bức tường trong khi mặt trời ngoài kia đã nhô cao. Tôi kể em nghe có lúc tôi chẳng thể thấy con đường dẫn tới thế giới tôi ước mong, tôi đã viết nó ra, tôi mường tượng nó bằng hình ảnh và thước phim và bản vẽ như cách em hướng dẫn. Đôi môi em dịu lại khi tôi kể về hàng giờ đồng hồ tôi ngắm nhìn những bức vẽ của Manuja Waldia vào ba năm trước, khi tôi rối trí, bởi những bức tranh ấy khắc hoạ về con người xinh đẹp xoay quanh một cái bàn đáng yêu, tất cả đã no đầy và được yêu thương và được chọn lựa và hạnh phúc — đó là điều tôi ước ao nhất. Tôi kể rằng trong nhà, không gian nơi tôi sống, giờ đây đã có cái bàn ăn đó; rằng nó trở thành thực vì nó có màu sắc; rằng tốn thật lâu để chấp nhận ta không thể tìm ra sự khác biệt, nhưng em đã đúng, cái bàn trong bức tranh cũng là thật như cái bàn trong nhà của bạn vậy. Tôi kể rằng đôi lúc tôi thấy em bay lượn trong những vũ trụ của Paul Davey nơi có những cô gái như em trong những cuộc mạo hiểm hào nhoáng không ngớt, và thực sự, rằng điều làm cho những mộng mơ không vướng bận đáng giá là vì chúng ta không phải là kẻ đầu tiên và duy nhất. Chúng ta là một phần của toàn thể những người đối tốt với ta, nơi giấc mơ của họ chạm đến giấc mơ của ta, và hành động của họ chạm đến hành động của ta.

Ngày lại ngày, tôi chỉ cho em những cô gái trong bức tranh của Ojima Abalaka và họ trông xứng đáng thế nào, đơn giản chỉ là nghỉ ngơi. Và chúng tôi nhảy hàng giờ từ trong bức tranh The Hours behind you của Lynette Yiadom-Boakye. Em múa nhảy, tôi cũng đong đưa theo, vòng xoay cuồng quay.

“Đây là thực ư?” Em hỏi, mồ hôi chảy lên phần lưng của bộ lễ phục màu trắng, mặc dù tôi ít khi mặc váy trắng và thường chỉ mặc màu đen.

“Thực tại là chất nặn dẻo” Tôi nói với em. “Chẳng có gì là thực. Tất cả cũng là thực. Chúng ta có thể đến bất cứ nơi đâu.”

“Vậy thay vào đó bây giờ em hãy suy nghĩ về câu hỏi này và trả lời chị: Tự do là gì?”

Em ấy dừng lại nghĩ ngợi. Cuối cùng, em ấy cũng đáp lại, “Cái này sao?”

Tôi bảo, “Này đây,”

Còn lại gì cần làm với sự siêu thực của tất cả mọi thứ? Ai biết được đây. Đôi khi, tôi xuất hiện tận hưởng khí trời vào giữa tháng mà tôi chẳng thể nhớ được và có một sự mở rộng về bên nào đấy: thời gian tựa như một thân thể vô tận của nước, sóng biển tiếp nối nhau. Càng cần sự tĩnh lặng – kế hoạch lại càng bị bóp quẹo như phần cao su nóng nổi, khoảng không giữa đôi tai lại càng thinh lặng, những con số cùng lời cảnh báo và đau thương càng dâng cao – nào biết đâu mới là chốn bãi biển của hồn tôi. Có đôi lúc, bất chợt, tôi thấy mình thênh thang ở trên tầng mây vào đầu chiều. Lại đôi khi, tôi chẳng muốn buông lời đến độ quên rằng tôi vẫn còn giọng nói. Có quá nhiều điều xảy ra đến mức cần phải phân loại đâu mới là thứ của tôi. Nhưng có lẽ, nơi tôi tới và ở là những thứ thuộc về tôi. Hay hàng ngàn sự ảo và địa chỉ cũng là của tôi. Và việc không gốc gác, không nguồn cội có lẽ cũng là ở tôi. Sự thật thì: để sống sót trong thế giới này, thì tôi không sống trong nó. Tôi sống trong căn hộ tôi mê đắm, cũng có thể là bất kỳ chỗ nào, sống trong tình yêu tôi chọn, trong Đức Chúa, trong nghệ thuật, đằng sau bo mạch chủ của điện thoại, đang cố gắng giữ liên lạc vượt trùng không gian mặc cho tôi mỏi mệt. Mọi thứ là hư cấu. Điều đó di dời trước khi tôi thấy chữ: mọi thứ là hư cấu tất cả hư cấu của tôi có thể biến thành thực tế. Tất cả chúng đã tồn tại. Yêu thương bản thân là đang bảo vệ bộ óc mơ mộng khỏi những sự thật và những thứ cứng nhắc. Nó bảo vệ thế giới của tôi khỏi trần thế, vỗ béo nó bằng đức tin, tráng miệng với niềm xác tín. Tất cả những gì tôi chắc chắn trong thời đại này chính là: Chẳng có gì là thực. Tất cả cũng là thực. Chúng ta có thể đến bất cứ nơi đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất