a
§ Tác giả: Nina Kraus | Nguồn: Nautil
Biên dịch: Thu Trang | Hiệu đính:  K.
26/02/2023

Bài viết được trích từ cuốn Of Sound Mind: How Our Brain Constructs a Meaningful Sonic World, MIT Press xuất bản năm 2021.

Cứ dạo bước trên đại lộ sầm uất, bạn sẽ nghe thấy tiếng xe cộ rầm rì vụt qua ì ạch luồn lách cùng tiếng còi inh ỏi trên những nẻo đường. Thêm vào đó là tiếng đánh kít phanh khí nén xe buýt, tiếng còi báo động từ xa vọng lại, tiếng dàn stereo trên xe xập xình ầm ĩ, điểm xuyết tiếng còi chống trộm, tiếng nhạc phát ra từ các cửa hàng bạn bước qua, và tiếng còi xe tải giao hàng de vào chất dỡ hàng. Tất cả những âm thanh này góp phần tạo nên tấm màn trùm lên cuộc sống đô thị.

Nhìn chung các âm thanh này không chạm hay vượt ngưỡng “không an toàn.” Chúng không có gì mới mẻ hay đáng báo động. Chúng diễn ra hằng ngày và thường có những đặc tính âm thanh nhất quán theo thời gian. Hầu hết mọi người coi những âm thanh này là “tạp âm nền.” Vì vậy, chúng ta có xu hướng mặc kệ chúng. Chúng ta lờ đi những tiếng ồn này. Nhưng liệu có thật đang thật sự lờ chúng đi, hay thực ra vẫn đang liên tục sống trong trạng thái luôn cảnh giác?

Chúng ta đều đã từng trải qua những lúc không để ý một âm thanh nào đó cho đến khi nó biến mất, thường là tiếng điều hoà hay tiếng động cơ xe tải đỗ trên đường. Khi điều hòa hay động cơ tắt, chúng ta đột ngột “nghe thấy” sự tĩnh lặng. Và ta nhẹ nhõm thở phào. Trong phút chốc, ta tận hưởng cảm giác bình yên, cho đến khi các tạp âm này quay lại, hoặc thế chỗ bằng một âm thanh khó chịu khác. Nếu tai của chúng ta không bị tổn thương và ta có thể lờ đi hầu hết chúng đi, liệu ta có còn nên quan ngại nữa? Thật sự  ta cần để ý và quan tâm để bảo vệ sức khỏe não bộ.

people walking on pedestrian lane during daytime
Bước trên con phố, bạn có thể nghe thấy đủ loại âm thanh: tiếng đánh kít phanh khí nén xe buýt, tiếng còi báo động từ xa vọng lại, tiếng dàn stereo trên xe xập xình ầm ĩ, điểm xuyết tiếng còi chống trộm, tiếng nhạc phát ra từ các cửa hàng bạn bước qua, và tiếng còi xe tải giao hàng de vào chất dỡ hàng. Ảnh:

Một môi trường ồn ào có nhiều tác động tiêu cực ít được quan tâm, ảnh hưởng không chỉ riêng về thính giác. Việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, ví dụ như trường hợp những người sống gần sân bay, có thể dẫn tới sự suy giảm tổng thể bao gồm chất lượng cuộc sống, các mức độ căng thẳng  gia tăng cùng với sự gia tăng cortisol – hormone gây căng thẳng, cũng như các vấn đề về học tập và ghi nhớ, thậm chí gây xơ cứng động mạch và các bệnh tim mạch khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với tiếng ồn và những hệ quả từ đó phát sinh – như chứng tăng huyết áp và suy giảm về năng lực nhận thức – được ước tính gây ra một tỷ lệ đáng kinh ngạc trong tổng số năm cuộc đời bị lãng phí do sức khoẻ yếu, khuyết tật, hoặc tử vong sớm.

Tiếng ồn làm gián đoạn việc học hành và khả năng tập trung. Kết quả đọc của những học sinh theo học các trường công tại thành phố New York có sự cách biệt lớn tùy thuộc vào vị trí của lớp học – ở mặt trước, hướng thẳng ra đường tàu chạy trên cao đông đúc, hay ở mặt sau, được che chắn khỏi tiếng tàu chạy. Những học sinh ở mé ồn ào hơn tụt lại từ 3 cho đến 11 tháng trong tiến trình đọc so với bạn bè đồng trang lứa. Sau những phát hiện này, Cơ quan Giao thông thành phố New York đã cho lắp đặt nệm cao su trên đường ray gần trường học, còn Hội đồng Giáo dục đã cho lắp vật liệu cách âm ở các lớp học chịu tiếng ồn nhiều nhất, để cùng giảm đi từ 6 tới 8 decibel âm lượng. Cách biệt trong cấp độ đọc cũng được xóa bỏ không lâu sau đó.

Ảnh hưởng của tiếng ồn không chỉ giới hạn ở các tác vụ vận dụng thính giác hay ngôn ngữ như việc đọc. Trong một thí nghiệm, các đối tượng được yêu cầu dùng con trỏ chuột để theo dõi một mục tiêu trực quan – một quả bóng đang di chuyển – trên màn hình máy tính. Cùng lúc, các quả bóng khác cũng di chuyển trên màn hình. Trong nhóm nghiệm thể tham gia, những ai đã từng tiếp xúc với tiếng ồn trong một khoảng thời gian dài do điều kiện công việc gặp nhiều khó khăn hơn trong lúc thực hiện, đặc biệt là khi có các tạp âm ngẫu nhiên ở nền; họ chậm chạp hơn và không thể theo sát quả bóng mục tiêu.

Trong cuốn Sao Chúng Ta Lại Ngủ, nhà khoa học Matthew Walker đến từ Viện Đại học California-Berkeley đã nhận định tình trạng thiếu ngủ là “thách thức sức khỏe cộng đồng lớn nhất ta phải đối mặt vào thế kỉ 21.” Giấc ngủ ngày càng được công nhận là thiết yếu đối với sức khoẻ, vì nó ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ miễn dịch, và khả năng tư duy của con người chúng ta. Tiếng ồn là một trong những thủ phạm lớn nhất khiến ta mất giấc ngủ buổi đêm. Tiếng ồn – ngay cả với âm lượng nhỏ – ảnh hưởng tiêu cực đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Tiếng ồn khiến ta khó đi vào giấc ngủ và bị tỉnh giấc sớm hơn. Trong lúc ngủ, tạp âm nền ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, thúc đẩy cơ thể dịch chuyển, gây tỉnh ngủ, và làm gia tăng nhịp tim. Tiếng ồn giao thông có thể rút ngắn các chu kỳ ngủ REM (ngủ mơ) và ngủ sóng chậm (ngủ sâu), và tạo cảm giác thiếu khỏe khoắn sau giấc ngủ đêm.

Khi chúng ta thức, sự xâm lấn của các tạp âm “an toàn” lên tâm trí âm thanh có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Trẻ em là bậc thầy tiếp thu ngôn ngữ. Các bậc phụ huynh đều kinh ngạc trước lượng thời gian ngắn ngủi tính từ lần đầu họ chứng kiến con mình thốt ra từ ngữ đầu tiên tới lúc bé nói được những câu hoàn chỉnh. Những mối liên kết từ âm thanh đến ý nghĩa được hình thành hết sức nhanh chóng. Trẻ em không thể cưỡng lại việc học những ngôn ngữ chúng được tiếp xúc – thậm chí là vài ngôn ngữ cùng lúc. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những âm thanh trẻ được tiếp xúc trong độ tuổi vàng này lại là vô nghĩa?

Câu hỏi này rất khó trả lời ở đối tượng con người, vì việc kiểm soát phù hợp mức độ tiếng ồn ngoài môi trường thực tế là bất khả thi. Tuy nhiên, chúng ta có thể trả lời những câu hỏi tương tự trong các thí nghiệm tiến hành trên động vật. Bằng cách kiểm soát thời lượng, âm lượng, và chất lượng tiếp xúc với âm thanh, ta có thể quan sát trực tiếp những tín hiệu điện não – dòng điện của hệ thần kinh – bị ảnh hưởng như thế nào. Điều gì sẽ xảy ra với tâm trí âm thanh khi ta tiếp xúc với tiếng ồn “an toàn”? Liệu những ảnh hưởng này là tạm thời hay vĩnh viễn?

Việc tiếp xúc với tiếng ồn chịu trách nhiệm gây ra những năm trong cuộc đời bị lãng phí do sức khoẻ yếu, khuyết tật, hoặc tử vong sớm.

Thông thường, đến tuổi trưởng thành, vỏ não thính giác của chuột được cấu trúc dựa trên tần số âm thanh. Nói cách khác, vỏ não được sắp xếp như phím đàn piano, các nốt trầm ở một đầu và các nốt bổng ở đầu còn lại. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, các tiếng trầm hay bổng vẫn chưa được ghi nhận vào khu vực vỏ não tương ứng của loài gặm nhấm. Những con chuột đang trong giai đoạn phát triển được nuôi trong môi trường liên tục có tiếng ồn 70 dB – ngưỡng ồn được Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ đánh giá là “an toàn.” Khi đến tuổi trưởng thành, vỏ thính giác của chúng vẫn chưa được phân lập rõ rệt theo tần số âm thanh; độ chênh lệch giữa âm trầm và âm bổng vẫn chưa hình thành.

Kết quả này làm dấy lên lo ngại cho những em bé sơ sinh trong môi trường được coi là ồn ào nhưng chưa đến mức “gây hại,” như trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU). Điều gì có thể xảy ra với tổ chức vỏ não thính giác của một em bé sinh thiếu tháng khi bé phải nghe những tiếng bíp bíp và lạch cạch của hệ thống giám sát y tế, máy thở, và máy nhắn tin, thay vì những âm thanh đặc trưng trong tử cung mà đáng lẽ bé vẫn được nghe nếu như sinh đủ tháng, như tiếng tim đập nhịp nhàng, âm thanh từ hệ tiêu hoá, và giọng nói của mẹ bé qua lớp da thịt? Những em bé sinh non có thể phải trải qua những thách thức trong quá trình sinh trưởng, bao gồm ngôn ngữ và nhận thức, và việc tiếp xúc sớm với tiếng ồn có thể làm trầm trọng thêm những thách thức này.

Các nhà khoa học đã đưa ra những biện pháp để giảm thiểu tiếng ồn trong môi trường NICU. Trong một nghiên cứu, những âm thanh phát ra từ nhịp tim và giọng nói của người mẹ được đưa vào lồng ấp. Các em bé được tiếp xúc với cả những âm thanh “tốt” này cùng những âm thanh không tốt có vỏ não thính giác phát triển hoàn thiện hơn các em bé chỉ được nghe những âm thanh không tốt. Âm nhạc sống biểu diễn trực tiếp trong NICU cũng giúp ổn định nhịp tim các em, làm giảm căng thẳng, và nuôi dưỡng giấc ngủ.

Tình trạng rối loạn tổ chức bản đồ vỏ não vẫn có thể được khắc phục. Ở những con chuột với bản đồ vỏ não dựa trên tần số âm thanh bị tiếng ồn làm rối loạn, một khi tiếng ồn được loại bỏ, tổ chức vỏ não này lại trở nên như mới. Tương tự, sau khi bị tiếng ồn làm hư hại, rối loạn bản đồ vỏ não có thể được giảm thiểu bằng cách cho tiếp xúc với môi trường âm thanh phong phú – gợi nhớ đến ảnh hưởng tích cực của những âm thanh đa dạng dành cho các bé sơ sinh trong NICU. Tâm trí âm thanh liên tục tự làm mới mình.

Liệu sự nhạy cảm của bộ não thính giác với các tiếng ồn “an toàn” có suy giảm theo năm tháng? Các cá thể động vật trưởng thành được đem tiếp xúc với các mức độ tiếng ồn “an toàn,” vẫn trong khoảng 60-70 dB, trong vài tuần. Ngưỡng thính giác của chúng không thay đổi, nhưng phản ứng của vỏ não thính giác với âm thanh thì có, phản ánh một rối loạn về cơ chế xử lý âm thanh dựa trên tần số. Các tần số hiện diện trong tiếng ồn chiếm lĩnh khu vực đáng lẽ thuộc về các tần số khác trong não bộ. Vì vậy, thiệt hại do những tiếng ồn “an toàn” gây ra không giới hạn ở những giai đoạn nhạy cảm trong tiến trình phát triển mà còn ảnh hưởng đến cả người đã trưởng thành.

Với những hiểu biết về thiệt hại sinh học do tiếng ồn “an toàn” gây ra, ta nên xem xét lại việc sử dụng rộng rãi các máy phát tiếng ồn, đặc biệt đối với bộ não đang phát triển. Những thiết bị này, thường được sử dụng để ngăn mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ, không bị các âm thanh trong nhà đánh thức, với mỗi lần chạy từ tám tiếng trở lên, có thể đang bào mòn tâm trí âm thanh và gây ảnh hưởng lâu dài đến khả năng phân tách ý nghĩa từ âm thanh của ta.

Sự xâm lấn của các tạp âm “an toàn” tới tâm trí âm thanh có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.

Chúng ta nên quan tâm đến tiếng ồn bên trong cũng như bên ngoài tâm trí. Âm thanh không được ghi nhận trên một trang giấy trắng. Cũng như tiếng nhiễu trên đài phát thanh mỗi khi chuyển sang kênh phát bóng chày hay kênh âm nhạc, bộ não của chúng ta không bao giờ lặng im. Luôn có một mức độ hoạt động nền – trạng thái phát nhàn rỗi của hệ thần kinh – mà tâm trí âm thanh phải “điều chỉnh” vượt qua. Phản ứng thần kinh với âm thanh phải vượt qua nền điện não này để tiếp nhận âm thanh, nên việc giữ cho trạng thái nhàn rỗi này không quá tải là rất quan trọng.

painting of man
Cả một đời tiếp xúc với tiếng ồn và thiếu kích thích ngôn ngữ, trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát, có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng hiểu âm thanh. Nguồn: Aarón Blanco Tejedor / Unsplash

Phòng thí nghiệm Brainvolts của chúng tôi đã tìm thấy mối liên kết bất ngờ giữa quy mô hoạt động nền của não bộ và sự phát triển ngôn ngữ. Sự truyền đạt ngôn ngữ từ mẹ sang con thường ứng với mức kích thích ngôn ngữ mà trẻ sẽ nhận được, và cũng được sử dụng rộng rãi để đánh giá tình trạng kinh tế-xã hội. Được phân nhóm dựa trên chất lượng truyền đạt từ người mẹ, con cái của những bà mẹ có học thức cao hơn có mức độ hoạt động nền trong não thấp hơn – hay có bộ não ít bị ồn ào hơn. Những đứa trẻ này cũng có tiến trình xử lý các thành phần âm thanh chính xác hơn. Nghĩa là, việc học được cách tạo ra liên kết hiệu quả giữa âm thanh và ý nghĩa khả năng cao sẽ mang lại tín hiệu rõ ràng hơn và giảm hoạt động thần kinh nền, từ đó tiến trình xử lý âm thanh hiệu quả và chính xác có thể diễn ra.

Các gia đình có điều kiện kinh tế-xã hội thấp hơn có nguy cơ phải tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ kém phong phú hơn và có xu hướng sống ở những khu vực ồn ào hơn. Có lẽ mức tạp âm nền của não bộ bị khuếch đại do tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn giao thông và tàu hoả, hay ở gần các khu công nghiệp và tại cơ sở sinh sống đông đúc có tương quan với thu nhập thấp. Bằng chứng ủng hộ cho phân tích này đến từ các thí nghiệm trên động vật, trong đó tiếp xúc với tiếng ồn dẫn đến sự gia tăng tiếng ồn não tự phát – một dạng gia tăng hoạt động trong não – trong trung não và vỏ não thính giác. Vậy nên tiếng ồn bên trong não có thể do tiếng ồn bên ngoài gây ra. Mức độ cao hơn của nền tiếng ồn trong não đang tranh giành “khoảng trống trong não” với những âm thanh quan trọng như lời nói. Cả một đời tiếp xúc với tiếng ồn và thiếu kích thích ngôn ngữ, trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát, có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng hiểu âm thanh.

Chúng ta có thể làm gì với ô nhiễm tiếng ồn, và làm giảm đi tác động của chúng đến tâm trí âm thanh? Việc đầu tiên là nhận thức được tiếng ồn là một tác lực mạnh mẽ và có hại, kể cả những loại tiếng ồn chưa khiến ta phải bịt tai. Ta gần như không thể tránh khỏi tiếng ồn, nên tìm ra giải pháp thật không dễ dàng. Nhưng ta có thể phấn đấu làm giảm tiếng ồn. Để làm được, ta có thể thực hiện các bước từ chính hành vi của mình, từ công nghệ, và từ việc làm phong phú thêm âm thanh. Bước đầu tiên đơn giản là trở nên ý thức hơn trước âm thanh. Bạn có nhận thức được tác hại tiềm ẩn của việc tiếp xúc với các mức độ khác nhau của tiếng ồn “an toàn” chứ?

Hãy tải xuống một ứng dụng đo mức âm thanh trên điện thoại và cảm nhận môi trường âm thanh quanh bạn ở nhà, tại nơi làm việc, khi đi và về từ nơi làm việc, và tại phòng gym. Khi đã có ý thức hơn về các âm thanh xung quanh, hãy tự hỏi, “Liệu chúng có cần thiết không?” Liệu máy sấy quần áo có nhất thiết phải trò chuyện với chúng ta không? Liệu xe ô tô có nhất thiết phải kêu chíu chíu hay dấy còi mỗi khi ta mở hoặc khoá xe không? Cách tắt chức năng này có ngay trong tờ hướng dẫn – và chỉ mất một phút thôi. Liệu Phyllis có nhất thiết phải mở điện thoại ở chế độ loa ngoài, giơ thẳng tay, rồi hét vào điện thoại khi đang đi dọc đường không? Liệu mọi người có nhất thiết phải nghe tiếng trò chơi điện tử của Erik không?

Một trăm năm trước, nếu muốn nghe nhạc, chúng ta phải đi kiếm buổi hòa nhạc, hoặc khả năng cao hơn là phải tự biết cách chơi nhạc. Vì vậy, luôn có yếu tố chủ động tham gia. Ta phải dành thời gian cho âm nhạc, và phần thưởng cho thời gian này là sự hài lòng – và sự gia tăng hoạt động trong mạch phần thưởng của hệ thống não cảm xúc. Dopamine được giải phóng, củng cố tích cực cảm xúc này, và khiến ta muốn quay trở lại với hoạt động âm nhạc. Giờ đây, âm nhạc đã chuyển từ trạng thái âm thanh chủ đạo xuống thành âm thanh nền, từ một tín hiệu thành một tạp âm. Âm nhạc bị áp đặt lên chúng ta tại sân bay, trong thang máy, ở cửa hàng tạp hoá, và trong lúc chờ điện thoại. Thay vì chủ động đích thân tương tác với âm nhạc, chúng ta tự thấy mình coi nó như một nguồn tiếng ồn khác để lờ đi, để nghiến răng chịu đựng. Khi âm nhạc đơn giản là góp phần vào đoạn điệp khúc phiền toái của những âm thanh không mong muốn, nó không điều chỉnh não bộ của chúng ta bằng chủ động tương tác, không dạy chúng ta cách phân biệt những chi tiết quan trọng trong âm thanh, cũng không khơi gợi cảm xúc của ta một cách hiệu quả. Chúng ta đã học cách lờ nó đi. Đây làm sao có thể là điều tốt cho tâm trí âm thanh đang tiến hoá của chúng ta?

Ta có thể phấn đấu làm giảm tiếng ồn. Ta có thể thực hiện các bước sau.

Một cách đơn giản để giảm tiếng ồn là sử dụng nút tai lọc âm. Chúng hầu hết được làm từ bọt xốp, và có thể hữu dụng với kích cỡ vừa-với-hầu-hết-mọi-người, mặc dù bản thân tôi gặp khó khăn với chúng vì ống tai của tôi quá xoắn làm nút rơi ra. Tôi thích loại nút tai bằng sáp vừa khít với viền ống tai và khó rơi ra hơn, đặc biệt là tại phòng gym hoặc khi tôi cần ngủ tại nơi ồn ào. Bạn cũng có thể xem xét các loại nút tai được thiết kế riêng. Chúng thường được gọi là “nút tai cho nhạc sĩ” và được thiết kế để giảm mức độ âm thanh đồng đều trên toàn bộ dải tần số, nên bạn sẽ không bị mất đi các tần số cao hoặc thấp một cách có chọn lọc. Một số nút tai được thiết kế tùy chỉnh có bộ lọc thay thế nhằm giúp bạn giảm âm thanh nhiều hoặc ít hơn tuỳ vào hoàn cảnh. Ví dụ, bạn có thể dùng bộ lọc 8 dB khi đi tàu điện ngầm, nhưng dùng bộ lọc 25 dB khi chơi trống. Trong suốt thời gian hàng năm trời có công trình thi công ở ngoài cửa sổ văn phòng, ngày nào tôi cũng đeo nút tai thiết kế tùy chỉnh. Nhờ vậy, mức độ phiền toái của tiếng ồn với tôi đã giảm đi rất nhiều.

Tai nghe chống ồn chủ động rất hiệu quả trong giảm thiểu các nguồn tiếng ồn liên tục như máy bay hay tàu hỏa. Chúng làm được như vậy thông qua việc tạo và phát các âm thanh ngoài pha cùng lúc với âm thanh không mong muốn. Hai âm thanh đối lập này triệt tiêu lẫn nhau nhưng cũng có thể gây ra nhiều áp lực âm thanh hơn. Một số người, bao gồm cả tôi, có xu hướng cảm thấy mệt mỏi sau một khoảng thời gian đeo các thiết bị này. Cả nút tai giảm tiếng ồn chủ động và thụ động đều có khả năng phát lại âm thanh đa dạng – bạn có thể nghe nhạc, sách nói, hay podcast ở âm lượng thấp hơn dựa trên mức độ đã giảm của tạp âm nền.

Đúng là nhiều lựa chọn tốt nhất cũng có giá thành cao nhất. Khuôn tai lọc tạp âm được thiết kế riêng đắt hơn loại nút tai được sản xuất hàng loạt. Thiết bị quản lý âm thanh trong tai có giá thành cao. Máy trợ thính chống ồn đè nặng lên chi phí chăm sóc sức khỏe vốn đã đắt đỏ. Ngoài kia cũng có những loại máy sấy tóc chạy êm hơn, nhưng chúng đắt gấp đôi các mẫu máy thường. Nhưng cho đến khi cả xã hội chúng ta quan tâm đến tiếng ồn một cách đúng mực hơn, những sản phẩm như trên vẫn sẽ thuộc thị trường ngách và đắt đỏ. Còn lúc này, ta có thể làm những gì ít hoặc không tốn kém cho bản thân mình và những người xung quanh.

Cho đến thập niên 70, chỉ có một số ít các cầu thủ khúc côn cầu đội mũ bảo hiểm, và ở các giải đấu lớn, các cầu thủ thường cởi luôn mũ ngay khi chạy đến đường base. Ngày nay, thật khó tưởng tượng một cầu thủ khúc côn cầu không đội mũ bảo hiểm. Các cầu thủ bóng chày đội mũ bảo hiểm trên đường chạy về base và các biến thể mũ bảo hiểm với phần mở rộng bảo vệ hàm đã trở thành tiêu chuẩn. Giờ đây, chúng ta đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc bảo vệ trước chấn động não. Ngày nay, thậm chí hầu hết những đấng mày râu khờ dại liều lĩnh cũng chịu thắt dây an toàn, và người ta cũng chú ý hơn tới an toàn trong thể thao, đến mức, không biết là tốt hay xấu, nhưng các môn thể thao đối kháng đang dần lụi tàn. Tôi mong rằng, tương tự như trên, chúng ta cũng sẽ ngừng bàng quan trước tiếng ồn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất