“Ý tưởng cố gắng khôi phục mọi thứ trở lại trạng thái nguyên sơ là không khả thi,” theo Melinda Zeder, chuyên gia nghiên cứu, đồng thời là người phụ trách mảng khảo cổ học thế giới cổ đại ở Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Smithsonian.
“Con người cũng là một phần của tự nhiên,” Zeder bắt đầu giải thích. “Cách mà chúng ta thay đổi tự nhiên một phần là do thừa hưởng từ những loài khác. Thử nhìn bọn hải ly hay kiến mà xem. Thay đổi môi trường theo một cách có lợi cho bản thân. Và con người thì là loài cuối cùng tạo nên hốc sinh thái1 của mình.
Những ý tưởng này nằm trong phần kết luận của một bài nghiên cứu mới kéo dài nhiều năm mà Zeder cộng tác với các nhà khoa học đến từ nhiều ngành khác nhau.
Nghiên cứu này cố gắng phá vỡ quan niệm phổ biến rằng con người bắt đầu gây tác động lớn đến những vùng đất hoang dã kể từ cách mạng công nghiệp. Zeder và các đồng nghiệp của mình đặt ra mục tiêu phân tích kỹ việc con người đã thay đổi môi trường sống của mình như thế nào trong lịch sử. Kết luận của họ sẽ gây choáng ngợp cho rất nhiều người và có vẻ sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm giữa các nhà khoa học và những người hoạch định chính sách.
“Một trong những mục đích chính là để gây chú ý với những người đang làm công tác bảo tồn nhằm giúp họ ý thức được về một lịch sử lâu dài và xuyên suốt,” Zeder nói. “Điều chúng tôi muốn làm là khai thác những xu hướng chính trong các cuộc tranh luận của chúng ta và tập trung vào bốn thời kì (địa chất) chính điển hình nhất.”
Theo bài nghiên cứu, bốn thời kỳ chính trong đó con người có những tác động lớn đến môi trường sống bao gồm sự phân tán của con người vào cuối Thế Canh Tân (Pleistocene)2 đến gần như mọi nơi trên thế giới; sự mở rộng của nông nghiệp vào đầu Thế Toàn Tân (Holocene)3; thời kì các hòn đảo bắt đầu bị xâm chiếm; và sự mở rộng đô thị hóa và giao thương vào buổi đầu của Thời đại Đồ đồng (Bronze Age)4.
Thậm chí trước cả khi phát minh ra bánh xe, con người vốn đã gây ảnh hưởng đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Một ví dụ đưa ra bởi nghiên cứu này là sự chuyển đổi đất thành đồng cỏ, bắt đầu từ khoảng bảy-tám nghìn năm trước ở khu vực trung tâm và phía bắc lục địa Á Âu. Các cánh rừng và đồng cỏ cao bị đốt cháy. Những loài mới được du nhập, bao gồm tổ tiên của gia súc hiện nay, sinh sôi và mở rộng trên đà phát triển mới. Lượng nhiệt và ánh sáng phản chiếu lại bầu trời thay đổi cùng với sự chuyển đổi từ rừng sang đồng cỏ; điều này có vẻ là đã gây ảnh hưởng đến hệ thống gió mùa.
Nói cách khác, thậm chí trước cả khi phát minh ra bánh xe, con người vốn đã gây ảnh hưởng đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Việc đánh giá lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên này có được một phần nhờ những công nghệ mới và nhờ kết hợp các công trình nghiên cứu thuộc những lĩnh vực khác nhau. “Một trong những thành tựu đáng ghi nhận nhất trong những phân tích đột phá mà chúng tôi có là việc kết hợp các công trình khảo cổ và ADN cổ,” Zeder nói. “Rất nhiều nghiên cứu [trước đây] chỉ tập trung vào ADN ty thể (mitrochondrial DNA)5, [mà có thể giúp giải thích] ai là tổ tiên của ai. Nhưng bây giờ có những phòng thí nghiệm có thể giúp phân tích ADN chức năng (functional DNA), nhờ đó xác định được các kiểu gen được kích hoạt vào những thời điểm khác nhau nào trong lịch sử.
Theo Torben Rick, giám đốc và quản lý bảo tàng của khảo cổ học Bắc Mỹ (Rick không liên quan đến nghiên cứu mà Zeder là đồng tác giả), kết luận của bài nghiên cứu này gần giống với nghiên cứu của ông về quá trình con người khai thác các loài giáp xác trong lịch sử.
“Chúng tôi chắc chắn đã nhìn thấy những kiểu ảnh hưởng đó,” Rick cho biết. “Ở California, con người từ lâu đã gây ảnh hưởng lên kích cỡ của động vật giáp xác. Có rất nhiều ví dụ về những nơi con người tác động tiêu cực đến môi trường. Thậm chí cả ở Chesapeake, việc nơi đó là một hệ thống sinh thái bền vững [trong 11.700 năm qua] không có nghĩa là những người ở đó không gây ảnh hưởng gì lên hệ sinh thái.”
Một trong những vấn đề lớn nhất được tranh cãi bởi các nhà khoa học ngày nay là ý tưởng về Thế Nhân Sinh (Anthropocene)6. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu với nghĩa hiện nay của nó vào thập kỉ 80 để mô tả khái niệm về một kỷ nguyên địa chất mà trong đó con người trở tác nhân chính gây ra những thay đổi. Thế Nhân Sinh thường được coi là một kỷ nguyên tiếp nối ngay sau Thế Toàn Tân. Một số nhà khoa học đặt sự khởi đầu của Thế Nhân Sinh vào giữa thế kỷ 20. Những người khác tranh cãi rằng Thế Nhân Sinh bắt đầu từ cách mạng công nghiệp vào khoảng cuối thế kỷ 18. Zeder thì có một cách nhìn khác hẳn với vấn đề này (cô từng là đồng tác giả của một bài nghiên cứu khác về vấn đề này).
“Tôi nghĩ rằng Thế Nhân Sinh và Thế Toàn Tân là một,” Zeder nói. “Con người vốn vẫn luôn tự tạo nên hốc sinh thái của mình trong suốt lịch sử phát triển.”
Phần lớn các nhà khoa học nhất trí rằng Thế Toàn Tân bắt đầu từ khoảng 11.700 năm trước, tiếp nối thế Canh Tân. Nhiều loài động vật lớn, bao gồm voi ma-mút, voi răng mấu, và hổ răng kiếm bị tuyệt chủng vào khoảng thời gian này. Con người lúc đó đang tỏa ra khắp mọi nơi trên Trái đất, và đã xâm nhập vào Châu Mỹ, Úc, và nhiều đảo khác. Sinh học đất lúc ấy đang thay đổi. Nông nghiệp đang từ từ trỗi dậy ở mảnh đất Trăng Lưỡi Liềm màu mỡ. Băng đã bắt đầu tan được vài nghìn năm và xu hướng ấm lên cũng đã đang diễn ra.
Nếu Zeder và những đồng nghiệp của cô đúng về việc cho rằng con người là yếu tố gây thay đổi chính trên Trái đất từ cuối Thế Canh Tân, thì có lẽ không thực sự có Thế Toàn Tân. Tất cả đều là Thế Nhân Sinh.
“Tôi đồng ý và tôi cho rằng nó chẳng ảnh hưởng gì,” Rick nói. “Đã có quá nhiều cuộc tranh luận về việc Thế Nhân Sinh bắt đầu từ lúc nào. Có phải nó bắt đầu 200 năm trước cùng cách mạng công nghiệp không? Hay nó bắt đầu vào năm 1945 [thử nghiệm đầu tiên của bom nguyên tử]? Đối với tôi, vấn đề thực sự là, không quan trọng chúng ta nói kỷ nguyên bắt đầu vào lúc nào, con người vốn đã thay đổi môi trường sống của mình trong hàng vạn năm. … Hãy bỏ qua việc nó bắt đầu từ lúc nào và hãy nói về việc chúng ta sẽ phải làm gì. Đó là khía cạnh quan trọng nhất của bài nghiên cứu này. Nếu chúng ta không hiểu về quá khứ, chúng ta đã làm gì sai và làm gì đúng, chúng ta sẽ không thể cải thiện những gì chúng ta đang làm.”
Trong hàng nghìn năm, con người đã thay đổi mảnh đất của mình không chỉ qua việc trồng trọt và săn bắn, mà còn qua cả việc vận chuyển những loài xâm lấn7. Một số loài là vô tình bị mang theo, còn một số là được vận chuyển có chủ đích trong quá trình di cư nhằm cung cấp thức ăn và những tài nguyên khác cho con người. Tác giả bài nghiên cứu viết, “Ở [các đảo thuộc] Đông Nam Á, con người vận chuyển nhiều loài thuần hóa khác nhau, như các giống hươu, linh trưởng, cầy hương, cáo có túi, chuột túi wallaby, chim, chuột chù, chuột, và thằn lằn để làm cho môi trường sống có lợi hơn cho sự sinh tồn của mình.”
Một trong những câu hỏi cơ bản mà những người làm trong ngành chính sách bảo tồn cần đặt ra mang tính triết học: Liệu loài người có phải một phần của tự nhiên, hay chúng ta là những kẻ ngoài cuộc?
Khi chính phủ và các tổ chức bảo tồn làm việc để cải tạo môi trường sống, Zeder và những tác giả khác kêu gọi những tổ chức đó cân nhắc kỹ càng xem họ đang phục hồi những môi trường đó thành cái gì. Trạng thái rừng ở châu Mỹ vào năm 14918 hay lãnh nguyên9 vào năm 1900 không hẳn là một thời điểm tốt đẹp để quay trở lại. “Thực sự rất khó để biết được đâu là loài xâm lấn và đâu là loài bản địa,” Zeder nói. “Một số loài chúng ta nghĩ là bản địa thì ngày hôm trước lại là loài xâm lấn.”
Một trong những câu hỏi cơ bản mà những người làm trong ngành chính sách bảo tồn cần đặt ra mang tính triết học: Liệu loài người có phải một phần của tự nhiên, hay chúng ta là những kẻ ngoài cuộc? Zeder nhìn nhận con người – và xu hướng chúng ta biến đổi môi trường sống thành một cái gì đó có lợi hơn cho sự tồn tại của mình – là một phần của tự nhiên. Nhưng cách nhìn nhận này của cô không có nghĩa là thờ ơ, cho qua khi một loài khác đang bị tuyệt chủng vì hành động của con người.
“Vậy thì chúng ta có nên coi mình như một sinh vật bề trên có quyền quyết định loài nào tồn tại và loài nào phải ra đi không?” Zeder đặt câu hỏi. “Nhưng chúng ta không phải là bề trên theo kiểu biết tất cả mọi thứ và có thể quyết định loài nào quan trọng và loài nào không. Điều thực sự quan trọng… là công cuộc bảo tồn môi trường của chúng ta đang hướng đến việc quay trở lại một môi trường nguyên sơ, một trạng thái không chịu sự ảnh hưởng của con người. Đây không phải là một cách tiếp cận thực tế. Những gì chúng ta đang định nghĩa là ‘nguyên sơ’ vốn đã chịu ảnh hưởng bởi con người rồi. Hiểu được điều này rất quan trọng cho việc quản lý môi trường.”
“Có một kiểu truyền thuyết là có một thời kỳ nguyên sơ nào đó trong quá khứ gần đây hay hiện tại mà chúng ta có thể nghiên cứu để tìm ra cách quay lại thời kì đó,” Rick giãi bày. “Nhưng chuyện có một thời kỳ như vậy thật hoang đường. Chúng ta vốn đã luôn là một phần của môi trường. Chúng ta vốn luôn gây tác động lên nó. Nguyên sơ không hề thực tế một chút nào. Vậy sự cân bằng chúng ta muốn có là gì? Kiểu môi trường chúng ta muốn phục hồi là như thế nào?”
Phần lớn các nhà sinh thái học và các nhà khảo cổ học đồng ý rằng hệ sinh thái Bắc Mỹ vốn đã bị mất cân bằng từ trước khi Christopher Columbus lần đầu đặt chân lên đảo Hispaniola10. Những gì được mô tả bởi những nhà thám hiểm và tự nhiên học đến từ châu Âu thời kỳ đầu không phải là một mục tiêu bảo tồn bền vững nên được hướng tới. Vậy chúng ta nên lấy gì làm mục tiêu phục hồi thiên nhiên?
“Mười nghìn năm trước là một mốc thời gian tốt để chúng ta nghiên cứu,” Torben tuyên bố. “Khi đó con người là một phần của hệ thống khí hậu gần tương tự như ngày nay. Điều chúng ta không muốn là chuẩn bị trước để thất bại.”
Hốc sinh thái – Ecological niche – là một thuật ngữ dùng để miêu tả một loài hay một quần thể phản ứng thế nào với những điều kiện tài nguyên và cạnh tranh với các loài khác trong môi trường sống của mình, qua đó lại thay đổi chính những điều kiện tự nhiên đó và vì vậy thay đổi môi trường sống của những loài khác. Có thể hiểu ý của câu này là con người, như bao loài khác, cũng chỉ là thay đổi môi trường tự nhiên để có lợi cho sự sinh tồn của mình. Những loài vật khác vốn đã thay đổi môi trường xung quanh chúng kể từ khi chúng tồn tại, và con người là tác nhân thay đổi cuối cùng.↩
Thế Canh Tân – Pleistocence – là một kỷ nguyên địa chất kéo dài trong khoảng từ 2.558.000 đến 11.700 năm trước. Giai đoạn này được đánh dấu bởi những thời kỳ băng hà lặp đi lặp lại, và thời điểm cuối Thế Canh Tân cũng là thời kỳ băng hà cuối cùng. Kỷ nguyên này cũng chứng kiến sự tiến hóa của loài người để có đặc điểm giải phẫu như người hiện đại ngày này, và sự lan tỏa của con người đến các nơi khác nhau trên thế giới vào cuối kỷ nguyên.↩
Thế Toàn Tân – Holocene – là kỷ nguyên địa chất tiếp nối Thế Canh Tân trước đó, bắt đầu từ khoảng năm 9.700 trước Công Nguyên và diễn ra cho đến bây giờ. Đây là thời kỳ đánh dấu sự sinh sôi và ảnh hưởng ngày một tăng của con người đến môi trường sống, cùng với sự phát triển của các nền văn minh và sự chuyển đổi theo hướng đô thị hóa như ngày nay.↩
Thời đại Đồ đồng – Bronze Age – là một thời kỳ đánh dấu bằng việc sử dụng kim loại đồng, chữ tượng hình dạng nguyên sơ (proto-writing) và những dấu hiệu khác trong buổi đầu văn minh loài người. Không có một mốc thời gian cụ thể và thống nhất trên toàn thế giới cho thời kỳ này, bởi thời điểm mỗi khu vực trên thế giới bắt đầu sử dụng đồng lại khác nhau.↩
ADN ty thể là loại ADN nằm trong ty thể, một bào quan của tế bào nhân chuẩn có chức năng chuyển đổi năng lượng hóa học trong thức ăn thành dạng năng lượng các tế bào có thể sử dụng được, ATP (adenosine triphosphate), mà chúng ta thường gọi là đồng xu năng lượng. ADN ty thể chỉ chiếm một phần nhỏ lượng ADN trong tế bào nhân chuẩn. Phần lớn ADN nằm trong nhân tế bào.↩
Thế Nhân Sinh – Anthropocene – dùng để chỉ thời kỳ mà con người bắt đầu có những tác động lớn lên cấu tạo địa chất và hệ sinh thái của Trái Đất. Không có một sự thống nhất rộng rãi và rõ ràng về thời gian cụ thể của thời kỳ này.↩
Nguyên gốc tiếng Anh: Invasive species – chỉ những loài thực vật hoặc động vật được du nhập từ nơi khác và nhanh chóng sinh sôi, phát triển ở nơi chúng được mang đến, đe dọa sự tồn tại của các loài thực/động vật bản địa.↩
Trong cuốn sách 1491: New Revealations of the Americas Before Columbus (Tạm dịch: 1491: Những tiết lộ mới về châu Mỹ trước khi Columbus đến), nhà văn Charles C. Mann đã tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới từ nhiều ngành khác nhau và cho thấy là thiên nhiên ở châu Mỹ trước khi được khám phá không hề nguyên sơ như quan niệm phổ biến. Từ trước khi Columbus đặt chân đến lục địa này, những người dân bản địa đã có dân số rất lớn và tác động nhiều đến hệ sinh thái cũng như cảnh quan tự nhiên ở đây.↩
Nguyên gốc tiếng Anh: Tundra, chỉ kiểu thảm thực vật ở vùng cực hoặc núi cao, nơi các cây thân gỗ không thể phát triển do điều kiện tự nhiên là nhiệt độ thấp và mùa sinh trưởng ngắn. Những kiểu thực vật phổ biến ở đây gồm có các cây bụi, cây họ cói, rêu, và địa y.↩
Đảo Hispaniola thuộc quần đảo Atilles, là đảo lớn thứ hai ở vùng Caribe sau Cuba. Đây là nơi đầu tiên Christopher Columbus đặt chân đến khi ông khám phá châu Mỹ vào năm 1942 và 1943.↩
Kiến trúc sư Bjarke Injels : Chúng ta đang sống trong kỷ Nhân Sinh, thời kì mà con người có sự chi phối mạnh mẽ nhất đến môi trường tự nhiên, chúng ta tác động rất nhiều đến sinh thái, khí hậu. Có vẻ như chúng ta đang đi ngược quy trình tiến hoá, bởi theo Darwin, tiến hoá là khả năng thích nghi của sinh vật, còn chúng ta lại thay đổi tự nhiên theo hướng có lợi cho chúng ta. Vì thế, khả năng cải tạo cả hành tinh là hoàn toàn có thể. Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao. Chúng ta vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội để tạo nên một thế giới trong mơ.