a
§ Tác giả: Lucy Jones | Nguồn: BBC
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
18/08/2016

Nếu bạn dám, hãy gặp loài giun móc Cựu Thế Giới (Old World hookworm). Thịt của chúng có màu hồng xám, và đầu thì hơi vẹo ra khỏi phần thân một cách kì dị. Chúng có một cái miệng rộng, gần như lớn bằng đầu, với hai cặp răng nhọn gai góc. Chúng trông như một ngón tay với hàm của một con cá mập trắng. Và chúng là một loài ký sinh.

Loài giun này sống trong ruột của những động vật lớn, bao gồm cả con người. Nó bám vào thành ruột bằng răng của mình, và hút máu vật chủ. Theo cách này, giun móc phát triển bằng cách làm vật chủ của mình yếu đi. Giống như mọi loài ký sinh khác, nó chỉ lấy và không cho đi gì cả.

Có chắc là cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn nếu cái thứ chuyên đi hút dinh dưỡng và chẳng có gì tốt đẹp này không còn nữa? Giả dụ tất cả các loài ký sinh trên thế giới đều biến mất sau một đêm. Liệu tất cả những động vật khác có khỏe mạnh hơn, và không phải chịu khổ sở nữa không? Ngạc nhiên là, một thế giới không có những loài ký sinh có lẽ sẽ không dễ chịu hơn. Có lẽ sẽ vẫn có chừng đó những bệnh tật và sự đau đớn như bây giờ, nhưng phần lớn những vẻ đẹp của thế giới tự nhiên sẽ bị biến mất. Và có lẽ tồi tệ nhất là, chúng ta có thể chẳng làm tình nữa.

Có hàng triệu các loài ký sinh khác nhau. Từ “ký sinh” (parasite) có nguồn gốc từ một từ tiếng Hy Lạp là “parásitos”, có nghĩa là “kẻ ăn tại bàn của người khác”. Các loài ký sinh lây nhiễm và sống dựa vào những loài khác, gọi là vật chủ, kiếm lời từ sự mất mát của nạn nhân mà chúng chọn lựa.

Có cả một vũ trụ rộng lớn của các loài ký sinh.

Các loài ký sinh không chỉ có giun: Nhiều nhóm sinh vật có một vài thành viên là động vật ký sinh. Rất nhiều loài nấm là ký sinh, bao gồm cả sinh vật lớn nhất trên Trái Đất, một loại nấm mật ong trải dài 2.4 miles (khoảng 3.8 km) dọc dãy Blue Mountains ở bang Oregon, Hoa Kỳ. Cũng có cả thực vật ký sinh như cây tầm gửi, chưa nói đến bọ chét và chấy rận, virus và vi khuẩn. Thậm chí một số loài chim cũng ký sinh: Chim cúc cu là loài nổi tiếng nhất, nhờ cái thói quen mặt dày đẻ trứng vào tổ người khác của chúng.

Một con chim cúc cu non được nuôi trong tổ loài chim khác. Nguồn: Wikipedia
Một con chim cúc cu non được nuôi trong tổ loài chim khác. Nguồn: Wikipedia

Các nhà khoa học ước tính rằng khoảng 50% toàn bộ các loài sinh vật là loài sống ký sinh. “Có cả một vũ trụ rộng lớn của các loài ký sinh,” chuyên gia ký sinh học Andres Gomez của ICF International tại Washington DC cho biết. “Chúng đông như quân Nguyên, tràn lan khắp nơi, vô cùng đa dạng, và hết sức quan trọng.”

Rõ ràng là, nếu chúng ta loại bỏ hết các loài ký sinh, thế giới sẽ trở nên rất khác biệt. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt thậm chí trước khi ngày đầu tiên kết thúc.

“Trong vòng vài giờ, hàng triệu người nghèo sẽ khỏi những căn bệnh kinh niên như sốt rét, sán máng, và giun đũa,” Kevin Lafferty tại Trung tâm Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (the United States Geological Survey) ở Santa Barbara, California nói. “Mọi người có thể sẽ làm việc chăm chỉ hơn và tận hưởng cuộc sống của họ nhiều hơn. Gia súc và mùa màng của họ cũng sẽ khỏe hơn nữa.”

Nhưng kỳ trăng mật này không kéo dài. Đầu tiên là, cơ thể chúng ta sẽ phản kháng lại điều này. “Loại bỏ những loài ký sinh có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, vì chúng ta đã cùng tiến hóa với chúng trong cả một thời gian dài,” Jaap de Roode tại Đại học Emory giải thích. “Việc này sẽ không tốt cho chúng ta.”

Theo “giả thuyết vệ sinh” (hygiene hypothesis), hệ miễn dịch của chúng ta đã tiến hóa để chống chọi với một lượng các bệnh truyền nhiễm nhất định. Vậy nên nếu chúng ta không bị tiếp xúc với loài ký sinh và các loại bệnh khi còn nhỏ, hệ miễn dịch sẽ không phát triển đúng và có thể bắt đầu tấn công chính cơ thể chúng ta. Điều này có thể giải thích tại sao rất nhiều người hiện nay, vì sống trong môi trường sạch sẽ, lại bị dị ứng và xảy ra tình trạng bệnh tự miễn (autoimmune disease)1. Nếu chúng ta không được tiếp xúc với bất kỳ loại ký sinh nào, chúng ta có thể còn chịu nhiều hậu quả hơn từ những loại bệnh này.

Hơn nữa, thứ bị rối loạn không chỉ có hệ miễn dịch của chúng ta.

Cũng như việc làm hại con người, các loài ký sinh khống chế số lượng côn trùng ăn thực vật và các loài ta gọi là sâu bọ. Lafferty cho rằng, chỉ trong vài tháng (sau khi ký sinh biến mất), số lượng những loài này (côn trùng và sâu bọ) sẽ tăng lên và gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng. Kết quả là, chúng ta sẽ phải dùng nhiều thuốc trừ sâu hơn, gây ảnh hưởng đến động vật hoang dã. Và thậm chí là kể cả có thêm thuốc trừ sâu, thì “vẫn sẽ có những người bị đói,” Lafferty nói.

Và một vai trò của ký sinh trong hệ sinh thái là giữ dân số của các quần thể sinh vật trong chừng mực cho phép. Nếu không có ký sinh, dân số của các loài khác nhau có thể bùng nổ.

“Hầu như tất cả các loài vật bạn có thể nghĩ đến đều có ký sinh,” Levi Morran tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia cho biết. “Và một vai trò của ký sinh trong hệ sinh thái là giữ dân số của các quần thể sinh vật trong chừng mực cho phép. Nếu không có ký sinh, dân số của các loài khác nhau có thể bùng nổ.”

Nếu không có ký sinh, chúng ta sẽ bắt đầu phải diệt trừ những loài mà số lượng có thể bùng nổ, Morran nói. “Và điều đó sẽ rất khó khăn, là một thứ mà con người trước đó chưa từng trải qua,” ông nói. “Chúng ta sẽ phải giết rất nhiều thứ, mọi chuyện vì vậy sẽ trở nên mệt mỏi.”

Và không chỉ có chúng ta thực hiện công việc giết chóc. Sẽ có một lượng lớn các động vật và thực vật, mà đáng ra trong thế giới ngày xưa đã chết bởi ký sinh. Phải có một thứ gì đó ăn chúng.

“Thiên nhiên thực sự không thích có khoảng trống,” Lafferty nói. Kết quả là, những động vật ăn thịt như nhện hay chim sẽ thay thế các loài ký sinh đã biến mất. Qua nhiều năm, những loài ăn thịt này trở nên đông đảo hơn, và về lâu dài nhiều loài tương tự sẽ xuất hiện.

Mối đe dọa tăng lên từ những loài ăn thịt này sẽ biến đổi nhiều loài động, thực vật. Sau một vài thế kỷ, Lafferty nói, tiến hóa sẽ thay đổi “những kiểu tự vệ mà động vật và thực vật phát triển: xương sống nhiều hơn, vỏ dày hơn, các chất hóa học khó nhằn hơn.”

Nhìn toàn diện thì không rõ điều này có ý nghĩa gì cho cả hệ sinh thái, nhưng nó có thể là tin xấu. “Sự ổn định của những lưới thức ăn này có thể hoặc tăng lên hoặc giảm đi – chúng ta chỉ mới đang bắt đầu tìm hiểu vấn đề này thôi – nhưng tôi đoán câu trả lời sẽ là giảm đi,” Lafferty nói.

Những thay đổi này có thể đặc biệt nghiêm trọng trong các đại dương, theo Luis Zaman tại Đại học Washington ở Seattle. Biển cả có đầy rêu và các vi sinh vật lấy năng lượng từ mặt trời. Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chúng là nguồn thức ăn cho các động vật biển. Nhưng chúng cũng “liên tục phải chống chọi với các loại virus,” Zaman nói, và điều này kiểm soát số lượng của chúng.

“Nếu không có những virus này, khó có thể nói điều gì sẽ xảy ra,” theo Zaman. “Một khả năng là đại dương sẽ biến này những tấm thảm xanh dày làm bằng các loài rêu và tảo, như những gì bạn vẫn thường thấy ở các ao nhỏ bên đường.”

Cũng như việc kiểm soát dân số của các quần thể này, các loài ký sinh còn có một tác động lâu dài: chúng thúc đẩy sự tiến hóa của các loài mới

Đây là tin xấu cho tất cả mọi sinh biển khác. “Lấy tất cả các loài ký sinh ra khỏi hệ sinh thái, và cả hệ thống sẽ sụp đổ,” Zaman nói. “Những thay đổi có thể sẽ tốn thời gian, và có thể sẽ dao động dữ dội giữa hai trạng thái, thực vật sinh sôi và sa mạc khô cằn, nhưng gần như chắc chắn kết cục sẽ không tốt đẹp.”

Cũng như việc kiểm soát dân số của các quần thể này, các loài ký sinh còn có một tác động lâu dài: chúng thúc đẩy sự tiến hóa của các loài mới. Vâng, đúng là như vậy: Chúng ta phải cảm ơn các loài ký sinh vì phần lớn sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất.

Đó là vì các vật chủ và ký sinh luôn ở trong một cuộc chạy đua tiến hóa với nhau, việc này thúc đẩy chúng cùng sinh tồn tốt hơn. “Khi vật chủ và ký sinh tương tác, chúng tạo ra một nền tảng đầy tiềm năng cho sự đồng tiến hóa (co-evolution),” Morran nói. “Sự đồng tiến hóa vật chủ-ký sinh này là nguyên nhân cho một lượng khổng lồ những thay đổi tiến hóa trong lịch sử sự sống của trái đất.”

Trong nghiên cứu công bố năm 2014 của mình, Zaman giả lập quá trình tiến hóa của sinh vật bằng một mô hình trên máy tính, và phát hiện ra là ký sinh buộc những vật chủ của chúng trở nên phức tạp hơn. Khi ông đột ngột loại bỏ ký sinh, các vật chủ trở nên ít phức tạp và giống nhau hơn.

Trong thực tế, Zaman nghi ngờ rằng loại bỏ ký sinh sẽ không chỉ khiến các sinh vật trở nên đơn giản hơn. “Tôi cá là chúng ta thậm chí còn thấy một tốc độ tuyệt chủng kinh hoàng,” Zaman nói. “Nghiên cứu đã nhiều lần cho thấy ký sinh là yếu tố tác động quan trọng và giúp duy trì đa dạng (sinh học).”

Chúng có lẽ cũng khiến các loài động vật trở nên quyến rũ hơn trong con mắt bạn tình của mình nữa.

Không có một nghi thức tán tỉnh nào tuyệt hơn nghi thức của loài chim đinh viên (bowerbirds). Sống trong các khu rừng ở New Guinea và Úc, các con chim đinh viên đực tạo ra những công trình nghệ thuật đẹp đẽ để thu hút bạn tình. Chúng tạo một “căn phòng”2 từ cành cây, và trang trí với những vật có màu sắc tươi sáng như trái cây, vỏ ốc, và thậm chí là những đồ vật của con người như bút viết. Các con cái sẽ chỉ làm tình với những con đực có căn phòng đạt chất lượng tuyệt hảo.

"Căn phòng" chim đinh viên (bowerbird) tạo ra để thu hút bạn tình. Nguồn: Wikipedia.
“Căn phòng” chim đinh viên (bowerbird) tạo ra để thu hút bạn tình. Nguồn: Wikipedia.

Có một học thuyết cho rằng sự tiến hóa của màn phô diễn phi thường này được thúc đẩy bởi ký sinh. Nó tương tự như những đặc tính sinh sản tuyệt diệu khác, chẳng hạn những chiếc lông đẹp tuyệt trên đuôi công, cái bờm kiêu hãnh của sư tử, và cặp sừng khoe mẽ của loài cừu.

Vào đầu thập niên 80, W. D. Hamilton và Marlene Zuk nghiên cứu các hoạt động tình dục của các loài chim Bắc Mỹ. Họ phát hiện ra là các loài vật dễ bị nhiễm ký sinh hút máu thì thường tỏ vẻ khoe mẽ hơn: các con đực và cái đều có màu sắc rực rỡ, và con đực thì hót hay hơn.

Hai nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng cho rằng những đặc tính mạnh mẽ của con đực như đuôi công là một kiểu huân chương danh dự. Chúng như một thông điệp nói với con cái rằng, tôi đã chống chọi với những loài ký sinh thành công mà vẫn còn dư năng lượng (để tạo ra cái đuôi màu sắc đắt tiền này). Một con cái nên chọn một con đực với những đặc tính tột bậc như vậy, bởi nó gợi ý rằng thế hệ con sẽ thừa hưởng khả năng chống chọi bệnh lây nhiễm của bố chúng.

Lợi ích chính của việc giao phối (hay sinh sản hữu tính) là nó đổi chỗ các gene, cho phép động vật sản sinh ra thế hệ con khác biệt với cha mẹ. Ký sinh có thể là động lực cho sự quay vòng gene nhanh chóng này bằng cách bắt vật chủ liên tục tiến hóa.

Điều tương tự cũng đúng với những đặc tính thu hút sinh dục ở người, de Roode cho biết. “Một vài người nghĩ khả năng tạo ra âm nhạc, hay thậm chí là suy nghĩ về đa dạng sinh học của não bộ chúng ta, có thể là kết quả của chọn lọc sinh dục (sexual selection)3 – mà ký sinh được cho là một yếu tố thúc đẩy chính của quá trình này.”

Cũng như việc thúc đẩy sự tiến hóa của màn tán tỉnh khoa trương, ký sinh có thể là tác nhân chính cho sự tồn tại của tình dục ngay từ ban đầu. Lợi ích chính của việc giao phối (hay sinh sản hữu tính) là nó đổi chỗ các gene, cho phép động vật sản sinh ra thế hệ con khác biệt với cha mẹ. Ký sinh có thể là động lực cho sự quay vòng gene nhanh chóng này bằng cách bắt vật chủ liên tục tiến hóa.

Ý tưởng cho rằng động vật phải luôn tự cải thiện bản thân để tồn tại trong một thế giới cạnh tranh được gọi là giả thuyết Nữ Hoàng đỏ (Red Queen hypothesis). Nó được đưa ra vào năm 1973 bởi nhà tiến hóa sinh học Leigh Van Valen. Van Valen đặt cái tên này theo một đoạn văn trong cuốn Through the Looking Glass (Tạm dịch: Nhìn qua tấm gương) của Lewis Carroll, trong đó Nữ hoàng Đỏ bảo Alice rằng trong thế giới của tiểu thuyết “nhà ngươi phải chạy hết sức mình, chỉ để ở nguyên tại chỗ.” (“It takes all the running you can do, just to keep in the same place”).

Có chứng cứ thực nghiệm chứng minh rằng sinh sản hữu tính giúp động vật chống chọi với ký sinh. Vào năm 2011, Morran cho thấy là vi khuẩn lây nhiễm có thể loại bỏ hoàn toàn các quần thể giun vô tính, trong khi giun có quan hệ tình dục thì sống sót.

Vậy nếu ký sinh thúc đẩy sự tiến hóa của tình dục, thì việc loại bỏ ký sinh có làm động vật không quan hệ nữa? Đây là một khả năng có thể xảy ra, Morran nói. “Nếu chúng ta loại bỏ ký sinh, sự vô tính sẽ trở nên phổ biến hơn.” Những sinh vật nhỏ hơn sẽ dừng (sinh sản hữu tính) sớm hơn, ông nói. Với loài người thì việc quan hệ đã gần như là một thứ mặc định, nên sẽ mất thời gian lâu hơn để chúng ta trở nên vô tính hoặc tự sinh sản (self-fertilizing). Nếu điều này có xảy ra, chúng ta sẽ có những bộ gen giống nhau hơn.

Loài người sẽ biến đổi hoàn toàn nếu chúng ta ngừng làm tình. Con đực thậm chí có thể thành ra lỗi thời, Lafferty nói. “Ở những khu vực hiếm các loài ký sinh, ốc sên đực bắt đầu biến mất, chỉ còn lại các con cái có khả năng tự sinh sản,” ông cho biết.

Vậy nên thay vì cố gắng loại bỏ các loài ký sinh, một số nhà khoa học đề xuất chúng ta nên bảo tồn chúng, cũng như việc chúng ta chăm sóc gấu trúc và hổ vậy. Xét bề ngoài thì ý tưởng này nghe thật nực cười, nhưng Gomez tin rằng những loài vật này đáng được bảo vệ. Trong một nghiên cứu công bố năm 2013 của mình, ông lập luận rằng ký sinh có thể đóng vai trò trong việc tổ chức hệ sinh thái, và một loại ký sinh thường bảo vệ vật chủ của nó không bị tấn công bởi những loại ký sinh khác nguy hiểm hơn.

Chúng thậm chí còn có ích trong việc tạo ra thuốc thang. Virus là một kiểu ký sinh, và rất nhiều trong số chúng có vật chủ là vi khuẩn. Vậy nên nếu một người bị nhiễm khuẩn, thì một loại virus ký sinh trên vi khuẩn đó có thể dùng để chữa bệnh – thay vì những kháng sinh thông thường, phương pháp đã bị sử dụng ồ ạt và quá liều. Hiện tại những “liệu pháp thế thực khuẩn” (phage therapy)4 kiểu này chỉ được dùng ở Nga, Ba Lan, và Georgia, nhưng các nước khác đang cân nhắc nghiêm túc hơn về việc này. Cơ quan Quốc gia Hoa Kỳ về các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm (The US National Institute of Allergy and Infectious Diseases) gần đây đã công bố kế hoạch sử dụng virus để chống lại các vi khuẩn kháng kháng sinh (antibiotic-resistant bacteria).

Các loài ký sinh đang bị đe dọa bởi rất nhiều những yếu tố mà cũng ảnh hưởng đến các loài khác: như thay đổi khí hậu, ô nhiễm, và sự xuống cấp của môi trường sống. Tuy nhiên, bảo tồn chúng không phải là một việc dễ dàng. Liệu có ai, thay vì cứu tê giác, sẽ đồng ý góp tiền để bảo vệ ruồi trâu tê giác, một loài côn trùng to khủng khiếp có nhộng phát triển trong dạ dày tê giác không?

Đây là một vấn đề các nhà bảo tồn đang phải đối mặt. Trong khi đó, nếu bạn vẫn còn bị hấp dẫn bởi viễn cảnh một thế giới không có ký sinh, bạn có lẽ muốn cân nhắc việc viễn cảnh này không thể tồn tại lâu.

Thay vì thế, những loài ký sinh mới sẽ sinh sôi gần như ngay tức thì. “Là một loài ký sinh có quá nhiều lợi ích,” Morran nói. “Tôi đồ rằng nếu bạn lấy hết các loài ký sinh ra khỏi trái đất, thì cũng sẽ chẳng mất nhiều thời gian để những loài mới thay chỗ chúng.”


  1. Bệnh tự miễn, autoimmune disease, là một trạng thái bệnh lý xảy ra khi cơ thể không phân biệt được kháng nguyên lạ và có phản ứng miễn dịch chống lại chính các tế bào của cơ thể.

  2. Nguyên gốc Tiếng Anh: bower, chỉ một nơi dễ chịu, râm mát dưới tán cây hoặc dưới bóng của dàn dây leo.

  3. Chọn lọc sinh dục, sexual selection, là một cách thức của chọn lọc tự nhiên trong đó một cá thể chọn một cá thể khác giới cùng loài để giao phối, hay sinh sản hữu tính, và cạnh tranh với những cá thể cùng giới khác.

  4. Liệu pháp thế thực khuẩn, phage therapy, là một liệu pháp chữa trị những bệnh truyền nhiễm bởi vi khuẩn bằng cách sử dụng bacteriophage, tức virus gây bệnh cho chính những vi khuẩn đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Nghịch lý tinh trùng khổng lồ
Một trong những quy luật của sinh học chính là sự rẻ-tiền và sản-xuất-đại-trà của tinh trùng. Nhưng khi điều này dường như bị phá vỡ, nó có ý nghĩa gì với sinh học hay là định kiến về hai giới tính?
Mới nhất