Một chiều tháng Tư năm 1929, một người đàn ông rụt rè với khuôn mặt rộng đến Viện Giáo dục Cộng sản Mát-xcơ-va (Moscow’s Academy of Communist Education) để tìm gặp chuyên gia về trí nhớ. Người đàn ông đó, sau này được ghi chép lại trong các tài liệu tâm lý học với tên gọi là S., được sếp của mình, biên tập viên chuyên mục tại một thời báo Mát-xcơ-va, nơi S. làm phóng viên, gửi đến. Sáng hôm đó, biên tập viên này thấy S. không ghi chép lại các công việc được giao nên đặt câu hỏi. S. đã giải thích rằng ông không cần phải viết ra vì đơn giản là ông đã nhớ tất cả. Biên tập viên cầm lấy một tờ báo và đọc lên một đoạn dài, thách thức S. lặp lại. Khi S. lặp lại đúng nguyên văn những gì đã nghe, biên tập viên đã gửi ông đi kiểm tra đầu óc.
Gặp S. ngày hôm đó là nhà nghiên cứu hai mươi bảy tuổi tên Alexander Luria – người có tên tuổi sau này gắn liền với việc sáng lập nên bộ môn tâm lý học thần kinh. Luria bắt đầu bằng việc đọc nhanh một dãy các số và từ ngẫu nhiên rồi yêu cầu S. lặp lại chúng. S. đã làm được, kể cả với những dãy rất dài. Đáng lưu ý hơn, khi tái kiểm tra S. hơn mười lăm năm sau đó, Luria phát hiện ra rằng những dãy số và từ thưở đầu vẫn được lưu giữ toàn vẹn trong trí nhớ của S. Luria đã viết “Tôi đơn giản phải thừa nhận rằng khả năng ghi nhớ của S. không có một giới hạn rõ ràng nào cả,” trong nghiên cứu nổi tiếng của ông về S., “The Mind of a Mnemonist” (tạm dịch: Tâm trí của một cường ức giả1), xuất bản năm 1968 bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh. Trong cuốn sách, Luria mô tả cách mà S., vì tuyệt vọng muốn thanh tẩy những ký ức không mong muốn ra khỏi tâm trí, quay sang viết tất cả những điều muốn quên lên giấy với hy vọng sẽ loại bỏ được chúng. Khi phương pháp này thất bại, S. thậm chí đã đem đốt rồi nhìn chúng cháy ra tro, nhưng vẫn không có kết quả gì.
Công trình nghiên cứu của Luria trở thành một tác phẩm tâm lý học kinh điển tại Nga và cả ở nước ngoài, tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực nghiên cứu trí nhớ còn non trẻ. Trường hợp của S. trở thành câu truyện ngụ ngôn về những cạm bẫy của khả năng hồi tưởng hoàn mỹ. Luria liệt kê ra vô số những khó khăn mà S. gặp phải trong việc định hướng cuộc sống hằng ngày và liên kết chúng với những khiếm khuyết sâu sắc mà Luria nhận thấy được trong khả năng nhận biết thế giới một cách trừu tượng của S. Luria đưa ra giả thuyết rằng, những khiếm khuyết nhận thức này liên quan đến trí nhớ sự kiện phi thường của S.—loại trí nhớ về những trải nghiệm bản thân, trái ngược với trí nhớ dữ kiện (loại trí nhớ cho chúng ta biết rằng loài lạc đà một bướu chỉ có một cái bướu trên lưng). Để hiểu được ý nghĩa của thế giới, ta phải từ bỏ một số chi tiết của nó. Trường hợp của S., như rất nhiều đọc giả đã nhận thấy, có nét tương đồng với tác phẩm “Funes the Memorious” (tạm dịch: Cường ức giả Funes2) của nhà văn Jorge Luis Borges, một tác phẩm hư cấu về một người bị ám ảnh bởi trí nhớ dai dẳng của mình. Borges viết, “Suy nghĩ có nghĩa là quên đi một thứ gì đó khác, là tổng quát hóa và trừu tượng hóa. Đối với Funes, thế giới không có gì ngoài những chi tiết quá đỗi dư thừa.” Luria cũng viết điều tương tự với S., với ông hầu hết mọi từ ngữ, mọi suy nghĩ, đều bị lấp đầy bởi những chi tiết dư thừa. Ví dụ như khi S. nghe thấy từ “nhà hàng,” ông sẽ hình dung ra một lối vào, những thực khách, một dàn nhạc Ru-ma-ni đang lên dây nhạc cụ cho tiết mục của họ, v.v. Giống với Funes, S. có một loại ngôn ngữ riêng để thống kê lại các liên kết tâm trí vô cùng phong phú của ông. Trong tâm trí S., từ “gián” trong tiếng Iđit (Yiddish3) cũng có nghĩa là vết lõm trên chiếc bô kim loại, mẩu cùi của ổ bánh mì đen, và ánh sáng thắp lên từ một ngọn đèn không đủ đẩy lùi tất cả bóng tối trong một căn phòng.
Với văn phong tập trung vào miêu tả, nghiên cứu của Luria đọc vừa giống với một chuyên đề nghiên cứu lại vừa giống một tác phẩm văn học. Điều Luria muốn biết không hẳn là S. như thế nào (nhìn từ bên ngoài), mà là, để sử dụng tiêu đề luận văn nổi tiếng về con dơi4 của nhà triết học Thomas Nagel, trải nghiệm làm S. thì như thế nào. Ông trích dẫn những đoạn trao đổi dài trong các buổi phỏng vấn và trong thư từ qua lại giữa hai người, và giọng của hai người—Luria, thận trọng và sâu sắc; S., cởi mở, mang đầy những hình tượng ảo diệu—hòa vào nhau trên mặt giấy, cho ta lướt qua một khung cảnh nội tâm kỳ lạ. Luria càng ít đề cập hơn đến cuộc sống ngoài đời của con người mà ông đã nghiên cứu trong gần ba thập kỷ. Ông chỉ đưa ra một lý lịch không thể trống rỗng hơn, và cũng không bao giờ gọi S. bằng tên thật trong sách—mặc dù S. đã mất được một thập kỷ khi Luria công bố nghiên cứu của mình và khả năng ghi nhớ phi thường ấy trở nên nổi tiếng ở Liên Xô. Chính xác thì S. đã mất như thế nào, hay ông ta làm gì vào những năm cuối đời, đều không được Luria tiết lộ. Một vài nguồn thông tin cho rằng ông đã dành những năm xế chiều của mình làm một tài xế taxi ở Mat-xcơ-va mà không phải dùng đến bản đồ, trong khi đó một số khác lại quả quyết rằng ông hóa điên và kết thúc đời mình trong một trại tâm thần, vì không thể phân biệt được thực tại và quá khứ tiếp diễn vĩnh hằng trong trí nhớ của mình. Cả hai thật ra đều không chính xác.
Nhiều năm qua, từ lần đầu đọc sách của Luria khi còn là một sinh viên đại học, rồi sau đó tình cờ bắt gặp lại khi làm trợ lý nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm về trí nhớ, tôi đã tìm kiếm (khi ban đêm hay cuối tuần rảnh rỗi) những thông tin có thể tìm thấy về S., tên thật là Solomon Shereshevsky. Cuối cùng thì tôi cũng đã lần ra được một thân nhân của ông. Rồi gần đây hơn, tôi đã tìm được một cuốn sổ tay nhỏ màu xanh, được giữ gìn bởi cháu của Luria trong kho lưu giữ tài liệu đời ông. Trong đó chứa cuốn tự truyện viết tay của Shereshevsky, ghi chép cách ông trở thành một cường ức giả. Cuốn tự truyện được viết không lâu trước khi ông qua đời và vẫn chưa hoàn thiện, mở đầu bằng những ấn tượng của ông trong lần gặp đầu tiên với Luria hai mươi tám năm về trước. Thậm chí ông còn ghi chép chính xác những dãy số và từ ngữ Luria đã sử dụng để kiểm tra khả năng ghi nhớ của ông.
Cuộc tìm kiếm thông tin về Solomon Shereshevsky của tôi đã hé lộ một con người không khớp với câu truyện Người Đàn Ông Không Thể Quên thường được mô tả. Thực tế thì ông không phải người có khả năng hồi tưởng hoàn hảo. Quá khứ với ông không phải một vùng đất có thể lang thang thơ thẩn như ý muốn, và việc nhớ lại cũng phải cần nỗ lực nhất định và chút ít sáng tạo. Tôi nghĩ rằng ông không phải là một nhiếp ảnh gia, mà giống với một họa sĩ hơn – một người vẽ tranh không phải từ trí nhớ, mà là với trí nhớ, bằng cách kết hợp và tổ hợp lại các màu sắc để tạo nên những thế giới cho riêng mình. Trường hợp phi thường như của ông cũng tiết lộ điều gì đó về cách thức những tâm trí bình thường của chúng ta ghi nhớ, và việc ta thường quên đi đến thế nào.
Khi tái kiểm tra S. hơn mười lăm năm sau đó, Luria phát hiện ra rằng những dãy số và từ thưở đầu vẫn được lưu giữ toàn vẹn trong trí nhớ của S.
Tự truyện về cuộc đời của cường ức giả Shereshevsky trái ngược hẳn với bản mô tả của Luria ngay từ trang đầu tiên. Ông đề ngày tháng cuộc gặp của họ vào ngày 13 tháng Tư năm 1929, trong khi theo Luria là vài năm trước đó, và Shereshevsky viết lúc đó ông ba mươi bảy tuổi, trong khi Luria khẳng định ông ở tầm tuổi hai mươi đến ba mươi. Theo những gì Shereshevsky viết, ngày hôm đó ông đã trở lại trụ sở tờ báo và nói với biên tập viên rằng mình đã kiểm tra và được cho biết trí nhớ của ông vượt qua những giới hạn được cho là khả thi về mặt vật lý. Nghe vậy, biên tập viên đã thuyết phục ông ngừng việc viết lách—tại thời điểm đó, chuyên môn của Shereshevsky là những mẩu văn trào phúng ngắn mà trong những năm đầu của chế độ Stalin đã không còn được ưa chuộng nữa—mà thay vào đó biểu diễn toàn thời gian với tư cách một nhà cường ức chuyên nghiệp. Trong một thời gian ngắn, ông đã tuyển một huấn luyện viên xiếc làm quản lý và trợ tá du hành cho mình, và được một nghệ sĩ tung hứng chỉ dạy cách tiêu khiển. Rồi ông bắt đầu lên đường đi đến các tỉnh.
Mikhail Reynberg đã tham dự một buổi trình diễn của Shereshevsky tại một thị trấn nhỏ ngoại ô Mat-xcơ-va. Với Reynberg, S. đơn thuần chỉ là ông bác Solomon. Tôi đã lần ra được ông thông qua một đầu mối ở Mat-xcơ-va và đến thăm ông vài năm về trước, vào một chiều hè nóng nực tại Brooklyn, thành phố New York, nơi ông hiện sống. Căn hộ của ông là một dãy các phòng ngăn nắp với không gian Nga không thể nhầm lẫn được, từ màn cửa đính cườm cho đến bữa tiệc zakuski ngon lành được dọn ra để thiết đãi sự viếng thăm của tôi. Reynberg có cơ thể rắn chắc cùng mái tóc màu ngà gọn gàng. Chúng tôi đã ngồi nhiều giờ trong bếp để nói về bác của ông. Reynberg kể lại rằng tại trạm xe lửa nơi thị trấn nhỏ ấy, những nông dân đáng ra phải đến đón hai bác cháu lại không xuất hiện, vì vậy họ thuê một cỗ xe ngựa để tự mình vượt tuyết tìm đến điểm biểu diễn. Khi họ đến nơi, những người tổ chức đã bố trí một tấm bảng cho buổi trình diễn của Shereshevsky, nhưng sau đó lại sa đà vào buổi tiệc mừng và trở nên say xỉn. Thay vì thử thách giới hạn trí nhớ của nhà cường ức thì dân làng lại thuyết phục những vị khách tham gia cùng và tiếp tục uống rượu. Buổi diễn đã không diễn ra, nhưng dù vậy ông vẫn được trả công—bằng khoai tây, như Reynberg hồi tưởng, dù vậy bác ông vẫn biết ơn.
Cũng như thức ăn, những năm ấy nơi ở cũng thiếu thốn. Tại Mat-xcơ-va, Shereshevsky sống cùng với vợ và con trai trong một căn phòng ẩm thấp dưới tầng hầm của căn nhà phụ dành cho lao công trong góc một khoảng sân nhỏ. Một tình cảnh vất cả cho tất cả mọi người, nhưng có lẽ đặc biệt là với vợ của Shereshevsky, bà Aida. Tốt nghiệp Học viện Smolny dành cho Trinh nữ Quý tộc nổi tiếng, Aida là một nhạc công tài năng với cây đàn piano của riêng mình trong không gian sống chật hẹp của họ. Vào những ngày nắng đẹp, hai vợ chồng thường đẩy cây đàn ra sân để phơi nắng. Hình ảnh đó để lại ấn tượng mạnh mẽ: hai vợ chồng đẩy cây piano nặng nề ra khoảng nắng trên sân, mỗi cú vấp tạo nên những bản âm kỳ lạ vang lên từ bên trong thân đàn gỗ.
Reynberg nhấn mạnh rằng số phận của Shereshevsky không chỉ đơn thuần là vận đen mà còn là kết quả của một chiến dịch đe dọa được sắp đặt. Theo lời Reynberg, Shereshevsky bị gây áp lực phải dùng tài năng của mình để phục vụ cảnh sát mật, nhưng ông đã từ chối. Tình cảnh của ông ngày càng tồi tệ hơn sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, trong suốt giai đoạn gọi là chiến dịch bài trừ chủ nghĩa thế giới5, một cuộc thanh trừng chủ yếu nhắm vào người Do Thái. (Luria, lúc bấy giờ là một nhà tâm lý học nổi tiếng, bị săn lùng đến mức phải thôi việc tại Viện Giải phẫu Thần kinh, và theo hồi ký gia đình do con gái ông ghi lại thì ông luôn giữ một chiếc va-li đóng gói sẵn sàng cho trường hợp bị bắt giam.) Shereshevsky nhận thấy mình ngày càng bị tẩy chay, và những buổi diễn của ông bị hủy. Reynberg kể với tôi rằng cảnh sát mật cài thành phần phá hoại vào khán đài của Shereshevsky, những kẻ này quấy rối và huýt sáo để làm ông sao nhãng khi đang trình diễn. Sau một buổi diễn thất bại khiến khán giả la hét đòi lại tiền, sự nghiệp của ông về cơ bản đã đến hồi kết. Sự nghiệp này trùng khớp với giai đoạn cai trị của Stalin, lúc bấy giờ đang gây ra vô số cuộc bắt giữ hàng loạt. Hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu người đã biến mất vào lòng các trại tập trung; những nhân vật bị buộc tội và xóa sổ khỏi lịch sử theo nghĩa đen; người chết và mất tích không chỉ bị thanh trừng trên thực tế mà còn cả trong trí nhớ của người dân toàn quốc gia. Shereshevsky đã kiếm sống dựa vào trí nhớ của mình giữa một vùng đất bị chứng mất trí nhớ cai trị.
Liệu rằng Shereshevsky sau cùng cũng chỉ là một diễn viên xiếc chăng?
Một chi tiết khác tôi nghe được vào buổi chiều hôm đó đã thay đổi toàn bộ ấn tượng của tôi về Shereshevsky là việc Reynberg nói rằng bác của ông thi thoảng cũng quên. Nếu không chủ đích ghi nhớ điều gì đó thì không phải lúc nào ông cũng có thể hồi tưởng lại được. Tôi đã từng tưởng tượng, dựa trên nghiên cứu của Luria và lớp giai thoại phát triển quanh nó, một Funes xứ Xô Viết, với khả năng hồi tưởng quá khứ hoàn hảo mà không cần phải nỗ lực gì cả. Reynberg kể rằng bác ông phải luyện tập nhiều tiếng một ngày cho buổi diễn ban đêm. Liệu rằng Shereshevsky sau cùng cũng chỉ là một diễn viên xiếc chăng?
Theo mô tả của Luria, một vài hoạt động tâm trí của Shereshevsky có nét tương đồng với một dạng thủ thuật cường ức phổ biến đã được biết đến từ nhiều thế kỷ trước—như “cung điện trí nhớ,” hay “phương pháp của loci,” là cách quản lý thông tin theo một trình tự đúng bằng một không gian vật lý tưởng tượng ra. Trong phiên bản Shereshevsky, ông tưởng tượng ra Phố Gorky, đại lộ chính của Mat-xcơ-va, hoặc một con đường làng thuở ấu thơ, rồi phân phối những gì ông muốn nhớ dọc theo chiều dài con đường, tạo ra những câu chuyện ngẫu hứng từ trình tự này, sau đó tản bộ ngược trở lại để nhớ ra những thứ đó. Đây là một kỹ thuật gần như ai cũng có thể học được; trong cuốn sách “Moonwalking with Einstein” (tạm dịch: Nhảy moonwalk cùng Einstein) của mình, tác giả Joshua Foer mô tả việc sử dụng kỹ thuật này để chiến tháng Cuộc thi Trí nhớ Hoa Kỳ ( U.S.A. Memory Championship). Luria không phủ nhận việc Shereshevsky sử dụng các kỹ thuật cường ức, nhưng ông luôn khẳng định chúng xuất hiện sau này, và chỉ bổ sung cho khả năng tự nhiên của Shereshevsky.
Luria cũng ghi chú lại Shereshevsky là một ca hội chứng cảm giác kèm (synesthesia6) mạnh mẽ khác thường, một khả năng di truyền khiến các giác quan hòa lẫn với nhau trong tâm trí, và ông đã nhận ra nó cũng ảnh hưởng đến khả năng hồi tưởng của Shereshevsky. (Vladimir Nabokov viết về cả khả năng “nghe thấy màu sắc” và khả năng hồi tưởng khác thường của mình trong cuốn hồi ký “Speak, Memory” (Tạm dịch: Cất tiếng, Trí nhớ), phát hành lần đầu tiên năm 1951). Lấy ví dụ, khi Luria rung một chiếc chuông nhỏ thì âm thanh sẽ gợi lên trong tâm trí Shereshevsky “một vật nhỏ tròn … thứ gì đó xù xì như sợi dây thừng … vị của muối biển … thứ gì đó có màu trắng.” Shereshevsky nghĩ về những con số với cùng màu sắc và phông chữ như khi ông thấy chúng lần đầu lúc còn nhỏ; trong cuốn sổ chưa từng được công bố của mình, ông viết rằng “tất cả những con số đều có họ, tên và biệt danh, những thứ này thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và tâm trạng của tôi.” Số một là “một người đàn ông mảnh khảnh với thế đứng thẳng và một khuôn mặt dài, ‘hai’ là một người phụ nữ đầy đặn với búi tóc rối, vận một bộ đầm bằng nhung hoặc lụa, với đuôi váy trải dài phía sau cô.” Luria cho rằng Shereshevsky đã sử dụng mạng lưới liên tưởng đa phương thức để kiểm tra chéo trí nhớ của mình.
Cũng có những hạn chế nghiêm trọng khi sở hữu quá nhiều kênh giác quan tương tác với thế giới. Shereshevsky phải tránh những thứ như đọc báo vào bữa sáng, vì mùi vị của những từ đọc được có thể xung đột với mùi vị bữa ăn của ông. Và khi đứng trước đám đông để trình diễn khả năng ghi nhớ một chuỗi dài những thông tin vô nghĩa—thì ông cũng nhận thấy rằng khả năng bẩm sinh của mình vừa trợ giúp lại vừa gây trở ngại. Như một vận động viên chuyên nghiệp, Shereshevsky phải thay đổi và tái học hỏi những chiến thuật vô thức trước đây để đối phó với những thử thách lớn dần. Sức mạnh và độ bền của trí nhớ ông gắn liền với khả năng tạo ra những hình ảnh đại diện tinh thần phức tạp và đa giác quan, và chèn chúng vào những nơi chốn hoặc khung cảnh tưởng tượng; Những hình tượng và câu chuyện càng sống động bao nhiêu thì càng ăn sâu vào trí nhớ ông bấy nhiêu. Nhưng chỉ với vài giây ngắn ngủi cho mỗi mục trong danh sách thì ông không thể cho phép dòng chảy hình ảnh gợi lên một cách tự nhiên như trước nữa. Thay vào đó, ông phải kiểm soát, chuẩn hóa và giản hóa chúng. Không còn ban nhạc Ru-ma-ni đang lên dây nhạc cụ trong tâm trí ông; thế chỗ cho nó, từ “nhà hàng” trở thành màu trắng lóe lên từ chiếc khăn trải bàn.
Điểm đáng chú ý nhất khi tôi đọc lại cuốn sách của Luria không phải là khả năng đọc một mạch chuỗi những con chữ và số của Shereshevsky, mà là những cảm giác phức tạp nảy sinh phía sau mỗi âm tiết: một con đường làng bụi bặm ở Rezhitsa, bà chủ nhà già nua đang la hét ông bán đồng nát bằng tiếng Iđit qua cửa sổ, ba con quạ xám đang đậu trên một thân cây già. Nghiên cứu nổi tiếng của Luria về một trí nhớ phi thường hóa ra lại ít liên quan đến một khả năng hồi tưởng hoàn hảo hơn là về một thứ cùng lúc cơ bản và kỳ lạ hơn: khả năng gợi lên trong tâm trí những chi tiết cảm giác kể cả khi không có đầu vào trực tiếp từ các giác quan của chúng ta, khả năng đi ngược lại dòng chảy thường nhật của tâm trí. Chính khả năng này cho phép chúng ta mơ mộng vào ban ngày, hoặc tưởng tượng một thí nghiệm vật lý, hay vừa đọc sách vừa nghe những âm vang từ một chiếc piano đang lăn qua những khoảng sân rải cuội ở Mat-xcơ-va. Vậy thì khả năng tưởng tượng và liên tưởng liên hệ thế nào với trí nhớ – một khả năng trí tuệ được chúng ta trân trọng chính vì tính chân thực của nó?
§
Đây là câu hỏi mà tôi đặt ra gần đây cho Daniel Schacter, giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Harvard và đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “Bảy Tội lỗi của Trí nhớ: Cách Tâm trí Nhớ và Quên.” Chúng tôi gặp nhau vào mùa xuân năm nay tại Đại học Virginia, tại một hội thảo ghép cặp những học giả văn học và những nhà thần kinh học để thảo luận về cách thức hoặt động của trí nhớ. Schacter đã quan tâm đến mối liên kết giữa trí nhớ và trí tưởng tượng từ những năm 1980, khi ông và thầy mình, Endel Tulving, phỏng vấn một bệnh nhân bị chứng mất trí nhớ nặng tên gọi K.C. Nạn nhân trong một vụ tai nạn mô tô, K.C. bị mất khả năng hình thành trí nhớ sự kiện, khiến anh không thể nhớ được mình đã làm gì ngày hôm trước, hoặc thậm chí là một giờ trước. Khá ngạc nhiên, anh cũng không thể suy xét mình sẽ làm gì vào ngày hôm sau. Anh không thể gợi lên bất cứ khung cảnh chi tiết nào trong tâm trí, cả những khung cảnh thực tế đã xuất hiện trong quá khứ hay trong tương lai được tưởng tượng ra.
Như một vận động viên chuyên nghiệp, Shereshevsky phải thay đổi và tái học hỏi những chiến thuật vô thức trước đây để đối phó với những thử thách lớn dần.
Trường hợp trên gợi ý rằng có một mối liên kết giữa trí nhớ và trí tưởng tượng. Nhưng làm thế nào có thể kiểm chứng điều này? Vào thời điểm đó, Schacter và cộng sự của ông không có nhiều công cụ để thực hiện. Nhưng hai thập kỷ sau, sự xuất hiện của công nghệ MRI (chụp cộng hưởng từ) đã cho phép những nhà nghiên cứu quan sát những quá trình hoạt động của não ngay khi chúng diễn ra. Những phương pháp hình hóa thần kinh (neuroimaging) cho thấy cách mà não bộ kích hoạt trí nhớ sự kiện và trí tưởng tượng về tương lai gần như không khác gì nhau. Phát hiện này đã thay đổi góc nhìn của việc nghiên cứu trí nhớ; một bài tổng hợp lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, trong vòng năm năm gần đây, số lượng những công bố khoa học về trí nhớ và trí tưởng tượng đã tăng lên gấp mười lần. Chứng cứ thực nghiệm đã gợi ý cho Schacter rằng trí tưởng tượng của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào trí nhớ, thông qua việc sắp xếp những mảnh ghép của trải nghiệm thực tiễn để giả định ra những viễn cảnh phi thực tế. Điều này có vẻ dễ hiểu. Nhưng Schacter đi xa hơn và cho rằng khả năng hồi tưởng không hoàn hảo của chúng ta thực ra mang tính thích nghi, cho phép ta tái định hình trí nhớ để tưởng tượng ra các tương lai khả dĩ.
Mối quan hệ này có lẽ cũng đi theo hướng ngược lại: như Schacter lưu ý khi chúng tôi trò chuyện, chiều tương tác giữa trí nhớ và trí tưởng tượng vẫn chưa được xác định rõ. Ông nói “Lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước. Bộ máy chỉ mới vừa vào guồng trong thập kỷ trước, và nó sẽ tiếp tục phát triển từ đây.” Chắc chắn rằng trí nhớ mang ơn trí tưởng tượng nhiều hơn là chúng ta tưởng—nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực trí nhớ Elizabeth Loftus đã dành sự nghiệp của mình để chỉ ra rằng rất dễ dàng cấy ghép những ký ức không tồn tại vào tâm trí một người, bằng cách dẫn dắt họ tạo ra các hình ảnh về một sự kiện hư cấu. Sự hình thành của những ký ức giả không hoàn toàn khác với cách mà S hình dung ra những khung cảnh hư cấu ở nhiều địa điểm khác nhau, đây là một biến thể của cá nhân ông của phương pháp “cung điện trí nhớ.” Bí mật thành công của phương pháp cường ức cổ điển này có thể nằm ở nền tảng cấu trúc não bộ của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng vùng hồi hải mã (hippocampus) không chỉ là trung tâm của trí nhớ mà còn là khu vực nơi ta tạo nên những bản đồ tâm trí về thế giới. Trong cuốn “Tâm trí của một Nhà Cường ức,” Luria kể rằng bố của Shereshevsky, một người bán sách, biết chính xác vị trí của từng cuốn sách trên kệ; điều đó khiến ta phải tự hỏi rằng liệu tài năng ghi nhớ không gian có phải được truyền từ cha sang con hay không. Một lý thuyết về trí tưởng tượng và trí nhớ, được đề xuất bởi hai nhà thần kinh học Demis Hassabis và Eleanor Maguire, cho rằng vùng hồi hải mã đảm nhận vai trò chính trong việc cấu thành những khung cảnh tâm trí, và chính khả năng dàn dựng những khung cảnh trong tâm trí cho phép chúng ta tái trải nghiệm quá khứ và tưởng tượng về tương lai.
Khi ta nhìn nhận lại câu chuyện của Shereshevsky theo hướng một khả năng tưởng tượng phi thường thì những khía cạnh khác của tâm trí ông trở nên rõ nét hơn. Trong số đó là vài chi tiết nhỏ mà người ta bỏ qua trong hầu hết ghi chép về cuộc đời ông, có thể do chúng không phù hợp với cốt chuyện về một người có trí nhớ siêu phàm. Luria thuật lại rằng Shereshevsky có khả năng ngồi trên ghế và điều chỉnh nhịp tim của mình từ sáu mươi tư lên một trăm nhịp trên phút bằng cách tưởng tượng mình đang nằm trên giường hoặc đang đuổi theo xe lửa vừa lăn bánh. Theo những thí nghiệm của Luria, Shereshevsky có thể thay đổi nhiệt độ da tay vài độ C bằng cách tưởng tượng ông đang chạm vào một chiếc lò nóng hoặc một khối đá lạnh. Tưởng tượng ra một tiếng ồn lớn có thể khiến màng nhĩ của ông tự phản xạ để bảo vệ giống như âm thanh đó đã thực sự xuất hiện vậy.
Khả năng mơ mộng sống động này trở thành thảm họa khi Shereshevsky trưởng thành.
Nếu cân nhắc đến sự sống động của thế giới bên trong tâm trí Shereshevsky, có lẽ ta sẽ không còn ngạc nhiên về việc ông có thể bị nhầm lẫn giữa trí tưởng tượng và thế giới thật. Ông thuật lại với Luria rằng hổi nhỏ ông đã nằm trên giường quá cả giờ đi học vì tưởng tượng ra đồng hồ ngừng chạy. Ông cũng kể lại rằng ông có thể tưởng tượng mình phân thân ra làm hai, một đến trường và một ở nhà. Luria mô tả khả năng mơ mộng sống động này trở thành thảm họa khi Shereshevsky trưởng thành. Giống như người kể chuyện mộng mơ trông cuốn “White Nights” (tạm dịch: Những đêm trắng) của tác giả Dostoyevsky, Shereshevsky xây dựng một thực tại hấp dẫn hơn ngay trong tâm trí mình; khi thực tại không giống với tưởng tượng, ông càng thu mình vào những thứ huyễn hoặc. “Tôi đọc rất nhiều và luôn gán mình với một trong những anh hùng,” ông nói với Luria vào năm 1937. Ông tiếp, “vì tôi cảm thấy được họ, anh biết đấy. Thậm chí lúc đã mười tám tuổi, tôi không thể hiểu tại sao một người bạn của mình có thể hài lòng khi trở thành một nhân viên kế toán, một người khác lại trở thành người bán hàng rong.” Ông tin rằng mình “mang định mệnh để trở thành một ai đó vĩ đại hơn,” dù ông không thể nói rằng ai đó là ai—những ước mơ tương lai của ông thay đổi thường xuyên, dù ông không thể làm điều cần thiết để thực hiện hóa chúng. “Tôi vốn đã như thế,” ông nói với Luria.
Shereshevsky phản đối mạnh mẽ ý kiến của Luria cho rằng ông mắc một hội chứng thần kinh. Trong cuốn sổ của mình, ông viết rằng đã chấp thuận tham gia một loạt các thí nghiệm tiếp theo tại Bệnh viện Bệnh học Hệ Thần kinh Mat-xcơ-va (Hospital for Diseases of the Nervous System), với hy vọng họ sẽ giúp ông chứng minh rằng sức khỏe ông hoàn toàn bình thường. Không rõ là điều này đã có bao giờ xảy ra. Có một sự phẫn nộ rõ ràng trong ký ức của Shereshevsky, một dòng chảy ngầm phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa ông và các nhà nghiên cứu, những người mà như ông viết lại, cứ khăng khăng rằng ông đang giấu một kỹ thuật bí mật nào đó, một “mã khóa bí ẩn” có thể giải thích cho những khả năng của ông.
Thay vì đốt cháy ký ức của mình trên các mẩu giấy, Shereshevsky đã tìm ra một phương pháp khác để xóa bỏ chúng trong những năm cuối đời, như cháu trai ông kể lại: ông chuyển sang uống rượu. Ông đã không kết thúc đời mình trong nhà thương điên như người ta quả quyết, dù việc uống rượu của ông có thể là ví dụ cho thứ mà dân Xô Viết gọi là “thoát ly vào nội tâm.” Như Luria viết, “Khó để nói rằng điều gì thật hơn đối với ông ấy: một thế giới tưởng tượng nơi ông đã sống, hay một thế giới thực tại nơi ông chỉ là một vị khách tạm thời.” Shereshevsky mất vào năm 1958 do những biến chứng liên quan đến việc nghiện rượu. Trang cuối cùng trong cuốn sổ của ông là vào ngày 11 tháng Mười Hai, năm 1957, nhưng trong đó ông chỉ viết về quá khứ, nhớ lại những thí nghiệm và những buổi diễn từ những ngày trước, khi còn là một nhà cường ức chuyên nghiệp. Sau đó, cuốn sổ chỉ còn những trang trắng, như mời gọi chúng ta tưởng tượng tiếp cái kết.
-
Cường ức giả (Mnemonist) là thuật ngữ dùng để chỉ người có khả năng ghi nhớ phi thường những danh sách dài chứa số, chữ, tên, hoặc vật dụng… Khả năng này có thể do bẩm sinh hoặc nhờ luyện tập.
Bạn đọc có thể xem thêm thông tin liên quan đến Cường ức giả tại đây.
↩ -
Nguyên văn tiếng Tây Ban Nha của tác phẩm là “Funes el memorioso” kể về một người đàn ông mang tiên Ireneo Funes sau một lần ngã ngựa và bị thấn thương đầu thì có khả năng nhớ được tất cả mọi thứ.
-
iếng Yiddish là một ngôn ngữ Đức Cao gốc Do Thái Ashkenazi (Ashkenazi là một từ được sử dụng để chỉ người Do Thái trong thời kỳ Trung Cổ), được nói khắp thế giới. Ngôn ngữ này đã phát triển từ sự pha trộn các phương ngữ tiếng Đức với tiếng Do Thái, tiếng Aram, ngôn ngữ Slavic và dấu vết của ngữ hệ Latin.
Bạn đọc có thể đọc thêm về ngôn ngữ Yiddish tại đây.
-
Thomas Nagel (1937) nhà triết học người Mỹ. Hiện ông đang giảng dạy tại trường Đại học New York.
Năm 1974 ông cho ra đời một tiểu luận mang tên “What Is it Like to Be a Bat?” (tạm dịch: Cuộc sống của con dơi ra sao?).
Trong đó, ông cho rằng việc đặt mình vào địa vị của một sinh vật khác là bất khả thi. Và điều duy nhất mà con người có thể làm được là tưởng tượng ra mình đeo máy định vị nhờ vào âm vọng và bay trong đêm để săn bắt côn trùng. Nhưng liệu chúng giống với cảm nhận thực của một con dơi đến thế nào? Có thể cũng chẳng giống gì cả. Điểm mấu chốt của tiểu luận là luận điểm cho rằng ý thức luôn gắn liền với trải nghiệm chủ quan và do đó người ngoài tuyệt đối không thể tiếp cận được.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Thomas Nagel tại đây.
Và tiểu luận “What Is it Like to Be a Bat?” tại đây. -
Chiến dịch bài trừ chủ nghĩa thế giới (Anticosmopolitan Campaign) là một làn sóng thanh trừng nhắm vào người Do Thái bắt đầu từ năm 1948. Phong trào này ban đầu giải tán Ủy ban Do thái chống Phát xít, lên đỉnh điểm trong vụ âm mưu các bác sĩ Do Thái (một số các bác sĩ Do thái nổi tiếng ở Moskva bị buộc tội âm mưu ám sát các lãnh tụ Cộng sản) và chấm dứt bất thình lình với cái chết của Stalin vào tháng 3 năm 1953.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Chiến dịch này tại đây.
↩ -
Cảm giác kèm là một hiện tượng cảm giác liên quan đến thần kinh khiến não bộ tự động kích thích cảm giác hoặc nhận thức khác khi đang tiếp nhận một loại cảm giác.
Một số ví dụ thường gặp của cảm giác kèm là: cảm giác kèm từ → màu (grapheme → color synesthesia), các chữ cái và chữ số được cảm giác là có màu sắc cố hữu; tính cách hóa số-chữ (ordinal linguistic personification, OLP), các số, ngày trong tuần, và tháng trong năm gợi lên tính cách.
quả thật, tôi đã từng nghĩ rằng người có khả năng nhớ siêu việt ắt là sẽ dễ dàng trong mọi thứ. Tuy vậy, bài viết này thật sự đã khái quát lên 1 nội dung thay đổi nhận định của tôi. Tốt lắm zeal, tôi mong nhận thêm nhiều bài viết có giá trị như thế này