a
§ Tác giả: Kirsten Weir | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Ninh
16/06/2018

Ruth và Harold “Doc” Knapke gặp nhau từ khi học chung cấp một. Họ đã trao đổi thư từ với nhau trong suốt khoảng thời gian chiến tranh, khi đó, Doc đang đóng quân tại Đức. Sau khi ông trở về, họ bắt đầu yêu đương thực sự. Họ lấy nhau, có với nhau sáu người con và cùng nhau kỉ niệm 65 năm ngày cưới. Rồi vào một ngày tháng Tám năm 2013, trong căn phòng chung của hai người ở một viện dưỡng lão tại Ohio, họ cùng nhau qua đời.

Margaret Knapke, 61 tuổi, con gái họ và cũng là một nhà trị liệu somatic1 nói rằng: “Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo, nhưng bố mẹ tôi có một mối quan hệ tốt đẹp nhất mà tôi từng thấy. Họ giống như băng dính nhám Velcro, không thể nào rời xa nhau.”

Knapke cho biết, anh em nhà cô đã chứng kiến sức khỏe của bố mình xuống dốc trong nhiều năm. Ông đã phải chịu đựng những vấn đề về tim trong khoảng thời gian dài và bắt đầu có những triệu chứng của bệnh mất trí. Ông mất hứng thú với những thứ trước đây ông từng yêu thích, và phần lớn thời gian, ông mê man trong giấc ngủ. “Chúng tôi có hỏi nhau, tại sao bố vẫn trụ lại? Lời giải thích duy nhất mà chúng tôi có thể nghĩ ra là vì mẹ chúng tôi,” Knapke kể. “Bố tôi luôn tỉnh dậy sau giấc ngủ dài và hỏi rằng, ‘Mẹ con thế nào rồi?’”

Thế rồi bà Ruth mắc một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp. Khi bà nằm bất tỉnh trong căn phòng chung của họ ở viện dưỡng lão, dường như bà đã đến những ngày cuối cùng. Những người con ngồi lại và nói với ông Doc rằng bà sẽ không còn tỉnh lại nữa. “Ông không ngủ nữa. Tôi có thể thấy rằng ông ấy đã suy nghĩ hàng giờ liền,” Knapke nói. Ông mất vào sáng hôm sau và bà Ruth cũng đi theo vào tối hôm đó.

Knapke coi cái chết trùng ngày của bố mẹ họ là một quyết định có ý thức — hai trái tim cùng ngừng đập. “Tôi cảm thấy rằng, bố tôi còn sống là vì mẹ,” cô nói. Knapke tin rằng bố cô muốn dẫn đường cho mẹ cô sang thế giới bên kia. “Ông ấy biết rằng bà cần một điều gì đó ở ông, vì thế mà ông đã tăng tốc và rồi buông tay. Tôi cảm thấy ông chọn đi trước để có thể giúp được mẹ tôi. Đấy chắc chắn là một hành động xuất phát từ tình yêu của ông.”

***

Câu chuyện của nhà Knapkes đúng là đặc biệt nhưng không phải là duy nhất. Vài tháng trước, một tờ báo nhỏ đã xuất bản một câu chuyện nhân cảm tương tự như câu chuyện trên. Tháng Bảy năm ngoái, tạp chí People đăng câu chuyện về Helen và Les Brown, hai cư dân 94 tuổi ở California, họ đã lấy nhau được 75 năm. Họ sinh cùng ngày và chỉ mất cách nhau một ngày. Vào tháng Hai, bức ảnh của hai cư dân ở New York, Ed Hale, 83 tuổi, và vợ ông Floreen, 82 tuổi được lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh chụp lại hình ảnh ông bà nắm tay nhau qua thanh chắn của hai giường bệnh đặt song song nhau. Họ chỉ mất cách nhau vài giờ.

Cái chết vì đau buồn là một điều phổ biến trong văn học, ngay cả Shakespeare cũng viết về “đau khổ đến chết.” Sự tuyệt vọng về tinh thần khi mất đi một người thương yêu cũng đau như một nỗi đau về thể xác. Nhưng ta có thể chết vì trái tim tan vỡ được không? Hóa ra là có: cái chết vì hội chứng “trái tim tan vỡ,” còn được biết đến dưới cái tên bệnh cơ tim do căng thẳng tinh thần, là hoàn toàn có thể xảy ra. Trên thực tế, các nghiên cứu về việc mất đi người thân đã cung cấp những bằng chứng chỉ ra tác động của gánh nặng tinh thần đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự đau khổ đến chết không chỉ liên quan đến mỗi sự căng thẳng. Điều này làm sáng tỏ mối gắn kết về sinh lý học của tình yêu, một kết quả của quá trình tiến hóa. Thời điểm tốt nhất để tìm hiểu về sự gắn kết ấy là khi nó tan vỡ.

Những nghiên cứu trên toàn thế giới đã xác nhận rằng nguy cơ tử vong của con người tăng cao hơn vào những ngày tháng sau khi người bạn đời của họ qua đời. Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và Đại học Yamanashi, Tokyo đã thu thập kết quả từ 15 nghiên cứu khác nhau, với dữ liệu từ hơn 2,2 triệu người. Họ ước tính rằng nguy cơ tử vong tăng thêm 41% trong vòng sáu tháng đầu sau khi mất đi bạn đời. Tác động này không chỉ xảy đến với người lớn tuổi. Những người dưới 65 tuổi cũng có nguy cơ tử vong cao như những người trên 65 trong những tháng tiếp theo sau cái chết của bạn đời. “Hiệu ứng góa” này thực chất tác động lên đàn ông mạnh hơn nhiều so với phụ nữ.

Lời giải thích cho sự khác biệt này giữa hai giới có thể chỉ đơn giản là một vấn đề về phân công lao động. Phụ nữ chăm sóc cho chồng và gia đình nhiều hơn, đặc biệt là ở những thế hệ trước. Họ giữ liên lạc với những người con đã trưởng thành và chăm sóc cho đời sống chung của gia đình, giáo sư Tracy Schroepfer cho biết. Bà là giáo sư về công tác xã hội tại Đại học Wisconsin-Madison, và là người nghiên cứu về nhu cầu tâm lý của những người cao tuổi mang bệnh ở giai đoạn cuối. Khi vợ mất, đàn ông thường dễ trở nên cô lập hơn. “Nỗi cô đơn thật sự rất lớn, và đối với những người đàn ông không thể mua sắm và nấu ăn cho bản thân, điều này còn có thể ảnh hưởng tới chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của họ,” Schroepfer cho biết.

Sự đau khổ đến chết không chỉ liên quan đến mỗi sự căng thẳng. Điều này làm sáng tỏ mối gắn kết về sinh lý học của tình yêu, một kết quả của quá trình tiến hóa. Thời điểm tốt nhất để tìm hiểu về sự gắn kết ấy là khi nó tan vỡ.

Mặc dù phụ nữ có thể kiên cường hơn khi mất đi bạn đời, họ không miễn nhiễm đối với tác động chí mạng của nỗi đau mất người thân. Một nghiên cứu năm 2013 trên 69.000 phụ nữ ở Mỹ đã cho thấy, người mẹ có nguy cơ tử vong tăng 133% trong hai năm sau khi mất đi đứa con của họ.

Roy Ziegelstein, bác sỹ tim mạch và phó hiệu trưởng trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc nỗi đau có thể làm tăng nguy cơ tử vong là điều dễ hiểu một cách tự nhiên, đặc biệt là đối với những người dành nhiều thời gian với người bệnh. “Tôi nghĩ rằng nếu bạn khảo sát các bác sĩ, đa số họ sẽ nhiệt tình nói cho bạn biết rằng hiện tượng này không hề hiếm.”

Yvonne Matienko, một y tá và huấn luyện viên sức khỏe toàn diện ở Pennsylvania, rất hiểu về chứng hội chứng trái tim tan vỡ. Matienko, khi đó 51 tuổi, chưa từng có tiền sử bệnh tim, bỗng nhận được một cuộc gọi bất ngờ. Đứa cháu tuổi teen của bà, người sống chung với bà, vừa bị tai nạn ô tô nghiêm trọng. Matienko vội vàng đến hiện trường. “Khi tôi thấy những người bị thương, trực thăng và những đứa trẻ nằm trên đường cao tốc, tim tôi bắt đầu đập mạnh,” bà kể lại.

Tối đó, sau khi có thể thở phào nhẹ nhõm vì cháu gái bà không sao, Matienko rót một ly rượu vang và cố bình tĩnh lại. Đột nhiên, bà cảm thấy choáng váng. Và sau đó bà ngất đi. “Tôi chỉ nhớ được thế thôi,” bà nói. Matienko được đưa gấp đến bệnh viện, ở đây, bà được chẩn đoán là mắc phải bệnh cơ tim vì căng thẳng.

Không giống như cơn đau tim, hội chứng đau khổ đến tan nát con tim không xuất phát từ hiện tượng tắc động mạch. Có vẻ như căn bệnh này là kết quả của sự tăng đột ngột các hormone căng thẳng, bao gồm epinephrine (thường được gọi là adrenaline) và norepinephrine, một chất có họ hàng với epinephrine. Sự thay đổi hormone đột ngột là một phản ứng bình thường và lành mạnh trước những căng thẳng tột cùng. Nó kích thích phản ứng “chiến hoặc chạy” ở con người khi đối mặt với những mối nguy hiểm nghiêm trọng. Nhưng trong một số trường hợp, việc hormone đột ngột tràn ngập làm chấn động trái tim, khiến tim không thể bơm máu như bình thường. Khi chụp X-quang hoặc siêu âm, tâm thất trái của tim có vẻ phồng to hơn và có hình dạng khác thường. Hình dáng này được cho là giống với một loại bẫy bạch tuộc của Nhật có tên tako-tsubo, dẫn đến một cái tên khác dành cho hội chứng này: Bệnh cơ tim Takotsubo. Hội chứng này không gây tổn hại vĩnh viễn đến mô cơ của tim, và bệnh nhân thường có thể hồi phục hoàn toàn. Một năm sau vụ cấp cứu của mình, triệu chứng bệnh tim của Matienko đã biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu trái tim biến dạng không thể bơm đủ máu để cung cấp cho toàn cơ thể.

Đau khổ có thể không ảnh hưởng đến tim ngay tức thì. Những nhà nghiên cứu người Anh gần đây đã phân tích dữ liệu từ hơn 30.000 người vừa mất vợ hoặc chồng, dựa trên cơ sở dữ liệu về chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Anh. Theo nghiên cứu được xuất bản vào tháng Hai trên tạp chí JAMA Internal Medicine, nguy cơ đau tim và đột quỵ có thể tăng gấp đôi trong 30 ngày đầu tiên sau sự ra đi của người bạn đời, sau đó sẽ quay lại mức độ trung bình.

Ziegelstein nói: “Chúng ta biết rằng áp lực tâm lý đột ngột là nguyên nhân của nhiều vấn đề về tim.” Giống như khi đối mặt với những công việc đòi hỏi về thể chất, tim cũng cần nhiều oxy hơn khi trải qua những biến cố về tinh thần. Khi cảm xúc dồn về mà mạch máu lại không giãn ra, Ziegelstein cho biết, áp lực tinh thần có thể khiến cho mạch máu co thắt. Kết quả là lưu lượng máu ở động mạch vành sẽ giảm. Lúc đó tim đang cần thêm nhiều oxy, nhưng lượng oxy mà nó nhận được lại ít đi. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim bất thường một cách đáng báo động, hay thậm chí là những cơn đau tim, đặc biệt đối với những người đã từng bị tắc động mạch trước đây.

Nhưng trái tim không phải là cơ quan duy nhất có thể bị tổn hại bởi nỗi đau. James Coan, một nhà tâm lý học lâm sàng và nhà thần kinh học tại Đại học Virginia, cho rằng những sự kiện căng thẳng cũng có thể đặt một gánh nặng lên hệ miễn dịch. Phản ứng “chiến hay chạy” đầy phức tạp của cơ thể có một cái giá khá đắt. Để có thể phát động lượng chất hóa học giúp bạn chạy nhanh hơn cả gấu hay tên trộm, cơ thể phải mượn tài nguyên từ những hệ cơ quan khác. “Một trong những nơi mà cơ thể có thể khai thác năng lượng sinh học đó chính là hệ miễn dịch,” Coan nói. “Khi bạn bị căng thẳng kinh niên, khả năng chữa lành và chống lại sự nhiễm trùng của bạn sẽ đi xuống liên tục. Đó là lý do tại sao căng thẳng kinh niên liên quan đến nhiều hậu quả xấu về sức khỏe.”

Những người gần cuối đời thường có thể chọn cố gắng sống tiếp để làm dịu lòng người bạn đời thương mến.

Có những yếu tố khác khó thấy hơn nhưng cũng có ảnh hưởng đến nguyên nhân tại sao các cặp vợ chồng thường ra đi sát nhau, và hiện tượng này diễn ra như thế nào. Schroepfer từ Đại học Wisconsin, một người mà cả trong công việc gần đây cũng như khi còn làm nhân viên xã hội ở nhà dưỡng lão đã dành nhiều thời gian với những người sắp lìa đời, cho rằng những người gần cuối đời dường như có thể tự chọn lựa việc ra đi hoặc ở lại thêm chút nữa để có thể làm dịu lòng những người mà họ yêu thương. Bà cho biết: “Khi làm việc với những người sắp ra đi, tôi đã chứng kiến họ đưa ra những quyết định ấy.” Schroepfer nói thêm, “Tôi nghĩ là còn nhiều điều chúng ta chưa thể hiểu được về ý chí của con người.”

Schroepfer sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc khi một trong số những bệnh nhân ở viện an dưỡng đến lúc hấp hối. Bà ấy bất tỉnh và gần như đã buông tay. Những người con đều nói với bà rằng bà có thể ra đi. Tuy nhiên ông chồng đau khổ của bà vẫn chưa thể nói lời từ biệt. Cuối cùng, sau khi nói chuyện với con gái, ông quyết định ông đã sẵn sàng đồng ý để bà có thể ra đi. Schroepfer nhớ lại: “Ông ấy ngồi xuống bên cạnh và nói rằng ông yêu bà, và rằng bà giờ có thể đi. Sau đó ông ấy đứng dậy và trở lại ghế ngồi của mình. Ngay khi ông ngồi xuống, bà ngẩng đầu sau cơn hôn mê, và nói “Tôi yêu ông” rồi ra đi. Nếu không nhờ có con gái của họ cũng có mặt ở đó thì tôi cũng nghĩ là mình chỉ đang tưởng tượng mà thôi.”

Mặc dù các nhà nghiên cứu y khoa không thể chỉ ra được sự trỗi dậy đó của ý chí là từ đâu ra, họ đã tìm ra những bằng chứng về khả năng lựa chọn đáng ngạc nhiên của con người giữa việc ở lại và ra đi. David Phillips, một giáo sư xã hội học ở trường Đại học California, San Diego, một chuyên gia về phân tích thống kê dữ liệu xã hội học, đã xem xét mối liên hệ giữa tỉ lệ tử vong và những sự kiện có ý nghĩa về văn hóa. Ông ấy nhận thấy rằng mỗi năm, trước lễ Vượt Qua2, tử lệ tử vong của người Do Thái sẽ giảm xuống dưới mức bình thường, và tăng trở lại như cũ ngay sau ngày lễ. Trong khi đó, với những người không phải dân Do Thái, tỉ lệ tử vong không hề biến chuyển dù trước hay sau ngày lễ này. Tương tự, ông cũng chỉ ra rằng số lượng người Trung Quốc chết trước thềm Tết Trung Thu — một ngày lễ có ý nghĩa biểu trưng quan trọng — ít hơn. Tương tự, sau khi Tết Trung Thu kết thúc, con số này trở lại như cũ. Nếu con người có thể quyết định bằng ý chí của mình để cố sống thêm một dịp Tết Trung Thu hay một buổi đoàn viên, vậy thì tại sao không thể chọn sống vì tình yêu?

Vì tình yêu. Ảnh: Wikimedia.

Sau tất cả, tình yêu không chỉ mang lại cảm xúc tốt đẹp, nó còn có thể có lợi cho chúng ta: Những mối quan hệ tốt đẹp có thể bảo vệ ta trước những ảnh hưởng tiêu cực do căng thẳng. Trong những nghiên cứu được thiết kế để đo mức độ ảnh hưởng của hỗ trợ xã hội đối với khả năng chống chọi lại căng thẳng, Coan đưa những tình nguyện viên vào máy quét MRI và dọa rằng sẽ làm cho họ bị giật điện. Cứ sau một thời gian nhất định, một biểu tượng sẽ chớp sáng trước mắt họ để thông báo rằng họ có 20% khả năng sẽ bị giật điện trong vòng một vài giây tới. Mục đích là để tạo ra sự “lo âu do dự đoán,” tương tự như cảm giác mà những tác nhân gây căng thẳng thường ngày mang lại, ví dụ như deadline công việc đang rình rập.

Nhưng những người tình nguyện không chỉ tham gia một mình. Một số sẽ được nắm tay người mà họ tin tưởng – người yêu, cha mẹ hoặc một người bạn thân. Những người khác thì nắm tay của một người hoàn toàn xa lạ. Coan nhận thấy rằng, hoạt động của não bộ ở vùng dưới đồi, nơi thể hiện rõ ràng nhất những phản ứng của cơ thể khi căng thẳng, diễn ra khác nhau giữa một bên là những người nắm tay người thân và một bên là những người nắm tay người lạ. Siết chặt bàn tay của người mình yêu thương có thể xoa dịu phản ứng của não bộ khi bị đe dọa.

Trong một nghiên cứu liên quan, Coan cũng đưa các tình nguyện viên vào trong máy quét và bảo họ nắm lấy tay người thân của họ. Nhưng lần này, biểu tượng xuất hiện sẽ cảnh báo với họ rằng người kia sẽ bị giật điện. Coan nhận thấy rằng, hoạt động của não những người tham gia trong cả hai trường hợp — khi chính họ là mục tiêu của lời đe dọa và khi biết người bạn đời của họ mới là mục tiêu — là hoàn toàn giống nhau. Nhưng điều này không diễn ra khi các tình nguyện viên cầm tay người lạ. “Khi bàn đến não bộ, ‘nửa kia’ không chỉ là một hình ảnh ẩn dụ, mà nó còn đúng theo cả nghĩa đen — nửa kia chính là một phần của con người bạn,” ông nói.

Khi mất đi nửa kia của mình, bạn thật sự mất đi một phần của chính bản thân mình. Bạn mất đi một phần trong cơ chế đối phó với những khó khăn trong cuộc sống, Coan cho biết. “Bạn phải điều chỉnh phản ứng của bản thân khi đối mặt với căng thẳng. Bạn sẽ phải rút đi một phần năng lượng từ hệ miễn dịch, và cơ thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.”

“Liên kết thần kinh của tình yêu lãng mạn nằm ở phần cuối của não bộ, cạnh nơi phụ trách cảm giác khát và đói. Đây là một cơ chế sinh tồn.”

Helen Fisher — một nhà nhân chủng sinh học tại Đại học Rutgers, tác giả của cuốn Why We Love (tạm dịch: Tại sao chúng ta yêu) và những cuốn sách khác về sự tiến hóa và những phản ứng hóa học của tình yêu — đã giải thích rằng những vết thương sinh lý học do sự đau khổ gây ra đã cho thấy sức mạnh và tầm quan trọng của tình yêu. Fisher nói rằng, cũng giống như những loài động vật xã hội khác, chúng ta tiến hóa để yêu và hình thành mối ràng buộc theo cặp với những cá thể khác cùng loài. “Liên kết thần kinh của tình yêu lãng mạn nằm ở phần cuối của não bộ, cạnh nơi phụ trách cảm giác khát và đói. Đây là một cơ chế sinh tồn.”

Fisher miêu tả ba đặc trưng nổi bật của hệ thống này: một là cảm giác gắn kết, hai là cảm giác yêu thương sâu đậm, và ba là khao khát tình dục. Oxytocin, một loại hormone có vai trò quan trọng trong sự hình thành mối quan hệ đôi lứa, chính là trung tâm của cảm giác gắn kết. “Khi bạn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, hai người sẽ ôm, hôn, mát xa, và lắng nghe giọng nói của nhau. Những điều này sẽ làm tăng oxytocin.” Bà còn cho biết, ngoài vai trò xây dựng các mối quan hệ xã hội, oxytocin còn làm giảm hormone căng thẳng cortisol.

Tình yêu đôi lứa còn kích thích hệ thống não bộ tạo ra dopamine, một chất truyền tin có vai trò quan trọng trong liên kết thần kinh liên quan đến cảm giác thỏa mãn và khen thưởng. Fisher nói rằng, “Khi chúng ta yêu, dopamine sẽ thường xuyên hoạt động. Chúng mang lại năng lượng, sự tập trung, động lực, sự lạc quan và sáng tạo — những điều mà bạn cần có để có một cuộc sống hạnh phúc.” Tình dục cũng kích hoạt hệ thống dopamine, và cảm giác cực khoái sẽ truyền một làn sóng oxytocin vào trong mạch máu. Fisher nói rằng quan hệ tình dục thường xuyên cũng kích hoạt hệ thống testoterone ở đàn ông, điều này có thể tạo ra cảm giác khỏe mạnh và hạnh phúc.

Với tất cả những điều trên cộng lại, có nhiều khả năng là não sẽ phải chịu nhiều tổn thương trước sự ra đi của bạn đời. Đối với một người vừa mất chồng hoặc vợ, như Fisher nói, “cả ba hệ thống não bộ nói trên coi như ngưng hoạt động.” Cộng thêm những thay đổi khác mà họ phải trải qua — những biến đổi trong thói quen, các mối quan hệ xã hội, những lo lắng về quãng đời còn lại — những xáo trộn hóa học có thể đẩy mức độ nguy hiểm lên thành một cái kết đến sớm.


  1. Trị liệu somatic (somatic therapy) là một liệu pháp chú trọng đến mối liên hệ giữa trí óc và cơ thể. Chuyên gia trị liệu thường yêu cầu bệnh nhân của mình làm sống lại những ký ức gây chấn động, rồi quan sát và trị liệu các biểu hiện của cơ thể khi trải nghiệm ký ức đó. Trị liệu somatic thường được dùng để điều trị cho những người từng bị bạo hành hay sốc nặng.

  2. Lễ Vượt Qua (Passover) là lễ thường niên quan trọng nhất của người Do Thái, kỉ niệm sự kiện Chúa giải cứu người dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập Cổ Đại. Lễ này kéo dài một tuần. Đây là dịp sum họp gia đình giống như lễ Giáng sinh của người theo đạo Thiên chúa hay Tết Âm lịch của các nước châu Á.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất