a
§ Tác giả: Nat Eliason | Nguồn: Nat Eliason
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  EvoLit
30/11/2017

Tháng Bảy năm 2006, Twitter1 ra mắt cộng đồng mạng thế giới. Đến tháng Chín, Facebook2 bổ sung thêm News Feed3. Nhưng cả hai vẫn chưa mấy phổ biến nếu bạn nhìn vào danh sách 10 trang web phổ biến nhất năm, những công cụ tìm kiếm vẫn thống trị danh sách này lúc bấy giờ:

  1. Yahoo
  2. Time Warner (AOL)
  3. Microsoft
  4. Google
  5. eBay
  6. Fox
  7. Amazon
  8. Ask
  9. Walmart
  10. Viacom

Chỉ có hai trong 10 trang web đứng đầu nêu trên không tập trung vào công cụ tìm kiếm là Fox và Viacom. Vào năm 2006, mọi người lên Internet vì muốn tìm kiếm điều gì đó. Thậm chí nếu ta mở rộng danh sách ra 20 trang web đứng đầu thì chỉ có thêm một trang “giải trí” xuất hiện là Disney. Những trang web giải trí chỉ chiếm 3 trên 20, và không có một trang truyền thông xã hội nào cả.

Giờ hãy cùng nhau so sánh danh sách trên với bảng xếp hạng hiện nay:

  1. Google
  2. YouTube
  3. Facebook
  4. Wikipedia
  5. Yahoo!
  6. Reddit
  7. Amazon
  8. Twitter
  9. Windows Live
  10. Instagram

Google vươn lên vị trí đứng đầu, nhưng 6 trong 10 trang phổ biến nhất hiện nay lại liên quan đến mạng xã hội hoặc giải trí. Trong khi Internet năm 2006 được sử dụng để tìm kiếm những thông tin cụ thể thì vào năm 2017, nó lại được sử dụng nhiều hơn để xem những thứ được soạn ra để chiêu đãi bạn. Bạn không vào Facebook, Reddit4, Twitter, hay Instagram5 vì muốn tìm điều gì đó, mà là muốn xem những gì chúng tìm được cho bạn.

Vào năm 2006, ta tập trung vào việc thu thập những gì mình muốn trên Internet. Nếu không phải là tin tức thì tất cả những thứ ta đọc đều là thứ ta đang tìm kiếm. Nhưng hiện nay, hầu hết thông tin đều được cung cấp. Ta không còn đăng nhập vào Internet như đi vào thư viện công cộng để tìm cuốn sách ta muốn và nghiền ngẫm nó trong một góc yên tĩnh nữa, mà giống như một chuyến tham quan Las Vegas hơn, nơi ta bị lôi cuốn vào việc giải trí mà không cần phải bỏ ra chút nỗ lực tìm kiếm nào.

Đó là một sự thay đổi tinh vi, và hầu hết chúng ta đều không nhận biết được chúng đã diễn ra như thế nào, nhưng theo một số cách chúng lại đang tàn phá tâm trí của chúng ta. Những cách này không thể dễ dàng nhận thấy trong đời sống thường ngày, nhưng nếu ta lùi lại để xem xét, chúng lại trở nên rõ ràng một cách hiển nhiên.

Vấn đề rõ ràng nhất là sự tác động của chúng đến khả năng tập trung của chúng ta. Bạn có thể ngồi đọc sách trong một tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra các thông tin trên mạng xã hội hay email không? Bạn có thể đọc hết cả bài viết này mà không chuyển sang một thẻ (tab) hay cửa sổ khác ít nhất một lần không? Còn trong công việc, liệu bạn có thể tập trung làm việc trong vài tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra tin tức, email, hoặc những thông tin trên mạng xã hội không? Hay bạn chuyển qua chuyển lại cả tá lần trong một phút?

Hãy hỏi bất cứ ai trên 50 tuổi hiện đang dùng Internet thường xuyên và tất cả đều sẽ thừa nhận với bạn rằng họ có thể tập trung đọc sách dễ dàng hơn lúc còn trẻ, trước khi cuộc sống của họ bị xâm chiếm bởi những thú tiêu khiển không cần nỗ lực này. Có vẻ vấn đề này được hình thành trong chính bản thân của công nghệ. Như Nicholas Carr giải thích trong The Shallows:

“… khi ta trực tuyến (online), ta bước vào một môi trường thúc đẩy việc đọc lướt, suy nghĩ nhanh và phân tán, và sự học hỏi ở mức độ nông. Việc suy nghĩ sâu khi lướt mạng, hay suy nghĩ nông khi đọc sách đều có thể diễn ra, những đó không phải là kiểu suy nghĩ mà công nghệ khuyến khích và tưởng thưởng.”

Nhưng có một bổ sung nữa: thay vì là một điểm xác định của Internet thì đó lại là chính là điểm khiến Internet chiến thắng. Bạn có thể tìm thấy những nơi yên tĩnh trực tuyến để nghiền ngẫm, và đắm chìm vào nội dung như cách bạn thực hiện với sách, nhưng đó không phải là cách mọi người lựa chọn để sử dụng nó. Mà là:

Mạng lưới (Internet) … biến chúng ta thành những chú chuột thí nghiệm liên tục nhấn vào thanh đòn bẩy để lấy được những viên đồ ăn dạng nén nuôi dưỡng trí tuệ và xã hội.”

Thật dễ dàng để có thể đạt được tri thức từ việc đọc lướt qua danh sách “5 điều bạn nên thực hiện trước 6 giờ sáng” trên trang Business Insider6 hơn là tiếp thu chúng bằng cách ngồi đọc cuốn Godel Escher Bach7. Theo thời gian, cùng với việc tiêu thụ loại thực phẩm từ truyền thông “thức ăn nhanh” như thế thay vì vật lộn với việc đọc nhiều thử thách, chúng ta sẽ mất đi khả năng tập trung vào bất cứ phương tiện truyền thông mang tính thử thách nào khác nữa.

Điều đó tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn mà theo đó, khi ta không luyện tập khả năng tập trung thì khả năng đó sẽ kém đi dần, và khi khả năng tập trung kém đi dần thì ta lại càng sử dụng nhiều hơn loại truyền thông thức ăn nhanh kia. Nếu như bạn sử dụng Internet theo cách ban đầu chúng ta sử dụng để thu thập thông tin cần tìm, khả năng tập trung của bạn sẽ không bị ảnh hưởng. Việc duyệt dữ liệu trực tuyến không gây tổn hại đến khả năng tập trung của bạn hơn so với việc duyệt dữ liệu từ thư viện.

Bạn có thể ngồi đọc sách trong một tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra các thông tin trên mạng xã hội hay email không?

Nhưng trong một thế giới Internet bị thống trị bởi sản phẩm giải trí và truyền thông xã hội, bạn thu nhận những thông tin được đưa đến cho bạn, liên tục bị thu hút bởi lựa chọn hấp dẫn nhất, không cưỡng được những tiêu đề câu “view” (clickbait) và hình ảnh bắt mắt, và bạn dần mất đi khả năng tập trung hay thậm chí là khả năng tự quyết định những gì bạn nên tiếp thu.

Để thỏa mãn mong muốn của một độc giả với khả năng tập trung kém cỏi như một chú cá vàng, chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm tất cả các sản phẩm truyền thông đang được chia sẻ đơn giản hơn, ngắn hơn, và kích thích hơn để đảm bảo rằng chúng lôi kéo được sự chú ý của khách hàng.

Lần kế tiếp bạn xem TV, hãy thử nghiệm điều đó. Trong lúc đang xem một đoạn tin tức hoặc quảng cáo, hãy đếm số giây trước khi máy quay chuyển cảnh. Thời lượng nhiều nhất bạn đếm được là bao nhiêu giây? Nếu không phải bạn đang xem C-SPAN8, con số đó khó có thể vượt quá 10 giây trước khi máy quay chuyển cảnh. Thậm chí có khi bạn chỉ đếm được 5 giây mà thôi.

Tại sao lại xuất hiện việc chuyển cảnh như vậy? Bởi vì đó là cách để khiến bạn phải tập trung vào. Nếu máy quay đứng yên, mắt bạn sẽ thấy được hầu hết cảnh quay và bắt đầu lang thang sang nơi khác. Nhưng khi góc nhìn của bạn di chuyển, bạn sẽ bị thu hút hơn, giống như một người thợ săn đang đi khảo sát vùng đồng cỏ xa-van vậy.

Tuy thế, việc chuyển cảnh quay tương đối vô hại. Nó không nhất thiết phải làm suy giảm chất lượng thông tin, mà chỉ tác động đến khả năng tập trung của chúng ta. Điều làm chất lượng thông tin bị suy giảm là khi thông tin bị đóng gói lại theo cách để làm cho nó trở nên thú vị hơn hoặc khiến cho bạn phải chú ý vào nó.

Tin tức, đặc biệt là tin tức truyền hình, hiếm khi được lựa chọn dựa trên tầm quan trọng, mà thay vào đó là tính giải trí. Wolf Blitzer9 có thể gọi những tin tức nào là tin nóng để giữ bạn tiếp tục theo dõi Ad Reel (chương trình quảng cáo) của CNN? Và họ đã trở nên thông thạo đến mức bạn còn không nhận ra là mình đã bị lừa. Như Neil Postman đã đề cập đến trong “Amusing Ourselves to Death (năm 1985) (tạm dịch: Tiêu khiển đến chết):

Những thông tin phát sóng trên radio, truyền hình, hay các tờ báo buổi sáng khiến bạn phải sửa đổi kế hoạch trong ngày của mình, hoặc phải thực hiện một số hành động bạn thường không làm, hay cung cấp tầm nhìn cho một số vấn đề bạn đang vướng phải thường xuyên xuất hiện đến thế nào?

Bạn có thể nhận thấy được điều đó có ý nghĩa như thế nào bằng cách tự vấn bản thân một loạt các câu hỏi khác như: Bạn đã lên kế hoạch những bước nào để giảm thiểu tình hình xung đột tại khu vực Trung Đông? Hay để giảm thiểu tỷ lệ làm phát phát, tội phạm và thất nghiệp? Bạn đã có kế hoạch gì cho việc bảo tồn môi trường và giảm thiểu rủi ro chiến tranh hạt nhân? Còn NATO, OPEC, CIA, chính sách ưu tiên, việc đàn áp đạo Baha’is tại Iran? Tôi sẽ trả lời cho bạn trên quan điểm của tôi: Bạn chẳng có kế hoạch gì cho các vấn đề đó cả.”

Vào năm 2017, vấn đề đã bành trướng lên 10 lần, Internet và sự thiên vị của phương tiện truyền thông xã hội đã khiến hầu hết thông tin chúng ta nhận được bị ì, chất lượng kém, và thậm chí còn bị làm giả.

Khi hầu hết những thông tin bạn nhận được đưa đến thông qua News Feed, bạn trở nên lệ thuộc vào những gì mà  Facebook thấy là đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực hơn cả thông qua các lượt thích, bình luận, và lượng thời gian mọi người bỏ ra trên  trang web bạn được cho xem (thật đấy). Facebook chẳng quan tâm đến việc thông tin có giá trị, hay hợp lý, hoặc hữu ích hay không, mà là tính giải trí, để bạn sẽ tiếp tục trở lại Facebook và nhấn vào các dòng quảng cáo.

Điều làm chất lượng thông tin bị suy giảm là khi thông tin bị đóng gói lại theo cách để làm cho nó trở nên thú vị hơn hoặc khiến cho ta phải chú ý hơn.

Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng lại ở việc giảm chất lượng thông tin và tin tức xuống. Tại sao chúng ta lại thấy rất nhiều người cầm điện thoại trên tay trong lúc đang ngồi cùng nhau tại nhà hàng? Nghiện là một cách giải thích, cũng như do đã  nói chuyện trực tuyến mọi lúc rồi nên chúng ta không còn gì để nói với nhau, hay một khả năng thứ ba là con người hiện nay đang trở nên quá nhàm chán.

Khi bạn có cả thế giới số được thiết kế kỹ lưỡng cho việc giải trí trong túi quần thì tại sao bạn còn phải nói chuyện với với một người rốt cuộc cũng chỉ  muốn bàn về điều họ thấy trên Internet nữa? Khi bạn có thể dành cuộc đời của mình cho những cuộc vui miễn phí trên các con phố Las Vegas thì vào thư viện sẽ trở thành một lựa chọn khó khăn,

Đó có thể là vấn đề tiềm ẩn và nguy hiểm nhất phát sinh từ việc chuyển từ tìm kiếm sang truyền thông. Mỗi giờ đồng hồ bạn bỏ ra trên Facebook, Instagram, Reddit, hay các phương tiện cung cấp sản phẩm giải trí khác, bạn sẽ mất đi một ít khả năng ra ngoài và tự tìm niềm vui. Và càng tiến gần đến hình thức giải trí “Las Vegas” này, khả năng tự tìm niềm vui sẽ càng bị tổn hại, và bạn lại càng dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập.

Nếu bạn tự nhận thấy những việc như đọc sách, đi dạo, thưởng thức bữa tối, đắm mình trong hòa nhạc, hay bất cứ hình thức giải trí nào “cổ điển hơn” là nhàm chán, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng  những thụ thể dẫn truyền thần kinh của bạn đã bị Internet huấn luyện. Những hình thức giải trí cổ điển không nhàm chán, chúng chỉ nhàm chán so với mức độ kích thích mà bạn đã quen mà thôi. Nếu bạn dành vài phút rảnh rỗi của mình cùng với News Feed và trang chủ Reddit, thì vâng, tất nhiên là những trò tiêu khiển cũ sẽ nhàm chán, nhưng đó không phải là một lý do để lên án những trò tiêu khiển kia, mà đó là một dấu hiệu cảnh báo cho việc bạn đã trở nên nghiện dòng tin giải trí đến thế nào.

Hầu hết những gì chúng ta nghĩ về chứng rối loạn tăng động giảm chú ý10 (ADHD) cũng giống với tự nối lại này. Khi một đứa trẻ dành thời gian rảnh của nó vào màn hình chiếc iPad mà bố mẹ chúng đưa để làm chúng yên lặng, thì việc lắng nghe bài giảng của một giáo viên lớp ba sẽ trở nên nhàm chán một cách khủng khiếp. Sẽ thật lạ nếu như những đứa trẻ đó không thể hiện những dấu hiệu của chứng ADHD. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ khó có thể tìm được nhiều đứa trẻ không lớn lên cùng TV và máy tính nhưng lại mất đi khả năng tập trung.

Và tôi nên nói rằng những ứng dụng “giáo dục” cũng không khá hơn: chúng vẫn được thiết kế để thu hút lũ trẻ, khiến chúng không chuyển sang những ứng dụng giáo dục khác, điều đó có nghĩa là, bạn có thể đoán ra rồi đấy, màu sắc tươi sáng, hành động tốc độ cao, sự chuyển màn hình, và bất kỳ kích thích nào nó có thể sử dụng để khiến lũ trẻ bị thu hút (và do vậy khiến khả năng tập trung vào các giáo viên trở nên yếu đi).

Những người lớn đã tốt nghiệp trước khi chứng ADHD hoành hành đơn thuần hoạt động ở những môi trường khác nhau. Tại bàn làm việc, bạn có thể chuyển qua lại giữa Facebook, Twitter, Reddit, và công việc thực sự của bạn tương đối dễ dàng. Một học sinh, sinh viên trên lớp không có những lựa chọn như vậy. Bạn thỏa mãn được cơn nghiện truyền thông của mình, nhưng chúng thì không. Tuy nhiên, nhiều người lớn vẫn sử dụng thuốc ADHD để “xử lý” bởi đó là một giải pháp đơn giản hơn so với việc phải tránh xa khỏi chiếc máy bào chế cô-ca-in kia.

Tất cả những vấn đề này sẽ còn tiếp diễn và mở rộng thêm nữa nếu chúng ta cứ để mặc chúng thế. Hành vi mặc định của số đông  là ngày càng sa lầy vào giải trí, vào News Feed, vào việc chúng ta có được những thông tin được chọn và dọn sẵn ra đĩa. Đó là căn bệnh nghiện: chúng ta dấn thân vào nó, nó sẽ càng mạnh lên, và chúng ta càng ít nhận ra được sự tác động của nó lên cuộc sống của chúng ta.

Nhưng chúng ta vẫn được quyền lựa chọn số lượng hấp thu, và không có lý do gì để bạn không chuyển về tìm kiếm thông tin, thay vì để chúng đổ lên người bạn.


  1. Twitter là một dịch vụ mạng xã hội trực tuyến miễn phí, được thành lập từ năm 2006 cho phép người dùng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là tweets như một dạng tiểu blog.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Twitter tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Twitter

  2. Facebook là dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng thành lập năm 2004 và hiện do công ty Facebook, Inc. điều hành. Facebook cho phép người dùng kết nối với nhau trong cùng tổ chức, khu vực, quốc gia cho đến khắp nơi trên thế giới, đăng tải hình ảnh, dòng trạng thái và tương tác với nhau bằng những biểu tượng cảm xúc và bình luận.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Facebook tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Facebook

  3. News Feed là nội dung nằm trong cột chính giữa trang chủ Facebook – một danh sách cập nhật liên tục những câu chuyện từ mọi người và các trang người dùng theo dõi trên Facebook.

    News feed bao gồm các dòng trạng thái, hình ảnh, video, liên kết, hoạt động ứng dụng, thể hiện cảm xúc (like, love, haha…) và cả quảng cáo từ các trang fanpage.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về News Feed tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/News_Feed

  4. Reddit là một trang tập hợp, bình chọn, và thảo luận thông tin xã hội. Tại Reddit, người dùng có thể đăng tải bài viết, đường dẫn… đồng thời sử dụng hệ thống bình chọn để xác định bài viết có mang nhiều giá trị hay không. Bằng cách này, các thông tin giá trị sẽ được chọn lọc bởi cộng đồng.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Reddit tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Reddit

  5. Instagram là một phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí cho phép người dùng chụp ảnh trên điện thoại của mình, thêm các bộ lọc hình ảnh, và sau đó chia sẻ trên Instagram và nhiều mạng xã hội khác nhau.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về Instagram tại đây:

    https://en.wikipedia.org/wiki/Instagram

  6. Business Insider là một trang báo điện tử về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức công nghệ thông tin. Trang báo ra đời vào tháng 2 năm 2009 và có trụ sở tại thành phố New York.

    Trang web cung cấp, phân tích tin tức kinh doanh và tổng hợp những tin tức mới nhất từ ​​khắp nơi trên mạng toàn cầu

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về trang Business Insider tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Business_Insider

  7. Godel, Escher, Bach Một uốn sách của Douglas Hofstadter, được xuất bản năm 1979 và đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu vào năm 1980.

    Cuốn sách mô tả các quan hệ giữa thành tích sáng tạo của nhà logic học Kurt Gödel, họa sĩ M. C. Escher, và nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach. Theo tác giả khả năng sáng tạo của họ đều có những điểm chung nhất định, như tác giả diễn đạt: “Tôi thấy rõ rằng, đối với tôi, Gödel và Escher và Bach thực sự chỉ là các bóng nằm về hướng khác nhau của một vật thể trung tâm. Tôi cố gắng diễn lại vật thể trung tâm, và nghĩ đến sách này.”

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về cuốn sách này tại đây:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/G%C3%B6del,_Escher,_Bach

  8. C-SPAN viết tắt của Cable-Satellite Public Affairs Network, một kênh truyền hình phi lợi nhuận phục vụ cho các tin tức liên quan đến quản lý công, chính sách công… tại Mỹ.

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về kênh C-SPAN tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/C-SPAN

  9. Wolf Blitzer tên đầy đủ là Wolf Isaac Blitzer (22/3/1948) là một nhà báo người Mỹ, đồng thời là người dẫn chương trình tin tức buổi chiều của CNN mang tên “The Situation Room with Wolf Blitzer” (phát sóng từ năm 2005).

  10. Hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý khiến trẻ em không thực hiện được các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung tinh thân trong thời gian dài (đọc sách, làm bài, chơi cờ…)

    Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về hội chứng này tại đây:
    https://en.wikipedia.org/wiki/Attention_deficit_hyperactivity_disorder

4 thoughts on “Chiếc công tắc hủy diệt mang tên mạng Xã hội

  1. Bài viết hay quá ạ, cảm ơn Team Zeal rất nhiều ạ. Hy vọng các bạn sẽ cho ra nhiều bài viết chất lượng và chúc Zeal thành công!

  2. Bài viết khiến cho cả những người trước giờ cứ khăng khăng cho rằng mình không nghiện mạng xã hội cũng phải hoài nghi bản thân. Nhưng sẽ bổ ích hơn nếu đề cập đến cả cách giảm thiểu sự ảnh hưởng của những thông tin được dọn sẵn cũng như tăng cường sự tập trung mà không cần dùng đến thuốc.

  3. Bài viết rất hay và có sự so sánh cụ thể như Las Vegas và cái thư viện. Cảm ơn bạn đã cung cấp một bài viết hay như vậy. Mong những bài viết sau của bạn :))

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Kế hoạch tẩu tán
Vấn đề với việc du hành vũ trụ và khám phá Sao Hỏa không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Có gì không ổn với việc coi Sao Hỏa là hành tinh dự bị cho tương lai nhân loại?
Mới nhất