Vào năm 1991, nhóm đầu tư đa quốc gia Old Mutual đã tìm đến kiến trúc sư người Zimbabwe Mick Pearce với một đề án táo bạo. Nhóm này muốn xây dựng một khu phức hợp bán lẻ và văn phòng với tên gọi Trung tâm Eastgate tại thành phố Harare, thủ đô của Zimbabwe. Với không gian rộng 50.000 nghìn mét vuông, đây sẽ là tòa nhà thương mại lớn nhất ở Zimbabwe. Nhưng Old Mutual không muốn chi trả một khoản tiền lớn cho việc chạy điều hòa trong một không gian khổng lồ như vậy. Liệu Pearce cùng với công ty xây dựng Arup có thể tạo ra một thiết kế chỉ dựa trên cơ chế điều khiển khí hậu tự nhiên và thụ động?
Suy nghĩ về vấn đề này, Pearce tìm thấy nguồn cảm hứng từ những tổ mối xuất hiện rải rác trên những hoang mạc khắp đất nước của mình. Những tổ mối lớn nhất có thể cao đến vài mét, một quy mô khiến đội quân mối xây dựng cái tổ trở nên nhỏ bé cũng như quy mô của một tòa nhà chọc trời hiện đại so với một người công nhân xây dựng. Mỗi tổ mối luân chuyển khí dưới lòng đất qua một mạng lưới đường dẫn vào trong những tổ hình cầu, nơi sinh sống của hàng triệu con mối và một số lượng còn lớn hơn thế của nấm và kí sinh trùng. Nói chung, một tổ mối bình thường có chứa một lượng sinh khối nóng hổi ngang với sinh khối của một con bò nhỏ. Dựa theo ý tưởng của nhà côn trùng học người Thụy Sĩ Martin Luscher, rất nhiều nhà nghiên cứu tin rằng tổ mối có vai trò như những cái điều hòa, giữ nhiệt độ, độ ẩm, lượng oxy trong tổ luôn dễ chịu bằng cách liên tục trao đổi thân nhiệt tỏa ra từ những cư dân trong tổ mối với luồng gió mát khuếch tán từ mặt đất. Theo Luscher, chiều cao khổng lồ của tổ mối cho phép “hơi nóng” từ sinh khối của lũ mối tạo ra sự trao đổi đối lưu này. Lí thuyết của Luscher trở nên nổi tiếng vào những năm 1961, được phổ biến qua một bài báo trên tờ Scientific American.
Hình dung những tổ mối như những máy điều hòa, Pearce phác thảo kế hoạch cho một toà nhà cách điện bằng đá với một không gian mở và rộng rãi chứa đầy hệ thống ống dẫn tinh vi và những cụm ống khói cao dùng cho việc trao đổi nhiệt. Các ống dẫn sẽ đưa không khí đi quanh tòa nhà, trong khi những ống khói sẽ lấy đi lượng nhiệt tỏa ra từ những cư dân hối hả và việc vận hành máy móc vào ban ngày, đẩy nhiệt lên cao và đưa ra ngoài để làm mát tòa nhà vào ban đêm. Để có một bản thiết kế và kỹ thuật chính xác, bản thân Pearce một phần nào đó lại trở nên giống như một con mối; ông rời khỏi vị trí chỉ đạo của một kiến trúc sư và tự mình làm những công việc chân tay ở công trình xây dựng, giúp tạo ra và lắp đặt một số gạch xi măng bằng chính hai bàn tay của mình. Trung tâm Eastgate ra mắt vào năm 1996, đạt được danh tiếng toàn cầu vì đã tiên phong sử dụng thiết kế “phỏng sinh học” cho việc điều chỉnh nhiệt độ với chi phí và mức năng lượng chỉ bằng một phần của những tòa nhà bình thường có kích cỡ tương tự.
Chỉ có duy nhất một vấn đề. Dù Trung tâm Eastgate đã vận hành đúng như kế hoạch, những tổ mối mà trung tâm này được mô phỏng theo trên thực tế lại hoạt động theo một cách hoàn toàn khác. Trong khoảng thời gian Eastgate Centre bắt đầu hoạt động, nhà khoa học người Mỹ Scott Turner dùng máy bơm khí propane và tia vi cảm biến điện tử để đo đạc một cách tỉ mỉ sự trao đổi khí ở gần 50 tổ mối ở Nam Phi. Ông ấy phát hiện ra rằng những tổ mối không điều chỉnh nhiệt độ mà đúng hơn là chỉ đẩy oxy và CO2 đi vào và đi ra khỏi tổ. Hỗn hợp khí này được tạo ra không phải bởi lượng nhiệt bên trong tổ mối mà là do áp suất không khí từ bên ngoài: Những con mối xây tổ của mình cao để đón gió, không phải để thúc đẩy sự đối lưu. Bề mặt ngoài xốp và thấm nước của một tổ mối cho phép không khí đi vào và ra tổ, giống như phế nang trong phổi người. Những tổ mối không phải là những cái máy điều hòa sơ cấp mà đúng hơn là một hệ thống hô hấp ngoài cực kì phức tạp.
Mỉa mai là dù một phần cảm hứng cho thiết kế phỏng sinh học của Pearce là từ việc ông hiểu sai về tổ mối, công trình này lại rất thành công vì nó đã vô tình phỏng theo đúng giải pháp điều chỉnh nhiệt độ của loài mối, đó chính là bề mặt thông khí bên ngoài của tổ mối và nhiệt dung (thermal capacity)1 của khu vực đất xung quanh. Ngoài những hành lang mở với đầy ống dẫn và ống khói cao ngất ngưởng, tòa nhà còn phụ thuộc vào những tấm xi măng nền khổng lồ đóng vai trò giữ nhiệt lượng ban ngày khi trời nóng hơn và tỏa nhiệt ra vào ban đêm khi nhiệt độ mát mẻ hơn. Turner nhận xét, “Trung tâm Eastgate thành công vì Pearce là một kiến trúc sư giỏi chứ không phải vì ông ấy là một người mô phỏng thiên nhiên sơ sài. Nhờ vậy mà ông ấy có thể tái tạo lại nhiều chức năng mà những tổ mối thật sự có. Điều này thật đáng nể.”
Trung tâm Eastgate chỉ là một trong nhiều những câu chuyện về việc con người tìm đến thiên nhiên để lấy cảm hứng và lí giải – và rồi hiểu sai. Nhưng tìm một lời giải thích chính xác thì không hề dễ dàng. Chúng ta càng cố gắng lấy cảm hứng từ kiến trúc tự nhiên, chúng ta lại càng hiểu rằng ngay cả một cấu trúc đơn giản nhất cũng gắn kết mật thiết với đặc tính, tính cách của những người xây dựng nên những cấu trúc ấy, khiến cho việc giải thích trở nên khó khăn. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là sử dụng các khái niệm của thế giới con người như phiến đá Rosetta2. Dù gì đi nữa, tổ mối nhìn cũng giống những tòa nhà tản nhiệt. Sự đơn giản của phép so sánh này làm cho mô hình của Lüscher dễ dàng được chấp nhận. Cho đến tận bây giờ, những miêu tả về thiết kế của Pearce trong những tài liệu kiến trúc vẫn cho rằng mô hình của Lüscher là một mô hình chính xác, và nhiều nhà khoa học vẫn miêu tả tổ mối tương tự những “máy điều hòa.” Nhưng những làn sóng đầu tiên của việc mô phỏng sinh học, được thúc đẩy bởi những so sánh định tính đơn giản, giờ phải nhường đường cho hiểu biết phức tạp và tinh tế hơn về ngôi nhà của động vật.
Những loài vật tạo nên những cấu trúc phức tạp và trật tự nhất thường là những loài với trí tuệ hạn chế. Thay vì bắt đầu từ con số không và mỗi thế hệ lại học lại mọi thứ từ đầu, chúng dựa vào hành động bản năng, bẩm sinh có thể được mài dũa tương đối nhanh qua các thế hệ liên tiếp trong sự chọn lọc tự nhiên.
Không ở đâu mà mối quan hệ giữa nhưng người xây dựng và ngôi nhà lại rõ ràng như ở những loài côn trùng có tính xã hội. Những loài vật nhỏ bé và có tính cộng tác cao như ong bắp cày, ong mật, kiến, và mối là những thợ xây tuyệt vời nhất của tự nhiên, mặc dù những ngôi nhà của chúng chỉ dựa theo những quy tắc đơn giản một cách thanh tao. John Wenzel, một nhà côn trùng học và một chuyên gia về tổ ong bắp cày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie tại Pennsylvania, nhận xét: “Những loài vật tạo nên những cấu trúc phức tạp và trật tự nhất thường là những loài với trí tuệ hạn chế. Thay vì bắt đầu từ con số không và mỗi thế hệ lại học lại mọi thứ từ đầu, chúng dựa vào hành động bản năng, bẩm sinh có thể được mài dũa tương đối nhanh qua các thế hệ liên tiếp trong sự chọn lọc tự nhiên.” Những động vật lớn hơn và thông minh hơn gặp giới hạn trong việc xây dựng bằng cả não và cơ bắp. Ngoài con người ra, những loài vật to lớn nếu có xây dựng thì cũng chỉ đơn giản là đào hố hoặc xếp chồng củi lên.
Những hành động đã được in hằn trong mọi cá thể trong loài này có thể được xem là một sự ảnh hưởng rộng hơn của bộ gen của một loài côn trùng, vượt ra khỏi những hạn chế của cơ thể, khiến ranh giới giữa sinh lý học và môi trường trở nên nhạt nhòa. Nhà sinh học Richard Dawkins đã gọi điều này là “kiểu hình mở.” Trong khi Pearce lí giải tổ mối trên phương diện những đơn vị chức năng gần gũi với con người, những nhà nghiên cứu khác sử dụng kiến trúc của côn trùng chủ yếu để hiểu thêm về những cư dân bí hiểm trong những kiến trúc này. Wenzel nói: “Bạn không cần phải xem xét một loài động vật mới có thể hiểu chính xác về hành động của chúng. Chỉ cần xem xét cấu trúc (ngôi nhà của chúng) và hiểu được cách nó được dựng nên là đủ.”
Theo Wenzel, những nghiên cứu như thế này chắc chắn sẽ mang lại sự ngạc nhiên không chỉ về bản thân loài vật được quan sát mà còn cả chính những người quan sát. Một ví dụ điển hình là kiến trúc tương đương nhau của hai loài nhện orb-weaver và tangle-web. Nếu phải tưởng tượng ra một mạng nhện, khả năng là bạn sẽ nghĩ đến công trình của loài orb-weaver: Một cái lưới bằng tơ treo trên những cành cây, sợi tơ tạo thành một vòng xoắn ốc gọn gàng và cân đối quanh trung tâm đến mức bạn sẽ cảm thấy nó thật đẹp, và chắc chắn nó hơn hẳn búi tơ vò của nhện tangle web trong đống củi. Loài orb-weaver đã tuân thủ một công thức toán học đơn giản để xây dựng mạng nhện trên một mặt phẳng. Chính công thức này đã tạo nên vẻ đẹp của mạng nhện lưới. Để so sánh, mạng nhện búi của loài tangle-web chính là kết quả của một quá trình hành động phức tạp hơn nhiều. Quá trình này gồm việc xây dựng dựa trên nguyên tắc thử – sai – làm lại, móc và thử sợi tơ ở bất kì một mặt phẳng nào có sẵn cho đến khi chăng được một cái bẫy mồi lý tưởng. Mạng nhện này trông rối rắm và thô sơ.
Nhưng mạng nhện búi thực ra lại xuất phát từ một phiên bản thô sơ hơn của mạng nhện lưới. Một mạng nhện búi có thể được tạo nên ở bất kì chỗ nào, nó không cần gió thổi mới bắt được mồi. Thiết kế táo bạo, không đối xứng đã cho phép những con nhện tạo ra chiếc lưới này phát tán và phát triển thành hàng nghìn loài mới. “Con người thích những thứ đối xứng và gọn gàng, vì sự đối xứng và gọn gàng giúp chúng ta nhận ra được những quy luật, và chúng ta thích nghĩ rằng mình hiểu được mọi việc,” Wenzel nói. “Một mạng nhện búi cho thấy trong trường hợp nào điều này có thể sai.”
Một bài học tinh tế hơn về cấu trúc bắt nguồn từ một bí ẩn mà Wenzel liên tục gặp phải khi còn là một sinh viên ở Đại học Kansas những năm cuối thập niên 80. Khi đấy ông đang nghiên cứu cách xây tổ của Polister annularis, một loài ong vò vẽ giấy ở Nam Mỹ có thể xây những cái tổ to nép dưới những mái hiên nhà. Ông quan sát ngày qua ngày những con ong thợ xếp những lỗ tổ ong hình lục giác thành hàng này đến hàng khác. Ông nhận thấy là thi thoảng sẽ có một con ong thợ xếp một hình ngũ giác thay vì hình lục giác, và điều này dường như làm hỏng sự hoàn hảo của những hàng lối chỉnh tề. Tuân thủ theo những quy luật đơn giản của chúng, những con ong thợ khác sẽ phá cái lỗ khác thường đó đi và thay nó bằng một lỗ hình lục giác, để rồi những nỗ lực này lại bị phá hủy bởi chính con ong thợ đầu tiên – kẻ sẽ lại thay thế lỗ hình lục giác bằng một hình ngũ giác. Cuộc giằng co qua lại giữa hai bên chỉ ổn thỏa khi một trong hai con từ bỏ. Thường thì những cái lỗ ngũ giác sẽ được giữ lại. Một ngày, Wenzel đã nhắc đến những “sai sót” này và điều này vô tình lọt vào tai giáo sư của ông, Rudolf Jander – một nhà hành vi học động vật có tiếng. Vị giáo sư này đã mắng ông không thương tiếc.
“Anh có hiểu ong bắp cày nghĩ gì không?” Anh có biết như thế nào là ‘lỗi’ không? Không nói được, đúng không? Anh chỉ có thể đo đạc thôi. Hãy đo đi. Những con ong bắp cày sẽ cho anh biết điều đó có nghĩa là gì, anh không phải dạy bảo chúng đâu.”
Cảm thấy hối lỗi, Wenzel quay lại với nghiên cứu của mình, đo đạc và đếm các hình ngũ giác cho đến khi ông nhận ra một đặc điểm có quy tắc. Việc lắp đặt những hình ngũ giác không phải là ngẫu nhiên; thay vào đó, chúng xuất hiện ở những điểm chịu áp lực đã được dự tính của cấu trúc, nơi mà những lớp nối tiếp nhau của tổ cần được xây với một độ cong. Những hình ngũ giác khác thường – và những con ong vò vẽ hiếm hoi đã xếp chúng – đã củng cố cấu trúc của tổ, cũng giống như cách những người thợ may tạo xếp li cho quần.
Nhưng những thứ trông giống như dị tật lại có thể trải qua quá trình thích nghi và đạt đến đỉnh cao thích ứng trong quá trình chọn lọc. Nói cách khác, nó có thể trở nên hữu ích, thậm chí là thiết yếu.
“Trong nghiên cứu của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều lần những thứ mà tôi cứ nghĩ là dị thường, dị tật, gần như kiểu đột biến vậy,” Wenzel nói. Nhưng những thứ trông giống như dị tật lại có thể trải qua quá trình thích nghi và đạt đến đỉnh cao thích ứng trong quá trình chọn lọc. Nói cách khác, nó có thể trở nên hữu ích, thậm chí là thiết yếu. Và cả khó hiểu nữa.
Sau đó, tôi gặp Turner, hiện giờ là một giáo sư tại Trường Khoa học Môi trường và Lâm nghiệp thuộc Đại học Bang New York ở Syracuse. Ông vừa mới bay về từ một cuộc hội thảo về quy hoạch đô thị tại Hà Lan. Ở đó ông thảo luận về tổ mối và những kiến trúc khác của động vật có triển vọng trở thành nguồn cảm hứng cho những “thành phố hữu cơ” phỏng sinh học trong tương lai. Tôi hỏi ông ấy liệu có bài học về phỏng sinh học nào rút ra từ những tổ mối không. “Chắc chắn rồi,” ông trả lời. “Chúng ta đôi khi tìm đến tự nhiên để kiểm chứng giải pháp của mình. Nếu thế giới tự nhiên không cảm xúc cũng giải quyết theo một cách tương tự, chúng ta sẽ cảm thấy an tâm. Nhưng bạn không thể chỉ đơn giản suy thẳng từ loài côn trùng có tính xã hội như mối sang xã hội loài người. Có những hệ giá trị khác nhau ở đây.”
Điều này không thể ngăn cản vô vàn thành công của lĩnh vực phỏng sinh học. Tàu cao tốc của Nhật có thể phóng như bay qua những đường hầm như một cơn gió thoảng là nhờ lớp vỏ khí động học lấy cảm hứng từ cái mỏ của những con chim lặn (diving birds). Những vận động viên Olympic có thể phá vỡ những kỉ lục thế giới là nhờ có những bộ áo lặn được phủ bởi chất liệu giảm lực cản mô phỏng theo da cá mập. Chi phí năng lượng và nguyên liệu tăng cao đã dẫn đến một thế hệ những cao ốc và “tòa nhà thông minh” hoàn toàn mới ở các thành phố trên toàn thế giới với hệ thống làm mát thụ động phỏng sinh học và trụ cấu trúc nhẹ.
Nhưng, theo Rupert Soar, một kĩ sư và một nhà kinh doanh, người đã nghiên cứu về tổ mối cùng với Turner, phần lớn những công trình phỏng sinh học hiện nay không hề mô phỏng sinh học. Nói đúng hơn chúng là một dạng “biophilia,”3 một xu hướng bản năng của con người luôn tìm kiếm sự liên hệ với những sinh vật khác. Đối với Soar, phỏng sinh học thật sự là một quá trình hơn là một thành phẩm, và giống như sự hỗn độn tinh tế của mạng nhện búi, không phải lúc nào nó cũng dễ nhìn.
“Kiến trúc sư vẫn đang nghiên cứu về phỏng sinh học trong việc thiết kế những cấu trúc, hình dáng, và khuôn mẫu cho những chức năng cụ thể.” Soar nói. “Nhưng trong thiên nhiên, đó không phải cách để tìm ra giải pháp và tạo nên đổi mới! Chúng ta chỉ thấy những sinh vật vận hành theo những quy tắc đơn giản, những thuật toán được dùng hết lần này đến lần khác liên quan đến một số mục tiêu.”
Soar tin rằng, một sự phỏng sinh học đích thực sẽ bỏ qua khái niệm biophilia đơn giản và những ẩn dụ thô sơ trong thiết kế – tàu siêu tốc như mỏ chim, đồ lặn như da cá mập, hay tổ mối như những nhà cao tầng. Thay vào đó, những kiến trúc sư và nhà thiết kế sẽ bắt đầu xây dựng mọi thứ như cách mà thiên nhiên tạo ra chúng. Tức là, sử dụng sự tương tác và thuật toán tạo nên mỗi cấu trúc với nhiều chức năng được tối ưu hóa, và chúng sẽ đóng vai trò như những cơ quan độc lập. Soar và những người khác đã thử nghiệm mô phỏng loài côn trùng và nhà của chúng sử dụng “hệ thống mô phỏng cơ quan” (agent modeling systems) trong đó hàng nghìn, hàng triệu, thậm chí hàng tỉ những chương trình riêng lẻ – mỗi chương trình (được lập trình) như một con “côn trùng ảo” thô sơ với mục tiêu riêng. Các chương trình tranh giành nguồn tài nguyên giới hạn trong một miền điện tử được lắp đặt cẩn thận. Tuân thủ theo bộ quy tắc “chuẩn” trong thế giới ảo này, các cơ quan có thể tái tạo những cấu trúc và hình thái mà những con côn trùng thật sự đã tạo ra trên thực tế, dù rằng chúng cũng có thể được dùng để tạo ra những đột phá. Đôi khi, phương án tối ưu phức tạp được hình thành lại không hề giống với những sản phẩm của trí tuệ con người hay động vật.
“Đối với những vấn đề kiến trúc, một người có thể muốn sửa một cái cửa, một người khác lại muốn sửa cái cửa sổ, một người khác nữa lại nghĩ đến đường dẫn nước hoặc nhiệt, và họ cùng thương thảo một giải pháp. Ngày nay điều này có thể thực hiện được là nhờ máy tính có thể xử lý được lượng thông tin khổng lồ cần thiết.” Soar nói.
Phương án dựa vào cơ quan này chỉ ra rằng chúng ta không cần phải hiểu tường tận suy nghĩ và xã hội của một loài côn trùng hay thói quen xây nhà của chúng để tận dụng được điểm mạnh của chúng. Tuy nhiên, việc đưa những kĩ thuật này vào trong kiến trúc của con người có thể khá mạo hiểm. Một hệ thống mô phỏng cơ quan có thể mang đến một giải pháp cực kì tối ưu cho bất kì vấn đề nào đặt ra, nhưng chúng sẽ không cho bạn biết phương án đó đã được tìm ra như thế nào, hay liệu rằng phương án này có thực sự tốt nhất. Những công trình hữu cơ được tạo ra có thể công phu và tối ưu một cách thần kì, nhưng chúng vẫn được phát triển bằng một quá trình kém hiệu quả, đôi khi còn mệt nhọc. Những cấu trúc như thế này thường không ổn định và dễ sụp đổ hơn so với tiêu chuẩn cho phép của nền kiến trúc hiện đại. Có thể, tệ hơn cả, vì sản phẩm của một hệ thống mô phỏng cơ quan thường tích hợp quá nhiều chức năng trong một cấu trúc, nên nó có thể không đối xứng, rối rắm, và không hấp dẫn với thẩm mỹ của con người.
Và vì thế chúng ta quay đầu, trở lại với những thứ trật tự và đối xứng, và chắc chắn, với hình dạng đơn giản từ xi măng và sắt thép – với thứ có thể kiểm soát, mặc dù điều này không ảnh hưởng đến thiết kế và quá trình xây dựng của một công trình từ đầu đến cuối.
Tuy nhiên, Soar đồ rằng kiến trúc cuối cùng sẽ bước đến một giai đoạn sử dụng phỏng sinh học nhiều hơn do nhu cầu những tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả tăng cao. Phương pháp tối ưu dựa trên cơ quan có thể trở nên phổ biến, cùng với những công nghệ xây dựng mới như in 3D, mang lại những thử nghiệm và đột phá về kiến trúc chưa từng có. Một cuộc cách mạng trong cách con người xây đựng và sinh sống trong những ngôi nhà của họ có thể xảy ra. Những ngôi nhà, tòa nhà văn phòng hình hộp, cố định có thể sẽ phải nhường đường cho sự đa dạng bất ngờ của những hình thức hữu cơ có thể thay đổi và được tạo ra dễ dàng. Hàng ngày con người có thể tương tác với những công trình kiến trúc gần giống như những loài côn trùng, hình thành nên những nhóm xã hội dựa theo những dấu hiệu từ môi trường và lấy cảm hứng từ sinh học để xây dựng và duy trì nhà cửa của họ, giống như những tổ ong vậy.
Trong tương lai kì lạ này, phỏng sinh học có thể sẽ không còn là một phương thức thời thượng như trước kia, mà trở thành một hình thức tương tác cơ bản: những người sinh sống trong một tòa nhà làm việc cùng nhau từ đầu đến cuối để duy trì cấu trúc của tòa nhà, mỗi hành động của một cá nhân sẽ hòa hợp với nhu cầu của số đông theo những cách mới. “[Những môi trường này] sẽ ồn ào, nặng mùi, lòe loẹt, và thô ráp, đầy những cảm biến bắt mắt mà con người sẽ dùng để quyết định mình làm gì tiếp theo,” Soar nói.
Những triển vọng khác thường này và kết nối sâu sắc giữa những cư dân và môi trường sống nghe thật kì lạ, có thể là vì chúng đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi một vài trong số những thứ có vẻ thuộc về bản chất của con người. Chúng ta liệu có bao giờ lựa chọn sự hỗn loại của mạng nhện búi thay vì sự tinh tế của mạng nhện lưới, hay là căn nhà theo kiến trúc van der Rohe4? Chẳng phải chúng ta cảm thấy thoải mái hơn trong những công trình tĩnh và kiên cố làm từ đá, kính và sắt thép, hơn là trong những tổ hợp phỏng sinh học linh hoạt sao? Có thể chúng ta là như thế thật. Nhưng một sự thật nữa là chúng ta cũng liên tục xây dựng những thành phố và nền kinh tế ngày càng phức tạp hơn, kết nối hơn, và biến hóa hơn – và hữu cơ hơn theo một cách nào đó. Dù sao chăng nữa, chúng ta đã có nhiều điều tương đồng với những nhà xây dựng vĩ đại nhất của tự nhiên hơn chúng ta tưởng. Và, khi chúng ta thông tuệ hơn về những ngôi nhà của động vật, và cũng như chuyển đổi hoàn toàn từ biophilia sang phỏng sinh học, thì sự phỏng sinh học trong kiến trúc của chúng ta chỉ có thể ngày càng tối ưu hơn.
Đại lượng vật lý có giá trị bằng nhiệt lượng cần truyền cho một đơn vị khối lượng chất đó để làm tăng nhiệt độ lên 1 °C.↩
Phiến đá Rosetta là một tấm bia Ai Cập cổ ghi lại một sắc lệnh được ban hành vào năm 196 TCN bằng ba hệ chữ viết: chữ tượng hình Ai Cập, chữ Demotic và tiếng Hi Lạp Cổ Đại. Đây là một văn bản quan trọng giúp cho việc giải nghĩa chữ tượng hình Ai Cập. Tác giả nhắc đến phiến đá Rosetta ám chỉ việc con người sử dụng những khái niệm trong thế giới con người như một công cụ đối chiếu, giải thích cho những kiến trúc tự nhiên.↩
Thuyết Biophilia được đưa ra bởi Edward O.Wilson. Lý thuyết này cho rằng con người bẩm sinh có xu hướng muốn kết nối và hòa nhập cùng với tự nhiên. Tên gọi này đa được dùng trong kiến trúc để chỉ “thiết kế xanh” – những thiết kế gàn gũi với thiên nhiên.↩
Ludwig Mies van der Rohe một kiến trúc sư người Mỹ gốc Đức. Ông là một trong những người tiên pho cho kiến trúc hiện đại. Kiến trúc của ông mang phong cách tối giản với nhưng vật liệu như sắt thép kính.↩