Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: William Dalrymple | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Uong Uyen | Hiệu đính:  Nguyên
01/11/2016
Di sản bạo lực của Cuộc Chia cắt Ấn Độ.

Tháng 8 năm 1946, khi người Anh cuối cùng cũng rời khỏi Ấn Độ sau 300 năm chiếm đóng ở đây, tiểu lục địa này bị phân chia thành hai quốc gia độc lập: Ấn Độ với phần đông dân số theo Hindu giáo1 và Pakistan với phần đông dân số theo Hồi giáo2. Ngay lập tức, một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử loài người bắt đầu, khi hàng triệu người Hồi giáo di cư đến Tây và Đông Pakistan (hiện nay được biết đến với cái tên Bangladesh) trong khi hàng triệu người Hindu giáo và Sikh giáo3 thì đi về hướng ngược lại. Hàng trăm ngàn người đã không thể hoàn thành cuộc hành trình.

Trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, các cộng đồng đã cùng tồn tại trong gần một thiên niên kỷ tấn công nhau trong sự bùng nổ bạo lực sắc tộc đáng sợ, với người theo đạo Hindu và đạo Sikh ở một phe, và người đạo Hồi ở phe còn lại – một cuộc diệt chủng không ai ngờ tới bởi chưa từng có điều gì tương tự xảy ra trước đó. Ở Punjab và Bengal – hai tỉnh ở biên giới Ấn Độ lần lượt tiếp giáp với Tây và Đông Pakistan – cuộc tàn sát đặc biệt khốc liệt, với những sự chém giết, đốt phá, bắt ép cải đạo, bắt cóc hàng loạt, và bạo lực tình dục dã man. Khoảng bảy mươi lăm nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp, và nhiều người trong số họ sau đó đã bị hủy hoại nhan sắc hoặc bị chặt tay chân.

Nisid Hajari4, trong tác phẩm “Midnight’s Furies” (Tạm dịch: “Cơn giận dữ lúc nửa đêm”) (Nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt), một bài tường thuật tóm tắt nhanh về lịch sử của Cuộc Chia cắt và hậu quả của nó, viết rằng, “Các băng nhóm sát thủ khiến cả làng chìm trong biển lửa, chúng giết đàn ông, trẻ em, và người già trong khi đem phụ nữ ra hãm hiếp. Một số binh sĩ và nhà báo Anh từng chứng kiến những trại tử thần (the Nazi death camps) của Đức Quốc xã cho biết sự tàn bạo của Cuộc Chia cắt còn tồi tệ hơn: phụ nữ mang thai bị cắt mất phần ngực và những đứa bé bị lôi ra khỏi bụng mẹ; trẻ sơ sinh bị xiên vào que và nướng chín, theo đúng nghĩa đen.”

Trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, các cộng đồng đã cùng tồn tại trong gần một thiên niên kỷ tấn công nhau trong sự bùng nổ bạo lực sắc tộc đáng sợ, với người theo đạo Hindu và đạo Sikh ở một phe, và người đạo Hồi ở phe còn lại – một cuộc diệt chủng không ai ngờ tới bởi chưa từng có điều gì tương tự xảy ra trước đó.

Đến năm 1948, khi cuộc di cư vĩ đại sắp kết thúc, hơn mười lăm triệu người đã rời khỏi quê hương, và khoảng một đến hai triệu người bị thiệt mạng. So sánh sự kiện này với các trại tử thần (của Đức Quốc xã) có vẻ không quá khập khiễng. Cuộc Chia cắt đã trở thành một phần cốt lõi trong nhận thức thời hiện đại ở tiểu lục địa Ấn Độ, cũng như Holocaust5 đối với người Do Thái, được ghi nhớ một cách đau đớn vào trong nhận thức của cả khu vực bởi những ký ức về bạo lực không thể tưởng tượng được. Nhà sử học nổi tiếng người Pakistan Ayesha Jalal đã gọi Cuộc Chia cắt là “sự kiện lịch sử trung tâm trong thế kỷ hai mươi tại Nam Á”. Bà viết, “Một thời khắc quyết định mà chẳng phải là sự khởi đầu hay kết thúc, Cuộc Chia cắt vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến cách mà người dân và các quốc gia Nam Á nghĩ về quá khứ, hiện tại, và tương lai của họ.”

Sau Thế chiến thứ hai, nước Anh đơn giản là không còn nguồn tài nguyên để kiểm soát tài sản lớn nhất của đế quốc này, và họ rời khỏi Ấn Độ một cách lộn xộn, vội vàng, và vụng về. Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ một cuộc rút lui của thực dân, thì họ đã khá thành công. Trong khi luật Anh ở Ấn Độ từ lâu đã khét tiếng bởi các cuộc nổi dậy bạo lực và đàn áp tàn bạo, quân đội Anh đã hành quân ra khỏi đất nước này mà gần như không có một vụ nổ súng nào và chỉ có bảy người bị thương. Điều không kém bất ngờ tiếp theo chính là sự tàn bạo của cuộc chiến đẫm máu sau đó.

Câu hỏi làm thế nào mà một nền văn hóa với sự hòa trộn và dung hòa sâu sắc như Ấn Độ lại sụp đổ nhanh chóng như vậy đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Sự phân cực của người theo đạo Hindu và đạo Hồi chỉ diễn ra trong vòng vài thập kỷ của thế kỷ hai mươi, nhưng đến khoảng giữa thế kỷ, nhiều người ở cả hai phe đã hoàn toàn tin rằng không thể nào có chuyện tín đồ của hai tôn giáo này có thể chung sống hòa bình. Gần đây, một loạt các tác phẩm mới đã thách thức những truyền thuyết chủ nghĩa dân tộc diễn ra trong hàng bảy mươi năm. Cũng đã có một nỗ lực lan rộng nhằm ghi chép lại những ký ức truyền miệng của thế hệ đã trải qua Cuộc Chia cắt trước khi họ mang những ký ức ấy xuống mồ.

Cuộc chinh phục đầu tiên của Hồi giáo ở Ấn Độ xảy ra vào thế kỷ mười một, với việc chiếm đóng Lahore năm 1021. Những người Turk ở Ba Tư, mà bây giờ là miền trung Afghanistan, chiếm đoạt Delhi từ những người cai trị theo đạo Hindu vào năm 1192. Đến năm 1323, họ đã thành lập một vương quốc Hồi giáo trải dài đến tận phía nam Madurai, về phía mũi bán đảo, và có những vương quốc Hồi giáo khác trải dọc từ Gujarat ở phía tây cho đến Bengal ở phía đông.

Ngày nay, những cuộc chinh phục này thường được coi là đã được thực hiện bởi “người Hồi giáo,” nhưng những văn tự tiếng Phạn thời trung cổ không gọi tên kẻ xâm lược vùng Trung Á bằng từ đó. Thay vào đấy, những kẻ mới đến được nhận diện bởi đặc điểm ngôn ngữ và dân tộc, điển hình nhất là người Turkistan – hay người Turk – cho thấy là những người này không được nhận diện qua tôn giáo của họ. Tương tự như vậy, mặc dù bản thân các cuộc chinh phục được đặc trưng bởi những cuộc tàn sát và sự tàn phá các vùng đất Hindu giáo và Phật giáo, Ấn Độ sớm chấp nhận và biến đổi những kẻ mới đến. Trong vòng vài thế kỷ, một nền văn minh Ấn lai Hồi giáo nổi lên, cùng với những ngôn ngữ lai – mà nổi bật nhất là tiếng Deccani và tiếng Urdu, chúng được pha trộn giữa tiếng Phạn bản ngữ của Ấn Độ với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, và các từ tiếng Ả Rập.

Cuối cùng, khoảng một phần năm dân số Nam Á đã tự coi mình là người Hồi giáo. Những người theo dòng Sufi6 gắn liền với sự lan tỏa của đạo Hồi thường xem kinh thánh Hindu là cảm hứng tuyệt diệu. Một số người thậm chí còn luyện tập Yoga theo các thánh nhân Hindu (Hindu sadhus7), cọ xát cơ thể của họ bằng tro, hoặc treo ngược cơ thể trong khi cầu nguyện. Trong truyền thống dân gian làng mạc, việc thực hành hai đức tin này gần như hòa làm một. Người theo đạo Hindu sẽ tới thăm ngôi mộ của các bậc thầy Sufi giáo và người Hồi giáo sẽ đặt lễ vật cúng tế tại đền thờ Hindu giáo. Số lượng người thực hành Sufi đặc biệt nhiều ở Punjab và Bengal – chính là hai vùng mà, nhiều thế kỷ sau đó, chứng kiến sự bạo lực dã man – và đã có sự cải đạo hàng loạt của những người nông dân ở đây.

Sự hòa trộn văn hóa diễn ra trên khắp tiểu lục địa này. Trong những văn bản Hindu trung cổ từ Nam Ấn, Hoàng đế của Delhi thi thoảng được mô tả như sự hiện thân của thần Vishnu8. Vào thế kỷ mười bảy, thái tử Dara Shikoh9 của Đế quốc Mogul đã cho dịch Bhagavad Gita10, có lẽ là văn bản cốt lõi nhất của Hindu giáo, sang tiếng Ba Tư, và soạn thảo một nghiên cứu về Hindu giáo và Hồi giáo, có tựa đề “The Mingling of Two Oceans” (Tạm dịch: “Sự Hòa trộn của hai Đại dương”), nhấn mạnh sự tương đồng của hai tôn giáo. Không phải người cai trị nào của đế quốc Mogul cũng có lòng quảng đại như vậy. Sự tàn bạo gây ra bởi Aurangzeb, người em trai cực đoan và nghiêm khắc của Dara, chưa hề bị quên lãng bởi những người theo đạo Hindu. Nhưng hoàng đế Mogul cuối cùng, lên ngôi năm 1837 (Hoàng đế Bahadur Shah Zafar), đã viết rằng Hindu giáo và Hồi giáo “có chung một bản chất”, và triều đại của ông  luôn thực thi lý tưởng này.

Vào thế kỷ mười chín, Ấn Độ vẫn là một nơi mà những truyền thống, ngôn ngữ, và văn hóa vượt lên trên những khuôn khổ tôn giáo, và là nơi mà người ta không chỉ định hình bản thân thông qua tín ngưỡng. Một thợ dệt Hồi giáo theo nhánh Sunni11 ở Bengal sẽ có nhiều điểm chung trong ngôn ngữ, quan điểm, và sở thích ăn cá với những người cùng quê theo đạo Hindu, hơn là với người theo Hồi giáo nhánh Shia ở Karachi hay người Pashtun theo nhánh Sufi ở vùng biên giới Tây Bắc.

Nhiều nhà văn đổ lỗi một cách đầy thuyết phục cho người Anh vì đã làm xói mòn những truyền thống có chung giữa hai tôn giáo này. Như Alex von Tunzelmann nhận xét trong tác phẩm lịch sử “Indian Summer” (Tạm dịch: “Mùa hè Ấn Độ”) của mình, khi “người Anh bắt đầu định nghĩa “các cộng đồng” (communities) dựa trên bản sắc tôn giáo và gán vai trò chính trị cho họ, người Ấn Độ ngừng chấp nhận những sự đa dạng trong chính suy nghĩ của mình và bắt đầu tự hỏi đâu mới là nơi họ thuộc về.” Thật vậy, học giả người Anh Yasmin Khan, trong cuốn sách lịch sử nổi tiếng của cô “The Great Partition” (Tạm dịch: “Cuộc Chia cắt Điên rồ”), cho rằng Cuộc Chia cắt “là minh chứng cho sự ngu ngốc của đế quốc, nó làm gián đoạn sự phát triển của cộng đồng, làm biến dạng quỹ đạo lịch sử, và gây ra bạo lực giữa những cộng đồng xã hội mà, nếu không có đế quốc, đã chọn cho mình những con đường khác-và-không thể biết được.”

Tuy nhiên một số đánh giá khác cho rằng Cuộc Chia cắt, thay vì là hệ quả tất yếu của chính sách chia để trị, thì chủ yếu là sự phát triển không chắc chắn. Cho đến năm 1940, cuộc chia cắt này vẫn có thể tránh được. Một vài tác phẩm trước đó, như tác phẩm của nhà sử học người Anh Patrick French, “Liberty or Death” (Tạm dịch: “Tự do hay là chết”), chỉ ra phần nhiều các mẫu thuẫn cuối cùng xoay quanh những trái ngược về tính cách của các chính trị gia trong thời kỳ đó, đặc biệt là giữa Muhammad Ali Jinnah12, nhà lãnh đạo của Liên đoàn Hồi giáo13, với Mohandas Gandhi14 và Jawaharlal Nehru15, hai nhà lãnh đạo nổi bật nhất của Đảng Quốc đại Ấn Độ16. Cả ba người đều là các luật sư bị Anh Quốc hóa17, đã từng học tập ở Anh. Jinnah và Gandhi đều là người Gujarati. Họ đã có thể là những đồng minh thân thiết. Tuy nhiên vào đầu những năm 1940 mối quan hệ của họ đã trở nên căng thẳng đến mức họ gần như không thể ngồi chung trong cùng một căn phòng.

Trung tâm của các cuộc tranh luận là về tính cách của Jinnah, con người đã khai sinh ra đất nước Pakistan. Trong những ghi chép của Ấn Độ, ông được mô tả như một nhân vật phản diện; với người Pakistan, ông lại là Cha đẻ của Dân tộc. Như người Pháp đã nói, “Chẳng bên nào thật sự hứng thú với việc mô tả ông như một con người bình thường, và người Pakistan thì tối giản ông thành một bức hình trong trang phục Hồi giáo giản dị trên tờ tiền giấy.” Một trong những ưu điểm của văn bản lịch sử mới do Hajari viết là sự miêu tả cân bằng hơn về Jinnah. Ông chắc chắn là một nhà thương thuyết cương nghị, quả quyết, và có tính cách lạnh lùng; chính khách Sarojini Naidu của Đảng Quốc đại nói đùa rằng bà phải mặc thêm áo lông khi ông xuất hiện. Tuy nhiên Jinnah theo nhiều cách lại là một nhà phát kiến gây nhiều ngạc nhiên cho nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. Là một người trung thành với chủ nghĩa thế tục, ông uống rượu whisky, hiếm khi đi đến các nhà thờ Hồi giáo, cạo trọc đầu và ăn mặc thời trang, ưa thích những bộ vét được cắt may rất đẹp của hãng Savile Row và cà vạt lụa. Đáng chú ý là, ông đã kết hôn với một người phụ nữ không theo đạo Hồi, cô con gái quyến rũ của một doanh nhân người Parsi. Cô nổi tiếng với những bộ sari mỏng tanh và với việc một lần mang cho chồng bánh sandwich kẹp thịt hun khói vào ngày bầu cử18.

Jinnah, không hề muốn mang tôn giáo vào chính trị ở Nam Á, phẫn nộ sâu sắc với cách mà Grandhi đã đem những cảm xúc tâm linh vào việc đàm phán chính trị, và ông từng nói với Grandhi, theo những gì một thống đốc thuộc địa ghi lại được, là “việc trộn lẫn chính trị với tôn giáo như ông ta đã làm là một tội ác.” Ông tin rằng làm như thế là cổ súy cho kẻ cuồng đạo ở tất cả các phe. Thật vậy, ông đã dành phần đầu trong sự nghiệp chính trị của mình, vào khoảng thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất, cố gắng kết nối Liên đoàn Hồi giáo và Đảng Quốc đại. “Tôi nói với những người bạn Hồi giáo của tôi rằng: Đừng sợ!”, ông kể lại, và ông mô tả ý tưởng về sự thống trị của Hindu giáo là “thứ ma quỷ, kẻ thù đặt trước mặt bạn để làm bạn hoảng sợ mà tránh xa sự hợp tác và đoàn kết, điều cần thiết cho việc thành lập chính quyền tự trị.” Năm 1916, Jinnah, người mà vào thời điểm đó thuộc cả hai đảng, thậm chí còn thành công trong việc tập hợp cả hai bên để trình với thực dân Anh một bộ yêu sách, Hiệp ước Lucknow. Ông được ca ngợi là “Đại sứ của Liên minh Hindu giáo – Hồi giáo.”

Ủy ban công tác Liên đoàn Hồi giáo, phiên họp tại Lucknow . Nguồn: Wikimedia.
Ủy ban công tác Liên đoàn Hồi giáo, phiên họp tại Lucknow . Nguồn: Wikimedia.

Nhưng Jinnah cảm thấy bị lu mờ bởi sự nổi lên của Gandhi và Nehru sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tháng 12 năm 1920, ông bị đuổi ra khỏi một sự kiện của Đảng Quốc đại khi khăng khăng gọi đối thủ của mình là “ông Gandhi” thay vì danh hiệu linh thiêng, Mahatma – Tâm hồn Vĩ đại. Trong suốt những thập niên hai mươi và ba mươi, sự thù địch gia tăng, và đến năm 1940 Jinnah đã lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo đòi một lãnh thổ riêng biệt cho các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Nam Á. Đây là một hành động ông từng phản đối trước đó, và, theo Hajari, ông đã bí mật “trấn an các đồng đội còn nghi ngờ của mình rằng Cuộc Chia cắt đó chỉ là một con bài mặc cả.” Ngay cả sau khi yêu cầu của ông về sự thành lập Pakistan được đáp ứng, ông khẳng định rằng đất nước mới của ông sẽ bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Tháng 8 năm 1947, trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Lập hiến Pakistan, ông nói, “Bạn có thể thuộc về bất cứ tôn giáo hay đẳng cấp, tín ngưỡng nào mà không phải lo lắng về mâu thuẫn gì với nhà nước.” Nhưng đã quá muộn: đến lúc bài diễn văn được truyền đi, bạo lực giữa người Hindu và người Hồi giáo đã rơi vào vòng xoáy vượt quá khả năng kiểm soát của bất cứ ai.

Hindu giáo và Hồi giáo đã bắt đầu tấn công nhau trong sự hỗn loạn gây ra bởi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1942, khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore và Rangoon và tiến nhanh qua Miến Điện về phía Ấn Độ, Đảng Quốc đại đã bắt đầu một chiến dịch bất tuân dân sự, đó là Phong trào Bất phục tùng Dân sự Ấn Độ (Quit India Movement), và các lãnh đạo phong trào, trong đó có Gandhi và Nehru, đều bị bắt giữ. Trong khi họ đang ở trong tù, Jinnah, người đã tự nhận mình là một đồng minh trung thành của thực dân Anh, củng cố những quan điểm đằng sau mình như là cách bảo vệ tốt nhất cho lợi ích người Hồi giáo chống lại sự thống trị của người Hindu. Đến khi Thế chiến kết thúc và các nhà lãnh đạo của Đảng Quốc đại được phóng thích, Nehru nghĩ rằng Jinnah đại diện cho “một ví dụ rõ ràng của sự thiếu tư duy văn minh”, và Gandhi đã gọi ông là một “gã điên” và “một thiên tài xấu xa.”

Người ta chuyển đi, hoặc bị buộc phải rời khỏi những khu dân cư hỗn hợp và tị nạn đến những khu ổ chuột biệt lập ngày càng phân cực.

Từ thời điểm đó, bạo lực trên đường phố giữa người Hindu và người Hồi giáo bắt đầu leo thang. Người ta chuyển đi, hoặc bị buộc phải rời khỏi những khu dân cư hỗn hợp và tị nạn đến những khu ổ chuột biệt lập ngày càng phân cực. Căng thẳng thường bị gia tăng lên bởi các nhà lãnh đạo chính trị của địa phương và khu vực. H. S. Suhrawardy, vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên đoàn Hồi giáo tàn nhẫn của Bengal, đã có một vài bài phát biểu gây kích động ở Calcutta, khiến bọn nổi loạn chống lại chính người dân Hindu của ông ta, và viết trên một tờ báo rằng “đổ máu và hỗn loạn không nhất thiết có bản chất ác độc, nếu nó được dùng cho một nguyên nhân cao quý.”

Chuỗi tàn sát tôn giáo trên diện rộng đầu tiên điễn ra ở Calcutta năm 1946, một phần là kết quả của sự kích động gây ra bởi Suhrawardy. Cuốn sách lịch sử của Von Tunzelmann kể lại những bạo lực mà nhà văn Nirad C. Chaudhuri đã chứng kiến ở đây. Chaudhuri mô tả một người đàn ông bị trói chặt vào đầu nối của đường xe điện và bị khoan một lỗ nhỏ ở hộp sọ để ông chảy máu đến chết càng chậm càng tốt. Ông cũng viết về một đám đông người Hindu lột trần một cậu bé 14 tuổi để xác nhận cậu bé đã được cắt bao quy đầu, và vì thế cậu là người Hồi giáo. Cậu bé sau đó bị ném xuống một cái ao và bị nhấn chìm bằng những cây sào bằng tre – “một kỹ sư người Bengal từng học ở Anh ghi lại thời gian đứa bé bị dìm tới chết bằng chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Rolex của ông ta, và tự hỏi cuộc sống của một tên Hồi giáo thì bền bỉ đến mức độ nào.” Năm ngàn người đã bị giết. Phóng viên ảnh người Mỹ Margaret Bourke-White, người đã chứng kiến màn khai mạc một trại tập trung của Đức Quốc xã một năm trước đó, viết rằng đường phố của Calcutta “trông như trại Buchenwald19.”

Khi bạo loạn lan sang các thành phố khác và số lượng người thương vong leo thang, các nhà lãnh đạo của Đảng Quốc đại, những người lúc đầu phản đối Cuộc Chia cắt, bắt đầu xem nó như cách duy nhất để loại bỏ tên Jinnah khó ưa và Liên đoàn Hồi giáo của ông ta. Trong một bài diễn văn tháng 4 năm 1947, Nehru nói, “Tôi muốn những kẻ gây cản trở trên con đường của chúng ta phải tìm đường của riêng họ mà đi.” Tương tự, người Anh nhận ra là họ đã mất cả sự kiểm soát còn sót lại ở khu vực này và bắt đầu đẩy nhanh chiến lược rút lui của mình. Chiều 20 tháng 2 năm 1947, Thủ tướng Anh Clement Atlee tuyên bố trước Nghị viện rằng sự cai trị của Anh sẽ chấm dứt vào “trước tháng 6 năm 1948.” Nếu đến thời điểm đó Nehru và Jinnah có thể hòa giải, quyền lực sẽ được chuyển giao cho “một hình thức nào đó của Chính phủ trung ương Ấn Độ thuộc Anh.” Nếu không, họ sẽ ủy quyền “theo những cách có vẻ hợp lý và mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Ấn Độ.”

Tháng 3 năm 1947, một hoàng thân không có mấy ảnh hưởng với vẻ ngoài quyến rũ, Ngài Louis Mountbatten, bay đến Delhi với tư cách Tổng đốc cuối cùng của Anh, nhiệm vụ của ông là chuyển giao quyền lực và rời khỏi Ấn Độ nhanh nhất có thể. Một loạt các cuộc gặp thảm họa với Jinnah cố chấp nhanh chóng khiến ông cho rằng lãnh đạo của Liên đoàn Hồi Giáo là “một kẻ tâm thần,” không thể lay chuyển để mà đàm phán. Lo rằng nếu ông không hành động nhanh thì nước Anh, như Hajari viết, có thể sẽ là “trọng tài cho một cuộc nội chiến,” Mountbatten đành dùng sự quyến rũ đáng kể của mình để thuyết phục tất cả các đảng đồng ý rằng Cuộc Chia cắt là sự lựa chọn duy nhất còn sót lại.

Đầu tháng 6, Mountbatten làm mọi người choáng váng khi tuyên bố rằng ngày 15 tháng 8 năm 1947 sẽ là ngày chuyển giao quyền lực – sớm hơn mười tháng so với dự kiến. Lý do cho sự vội vàng này vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có thể là Mountbatten muốn làm cho các phe đang tranh cãi nhận ra rằng họ đang lao vào bờ vực chia rẽ. Tuy nhiên, sự vội vàng chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn. Cyril Radcliffe, một thẩm phán người Anh được chỉ định vẽ đường biên giới cho hai nhà nước mới, chỉ được cho không quá 40 ngày để vẽ lại bản đồ Nam Á. Các đường biên giới cuối cùng cũng được công bố hai ngày sau ngày Quốc Khánh của Ấn Độ.

Không ai trong số các bên tranh chấp hài lòng với những thỏa hiệp mà Mountbatten buộc họ phải làm. Jinnah, người đã thành công trong việc lập nên một quốc gia mới, coi quốc gia bị cắt ra mà ông được nhận – một mảnh đất ở cực Đông và cực Tây Ấn Độ, bị phân ra bởi một ngàn dặm lãnh thổ Ấn Độ – như một vùng đất “tàn phế, bị cắt xén, và vô giá trị,” mà mỉa mai là ông đã phải đấu tranh để có được. Ông cảnh báo rằng sự chia cắt của Punjab và Bengal “sẽ gieo hạt giống cho những rắc rối nghiêm trọng trong tương lai.”

Tối 14 tháng 8 năm 1947, tại Dinh Tổng đốc ở New Delhi, Mounbatten và phu nhân của ông nghỉ ngơi và xem một bộ phim của Bob Hope mang tựa đề “My Favourite Brunette.” Cách đó không xa, dưới chân Đồi Raisina, tại tòa nhà Quốc hội Lập hiến Ấn Độ, Nehru đã thực hiện bài diễn văn nổi tiếng nhất của ông. “Cách đây nhiều năm, chúng ta đã có một cuộc hẹn với định mệnh,” ông tuyên bố. “Vào thời khắc nửa đêm, khi thế giới đang ngủ, Ấn Độ sẽ thức dậy để đến với cuộc sống và sự tự do.”

Nhưng bên ngoài những vùng đất được canh phòng cẩn mật của New Delhi, nỗi kinh hoàng đã diễn ra. Cũng vào tối hôm đó, khi những viên chức người Anh còn lại ở Lahore lên đường ra ga xe lửa, họ phải đi qua những con đường rải đầy xác chết. Trên sân ga, họ thấy các nhân viên nhà ga đang rửa đi những vũng máu. Trước đó vài tiếng, một nhóm người Hindu đang tẩu thoát khỏi thành phố đã bị tán sát bởi một đám đông người Hồi giáo khi đang ngồi chờ xe lửa. Khi chuyến tàu tốc hành Bombay rời Lahore đi về phương Nam, các vị quan chức có thể thấy Punjab rực cháy, với những ngọn lửa bùng lên từ làng này sang làng khác.

Những đoàn người tị nạn khốn cùng chạy trốn khỏi bạo lực kéo dài đến hàng 50 dặm và còn hơn thế nữa. Khi những người nông dân lê bước một cách mệt mỏi, đám du kích ẩn nấp trong những đám cây bên đường nhào ra vào lựa người để giết như giết cừu.

Những gì diễn ra tiếp sau đó, đặc biệt là ở Punjab, trung tâm chủ yếu của bạo lực, là một trong những thảm kịch lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ hai mươi. Như Nisid Hajari viết, “Những đoàn người tị nạn khốn cùng chạy trốn khỏi bạo lực kéo dài đến hàng 50 dặm và còn hơn thế nữa. Khi những người nông dân lê bước một cách mệt mỏi, đám du kích ẩn nấp trong những đám cây bên đường nhào ra vào lựa người để giết như giết cừu. Những chuyến xe lửa đặc biệt chở người tị nạn, nhồi nhét đến quá tải từ lúc khởi hành, bị phục kích liên tục trên đường đi. Những chuyện này xảy ra thường xuyên đến nỗi tới lúc họ vượt qua được biên giới, chỉ còn lại một bầu không khí câm lặng tang tóc và máu rỉ ra từ dưới cửa khoang tàu.”

Sự chia cắt ở Punjab, Ấn Độ năm 1947. Nguồn: Wikimedia.
Sự chia cắt ở Punjab, Ấn Độ năm 1947. Nguồn: Wikimedia.

Chỉ trong vòng vài tháng, cảnh quan của khu vực Nam Á đã thay đổi khủng khiếp. Vào năm 1941, Karachi được chọn là thủ đô đầu tiên của Pakistan, gồm 47,6% là người Hindu. Delhi, thủ đô của Ấn Độ độc lập, có 1/3 dân số là người Hồi giáo. Đến cuối thập kỷ, gần như tất cả những người theo đạo Hindu ở Karachi đã chạy trốn, trong khi hai trăm ngàn người Hồi giáo bị buộc phải rời khỏi Delhi. Những thay đổi trong vài tháng tới tận 70 năm sau vẫn không thể xóa nhòa.

Hơn hai mươi năm trước, tôi đến thăm tiểu thuyết gia Ahmed Ali. Ali là tác giả của tác phẩm “Twilight in Delhi” (Tạm dịch: “Chạng vạng ở Delhi”), được xuất bản năm 1940, với sự hỗ trợ của Virginia Woolf và E. M. Forster, và có lẽ cho đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về thủ đô Ấn Độ. Ali đã lớn lên trong thế giới hỗn độn của Delhi cũ, nhưng vào khoảng thời gian tôi đến thăm ông, ông đang sống tha hương ở Karachi. “Nền văn minh của Delhi được hình thành thông qua sự hòa trộn của hai nền văn hóa khác nhau, Hindu giáo và Hồi giáo,” ông nói với tôi. Còn bây giờ “Delhi đã chết. . . . Tất cả những gì làm Delhi trở nên đặc biệt đã bị bật gốc và phân tán.” Ông đặc biệt tiếc thương một thực tế là sự tinh hoa của Delhi Urdu20 đã bị phá hủy: ” Bây giờ ngôn ngữ này đã bị thu hẹp. Nhiều từ đã bị mất.”

Giống như Ali, nhà văn sống tại Bombay Saadat Hasan Manto coi việc lập quốc của Pakistan là một thảm họa cá nhân lẫn cộng đồng. Thảm kịch của Cuộc Chia cắt, ông viết, không phải là việc bây giờ có hai quốc gia thay vì chỉ một, mà là sự nhận thức rằng “con người ở cả hai quốc gia đều là nô lệ, nô lệ của sự cố chấp. . . nô lệ của niềm đam mê tôn giáo, nô lệ của bản năng động vật và sự man rợ.” Sự điên rồ ông chứng kiến và những tổn thương ông đã trải qua trong quá trình rời Bombay và di cư đến Lahore sẽ luôn in dấu sâu đậm trong suốt phần đời còn lại của ông. Nhưng nó cũng biến ông thành tác giả tuyệt đỉnh của thể loại truyện ngắn tiếng Urdu. Trước Cuộc Chia cắt, Manto là một nhà viết tiểu luận, biên kịch, nhà báo với nhiều thành tựu nghệ thuật khác nhau. Sau đó, trong nhiều năm sáng tạo điên cuồng, ông trở thành một tác giả xứng đáng sánh ngang với Chekhov, Zola, và Maupassant – tất cả những người mà ông từng biên dịch tác phẩm và coi là hình mẫu của mình. Mặc dù tác phẩm của ông vẫn ít được biết đến ngoài khu vực Nam Á, một số bản dịch mới, triển vọng bởi Aatish Taseer, Matt Reeck, và Aftab Ahmad hứa hẹn mang lại cho ông khối lượng đọc giả rộng hơn.

Như giải thích gần đây trong tác phẩm “The Pity of Partition” (Tạm dịch: “Điều đáng tiếc của Cuộc Chia cắt”) của Ayesha Jalal – Jalal là cháu họ của Manto – ông suy nghĩ nhiều về logic của Cuộc Chia cắt. “Dù có cố gắng thế nào”, ông viết, “tôi cũng không thể tách rời Ấn Độ khỏi Pakistan, và Pakistan khỏi Ấn Độ.” Ai sẽ có quyền sở hữu các tác phẩm được viết thời Ấn Độ còn chưa bị phân chia đây? Mặc dù ông phải đối mặt với những lời chỉ trích và kiểm duyệt, ông đã viết một cách đầy ám ảnh về bạo lực tình dục đi kèm với Cuộc Chia cắt. “Khi tôi nghĩ về những người phụ nữ đã hồi phục, tôi chỉ nghĩ đến những cái bụng bầu to tướng của họ – điều gì sẽ xảy đến với những cái bụng đó?” Ông hỏi. Những đứa trẻ ấy sẽ được coi là “thuộc về Pakistan hay Hindu?”

Điểm khác thường nhất trong các tác phẩm của Manto là mặc cho tất cả những cảm xúc của ông, ông không bao giờ phán xét. Thay vào đó, ông khuyên chúng ta cố gắng hiểu những gì đang xảy ra trong tâm trí của tất cả các nhân vật, kẻ giết người cũng như nạn nhân, kẻ hãm hiếp cũng như người bị hãm hiếp. Trong truyện ngắn “Colder Than Ice” (Tạm dịch: “Lạnh Hơn Băng”), độc giả được bước vào phòng ngủ của Ishwar Singh, một kẻ giết người và cưỡng hiếp theo đạo Sikh, người đã bị liệt dương kể từ vụ hắn bắt cóc một cô gái Hồi giáo xinh đẹp. Khi hắn cố gắng giải thích tai họa hắn gây ra với Kalwant Kaur, người yêu hiện tại của hắn, hắn kể về chuyện tìm ra cô gái ấy sau khi đột nhập vào ngôi nhà và giết chết gia đình cô.

Anh đã có thể cắt cổ họng cô ấy, nhưng anh không làm vậy. . . . Anh nghĩ rằng cô ấy đã ngất đi, vì vậy anh vác cô ấy trên vai suốt quãng đường đến con kênh ngoài thành phố. . . . Sau đó, anh đặt cô ấy xuống bãi cỏ, đằng sau vài bụi cây và. . . đầu tiên anh nghĩ anh sẽ vờn cô ấy một chút. . . nhưng sau đó anh đã quyết định xử lý cô ấy ngay lập tức. . . . “

“Rồi chuyện gì đã xảy ra?” Cô hỏi.

“Anh đã làm chuyện đó. . . nhưng nhưng . . . “

Giọng hắn chìm đi.

Kalwant Kaur lắc hắn dữ dội. “Chuyện gì đã xảy ra?”

Ishwar Singh mở mắt ra. “Cô ấy đã chết. . . . Anh đã vác một xác chết. . . một đống thịt lạnh lẽo. . . jani, [em yêu] hãy đưa tay cho anh.”

Kalwant Kaur đạt tay lên tay hắn. Nó lạnh còn hơn băng.

Câu chuyện nổi tiếng nhất của Manto về Cuộc Chia cắt, “Toba Tek Singh”, bắt đầu từ một tiền đề đơn giản, được trình bày ngay ở những dòng đầu:

Hai hoặc ba năm sau Cuộc Chia cắt năm 1947, chính phủ Ấn Độ và Pakistan nghĩ đến việc trao đổi người điên giống như cách mà họ đã trao đổi tội phạm. Người Hồi giáo tâm thần ở Ấn Độ sẽ bị gửi đến Pakistan và người theo đạo Sikh và Hindu bị tâm thần ở nhà thương điên Pakistan sẽ bị giao đến Ấn Độ.

Thật khó để biết được liệu đề nghị này có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Tuy nhiên, quyết định đã được đưa ra ở các cấp cao nhất của cả hai bên.

Trong một vài ngàn chữ trào phúng mơ hồ, Manto đã thành công trong việc truyền tải thông điệp rằng những người điên ấy còn tỉnh táo hơn nhiều so với những kẻ đưa ra quyết định loại bỏ họ, và rằng, như Jalal viết, “sự điên rồ của Cuộc Chia cắt còn vượt xa sự điên rồ của tất cả các tù nhân cộng lại.” Câu chuyện kết thúc với người anh hùng cùng tên với tác phẩm bị mắc kẹt giữa hai biên giới: “Ở một bên, đằng sau hàng rào kẽm gai, là những người điên Ấn Độ và ở phía bên kia, đằng sau nhiều hàng rào kẽm gai hơn, là những người điên Pakistan. Ở giữa, trên một mảnh đất không tên, Toba Tek Singh nằm đó.”

Cuộc sống của Manto sau Cuộc Chia là một tấn bi kịch giống như thể chế điên rồ được mô tả trong “Toba Tek Singh.” Thay vì được chào đón tại Pakistan, ông đã bị những người theo văn học chủ nghĩa Mác xít coi như một kẻ phản động. Sau khi xuất bản cuốn “Lạnh Hơn Băng”, ông bị buộc tội khiêu dâm và bị kết án tù lao động khổ sai, mặc dù ông đã được tha bổng sau khi kháng cáo. Kế sinh nhai buộc Manto phải lao vào làm việc như điên; trong một khoảng thời gian năm 1951, mỗi tháng ông viết xong một cuốn sách, với tốc độ một câu chuyện một ngày. Dưới áp lực này, ông rơi vào trầm cảm và trở thành một người nghiện rượu. Gia đình ông buộc ông phải vào bệnh viện tâm thần nhằm làm ông cai rượu, nhưng ông qua đời vì tác dụng của nó vào năm 1955, ở tuổi 42.

So với tất cả các yếu tố bi hài trong những câu chuyện của Manto, và tình trạng bị dày vò tâm trí của chính bản thân ông, thực tế của Cuộc Chia cắt cũng có không ít sự phi lý. Nghiên cứu xuất sắc gần đây của Vazira Zamindar, “The Long Partition and the Making of Modern South Asia” (Tạm dịch: “Cuộc Chia cắt lâu dài và Sự hình thành của Nam Á hiện đại”), mở đầu bằng câu chuyện của Ghulam Ali, một người Hồi giáo đến từ Lucknow, một thành phố ở trung tâm Bắc Ấn, người chuyên làm chân tay giả. Ông muốn sống ở Ấn Độ, nhưng vào thời điểm Cuộc Chia cắt được công bố, ông lại đang tình cờ làm việc ở một xưởng quân sự ở phía biên giới Pakistan. Trong vòng vài tháng, hai quốc gia mới lao vào tranh chấp Kashmir, và Ali bị ép phải phục dịch cho quân đội Pakistan và bị cấm trở về nhà ở Ấn Độ. Năm 1950, Quân đội cho ông giải ngũ vì ông đã trở thành một công dân Ấn Độ. Nhưng khi ông ra đến biên giới, ông đã không được công nhận là người Ấn Độ, và đã bị bắt vì nhập cảnh mà không có giấy phép đi lại. Năm 1951, sau khi thụ án tù ở Ấn Độ, ông bị trục xuất trở lại Pakistan. Sáu năm sau, ông vẫn bị trục xuất qua lại như con thoi giữa các nhà tù và trại tị nạn của hai quốc gia mới. Hồ sơ chính thức của ông kết thúc khi bịlính Hồi giáo bắt giữ vào một trại giam dành cho các tù nhân người Hindu ở phía biên giới Pakistan.

Kể từ năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã nuôi dưỡng một mối ác cảm sâu xa với nhau. Họ đã có hai cuộc chiến tranh không mang lại kết quả gì trên khu vực tranh chấp Kashmir – khu vực tập trung đông người Hồi giáo duy nhất còn lại bên trong Ấn Độ. Năm 1971, họ chiến đấu vì sự ly khai của Đông Pakistan, vùng đất sau này trở thành Bangladesh. Năm 1999, sau khi quân đội Pakistan vượt biên vào một khu vực của Kashmir là Kargil, hai nước đã đến mức báo động sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mặc dù có những thời kỳ hai bên hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình và những khoảnh khắc xích lại gần nhau, cuộc xung đột Ấn Độ – Pakistan vẫn là thực tế địa chính trị lớn nhất trong khu vực. Ở Kashmir, một cuộc nổi dậy kéo dài chống lại sự cai trị của người Ấn Độ đã khiến hàng nghìn người chết và vẫn còn làm phát sinh bạo lực liên tục. Trong khi đó, tại Pakistan, nơi mà một nửa dân số nữ vẫn còn mù chữ, chi phí quốc phòng chiếm đến 1/5 ngân sách, làm giảm ngân sách cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, và phát triển.

Ngày nay, cả Ấn Độ và Pakistan vẫn bị tê liệt bởi các câu chuyện xung quanh những ký ức về tội ác của Cuộc Chia cắt, như các chính trị gia (đặc biệt là ở Ấn Độ) và lực lượng quân sự (đặc biệt là ở Pakistan) tiếp tục thổi bùng lên sự hận thù của năm 1947 cho mục đích riêng của họ.

Thật dễ hiểu lý do tại sao Pakistan cảm thấy bất ổn: dân số, ngân sách quốc phòng, và nền kinh tế Ấn Độ đều lớn gấp 7 lần Pakistan. Nhưng con đường mà Pakistan đã chọn để tự bảo vệ mình trước ưu thế về dân số và quân sự của Ấn Độ đã gây ra thảm họa cho cả hai quốc gia. Trong hơn ba mươi năm, quân đội Pakistan và cơ quan bí mật của mình,  I.S.I., đã dựa vào lực lượng thánh chiến để thực hiện mục tiêu của họ. Những nhóm này đã tạo ra nhiều, nếu không muốn nói là nhiều hơn, rắc rối cho chính Pakistan cũng như cho những quốc gia láng giềng mà I.S.I. muốn sẽ làm suy yếu: Afghanistan và Ấn Độ.

Ngày nay, cả Ấn Độ và Pakistan vẫn bị tê liệt bởi các câu chuyện xung quanh những ký ức về tội ác của Cuộc Chia cắt, như các chính trị gia (đặc biệt là ở Ấn Độ) và lực lượng quân sự (đặc biệt là ở Pakistan) tiếp tục thổi bùng lên sự hận thù của năm 1947 cho mục đích riêng của họ. Nisid Hajari kết thúc cuốn sách của mình bằng cách chỉ ra rằng sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan “đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn chứ không hề giảm đi: kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước đang phát triển thêm, các nhóm chiến binh đang trở nên mạnh hơn, và phương tiện truyền thông thái quá ở cả hai bên đều thu hẹp phạm vi đối với những tiếng nói ôn hòa.” Hơn nữa, Pakistan, được trang bị vũ khí hạt nhân và vô cùng không ổn định, không chỉ là mối đe dọa với Ấn Độ; đất nước này giờ còn là vấn đề của cả thế giới, là tâm điểm của rất nhiều nguy cơ an ninh đáng báo động nhất hiện nay. Tổ chức Taliban21 được sinh ra từ các trường học22 ở Pakistan. Chế độ này, mà sau đó được xem là sự thoái hóa lớn nhất trong lịch sử Hồi giáo hiện đại, cung cấp nơi trú ẩn cho Al Qaeda ngay cả sau sự kiện 9/11.

Thật khó để không đồng ý với kết luận của Hajari: “Đã qua lâu rồi thời điểm mà những kẻ kế thừa của Nehru và Jinnah cuối cùng cũng đưa những cuồng nộ năm 1947 về nơi yên nghỉ.” Nhưng bức tranh hiện tại thì chẳng mấy sáng sủa. Ở Delhi, một chính phủ với đường lối cánh hữu cứng rắn từ chối đối thoại với Islamabad (thủ đô của Pakistan). Cả hai nước đều thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết trước chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Theo một cách nào đó, những gì xảy ra năm 1947 vẫn chưa đi đến hồi kết.


  1. Hindu giáo, hay Ấn Độ giáo, là một tôn giáo phát triển chủ yếu ở Ấn Độ và Nepal, được coi là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Các học giả coi Hindu giáo như một sự hợp nhất hay là một tổ hợp của các nền văn hóa và truyền thống khác nhau của Ấn Độ, với nguồn gốc đa dạng và không có người sáng lập. Hindu giáo bắt đầu phát triển trong khoảng thời gian từ năm 500 tới 300 TCN, sau thời kỳ Vệ Đà (1500 TCN đến 500 TCN). Xem thêm thông tin chi tiết về Hindu giáo tại đây.

  2. Hồi giáo là một tôn giáo độc thần và được giảng dạy thông qua kinh Quran. Đây là tôn giáo lớn thứ hai và phát triển nhanh nhất trên thế giới, với 1.7 tỉ tín đồ, chiếm khoảng 23% dân số toàn cầu. Hồi giáo bắt đầu phát triển từ thành phố Mecca ở Arab Saudi vào thế kỉ thứ 7, sau đó lan dần ra toàn bán đảo Ả Rập và các châu lục khác trên thế giới. Xem thêm thông tin chi tiết về Hồi giáo tại đây.

  3. Sikh giáo là một tôn giáo độc thần khởi nguồn từ khu vực Punjab thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, bắt đầu phát triển từ thế kỷ 15. Đây là tôn giáo có tuổi đời trẻ nhất trên thế giới và có khoảng 25 – 28 triệu tín đồ. Sikh giáo nhấn mạnh vào sự thờ kính với một đấng sáng tạo tối cao, sự thống nhất và bình đẳng của nhân loại, cam kết không vụ lợi, đấu tranh vì công bằng xã hội, và cách sống trung thực. Các triết lý của Sikh giáo dựa trên những bài giảng đạo của Guru Nanak, vị guru đầu tiên của tôn giáo này (“guru” là một từ tiếng Phạn chỉ bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó). Xem thêm thông tin chi tiết về Sikh giáo tại đây.

  4. Nisid Hajari là một nhà văn, biên tập, và nhà phân tích các vấn đề nước ngoài người Mỹ gốc Ấn. Tác phẩm “Midnight’s Furies: The Deadly Legacy of India’s Partition” (Tạm dịch: Cơn giận dữ lúc nửa đêm: Di sản chết chóc của Cuộc Chia cắt của Ấn Độ) của ông thuật lại những diễn biến lịch sử của cuộc chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947, gây ra cái chết cho một triệu người. Tác phẩm này đã giành giải Colby năm 2016, một giải thưởng văn học dành cho các tác phẩm về đề tài lịch sử quân sự, thu thập thông tin, và các vấn đề quốc tế.

  5. Holocaust chỉ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã với người Do Thái, với số nạn nhân lên đến khoảng 6 triệu người.

  6. Sufi là một khía cạnh thần bí của Hồi giáo, có mục tiêu theo đuổi là ihsan, nghĩa là sự thờ phụng hoàn hảo. Những người theo trường phái này coi nhà tiên tri Muhammed là al-Insān al-Kāmil, có nghĩa là người đàn ông hoàn hảo tiêu biểu cho những phẩm hạnh của Chúa trời, và nhà lãnh đạo tâm linh chính của họ.

  7. Trong Hindu giáo, một Sadhu (trong tiếng Phạn, Sadhu có nghĩa là “tốt; người đàn ông tốt, người đàn ông là thánh nhân”) là một nhà tu khổ hạnh khất thực hoặc một thánh nhân. Trường phái này cũng cho phép phụ nữ theo tu; người nữ tu của trường phái này được gọi là sādhvī.

  8. Vishnu, phiên âm Hán Việt là Tỳ Thấp Nô, là vị thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo. Vishnu, Brahma và Shiva hợp thành bộ tam thần trong văn hóa Ấn Độ. Vishnu thường được miêu tả là có nước da màu xanh đậm hoặc nhạt và có bốn cánh tay. Ông có một padma (hoa sen) trong tay trái phía dưới, Kaumodaki Gada (gậy) ở tay phải bên dưới, Panchajanya shankha (xà cừ) trong tay trái phía trên và Sudarshana Chakra (cái dĩa) ở tay phải phía trên của mình.

  9. Dara Shikoh (1615 – 1659, theo lịch Julian) là con trai cả người thừa kế chính thống của Hoàng đế Mughal đời thứ năm, Shah Jahan. Tên của ông trong tiếng Ba Tư nghĩa là “tuyệt vời như Dara”. Ông được tín nhiệm và được chọn là người thừa kế vua cha, nhưng đã bị đánh bại và sau đó bị giết chết bởi người em trai của mình, Hoàng tử Muhiuddin (người sau này trở thành Hoàng đế Aurangzeb), trong cuộc chiến khốc liệt giành ngai vàng.

  10. Bhagavad Gita là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata (Bhishma Parva chương 23 – 40). Đây được coi là một văn bản chỉ dạy linh thiêng trong Hindu giáo.

  11. Sunni và Shia là hai nhánh chính và lớn nhất của Hồi giáo. Sự phân chia hai nhánh này bắt nguồn từ tranh cãi xung quanh việc người kế thừa của nhà tiên tri Muhammad. Trong khi những tín đồ Sunni ủng hộ Abu Bakr, bạn thân và cha vợ của Muhammad, tín đồ Shia cho rằng Ali ibn Abi Talib, con rể của Muhammad, mới là người thừa kế thực sự.

  12. Muhammad Ali Jinnah (1876 – 1948) là một luật sư, chính trị gia, chính khách và là người sáng lập nên Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. Ông được biết đến ở Pakistan với tên gọi phổ biến và chính thức là Quaid-i-Azam (Lãnh tụ Vĩ đại và Baba-i-Qaum (Quốc phụ). Jinnah trở thành nhà lãnh đạo của Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn Độ từ năm 1913 cho đến khi Pakistan giành độc lập vào ngày 14 tháng 8 năm 1947, và là Toàn quyền đầu tiên của Pakistan từ ngày 15 tháng 8 năm 1947 cho đến khi ông qua đời vào ngày 11 tháng 9 năm 1948. Jinnah nổi lên trong Đảng Quốc đại Ấn Độ khi lần đầu diễn giải ý tưởng ban đầu về sự thống nhất Hindu giáo – Hồi giáo đoàn kết và giúp định hình hiệp ước Lucknow năm 1916 giữa Liên đoàn Hồi giáo và Đảng Quốc đại Ấn Độ, ông cũng đã trở thành một nhà lãnh đạo quan trọng trong Liên đoàn thống trị đất nước toàn Ấn Độ (All India Home Rule League). Xem thêm thông tin chi tiết về Jinnah tại đây.

  13. Ấn Độ Liên đoàn Hồi giáo (hay còn phổ biến với tên gọi Liên đoàn Hồi giáo) là một đảng chính trị được thành lập trong những năm đầu của thế kỷ 20 vào thời kì Đế quốc Ấn Anh. Đảng này được ủng hộ mạnh mẽ cho việc thành lập ra một quốc gia Hồi giáo riêng biệt, là Pakistan, trực tiếp dẫn tới sự chia cắt các vùng đất Ấn Độ là thuộc địa của Anh vào năm 1947 bởi Đế quốc Anh.

  14. Mahatma Gandhi (1869 – 1948), nguyên tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lí bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên Chấp trì chân lí (sa. satyāgraha) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi Martin Luther King, Jr. Xem thêm thông tin chi tiết về Gandhi tại đây.

  15. Jawaharlal Nehru (1889 – 1964) là một nhà chính trị người Ấn và từ 1947 cho đến 1964 là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Ông là một trong những nhân vật trung tâm chính trị Ấn Độ cho phần lớn thế kỷ 20. Ông nổi lên như là lãnh đạo tối cao của phong trào độc lập Ấn Độ dưới sự giám hộ của Mahatma Gandhi và cai trị Ấn Độ từ khi thành lập như là một quốc gia độc lập vào năm 1947 cho đến khi ông qua đời tại văn phòng năm 1964. Nehru được coi là kiến trúc sư của nhà nước hiện đại Ấn Độ: Một nước cộng hòa có chủ quyền, chủ nghĩa xã hội, thế tục và dân chủ cộng hòa. Trong suốt cuộc đời của mình, ông được biết đến như là Pandit Nehru (Học giả Nehru) hay như Panditji (Học giả), trong khi nhiều trẻ em Ấn Độ gọi ông là “Bác Nehru” (Chacha Nehru). Nehru cũng là nhà văn, là sử gia không chuyên, và là tộc trưởng của gia tộc Nehru-Gandhi, họ chính trị nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Xem thêm thông tin chi tiết về Nehru tại đây.

  16. Đảng Quốc đại Ấn Độ (tên đầy đủ là Quốc dân Đại hội Ấn Độ, viết tắt là INC) là một trong hai đảng phái chính trị lớn của Ấn Độ, đảng còn lại là Đảng Bharatiya Janata. Đây là một trong những chính đảng dân chủ lâu đời nhất thế giới. Đường lối tự do xã hội được nhiều người xem là trung tả trong nền chính trị Ấn Độ. Được thành lập năm 1885 bởi các thành viên của phong trào occultist Theosophical Society (Tạm dịch: Hội Thông Thiên Học huyền bí), Đảng Quốc đại đã trở thành lãnh đạo của phong trào độc lập Ấn Độ, với hơn 15 triệu đảng viên và 70 triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của Anh ở Ấn Độ. Sau khi độc lập năm 1947, đảng này trở thành chính đảng chủ yếu của Ấn Độ, lãnh đạo bởi gia đình Nehru-Gandhi trong phần lớn thời gian. Xem thêm thông tin chi tiết về Đảng Quốc Đại Ấn Độ tại đây.

  17. Từ “Anh Quốc hóa” (“Anglicized” theo từ điển Oxford có nghĩa là làm cho ai/cái gì mang tính chất Anh) ở đây chỉ những luật sư được đào tạo ở Anh, vì vậy sẽ mang những kiến thức, tương tưởng, pháp chế Anh Quốc áp dụng trong việc xét xử một vụ án.

  18. Từ “Anh Quốc hóa” (“Anglicized” theo từ điển Oxford có nghĩa là làm cho ai/cái gì mang tính chất Anh) ở đây chỉ những luật sư được đào tạo ở Anh, vì vậy sẽ mang những kiến thức, tương tưởng, pháp chế Anh Quốc áp dụng trong việc xét xử một vụ án.

  19. Trại tập trung Buchenwald là một trại tập trung do Đức Quốc xã lập ra ở Ettersberg (núi Etter) gần Weimar, Đức vào tháng 7 năm 1937. Đây là một trong các trại tập trung đầu tiên và lớn nhất trên đất Đức, sau trại tập trung Dachau được dựng lên 4 năm trước đó. Trại giam giữ các tù nhân từ khắp châu Âu và Liên Xô – các người Do Thái, Ba Lan và Slovenes, các người bệnh tâm thần, các người khuyết tật bẩm sinh, các tù nhân chính trị và tôn giáo, các người Di-gan và Sinti, hội viên Hội Tam Điểm, nhân chứng Giê-hô-va, các tội phạm hình sự, các người đồng tính luyến ái, và các tù binh, và cưỡng bức họ làm nhân công trong các xưởng vũ khí địa phương. Từ năm 1945 tới 1950, trại này được Nhà cầm quyền chiếm đóng Xô Viết sử dụng làm trại giam gọi là “Trại đặc biệt của Dân ủy Nội vụ” số 2. Ngày nay các di tích của Trại tập trung Buchenwald được dùng làm nơi tưởng niệm, nơi triển lãm thường xuyên và nơi bảo tàng.

  20. Tiếng Urdu là một nhánh ngôn ngữ của Hindustani, một ngôn ngữ được sử dụng ở khu vực Pakistan và Bắc Ấn Độ. Đây là ngôn ngữ chính thức của Pakistan và của sáu bang ở Ấn Độ, Lịch sử của tiếng Urdu gắn liền với những người theo đạo Hồi ở tiểu lục địa Ấn Độ, và phần lớn ngôn ngữ này, ngoại trừ từ vựng, khá tương đồng với tiếng Hindi.

  21. Taliban là một phong trào Hồi giáo chính trị cực đoan trong chiến tranh tại Afghanistan (còn gọi là một cuộc nổi dậy, hoặc thánh chiến). Tổ chức này bắt đầu nổi lên từ năm 1994 trong cuộc nội chiến Afghanistan, bao gồm chủ yếu những học sinh tại các trường học (madrasa) ở Pakistan, sau đó ngày một lớn mạng và lan rộng hơn. Taliban bị chỉ trích nặng nề vì sự cực đoan và thi hành khắc nghiệt luật Sharia của Hồi giáo.

  22. Nguyên gốc: Madrasa, là một từ tiếng Ả Rập chỉ bất kì một cơ quan giáo dục nào, có thể là thế tục hoặc không thế tục. Ở phương Tây, từ này thường được dùng để chỉ một loại trường tôn giáo cụ thể nghiên cứu về Hồi giáo.

2 thoughts on “Cuộc chia cắt điên rồ

  1. Cảm ơn dịch giả vì bài này, mình đã hiểu thêm được vì sao Pakistan ra đời và mối bất hoà với Ấn Độ.

  2. một câu truyện mà cho mình hiểu biết thêm được Nam Á và cũng biết được vì sao xem phim ấn độ họ có lúc toàn nói tiếng anh ra là bị đô hộ 300 năm. Rất hay.

Leave a Reply to Phúc Võ Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất