Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Tố Linh | Hiệu đính:  coda
05/05/2018

Trong hơn 20 năm đầu đời, María José Martínez-Patiño chưa từng băn khoăn về giới tính của mình. Cô là một phụ nữ trẻ xinh đẹp người Tây Ban Nha với làn da mịn màng, chiếc mũi dọc dừa thẳng tắp, đôi mắt to như búp bê và mái tóc dài ngang vai xoăn thành từng lọn. Từ nhỏ, Patiño đã ham mê chạy nhảy. Cô theo đuổi đam mê của mình và trở thành một tài năng trong môn điền kinh. Năm 1983, ở tuổi 22, cô là một thành viên của đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha tham dự giải Vô địch Điền kinh Thế giới, tổ chức tại Helsinki, Phần Lan. Cũng như các vận động viên nữ khác, Patiño phải trải qua thủ tục kiểm tra giới tính. Mọi việc diễn ra bình thường và cô nhận được “Giấy Chứng nhận Nữ tính.” Cô thi đấu ở nội dung chạy 100m vượt chướng ngại vật. Mặc dù không giành được huy chương, cô đã đạt tới thành tích cá nhân cao nhất của mình: 13,78 giây. Chúng ta còn chưa kịp buộc xong dây giày thì Patiño đã chạy hết 100m và nhảy qua 10 xà ngang để về đích rồi.

Hai năm sau đó, cô tới tham dự Giải vô địch Thể thao Quốc tế cho các trường đại học, tổ chức ở Kobe, Nhật Bản. Cuối tháng 8, cái nóng của mùa hè vừa mới bắt đầu dịu xuống. Patiño nhanh chóng làm quen với khí hậu Kobe và sẵn sàng cho phần chạy của mình. Chỉ có một vấn đề nhỏ: cô bỏ quên Giấy Chứng nhận Nữ tính của mình ở nhà. Không mảy may lo lắng, cô để cho bác sỹ làm lại xét nghiệm giới tính cho mình. Xét nghiệm này rất đơn giản và không có gì bất tiện: họ dùng một cái bàn chải nhỏ quét qua má trong của Patiño để lấy một ít tế bào, sau đó đem đi soi dưới kính hiển vi để xem nhiễm sắc thể giới tính của cô.

Tối hôm đó, bác sỹ thông báo cho Patiño rằng kết quả của cô “có vấn đề,” trước mặt tất cả các thành viên của đội tuyển điền kinh. Ngày hôm sau, khi cô tới bệnh viện để nghe giải thích rõ hơn, người ta bảo cô rằng mẫu nhiễm sắc thể của cô cần được kiểm tra kỹ hơn, nhưng việc kiểm tra này sẽ phải mất đến vài tháng. Hôm đó là ngày thi đấu của Patiño. Họ khuyên cô nên giả chấn thương để bỏ thi mà không bị ai xì xào gì về mình. Patiño nghe lời. Hôm đó, ngồi trên khán đài, đầu óc cô quay cuồng trong lo sợ. Cô sợ rằng mình mắc một bệnh nan y nào đó. Anh trai cô đã mất vài năm trước do ung thư máu. Liệu có phải đến lượt cô trở thành nạn nhân của căn bệnh này?

María Patiño không bị ung thư hay một bệnh nan y nào cả. Kết quả của cô ghi như sau:

“Tất cả 50 tế bào nhuộm bằng phương pháp Giemsa đều mang 46 nhiễm sắc thể. Phân tích nhiễm sắc thể bằng phương pháp nhuộm Quinacrine cho thấy nhiễm sắc thể giới tính của cô là XY. Kiểu nhiễm sắc thể chắc chắn là 46, XY.”

XY là tổ hợp nhiễm sắc thể giới tính của nam giới. Với kết quả này, Patiño lại một lần nữa được “gợi ý” giả chấn thương và rút lui khỏi các giải thi đấu một cách “yên lặng, hòa nhã, và vĩnh viễn” khi cô tham gia giải điền kinh quốc gia vào đầu năm 1986. Lần này, cô từ chối nghe theo. Khi cô chiến thắng trong nội dung chạy 60m vượt chướng ngại vật cũng là lúc giới báo chí tìm được thông tin về xét nghiệm giới tính của cô. Mọi thứ thay đổi như một cơn bão. Cô bị đuổi khỏi khu nhà ở dành cho vận động viên, bị tước học bổng, thành tích của cô bị xóa sạch. Bạn trai vừa mới đính hôn của cô lập tức chia tay. Bạn bè xa lánh cô. Cô đã mất tất cả chỉ vì một nhiễm sắc thể.

***

Nhiễm sắc thể Y được phát hiện là căn cứ cho giới tính nam từ những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng phải đến cuối thế kỷ đó, người ta mới biết cuộn gen bé nhỏ này điều khiển việc hình thành giới tính nam như thế nào. Nhiễm sắc thể Y chỉ mang chưa tới 100 gen, bằng 1/10 số gen trên nhiễm sắc thể X cặp đôi với nó. Trong số gen ít ỏi đó, người ta đã tìm ra một gen rất quan trọng và đặt tên là SRY (sex-determining region Y – vùng quy định giới tính trên [nhiễm sắc thể] Y).

Nhiễm sắc thể Y (phải) là nơi chứa gen SRY, “công tắc” xác định giới tính nam. Ảnh: NIH Image Gallery.

Làm thế nào để một gen bé xíu trên một nhiễm sắc thể bé xíu có thể đảm nhiệm một chức năng quan trọng và phức tạp đến thế? SRY bắt đầu hoạt động khi bào thai được khoảng 6 tuần. Khi đó, em bé tương lai chỉ là một nắm nhỏ trong bụng mẹ. Dù có siêu âm bằng máy móc hiện đại cỡ nào, ta cũng chưa thể nhìn thấy được bé là trai hay gái. Ở “chỗ đó đó” chỉ có tuyến sinh dục chưa phân hóa, bao gồm vài cái ống, mấy cái dây, đôi nếp gấp, và một cục u nhỏ. Những thứ này sẽ tùy vào tín hiệu trong tế bào mà nặn thành trai hay gái. SRY là công tắc bật những tín hiệu đó lên. Nó ra hiệu cho tinh hoàn hình thành. Vì chức năng này mà SRY còn được gọi là TDF — testis-determining factor hay yếu tố tạo thành tinh hoàn. Sau khi tinh hoàn hình thành, chúng sẽ tạo ra một vài chất nội tiết (hormone). Các hormone này sẽ chạy quanh giao việc cho các ống, dây nối, nếp gấp, cục u nói trên: biến mấy cái ống này thành ống dẫn tinh trùng, nặn cái này thành dương vật, dọn mấy cái dây kia đi — ở đây không cần tử cung, đan mấy miếng này thành túi rồi cho tinh hoàn vào.

Sự hình thành giới tính của bào thai. Gen SRY đánh thức tuyến sinh dục chưa phân hóa, tạo thành tinh hoàn, từ đó tạo ra các nội tiết tố nam.

Nếu tế bào không có nhiễm sắc thể Y, cũng có nghĩa là không có gen SRY, con đường hình thành giới tính sẽ rẽ sang một hướng khác. Buồng trứng sẽ hình thành. Tinh hoàn không có mặt ở đây, thế nên các chất nội tiết “made in tinh hoàn” cũng không có mặt luôn. Do vắng mặt các chất nội tiết này, mấy cái ống vốn có nhiệm vụ biến thành “mẩu con giai” giờ sẽ đóng cửa nghỉ bán. Phần còn lại — những cấu trúc đa năng chỉ đâu đánh đấy giữa ngã ba xác định giới tính — sẽ ngừng phân vân suy nghĩ và quyết định đi theo con đường trở thành con gái. Tử cung, âm đạo và các bộ phận của nữ phát triển. Khi bào thai được 11 – 20 tuần tuổi, bác sỹ siêu âm đã có thể thông báo giới tính của em bé cho các ông bố bà mẹ tương lai.

Vậy thì tại sao María Patiño lại là một cô gái, trong khi cô có nhiễm sắc thể Y?

Hóa ra, SRY không phải là boss cuối duy nhất trong quá trình hình thành giới tính. Nó chỉ làm ra tinh hoàn, rồi tinh hoàn làm ra các hormone, rồi các hormone chỉ đạo cho các cấu trúc khác. Nhưng việc các cấu trúc đó có nghe lời hay không thì không phải là việc của SRY. Trách nhiệm đó thuộc về một gen khác có tên AR. Gen này nằm trên nhiễm sắc thể X và có vai trò tạo ra thụ thể nội tiết tố nam (Androgen Receptor). Những thụ thể này là “tai nghe” tín hiệu của nội tiết tố nam — chính là một số hormone do tinh hoàn tạo ra mà ta đã nói tới ở trên. Nói cách khác: tinh hoàn là người gọi điện thoại, hormone/nội tiết tố nam là nội dung cuộc gọi, và AR là người nhận cuộc gọi.

Tinh hoàn tạo ra 2 loại hormone: testosterone là tín hiệu nhắc tạo thành cơ quan sinh dục nam, còn AMH là tín hiệu ngăn cản tử cung hình thành.

Khi AR bị lỗi thì cũng giống như điện thoại của người nhận bị hỏng/hết pin/ngoài vùng phủ sóng. Cuộc gọi không thực hiện được. Tế bào trở nên trơ điếc với các hormone nội tiết tố nam. Dù cho các hormone ấy có chạy quanh và gào thét thế nào đi nữa, các cấu trúc cấp dưới cũng không nghe thấy gì. Chúng sẽ đi theo con đường trở thành con gái. Cô gái này sẽ có nhiễm sắc thể Y trong tất cả các tế bào của mình, có gen SRY trên nhiễm sắc thể Y, và có tinh hoàn nằm trong ổ bụng (sản phẩm của SRY). Tinh hoàn đó sẽ sản sinh ra nội tiết tố nam nhưng cơ thể của cô hoàn toàn không có phản ứng. Người ta gọi những trường hợp này là hội chứng không nhạy cảm nội tiết tố nam, hay hội chứng nữ hóa có tinh hoàn (từ đây gọi tắt là AIS – androgen insensitivity syndrome). Sau này, María Patiño được chẩn đoán mắc hội chứng trên.

Một triệu chứng khác của AIS là thiếu tử cung. Các tế bào trong cơ thể của người mắc AIS chỉ trơ lì với nội tiết tố nam; chúng vẫn có thể nghe hiểu được các hormone khác. Một trong số đó là AMH, cũng do tinh hoàn tạo ra. AMH có chức năng ngăn cản sự hình thành của tử cung. Điều này là cần thiết cho sự phát triển của một cơ thể nam giới bình thường: có tinh hoàn thì không nên có tử cung.

Thụ thể nội tiết tố nam AR bị lỗi, dẫn đến hội chứng nữ hóa có tinh hoàn (AIS).

Nhưng tất cả những dấu hiệu kể trên của hội chứng AIS (nhiễm sắc thể Y, tinh hoàn trong ổ bụng, thiếu tử cung) đều nằm sâu trong cơ thể và không dễ nhìn ra. Nhìn bên ngoài, một cô gái mắc AIS trông giống như bất cứ một cô gái bình thường nào khác. Khi cô sinh ra, bác sỹ sẽ khẳng định đây là một bé gái sau nhìn vào phần giữa hai chân của bé. Cô được cha mẹ nuôi nấng như một bé gái. Tới tuổi dậy thì, bầu ngực của cô cũng sẽ phát triển như các bạn gái cùng trang lứa. Do không có tử cung, cô gái này sẽ không có kinh nguyệt, nhưng chuyện kỳ kinh nguyệt đầu tiên đến rất muộn cũng không phải là hiếm. Hơn nữa, María Patiño còn là một vận động viên. Một hiện tượng thường gặp ở các vận động viên nữ là kinh nguyệt giảm hẳn hay có khi biến mất. Vì thế, Patiño không băn khoăn gì về cơ thể mình cho tới khi cô nhận được kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể. Khi đó, cô 24 tuổi. Trong 24 năm đó, cô chưa từng nghi ngờ giới tính của mình. Cô luôn tin rằng mình là một phụ nữ. Liên đoàn Điền kinh quốc tế, dựa vào kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể của cô, cho rằng Patiño là một người đàn ông. Y học dùng một từ khác để gọi Patiño và những người mắc hội chứng AIS: người liên giới tính (intersex).

***

Việc chia giới tính thành hai nhóm riêng biệt, nam và nữ, là một việc hiển nhiên đến mức mặc định trong xã hội loài người. Có kết quả siêu âm là mọi thứ trở nên tiện lợi dễ dàng cho những người sắp thành bố mẹ trẻ con – biết để còn chọn tên, còn mua quần áo cho bé cho đúng màu. Câu hỏi đầu tiên khi bé ra đời là “Trai hay gái?” Bạn bè người thân muốn mua quà cho phù hợp nhân dịp đầy tháng và sinh nhật: con gái thì búp bê, con trai thì người máy. Bé sẽ lớn lên, ngoảnh đi ngoảnh lại đã có người yêu và chọn trường đại học. Con trai sẽ đi học xây dựng, kỹ thuật điện, chế tạo máy; con gái thì theo sư phạm, ngoại ngữ, thương mại.

Hầu hết những đường phân chia giới tính đó đều chỉ là suy nghĩ. Con trai vẫn có thể thích màu hồng và con gái cũng có thể thích chơi robot. Càng ngày càng có nhiều cô gái chọn ngành xây dựng, và những chàng trai trong trường ngoại ngữ không còn là quá hiếm. Nhưng trong thể thao, không có vận động viên nữ nào thi đấu trong các nội dung dành cho nam và ngược lại. Thể thao là một trong những lĩnh vực phân chia giới tính rõ ràng nhất và nghiêm khắc nhất. Sự phân chia đó được ghi rõ trong quy định và luật lệ chính thức.

Phụ nữ có mặt trong các cuộc thi đấu thể thao, đặc biệt là điền kinh, từ thuở Olympics còn sơ khai. Một số tài liệu về Hy Lạp cổ đại đã ghi chép về một phiên bản thế vận hội Olympics dành cho nữ giới, gọi là thế vận hội Heraea. Tuy vậy, việc kiểm tra giới tính của vận động viên chỉ ra đời vào giữa thế kỷ 20, khởi nguồn từ nghi ngờ rằng một số vận động viên nữ thực ra là nam giới cải trang. Sau đó, đến năm 1968, kiểm tra giới tính trở thành một thủ tục bắt buộc trong các kỳ thế vận hội Olympics. Ban đầu, thủ tục này được tiến hành một cách “thô sơ” đến lỗ mãng: các vận động viên nữ phải cởi quần áo và để cho một nhóm bác sỹ kiểm tra cơ thể họ. Điều buồn cười ở đây là, cái thủ tục làm cho phụ nữ phải chịu đựng xấu hổ này là để tìm ra những người đàn ông gian lận.

Dường như nhận thức được điều này, các liên đoàn thể thao bắt đầu sử dụng một phương pháp kiểm tra tế nhị hơn: xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính. Vận động viên không cần cởi quần áo mà chỉ cần há miệng để bác sỹ lấy một ít tế bào (hoàn toàn không đau). Lý thuyết rất đơn giản: nếu vận động viên mang hai nhiễm sắc thể X, cô ấy là nữ. Ngược lại, nếu xét nghiệm ra nhiễm sắc thể Y, anh ta là nam. Tất nhiên, phương pháp này không tính đến trường hợp một người có thể mang nhiễm sắc thể Y nhưng vẫn là nữ, như María Patiño chẳng hạn.

Thể thao chú trọng việc phân chia giới tính của vận động viên không phải để tuân theo một quy tắc cứng nhắc vô giá trị nào đó. Cơ thể nam giới thường sản sinh ra một lượng nội tiết tố nam lớn hơn so với cơ thể nữ giới. Một nội tiết tố nam điển hình là testosterone. Chất này tham gia vào quá trình hình thành cơ xương (có lẽ đây là lý do vì sao nam giới thường “vai u thịt bắp,” còn phụ nữ thì “nhuyễn ngọc ôn hương”). Trong thể thao, testosterone đôi khi bị lạm dụng làm chất kích thích để “tăng cường sức mạnh và khối lượng cơ bắp, rút ngắn thời gian hồi phục sau khi tập luyện cao độ, giảm lượng cơ bị phân hủy khi cơ thể bị đẩy đến cực hạn.” Trong số các trường hợp doping bị phát hiện, có đến 65% đã sử dụng testosterone hay một chất tương tự. Lance Amstrong, ông vua một thời của giải đua xe đạp Tour de France là một trong số đó. Sau khi bị phát hiện, anh bị tước toàn bộ 7 huy chương của mình và bị cấm tham gia đua xe đạp vĩnh viễn.

Điều buồn cười ở đây là, cái thủ tục làm cho phụ nữ phải chịu đựng xấu hổ này là để tìm ra những người đàn ông gian lận.

Khi một người đàn ông giả làm phụ nữ và thi đấu trong nội dung dành cho nữ, anh ta có những lợi thế do testosterone mang lại. Điều này rõ ràng là không công bằng cho các vận động viên nữ. María Patiño đã bị nghi ngờ là một người đàn ông gian lận, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Do hội chứng AIS, cơ thể của cô không có phản ứng với testosterone hay các nội tiết tố nam. Kể cả nếu Patiño có muốn gian lận bằng testosterone thì điều đó cũng không mang lại lợi thế nào cho cô.

Các liên đoàn thể thao cuối cùng cũng hiểu được điều này. Nhưng họ vẫn không thể dùng đến giải pháp đơn giản là coi các vận động viên mang hội chứng AIS giống như tất cả các vận động viên nữ khác. Lý do gây ra sự phức tạp này là hội chứng AIS có nhiều dạng. María Patiño là một trường hợp đơn giản: cơ thể cô hoàn toàn không phản ứng với nội tiết tố nam. Ta có thể phỏng đoán là gen AR của cô bị hỏng, do đó các thụ thể tiếp nhận nội tiết tố nam bị mất chức năng. Tuy nhiên, gen AR cũng có thể không bị hỏng toàn bộ mà chỉ bị lỗi và yếu đi. Khi đó, cơ thể ít nhiều vẫn có thể phản ứng được với nội tiết tố nam. Rất khó để xác định được mức độ phản ứng đó chính xác là bao nhiêu. Ở mức độ nào thì một cơ thể không được coi là nữ giới nữa?

María Patiño ở tuổi 48 (năm 2009). Ảnh: Wikimedia.

***

Caster Semenya đã quen với việc bị người khác nghi ngờ rằng cô không phải là phụ nữ. Ở tuổi 18, vận động viên điền kinh người Nam Phi này đã nhiều lần tham gia các giải thi đấu lớn: Giải Vô địch Điền kinh U20 Thế giới, Thế vận hội trẻ Khối Thịnh Vượng Chung, Giải Vô địch trẻ châu Phi, Giải Vô địch Điền kinh Thế giới. Semenya thậm chí đã quen với cả việc phải vào nhà vệ sinh để người khác kiểm tra vùng kín của cô, để họ tin rằng cô là phụ nữ. Nhìn bề ngoài, cô trông không giống một phụ nữ điển hình. Dáng người cao lớn vạm vỡ, cằm vuông, vai rộng, các bắp thịt nổi lên cuồn cuộn trên cánh tay. Vẻ ngoài của Semenya không chỉ thu hút sự chú ý của người qua đường mà còn từ cả các phóng viên, báo đài, và khán giả theo dõi môn điền kinh trên toàn thế giới. Khả năng chạy của cô gần như là một điều phi thường. Semenya giành huy chương vàng trong hầu hết các cuộc đua mà cô tham gia, bỏ lại các đối thủ phía sau một khoảng cách đáng kể. Thi đấu ở nội dung chạy 800m, cô lướt về đích như một cỗ máy, không có vẻ gì là kiệt sức sau khi vượt qua vạch đích. Một tài năng như thế hiển nhiên là miếng mồi thơm thu hút lòng đố kỵ và sự nghi ngờ. Dưới áp lực từ nhiều phía, Liên đoàn Điền kinh quốc tế (International Association of Athletics Federations — từ đây gọi tắt là IAAF) đã tách riêng Caster Semenya để kiểm tra, với lý do là tốc độ bứt phá của cô làm cho họ nghi vấn về thuốc kích thích. (Thủ tục kiểm tra giới tính đã bị dỡ bỏ trên giấy tờ từ thập niên 90. Khi một vận động viên bị nghi ngờ, họ sẽ bị kiểm tra dưới một cái cớ khác).

Màn kiểm tra này đã trở thành một vụ lùm xùm trong làng thể thao, mặc dù kết quả không hề được công khai. Không ai được biết Semenya bị kiểm tra theo cách nào. Tờ (báo lá cải) Daily Telegraph của Australia đưa tin rằng kết quả kiểm tra của Semenya đã bị rò rỉ cho họ, và theo đó, vận động viên này không có buồng trứng hay tử cung, có tinh hoàn trong ổ bụng, và nồng độ testosterone của cô cao gấp 3 lần mức trung bình ở nữ giới. Thông tin này lập tức được lan truyền trên báo chí khắp thế giới, mặc dù IAAF không đưa ra một lời khẳng định chính thức nào, trừ việc xác nhận họ đã kiểm tra giới tính của Caster Semenya, và “trường hợp này lẽ ra phải được xử lý một cách tế nhị hơn.” Nếu kết quả kiểm tra mà tờ Daily Telegraph đưa tin là chính xác thì có thể phỏng đoán Caster Semenya là một trường hợp AIS không hoàn toàn. Khác với María Patiño, cơ thể của Semenya vẫn có thể tiếp nhận được một phần tín hiệu từ testosterone. IAAF không biết phải làm thế nào với trường hợp này, thế nên họ tạm đình chỉ thi đấu đối với Caster Semenya.

Caster Semenya sau khi giành huy chương bạc tại Thế vận hội Mùa hè tại London, 2012. Ảnh: Wikimedia.

Caster Semenya may mắn hơn María Patiño ở một điều: quê hương cô đứng về phía cô. Từ gia đình, bạn bè, cho tới chủ tịch nước và đông đảo người dân đã bênh vực cô và đón cô trở về như một người hùng. Ngoài việc Caster Semenya là một người liên giới tính, cô còn là một vận động viên da màu, và Nam Phi cho rằng hành động của IAAF xuất phát từ việc phân biệt sắc tộc. Mọi việc trở nên căng thẳng, tới mức Bộ trưởng Bộ Thể thao Nam Phi đã cảnh báo rằng nếu IAAF tước quyền thi đấu hay tước huy chương của Caster Semenya thì rất có thể sẽ xảy ra Thế chiến thứ III.

Đã đến lúc tìm một cách mới để phân loại vận động viên mà không gây ra bạo lực. Tháng Tư năm 2011, Liên đoàn Điền kinh thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế cho ra quy định: thay vì kiểm tra giới tính, vận động viên từ nay sẽ được phân loại theo nồng độ testosterone. Theo đó, những vận động viên nữ có mức testosterone cao tới mức rơi vào ngưỡng của nam giới sẽ có hai lựa chọn, một là bỏ thi đấu, hai là chấp nhận các biện pháp can thiệp để hạ mức testosterone của họ xuống. Caster Semenya có vẻ đã chấp nhận phương án thứ hai. Khi mới trở lại thi đấu, thành tích của cô sụt giảm đáng kể, nhưng không ai biết lý do là vì testosterone hay là do Semenya cố ý để tránh bị dèm pha.

Có nhiều ý kiến trái chiều về quy chế xét nghiệm mới dựa trên mức testosterone này. Phương pháp này không dựa vào đặc điểm hình dạng cơ thể hay nhiễm sắc thể, nên thực ra không phải là kiểm tra giới tính, mà là kiểm tra hóa học. Tên chính thức của nó là “quy chế đối với hiện tượng cường nội tiết tố nam” (hyperandrogenism). Về nguyên tắc, nó không khác mấy so với việc kiểm tra doping, trừ một việc: Kiểm tra doping là để loại ra những người lợi dụng một chất mà cơ thể họ vốn không có, còn kiểm tra và can thiệp vào hiện tượng cường tiết tố nam là bắt buộc những vận động viên này phải thay đổi cơ thể vốn có của họ.

Các biện pháp can thiệp để làm giảm nồng độ testosterone bao gồm uống thuốc, trị liệu nội tiết, hay thậm chí là phẫu thuật “nữ tính hóa.” Để được thi đấu, hầu hết các vận động viên liên giới tính chấp nhận điều này. Đối với nhiều người trong số họ — Caster Semenya là một ví dụ — thể thao không chỉ là niềm đam mê mà còn là con đường duy nhất để thoát khỏi đói nghèo. Đến được với một giải đấu quốc tế tức là họ đã phải trải qua rất nhiều năm rèn luyện, nhiều khi trong điều kiện khắc nghiệt. Họ sẽ không dễ dàng từ bỏ cơ hội đó. Nói đúng ra, họ sẽ tự nguyện từ bỏ rất nhiều thứ, bao gồm cả một phần cơ thể mình, để giữ lấy cơ hội đó.

Dutee Chand lại không nghĩ như vậy. Năm 2014, vận động viên 18 tuổi người Ấn Độ này nhận được kết quả xét nghiệm nói rằng nồng độ testosterone của cô cao quá mức quy định. Vào thời điểm còn chưa tới 2 tuần là cô sẽ thi đấu tại Giải Khối Thịnh Vượng Chung, cái tên Dutee Chand bị rút khỏi danh sách đội tuyển quốc gia và đăng lên khắp các mặt báo trong nước và quốc tế. Theo đúng quy chế đối với hiện tượng cường tiết tố nam, Chand phải chọn giữa việc từ bỏ thi đấu vĩnh viễn hay chấp nhận các biện pháp can thiệp vào cơ thể để hạ mức testosterone của mình xuống. Cô chọn cách đấu tranh đòi quyền lợi cho mình.

Dutee Chand giành huy chương đồng tại Giải vô địch Điền kinh châu Á năm 2017 tại Bhubaneswar, Ấn Độ. Ảnh: Wikimedia.

Dutee Chand sinh ra trong một gia đình đông con, cha mẹ cô làm nghề đan lát. Cô không thể đơn độc chống lại các ban ngành thể thao tầm cỡ quốc tế. May mắn cho cô, nhà nghiên cứu giới tính Payoshni Mitra đứng về phía Chand và dành cho vận động viên này sự hỗ trợ về khoa học và y học quý báu. Bà là người thuyết phục Cục Thể thao Ấn Độ rằng “quy chế [dành cho vận động viên cường tiết tố nam] là vô đạo đức và cần phải bị hủy bỏ.” Năm 2015, với sự hậu thuẫn của Cục Thể thao Ấn Độ, Dutee Chand đã đâm đơn phản bác quy chế của IAAF. Họ chiến thắng trong vụ kiện này. Tòa án Thể thao cho phép Dutee Chand tiếp tục thi đấu và buộc IAAF phải tạm ngừng thi hành quy chế “cường tiết tố nam” trong vòng 2 năm. Trong 2 năm đó, IAAF phải đưa ra được bằng chứng thuyết phục rằng hàm lượng testosterone cao thực sự làm cho các nữ vận động viên có ưu thế trong thi đấu. Testosterone đã được nghiên cứu khá kỹ càng ở nam giới, nhưng mức độ ảnh hưởng của hormone này trên nữ giới vẫn chưa rõ ràng.

Cuộc đấu giữa Chand và IAAF lẽ ra phải ngã ngũ vào giữa năm 2017, nhưng cái kết đó vẫn chưa xảy ra. Mỗi lần IAAF đưa ra một cơ sở nào đó, thì hoặc là họ bị Tòa án bác bỏ (với khiếu nại của Chand), hoặc là họ bị giới chuyên môn chỉ trích. Mỗi lần như thế, Tòa án lại gia hạn cho IAAF thêm 6 tháng để tìm bằng chứng mới cho lập luận của họ. Tháng 9 năm 2017, họ công bố đã tìm ra bằng chứng đó. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học British Journal of Sports Medicine cho thấy những vận động viên nữ có nồng độ testosterone rất cao thi đấu tốt hơn những vận động viên khác ở một số nội dung: chạy 400m, chạy 400m vượt chướng ngại vật, chạy 800m, cử tạ, và nhảy sào. Mặc dù “lợi thế” mà họ hơn những vận động viên khác là rất nhỏ, chỉ từ 1,78% đến 4,53%, nhưng trong thi đấu thể thao, một phần trăm giây cũng được tính.

Kiểm tra doping là để loại ra những người lợi dụng một chất mà cơ thể họ vốn không có, còn kiểm tra và can thiệp vào hiện tượng cường tiết tố nam là bắt buộc những vận động viên này phải thay đổi cơ thể vốn có của họ.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Chỉ vài tháng sau, tháng 1 năm 2018, một nhóm các nhà khoa học đã công bố một bài báo chỉ trích phương pháp của công trình nghiên cứu nói trên. Bài chỉ trích này, tất nhiên cũng được đăng trên tạp chí British Journal of Sports Medicine, đã đặt lại dấu chấm hỏi to tướng cho những tranh cãi về testosterone và các vận động viên nữ. Và thế là vụ kiện giữa Chand và IAAF lại tiếp tục kéo dài, lần này là tới tháng 6 năm 2018. Trong dự luật mà IAAF đề xuất lần này, họ dường như chừa Chand ra. Họ vẫn sẽ áp dụng “quy chế đối với hiện tượng cường nội tiết tố nam” nhưng chỉ đối với nội dung chạy từ 400m tới 1500m (Dutee Chand thi đấu ở nội dung 100m). Kỳ lạ là họ không đả động gì đến các môn cử tạ và nhảy sào, mặc dù hai môn này cũng được đề cập trong nghiên cứu mà họ dùng để hỗ trợ cho lập luận của mình. Và bởi vì Caster Semenya là Nữ hoàng chạy 800m, đúng trong khoảng nhắm đến của IAAF, cả thế giới lại quay ra nhìn cô. Khi Semenya giành cú đúp hai huy chương vàng ở nội dung chạy 800m và 1500m tại giải Khối Thịnh Vượng Chung diễn ra vào đầu tháng 4 vừa rồi (4/4 – 15/4/2018), nhiều người đã lo ngại rằng sự nghiệp của cô sẽ dừng lại ở đây, nếu như IAAF thắng kiện vào tháng 6 tới.

***

Đấu trường thể thao là nơi mà giới tính nhất định phải được chia làm hai: nam và nữ. Mấy chục năm trước đây, người ta đã từng lột trần các vận động viên nữ để kiểm tra xem họ có phải là đàn ông đang tìm cách thi đấu gian lận hay không. Rồi phương pháp thô thiển này được nâng cấp lên thành kiểm tra nhiễm sắc thể giới tính. Nhưng cách này cũng không ổn, bởi vì những hội chứng bẩm sinh như AIS làm cho cơ thể, dẫu mang nhiễm sắc thể Y đặc trưng của nam giới, lại phát triển thành một phụ nữ. Những phụ nữ này có hàm lượng testosterone khá cao trong cơ thể, mà testosterone lại là một hormone có khả năng tạo ra lợi thế thi đấu. Thế là người ta nghĩ ra cách kiểm tra nồng độ testosterone, với hy vọng rằng bài kiểm tra giới tính sẽ đơn giản như một bài kiểm tra doping.

Dù là kiểm tra cơ thể, hay các gen quy định giới tính, hay nồng độ testosterone, đâu mới là cái biên giới giữa hai giới tính nam và nữ, để người ta có thể kẻ một vạch rõ ràng? Về sinh học mà nói, cách cơ thể tạo ra “giới tính” rất phức tạp và mềm dẻo, vì vậy mà có rất nhiều cách để một cơ thể trở thành liên giới tính — không hẳn là nam hay nữ. Có tới hàng chục hội chứng di truyền có thể dẫn tới phát triển “giới tính thứ ba.” Ước tính cứ 100 em bé ra đời thì có 1 đến 2 bé là liên giới tính. Nếu như giới tính là một khái niệm mà một bên là nam, một bên là nữ, thì ở giữa hai cực đó là cả một dải cầu vồng với vô số những giới tính trung gian. Một việc tưởng như hiển nhiên là kẻ một đường phân chia giới tính thành hai bên lại không hề đơn giản. Bởi vì, giới tính không chia hết cho hai.

Nếu như giới tính là một khái niệm mà một bên là nam, một bên là nữ, thì ở giữa hai cực đó là cả một dải cầu vồng với vô số những giới tính trung gian.

***

Danh mục thuật ngữ (theo thứ tự xuất hiện trong bài):

  • XY: hai loại nhiễm sắc thể giới tính ở người. Thông thường, cơ thể nữ giới mang XX, còn cơ thể nam giới mang XY.
  • SRY: gen nằm trên nhiễm sắc thể Y, có chức năng khởi động quá trình hình thành giới tính bằng cách tạo ra tinh hoàn.
  • TDF: tên khác của SRY (SRY = sex determining region; TDF = testis determining factor).
  • Hormone: nội tiết tố, các hóa chất đóng vai trò tín hiệu trong cơ thể.
  • Androgen: nội tiết tố nam do tinh hoàn sản xuất, có tác dụng khởi động sự hình thành cơ quan sinh dục nam.
  • Testosterone: một loại nội tiết tố nam.
  • AR: thụ thể nội tiết tố nam (AR = androgen receptor).
  • AMH: một nội tiết tố do tinh hoàn sản xuất, có tác dụng ngăn chặn sự hình thành của tử cung và cơ quan sinh dục nữ (AMH = Anti-Müllerian hormone).
  • AIS: hội chứng không nhạy cảm nội tiết tố nam, hội chứng nữ hóa có tinh hoàn (AIS = androgen insensitivity syndrome).
  • Intersex: hiện tượng liên giới tính, khi cơ thể mang các đặc điểm sinh học của cả nam và nữ.
  • IAAF: Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF = International Association of Athletics Federations).

8 thoughts on “Giới tính trong thể thao: Những chuyện chưa kể

  1. việc có nồng độ testosterol trong máu cao là bẩm sinh của họ, cung như lợi thế của họ, vốn không phải gian lận, với những VĐV có testosterol dưới mức cho phép phải chăng những người có nồng độ cao hơn vẫn phát triển cơ bắp tốt hơn, đạt lợi thế hơn? Mặt khác, nếu tháng 6 tới IAAF thắng kiện, liệu có thể đưa ra giải pháp đưa các vđv có cùng mức testosterol thi đấu cùng nhau như một loại hạng cân? Nhưng nếu xét tới vấn đề thụ thể Androgen thì em vẫn thấy củ chuối thật, ví dụ các vđv có xn nồng độ testosteron trong máu cao vẫn có thể đáp ứng kém do thụ thể androgen có vấn đề ( ví dụ như cô Patino thậm chí em còn nghĩ Testosterol cao do cơ chế feedback )vậy thì giải phải cho họ là gì? Với một cuộc thi đòi hỏi tính công bằng thì liệu có bao giờ là công bằng tuyệt đối?

    1. Chà, cảm ơn bạn đã suy nghĩ và viết ra một comment có tâm thế này. Bài viết này vốn là để kể ra một vấn đề gây tranh cãi mà, bạn đã chỉ ra vấn đề đó rồi đấy.

  2. Đang đọc nửa chừng thì nghĩ bài này văn phong giống người đã viết hai bài về Marfan thế. Và khi đến cuối bài thì mới biết là “À, đúng là Tố Linh rồi” 😉

    1. Cảm ơn em! Hy vọng em sẽ tiếp tục theo dõi và giới thiệu các bài viết của zeal đến bạn bè.

  3. Cảm ơn chị vì đã chia sẻ thông tin hữu ích này ạ. Em cứ thấy cái tên Tố Linh là em lập tức bỏ dở việc đang làm, click vào đọc bài viết của chị luôn. Chị tiếp tục viết và chia sẻ về chủ đề sinh học này chị nhé!

    1. Comment dễ thương quá! Hy vọng em sẽ tiếp tục theo dõi và chia sẻ những bài viết của zeal nhé.

Leave a Reply to Yen La Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Đô thị toàn cầu đầu tiên
Nằm ở một vị trí cao chót vót trên dãy núi Andes, Potosí là nguồn cung cấp bạc của cả thế giới. Đổi lại, con người và hàng hoá ở đây đến từ khắp mọi nơi, từ Burma đến Baghdad.
Mới nhất