Khi hạ chính thức vào mùa, đúng vào thời điểm Hạ chí1 diễn ra nơi Bắc bán cầu vào ngày 22/6, những người hứng thú với chiêm tinh học phương Tây sẽ kiểm tra bản đồ sao Hạ chí của họ, cố gắng sử dụng các ngôi sao để tính toán xem điều gì đang đợi họ phía trước.
Trong khi một vài trang web tử vi phương Tây có thể hứa hẹn những dự báo dựa trên “chuyển động” của các ngôi sao, cần ghi nhớ một sự thật quan trọng là chính Trái đất mới chuyển động, chứ không phải các ngôi sao. Lý do các ngôi sao trông như đang di chuyển suốt đêm và suốt cả năm là vì Trái đất vừa tự quay quanh trục của nó, vừa quay theo quỹ đạo quanh Mặt trời. Nhưng trước khi hầu hết nhân loại hiểu ra điều này, con người đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ xem điều gì đang xảy ra trên bầu trời kia.
Chính vì vậy, dẫu bản thân chiêm tinh học — việc tìm kiếm những câu trả lời, điềm báo và tiên đoán dựa trên sự di chuyển của các thiên thể — không phải một môn khoa học, cũng đã có một quá trình lịch sử lâu dài con người nhìn lên các vì sao để dự tính cuộc sống của mình. Từ thời Ai Cập cổ đại, người nông dân đã dùng bầu trời như một cuốn lịch. Khi sao Thiên Lang (còn có tên Dog Star) mọc vào khoảng giữa tháng Bảy, người ta coi đây là dấu hiệu lũ lụt hằng năm sắp sửa lên trên sông Nin. Những người lữ khách sử dụng bầu trời như một chiếc la bàn, theo dấu các vì sao để biết hướng đi. Và cũng có nhiều người sử dụng bầu trời như một nguồn chỉ dẫn đầy bí ẩn.
Nhưng ai là người đầu tiên ngước nhìn lên bầu trời để hiểu được điều gì đang xảy ra dưới trần thế và tại sao con người lại hành xử theo những cách nhất định? Chính xác ai là người nảy ra cách nghĩ này và khi nào vẫn là một ẩn số, tuy nhiên, làm thế nào mà lối suy nghĩ ấy trở nên phổ biến ngày nay thì các nhà sử học và thiên văn học lại biết đôi chút.
Các cung hoàng đạo có nguồn gốc từ đâu?
Những ngôi sao chỉ là một trong vô vàn thực thể trong tự nhiên mà con người dùng đến để tìm câu trả lời qua thời gian.
Nhà thiên văn học Sten Odenwald, giám đốc của Citizen Science (tạm dịch: Chương trình Khoa học Công dân) tại NASA Space Science Education Consortium (tạm dịch: Hiệp hội Giáo dục Khoa học Vũ trụ NASA) cho hay: “Chúng ta không thật sự biết ai là người đầu tiên nảy ra ý tưởng nhìn vào các thực thể trong tự nhiên và tiên đoán ảnh hưởng của chúng lên con người. Có vài dấu hiệu được tìm thấy ở các bức vẽ trong hang động phản ánh ý tưởng này, cho rằng con vật và sự vật có thể chứa đựng một dạng tâm linh nào đó có ảnh hưởng lên bạn, và nếu xoa dịu được nó, bạn sẽ có một chuyến đi săn thành công. Điều này được kế thừa bởi quan niệm về bói toán, rằng bạn có thể thực sự nhìn vào sự vật trong tự nhiên và nghiên cứu chúng một cách cẩn thận, chẳng hạn như thuật bói lá trà2.”
Trong nhiều tín ngưỡng ở các nền văn hóa cổ xưa xuất hiện những dạng chiêm tinh khác nhau.
Thời Trung Hoa cổ đại, giới quý tộc coi nhật thực hay những vết đen Mặt trời như điềm báo cho thời điểm tốt, xấu đối với đế vương của họ. Dẫu vậy, những dấu hiệu này được cho là ít linh ứng hơn đối với cuộc đời những thần dân khác. (Odenwald chỉ ra rằng, trong những xã hội cổ đại, thường dân ở tầng lớp thấp kém ít có quyền định đoạt cuộc đời mình, bói toán cũng vì thế mà trở nên vô ích.) Vào khoảng giữa thiên niên kỷ 2 TCN, người Sumer3 và người Babylon cổ đại có thể đã thực hiện rất nhiều thuật bói toán — chẳng hạn, họ xem bói bằng cách nhìn vào những vết đốm trên gan và nội tạng động vật — và quan niệm cho rằng quan sát các hành tinh và ngôi sao là một cách để theo dấu các vị thần trên trời có thể có gốc tích từ The Venus Tablet of Ammisaduqa (tạm dịch: Bản ghi Kim Tinh của Ammisaduqa). Đây là một trong những bản ghi chép thiên văn cổ nhất của Babylonian planetary omens (tạm dịch: Danh sách các điềm báo thiên văn của người Babylon cổ đại), theo dõi các chuyển động của Sao Kim và có niên đại vào thiên niên kỷ 1 TCN. Người Ai Cập cổ đại cũng đã đóng góp ý tưởng về mô hình nối các ngôi sao gần nhau tạo thành các chòm sao, mặt trời “di chuyển” qua các chòm sao này vào những thời điểm nhất định trong năm.
Tất cả những ý tưởng này được cho là cùng xuất hiện khi Alexander Đại đế chinh phạt Ai Cập vào khoảng năm 330 TCN.
Odenwald nói rằng: “Hẳn là rất nhiều trao đổi đã diễn ra để khiến người Hy Lạp đồng tình với ý tưởng bói toán dựa vào các hành tinh, và bởi họ say sưa với toán học và lập luận, nên đã tìm ra nhiều quy luật để chứng minh rằng bói toán có thể có lý.”
Đây là cách NASA miêu tả lập luận nói trên đã tạo nên các cung hoàng đạo quen thuộc ngày nay như thế nào:
Hãy tưởng tượng có một đường thẳng từ Trái đất xuyên qua Mặt trời và đi thật xa vào vũ trụ, vượt khỏi hệ mặt trời đến nơi có những vì sao. Sau đó, hình dung Trái đất đang tự quay quanh trục và quay theo quỹ đạo quanh Mặt trời. Đường thẳng tưởng tượng này cũng sẽ quay, hướng đến những ngôi sao khác nhau trong suốt quá trình quay một vòng khép kín quanh Mặt trời — còn được tính bằng một năm. Tất cả những ngôi sao nằm sát mặt phẳng tưởng tượng được tạo ra bởi vùng quét của đường thẳng này được cho là thuộc vòng tròn hoàng đạo. Các chòm sao trong vòng tròn hoàng đạo đơn giản là những chòm sao mà đường thẳng tưởng tượng kia nhắm đến trong chuyến hành trình quay suốt một năm của nó.
12 cung hoàng đạo là gì?
Thời kỳ Hy Lạp cổ đại chính là giai đoạn 12 cung hoàng đạo chúng ta biết đến ngày nay được ấn định. Chúng bao gồm: Bạch Dương (khoảng 21/3-19/4), Kim Ngưu (20/4-20/5), Song Tử (21/5-20/6), Cự Giải (21/6-22/7), Sư Tử (23/7-22/8), Xử Nữ (23/8-22/9), Thiên Bình (23/9-22/10), Bọ Cạp (23/10-21/11), Nhân Mã (22/11-21/12), Ma Kết (22/12-19/1), Bảo Bình (20/1-18/2) và Song Ngư (19/2-20/3). Những cung hoàng đạo phương Tây (hay còn gọi là cung hoàng đạo chí tuyến) này được đặt tên theo các chòm sao và khớp với ngày tháng được tính dựa trên mối quan hệ rõ ràng giữa vị trí của chúng trên bầu trời với mặt trời.
Trước năm 1500 TCN, người Babylon cổ đại đã chia vòng tròn hoàng đạo thành 12 cung bằng nhau — ngay từ lúc đó, họ đã đặt tên các chòm sao tương tự với ngày nay, như là The Great Twins (Cặp song sinh), The Lion (Sư tử), The Scales (Cái cân)— những cái tên đó sau này được hợp nhất vào thuật bói toán của người Hy Lạp cổ đại. Nhà thiên văn học Ptolemy, tác giả cuốn Tetrabiblos — cuốn sách trụ cột trong lịch sử chiêm tinh học phương Tây, là người đã giúp 12 cung hoàng đạo này được biết đến rộng rãi.
Odenwald nói: “ Ptolemy là người đã hệ thống hóa ý tưởng chia 12 cung trên vòng tròn hoàng đạo, mỗi cung rộng 30 độ, Mặt trời di chuyển liên tục qua các cung này suốt cả năm.” Thậm chí từ “zodiac” cũng có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Theo từ điển tiếng Anh Oxford, “zodiac” bắt nguồn từ thuật ngữ “sculpted animal figure” (tạm dịch: “hình dáng động vật điêu khắc”), và thứ tự các cung hoàng đạo cũng xuất phát từ giai đoạn đó.
Odenwald giải thích rằng: “Quay về thời kỳ Hy Lạp cổ đại, ngày đầu tiên của mùa xuân bắt đầu khi mặt trời xuất hiện ở chòm sao Bạch Dương và mọi thứ được đánh dấu kể từ lúc đó trở về sau trong chu trình một năm.”
Tuy nhiên, cùng lúc Trái đất tự quay quanh trục, có một hiện tượng khác xảy ra gọi là Tuế sai4. Vì lý do này, ngày tháng dùng để đánh dấu các cung hoàng đạo ngày nay không hoàn toàn khớp với các chòm sao nguyên thủy đã gán tên cho chúng trước đây. Trên thực tế, niên đại học thực sự đã dịch chuyển một cung hoàng đạo sang phía Tây. Điều này có nghĩa ngày tháng các cung hoàng đạo hiện nay, dựa trên sự phân chia theo toán học trong một năm, về cơ bản tương ứng với vị trí tương quan của mặt trời với các chòm sao trước kia. (Tính chất cố định của các cung hoàng đạo cũng là lý do tại sao cuộc tranh luận vào năm 2011 của Trạm thiên văn Minnesota về việc thêm cung hoàng đạo thứ mười ba, Ophiuchus, đã không tạo ra thay đổi lớn trong chiêm tinh học.)
Odenwald cho biết: “Trước đây, các nhà chiêm tinh học đã nhìn vào mối liên hệ giữa mặt trời với các chòm sao, và nhìn chung gần như khớp chính xác với các cung hoàng đạo được định nghĩa bởi Ptolemy. Ngày nay, các nhà chiêm tinh học tính toán và tiên tri dựa trên mối liên hệ giữa vị trí các hành tinh và mặt trời với 12 cung hoàng đạo không đổi, chứ không phải mối liên hệ với các chòm sao. Các nhà chiêm tinh học nói rằng, nếu bạn được sinh ra vào ngày mặt trời ở cung Sagittarius (Nhân Mã) thì bạn thuộc cung Nhân Mã.”
Sự khác biệt giữa chiêm tinh học và thiên văn học là gì?
Suốt nhiều thế kỉ, chiêm tinh học (tìm kiếm những điềm báo dựa trên chuyển động của các thiên thể) về cơ bản được xem là một với thiên văn học (ngành khoa học nghiên cứu về các thiên thể). Ví dụ, Johannes Kepler, nhà cách mạng về thiên văn học trong thế kỷ 17, chuyên nghiên cứu về sự chuyển động của các hành tinh, đã được nhìn nhận như một nhà chiêm tinh học vào thời điểm đó. Quan niệm này đã thay đổi vào khoảng đầu thời kỳ Khai sáng vào cuối thế kỉ 17.
Ngay khi Sir Isaac Newton về cơ bản biến bầu trời thành một chiếc máy tính, tính toán chuyển động của các hành tinh và nhận ra rằng trọng lực kiểm soát vạn vật, điều đó, theo Odenwald, “đã khởi xướng một hướng tiếp cận khoa học mới đối với bầu trời và chuyển động của các hành tinh và Trái đất.”
Đây chính là lúc thiên văn học được biết đến như một môn khoa học còn chiêm tinh học thì không được ghi nhận như vậy. Nhưng tính phổ biến của chiêm tinh lại dựa vào những yếu tố mà con số không thể tính toán được, và sức hấp dẫn khi nhìn vào những vì sao để tìm kiếm câu trả lời thì không hề giảm bớt — thực tế, trong những năm gần đây, nó còn có vẻ lớn hơn. Sau tất cả, trong một cuộc thăm dò ý kiến của Quỹ Khoa học Quốc gia năm 2014, hơn một nửa số người thuộc thế hệ Y5 nghĩ rằng chiêm tinh học là một môn khoa học.
Odenwald lý luận rằng, ngay cả khi câu trả lời của chiêm tinh học không dựa trên nghiên cứu khoa học, lý do mọi người liên tục hướng về bầu trời chỉ ra một điều rất thực tế — một hiện tượng tâm lý mà ông gọi là xu hướng “tự lựa chọn” của con người, khi chúng ta tìm kiếm những lời giải thích khớp với những gì mình mong là đúng.
Ông nói: “Con người phóng đại những điều tốt đẹp và quên đi những điều tiêu cực, và đó là bản chất của chúng ta.”
Hạ chí là điểm bắt đầu của mùa hè tại Bắc bán cầu (vào khoảng ngày 21 hay 22 tháng 6). Điểm Hạ Chí luôn được xác định là thời điểm khi trục Trái Đất nghiêng tối đa về hướng Mặt Trời.↩
Hay còn gọi là bói trà, một hình thức tiên tri phương Tây phát triển vào thế kỷ 17. Người bói nhìn vào hình dáng bã lá trà sau khi uống và đưa ra những lời tiên đoán về tương lai.↩
Người Sumer được biết đến là người đầu tiên đến định cư ở phía Nam Lưỡng Hà (ngày nay là Iraq) vào khoảng năm 4500 TCN. Sau đó, dưới triều đại Sumuabum , người Babylon thống nhất các vùng đất Lưỡng Hà vào khoảng năm 1894 TCN. Nhiều nét văn hóa và ngôn ngữ của người Sumer được người Babylonia kế thừa và phát triển.↩
Tuế sai hay Tiến động, là hiện tượng trục của vật thể quay cũng “lắc lư” khi mômen lực tác động lên nó.
Các mômen lực tạo bởi lực hấp dẫn của Mặt Trăng, Mặt Trời và các thiên thể khác lên Trái Đất gây nên hiện tượng tuế sai của trục Trái Đất.
Tuế sai làm trục Trái Đất lắc lư chậm theo thời gian, và tương tự với quỹ đạo của các hành tinh. Điều này làm cho việc tính toán lịch Mặt Trời phải thay đổi nhỏ từ năm này sang năm khác. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFn_%C4%91%E1%BB%99ng↩Thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, là khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000. Đây là thế hệ được tiếp cận nhiều với công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội, đồng thời là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai.↩