a
§ Tác giả: Yanis Varoufakis | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  coda
08/09/2018

Nếu một bản tuyên ngôn muốn thành công, nó phải chạm đến trái tim của chúng ta như một bài thơ và cùng lúc xâm chiếm tâm trí chúng ta bằng những hình ảnh và ý tưởng mới lạ đến sững sờ. Nó phải khiến chúng ta nhận ra nguyên nhân thật sự của những thay đổi đầy hoang mang, lo lắng, và kích động đang xảy ra xung quanh, chỉ ra những khả năng mà thực tại của chúng ta đang thai nghén. Nó phải khiến chúng ta cảm thấy kém cỏi đến vô phương cứu chữa vì đã không thể tự mình nhận ra những sự thật đó, và nó phải vén bức màn vô minh để tiết lộ một nhận thức không mấy dễ chịu là chúng ta đang hành động như những kẻ đồng lõa tầm thường, đang tái tạo một quá khứ bế tắc. Cuối cùng, nó cần phải có sức mạnh của một bản giao hưởng Beethoven, thúc giục chúng ta trở thành những nhân tố xây dựng nên một tương lai nơi không còn những khổ đau vô cớ, và truyền cảm hứng cho loài người nhận ra khả năng đạt được tự do đích thực.

Chưa từng có bản tuyên ngôn nào thực hiện tất cả những điều này thành công hơn tác phẩm được công bố vào tháng Hai năm 1848 tại số 46 phố Liverpool, London. Dưới sự ủy thác của các nhà cách mạng Anh, Tuyên ngôn Cộng sản – The Communist Manifesto (hay còn gọi là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Manifesto of the Communist Party trong lần công bố đầu tiên) được soạn thảo bởi hai người Đức trẻ tuổi: Karl Marx, một triết gia 29 tuổi yêu thích sự kết hợp giữa chủ nghĩa khoái lạc1 theo trường phái Epicurus và chủ nghĩa duy lý của Hegel, và Friedrich Engels, người thừa kế 28 tuổi của một công xưởng ở London.

Cho đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua được bản tuyên ngôn này với tư cách là một tác phẩm văn học chính trị. Những câu văn khét tiếng nhất của nó, bao gồm câu mở đầu (“Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu – bóng ma của chủ nghĩa cộng sản”), có thể sánh ngang với những dòng thơ của Shakespeare. Giống như Hamlet đối mặt với linh hồn của người cha bị sát hại, người đọc bắt buộc phải tự hỏi: “Liệu ta có nên quy phục chế độ hiện hữu, chịu đựng những mũi tên hòn đạn của thứ vận mệnh tàn bạo mà những lực lượng bất khả kháng của lịch sử áp đặt lên ta? Hay ta nên tham dự vào chính những lực lượng đó, cầm vũ khí chống lại hiện trạng của thế giới, và, bằng cách chống lại nó, mở ra một thế giới mới tươi đẹp hơn?”

Đối với những độc giả cùng thời với Marx và Engels, đây không phải là một tình thế tiến thoái lưỡng nan trừu tượng thường được tranh luận trong các phòng khách ở châu Âu. Bản tuyên ngôn của họ là một lời hiệu triệu hành động, và việc đi theo lời khẩn cầu của bóng ma này thường dẫn đến chỗ bị bức hại, hoặc, trong vài trường hợp, bị giam cầm. Ngày nay, một tình thế lưỡng nan tương tự đang thách thức những người trẻ: quy phục một thứ trật tự định sẵn đang đổ nát và không thể tự tái tạo, hay chống lại nó, dù phải trả cái giá không nhỏ, và tìm kiếm những phương thức mới để lao động, vui chơi, và chung sống. Ngay cả khi các đảng cộng sản hầu như đã biến mất hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị, tinh thần của chủ nghĩa cộng sản ẩn sau bản tuyên ngôn đang chứng minh là không dễ bị khuất phục.

Một tầm nhìn phi thường là tham vọng của bất kỳ bản tuyên ngôn nào. Nhưng để thành công như Marx và Engels trong việc mô tả chính xác một thời đại sẽ xuất hiện trong một thế kỷ rưỡi nữa, cũng như phân tích những mâu thuẫn và lựa chọn chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, thật sự là một điều phi thường. Vào cuối những năm 1840, chủ nghĩa tư bản đang lung lay, cục bộ, phân mảnh, và yếu ớt. Dù vậy, Marx và Engels đã xem xét nó cẩn thận và dự đoán trước về thứ chủ nghĩa tư bản toàn cầu, tài chính hoá2, cứng rắn, và hùng mạnh mà chúng ta đang có ngày nay. Đây chính là hình thái đã xuất hiện sau năm 19913, đồng thời tuyên bố về cái chết của chủ nghĩa Marx và hồi kết của lịch sử.

Tất nhiên, những thất bại trong việc dự báo của Tuyên ngôn Cộng sản đã luôn bị phóng đại lâu nay. Tôi vẫn còn nhớ vào đầu thập niên 1970, ngay cả các nhà kinh tế học cánh tả4 cũng thách thức dự báo của bản tuyên ngôn về việc chủ nghĩa tư bản sẽ “xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên kết ở khắp nơi.” Căn cứ vào thực trạng đáng buồn của những nước được gọi là thế giới thứ ba, họ tranh luận rằng chủ nghĩa tư bản đã mất sức hấp dẫn trước cả khi mở rộng ra ngoài những “mẫu quốc” của nó ở Châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản.

Ngày nay, một tình thế lưỡng nan tương tự đang thách thức những người trẻ: quy phục một thứ trật tự định sẵn đang đổ nát và không thể tự tái tạo, hay chống lại nó, dù phải trả cái giá không nhỏ, và tìm kiếm những phương thức mới để lao động, vui chơi, và chung sống.

Theo những quan sát lịch sử thì họ đã đúng: các công ty đa quốc gia của Châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản hoạt động ở những vùng “ngoại vi” của Châu Phi, Châu Á, và Mỹ Latin lúc bấy giờ đã tự giới hạn chính họ trong vai trò của những kẻ khai thác tài nguyên thuộc địa và không truyền bá chủ nghĩa tư bản đến những nơi đó. Họ lập luận rằng tư bản nước ngoài chỉ tái tạo một quá trình phát triển của sự kém phát triển ở thế giới thứ ba thay vì đưa những quốc gia này vào con đường phát triển theo chủ nghĩa tư bản (lôi cuốn “đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh”). Cứ như thể bản tuyên ngôn đã đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng lan truyền đến mọi ngóc ngách của chủ nghĩa tư bản. Phần đông các nhà kinh tế, bao gồm cả những người có cảm tình với Marx, đều nghi ngờ dự đoán của bản tuyên ngôn rằng “việc khai thác thị trường thế giới” sẽ mang lại “một tính chất quốc tế cho sản xuất và tiêu dùng ở mọi quốc gia.”

Hóa ra, bản tuyên ngôn đã đúng, dù có hơi trì hoãn. Phải cần đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và sự tham gia của hai tỷ công nhân Trung Quốc và Ấn Độ vào thị trường lao động tư bản để xác nhận những dự đoán của nó. Thật vậy, để chủ nghĩa tư bản có thể thật sự toàn cầu hóa thì trước hết những chế độ đã tuyên thệ trung thành với bản tuyên ngôn cần phải bị xé toang. Một sự mỉa mai thú vị đến như vậy có lẽ chưa bao giờ được chứng kiến trong lịch sử.

Ngày nay, bất cứ ai đọc bản tuyên ngôn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra hình ảnh của một thế giới rất giống với thế giới của chúng ta ngày nay, đang chênh vênh đầy sợ hãi trên bờ vực của tiến bộ công nghệ. Vào thời của bản tuyên ngôn, động cơ hơi nước là thách thức lớn nhất cho những nhịp điệu và thói quen của đời sống phong kiến. Người nông dân bị cuốn vào những bánh răng và bánh xe của thứ máy móc này và một giai cấp mới,các chủ nhà máy và thương gia, đã lật đổ sự kiểm soát của giai cấp địa chủ với xã hội. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang trở thành mối đe dọa, hứa hẹn sẽ quét sạch “tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ.” “Sự cách mạng hóa liên tục các công cụ sản xuất,” bản tuyên ngôn chỉ ra, biến đổi “toàn bộ các mối quan hệ xã hội,” mang lại “sự cách mạng hóa liên tục của sản xuất, sự xáo trộn không ngừng của tất cả các điều kiện xã hội, sự hoài nghi và tâm trạng đảo lộn không nguôi.”

Một người thợ sửa máy. Ảnh: Unsplash

Tuy nhiên, đối với Marx và Engels, những xáo trộn này là đáng hoan nghênh. Nó đóng vai trò như một chất xúc tác cho cú hích cuối cùng mà loài người cần để xóa bỏ những tàn dư định kiến, thứ định kiến củng cố sự chia rẽ khủng khiếp giữa những người sở hữu máy móc với những người thiết kế, vận hành và làm việc với chúng.“ Tất cả những điều bền vững đều tan biến vào không khí, tất cả những thứ thiêng liêng đều bị ô uế,” họ viết về tác động của công nghệ trong bản tuyên ngôn, “và cuối cùng mỗi người buộc phải tỉnh táo đối diện với điều kiện sống trần trụi của mình, và với mối quan hệ của bản thân với đồng loại.” Bằng cách thẳng tay xóa bỏ các định kiến và những xác quyết sai lầm của chúng ta, sự thay đổi công nghệ đang cưỡng ép các cá nhân, bất chấp mọi sự phản kháng, đối diện với những mối quan hệ tồi tệ của chúng ta với đồng loại của mình.

Ngày nay, chúng ta đang nhìn thấy điều này thể hiện qua hàng triệu từ ngữ được sử dụng để tranh luận về sự bất mãn của quá trình toàn cầu hóa trên cả các phương tiện số và trang in truyền thống. Ngay cả khi đang ăn mừng thành tựu của quá trình toàn cầu hóa trong việc giúp hàng tỷ người chuyển từ tình trạng nghèo cùng cực sang tình trạng nghèo tương đối, các tờ báo uy tín của phương Tây, các ngôi sao của Hollywood, các doanh nhân của Thung lũng Silicon, các giám mục và thậm chí cả các tỷ phú tài chính vẫn than vãn về những tác động kém tích cực hơn của nó: tình trạng bất bình đẳng không thể chịu đựng nổi, thói tham lam vô độ, biến đổi khí hậu, và mối đe dọa từ những chủ ngân hàng và giới siêu giàu đến các thể chế dân chủ nghị viện của chúng ta.

Tất cả những điều kể trên sẽ không khiến những ai từng đọc bản tuyên ngôn cảm thấy bất ngờ. “Xã hội như một tổng thể,” bản tuyên ngôn viết, “ngày càng chia thành hai phe phái lớn thù địch với nhau, thành hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập với nhau.” Khi sản xuất được cơ giới hóa, và biên lợi nhuận của giới chủ sở hữu máy trở thành động lực của nền văn minh, xã hội bị phân hóa giữa một bên là những người sở hữu không làm việc và một bên là những người người lao động làm thuê không có quyền sở hữu, còn tầng lớp trung lưu thì giống như con khủng long trong phòng đang đợi ngày tuyệt chủng.

Vấn đề của của chủ nghĩa tư bản không phải là nó sản xuất ra quá nhiều công nghệ, hay thậm chí là bất công. Vấn đề của chủ nghĩa tư bản là nó phi lý.

Cùng lúc đó, giới siêu giàu trở nên mặc cảm tội lỗi và luôn cảm thấy căng thẳng khi chứng kiến cuộc sống của những người xung quanh chìm vào tình trạng nô lệ tiền lương đầy bấp bênh. Marx và Engels đã thấy trước phe thiểu số đầy quyền lực này sẽ trở nên “không thích hợp để thống trị” những xã hội phân cực như vậy, vì họ sẽ không thể đảm bảo sự tồn tại bền vững của những nô lệ-tiền lương. Ẩn nấp trong những cộng đồng rào kín, họ bị xâm chiếm bởi nỗi lo âu và không thể tận hưởng sự giàu có của mình. Vài người trong số họ, những người đủ thông minh để nhận ra lợi ích dài hạn thật sự, hiểu rằng nhà nước phúc lợi5 là chính sách bảo hiểm tốt nhất. Nhưng than ôi, như bản tuyên ngôn giải thích, với vai trò là một giai cấp xã hội, họ sẽ hà tiện phí bảo hiểm và tìm mọi cách để trốn thuế.

Đấy chẳng phải là những gì đang xảy ra sao? Giới siêu giàu là một tập hợp những kẻ luôn lo lắng và cáu kỉnh, liên tục ra vào các phòng khám giải độc cơ thể (detox), không ngừng tìm kiếm sự an ủi từ các thầy đồng, các nhà trị liệu tâm lý và các bậc thầy kinh doanh. Trong khi đó, tất cả những người còn lại phải vật lộn để có được miếng ăn, thanh toán học phí, trả nợ tín dụng hoặc chống lại chứng trầm cảm. Chúng ta hành động như thể chúng ta sống rất vô tư, luôn yêu thích những gì mình làm và làm bất cứ gì mình thích. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn luôn than khóc.

Các nhà cải cách, nhà cầm quyền và các nhà kinh tế đều phản ứng với tình huống khó chịu này theo cùng một cách, đưa ra những lời chỉ trích nảy lửa đối với các triệu chứng (bất bình đẳng thu nhập) trong khi làm ngơ các nguyên nhân (tình trạng bóc lột bắt nguồn từ bất bình đẳng về quyền sở hữu máy móc, đất đai, và tài nguyên). Có gì lạ ư khi chúng ta lâm vào ngõ cụt, đắm mình trong sự tuyệt vọng vốn chỉ có lợi cho những kẻ dân túy luôn tìm cách tranh thủ những bản năng tồi tệ nhất của đám đông?

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng ta đang tới gần hơn thời điểm mà chúng ta phải quyết định xem làm thế nào để đối xử với nhau một cách có lý trí và văn minh. Chúng ta không thể tiếp tục trốn sau sự tồn tại bất khả kháng của công việc và những quy tắc xã hội mang tính áp bức mà nó đòi hỏi. Bản tuyên ngôn mang đến cho người đọc thế kỷ 21 một cơ hội để nhìn thấu tình trạng lộn xộn này và nhận ra những gì cần được thực hiện  để đa số quần chúng có thể thoát khỏi tình trạng bất mãn và bước vào một trật tự xã hội mới, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.” Ngay cả khi bản tuyên ngôn không đưa ra bất kỳ đường lối cụ thể để đưa ta đến đó, nó vẫn là một nguồn hy vọng không thể bị dập tắt.

Nếu như bản tuyên ngôn vẫn giữ nguyên thứ sức mạnh đã từng kích động, tán dương và đồng thời khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn như vào năm 1848 thì đó là vì sự đấu tranh giữa các giai cấp xã hội là chuyện đã xưa như Trái Đất. Marx và Engels đã tổng kết điều này bằng những từ ngữ đầy táo bạo: “Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay đều là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp.

Từ những chế độ quý tộc phong kiến đến các đế chế công nghiệp, động cơ của lịch sử đã luôn là sự xung đột giữa những công nghệ liên tục phát triển với các truyền thống của giai cấp thống trị. Hình thái của những xung đột đó thay đổi theo những biến động trong công nghệ của xã hội. Các giai cấp cũ dần biến mất cho đến khi chỉ còn lại hai giai cấp là tư sản và vô sản – một bên sở hữu tất cả và một bên chẳng có gì.

Đây chính là tình thế khó chịu mà chúng ta thấy mình đang mắc vào. Trong khi chúng ta cần cảm ơn chủ nghĩa tư bản vì đã quy giản tất cả những khác biệt giai cấp thành khác biệt giữa những người sở hữu và những người không sở hữu, Marx và Engels muốn chúng ta nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản không thể phát triển đủ để sống sót trước chính những công nghệ mà nó tạo ra. Nghĩa vụ của chúng ta là phải dứt ra khỏi ý niệm lỗi thời về những phương thức sản xuất thuộc sở hữu tư nhân và thúc đẩy một sự chuyển đổi sang chế độ công hữu về máy móc, đất đai, và tài nguyên. Giờ đây, khi các công nghệ mới được giải phóng vào những xã hội bị trói buộc bởi kiểu hợp đồng lao động nguyên thủy thì sự đau khổ đồng loạt sẽ theo sau. Theo những ngôn từ không thể nào quên của bản tuyên ngôn thì: “Một xã hội đã tạo ra những phương thức sản xuất và trao đổi hàng hóa khổng lồ như thế cũng giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh do chính mình triệu lên.”

Tay phù thủy đó luôn mơ tưởng rằng các ứng dụng, công cụ tìm kiếm, robot, và hạt giống biến đổi gen của mình sẽ mang lại thịnh vượng và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nhưng, một khi bị ném vào một xã hội đầy sự chia rẽ giữa những người lao động làm thuê với giới chủ, những kỳ tích công nghệ đó sẽ đẩy lương và giá lên cao đến mức khiến cho phần lớn các doanh nghiệp chỉ có thể thu được lợi nhuận thấp. Chỉ những tập đoàn công nghệ, dược phẩm hay một số tập đoàn lớn khác với sức mạnh kinh tế và chính trị khổng lồ có thể thật sự thu lợi. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục chấp nhận các hợp đồng lao động giữa giới chủ và người làm thuê thì các quyền sở hữu tư nhân sẽ thống trị và đẩy chủ nghĩa tư bản đến những kết cục vô nhân đạo. Chỉ bằng cách xóa bỏ sở hữu tư nhân đối với công cụ sản xuất và thay thế nó bằng một hình thức sở hữu phù hợp với những công nghệ mới thì chúng ta mới có thể giảm đi sự bất bình đẳng và tìm ra hạnh phúc cho mọi người.

Theo lý thuyết lịch sử của Marx và Engels, sự chia rẽ hiện nay giữa công nhân và giới chủ là không thể tránh khỏi. Bản tuyên ngôn viết: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu.” Đến nay, lịch sử vẫn chưa hoàn thành dự đoán này, nhưng những người chỉ trích đã quên rằng cũng như mọi tài liệu tuyên truyền có giá trị, bản tuyên ngôn tạo ra hy vọng thông qua sự chắc chắn. Giống như Lord Nelson đã khích lệ quân đội của ông trước Trận Trafalgar rằng nước Anh “kỳ vọng” họ thực hiện nghĩa vụ của mình (dù ông đã từng hoài nghi về điều đó), bản tuyên ngôn đã dành cho giai cấp vô sản một kỳ vọng rằng họ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình và truyền cảm hứng để họ đoàn kết lại và giải phóng lẫn nhau khỏi xiềng xích của tình trạng nô lệ tiền lương.

Liệu họ có làm thế không? Theo tình hình hiện tại thì có vẻ là không. Nhưng, một lần nữa, chúng ta đã phải đợi đến những năm 1990, khi toàn cầu hóa xuất hiện để thấy những dự đoán của bản tuyên ngôn về sức mạnh của chủ nghĩa tư bản trở thành sự thật. Vì vậy, chẳng phải là một giai cấp vô sản toàn cầu mới với cuộc sống ngày càng bấp bênh cần thêm thời gian để thực hiện vai trò lịch sử mà bản tuyên ngôn đã dự đoán hay sao? Trong khi chưa tìm được câu trả lời, Marx và Engels nói với chúng ta rằng nếu sợ hãi cách mạng, hoặc cố ý sao lãng nghĩa vụ của bản thân với người khác, thì chúng ta sẽ bị kẹt trong một vòng xoáy khi chủ nghĩa tư bản trở nên bão hòa và ăn mòn linh hồn của con người. Theo bản tuyên ngôn, điều duy nhất có thể chắc chắn là trừ khi chủ nghĩa tư bản trở thành chủ nghĩa xã hội, còn không thì thứ đang chờ đợi chúng ta là một thế giới tuyệt vọng.

Nhân nói về thế giới tuyệt vọng, các độc giả hoài nghi hẳn sẽ chất vấn: vậy còn tội lỗi của chính bản tuyên ngôn trong việc cho phép hình thành các chế độ toàn trị và ăn mòn linh hồn của các lính canh trong những trại lao động cưỡng bức thì sao? Thay vì đáp trả một cách tự vệ, rằng không có ai buộc tội Adam Smith vì sự thừa mứa của Phố Wall, hay Kinh Tân Ước vì Tòa án dị giáo Tây Ban Nha, chúng ta có thể suy xét rằng các tác giả của bản tuyên ngôn đã có sẵn câu trả lời. Tôi tin rằng nếu được nhìn lại, hẳn Marx và Engels sẽ thừa nhận một sai sót quan trọng trong phân tích của mình, đó là nó thiếu tính phản hồi. Điều này có nghĩa là họ đã không suy nghĩ đầy đủ, và đã giữ một sự im lặng thận trọng , về ảnh hưởng của chính những phân tích của mình đối với thế giới mà họ phân tích.

Bản tuyên ngôn đã kể một câu chuyện đầy sức mạnh bằng thứ ngôn ngữ không khoan nhượng nhằm thức tỉnh người đọc ra khỏi trạng thái thờ ơ của họ. Điều mà Marx và Engels đã không dự đoán được đó là những tác phẩm mạnh mẽ và có tính mệnh lệnh như vậy thường sinh ra các môn đồ, các tín đồ – thậm chí là một giới giáo sĩ – và những kẻ sùng tín này có thể lợi dụng sức mạnh được ban tặng bởi bản tuyên ngôn cho lợi ích riêng của họ. Với nó, họ có thể lạm dụng các đồng chí của mình, xây dựng quyền lực, leo lên các vị trí có ảnh hưởng, lên giường với các sinh viên bị dụ dỗ, chiếm quyền kiểm soát Bộ Chính trị6 và bỏ tù bất cứ ai chống lại họ.

Tương tự, Marx và Engels đã không dự đoán được tác động của những phân tích của họ đối với bản thân chủ nghĩa tư bản. Ở mức độ mà bản tuyên ngôn đã giúp hình thành Liên bang Xô viết và các chư hầu Đông Âu của nó, nhà nước Cuba của Castro, nhà nước Nam Tư của Tito, và nhiều nhà nước dân chủ xã hội ở phương tây, chẳng lẽ những biến động này không gây ra một phản ứng dây chuyền có thể làm sai lệch những dự đoán và phân tích của bản tuyên ngôn hay sao? Sau cuộc cách mạng Nga và chiến tranh thế giới thứ hai, sự khiếp sợ đối với chủ nghĩa cộng sản đã buộc các thể chế tư bản áp dụng các kế hoạch trợ cấp, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ quốc gia, thậm chí là thực hiện ý tưởng buộc người giàu chi trả để những sinh viên nghèo thuộc tầng lớp tiểu tư sản có thể vào học tại các trường đại học khai sáng. Cùng lúc đó, sự thù địch điên cuồng với Liên Xô đã kích thích sự hoang tưởng và tạo ra một bầu không khí sợ hãi đặc biệt thích hợp cho những nhân vật như Joseph Stalin và Pol Pot.

Tôi tin rằng Marx và Engels cũng sẽ hối tiếc vì đã không lường hết được tác động của bản tuyên ngôn đối với các đảng cộng sản mà nó dự báo. Họ hẳn sẽ thất vọng về bản thân vì đã bỏ qua phép biện chứng mà chính họ vốn rất yêu thích: về cách mà các nhà nước công nhân trở nên ngày càng toàn trị vì sự hiếu chiến của các nước tư bản, và cách mà các nước tư bản ngày càng trở nên văn minh vì nỗi sợ cộng sản.

Tất nhiên, may mắn thay là những tác giả mà sai lầm của họ lại xuất phát từ chính sức mạnh của ngôn từ. Và thậm chí còn may mắn hơn cho những ai mà sai lầm của họ có thể tự sửa chữa. Ngày nay, hầu hết các nhà nước công nhân được truyền cảm hứng từ bản tuyên ngôn đã không còn, và các đảng cộng sản đã giải thể hoặc xáo trộn. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu được giải phóng khỏi cuộc chiến với những chế độ được khai sinh từ bản tuyên ngôn và đang hành xử như thể nó kiên quyết tạo ra một thế giới chỉ có thể được giải thích bằng bản tuyên ngôn.

Ngày nay, khả năng truyền cảm hứng của bản tuyên ngôn đến từ lời khuyên của nó dành cho chúng ta ngay trong hiện tại, trong một thế giới mà cuộc sống của chúng ta liên tục bị định hình bằng thứ mà Marx đã mô tả trong Bản thảo Kinh tế và Triết học (Economic and Philosophical Manuscripts) là “Một thứ năng lượng toàn cầu phá vỡ mọi giới hạn, mọi ràng buộc và ấn định bản thân nó là chính sách duy nhất, thứ phổ quát duy nhất, giới hạn duy nhất, và ràng buộc duy nhất.” Từ các tài xế Uber và các bộ trưởng tài chính tới các giám đốc ngân hàng và những người khốn khổ, chúng ta đều có thể được tha thứ vì đã bị áp đảo bởi thứ “năng lượng” này. Chủ nghĩa tư bản đã xâm nhập quá sâu đến nỗi đôi khi khó mà tưởng tượng ra một thế giới không có nó. Từ cảm giác bất lực đến sự xác quyết chỉ là một bước nhỏ. Nhưng, đáng kinh ngạc là (như bản tuyên ngôn tuyên bố), ngay khi chúng ta chuẩn bị đầu hàng ý tưởng đó thì các giải pháp thay thế lại hiện ra.

Trong tình hình hiện nay, thứ chúng ta không cần là các bài thuyết giảng về sự bất công, những lời buộc tội đối với tình trạng bất bình đẳng hay những lời cầu nguyện cho thể chế dân chủ đang tiêu tan. Chúng ta cũng không nên cam chịu những hành động tuyệt vọng của thứ khuynh hướng thoát ly thực tế tiêu cực: những lời kêu van trở lại với trạng thái tiền hiện đại, tiền công nghệ, nơi chúng ta có thể bám víu vào chủ nghĩa dân tộc. Điều mà bản tuyên ngôn kêu gọi trong những thời khắc đầy ngờ vực và khuất phục là xem xét chủ nghĩa tư bản và những khuyết tật của nó một cách rõ ràng, khách quan dưới ánh sáng lạnh lùng và cứng rắn của lý trí.

Bản tuyên ngôn lập luận rằng vấn đề của của chủ nghĩa tư bản không phải là nó sản xuất ra quá nhiều công nghệ, hay thậm chí là bất công. Vấn đề của chủ nghĩa tư bản là nó phi lý. Sự thành công của nghĩa tư bản trong việc mở rộng quy mô thông qua tích luỹ vì lợi ích của tích luỹ đang khiến các công nhân con người làm việc như máy móc với đồng lương rẻ mạt, trong khi các robot được lập trình để sản xuất ra những thứ mà các công nhân không mua nổi và chính robot thì không cần. Chủ nghĩa tư bản không thể tìm ra cách sử dụng hợp lý những máy móc kỳ diệu mà nó đã tạo ra và khiến nhiều thế hệ phải sống trong một môi trường bị huỷ hoại, với hoàn cảnh khốn cùng, thất nghiệp và không còn thời gian rảnh rỗi vì phải lao vào kiếm sống. Ngay cả các nhà tư bản cũng trở thành những cỗ máy tự động hoá đầy lo âu. Họ sống trong nỗi sợ hãi vĩnh cửu rằng nếu họ không thể biến đồng loại của mình thành hàng hoá thì họ sẽ không còn là nhà tư bản mà sẽ rơi xuống hàng ngũ những người vô sản với cuộc sống bấp bênh.

Nếu chủ nghĩa tư bản có vẻ bất công thì đó là vì nó biến mọi người dù giàu hay nghèo thành nô lệ, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên và con người. Chính cái “dây chuyền sản xuất” sản xuất ra sự giàu có không kể xiết cũng đồng thời sản xuất ra sự bất hạnh và bất mãn sâu sắc trên quy mô công nghiệp. Vì vậy, theo bản tuyên ngôn, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là nhận ra khuynh hướng của tất cả những điều này – là chinh phục “năng lượng” để hạ bệ nó.

Khi được các nhà báo hỏi rằng hiện nay ai hay cái gì là mối đe doạ lớn nhất đối với chủ nghĩa tư bản, tôi đã đi ngược lại kỳ vọng của họ và trả lời là: tư bản! Tất nhiên, đây là ý tưởng tôi rút ra từ bản tuyên ngôn. Nếu chúng ta nhìn nhận rằng việc triệt tiêu thứ “năng lượng” của chủ nghĩa tư bản là không thể và cũng không cần thiết, bí quyết sẽ là giúp tăng tốc sự phát triển của chủ nghĩa tư bản (để nó tự đốt cháy như một thiên thạch lao vào bầu khí quyển) và cùng lúc đó chống lại (bằng những hành động tập thể và có lý trí) khuynh hướng ăn mòn linh hồn con người của nó. Nói ngắn gọn, lời khuyên của bản tuyên ngôn là chúng ta nên đẩy chủ nghĩa tư bản đến giới hạn đồng thời hạn chế những hậu quả của nó và chuẩn bị cho quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta vẫn cần thêm nhiều robot , cần các loại pin năng lượng mặt trời tốt hơn, cần các hệ thống thông tin tức thời và các hệ thống giao thông bền vững. Nhưng song song đó, chúng ta cần tổ chức về mặt chính trị để bảo vệ những người yếu thế, trao quyền cho đa số và chuẩn bị cơ sở để thủ tiêu những thứ vô lý của chủ nghĩa tư bản. Trong thực tế, điều này có nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận ý tưởng rằng không có bất cứ giải pháp thay thế nào (cho chủ nghĩa tư bản) với sự khinh miệt cần thiết và đồng thời bác bỏ mọi lời kêu gọi quay về một xã hội kém hiện đại hơn. Cuộc sống dưới những hình thức sớm hơn của chủ nghĩa tư bản không hề hợp đạo lý. Những chương trình truyền hình đầu tư vào sự hoài niệm có tính toán, như Downtown Abbey, nên khiến chúng ta cảm thấy mừng vì được sống trong thời của mình. Mặt khác, chúng cũng có thể khích lệ chúng ta kìm hãm tốc độ thay đổi.

Marx và Engels đã xây dựng bản tuyên ngôn dựa trên một câu trả lời đơn giản đến cảm động: hạnh phúc đích thực của con người và đi cùng với nó phải là sự tự do chân chính. Đối với họ, đây là những thứ duy nhất thật sự có ý nghĩa.

Bản tuyên ngôn là một tác phẩm gây xúc động và truyền đạt tới mỗi chúng ta những dẫn luận khác nhau theo từng thời gian và hoàn cảnh. Vài năm trước, tôi tự gọi mình là một người theo chủ nghĩa Mác tự do không kiên định và đã bị miệt thị bởi cả những người theo và không theo chủ nghĩa Mác. Không lâu sau đó, tôi bị đẩy vào một vi trí chính trị tương đối nổi bật, trong thời kỳ xung đột dữ dột giữa chính phủ Hy Lạp lúc đó với những thế lực tư bản hùng mạnh nhất. Với tôi, việc đọc lại bản tuyên ngôn nhằm viết bài giới thiệu này cũng giống như mời gọi hồn ma của Marx và Engels trở về để gào thét cả những lời phê phán lẫn động viên vào tai vậy. Adults in the Room (tạm dịch: Những Người Lớn Trong Phòng), hồi ký của tôi về thời gian làm bộ trưởng tài Hy Lạp vào năm 2015, kể câu chuyện về cách mà mùa xuân Hy Lạp bị nghiền nát bởi sự kết hợp giữa sức mạnh (về phía các chủ nợ của Hy Lạp) và một mặt trận chia rẽ trong chính phủ của tôi. Tôi đã viết nó trung thực và chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của bản tuyên ngôn thì các nhân tố của lịch sử trong quyển hồi ký chỉ đóng vai quần chúng hoặc đóng vai những nạn nhân gần như là thụ động. “Giai cấp vô sản ở đâu trong câu chuyện của ông?” Tôi hầu như có thể nghe thấy các nhà Mác-xít la hét vào mặt mình. “Không phải họ mới nên là người thách thức những thế lực hùng mạnh của chủ nghĩa tư bản với sự ủng hộ ngoại biên của ông hay sao?”

Thật may mắn, việc đọc lại bản tuyên ngôn cũng cho tôi chút an ủi, và nó cũng xác nhận cách nhìn của tôi về bản tuyên ngôn như một tác phẩm theo chủ nghĩa tự do hay thậm chí là tự do cá nhân. Nếu như bản tuyên ngôn đã công kích các giá trị tự do của giai cấp tư sản thì nó làm thế là vì sự tận tụy, thậm chí là tình yêu với chính những giá trị đó. Hạnh phúc tự do, sự tự chủ, cá tính, các giá trị tinh thần, sự phát triển tự định hướng là những ý tưởng mà Marx và Engels coi trọng hơn tất cả. Nếu như họ giận dữ với giai cấp tư sản thì đó là vì giai cấp này tìm cách chối bỏ mọi cơ hội tìm kiếm tự do của đa số quần chúng. Nếu chúng ta xem xét sự trung thành của Marx và Engels với ý tưởng của Hegel rằng không ai có thể được tự do chừng nào còn một người bị xiềng xích, thì lời buộc tội của họ với giai cấp tư sản là giai cấp này hy sinh tự do và cá tính của mọi người trên bàn thờ của tích lũy tư bản.

Mặc dù Marx và Engels không phải là những người vô chính phủ, họ căm ghét nhà nước vì nó có khả năng bị thao túng bởi một giai cấp để đàn áp một giai cấp khác. Từ góc độ tích cực nhất, họ xem nó như một cái ác cần thiết, thứ sẽ tiếp tục tồn tại trong một tương lai tốt đẹp hậu tư bản và không có giai cấp. Nếu cách diễn giải như vậy về bản tuyên ngôn có thể đứng vững thì cách duy nhất để trở thành một người cộng sản là đồng thời trở thành một người tự do cá nhân. Đi theo lời kêu gọi “Đoàn kết lại!” của bản tuyên ngôn thật ra hoàn toàn đối lập với việc trở thành một người theo chủ nghĩa Stalin hay việc cố gắng tái tạo thế giới theo hình ảnh của các chế độ cộng sản đã sụp đổ.

Vậy thì, sau tất cả, đâu là điểm mấu chốt của bản tuyên ngôn? Và tại sao bất kỳ ai, đặc biệt là những người trẻ ngày nay, cần quan tâm đến những thứ như lịch sử và chính trị?

Marx và Engels đã xây dựng bản tuyên ngôn dựa trên một câu trả lời đơn giản đến cảm động: hạnh phúc đích thực của con người và đi cùng với nó phải là sự tự do chân chính. Đối với họ, đây là những thứ duy nhất thật sự có ý nghĩa. Bản tuyên ngôn của họ không dựa vào lý lẽ về bổn phận nghiêm ngặt kiểu Đức, và cũng không dựa vào những trách nhiệm lịch sử để kêu gọi chúng ta hành động. Nó không dạy đời hay buộc tội. Marx và Engels đã cố gắng vượt qua những ám ảnh của triết học luân lý Đức và những động cơ lợi nhuận tư bản bằng cách viện dẫn một cách lý trí nhưng cũng đầy mạnh mẽ đến những yếu tố cơ bản nhất trong bản chất của con người.

Cốt lõi trong những phân tích của họ là hố sâu ngăn cách không ngừng mở rộng giữa những người sản xuất và những người sở hữu công cụ sản xuất. Mối quan hệ khó giải quyết giữa tư bản và lao động làm thuê ngăn chúng ta tận hưởng công việc và các sản phẩm của chính chúng ta, và biến cả người chủ lẫn người làm thuê, người giàu và người nghèo thành những con tốt vô hồn, run rẩy, bị lôi vào một sự tồn tại vô nghĩa bởi những lực lượng vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Nhưng tại sao chúng ta lại cần đến chính trị để giải quyết tất cả những điều này? Chẳng phải chính trị là thứ lố bịch, mà đặc biệt là chính trị xã hội chủ nghĩa, như Oscar Wilde từng nói là nó “lấy mất quá nhiều buổi chiều” hay sao?  Câu trả lời của Marx và Engels là: vì chúng ta không thể kết thúc sự ngu dốt này theo cách riêng lẻ; vì không có thị trường nào có thể xuất hiện và tạo ra thuốc giải cho sự ngu dốt này. Các hành động chính trị tập thể, dân chủ là cơ hội duy nhất của chúng ta để tìm kiếm tự do và hạnh phúc. Và vì điều này, những đêm dài có vẻ là một cái giá nhỏ.

Vì chúng ta không thể kết thúc sự ngu dốt này theo cách riêng lẻ; vì không có thị trường nào có thể xuất hiện và tạo ra thuốc giải cho sự ngu dốt này. Các hành động chính trị tập thể, dân chủ là cơ hội duy nhất của chúng ta để tìm kiếm tự do và hạnh phúc.

Con người có thể thành công trong việc đảm bảo một trật tự xã hội cho phép “sự phát triển tự do của mỗi cá nhân” là “điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.” Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể thúc bằng “sự diệt vong chung” do chiến tranh hạt nhân, thảm họa môi trường hoặc sự bất mãn đầy đau khổ. Trong thời khắc hiện tại của chúng ta, không ai có thể nói chắc được điều gì. Chúng ta có thể tìm kiếm nguồn cảm hứng, trí tuệ, và năng lượng từ bản tuyên ngôn, nhưng đến cuối cùng, những gì sẽ xảy ra hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.

***

Đọc thêm:

  1. Tuyên ngôn Cộng sản – The Communist Manifesto:
  2. Bản thảo Kinh tế và Triết học – Economic and Philosophical Manuscripts
  3. Capitalism will eat democracy — unless we speak up (Tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản sẽ ăn mòn nền dân chủ – trừ khi chúng ta lên tiếng)

  1. Chủ nghĩa khoái lạc theo trường phái Epicurus (Epicurean hedonism): Hệ tư tưởng triết học dựa trên tư tưởng của triết gia Hy Lạp cổ đại Epicurus (341-270). Giống như các trường phái khác của chủ nghĩa khoái lạc, Epicurus cho rằng việc mưu cầu “lạc thú” (pleasure) và tránh né khổ đau là mục đích cao cả nhất của đời người. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Epicurus là ông chủ trương rằng chỉ có thể đạt được điều đó thông qua việc sống tiết độ, không ngừng học hỏi về thế giới và hạn chế những ham muốn. Những điều này sẽ giúp con người đạt được sự khôn ngoan, an lạc và không còn đau khổ. (Nguồn: Wikipedia)

  2. Tài chính hoá (Financialization): một thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình tích luỹ của tư bản tài chính, trong đó lợi nhuận được tạo ra thông qua các thị trường tài chính thay cho hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hoá truyền thống. (Nguồn: Wikipedia)

  3. Năm Liên bang Xô viết sụp đổ.

  4. Trong hệ thống chính trị tả-hữu (left-right politics), chính trị cánh tả dùng để chỉ khuynh hướng chính trị bao gồm các lập trường hay hoạt động chính trị ủng hộ công bằng xã hội và phản đối sự phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội. Ngược lại, chính trị cánh hữu cho rằng một số trật tự xã hội và hệ thống phân tầng xã hội là tự nhiên và không thể tránh khỏi (Nguồn: Wikipedia)

  5. Nhà nước phúc lợi (Welfare state) là mô hình chính quyền trong đó nhà nước mà trong đó nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra và bảo vệ công ăn việc làm và đảm bảo một nền an sinh xã hội cao cho công dân của mình. (Nguồn: Wikipedia)

  6. Bộ Chính trị (Politburo): cơ quan quyền lực cao nhất của các đảng cộng sản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất