a
§ Tác giả: Laura Kurek | Nguồn: Wilson Quarterly
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Dexter
29/10/2016

Cao mười sáu tầng, văn phòng bác sỹ này nhìn xuống phố xá sầm uất rực đèn neon. Phía trong cao ốc, các văn phòng tư vấn, phòng phẫu thuật, và phòng nghỉ phục hồi chiếm hầu hết các tầng. Các tầng khác thì chứa một phòng khám nha khoa, một phòng chờ cao cấp trên sân thượng, và các căn hộ cho thuê dài ngày. Đây là Beauty Korea (BK), một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trọn gói nằm giữa trung tâm Seoul, Hàn Quốc.

Đất nước này có một sự ám ảnh với phẫu thuật thẩm mỹ. Một trong năm phụ nữ Hàn đã từng dao kéo một cái gì đó, để so sánh với tỷ lệ một trên hai mươi tại Hoa Kỳ. Với sự phủ sóng đáng kinh ngạc của việc phẫu thuật, vẻ ngoài hấp dẫn giờ đây là điều kiện cần để có một sự nghiệp thành công. Đi phẫu thuật để có một gương mặt xin được việc ở Hàn cũng bình thường như là đi tập gym ở Mỹ vậy.

Có phải người Hàn đang mong muốn có được một ngoại hình giống như người da trắng? Liệu có tồn tại một “Sự bình thường Đẹp đẽ Lý tưởng” hay không? Ai hay cái gì đã định nghĩa ra nó? Và những hệ quả của việc theo đuổi nó là gì?

Quy trình phổ biến nhất là Asian blepharoplasty, hay quy trình thay đổi mí mắt điển hình Á châu, thường được gọi là mí đơn (một mí, hay monolid), trở thành mí kép (hai mí, double eyelid). Đứng thứ hai là rhinoplasty, hay là đi làm mũi. Sự phổ biến của hai quy trình này, đặc biệt là việc phẫu thuật để có mắt hai mí, đã đặt ra một câu hỏi nhạy cảm: Có phải người Hàn đang mong muốn có được một ngoại hình giống như người da trắng? Các bác sỹ thẩm mỹ và học giả ít động chạm đến chủ đề này. Một vài người đưa ra lập luận rằng văn hóa phương Tây – một cụm từ rộng và không hoàn hảo – không thể nhận là chỉ tiêu chuẩn về vẻ đẹp của nó mới bao gồm một “đôi mắt to.” Một số khác chỉ ra rằng chỉ có 50 phần trăm dân số châu Á bẩm sinh sở hữu cặp mắt một mí. Một số bác sỹ, bao gồm bác sỹ Hyuenong Park từ Phòng khám Thẩm mỹ OZ và bác sỹ thẩm mỹ tại Beverly Hills Kenneth Steinsapir, hoàn toàn phủ nhận việc phẫu thuật cắt mí có mục đích khiến người được phẫu thuật trông Tây hơn.

Tuy vậy, câu chuyện về một bác sỹ người Mỹ ở Hàn Quốc những năm 50 sau chiến tranh, lại cho thấy một khía cạnh khác.

Cố bác sỹ David Ralph Millard là một kẻ khổng lồ trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều bản cáo phó đăng trên các tạp chí y khoa đã ca ngợi ông là “vị cứu tinh cho trẻ em hở hàm ếch bẩm sinh toàn thế giới” và là “bác sỹ thẩm mỹ giỏi nhất và sáng tạo nhất mà ta có.” Hiệp hội Bác sỹ Thẩm mỹ Hoa Kỳ đã vinh danh Millard trong danh sách mười “Bác sỹ Thẩm mỹ của Thiên niên kỷ.”

Tốt nghiệp Yale và Trường Y khoa Harvard, Millard từng là tập sự sinh của Ngài Harold Gillies, người được công nhận rộng rãi là cha đẻ của phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại. Gillies từng làm bác sỹ quân đội trong Thế chiến I, khi mà những vũ khí mới gây thương tổn cho quân sỹ theo những cách trước giờ không thể tưởng tượng được. Ông đã tái cấu trúc lại những khuôn mặt biến dạng của quân lính bị thương, và trong lúc đó thì trở thành bác sỹ đầu tiên thành công trong việc ghép một chiếc mũi mới lên bệnh nhân – một người lính bị thương tại Trận đánh Ypres. Nhiều năm sau, Millard tập luyện dưới trướng của Gillies trong vòng hai năm tại Anh; hai người trở thành bạn và đồng nghiệp thân thiết.

Năm 1954, Millard được điều đến Hàn Quốc trong vai trò là bác sỹ thẩm mỹ chính của Hải quân Hoa Kỳ. Ông coi việc này như một cơ hội để tạo nên một dấu ấn tương tự như Gillies, người đến lúc đó đã trở thành một nhân vật được ca ngợi trong ngành. Hàn Quốc hậu chiến tranh không thiếu gì bệnh nhân cho Millard, người cho rằng đất nước này là “thiên đường của một bác sỹ thẩm mỹ.” Ông được giao việc phẫu thuật tái cấu trúc cho quân lính bị thương và cho trẻ em bị tật bẩm sinh.

Một ca Millard thường gặp là tật hở hàm ếch. Ông coi dị tật này là hiện tượng môi bình thường bị vặn thành một hình dáng bất thường, và lý luận rằng ông có thể xoay chuyển môi trở lại vị trí đúng, và thế vào chỗ còn thiếu với mô da mặt. Giải pháp của ông là một bước đột phá: giờ đã có thể thực hiện trên trẻ nhỏ tuổi hơn, kỹ thuật của Millard đem lại diện mạo tự nhiên hơn những quy trình giải phẫu trước đó. Một bài báo năm 1964 trên tạp chí Time tường thuật lại phát hiện của Millard với giọng điệu nhuốm màu truyền thuyết: có vẻ như là, ý tưởng này đến với ông trong một giấc mộng ban trưa. Sau khi tỉnh dậy, ông ra khỏi lều và thòng lại theo nghĩa đen một bé trai Hàn Quốc, sắp trở thành người đầu tiên được tiếp nhận quy trình phẫu thuật hở hàm ếch đột phá.

Như ta thấy trong câu chuyện ảo diệu của tờ Time và nhiều bài báo khác viết về ông bác sỹ Hải quân này, Millard đã trở nên nổi tiếng vì phát kiến này. Tuy vậy vắng bóng trong những bài viết này là một công trình đột phá khác của Millard tại Hàn Quốc: phát triển và phổ biến quy trình phẫu thuật mắt hai mí.

Millard lần đầu cân nhắc đến việc thay đổi cặp mắt người trong khi tái cấu trúc lại lông mày cho bệnh nhân bị bỏng. Ông bắt đầu nghiên cứu con mắt một cách kỹ càng, từ hốc mắt đến các nếp gấp, ngẫm nghĩ làm thế nào để biến nó từ “Đông phương đến Tây phương” (Oriental to Occidental)1. Ban đầu ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ tìm được một bệnh nhân đồng ý để ông thử nghiệm, cho đến khi một phiên dịch viên người Hàn tiếp cận ông và yêu cầu được chuyển thành một “mắt tròn,” theo như kể lại từ thời kỳ đó. “Anh ta cảm thấy rằng bởi vì cặp mắt hí của mình mà người Mỹ không thể thấy được ảnh đang nghĩ gì và vì thế không tin tưởng ảnh,” Millard viết lại sau đó, “Vì điều này cũng đúng một phần, nên tôi đã đồng ý làm những gì tôi có thể.”

Khi nghiên cứu về quy trình này, Millard phát hiện ra rằng các bác sỹ tại Nhật Bản, Hồng Kông, và thậm chí là chính Hàn Quốc vốn vẫn đang thực hiện phẫu thuật hai mí vì những lý do cả y khoa lẫn thẩm mỹ. Không tìm được một tài liệu tiếng Anh nào về quy trình này, Millard tự sáng chế ra một quy trình của riêng mình. Ông quyết định sẽ nâng sống mũi và mở rộng cặp mắt để giảm bớt tính “Á châu” của diện mạo anh bệnh nhân. Đầu tiên Millard chuyển sụn vào mũi. Rồi sau đó ông xé mở nếp trong của mí mắt, tháo mỡ nằm phía trên mắt và khâu các nếp gấp da lại, tạo ra một cặp mí kép. Người phiên dịch hài lòng với tác phẩm của Millard, và tường thuật lại là sau ca phẫu thuật, anh ta thường được nhầm là người Ý hay người Mexico.

Millard tiếp tục thay đổi bộ mặt của nhiều người Hàn trong suốt cuộc viếng thăm một năm của mình. Nhiều bệnh nhân của ông là phụ nữ làm việc trong ngành mua bán tình dục, họ chọn nằm dưới mũi dao để có ngoại hình hấp dẫn lính Mỹ hơn. Millard huấn luyện các bác sỹ địa phương để có thể tiếp tục làm việc này sau khi ông rời đi. Đến lúc về lại Hoa Kỳ, ông công bố hai bài viết về quy trình phẫu thuật mắt Á châu của mình: “Oriental Peregrinations” (tạm dịch: Á châu Xuất ngoại) năm 1955 và “The Oriental Eyelid and Its Surgical Revision” (tạm dịch: Mí mắt Á châu và Quy trình Phẫu thuật Sửa đổi) năm 1964.

Cả hai công trình này đều chứa đựng một giọng điệu thiếu nhạy cảm và đôi lúc phân biệt chủng tộc. Millard viết rằng mí mắt đơn Á châu “tạo ra diện mạo của một con mắt vô cảm xúc liếc trộm qua một cái khe hở, một đặc điểm qua đời thật và qua hư cấu đã được gắn liền với bí hiểm và mưu mô.” Sau đó ông kết luận, “người bác sỹ thẩm mỹ có thể được viện đến, nhằm giúp [người Á châu tại ngoại] hòa nhập vào bối cảnh của họ.”

Nhiều sử gia đã trích dẫn Millard và các bài viết của ông như là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ cho ảnh hưởng của phương Tây lên tiêu chuẩn vẻ đẹp hiện đại ở Hàn Quốc. Trong Imperial Citizens (tạm dịch: Công dân Đế quốc), Nadia Y. Kim viết rằng “quân đội Hoa Kỳ và [Millard] đang đóng đinh cảm giác của người Hàn: cảm thấy thấp kém hơn những cơ thể Da trắng của họ.” Trong Asian/American (tạm dịch: Người Á/Người Mỹ), David Palumbo-Liu lập luận rằng công trình của Millard ám chỉ “một khuyết điểm cố hữu trên khuôn mặt Á châu … [điều này] bắt buộc phải thay đổi nếu Đông phương có bất cứ sự tiếp xúc nào với Tây phương.”

Millard viết rằng mí mắt đơn Á châu “tạo ra diện mạo của một con mắt vô cảm xúc liếc trộm qua một cái khe hở, một đặc điểm qua đời thật và qua hư cấu đã được gắn liền với bí hiểm và mưu mô.”

Tuy vậy, mặc câu chuyện của David Ralph Millard, một vài bác sỹ thẩm mỹ và học giả vẫn khẳng định là phẫu thuật hai mí không phải là một quy trình với mục đích nhằm bắt chước nét mặt phương Tây. Trong một tạp chí y khoa năm 1989, các bác sỹ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Los Angeles tuyên bố rằng quy trình này không phải nhằm “Tây hóa con mắt Á châu,” mà đơn thuần nhằm giúp bệnh nhân “có vẻ ngoài hấp dẫn hơn, chiểu theo các tiêu chuẩn thẩm mỹ bấy giờ của nền văn hóa [của chính bệnh nhân].” Giới học giả chỉ ra rằng Millard không phải người đầu tiên thực hiện phẫu thuật hai mí – báo cáo sớm nhất đến từ một bài báo trên tờ Los Angeles Times năm 1895, miêu tả những cuộc phẫu thuật tương tự ở Nhật Bản – nhưng ông đơn giản chỉ trở thành người đã cách mạng hóa và phổ biến nó.

Bối cảnh lịch sử của cuộc viếng thăm của Millard đến Hàn Quốc có lẽ giải thích tốt nhất cho những âm hưởng phương Tây mà quy trình phẫu thuật hai mí mang theo mình. Chiến tranh Triều Tiên chỉ mới vừa đẩy cả quốc gia này tiếp xúc với thế giới phương Tây, thông qua sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ. Sau khi chiến sự kết thúc, người Hàn tìm cách bắt chước nhóm người mà giờ họ gắn với với sự giàu có, quyền lực và ảnh hưởng. Cây bút John DiMoia viết trong Reconstructing Bodies (Tạm dịch: Tái cấu trúc cơ thể), “Quan trọng hơn cả bản thân cuộc phẫu thuật, chính là bối cảnh sau chiến tranh của nó, với sự hỗ trợ y tế (từ phía Hoa Kỳ) thường xuyên được đưa ra làm bằng chứng cho tinh thần giao hảo, tiện thể phớt lờ luôn thế bất đối xứng về sức mạnh nằm ngay trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Hàn Quốc.”

Tại Hàn Quốc, Millard đã để lại một di sản không nằm trong kế hoạch của cả ông lẫn quân đội Mỹ, đặt nền móng để Seoul trở thành thánh địa của phẫu thuật thẩm mỹ toàn cầu. Các phòng khám phục vụ phẫu thuật hai mí sinh sôi nảy nở khắp Hàn Quốc những năm 1960. Đến những năm 1990 thì sự phát triển của ngành công nghiệp này thu hút sự chú ý của các kênh truyền thông phương Tây. Tờ Wall Street Journal và tờ Los Angeles Times cho đăng các bài về những người Hàn quyết định “sang Ăng-lô” – tiếng lóng phổ biến thời đó. Ngày nay, số lượng người Hàn đi phẫu thuật đã đạt đến số lượng vô cùng lớn, và menu các dịch vụ đã mở rộng ngoài cặp mắt Tây phương rất nhiều: bơm hông, cấy mặt, làm trắng da, thậm chí là giảm kích cỡ bắp chân (tiêm Botox để giảm cơ chân).

Khuynh hướng này không phải là không tiềm tàng nguy cơ. Nhu cầu phẫu thuật rất lớn đã tạo cơ hội cho các bác sỹ không bằng cấp hành nghề – với tỷ lệ mà vài nguồn ước lượng là có thể lên tới 80 phần trăm tất cả các bác sỹ thẩm mỹ tại Hàn – với kết quả là những cuộc phẫu thuật hỏng và đôi lúc còn gây chết người. Phẫu thuật V-line là một trong những quy trình mới nhất và nguy hiểm nhất trong phòng mổ. Với mục đích tái định hình và làm thon gọn đường xương hàm, quy trình này bao gồm việc gọt – và thi thoảng đập vỡ – xương hàm để đạt được một cái cằm hình chữ V mỏng manh. Với độ phủ sóng lớn dần của nó, nhiều phụ nữ Hàn Quốc nay bắt đầu nom giống nhau một cách kỳ quái.

Những bệnh nhân vừa mới phẫu thuật có thể bị bắt gặp tản bộ quanh Seoul với khuôn mặt băng bó, hào hứng tán gẫu về những ca phẫu thuật họ định làm tiếp. Chỉ vài năm trước, người đi phẫu thuật đi nghỉ mát để che giấu quá trình phục hồi hậu phẫu. Bây giờ, những miếng băng gạc – và những đường nét được chỉnh sửa đằng sau tấm mặt nạ – đã trở thành một dạng biểu tượng của đẳng cấp.

Trong cuốn sách năm 1986 Principalization of Plastic Surgery (tạm dịch: Quy tắc hóa Phẫu thuật Thẩm mỹ), Millard tổng hợp lại một danh sách các quy tắc mà ông nghĩ mọi bác sỹ cần biết. Quy tắc thứ tám ghi: “Biết Sự Bình thường Đẹp đẽ Lý tưởng” (Know the Ideal Beautiful Normal)2. Một người đồng nghiệp sau này nhớ lại rằng Quy tắc Số Tám được Millard tâm đắc nhất: “Millard, hơn bất kỳ ai thời đại đó, đã có thể đạt được điều này.”

Trong khi đôi mắt hai mí và chiếc cằm V-line trở nên ngày càng phổ biến, phụ nữ và đàn ông Hàn Quốc đang đi theo Quy tắc Số Tám như lời khuyên của Millard. Họ đang đi tìm vẻ đẹp lý tưởng, giờ thì đồng nghĩa với sự bình thường lý tưởng trong xã hội của họ, với cái giá rất lớn – tạo ra một vòng tròn tự lặp lại siêu thực.

Hoặc có thể là, Quy tắc Số Tám tóm gọn lại những vấn đề căn bản của cơn ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ, cả ở Hàn Quốc và những nơi khác nữa: Liệu có tồn tại một “Sự Bình thường Đẹp đẽ Lý tưởng” hay không? Ai hay cái gì đã định nghĩa ra nó? Và những hệ quả của việc theo đuổi nó là gì?


  1. Oriental là một từ chỉ dân cư và những thứ liên quan đến phía Đông của thế giới (nếu đứng từ góc nhìn của phương Tây). Ngày nay từ này hàm ý chỉ vùng Viễn Đông nhiều hơn, và trong một số bối cảnh có thể mang nghĩa hạ thấp. Occidental là từ đối lập, chỉ thế giới phương Tây, và hiện nay không còn được sử dụng phổ biến.

  2. Cụm từ này đối với dịch giả khá đau đầu, vì cụm có tới 3 tính từ, trong đó có Ideal (ít nhất theo cách dùng thông thường) có thể vừa là tính từ vừa là danh từ. Trong bài chọn dịch theo nghĩa là Ideal và Beautiful bổ nghĩa cho Normal.

One thought on “Mắt cắt to – Nguồn gốc Hoa Kỳ của cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ xứ Hàn

  1. Bài viết cung cấp thông tin hữu ích tuy nhiên phần dịch có vài chỗ bị hơi tối nghĩa, một số câu sắp xếp từ phải đọc 2-3 lần mới hiểu ý người dịch. Ví dụ “tạo ra diện mạo của một con mắt vô cảm xúc liếc trộm qua một cái khe hở, một đặc điểm qua đời thật và qua hư cấu đã được gắn liền với bí hiểm và mưu mô”.
    Có vài câu đọc không trôi lắm như ”….với tỷ lệ mà vài nguồn ước lượng là…” nên mình có bị gượng lại vài đoạn khi đang đọc
    Hy vọng các bạn tiếp tục phát huy nhé, các đề tài rất hay

Leave a Reply to kkn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất