a
§ Tác giả: Olivia Solon | Nguồn: Mosaic
Biên dịch: Bích Trâm | Hiệu đính:  Aceae
18/06/2017
Như nhiều bậc phụ huynh, Sandy quan ngại về việc đứa con 18 tháng tuổi của mình dành bao nhiêu thời gian trước màn hình. Cân nhắc dựa trên những căn cứ sẵn có, Olivia Solon giải thích rằng cô ấy có thể đang lo lắng quá mức.

Những ngón tay bé nhỏ của Jessica đảo xung quanh chiếc iPad, lướt qua những bức ảnh đến một đoạn video đặc biệt thú vị: clip dài 12 giây cảnh cô bé nhảy múa một cách vụng về trên nền bài hát Single Ladies cuả Beyoncé. Cô bé 18 tháng chạm vào “chơi” và phát ra một tiếng hét vui sướng.

Sau khi xem đoạn video hai lần, cô bé quay trở lại màn hình chủ và mở ứng dụng YouTube để xem một bộ phim hoạt hình đầy màu sắc Billy Bam Bam. Nửa chừng, cô bé chuyển sang trò chơi Yo Gabba Gabba!, với những trái cây được nhân hóa đi vào bụng một nhân vật hoạt hình.  

Khi Sandy, mẹ của Jessica cố gắng lấy chiếc iPad đi, cô bé ăn vạ: môi run, những giọt nước mắt, bàn tay nắm lại thành nắm đấm và khóc lên the thé. Sandy nói “Con bé như thế này nhiều lần rồi.” “Bé có vẻ thích iPad hơn mọi thứ khác. Thỉnh thoảng tôi chỉ có thể dùng iPad để giữ con bé ngồi yên,” cô thêm vào, cuống cuồng vẫy một con kì lân bông màu hồng, cố gắng xoa dịu con bé.

Như nhiều bậc cha mẹ, Sandy lo lắng về việc con mình bị nghiện màn hình. Cô muốn biết rằng hoạt động nào là tốt nhất, và bao nhiêu thời gian ngồi trước màn hình thì là quá nhiều.

Đã sáu năm kể từ khi iPad ra đời, và cùng với nó là sự hồi sinh của máy tính bảng. Các nghiên cứu khoa học đơn giản chưa thể bắt kịp cơn lốc, điều đó có nghĩa là khó để biết được tác động lâu dài của máy tính bảng và điện thoại thông minh lên những bộ não non nớt.

Một vài chuyên gia quan ngại là những thiết bị này, nếu được sử dụng theo một số cách, có thể thay đổi bộ não của trẻ theo chiều hướng xấu đi – có khả năng là tác động lên khả năng chú ý, điều khiển hệ thần kinh vận động, kĩ năng ngôn ngữ và thị lực của chúng, đặc biệt là những trẻ dưới năm tuổi, độ tuổi có rất nhiều sự phát triển não bộ đang diễn ra.

Năm 2011, một năm sau khi iPad ra đời, các khảo sát cho thấy chỉ khoảng 10 phần trăm trẻ em dưới hai tuổi tại Mỹ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, đến năm 2013 tỷ lệ này đã gấp gần bốn lần.

Các công ty công nghệ và phát triển ứng dụng đang áp dụng khả năng tiếp thị của họ vào vấn đề, đề những cụm như “mang tính giáo dục” và “học tập trực tuyến” trên sản phẩm của họ, mà thường chẳng dựa căn cứ khoa học nào cả. Vậy thì các bậc cha mẹ phải làm gì đây?

Con người vẫn luôn lo sợ trước những phương tiện truyền thông mới. Gần 2.500 năm trước, Socrates đã công khai chỉ trích sự lan truyền của ngôn ngữ viết, cho rằng nó sẽ ăn mòn bộ nhớ và kiến thức. Thế kỉ 15, đến lượt kỹ thuật in ấn mang lại sự hoảng loạn đạo đức. Những tu sĩ Benedictine, hưởng lợi từ việc sao chép tay những tài liệu đọc, phản đối máy in cơ giới, cho rằng: “Họ sao in một cách trơ trẽn, với chi phí không đáng kể, những tài liệu có khả năng, than ôi, kích động cảm xúc của giới trẻ.”

Khi radio xuất hiện, nó cũng bị xem như một mối đe dọa, bị gán cho là khiến lũ trẻ chểnh mảng bài tập về nhà. Một bài báo xuất bản năm 1936 trên tạp chí Gramophone đã kết luận rằng những đứa trẻ đã “phát triển thói quen chia sự chú ý giữa bài tập nhàm chán và sự kích thích hấp dẫn của loa phát thanh.”

Tuy nhiên, ít có công nghệ nào đã xâm nhập cuộc sống của chúng ta – và của con em chúng ta – âm thầm như máy tính di động, phổ biến nhất là điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Những thiết bị đó có kích thước phù hợp để những bàn tay bé nhỏ cầm nắm, và màn hình cảm ứng thật dễ dàng cho những ngón tay bé xíu thao tác. Cộng thêm là có rất nhiều điều bạn có thể làm trên những thiết bị đó: xem phim, chơi điện tử, vẽ tranh, và nói chuyện với những người thân thích ở cách xa hàng ngàn dặm.

Năm 2011, một năm sau khi iPad ra đời, các khảo sát cho thấy chỉ khoảng 10 phần trăm trẻ em dưới hai tuổi tại Mỹ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, đến năm 2013 tỷ lệ này đã gấp gần bốn lần. Một nghiên cứu vào năm 2015 tại Pháp cho thấy 58 phần trăm trẻ em dưới hai tuổi có sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại di động.

Những hậu quả của việc sử dụng các thiết bị như trên trong thời gian dài chưa được làm rõ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (Academy of Pediatrics, hay AAP) đã quyết định cẩn thận là hơn, đưa ra khuyến nghị hoàn toàn không cho trẻ dưới hai tuổi tiếp xúc với màn hình, và hai giờ mỗi ngày là giới hạn cho trẻ lớn hơn. Quy tắc này đơn giản là không đi đôi với số lượng người đang tích hợp các thiết bị vào cuộc sống của con người, mà cũng không phản ánh rằng có những tương tác với màn hình thực ra lại có thể mang lại lợi ích,

Nhờ thiết kế, sự linh hoạt và bề mặt trực quan của mình, máy tính bảng là phương tiện hoàn hảo cho trẻ em tập vẽ, giải câu đố và giải trí trong khi đi lại.

“Nếu con bạn dưới hai tuổi và tiếp xúc với màn hình thì đó cũng không phải điều tệ hại gì cho não: lũ trẻ sẽ không bị biến thành ngốc nghếch,” Micheal Rich, giáo sư Nhi khoa tại Đại học Y Harvard và cũng là một thành viên của AAP cho biết. “Nhưng cũng có những mặt không tốt tiềm ẩn… và cha mẹ cần thực hiện một loạt các phân tích về nguy cơ-lợi ích.” AAP hiện đang trong quá trình sửa đổi những khuyến nghị của mình, và chúng sẽ được xuất bản vào cuối năm 2016.

Vậy tại sao chúng ta không biết nhiều hơn về những nguy cơ của việc trẻ em ngồi trước màn hình? Có một vấn đề cơ bản trong tất cả các nghiên cứu ở lĩnh vực này – chúng ta định nghĩa thế nào là “thời gian (trước) màn hình”?

Đầu tiên, phân biệt giữa các loại màn hình là quan trọng: ý chúng ta khi nói về màn hình) có phải là màn hình tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh hay một thiết bị đọc sách trực tuyến? Thứ hai, loại hoạt động cũng có vai trò: một trò chơi đồ họa tương tác, một cuốn sách trực tuyến, môt cuộc gọi Skype với bà ngoai, hoặc một chuỗi những đoạn phim Netflix Kids? Thứ ba, bối cảnh: có một người chăm sóc ở trong phòng trò chuyện cùng trẻ trong khi chúng tương tác với màn hình, hay là chúng ở một mình?

Cho đến nay, chúng ta có được các nghiên cứu toàn diện về trẻ em và tivi, nhưng ta vẫn chưa biết trong số chúng có bao nhiêu phần có thể áp dụng được cho các loại màn hình tương tác như máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Có một vài điều chúng ta biết. Hầu hết các chuyên gia về phát triển ở trẻ nhỏ đều đồng ý rằng, thời gian tiếp xúc thụ động với màn hình – ví dụ là đặt trẻ trước một thiết bị đang chiếu Tây Du Ký – thì có tính giải trí, nhưng nó sẽ không đem lại một trải nghiệm học tập giá trị. Trong trường hợp này, chẳng có gì khác biệt giữa việc lũ trẻ xem TV hay máy tính bảng: trải nghiệm gần như là giống nhau.

Bật một đoạn video hay TV khi một đứa trẻ đang làm gì khác có thể khiến chúng xao nhãng việc chơi và học, tác động xấu đến sự phát triển của chúng. Hàng giờ trước màn hình TV cũng có thể làm giảm sự tương tác giữa cha mẹ và trẻ, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển ngôn ngữ. Sự thay thế này là một mối lo ngại lớn: nếu những đứa trẻ bị phó mặc cho màn hình mà không được tương tác với cha mẹ hay thầy cô và thế giới vật lý. Chỉ có nhiêu đó giờ trong một ngày, và thời gian dành cho màn hình thì không thể dành cho các hoạt động có khả năng là tốt hơn khác.

Đặc biệt, trẻ em dưới ba tuổi cần tham gia vào các hoạt động một cách cân bằng, bao gồm vui chơi được chỉ dẫn, khám phá môi trường tự nhiên, các đồ chơi vận dụng vật lý và giao lưu với các trẻ khác và người lớn. Gia tăng việc sử dụng màn hình đồng nghĩa với việc tất cả hoạt động này giảm đi. “Các bậc cha mẹ cần suy nghĩ một cách chiến lược,” theo lời bác sĩ nhi khoa Dimitri Christakis, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe, Hành vi và Phát triển Trẻ em tại Viện Nghiên cứu Nhi khoa Seattle. “Nếu con bạn có 12 giờ tỉnh táo và hai trong số đó dành để ăn, khoảng thời gian còn lại bạn sẽ phân chia như thế nào?”

Điều gì sẽ xảy ra với bộ não của loài gặm nhấm, khi chúng bị kích thích quá mức bởi phương tiện truyền thông trong một khoảng thời gian quan trọng cho sự phát triển của chúng.

Vấn đề là máy tính bảng hết sức lôi cuốn lũ trẻ và cả người lớn. Nhờ thiết kế, sự linh hoạt và bề mặt trực quan của mình, máy tính bảng là phương tiện hoàn hảo cho trẻ em tập vẽ, giải câu đố và giải trí trong khi đi lại. Kết hợp điều đó, cùng những nỗ lực trong tiếp thị của các công ty thiết bị số và phát triển ứng dụng – với họ thì thước đo của thành công là thời gian mọi người dán mắt vào sản phẩm của mình – và bạn có một món đồ chơi rất khó giằng khỏi những đôi tay bé nhỏ.

Nhiều ứng dụng được thiết kế theo định hướng kích thích, với những phần thưởng nghe nhìn cho những nhiệm vụ phức tạp. Christakis gọi vấn đề này là phản ứng “Qua bàn rồi!” kích hoạt con đường khen thưởng trong não. “Sự vui thích của một đứa trẻ khi chạm vào màn hình và khiến một điều gì đó xảy ra, vừa có ý nghĩa và vừa có khả năng gây nghiện,” ông cho hay.

Do đó, máy tính bảng và điện thoại thông minh trở thành công cụ dỗ dành xuất sắc, đặc biệt trong những chuyến đi dài trên máy bay và trong nhà hàng. Christakis cho rằng: “Thiết bị này được xem như một nguồn tiêu khiển thoải mái và các bậc phụ huynh tận dụng điều đó.”

“Nó khá phổ biến,” Jenny Radesky, Trợ lý Giáo sư Nhi khoa tại Đại học Michigan nói. “Nó trở thành công cụ tốt nhất, đơn giản nhất để cha mẹ sử dụng.” Mặc dù hiệu quả trong thời gian ngắn, việc trẻ phát triển các cơ chế quản lý bản thân nội bộ vẫn quan trọng, cho dù là được thực hiện bằng cách nào, ngồi học không kèm các phần thưởng liên tục, hoặc ngồi một cách kiên nhẫn mà không có kích thích kĩ thuật số.

Christakis kể lại rằng ông và những người khác bắt đầu thấy những bệnh nhân trẻ hơn sử dụng các thiết bị này một cách vô thức. “Chúng ta biết đến vấn đề sử dụng Internet khó kiểm soát ở những trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, và nếu điều này xảy ra với trẻ sơ sinh thì cũng hợp lý,” ông cho biết. Và ông hiện đang tiến hành nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Tại Trung tâm Nghiên cứu Não Tổng hợp tại Seattle, một nhóm chuột con màu hồng bé xíu ngọ nguậy đằng sau chuột mẹ. Ngôi nhà của lũ chuột là một chiếc thùng bằng nhựa trong chứa đầy mùn cưa, một trong cả trăm chiếc xếp chồng lên nhau trong một hệ thống kệ xoay. Đây là những con chuột “đối chứng”1 được sử dụng bởi Christakis và nhà thần kinh học Nino Ramirez, cùng nhóm của họ, với cố gắng hiểu được tác động của não bộ trẻ khi tiếp xúc với thiết bị có nhịp độ nhanh.

Ở bên kia hành lang, một thí nghiệm đang được thực hiện. Một hộp chứa chuột được bao quanh bởi đèn sáng và loa. Trong 42 ngày, sáu giờ mỗi ngày, chuột con được tiếp xúc với nhạc nền  Cartoon Network, hiển thị cùng với các đèn màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây nhấp nháy đồng bộ. Thiết bị này được thiết kế để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với bộ não của loài gặm nhấm, khi chúng bị kích thích quá mức bởi phương tiện truyền thông trong một khoảng thời gian quan trọng cho sự phát triển của chúng.

Dữ liệu không bị giới hạn, các đoạn video không bao giờ hết và các trò chơi tương tác hào nhoáng – có thể là nguyên nhân gây ra mất cân bằng ở phần vỏ não

Kết quả thật giật mình. “Kích thích chúng quá mức chúng trong khi còn là trẻ sơ sinh, tạo điều kiện để chúng trở nên vô cùng hiếu động (hyperactive) trong suốt quãng đời còn lại,” Ramirez cho biết. Những con chuột bị kích thích chấp nhận nhiều rủi ro, cũng như cảm thấy khó học hỏi và chú tâm hơn. Chúng bị lẫn lộn bởi các vật thể chúng từng nhìn thấy trước đó, và khó khăn hơn trong việc tìm đường qua một mê cung. Khi được cung cấp cocaine, những con chuột bị kích thích dễ nghiện hơn so với nhóm kiếm soát. Những thay đổi hành vi này cũng được khớp với những thay đổi trong bộ não của lũ chuột.

Giả thuyết được đặt ra là điều này cũng áp dụng tương tự cho trẻ em: kích thích trẻ em bằng các phương tiện truyền thông – đặc biệt ở thời đại máy tính bảng với dữ liệu không bị giới hạn, các đoạn video không bao giờ hết và các trò chơi tương tác hào nhoáng – có thể là nguyên nhân gây ra mất cân bằng ở phần vỏ não được gọi là hạch cơ sở. Đó là phần của não bộ giúp chúng ta chú ý đến các nhiệm vụ quan trọng và bỏ qua những thứ làm xao nhãng. Sự kích thích quá mức như vậy có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống sau này, đặc biệt là sự tập trung, trí nhớ, và tính bốc đồng.

“Có vẻ là bạn có thể kích thích não bộ của trẻ đến mức mà cuộc sống hằng ngày sẽ không thể kích thích đến mức độ tương tự,” Ramirez cho biết.

Trước khi chúng ta đồng loạt lo sợ về một thế hệ quá hiếu động, thiếu sự chú ý, và nghiện cocaine, điều quan trọng cần lưu ý là những thí nghiệm này đã bị sự chỉ trích vì một số lý do. Sáu giờ hoạt động mỗi ngày, dù là gì đi chăng nữa, là một khoảng thời gian khổng lồ, đặc biệt là ở động vật có vú hoạt động về đêm như chuột (mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng các con chuột không hề có dấu hiệu căng thẳng). Hơn nữa, Christakis, Ramirez và các đồng nghiệp không thực sự cho những con chuột tiếp xúc với màn hình thật với nội dung có ý nghĩa – đó chỉ là một vật phát sáng thay thế cho màn hình.

Nghiên cứu trên loài gặm nhấm được thực hiện tại Seattle là nghiên cứu duy nhất có quy mô và cách tiếp cận này, điều này giải thích tại sao nó thường được sử dụng làm bằng chứng về tác hại của thời gian trước màn hình. Mặc dù sử dụng chuột làm vật thí nghiệm mẫu không phải là hoàn hảo, chúng lại hữu ích cho việc nghiên cứu các cơ chế bên trong, liên quan đến những quá trình nhận thức cơ bản, vốn không thay đổi quá nhiều giữa các loài động vật có vú.

Bởi chuột có tuổi thọ tương đối ngắn, ta có thể quan sát vòng đời phát triển trong khoảng thời gian ngắn hơn và ghi nhận được nhiều điều đang diễn ra bên trong bộ não của chúng ta. Tất cả điều này có thể được thực hiện trong môi trường được kiểm soát, đơn giản là sẽ không thể thực hiện trên đối tượng con người.

Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình siêu nét có thể gây trở ngại cho nhịp điệu tự nhiên của cơ thể bạn

Như được gợi ý, nếu phát triển nhận thức bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông, thì các nghiên cứu theo hướng này có thể cho ta thông tin về các loại hình tương tác dựa trên màn hình mà chúng ta cho phép trẻ sử dụng. Cha mẹ có cần quan tâm không? “Họ cần phải cảnh giác và cẩn thận về khoảng thời gian và những nội dung mà con cái họ có thể tiếp cận,” Christakis nói.

Mặc dù khó thực hiện những thí nghiệm được kiểm soát ở trẻ sơ sinh, ta có thể quan sát những điều xảy ra với trẻ “trong hoàn cảnh tự nhiên.” Từ đó, chúng ta có thể nhận ra những liên kết tới thói quen với các thiết bị di động…

Tại California, Maria Liu đứng đầu Khoa Kiểm soát Cận thị tại Trường Thị giác UC Berkeley. Cô đã nhận thấy số trẻ nhỏ bị cận thị tăng lên đáng kể. “Con số này đang gia tăng ở mức đáng báo động trên toàn thế giới và một phần nguyên nhân được chấp nhận rộng rãi là việc trẻ em sớm sử dụng các thiết bị cầm tay.”

Trong những năm đầu, nhãn cầu của chúng ta có tính thích nghi cao và rất mềm dẻo, vì vậy việc dành nhiều thời gian tập trung vào những vật thể ở cự li gần sẽ gây nhiều khả năng cận thị. “Nhãn cầu sẽ dài hơn để bù lại tình trạng căng thẳng kéo dài,” Liu cho biết. Cô không có bất kì lời khuyên nào về việc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, nhưng cô cũng cho biết việc “thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi khi nhìn gần” là rất quan trọng.

Máy tính bảng và điện thoại thông minh thường gần mắt hơn các thiết bị như tivi hay máy tính để bàn. Mặc dù sách cũng được đọc gần, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em giữ chúng ở xa hơn so với màn hình.

Một khía cạnh khác là màn hình gây gián đoạn giấc ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình siêu nét có thể gây trở ngại cho nhịp điệu tự nhiên của cơ thể bạn, ức chế sản sinh melatonin, một hormone ngủ quan trọng. Điều này dần dần có thể dẫn đến suy giảm giấc ngủ ở cả người lớn và trẻ em. Sandy cho biết, nếu Jessica sử dụng máy tính bảng trước khi đi ngủ, cô bé sẽ “hiếu động hơn bình thường.” Vì vậy họ cố gắng dùng sách thay thế, cô nói. Vấn đề này chính là lý do khiến trong phiên bản mới nhất của phần mềm Apple cho iPad và iPhone xuất hiện chế độ “Night Shift,” tự động hoán đổi ánh sáng xanh thành một màu ấm hơn trước khi đi ngủ.

Tại London, Max, một đứa bé 12 tháng tuổi, đang ngồi trong lòng mẹ Helen trong một căn phòng nhỏ và tối. Trên đầu cậu bé là một chiếc mũ cao su đầy những điện cực. Chúng đang đo hoạt động điện trong não cậu bé khi nhìn các vật thể vật lý và các hình ảnh kĩ thuật số (của các vật thể đó) trên màn hình iPad. Trên mỗi mắt cá chân của Max là một dạng đồng hồ thông minh, đo chuyển động của cậu bé và nhịp tim. Chiếc mũ sử dụng điện não đồ (EEG) để ghi lại hoạt động điện của não, để hiểu liệu các vật thể thật và ảo có kích thích phản ứng não khác nhau hay không, và có liên quan đến việc học hỏi sau này như thế nào.

Thí nghiệm này là một phần trong dự án TABLET ở Babylab tại Birkbeck, Đại học London. Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên nghiên cứu về việc trẻ từ sáu tháng đến ba tuổi sử dụng các thiết bị có màn hình cảm ứng như thế nào, và điều này ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển nhận thức, não bộ và xã hội của các em.

Trẻ em luôn luôn học hỏi tốt hơn từ những người khác, nhưng chúng ta không phải lúc nào có thời gian

Trong thí nghiệm thứ hai, Max ngồi trong một căn buồng đối diện với một màn hình chiếu đoạn phim lặp đi lặp lại trong 15 phút, gồm các hình động và âm thanh trừu tượng, cũng như hình ảnh tĩnh và đoạn phim với các học viên Tiến sĩ đóng giả người dẫn chương trình truyền hình thiếu nhi. Cậu bé hoàn toàn mê mẩn, và đôi mắt thì nhìn từ vật này sang vật khác trên màn hình. Các máy quay theo dõi mắt bắt được những bước nhảy trong ánh nhìn của cậu bé, và bên ngoài, nhà nghiên cứu Celeste Chung theo dõi cách các cử động của mắt cậu bé khớp với các vật trên màn hình.

“Tất cả những điều trẻ đang là là nhìn vào màn hình, nhưng hành vi nhìn của chúng cho chúng ta biết nhiều điều về việc học hỏi và sự mong đợi của chúng,” Tim Smith, nhà khoa học nhận thức, người đứng đầu Babylab cho biết.

Nhóm nghiên cứu đang cố gắng hiểu cách mà Max và rất nhiều trẻ em khác như Max dễ dàng tập trung chú ý và phớt lờ những phiền nhiễu khi làm một công việc cụ thể. Trong một bài kiểm tra, một vật thể xuất hiện ở trung tâm màn hình, sau đó, một vật thể thứ hai xuất hiện, gần cạnh màn hình. Để nhìn vào vật thể thứ hai, đứa trẻ cần tách rời khỏi vật thể ở trung tâm, điều này đòi hỏi sự tự chủ. Đây là một thước đo rất quan trọng về chức năng điều khiển của não, “hệ thống kiểm soát không lưu” giúp trẻ phân tích nhiệm vụ, chia thành từng bước và tập trung cho đến khi chúng được thực hiện – một chỉ số quan trọng về thành công trong cuộc sống sau này.

Cũng giống như Christakis, Smith muốn tìm hiểu xem mối liên kết giữa việc học tập có thưởng trong nhiều ứng dụng và khả năng tập trung của một đứa trẻ có thực sự tồn tại hay không. “Chúng ta có thể phát hiện ra là, nếu máy tính bảng đang được sử dụng cho việc học tập đi kèm với phần thưởng (reward learning), và lũ trẻ bị thúc đẩy bởi một kích thích từ bên ngoài, thì  khả năng điều hành não của chúng có thể sẽ bị suy giảm, bởi chúng không quen với việc kiểm soát sự chú ý của chính mình,” ông cho biết.

Smith không hoàn toàn bị thuyết phục bởi mô hình chuột được Christakis và Ramirez sử dụng ở Seattle, mặc dù ông đồng ý rằng sáu giờ kích thích truyền thông mỗi ngày có thể phản ánh môi trường tại nhà của một số lượng nhỏ các trẻ, có nhiều loại thiết bị và tivi, có thể góp phần dẫn đến quá tải giác quan. “Một vài bậc cha mẹ trong nghiên cứu có báo cáo về thời lượng sử dụng máy tính bảng mỗi ngày là ba giờ [cho con của họ],” Smith nói. “Đó là một tỉ lệ thời gian lớn trong ngày để sử dụng một cái màn hình không đi theo các quy luật của thực tế vật lý.”

Đối với những ảnh hưởng lên phát triển ngôn ngữ và vận động, ông đưa ra giả thuyết rằng có thể có sự thay thế xảy ra. “Công nghệ có thể được sử dụng như là một bảo mẫu thay vì học tập trực tiếp. Trẻ em luôn luôn học hỏi tốt hơn từ những người khác, nhưng chúng ta không phải lúc nào có thời gian.” Các thiết bị giống như iPad có thể mang lại nhiều sự kích thích, nhưng lại thiếu đi những phản hồi tinh tế trong trong thời gian thực giúp phát triển ngôn ngữ, Smith cho hay. Tương tự, máy tính bảng và điện thoại có thể khiến trẻ khéo léo trong việc điều khiển vận động với tất cả động tác chạm và lướt, nhưng trẻ có thể có ít động lực đứng dậy và khám phá thế giới xung quanh chúng.

Sau gần một giờ đánh giá, sự kiên nhẫn của Max đối với việc chạm màn hình, theo dõi mắt, kiểm soát trí não bắt đầu giảm dần. Cậu bé bắt đầu lẩm bẩm, lắc lư và vuốt ve chiếc mũ EEG. Những động tác này làm nhiễu dữ liệu hoạt động não. “Đây là một thử thách thú vị đối với trẻ sơ sinh,” Smith cho biết. “Chúng hoàn toàn không làm theo những hướng dẫn.”

Còn về tiềm năng giáo dục của các thiết bị? Có hàng ngàn ứng dụng, sách điện tử và những đoạn phim được quảng cáo là có ý nghĩa giáo dục cho trẻ em, nhưng rất ít có thể xác nhận những tuyên bố này với các nghiên cứu vững chắc.

Michael Levine, Giám đốc điều hành Trung tâm Joan Ganz Cooney ở New York đã phân tích hàng trăm ứng dụng học chữ cho trẻ em trong một loạt các báo cáo, nói “Thị trường ứng dụng là một vùng viễn Tây kỹ thuật số hoang dã.” “Hầu hết các ứng dụng được gắn nhãn giáo dục đều không cung cấp khuyến nghị hoặc hướng dẫn dựa trên nghiên cứu… Ít hơn 10 phần trăm các ứng dụng chúng tôi đã xem xét có bằng chứng về hiệu quả của chúng [trong mô tả trên cửa hàng ứng dụng].”

Vô tình, một số “cải tiến” tương tác cho các câu chuyện (như hình động, âm thanh và các tính năng cho phép trẻ chạm và vuốt) có thể làm giảm giá trị giáo dục tổng thể. Mặc dù những cải tiến đó có vẻ thu hút trẻ em, nhưng thực tế chúng lại có thể khiến trẻ phân tâm khỏi nội dung giáo dục.

Các thiết bị như máy tính bảng và điện thoại thông minh có thể gây ảnh hưởng nhiều nhất trong các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Ý tưởng này đã được kiểm nghiệm bởi Adriana Bus và các đồng nghiệp, tại Đại học Leiden, Hà Lan; họ theo dõi đôi mắt của trẻ trong khi các em đọc sách điện tử tương tác. Họ nhận thấy rằng khi có những phần hoạt hình không liên quan trực tiếp đến câu chuyện kể – ví dụ như những cái cây chuyển động trong gió – đôi mắt đứa trẻ bị chuyển hướng đến các điểm chuyển động chứ không phải câu chuyện. Mặt khác, các hình ảnh động có liên quan đến câu chuyện có thể có ích, đặc biệt đối với trẻ gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu ngôn ngữ.

Ngay cả khi các ứng dụng thực sự có giá trị giáo dục, trẻ trong độ 1-2 tuổi vẫn học hỏi từ thế giới thật tốt hơn so với các biểu tượng hai chiều tương đương trên màn hình. Các nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng, khi giải quyết các vấn đề về không gian thị giác, chẳng hạn như tìm kiếm vật bị giấu hoặc là giải câu đố, trẻ dưới 30 tháng tuổi giải quyết tốt hơn khi những vấn đề được thể hiện trong không gian thực hơn là trên màn hình.

“Người ta cho rằng việc truyền tải thông tin từ hai chiều… sang ba chiều… là một nhiệm vụ nhận thức quá lớn đối với trẻ em dưới 30 tháng tuổi,” Jenny Radesky và đồng nghiệp Barry Zuckerman viết. Các bé còn nhỏ vẫn đang phát triển khả năng lựa chọn thông tin nào để chú ý và thông tin nào để lờ đi, và chúng gặp rắc rối khi khái quát hóa từ các biểu tượng tượng trưng đến thế giới thực.

Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo cần tương tác với các vật thể thực để phát triển vỏ não thái dương (parietal cortex), phần điều khiển việc xử lý không gian-hình ảnh và phát triển các kĩ năng về toán và khoa học trong cuộc sống về sau. Để giải quyết vấn đề này, một số nhà phát triển ứng dụng đang giới thiệu thêm những đồ chơi đồng hành có thể được thao tác bằng tay bên cạnh các ứng dụng.

Điều mà chúng ta chưa hoàn toàn hiểu là giá trị của yếu tố chạm vào màn hình tương tác là bao nhiêu, việc đòi hỏi sự kết nối giữa mắt, ngón tay, và não, điều quan sát thụ động không có. Liệu việc thao tác một đối tượng trên màn hình có giúp tăng cường quá trình học tập và làm cho việc chuyển giao tri thức vào thế giới vật lý dễ dàng hơn? Và liệu việc hiểu được cơ chế này có giúp chúng ta phát triển các công cụ học tập kĩ thuật số tốt hơn?

Không bàn tới cảm xúc của chúng ta về máy tính bảng và điện thoại thông minh, các thiết bị này sẽ không đi đâu cả. Vậy làm thế nào để chúng ta có được nhiều lợi ích nhất từ chúng? Nhờ vào khoảng 100 năm nghiên cứu về cách trẻ em học hỏi, chúng ta có thể đưa ra phỏng đoán có cơ sở về loại tương tác nào, trong hoàn cảnh nào là tốt nhất.

Các thiết bị như máy tính bảng và điện thoại thông minh có thể gây ảnh hưởng nhiều nhất trong các hộ gia đình có thu nhập thấp. Những hộ gia đình này có xu hướng ít được tiếp cận với các hoạt động phát triển hơn – như học nhạc, học thêm, hay đơn giản chỉ là giao tiếp xã hội – và do đó dành nhiều thời gian hơn cho các phương tiện kĩ thuật số. Với điều kiện là nội dung có chất lượng cao, máy tính bảng và điện thoại thông minh có thể có tác động lớn.

Ví dụ, một nghiên cứu từ Đại học Stanford ở Hoa Kỳ cho thấy rằng, cho đến 18 tháng tuổi, trẻ sơ sinh từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn chậm hơn vài tháng về trình độ ngôn ngữ so với trẻ từ những gia đình khá hơn. Với nội dung và bối cảnh phù hợp, các thiết bị số có thể thu hẹp khoảng cách này.

“Nói không với công nghệ thì có chút không thực tế và bất công bằng,” Levine cho biết. “Tôi lo lắng rằng có người đang dè bỉu người khác, bởi họ không có thời gian và nguồn lực mà các gia đình khác có thể có.”

“Không có cách nào để chúng ta cải thiện hiệu suất giáo dục trẻ nhỏ mà không sử dụng công nghệ.”

Thay vì cấm các thiết bị, chúng ta nên đòi hỏi các ứng dụng tốt hơn, được xây dựng trên các nghiên cứu có cơ sở. Đối với trẻ em từ ba đến năm tuổi, hoàn toàn có thể có một ứng dụng được thiết kế tốt, giúp cải thiện từ vựng và kĩ năng toán học cơ bản. “Đứa út nhà tôi chậm nói, và những đoạn phim cháu theo dõi đã giúp cháu học được các từ mới,” Lisa, người mẹ có hai đứa con, một bốn tuổi, một sáu tuổi đã sử dụng công nghệ di động từ khi 18 tháng tuổi cho biết.

Thời lượng mà cha mẹ chơi và nói chuyện với con là một cách dự đoán tốt về cách trẻ sẽ phát triển như thế nào

Tất cả các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia về phát triển và giáo dục trẻ em mà tôi đã trao đổi đều đồng ý rằng, đối với trẻ em dưới 30 tháng tuổi, không gì thay thế được tương tác con người. Vậy tại sao không phát triển các ứng dụng đóng vai trò trung gian giữa trẻ sơ sinh và người chăm sóc? BedTime Math là một ví dụ. Ứng dụng mang đến những câu chuyện về toán học thú vị cho cha mẹ và con cái. Đây là một trong số ít công cụ đã được chứng thực là làm cho trẻ thông minh hơn; trẻ em sử dụng ứng dụng này,  dù chỉ một lần mỗi tuần trong một năm, đã cải thiện được khả năng toán học nhiều hơn so với một nhóm kiểm soát. Ảnh hưởng này đặc biệt mạnh mẽ đối với trẻ em có cha mẹ không rành về toán cho lắm.

Với sự tập trung quá nhiều vào trẻ, cha mẹ rất dễ dàng quên đi việc bản thân mình sử dụng màn hình. “Công nghệ được thiết kế để thực sự thu hút bạn,” Radesky cho biết, “và các sản phẩm kĩ thuật số tối đa. Ta khó lòng mà tách khỏi nó, và điều này dẫn đến nhiều rạn nứt trong thói quen của gia đình.”

Một phương pháp đã được chứng minh là hỗ trợ trẻ dưới ba tuổi học tập tốt hơn là xây dựng các “công cụ nhắc nhở” hướng đến cha mẹ. Đây có thể là tin nhắn văn bản hoặc thư điện tử nhắc nhở cha mẹ hát hoặc nói chuyện với con cái mình, để giúp cha mẹ và trẻ em thoát khỏi công nghệ và áp dụng việc học vào thế giới thật. Nhà sản xuất máy tính bảng cho trẻ em LeapFrog tiến hành điều tương tự trên các thiết bị LeapPad. Cha mẹ nhận email về những điều con họ đã học được từ màn hình cảm ứng, cùng với những ý tưởng để có thể áp dụng kiến thức mới này bên ngoài màn hình.

“Mức độ cha mẹ gắn liền với những thiết bị này và gián đoạn tương tác với đứa trẻ có khả năng gây ảnh hưởng hơn nhiều,” Heather Kirkorian, người đứng đầu Phòng nghiên cứu Phát triển nhận thức và Truyền thông tại Đại học Wisconsin-Madison cho biết. “Nếu tôi đang chơi với một đứa trẻ, nhưng cứ năm phút tôi lại kiểm tra điện thoại một lần, thông điệp ở đây là gì?” Thời lượng mà cha mẹ chơi và nói chuyện với con là một cách dự đoán tốt về cách trẻ sẽ phát triển như thế nào, cô nói thêm.

Radesky đã nghiên cứu việc sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng vào giờ ăn bằng cách tiến hành một bài kiểm tra về thực phẩm cho các cặp mẹ-con. Cô phát hiện ra rằng các bà mẹ sử dụng thiết bị trong bài kiểm tra ít hơn 20 phần trăm bằng lời và 39 phần trăm ít sự tương tác không lời với lũ trẻ. Trong một lần quan sát riêng biệt 55 người chăm sóc ăn uống cho một đứa trẻ hoặc hơn, cô thấy rằng điện thoại đã trở thành một nguồn của sự căng thẳng trong gia đình. Cha mẹ sẽ nhìn vào hòm thư của mình trong khi lũ trẻ trở nên phấn khích trong nỗ lực thu hút sự chú ý từ mẹ.

“Bạn sẽ nhìn thấy các bậc cha mẹ không chú ý và lên giọng, bởi bạn sẽ cực kì khó chịu khi đang tập trung vào một điều gì đó mà có một đứa trẻ cố gắng thu hút sự chú ý của mình,” cô giải thích, thêm vào đó là một số bậc cha mẹ có thể làm những việc như là gạt tay trẻ ra. Hạn chế việc sử dụng các thiết bị vào những thời điểm quan trọng của gia đình như trong bữa ăn hay trước khi đi ngủ có thể giúp hạn chế xích mích và khuyến khích những cuộc trò chuyện đối mặt.

“Trẻ sơ sinh có sợi dây liên kết nhìn gương mặt của cha mẹ để cố gắng hiểu về thế giới của họ, và nếu những gương mặt đó vô hồn và không hề có sự phản hồi – như khi bị thu hút bởi một thiết bị nào đấy – điều đó có thể khiến trẻ vô cùng bối rối. Radesky trích dẫn “cuộc thử nghiệm gương mặt vẫn tiếp diễn”, được lên kế hoạch bởi nhà tâm lý học phát triển Ed Tronick vào những năm 1970. Theo đó, một người mẹ được yêu cầu tương tác với con mình theo cách bình thường trước khi đưa ra một biểu hiện vô hồn và không hề có bất kì phản hồi xã hội trực quan nào. Như đoạn phim cho thấy, đứa bé càng trở nên buồn bã khi mà cố bé cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ mình.

“Cha mẹ không cần phải có mặt mọi lúc mọi nơi, nhưng cần có sự cân bằng, và bố mẹ cần nhạy bén và phản hồi với những biểu hiện bằng lời nói hoặc không lời của trẻ về nhu cầu cảm xúc,” Radesky cho biết.

Mặc dù chúng ta vẫn trong những bước đầu tìm hiểu về tác động mà điện thoại di động đối với trẻ em, lời khuyên chính từ các chuyên gia về trẻ em mà tôi đã nhắc đến là đảm bảo việc sử dụng các thiết bị chỉ là một phần trong một thực đơn hoạt động phong phú, đặc biệt là với trẻ em dưới ba tuổi, độ tuổi mà dường như khó học hỏi từ những loại màn hình.

Chỉ bởi vì một đứa trẻ không học hỏi được từ màn hình thì không có nghĩa là màn hình không có giá trị

Những trải nghiệm tương tác, sáng tạo với màn hình cảm ứng nên được ưu tiên hơn so với xem truyền hình một cách thụ động. Các bậc phụ huynh nên thận trọng với những dòng quảng cáo về tính giáo dục từ các nhà phát triển ứng dụng.

Nếu có thể, thiết bị thông minh nên được sử dụng như một công cụ để tăng cường tương tác với trẻ, cho dù với tư cách là bệ phóng cho thảo luận (“con bò làm gì ở đó?” “Con vịt làm gì thế kia?”) hoặc như một cách truyền cảm hứng cho các cuộc hội thoại mang tính giáo dục xảy ra xuyên suốt, BedTime Math dường như làm được điều này.

Thí nghiệm của Tronick không liên quan đến màn hình, nhưng một số nhà nghiên cứu đã trích dẫn nó như một bằng chứng cho thấy rằng cha mẹ không nên bị phân tâm bởi điện thoại khi đang ở cùng con của mình. Điều này đúng ở một mức độ nào đó, nhưng chính Tronick cũng không nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nó. “Tất cả đều hơi phóng đại,’ ông nói, nói thêm là hầu hết trẻ em tham gia vào nhiều hoạt động không liên quan đến màn hình mỗi ngày.

Ông lo ngại rằng những lo lắng về việc sử dụng màn hình ở trẻ được sinh ra từ một “hệ tư tưởng áp bức, đòi hỏi rằng cha mẹ lúc nào cũng nên tương tác với các con.”

“Nó dựa trên một hệ tư tưởng phần nào xa vời, rất điển hình ở người da trắng và tầng lớp trung lưu – những bà mẹ hổ (tiger moms) và các bậc phụ huynh (kèm cặp con như) máy bay trực thăng (helicopter parents) – nói rằng nếu bạn không nói chuyện với con đến 30.000 từ, thì tức là bạn đang bỏ rơi chúng.” Tronick tin rằng, chỉ bởi vì một đứa trẻ không học hỏi được từ màn hình thì không có nghĩa là màn hình không có giá trị – đặc biệt nếu nó cho cha mẹ thời gian để tắm, làm một số việc nhà, hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi.

“Nhiều cha mẹ, đặc biệt là các ông bố bà mẹ có thu nhập thấp, rất căng thẳng và lo lắng rằng họ không hề nhận được sự hỗ trợ họ cần và cảm thấy rằng việc nuôi dạy con cái thực sự rất cô đơn. Đó là những vấn đề lớn.” Ông cho biết.

Cha mẹ có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ việc sử dụng các thiết bị của mình để trò chuyện với bạn bè hoặc giải quyết công việc. Điều này có thể khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn, cho phép họ có nhiều thời gian dành cho con hơn. Đối với Sandy, điều này nghe khá dễ chịu. “Đôi khi tôi hết cách rồi,” cô nói, thêm vào đó cô không cần cảm thấy có lỗi vì đã cho con chơi iPad để có một “khoảng thời gian cho bản thân mình.” Với một số bậc cha mẹ, việc sử dụng màn hình là một điều gì đó rất cấm kỵ và đáng khinh, cô nói.

“Là một người mẹ, tôi đã đặt đứa con 18 tháng tuổi của tôi trước một đoạn video dành cho trẻ trên HBO,” Radesky nói. “Em bé ngoan và không quấy và tôi có thể rửa bát đĩa hoặc làm một điều gì đó cho bản thân. Đó là việc có ích, nhưng cha mẹ cần phải rất thành thật về. Đoạn phim không có giá trị giáo dục gì cho đứa con 18 tháng của tôi. Nó chỉ là giờ nghỉ giải lao cho tôi với tư cách là bậc cha mẹ.”


  1. Nghiên cứu sử dụng hai nhóm đối tượng: nhóm phơi nhiễm (nhóm tiếp xúc với yếu tố nguy cơ) và nhóm chứng (không tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, được sử dụng làm đối chứng). Nghiên cứu này được tiến hành mới mục đích xác định yếu tố nguy cơ/phơi nhiễm có thực sự là nguyên nhân gây bệnh/biểu hiện bất thường hay không.

One thought on “Smartphone và trẻ em: hại hay lợi?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất