Đầu năm 2021, người dân trên toàn thế giới đã tổ chức một trong những nghi lễ lớn nhất của nhân loại. Để kỷ niệm một năm đã qua, loài người có các hoạt động mừng Năm mới truyền thống như bắn pháo hoa, hôn và lập cam kết năm mới1 – cũng như các thực hành đặc trưng riêng theo từng nền văn hóa, chẳng hạn như nấu đậu mắt đen và rau xanh ở miền đông nam Hoa Kỳ, ăn một quả nho vào mỗi khi đồng hồ điểm 0 giờ đêm ở Tây Ban Nha, hoặc đốt hình nộm đại diện cho năm cũ ở Trung và Nam Mỹ.
Tất cả các nền văn hóa của con người đều có nghi thức riêng – thường là những hành vi mang tính biểu tượng, lặp đi lặp lại mà chúng ta làm có chủ ý, mặc dù chúng thường không thể giải thích được. Những nghi thức này có thể củng cố ý thức về cộng đồng và niềm tin chung, nhưng sự đa dạng đến bối rối của chúng cũng có thể khiến mọi người trở nên xa lạ và tách biệt với nhau, đặc biệt là khi những nghi thức quan trọng của một nền văn hóa lại trở nên kỳ quái trong mắt người thuộc nền văn hóa khác.
Hầu hết các nhà khoa học nghiên cứu về nghi thức cho rằng nguồn gốc không rõ ràng là một trong những đặc điểm căn bản của chúng. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu bắt đầu đặt ra giả thiết rằng trước khi các nghi thức trở nên thuần túy mang tính xã hội và đặc thù, có thể người ta đã tạo ra chúng như những nỗ lực để tránh thảm họa.
Theo các tác giả của một số nghiên cứu mới trong ấn phẩm đặc biệt của tạp chí Kỷ yếu Triết học của Hội Hoàng gia B, nghi thức hóa có thể đã giúp các nền văn hóa loài người duy trì những hành vi mà mọi người tin rằng sẽ giữ cho họ an toàn, kể cả sau khi nguyên nhân ban đầu của những hành vi này đã rơi vào quên lãng.
Ví dụ, những nghi thức chuẩn bị thức ăn hay vệ sinh cơ thể có lẽ đã nảy sinh từ mong muốn ngăn ngừa bệnh tật. Nhiều nghi thức cũng giúp tâm lý thoải mái trong thời kỳ khó khăn, và sau khi trở thành thông lệ, chúng đưa mọi người đến gần nhau thông qua việc thắt chặt tính cộng đồng.
Thời nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, con người lại một lần nữa tiếp thu những hành vi mới nhằm ứng phó với sự đe dọa, mặc dù vẫn chưa thể kết luận liệu có hành vi nào sẽ thực sự được nghi thức hóa hay không. Theo nhà tâm lý học Mark Nielsen thuộc Đại học Queensland, Úc, điều này về lý thuyết chỉ xảy ra khi ý nghĩa xã hội của hành vi chiếm ưu thế so với công dụng thực tế của chúng trong phòng tránh bệnh tật và thảm hoạ. Đặc điểm này phân biệt nghi thức với thực hành văn hóa, ví dụ như nấu ăn.
“Khi bạn học nấu một món ăn nào đó lần đầu tiên, có thể bạn sẽ làm đúng theo công thức, nhưng sau một vài lần, bạn sẽ có thể làm theo cách của riêng mình,” ông giải thích. Theo ông, kiểu cá nhân hóa đó không thường xảy ra với các thực hành được nghi thức hóa, vốn được lặp đi lặp lại rất cẩn thận từ đầu đến cuối cho đến khi “chúng mất đi giá trị chức năng và thay vào đó được thực hiện vì giá trị xã hội của mình.
Sự dễ chịu của lề thói
Nhà tâm lý học Michele Gelfand thuộc Đại học Maryland cho biết: Ở những vùng thường xảy ra thiên tai và dịch bệnh cũng như nguy cơ bạo lực và bệnh tật cao, xã hội có xu hướng “khép kín” hơn, hay nói cách khác là có các chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt hơn và mức độ bao dung với hành vi lệch chuẩn thấp hơn. Chúng cũng có xu hướng mang tính tôn giáo nhiều hơn và ưu tiên các hành vi được nghi thức hóa.
Nghiên cứu của Gelfand cho thấy thái độ của con người về tính thích ứng với xã hội2 thay đổi khi họ phải đối mặt với các mối đe dọa hoặc thậm chí là nhận thức về hiểm hoạ gần kề. Khi Contagion (tạm dịch: Bệnh truyền nhiễm) – bộ phim giả tưởng về một đại dịch3 – ra rạp vào năm 2011, Gelfand và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát và kết luận rằng khán giả cảm thấy thù địch hơn với những người lệch chuẩn xã hội sau khi xem phim.
Khi tất cả chúng ta hành động thống nhất, hoặc thực hiện những hành vi giống nhau theo một cách dễ đoán như trong các nghi thức, cảm giác an tâm vì có sự đồng hành sẽ xuất hiện. Và khi đối mặt với hiểm nguy, việc hợp tác theo nhóm sẽ là yếu tố quyết định sự sinh tồn.
Gelfand cho biết: “Văn hóa quân đội là một ví dụ rõ nét.” Hoạt động luyện tập di chuyển đồng bộ theo nhóm của các đơn vị quân đội trên khắp thế giới giúp họ sẵn sàng hành động như một thể thống nhất trong tình huống nguy cấp.
Nghi thức cũng giúp con người vượt qua sự sợ hãi và lo lắng. Nhà nghiên cứu Martin Lang thuộc Đại học Masaryk, Cộng hòa Séc tin rằng tính dễ đoán của nghi thức khiến mọi người an tâm. Nhóm của anh đưa ra ví dụ rằng phụ nữ trên đảo của Mauritius cảm thấy ít lo lắng về việc diễn thuyết trước đám đông sau một nghi lễ cầu nguyện lặp đi lặp lại trong một ngôi đền Hindu.
Tính nhân văn của nghi thức
Theo nhà linh trưởng học Carel van Schaik thuộc Đại học Zurich, Thụy Sĩ, chuyên nghiên cứu sự tiến hóa của văn hóa ở đười ươi, một số hiện tượng bề ngoài giống với nghi thức đã được quan sát thấy ở các loài linh trưởng khác. Giống như tất cả các loài động vật, linh trưởng được sinh ra với bản năng giúp chúng tránh nguy hiểm và bệnh tật, và chúng cũng có thể học cách tránh rủi ro sau một kinh nghiệm tồi tệ hoặc bằng cách quan sát những con khác trong đàn.
Tuy nhiên, van Schaik cho biết các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các loài linh trưởng không-phải-người tham gia vào các nghi lễ đúng nghĩa. “Những thứ này chỉ xuất hiện từ tư duy văn hóa của con người đã phát triển trong môi trường khác thường mà chúng ta tạo ra cho chính mình.”
Van Schaik tin rằng nhiều nghi thức xã hội khởi nguồn từ khi con người bắt đầu sống thành các nhóm lớn ở quy mô chưa từng có, đặc biệt là sau khi nông nghiệp cho phép các quần thể lớn hơn sống ở cùng một nơi. Ông cho rằng “quyết định định mệnh đó khiến con người phải đối mặt với đủ loại bạo lực, thảm họa và bệnh tật, từ xung đột trong nhóm đến chiến tranh giữa các nhóm, rồi đến các bệnh truyền nhiễm giờ đây có thể lây lan nhanh chóng ra toàn bộ các ngôi làng.”
Để ngăn ngừa những thảm họa như vậy, theo ông, con người đã sử dụng trí tuệ nhạy bén của mình. “Bởi con người có đặc điểm hướng về xã hội, tôi cho rằng chúng ta có xu hướng diễn giải sự đen đủi như tai họa do một thế lực – linh hồn, quỷ dữ, hay thánh thần – gây ra, có lẽ là bởi hành vi của chúng ta đã khiến họ phật lòng. Vì thế, ta cố gắng tìm ra một giải pháp có thể ngăn ngừa những thảm họa này xảy ra lần nữa.”
Nhiều nghi lễ tôn giáo đề cập đến vấn đề vệ sinh, tình dục, hay cách ta xử lý thực phẩm liên quan đến rủi ro bệnh tật, trong khi những nghi lễ khác giải quyết các vấn đề về tài sản và gia đình, thường là ngọn nguồn mâu thuẫn. Không hẳn tất cả các nghi lễ đều hiệu nghiệm bởi chúng ta không thể hiểu hết nguyên nhân của rủi ro mà chúng ta cố chế ngự. “Nhưng một số nghi lễ vẫn hiệu quả,” van Schaik nói.
Bên cạnh việc nảy sinh từ nhu cầu đối phó với rủi ro, một số nghi thức có thể vẫn tồn tại vì mối liên hệ tiếp diễn của chúng với việc phòng ngừa rủi ro. Ví dụ, ở các vùng nông thôn thuộc bang Bihar, Ấn Độ, nơi tỷ lệ tử vong của người mẹ và trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao, nhà khoa học nhận thức Cristine Legare thuộc Đại học Texas tại Austin đã ghi chép lại 269 nghi lễ liên quan đến việc mang thai và sinh nở. Cô nói: “Hầu hết trong số đó đều nhằm tránh những hậu quả tiêu cực.”
Legare cho biết, một tỷ lệ đáng kể các nghi lễ trong kỳ sinh nở, chẳng hạn như thức ăn bổ dưỡng được chuẩn bị cho người mẹ trong lễ Chhathi, một nghi lễ được tổ chức vào ngày thứ sáu sau khi sinh của người Hindu, hoàn toàn thống nhất với lời khuyên của y học hiện đại. “Nhiều nghi lễ khác có vẻ trung tính,” cô nói thêm, “trong khi có những nghi lễ nguy hiểm, chẳng hạn như tắm cho trẻ sơ sinh ngay khi mới sinh hoặc cho trẻ ăn sữa công thức cho đến khi một linh mục hoặc giáo sĩ ban phước để người mẹ bắt đầu cho con bú, rất rủi ro vì thiếu nước sạch.”
Điều này minh họa cho sự tồn tại bền bỉ của một số nghi lễ phản tác dụng một khi chúng đạt được ý nghĩa xã hội, Legare chia sẻ. Legare nghiên cứu những thực hành này nhằm tìm ra cách thúc đẩy hành vi lành mạnh theo những cách nhạy cảm về văn hóa. “Nên nhớ là đối với hầu hết mọi người, các cơ chế của y học hiện đại cũng không rõ ràng giống như các nghi lễ.”
Trong khi những nghi lễ truyền thống đã được truyền lại thành công qua nhiều thế hệ, những thực hành của y học hiện đại vẫn còn tương đối mới. “Khi một bác sĩ nói với bạn rằng, chúng tôi rất tiếc, nhưng không thể làm gì hơn được nữa, dù điều đó là sự thực thì vẫn không có một chút tính động viên nào,” Legare nói. “Nhiều người trên thế giới sẽ đi và tìm kiếm giải pháp khác.”
Sự tiến hóa của các nghi thức
Trong kỷ nguyên đại dịch, những lời khuyên y tế thực tiễn, chẳng hạn như rửa tay, đã dần trở thành một dạng nghi thức. Các chuyên gia y tế khuyên chúng ta chính xác nên chà tay như thế nào và trong bao lâu, khiến ta cảm thấy an tâm khi đã rửa tay đủ 20 giây.
Các hoạt động xã hội khác – chẳng hạn như chạm khuỷu tay và ôm không khí – cũng đang dần phổ biến. Và đeo khẩu trang (hoặc không) đã trở thành một cách thể hiện lòng trung thành với một nhóm xã hội, cũng như một cách giảm nguy cơ lây truyền bệnh tật được khoa học xác thực. Hiện vẫn chưa rõ liệu những thực hành này cuối cùng có lặp lại nhiều đến mức chúng ta quên mất lý do tại sao chúng ta bắt đầu thực hiện chúng, khiến chúng trở thành những nghi thức hay không. Nhưng nỗ lực của chúng ta nhằm hiểu được tại sao đại dịch lại xảy ra, từ những lời giải thích tôn giáo đến việc nhấn mạnh vào cách con người phơi nhiễm với nguồn bệnh bằng việc hủy hoại môi trường, đang lặp lại quá trình tìm kiếm của tổ tiên chúng ta về những gì họ đã làm để phải hứng chịu thảm họa.
Gelfand cho rằng thật may mắn vì hành trình tìm kiếm tri thức của loài người đã dẫn tới nghiên cứu khoa học, giúp chúng ta ở vị trí tốt hơn bao giờ hết trong công cuộc ngăn chặn thảm họa tương lai. “Khi người dân khắp thế giới cùng để tâm đến điều này,” Gelfand nói, “chúng ta thực sự có thể học được điều gì đó.”
Cam kết năm mới (New Year’s resolution) là một truyền thống, phổ biến nhất ở phương Tây. Trong đó một người quyết tâm tiếp tục thực hành tốt, thay đổi một đặc điểm hoặc hành vi không mong muốn, hoàn thành một mục tiêu cá nhân hoặc cải thiện cuộc sống của họ tại đầu năm mới.↩
Thích ứng xã hội (social conformity) là quá trình con người điều khiển, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh biến đổi của xã hội.↩
Sự bùng phát bệnh xảy ra trong một khu vực địa lý rộng lớn (như tại nhiều quốc gia hoặc lục địa).↩