a
§ Tác giả: Walter Scheidel | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Aceae
19/08/2017

Những lời hô hào làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (make America great again) gợi nhớ về thời kỳ mà sự bất bình đẳng về thu nhập giảm đi ngay cả khi kinh tế bùng nổ và tầng lớp trung lưu gia tăng. Tuy vậy, thật dễ dàng để quên rằng sự bình đẳng mới mẻ này có quan hệ sâu xa đến thế nào với hai cuộc chiến tranh thế giới.

Áp lực của chiến tranh đã trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ, thúc đẩy việc cải cách hướng tới bình đẳng, thành lập công đoàn, mở rộng quyền bỏ phiếu và xây dựng nhà nước phúc lợi. Trong và sau chiến tranh, sự can thiệp tích cực của chính phủ vào các khu vực tư nhân và việc các nguồn vốn bị ảnh hưởng đã xóa bỏ tài sản của tầng lớp thượng lưu và phân phối thêm của cải cho người lao động. Ngay cả ở những quốc gia thoát khỏi sự tàn phá và lạm phát, thuế suất cận biên1 cũng tăng vọt. Tập trung chủ yếu vào giai đoạn 1914 đến 1945, cuộc “Đại Suy Giảm” mức độ bất bình đẳng (Great Compression, theo cách gọi của các nhà kinh tế) này cần thêm vài thập niên để lan truyền khắp các nước phát triển, cho đến những năm 1970 và 1980, khi nó ngừng lại và bắt đầu đảo ngược.

Quá trình bình đẳng hóa này là một kết quả hiếm thấy trong thời hiện đại nhưng không phải là chưa từng có trong lịch sử. Sự bất bình đẳng đã được ghi vào bộ gen của văn minh loài người, kể từ khi con người bắt đầu định cư và trồng trọt. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chỉ có những biến đổi to lớn, dữ dội, và làm đảo lộn trật tự hiện hữu mới có đủ sức mạnh để san bằng những chênh lệch về thu nhập và của cải. Chúng xuất hiện dưới bốn hình thức: các cuộc chiến tranh toàn diện với quy mô lớn, các cuộc cách mạng bạo lực, sự sụp đổ của nhà nước, và các đại dịch. Hàng trăm triệu người đã bỏ mạng trong các sự kiện này, và khi chúng kết thúc, khoảng cách giàu nghèo đã trở nên hẹp lại.

Yếu tố đầu tiên trong số này có thể được xem là tạo vật của thời đại công nghiệp. Các cuộc chiến tranh trước đây đã tạo ra kết quả hỗn hợp, kẻ thắng hưởng lợi và kẻ thua phải gánh chịu hậu quả. Lấy cuộc Nội chiến Mỹ2 làm ví dụ: nó bắt đầu sự nghiệp của John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, và các nhà tài phiệt miền Bắc khác, đồng thời hủy hoại sản nghiệp của các chủ nô miền Nam. Kể từ thời Hy Lạp cổ (đến trước thời đại công nghiệp – ND), chưa có cuộc chiến quy mô lớn (kết hợp với các quy tắc và thiết chế quân bình) nào giúp làm giảm sự bất bình đẳng kinh tế như thế này.

Yếu tố thứ hai là các cuộc cách mạng thật sự làm thay đổi xã hội – giống như các sự kiện mà hai cuộc thế chiến đã sản sinh ra. Từ năm 1917, các chế độ cộng sản ở Trung Quốc, Liên Xô, và những nơi khác đã tịch thu, tái phân phối và tập thể hóa tài sản tư nhân, thiết lập các mức lương, và xóa bỏ sự bất bình đẳng ở quy mô chưa từng có. Trái lại, những cuộc cách mạng trước đó hiếm khi đủ cực đoan để gây ra ảnh hưởng tương tự: cuộc Cách mạng Pháp, ít đổ máu hơn, cũng tạo ra kết quả khiêm tốn hơn.

Thứ ba, những xáo trộn dữ dội đôi khi đã tiêu diệt hoàn toàn các nhà nước, kéo theo các tầng lớp nắm giữ sự giàu có và quyền lực. Mặc dù mọi người đều thiệt hại trong quá trình đó, người giàu có nhiều thứ để mất hơn. Các ghi chép về những sự đau khổ chia đều cho toàn xã hội đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước: Những nhà quý tộc La Mã cuối cùng đã phải xếp hàng để nhận phát chẩn của Giáo hoàng, và các quý tộc Maya phải ăn cùng khẩu phần với thứ dân. Gần đây, tình trạng vô chính phủ ở Somalia đã làm thuyên giảm sự bất bình đẳng do chế độ đạo tặc3 tàn bạo trước đó gây ra.

Con người từ lâu đã có đối thủ trong việc gây ra thiệt hại đủ lớn để tạo ra bình đẳng, và đó là yếu tố thứ tư. Trận đại dịch hạch đầu tiên, thường được biết đến dưới tên Cái Chết Đen (the Black Death) diễn ra vào cuối thời Trung Cổ, và những cuộc tàn sát không thương tiếc của bệnh đậu mùa và bệnh sởi ở Tân Thế giới (châu Mỹ) sau năm 1492 (năm Columbus phát hiện ra Châu Mỹ – ND) đã cướp đi nhiều mạng sống đến mức làm cho giá lao động tăng cao và giá trị của đất đai cũng như các loại tư sản khác giảm mạnh. Người lao động được ăn no mặc ấm hơn, trong khi giới chủ thì phàn nàn, theo một nhà chép sử người Anh, rằng: “thiếu hụt lao động trầm trọng đến mức những kẻ thấp hèn khinh thường cơ hội việc làm, và từ chối làm việc cho những bậc cao quý dù với mức lương gấp ba.” Những bản ghi thuế còn sót lại từ cuối thời Trung Cổ ở Ý cũng cho thấy bằng chứng về sự xói mòn tài sản của giới thượng lưu.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chỉ có những biến đổi to lớn, dữ dội, và làm đảo lộn trật tự hiện hữu mới có đủ sức mạnh để san bằng những chênh lệch về thu nhập và của cải.

Nhưng liệu có những cơ chế làm giảm sự bất công khác mà ít chết chóc hơn hay không? Lịch sử không an ủi ta nhiều lắm. Các cuộc cải cách ruộng đất thường dần suy yếu hoặc bị tầng lớp giàu có cản trở. Những chương trình thành công trong việc phân phối đất đai cho dân nghèo, và đảm bảo là họ giữ được nó, thường phải dựa vào việc đe dọa hoặc thực sự sử dụng bạo lực, như trong cuộc cách mạng ở Mexico, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thời hậu chiến. Các đợt suy thoái kinh tế vĩ mô thường chỉ gây thiệt hại cho người giàu trong một vài năm. Tự bản thân nền dân chủ không phải lúc nào cũng giảm được bất bình đẳng. Và, mặc dù việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục thật sự có thể làm giảm khoảng cách thu nhập, rất dễ để nhận thấy rằng mức lương thưởng của những người có bằng cấp đã giảm mạnh đúng vào thời kỳ chiến tranh thế giới.

Vào những năm 1950, nhà kinh tế học Simon Kuznets đã đưa ra giả thuyết nổi tiếng rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ làm cho việc phân phối của cải công bằng hơn, tuy nhiên điều này xảy ra chủ yếu ở các quốc gia nơi sự tăng trưởng được hình thành do tác động của chiến tranh thế giới hoặc nỗi sợ hãi rằng cách mạng. Ngược lại, ở châu Mỹ Latin, nơi nằm ngoài những cuộc xung đột lớn nhất của thế kỷ 20 do vị trí tương đối biệt lập, sự bất bình đẳng không giảm đi cho đến đầu những năm 2000 – khi mức độ bất bình đẳng đã cao đến mức không còn chỗ để tăng thêm nữa. Brazil và các quốc gia khác đã hướng các chính sách tiến bộ đến những mục tiêu khả thi nhất, nhưng nạn đầu cơ kinh tế và các ý kiến phản đối chính trị (political backlash) làm dấy nên nghi ngờ về triển vọng giảm bất bình đẳng trong hòa bình.

Nếu chúng ta xem lịch sử là một chỉ dẫn đáng tin cậy, thì sự trở lại của tình trạng bất bình đẳng, bắt đầu từ những năm 1980, không có gì là bất ngờ. Tác động của các sự kiện tàn khốc luôn giảm theo thời gian: Các cộng đồng dân cư phục hồi sau dịch bệnh, các nhà nước sụp đổ được thay thế bằng nhà nước mới. Hiện nay, dư chấn của hai cuộc đại chiến trong thế kỷ 20 đã trở nên mờ nhạt. Mức thuế suất cao nhất (dành cho những người giàu nhất) và số lượng thành viên công đoàn cũng giảm xuống, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, và toàn cầu hóa, dù bị căm ghét đến đâu, (vẫn) đang hoạt động ở mức cao nhất. Bốn yếu tố quân bình nói trên sẽ không sớm trở lại: Công nghệ đã khiến chiến tranh quy mô lớn trở nên lỗi thời; những cuộc cách mạng tái phân phối (tài sản) đã mất đi sức hấp dẫn; các nhà nước trở nên vững mạnh hơn trước; và những tiến bộ trong công nghệ gen đã giúp con người đẩy lùi mầm bệnh.

Ngay cả những nhà nước phúc lợi tiến bộ nhất châu Âu cũng phải nỗ lực để bù đắp khoảng cách thu nhập trước thuế và chuyển nhượng, vốn đang ngày càng mở rộng. Trong vài thập niên tới, hiện tượng lão hóa dân số ở các nước phát triển và áp lực của việc nhập cư lên xã hội sẽ khiến cho việc phân phối thu nhập ròng một cách công bằng càng trở nên khó khăn. Và trên tất cả, những thay đổi công nghệ đang diễn ra có thể làm gia tăng bất bình đẳng theo những cách không thể dự đoán được, từ công nghệ tự động hóa tinh vi làm giảm nhu cầu về lao động nhân lực, đến các cải tiến về gen và những cải tiến cơ thể khác dành cho những người có đặc quyền.

Câu hỏi thế nào mới là vĩ đại phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người: làm thế nào để nước Mỹ (và thế giới) bình đẳng hơn một lần nữa là một thách thức khó khăn hơn nhiều. Trong lúc các chính sách tăng trưởng nhằm gia tăng của cải cho tầng lớp trung lưu là chính đáng và khả thi, quá khứ chỉ ra rằng không có cách bỏ phiếu, phân phối hay giáo dục nào có thể đưa xã hội trở lại với mức độ bình đẳng mà thế hệ hậu chiến từng được hưởng. Lịch sử không thể dự đoán tương lai, nhưng thông điệp của nó vừa khó chịu vừa rõ ràng: Trừ những ngoại lệ vô cùng hiếm hoi, bất bình đẳng chỉ giảm đi trong những hoàn cảnh đau buồn.


  1. Thuế suất tăng thêm khi thu nhập tăng 1 đồng.

  2. Cuộc Nội chiến Hoa kỳ (1861-1865) giữa Chính phủ Liên bang ở miền bắc với các tiểu bang li khai miền nam Hoa Kỳ.

  3. Chế độ đạo tặc (Kleptocracy) là một chế độ chính trị tham nhũng,nơi những người nắm quyền sử dụng quyền lực để bóc lột người dân và tài nguyên thiên nhiên của chính đất nước mình nhằm làm giàu cá nhân và gia tăng quyền lực chính trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất