a
§ Tác giả: Jeanne Carstensen | Nguồn: NAUTILUS
Biên dịch: Mai Nhi | Hiệu đính:  HL
14/06/2020

Chúng ta đã rất quen thuộc với những bức hình minh họa sự tiến hóa của con người, từ loài vượn đi bằng bốn chân đến những sinh vật họ Người lom khom đến loài người hiện đại đứng thẳng trên hai chân. Vẫn còn thiếu gì đó! Loài người hiện đại mà trần truồng ư? Không có phụ kiện nào sao?

Thời trang là chủ đề ít được đề cập tới trong những cuốn sách khoa học, nhưng việc trang hoàng và may vá đã góp phần không nhỏ trong sự thành công của loài người. Trên sàn diễn thời trang của thời tiền sử, chúng ta đã hạ gục người Neanderthal về cả tính thực tiễn và sự sành điệu, trở thành loài chiếm ưu thế của họ Người tại mọi vùng khí hậu của trái đất.

Qua những buổi phỏng vấn với những nhà cổ sinh vật học, nhà nhân học, nhà tâm lý học tiến hóa và nhà sử học thời trang, tôi nhận ra rằng trang phục không chỉ làm nên diện mạo, chúng làm nên con người chúng ta. Trang phục và trang điểm cơ thể phát triển đi liền với công cụ và hành vi giao tiếp của loài người, giúp định hình sàn diễn tiến hóa và văn hoá của loài người.

Thời trang vốn luôn là “điều thiết yếu cho sự xuất hiện của loài người hiện đại, cùng với âm nhạc và khiêu vũ, nghệ thuật và khiếu hài hước, và cả ngôn ngữ nữa,” Geoffrey Miller, nhà tâm lý học tiến hóa, phó giáo sư tâm lý học trường Đại học New Mexico chia sẻ. “Nó là một phần bản chất con người.”

Điều này không có gì mới với những người thích mặc đẹp. Dù thế, cũng có chút lạ lùng khi đặt thời trang và khoa học bên cạnh nhau. Vậy nên, để độc giả biết rằng sự hứng khởi và tự hào mỗi khi bạn diện một bộ vest Armani hay một đôi Manolo Blahniks là có lý do cả, chúng ta sẽ ngược dòng về lịch sử tiến hoá. Sự xuất hiện của quần áo chính là bằng chứng cho thấy chúng ta được sinh ra để sải bước đầy kiêu hãnh.

Vì những chứng cứ của trang phục thời tiền sử vốn đã không còn, các nhà khoa học buộc phải động não trong nghiên cứu, nhằm xác định con người bắt đầu chưng diện từ khi nào. Sau một thời gian tìm kiếm, họ tin rằng loài rận – loài vật ký sinh trên quần áo của con người có thể là đầu mối để trả lời câu hỏi này. 

Một phân tích DNA loài rận gần đây của David Reed, phó phụ trách khu vực động vật có vú tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida cho thấy, loài người bắt đầu biết mặc quần áo từ khoảng 170.000 năm trước, gần 830.000 năm sau khi tổ tiên của chúng ta mất đi bộ lông của mình.

Lý do vì sao con người rụng lông vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Một giả thuyết nổi trội là rụng lông giúp loại bỏ các loại rận và các ký sinh trùng hút máu chết người vô cùng phổ biến trong bộ lông của tổ tiên chúng ta khi đó. Một giả thuyết khác cho rằng đó là một cách để làm mát cơ thể và tỏa nhiệt nhờ mồ hôi khi chúng ta di cư từ rừng rậm đến vùng xa-van nóng cháy.

Ian Gilligan, nhà sinh-nhân học tại trường Đại học Quốc gia Úc, chuyên gia về sự phát triển của quần áo thời tiền sử cho rằng dù là lý do nào đi nữa, mốc thời gian 170.000 năm trước đều hợp lý, vì nó tương đối trùng hợp với kỷ băng hà áp chót 180.000 năm trước. Ông chia sẻ, “Loài người chỉ bắt đầu mặc quần áo khi họ cần giữ ấm.” Ông cho biết, chỉ cần dưới mức 0°C khoảng vài độ thôi thì sẽ chạm đến “ngưỡng chịu lạnh của con người khi không có sự che chắn.”

Ngay cả trước khi quần áo xuất hiện để giữ ấm cho chúng ta, loài người thượng cổ đã biết tô điểm cơ thể mình. “Rất có thể chúng ta đã trang hoàng bản thân bằng sơn cơ thể, chất liệu từ thực vật, và da động vật suốt lịch sử của giống loài,” Nina Jablonski, nhà cổ sinh học tại Đại học Bang Pennsylvania, tác giả cuốn sách Skin: A Natural History cho biết. “Việc trang trí tạo nên một lối tắt thị giác, giúp người khác biết ta là ai, ta muốn được gắn kết với ai và kẻ ta muốn được trở thành,” bà nói.

“Việc trang trí tạo nên một lối tắc thị giác, giúp người khác biết ta là ai, ta muốn được gắn kết với ai và kẻ ta muốn được trở thành.”

Các hóa thạch được khai quật cho thấy việc trang trí tô điểm đã xuất hiện từ khoảng 75.000 năm trước.

Các nhà khảo cổ học cho rằng vỏ trứng đà điểu đã được dùng để làm hạt chuỗi và thổ chu1 đã được dùng làm màu vẽ cơ thể. Tới thời kỳ Đồ đá thượng tại Châu Âu 35.000 năm trước, dấu hiệu của những mẫu kim khâu làm từ xương cho thấy con người đã biết làm những trang phục tinh vi, may vá quần áo nhiều lớp để bảo vệ họ trước cái lạnh.

Một trong những nguyên do khiến người Neanderthal biến mất chính là sự kém phát triển về trang phục của họ.

Nếu phải so sánh, trang phục của người Neanderthal thật thua xa. Gilligan cho rằng trang phục chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của người Neanderthal, xảy ra khoảng 40.000 – 35.000 năm trước, khi nhiều đợt lạnh khắc nghiệt đột ngột xuất hiện. “Chỉ những con người hiện đại với lớp quần áo phù hợp mới có thể di cư đến những nơi có khí hậu khắc nghiệt, và chỉ sau khi họ phát minh ra cây kim khâu và những kỹ thuật khác để tạo ra quần áo nhiều lớp, có tính tỉ mỉ cao – gồm cả bộ đồ lót đầu tiên trên thế giới,” ông chia sẻ.

Vào thời kỳ Đồ đá thượng, tổ tiên chúng ta dành một lượng lớn thời gian để trang trí quần áo của mình. Tại Sungir, một di chỉ khảo cổ phía đông Moscow có niên đại 26.000 năm, 12.000 hạt chuỗi ngà voi ma mút được tìm thấy trong mộ của ba cá nhân – một nam trưởng thành và hai trẻ em – được khâu vào quần áo của họ. Các nhà khảo cổ học ước tính mất khoảng một giờ để làm một hạt với công cụ đá – tổng cộng là hàng ngàn giờ lao động. “Đây không chỉ là để trang trí,” nhà khảo cổ học Robert Boyd, đồng tác giả cuốn Not By Genes Alone: How Culture Transformed Human Evolution cho hay. “Nó là một khoản đầu tư lớn, phô bày sự giàu có của người đã khuất.”

Vậy nên bạn có thể thôi không lo lắng về niềm đam mê thời trang của mình; trưng diện những bộ cánh đẹp đẽ nhất không hề là việc làm tầm thường mà là một phần của bản chất con người. Polly Wiessner, nhà khảo cổ học và là giáo sư tại trường Đại học Utah, đã nghiên cứu cách những bộ tộc săn bắt – hái lượm tại sa mạc Kalahari sử dụng việc trang trí cơ thể để củng cố danh tính cá nhân và tương tác xã hội. “Việc con người vui vẻ khi ăn mặc đẹp, thấy chán nản khi kém sắc cho thấy rằng có vẻ ngoài đẹp theo tiêu chuẩn xã hội là một xu hướng sinh học của con người,” bà nói.

Có thể nói rằng việc sở hữu gu thời trang theo bản năng sinh học không chỉ có ở mỗi con người. Các loài động vật khác cũng yêu việc trang trí chẳng khác gì chúng ta. Cua trang trí bằng cách đính rong biển, bọt biển và hải quỳ biển lên mình để ngụy trang. Chim đinh viên2 trang trí khu vực tìm bạn tình với những đóa hoa đầy nghệ thuật, vỏ xà cừ óng ánh, vài cây nấm rực rỡ và những thứ khác chúng nhặt được trên thềm rừng. Nổi tiếng nhất, dĩ nhiên phải nhắc đến công trống xòe chiếc đuôi lộng lẫy của mình để quyến rũ con mái. Và đúng thế, các nhà sinh học tiến hóa cho rằng, khi chúng ta ăn mặc để gây ấn tượng, chúng ta cũng không khác gì loài công đầy kiêu hãnh hay những chú chim đinh viên nhún nhảy.

Nhưng phần lớn chiêu trò khoe mẽ của động vật đều nhằm mục đích sinh tồn và tìm bạn tình. Chúng ta có thể sử dụng thời trang để thể hiện biết bao cảm xúc và ý định, nhờ có bộ não dưới chiếc mũ của ta. Thời trang có thể được xem là một dạng của giao tiếp biểu tượng (theo Robert Sapolsky, “một cách thay thế giản lược cho thứ phức tạp hơn.”), thủ tục vận hành tiêu chuẩn của bộ não tiến hóa. Nhà cổ sinh vật học Ian Tattersall, tác giả cuốn Becoming Human: Evolution and Human Uniqueness cho rằng thời trang là một ví dụ cho khả năng nhận thức độc nhất của chúng ta, khả năng điều chỉnh ý nghĩa và thông tin. “Trang trí cơ thể và quần áo, cùng với tầng nghĩa ta đặt vào chúng được liên kết với nhau và tạo thành những sinh vật là loài người chúng ta đây,” ông nói.

Wiessner giải thích cặn kẽ hơn nữa. Lấy nền tảng từ những nghiên cứu đột phá của nhà tâm lý học phát triển của Michael Tomasello, người cho rằng chỉ có con người mới có thể phán đoán được ý định của kẻ khác, lý do là chúng ta có thể “đọc suy nghĩ của người khác… bằng cách liên kết hình ảnh trang trí cơ thể với một chuỗi những ý nghĩa, việc mà động vật không thể làm được.”

“Thời trang đồng nghĩa với thể hiện sự sáng tạo, tính thẩm mỹ của bạn mà người khác không có,” Miller nói.

Với nhà tâm lý học tiến hóa Miller, bày tỏ và thấu hiểu một loạt những ý nghĩa là đặc tính mà tiến hóa đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta trở nên hấp dẫn trong mắt bạn tình. Trong cuốn sách phát hành năm 2001 của ông, The Mating Mind (tạm dịch: Kết đôi trí óc), Miller cho rằng “Trí não chúng ta tiến hóa không chỉ để trở thành cỗ máy sinh tồn, mà còn là cỗ máy tìm bạn tình.” Ông cho rằng những đặc tính con người dường như không phục vụ mục đích sinh tồn – “khiếu hài hước, kĩ năng kể chuyện, chuyện phiếm, nghệ thuật, âm nhạc, khả năng nhận thức, ngôn từ hoa mỹ, trí tưởng tượng phong phú” – được tiến hoá để hấp dẫn và tiêu khiển bạn tình. Luận điểm thú vị này vấp phải những chỉ trích rằng Miller đã quá đặt nặng vai trò của chọn lọc sinh sản, bỏ quên những khía cạnh văn hoá và sinh học đã nhào nặn loài người. Dù có thế nào đi nữa, nó là một quan điểm nhấn mạnh sự quan trọng của thời trang trong việc bày tỏ sự phong phú trong tính cách và đặc điểm xã hội.

Thời trang “chính là phô diễn và báo hiệu, rằng chúng ta có những khả năng, sự sáng tạo hoặc tính thẩm mỹ mà người khác không có,” Miller nói. “Bạn đạt được địa vị cao hơn trong nhóm của mình và giữa các đối thủ, và địa vị đó giúp bạn có khả năng tiếp cận nguồn thức ăn và chỗ trú ẩn tốt hơn, có mạng lưới bạn bè và các quan hệ xã hội rộng hơn.”

Trong xã hội tiêu dùng với vô số lựa chọn thời trang hiện nay, chúng ta đang có quyền lực lớn hơn bao giờ hết trong việc lựa chọn danh tính và báo hiệu bản thân mình thuộc nhóm và tiểu văn hóa3 nào,” Miller chia sẻ, “Với ngành thời trang sản xuất hàng loạt, ta không chỉ cho thấy mình có thể chi tiền cho loại quần áo thế nào, mà cả thể hiện con người ta ra sao, tính cách thế nào, sở thích và những giá trị của ta. Sự khác biệt giữa một người mặc một chiếc áo thun đen phong cách rock heavy metal hai mươi đô và một người khác mặc chiếc áo polo cùng mức giá không phải là tài chính – mà là về lối sống, tính cách. Nó cho thấy ta là thành viên của một tiểu văn hóa nhất định.”

Valerie Steele, giám đốc và quản lý Bảo tàng thuộc Viện Công nghệ Thời trang, New York đồng ý rằng thời trang đương thời cho phép chúng ta ăn mặc theo cách chúng ta muốn và không chỉ cố định ở một vị trí trong xã hội. Điều này rất dễ thấy, ví dụ, con người dù ở tầng lớp nào, như bà nói, “đều mặc quần jean.” Steele cũng nhắc rằng thời trang cho phép ta cải thiện những đặc điểm cơ thể. “Quần áo và phụ kiện có thể khiến cơ thể làm những điều nó không thể – như đôi mắt kính giúp tôi nhìn tốt hơn, đôi giày giúp bảo vệ bàn chân tôi,” bà nói.

Và công nghệ còn làm danh tính của chúng ta càng thêm linh hoạt. “Sinh học bán cơ khí (cyborg)4 có liên hệ với thời trang,” Steele nói. Sau cùng, bà nói, những chi nhân tạo5 có thể được xem là “một loại phụ kiện đeo lên người và cho phép bạn làm nhiều thứ cơ thể không thể làm.” Sẽ rất sớm thôi, mắt kính có thể trở thành những thiết bị đeo vi tính. Hiện tại, một làn sóng những nhà thiết kế đang sử dụng thiết kế từ máy tính để tạo nên quần áo in 3D cho khách hàng dựa trên bản quét cơ thể. Các nhà khoa học đang thí nghiệm loại chất liệu với vi điện tử có thể thay đổi hoa văn hoặc màu sắc theo tâm trạng của người mặc.

Từ trước tới nay, thời trang vẫn luôn khơi gợi bản năng muốn được thể hiện người và thứ mà chúng ta muốn trở thành, mở ra những cánh cửa để bày tỏ tính cách và gây ảnh hưởng xã hội. Hãy một lần nữa nhìn vào tấm hình sự tiến hóa của con người. Lần này, tưởng tượng rằng Người Tinh Khôn được ăn vận và có cả phục sức nữa. Sao lại không chứ? Nếu không có thời trang, chúng ta sẽ không là con người.


  1. Thổ chu – màu đỏ là một biến thể của thổ hoàng – màu vàng có thành phần sắt(III) oxit-hydroxit, nhờ chứa một lượng lớn hematit. Thổ hoàng và thổ chu là các loại chất tạo màu được dùng từ thời tiền sử. Xem thêm

  2. Chim đinh viên là một họ chim phân bố ở Úc và New Guinea. Những con trống trong họ chim này là một nghệ sĩ trong nghề xây tổ mà nhiều con chim khác khó sánh kịp. Họ chim đinh viên có nhiều giống loài khác nhau, nên tổ của chúng cũng có những phong cách khác nhau, cách chọn vật liệu và trang trí cũng như cách hiến dâng ngôi nhà cho chim mái của mỗi loài khác nhau.

  3. Tiểu văn hóa hay nhóm văn hóa là một khái niệm trong các lĩnh vực hàn lâm của xã hội học và các ngành nghiên cứu văn hóa, là một nhóm người trong một văn hóa có sự phân biệt tự thân với nền văn hóa mẹ mà nó thuộc về, thường lưu giữ những nguyên tắc khởi điểm của nó.

  4. Sinh vật cơ khí hoá, hay Sinh học bán cơ khí là một tồn tại với cả hai phần sinh học và nhân tạo (ví như điện tử, cơ khí, hay robot). Hiện nay cụm từ Sinh vật cơ khí hóa thường được dùng để nói về việc cường hóa cơ năng của sinh vật bằng giải pháp công nghệ.

  5. Trong y học, chi nhân tạo là những bộ phận nhân tạo dùng để thay thế cho những bộ phận cơ thể bị thiếu, có thể do tai nạn, bệnh tật hoặc khuyết tật bẩm sinh. Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất