Trong một thế giới lý tưởng, mỗi câu hỏi triết học phi thường sẽ luôn gắn liền với một giai thoại thú vị về sự xuất hiện của nó. Không may, chúng ta chỉ có thể dự đoán điều gì đã dẫn dắt một triết gia người Đức, nổi tiếng ngày nay với món bánh quy Choco Leibniz được đặt theo tên ông, đến với câu hỏi được coi là vĩ đại nhất trong triết học: tại sao lại có thứ gì đó thay vì không có gì?
Nhà triết học được nhắc đến chính là Gottfried Wilhelm Leibniz, người đã để lại cho chúng ta di sản về giải tích và hệ nhị phân được sử dụng bởi các máy tính hiện đại. Ông mất cách đây 300 năm, vào ngày 14/11/1716.
Nhiều nhà triết học trước đó đã đặt câu hỏi tại sao vũ trụ của chúng ta lại vận hành như vậy, nhưng Leibniz tiến thêm một bước khi tự hỏi vì sao vũ trụ lại sinh ra trước hết. Đây là một câu hỏi đầy thách thức bởi khả năng không có gì hoàn toàn có thể xảy ra — không Trái Đất, không sao, không thiên hà, không vũ trụ. Leibniz thậm chí còn nghĩ rằng sẽ “dễ dàng và đơn giản” hơn nếu không có gì tồn tại. Nếu không có bất cứ điều gì tồn tại thì ta cũng không cần lời giải thích nào — tất nhiên, nếu vậy thì ta cũng không có ai để hỏi, nhưng đó là một vấn đề khác.
Leibniz cho rằng việc vạn vật tồn tại thay vì hư vô đòi hỏi một lời giải thích xác đáng. Lời giải thích ông đưa ra là Chúa muốn tạo ra một vũ trụ tốt nhất có thể — tức Chúa chính là lý do đơn giản cho việc có gì đó thay vì không có gì.
Trong những năm sau khi Leibniz qua đời, câu hỏi vĩ đại của ông đã tiếp tục thử thách các nhà triết học và khoa học. Mặc dù vậy, trong một thời đại ngày càng có xu hướng vô thần, không bất ngờ khi nhiều người không tin Chúa là lời giải thích hợp lý.
Chúa lượng tử
Một cách trả lời câu hỏi này là phải có một thứ gì đó hiện hữu; rằng hư vô là không thể. Đây là quan điểm của triết gia sinh sống vào thế kỷ 17 Spinoza, người tuyên bố rằng toàn bộ vũ trụ, cùng với tất cả định luật, trật tự và sự kiện xảy ra, phải tồn tại và tồn tại theo cách nó hiện hữu. Einstein, người tự coi mình là tín đồ của triết học Spinoza, dường như cũng có quan điểm tương đồng.
Các nhà khoa học khác, chẳng hạn như nhà vật lý lý thuyết Laurence Krauss trong cuốn sách dân túy1 A Universe From Nothing (tạm dịch: Vũ trụ từ hư vô; 2012), đưa ra một lời giải đáp tinh tế hơn cho câu hỏi của Leibniz. Krauss tuyên bố rằng vũ trụ của chúng ta sinh ra một cách tự nhiên và chắc chắn từ hoạt động của trọng lực trên chân không lượng tử, tức khoảng không trống rỗng với đầy các hạt ảo xuất hiện ngẫu nhiên rồi lại biến mất. Lý thuyết của Krauss giả định rằng không thể không có gì vì “thứ gì” đã luôn luôn tồn tại: đầu tiên là có lực hấp dẫn và chân không lượng tử, rồi từ đó sinh ra vũ trụ như chúng ta biết đến ngày nay.
Các thuyết khác trong vũ trụ học dường như chung giả định rằng luôn phải có sự hiện hữu của vật thể để từ đó vũ trụ nảy sinh, chẳng hạn như các dây hoặc màng.
Vấn đề của những câu trả lời khoa học cho câu hỏi “tại sao lại có hiện hữu thay vì hư vô” chính là việc tại sao chúng ta nghĩ rằng cần phải có lực hấp dẫn, chân không lượng tử, dây, hay thậm chí cả vũ trụ. Thay vì phải có thứ gì đó, hư vô tuyệt đối hoàn toàn có thể xảy ra.
Câu hỏi nào?
Một câu trả lời khác cho câu hỏi của Leibniz đơn giản là không có câu trả lời. Nhà triết học Bertrand Russell đã ủng hộ quan điểm này trong một cuộc tranh luận nổi tiếng trên đài phát thanh vào năm 1948. Khi được hỏi tại sao vũ trụ tồn tại, ông đáp lời: “Tôi nghĩ vũ trụ đơn giản là ở đó, chỉ vậy thôi.”
Theo quan điểm này, vũ trụ chính là thứ mà các nhà triết học gọi là sự thật phũ phàng (brute fact) — sự thật không có lời giải thích. Ý kiến Russell đưa ra là không phải con người chưa giải thích được tại sao có thứ gì đó hơn là không có gì, mà đơn giản là không có lời giải thích khả dĩ nào cả. Những người tin rằng vũ trụ của chúng ta là một phần của đa vũ trụ lớn hơn cũng nghĩ vậy, cho rằng đa vũ trụ — và do đó vũ trụ của chúng ta — không có lời giải thích tối thượng. Dẫu hiện tại, câu trả lời phổ biến cho câu hỏi lớn của Leibniz là vũ trụ không thể được giải thích, nó không đem đến cảm giác thỏa mãn trí tuệ (dù điều này không có nghĩa lời giải đáp trên là sai.)
Câu trả lời mới nhất cho câu hỏi vĩ đại của Leibniz là vũ trụ của chúng ta tồn tại bởi vì nó nên vậy. Ý tưởng ở đây là tất cả các vũ trụ bẩm sinh đều có xu hướng tồn tại, nhưng một số có xu hướng tồn tại nhiều hơn số khác. Ý tưởng thực sự thuộc về Leibniz, người nghĩ rằng có thể có một cuộc đấu tranh để tồn tại giữa các thế giới khả hữu, và thế giới tốt nhất đã vượt lên thông qua quá trình tương tự chọn lọc tự nhiên. Cuối cùng, ông không chấp nhận suy nghĩ này, và thay vào đó tin vào quan điểm truyền thống hơn rằng vũ trụ tồn tại vì Chúa đã chọn như vậy.
Nhưng ý tưởng về một cuộc đấu tranh ảo giữa các vũ trụ đã thu hút một số nhà triết học hiện đại, những người đã đi theo nó đến một kết luận logic và tuyên bố rằng vũ trụ có xu hướng tồn tại lớn nhất — có thể vì nó tốt nhất, hoặc vì nó có các đặc tính quan trọng như điều kiện thuận lợi cho phép sự sống phát sinh — sẽ tự tồn tại trong thực tế.
Theo thuyết này, vũ trụ của chúng ta trở nên hiện hữu không phải vì Chúa hay bất cứ thứ gì khác làm cho nó trở nên như vậy mà bởi nó tự nhấc mình ra khỏi hư vô và biến thành hiện thực. Kỳ dị? Đúng. Nhưng không nên để điều đó làm chúng ta thất vọng. Rốt cuộc, một câu hỏi triết học phi thường cần một lời giải đáp phi thường.
Chủ nghĩa dân túy (populism) hay nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa” và trong các tuyên bố cho là mình đứng về phía “dân thường”. Đọc thêm tại: https://www.luatkhoa.org/2017/12/ta-vs-ho-cai-noi-cua-chu-nghia-dan-tuy/↩