a
§ Tác giả: Natasha McKeever, Luke Brunning | Nguồn: Aeon
Biên dịch: K. | Hiệu đính:  Ninh
26/06/2022

Vô tính không phải một phức cảm. Cũng không phải bệnh lý. Càng không phải một dấu hiệu tất yếu của sang chấn. Không phải một hành vi. Cũng không phải kết quả một lựa chọn. Chẳng phải một lời thề gìn giữ tiết hạnh hay một tuyên bố “giữ mình”. Chúng tôi vốn đã không theo tôn giáo. Chúng tôi không tự xưng là vô tính để tỏ ra thanh cao hay thượng đẳng đạo đức.

Chúng tôi chẳng phải vi bào hay thực vật. Chúng tôi không hoang mang về giới, bài xích đồng tính, bài xích dị tính, bài xích mọi xu hướng tính dục, không kỳ thị nữ chẳng kỳ thị nam, không kỳ thị bất cứ giới nào hay tính nào. Chúng tôi chẳng đang sa vào một giai đoạn nào, cũng chẳng theo trend, hay cố tình nổi loạn. Chúng tôi cũng chẳng giả đò nam tu nữ thánh. Chúng tôi không gọi mình là vô tính chỉ vì không thể tìm được cho mình một bạn đời phù hợp. Chúng tôi chẳng nhất thiết phải khiếp sợ gần gũi thể xác. Chúng tôi cũng chẳng gọi mời ai “sửa” mình.

(Trích quyển “Xu hướng vô hình” (2014) của Julie Sondra Decker, một nhà văn và nhà hoạt động ủng hộ vô tính.)

Định nghĩa đôi khi ý tại ngôn ngoại. Chẳng hạn như khái niệm vô tính. Vô tính theo thông thường được định nghĩa là không có cảm giác thu hút về thể xác với kẻ khác. Định nghĩa này để ngỏ một tình huống không hề mâu thuẫn, đó là người vô tính có thể cảm nhận các kiểu thu hút  khác, cảm thấy ham muốn tình dục, có những tơ tưởng tình dục, thủ dâm, hay làm tình với người khác, đó là còn chưa kể việc duy trì các mối quan hệ lãng mạn nữa.

Đây không chỉ đơn thuần là một tình huống trong sách vở hay lỗi do cách định nghĩa còn chưa thỏa đáng, mà chính là cuộc sống của nhiều người vô tính. Chẳng hạn, Mạng lưới tuyên truyền và giáo dục về vô tính(AVEN) mô tả một số người vô tính là “chấp thuận tình dục”, tức “có thể tiếp thu việc tìm  cách tận hưởng hoạt động tình dục bằng thể xác hoặc cảm xúc, vui vẻ trao đi hơn là nhận về khoái lạc.” Tương tự như vậy, chỉ có một phần tư người vô tính là không quan tâm đến chuyện tình cảm và nhận mình là người vô ái.

Những thực tế vừa nêu chưa được chấp nhận rộng rãi, và vô tính vẫn chưa được nhìn nhận nghiêm túc. Nhưng giả như chịu bàn về vô tính, chúng ta sẽ thấu hiểu trọn vẹn hơn về tình cảm lãng mạn và sinh hoạt tình dục. Chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy rằng tình cảm lãng mạn, thậm chí lúc mới bắt đầu, không nhất thiết phải liên quan đến hấp dẫn hay sinh hoạt tình dục, và chúng ta cũng nhớ ra rằng tình dục có thể được thưởng thức theo nhiều cách khác nhau. 

Trước khi tìm hiểu mối liên hệ giữa vô tính và tình cảm, cũng nên tường minh trước thế nào là vô tính và thế nào thì không phải. Những sự phân biệt sau đây được các cộng đồng vô tính và tài liệu nghiên cứu rộng rãi chấp nhận.

Người vô tính chiếm khoảng 1% tổng dân số. Không như người hữu tính, vốn có thể cảm thấy hấp dẫn tính dục, người vô tính không cảm thấy bị thu hút với một người hay một vật nào đó về mặt tính dục. Hấp dẫn tính dục khác với ham muốn tính dục, sinh hoạt tình dục hay kích thích tình dục. Ham muốn tính dục là sự thôi thúc muốn đạt được khoái cảm nhưng không nhất thiết phải có một đối tượng cụ thể. Sinh hoạt tình dục dùng để nói về các thực hành hướng tới khoái cảm và cực khoái. Kích thích tình dục là phản ứng của cơ thể mỗi khi mong muốn, hay tham gia vào một ham muốn tính dục hay một sinh hoạt tình dục.

Sự hấp dẫn, ham muốn, sinh hoạt và sự kích thích không phải lúc nào cũng đồng hành với nhau. Chẳng hạn, Heloise có thể thấy Abelard quyến rũ về tính dục nhưng không hề muốn làm tình với anh ta. Hoặc Heloise thấy anh ta quyến rũ, muốn làm tình với anh, nhưng vẫn giữ tiết hạnh vì lý do tôn giáo. Ngược lại, Abelard có thể không thấy Heloise quyến rũ về tính dục, nhưng vẫn muốn làm tình với cô (có thể để làm đẹp lòng cô, hay để có con nối dõi). Hoặc anh có thể thấy khó được kích thích kể cả khi thấy Heloise quyến rũ và muốn làm tình với cô.

Có lẽ nhiều người sẽ không khỏi thấy ngạc nhiên khi biết rằng người vô tính vẫn có ham muốn tính dục, và một số vẫn quan hệ với bạn tình và/hoặc thủ dâm. Nhưng thực tế lại như thế đấy. Hấp dẫn tình dục dành cho người khác không phải là tiền đề bắt buộc cho ham muốn thể xác. Nghiên cứu về các trải nghiệm này đang góp phần định hình cho hiểu biết của chúng ta về ham muốn nói chung. Chẳng hạn, một nghiên cứu về thủ dâm ở người vô tính đã chỉ ra rằng trong một số trường hợp, ham muốn của họ không có chủ thể, tức chẳng hướng tới bất cứ ai cả. Mỗi khi người vô tính tơ tưởng về người khác, hành động này thường trừu tượng hơn, tựu vào những bối cảnh lãng mạn hơn là vào những cá nhân cụ thể, hoặc không diễn ra từ góc nhìn của ngôi thứ nhất. Chẳng hạn, một người viết trên một diễn đàn AVEN về suy nghĩ của người vô tính khi họ thủ dâm như sau: “đó là những cảnh tượng diễn ra ở ngôi thứ ba; tôi có thể thấy một nhân vật nam nào đó đại khái giống mình, nhưng vẫn không phải là tôi, và quá trình này được quan sát trong đầu hơn là được tham gia.” Có người viết: “Tôi hầu như lúc nào cũng chỉ nghĩ đến các nhân vật hư cấu. Ý nghĩ của tôi không bao giờ dính tới những người mà tôi quen biết, và cũng chưa bao giờ có tôi trong đó.” Điều này khiến nhà nghiên cứu vô tính Anthony Bogaert của ĐH Brock, Ontario, nghĩ ra khái niệm “tính dục tự khởi” (tính dục phi bản dạng).

Bởi một số người vô tính cũng có ham muốn tình dục, dẫu rằng khác thường, và họ vẫn sinh hoạt tình dục, vô tính không nên bị nhầm lẫn với các rối loạn về ham muốn tình dục, chẳng hạn rối loạn giảm ham muốn, người mắc rối loạn này cảm thấy lo âu khi thấy ham muốn tình dục của mình bị suy giảm. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa cho rằng không có người vô tính nào thấy lo âu vì sự thiếu khuyết hấp dẫn tình dục của mình, và chắc chắn một số còn cảm thấy điều này làm họ bị giới hạn trong giao tiếp. Mà là, như nhà nghiên cứu Andrew Hinderliter, ĐH Illinois tại Urbana-Campaign chỉ ra: “một mục tiêu chính của cộng đồng vô tính là làm sao để vô tính được nhìn nhận thành một phần của ‘sự phiên bản thông thường’ tồn tại trong tính dục của con người, thay vì một rối loạn cần được chữa trị.”

Vô tính thường được cho là một khuynh hướng tính dục bởi đặc tính lâu dài của nó. (Không nên xem vô tính là sự thiếu khuyết khuynh hướng, bởi như vậy tức ám chỉ vô tính là một thiếu khuyết, vốn không phải cách nhiều người vô tính muốn được người khác nhìn nhận về mình.) Lưỡng tính là bị hấp dẫn giới tính cả với nam lẫn nữ; vô tính là không bị hấp dẫn với ai cả. Bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng, tương tự như lưỡng tính, vô tính là một đặc điểm tương đối bền vững, không do tùy chọn trong bản dạng cá nhân. Như Bogaert chỉ ra, người ta thường được xác định là vô tính chỉ khi họ cho rằng họ chưa từng cảm thấy hấp dẫn tính dục với ai khác. Một người có ham muốn tình dục suy yếu hoặc chọn kiêng tình dục không phải là người vô tính. Vì vô tính được hiểu là một khuynh hướng, nói về một người kiêng tình dục vô tính, hay một người vô tính có rối loạn về ham muốn cũng không có có gì quái lạ. Khi biết rằng một người là vô tính tức là hiểu về hình thái hấp dẫn giới tính của họ; chứ không biết được họ có ham muốn tính dục, hay có làm tình hay không. Điều tương tự cũng hoàn toàn đúng đối với việc hiểu về khuynh hướng tính dục của bất kỳ ai: tự thân điều này chẳng cho chúng ta biết gì về ham muốn, kích thích hay sinh hoạt tình dục cả.

Biết về khuynh hướng tính dục của một người cũng không cho ta biết gì nhiều về thái độ chung của họ đối với tính dục. Một số người vô tính có thể không nhận được nhiều khoái cảm khi quan hệ. Một số người vô tính, như người hữu tính, cảm thấy tình dục nhìn chung vô cùng khó chịu. Số khác lại thấy việc tự thân họ tham gia quan hệ là vô cùng khó chịu; số khác lại trung tính về tình dục; vẫn còn số khác nữa tham gia tình dục trong các bối cảnh cụ thể và vì lý do cụ thể, chẳng hạn để giúp ích một bạn tình; để cảm thấy gần gũi với ai đó; để thư giãn; để giúp ích cho sức khỏe tinh thần; vân vân. Chẳng hạn, nhà xã hội học Mark Carrigan, hiện đang ở ĐH Cambridge, dẫn lời Paul, một người vô tính, trả lời phỏng vấn của ông như sau:

Giả thử rằng tôi đang có một mối quan hệ nghiêm túc với một người có tính dục – không phải một người vô tính – tôi sẽ làm tình chủ yếu để dỗ dành và trao cho người kia những gì họ muốn. Nhưng không miễn cưỡng. Mang lại cho họ niềm vui, chẳng phải chỉ vì họ muốn thế, mà còn là một dạng hợp hoan mang tính biểu tượng.

Khi biết rằng một người là vô tính tức là hiểu về hình thái hấp dẫn giới tính của họ; chứ không biết được họ có ham muốn tính dục, hay có làm tình hay không.

Băng tắt qua ranh giới khác biệt giữa những người cảm thấy hấp dẫn tính dục và những người không cảm thấy nó chính là sự khác biệt giữa người cảm thấy hấp dẫn về tình cảm lãng mạn và những người không cảm thấy nó, tức người vô tính luyến ái. Những người vô tính không cảm thấy bị cuốn hút lãng mạn với người khác, và thường không có nhu cầu muốn có các mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc họ né tránh cam kết, và một số trong số họ có khi còn duy trì một mối quan hệ QPR – một mối quan hệ queer/quasi-platonic, chỉ có sự đồng hành và cam kết nhưng không có các kỳ vọng lãng mạn “truyền thống”. Một khảo sát do AVEN tiến hành năm 2014 cho thấy rằng 25,9% người vô tính nhận mình là người vô ái. Nhiều người vô tính để ngỏ khả năng có các mối quan hệ yêu đương, và có khuynh hướng lãng mạn hẳn hoi; tự coi mình là yêu người dị tính, yêu người đồng tính, yêu người lưỡng tính, vân vân, tức là bị thu hút bởi những người có giới tính cùng hoặc khác họ. Tương tự, người vô tính cũng có thể chào đón mối quan hệ phi đơn giao (non-monogamy) vì cùng những lý do của người dị tính.

Điều đặc biệt cần chú ý là vô tính lẫn vô ái đều không hề ngăn cản bất cứ hình thái hấp dẫn nào khác giữa người và người với nhau. Chúng ta có thể bị cuốn hút vào người khác bởi họ thông minh, hóm hỉnh, xinh đẹp, hay giàu cá tính, và thấy thờ ơ lãnh đạm với những ai thiếu khuyết những đặc tính này, mà không cần phải cảm thấy bị thu hút lãng mạn hay giới tính đối với họ.

Như các hình thức khác của tình yêu, tình cảm lãng mạn bao gồm việc quan tâm chăm sóc người mình thương yêu. Lý tưởng mà nói, đó là một sự đắp đổi tình cảm qua lại giữa hai người bình đẳng với nhau. Tình cảm lãng mạn khác với tình cảm gia đình vì có sự chọn lựa – chúng ta chọn đối tượng cho bản thân – và cũng khác với tình cảm gia đình và tình bạn ở chỗ chúng ta chỉ có thể dành tình yêu cho một số ít người cùng một lúc. (Dù cũng có không ít người ủng hộ đa ái – chẳng hạn bài viết của Carrie Jenkins – nhưng thông thường người ta chỉ có một hay một số nhỏ đối tác lãng mạn cùng một lúc.) Tình cảm lãng mạn cũng khác với tình cảm gia đình ở chỗ nó rất nặng tính cho đi-nhận lại, và dễ chấm dứt hơn. Dù vậy, tình cảm lãng mạn cũng bền chặt – tình nhân không bỏ nhau ngay khi xảy ra chuyện. Tình cảm cũng thường có cảm giác miễn cưỡng, hay vượt kiểm soát, và có thể chuếnh choáng say sưa. Cuối cùng, tình cảm lãng mạn bao gồm một khát khao muốn được gần gũi về thể xác và cảm xúc, cũng như khao khát muốn chia sẻ theo một cách nào đó phần đời của cá nhân ta với người kia.

Nếu bị dồn ép, người ta có thể chấp nhận rằng, trong một số trường hợp tình yêu lãng mạn có thể tồn tại không cần tình dục, chẳng hạn những người khuyết tật không thể sinh hoạt tình dục, hoặc khi người ta không còn thiết tha với tình dục, có thể bởi tuổi tác hay suy giảm dục năng. Tuy nhiên, nhận định phổ biến, cả trong triết luận lẫn xã hội nói chung, đều cho rằng tình yêu lãng mạn nhất thiết phải có một khía cạnh tình dục, và sẽ là chưa được trọn vẹn nếu như thiếu đi hấp dẫn tính dục lẫn sinh hoạt tình dục. Một nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu PEW năm 2016 nhận thấy rằng 61% đối tượng trả lời khảo sát cho rằng có một mối quan hệ tình dục mỹ mãn là hết sức quan trọng trong một cuộc hôn nhân thành công.

Sinh hoạt tình dục thường được cho là cái phân biệt giữa tình yêu lãng mạn với các hình thái khác và bận tâm khác của tình yêu, nhất là so với tình bạn. Quả thật, tình yêu lãng mạn thường được gọi dưới tên “tình yêu eros” hay “tình yêu dục tính”, và mặc định rằng lên các cuộc hôn nhân cần phải có yếu tố tính dục vẫn được viết vào luật hôn nhân. Ở Anh, hôn nhân được xem là “có thể chấm dứt”, và có thể bãi bỏ nếu như các bên không tham gia sinh hoạt tình dục với nhau. “Chế độ mặc định” là tình yêu lãng mạn bao gồm tình dục, và do đó ta cảm thấy hợp lý khi trông đợi đối tác lãng mạn làm tình với mình, thậm chí chấm dứt luôn nếu như không có triển vọng gì rằng tình dục sẽ là một phần trong mối quan hệ. Hơn nữa, sinh hoạt tình dục đều đặn thường được cho là dấu hiệu của một mối quan hệ lãng mạn lành mạnh, và ngược lại thiếu vắng tình dục được coi là một dấu hiệu cho thấy các trục trặc khác của mối quan hệ. Có thể là do tình dục vẫn được cho là hình thái mãnh liệt hoặc vẹn tròn nhất của sự gần gũi giữa con người với con người. Thế nhưng khi nhìn vào tình trạng vô tính, ta thấy chẳng hề có lý do nào để cho rằng tình yêu lãng mạn sẽ trở nên khuyết thiếu nếu không có yếu tố tính dục.

Một số ví dụ giúp chúng nhìn nhận thêm về tình cảm lãng mạn vô tính có thể như sau:

Tôi từng yêu. Nàng xâm chiếm giấc mơ của tôi. Nàng độc chiếm mọi ý nghĩ của tôi. Tôi muốn trò chuyện với nàng hàng giờ, hằng ngày. Tôi sẽ cười mỗi khi nhìn thấy bất cứ thứ gì gợi nhớ tới nàng. Tôi cười sung sướng bởi một điều nàng nói từ nhiều ngày trước. Tôi muốn ở bên nàng từng giây từng phút. Tôi muốn sẻ chia cuộc đời với nàng. Chẳng có chút bí mật nào cả. Tôi nhìn thấy khuôn mặt nàng khi khép mắt, tôi cảm nhận nàng vẫn mơn man kể cả sau khi nàng đã rời đi, tôi ngửi thấy hương tóc nàng thoảng đưa trong gió, tôi nghe tiếng nàng giữa lặng câm. Nàng với tôi là tất cả. Chỉ là tôi chẳng mấy mặn mà với việc ngủ cùng với nàng. (Trích sách Vô tính: Một giới thiệu ngắn (2012))

Quan hệ vô tính cũng giống như một mối quan hệ “bình thường”, ngoại trừ việc lên giường chỉ để ngủ, và không có cái khoản sờ mó bộ phận sinh dục của nhau. Ta vẫn yêu thương nhau và nghĩ rằng người kia hết sức đáng yêu và xinh xắn. Vẫn ôm ấp và âu yếm lẫn nhau, vẫn hạnh phúc hôn nhau và muốn được ở bên họ. Vẫn giúp nhau việc này việc nọ, và vẫn hẹn hò. Vẫn mơ về cuộc sống cùng với nhau, và cãi nhau xem ai sẽ là người rửa chén. Vẫn sẻ chia ngọt bùi, vẫn khuyến khích người kia trở thành phiên bản toàn mỹ, cảm thông với nhau sau một ngày không suôn sẻ ở chỗ làm. Vẫn trêu đùa nhau, hay hy sinh nho nhỏ cốt chỉ để nhìn thấy nụ cười của người kia. Vẫn thức sớm đi làm và ngắm họ ngủ thêm ít phút, cảm thấy an lành và quyến luyến trong một sáng bình yên. Thực tình, ngoại trừ việc thiếu đi khoản tình dục và chạm vào cơ quan sinh dục của nhau, tôi cho rằng chẳng có gì khác biệt cả. (Từ một cuộc thảo luận trên Reddit năm 2018.)

Các mô tả vừa rồi chỉ ra rõ rằng một số người vô tính vẫn yêu thích mọi khía cạnh phi tính dục trong một mối quan hệ lãng mạn – tức, một kiểu quan tâm có chọn (và) lọc dành cho một ai khác, dù vẫn có điều kiện, vẫn dai dẳng và đầy đam mê. Cũng rõ là các khía cạnh phi tính dục của một mối quan hệ được xem là thân thiết: chúng khiến người kia trở nên nổi bật. Bởi vì các ví dụ về tình yêu vô tính không có vẻ gì là khiếm khuyết, nhất là khi đem đi so sánh với các mối quan hệ tính dục thiếu sự gần gũi về cảm xúc, nên thứ khiến tình yêu lãng mạn trở nên lãng mạn chắc hẳn phải là một cái gì đó khác chứ chẳng phải tình dục.

Chúng ta thiếu không gian để liệt kê ra chính xác thành phần cấu thành tình cảm lãng mạn là gì, nhưng điều thú vị trong các mô tả về sự thân mật lãng mạn vô tính chính là vẫn có sự nhấn mạnh vào sự gần gũi và quen thuộc về thân thể. Theo những mô tả ở trên, nó không chỉ dừng lại ở việc phải có lòng tin, kế hoạch chung, hay việc chung sống là đủ cấu thành sự gần gũi lãng mạn, mà còn cần một kiểu gần gũi bao trùm với người kia và từ đó sinh ra cảm tưởng về một thế giới cùng nhau san sẻ: có bóng dáng họ trong tâm trí, nhung nhớ mùi hương, có một cảm tưởng thân thương về sự hiện diện của họ kể cả khi vắng bóng, vân vân. Sự “tương thể” này, theo cách nói của bác sĩ tâm thần và triết gia Thomas Fuchs, ĐH Heidelberg – vốn “nằm tại các thói quen chung trong giao tiếp, tạo ra từ việc nhìn ngắm, trò chuyện, động chạm, ấp ôm, tiếp xúc thể xác hay tình dục lẫn nhau” – là một đặc trưng trong tình cảm lãng mạn và khác biệt với tình bạn, kể cả là thân thiết nhất, và [chính điều này] có thể giúp phân biệt tình cảm lãng mạn với các kiểu tình cảm khác mà không nhất thiết lúc nào cũng có yếu tố tính dục.

Sự tồn tại của tình cảm vô tính luyến ái giúp chúng ta nhận ra rằng bất kỳ mối liên hệ tự nhận nào giữa tình cảm lãng mạn với tình dục đều cần phải gọt bớt đi. Nhưng ta cũng cần nhớ rằng một số người vô tính vẫn có quan hệ, và thích thú, tình dục. Theo định nghĩa, người vô tính sẽ quan hệ tình dục mà không thấy hấp dẫn về tính dục với đối phương. Cần xét đến điều này khi bàn về thế nào là trải nghiệm tình dục thỏa mãn. Khi xem xét một cách nghiêm túc các trải nghiệm của người vô tính, chúng ta có lý do để mở rộng cách nhìn về tình dục được thỏa mãn: đó là khi nó dung nạp nhiều kiểu hấp dẫn, ham muốn và tận hưởng khác nhau.

Tình dục, nhất là trong ngữ cảnh quan hệ lãng mạn, nên thân mật và đáng hưởng thụ, nhưng có phải hấp dẫn giới tính là cần thiết? Có người có thể cho rằng sự hấp dẫn lẫn nhau là một phần cần thiết để có trải nghiệm tình dục thỏa mãn bởi tình dục không thể nào mang tính song thuận nếu như thiếu vắng sự hấp dẫn. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng đồng thuận là một điều kiện nền nhất thiết cho bất kỳ sinh hoạt tình dục thỏa mãn nào. Tuy nhiên, chúng tôi lại không cho rằng cảm giác hấp dẫn giới tính của một người đối với người khác có liên quan gì đến câu hỏi liệu sinh hoạt tình dục giữa họ có song thuận hay không. Sự hiện diện hoặc thiếu vắng cảm giác hấp dẫn dành cho người khác không khẳng định liệu sinh hoạt tình dục diễn ra sau đó có song thuận hay không; quả thật, xâm hại tình dục có thể và có diễn ra trong các mối quan hệ có sự hấp dẫn lẫn nhau.

Nói như thế, một nhà phê bình có thể giải thích rằng tình dục thiếu đi sự hấp dẫn, dù đến từ song thuận, vẫn là tình dục không được khát khao, hoặc tình dục mà một người đồng thuận nhưng không mong muốn. Tình dục không mong muốn quả thật có thể làm người ta tổn thương. Để trả lời vấn đề này, chúng tôi đồng ý rằng tình dục không mong muốn có thể gây hại, nhưng cũng phải chỉ ra rằng tình dục không đến từ sự hấp dẫn vẫn có thể có ham muốn, và tình dục đến cùng sự hấp dẫn vẫn có thể không được mong mỏi. Người vô tính luyến ái có thể làm tình với đối phương để được gần gũi với họ, hay để thư giãn chẳng hạn. Họ có thể muốn có tình dục mà không cần tới hấp dẫn tính dục. Điều này không nhất thiết là vấn đề tồn đọng gì cả. Đôi khi người ta nghĩ rằng tình dục nên được mong mỏi “tự thân”, nhưng rất khó mà chỉ rõ ra nói như vậy có nghĩa là gì. Một khi ta bắt đầu thật sự dụng ý nghĩ về tình dục, sự khao khát về nó, chí ít là một phần nào đó vẫn mang tính công năng – để nhận về khoái cảm, sự gần gũi, vân vân.

Nhà phê bình có thể có một bận tâm khác liên quan – rằng trong một mối quan hệ giữa một người hữu tính và một người vô tính, nhất là một mối quan hệ có các bất bình đẳng trong mối quan hệ, người vô tính thường chịu sức ép phải sinh hoạt tình dục không mong muốn. Thế nên, chúng tôi đồng tình rằng có thể tồn tại những khó khăn trong mối quan hệ giữa người vô tính và người hữu tính, nhưng chúng tôi không cho rằng những khó khăn này vượt quá ngưỡng hay buộc người vô tính phải tham gia tình dục ngoài mong muốn. Ngoài ra, bất bình đẳng quyền lực trong mối quan hệ nào cũng gây lo ngại, và không một ai nên cảm thấy mình bị áp lực phải có quan hệ tình dục ngoài mong muốn cả. Cuối cùng, lề thói xã hội cho rằng các mối quan hệ lãng mạn buộc phải có yếu tố tính dục càng góp phần vào áp lực buộc phải có quan hệ tình dục khi yêu nhau. Đây là thứ lề thói mà chúng tôi đang thách thức.

Kể cả nếu nhà phê bình của chúng ta đồng ý với những điều trên, họ vẫn có thể cho rằng hấp dẫn tình dục đối với một người chính là cái làm nên sự gần gũi và đặc biệt trong sinh hoạt tình dục, bởi chính hấp dẫn tính dục đặt người kia vào trọng tâm của sinh hoạt. Không có hấp dẫn, cá tính riêng biệt của người kia dường như bị ra rìa cuộc tiếp kiến tình dục. (Một lập luận tương tự có thể nêu ra dành cho vai trò của hấp dẫn tính dục trong tình cảm lãng mạn nói chung.)

Có lẽ tình dục thỏa mãn luôn thật cần tới sự hấp dẫn; chúng tôi chỉ phủ định việc nhất định hấp dẫn ấy phải mang tính tình dục.

Chúng tôi có một lời giải giản dị cho bận tâm này: có quá nhiều cách để tiếp cận, và tô đậm, một người trong tiếp xúc tình dục. Hấp dẫn tình dục thôi sẽ không đủ để có tình dục gần gũi bởi một người có thể bị hấp dẫn tính dục với một người khác và làm tình với họ mà chẳng cần tới sự tin tưởng, ân cần hay thông hiểu về họ. Hấp dẫn tình dục cũng chẳng thiết yếu để có sự gần gũi trong tình dục, bởi các yếu tố trên hoàn toàn có thể hiện hữu trong khi thiếu đi hấp dẫn tình dục.

Kết luận này được củng cố bởi một thực tế, được nhiều người vô tính luyến ái nhấn mạnh rất nhiều lần, rằng hấp dẫn tình dục chỉ là một kiểu hấp dẫn, không hơn. Chẳng hạn, Decker lưu ý rằng: “Vô số các loại hình hấp dẫn phi tính dục và phi lãng mạn tồn tại, bao gồm hấp dẫn về thẩm mỹ, cơ thể, trí tuệ và nhiều kiểu khác. Chúng có thể hiện diện độc lập nhau hoặc liên kết với các kiểu hấp dẫn khác, và các yếu tố ấy có thể mãnh liệt, sâu sắc và đa sắc diện.”

Ta có thể thấy một người xinh đẹp, quyến rũ, hài hước, cuốn hút, mà chẳng hề thấy họ hấp dẫn về tính dục, chẳng những vậy mà những loại hấp dẫn ấy đã thừa sức để khiến một cuộc gặp gỡ tình dục, hoặc một mối quan hệ lãng mạn, trở nên sinh động, và bảo đảm rằng người kia nằm ở tâm điểm sự quan tâm của ta. Có lẽ tình dục thỏa mãn luôn thật cần tới sự hấp dẫn; chúng tôi chỉ phủ định việc nhất định hấp dẫn ấy phải mang tính tình dục.

Cũng như một lần ân ái thỏa mãn không đòi hỏi phải hấp dẫn tính dục, một ân ái thỏa mãn không nhất thiết phải thỏa mãn về tính dục. Một số người vô tính luyến ái thờ ơ với khoái cảm tình dục nhưng vẫn làm tình vì các lý do khác. Khoái cảm tình dục là khoái cảm về cơ thể chỉ có được thông qua sinh hoạt tình dục. Khi chú ý đến xu hướng vô tính luyến ái, chúng ta được nhắc nhở rằng thỏa mãn tình dục còn có thể có nhiều dạng khác nhau. Cũng như những kiểu hấp dẫn khác nhau có thể khiến một tiếp kiến tình dục trở nên sinh động, rất nhiều kiểu khoái cảm khác nhau vẫn luôn tồn tại. Dẫu về cơ bản nói rằng khoái cảm tình dục có thể là trọng tâm của việc ân ái đối với nhiều người không sai, ta cũng cần chú ý đến hai điểm liên quan: (1) không phải khoái cảm nào trong một hoạt động cũng đặc thù, hoặc điển trưng, cho hoạt động ấy; và (2) chúng ta không thường đánh giá mức độ khao khát về một hoạt động dựa trên những khoái cảm điển hình mà nó mang lại.

Ở đây một so sánh có thể sẽ hữu ích. Mary có thể cảm thấy rất vui sướng khi dùng bữa tại tiệc khai trương một nhà hàng sang, dù không hề sành ăn cũng chẳng quan tâm gì tới những tinh kỳ kỹ nghệ trong ẩm thực hiện đại, mà chỉ bởi con gái của chị ta đứng bếp. Bữa tối ấy mang cho Mary niềm vui từ sự tự hào và giao tiếp với những người xung quanh, nhưng niềm vui của chị không đến từ ẩm thực. Với nhìn nhận của chúng ta, rõ ràng vẫn đúng khi nói rằng Mary muốn đi ăn tối và yêu thích trải nghiệm đó. Tương tự, sinh hoạt tình dục không hề khác: một người có thể muốn làm tình với người khác, đạt khoái cảm khi làm tình với người kia, nhưng không nhất thiết phải thấy khoái cảm đó từ chính việc làm tình (chí ít, nếu như khoái cảm tình dục đó buộc phải liên quan đến hấp dẫn tính dục.) Phân biệt này giúp chúng ta thấy rằng tình dục dù không có hấp dẫn giới tính vẫn có thể cho khoái cảm theo những cách khác.

Thấu hiểu về vô tính luyến ái giúp chúng ta cơi rộng hiểu biết của bản thân về tình yêu và tình dục. Trước hết, trải nghiệm của người vô tính luyến ái trong các mối quan hệ lãng mạn giúp chúng ta lưu ý rằng sinh hoạt tình dục không phải luôn là để bày tỏ tình cảm hay sự thân thuộc. Thứ hai, và thú vị hơn, trải nghiệm tình dục của người vô tính đang dần chỉ ra rằng chúng ta nhận thức quá hẹp hòi về hấp dẫn và tận hưởng. Có nhiều cách để khiến sinh hoạt tình dục trở nên thích thú, và không phải tất cả đều dựa vào trải nghiệm hấp dẫn giới tính đơn thuần, hay khoái cảm tình dục đơn thuần. Cần thiết phải đứng lên thách thức các giả định này. Sự phủ bao rộng khắp của các giả định này đã và đang dẫn tới các quan điểm hẹp hòi, chật chội về tình yêu và tình dục lãng mạn, và dẫn tới thắc mắc không hề cần thiết, thậm chí gây nhói đau về những mối tình đôi lứa và trải nghiệm tình dục vốn có thể vui sướng, lãng mạn, nếu các giả định kia không hề tồn tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cuộc chia cắt điên rồ
Có những cuộc chiến dù đã qua đi gần một trăm năm, nhưng những dư âm bi thương còn sót lại của nó thì dường như vẫn hằn sâu trong guồng quay của thời gian và kéo dài đến tận hiện tại…
Mới nhất