Từ khắp nơi trên thế giới, các chuyên gia y tế đã và đang ghi nhận nhiều trường hợp về rối loạn tic (*) khởi phát đột ngột ở nhóm thanh thiếu niên. Liệu đây có phải là căn bệnh đầu tiên có khả năng lây lan do tác động từ các phương tiện truyền thông xã hội?
(*) Tic (hay ‘tật máy giật’) là các cử động cơ lặp đi lặp lại, thường diễn ra rất nhanh (ví dụ như giật mạnh đầu, lầm bầm) và không kiểm soát được. Tic là biểu hiện điển hình của một nhóm bệnh về phát triển thần kinh thường khởi phát ở trẻ em, được gọi chung là Rối loạn Tic.
Cách đây 3 năm, một bác sĩ tâm thần tên Kirsten Müller-Vahl lần đầu nhận thấy có gì đó bất thường nơi những bệnh nhân phòng khám ở Hannover, Đức của bà vừa tiếp nhận. Được biết, kiểu bệnh nhân điển hình mắc hội chứng Tourette1 là một bé trai độ tuổi trong khoảng từ 5 đến 7 chậm phát triển, mắc rối loạn tic vận động cấp độ nhẹ với các dấu hiệu thường gặp như nháy mắt hoặc nhăn nhó mặt, kèm theo việc hay phát ra những âm thanh đơn điệu kiểu như ho hắng. Chỉ có khoảng 10 phần trăm trong số các bệnh nhân diễn tiến xấu và mắc chứng nói tục (coprolalia)2 – dạng triệu chứng nổi danh nhất của bệnh biểu hiện qua các hành vi như la hét tục tĩu hoặc phát ngôn những từ ngữ không được xã hội chấp nhận. Dù vậy, phần lớn các bệnh nhân cũng chỉ quanh đi quẩn lại với nửa tá danh sách những từ ngữ “thối” này.
Nhưng những bệnh nhân Kirsten tiếp nhận thì khác. Trước tiên, các bệnh nhân này nằm trong nhóm tuổi cao hơn—nhóm thanh thiếu niên—và khoảng một nửa trong số đó là nữ. Theo như ghi nhận, các rối loạn tic ở họ đột ngột khởi phát, rồi tần suất tăng dần, dồn dập, và trở nên cực kì tệ; một số người còn văng tục đến hơn 100 từ khác nhau. Triệu chứng văng tục thái quá đặc biệt khó hiểu với Müller-Vahl. “Vì kể cả khi đang bị Tourette rất nặng đi chăng nữa, các bệnh nhân cũng sẽ cố giấu bằng được chứng nói tục mà họ mắc,” bà khẳng định. Nhưng những thanh thiếu niên này thì không có vẻ gì là muốn che giấu. Thế nên bà rất bất ngờ, bà nhận thấy “chúng như muốn chứng minh cho mọi người thấy là mình đang mắc phải các triệu chứng này vậy.” Càng lạ hơn, nhiều người trong số họ rất dễ vọt miệng bật ra một câu y chang nhau: Du bist hässlich. “Đồ xấu như ma.”
Là giáo sư về tâm thần tại Trường Y Hannover và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hội chứng Tourette châu Âu, Müller-Vahl không phải là người duy nhất thấy khó hiểu trước hiện tượng này. Cộng đồng các nhà nghiên cứu về Hội chứng Tourette trên khắp thế giới có quan hệ khá thân thiết, và khi cùng bàn luận với nhau, họ đều đồng tình cho rằng đang có một sự chuyển biến nào đó đã xảy ra với các bệnh nhân lẫn các triệu chứng trên toàn thế giới, và diễn ra đồng thời với nhau. Thời điểm trước đại dịch, chỉ có 2 đến 3 phần trăm các bệnh nhi tại Trung tâm Tourette thuộc Đại học Johns Hopkins, Baltimore, là có hành vi giống-rối loạn tic khởi phát cấp tính (acute-onset tic-like behaviors), nhưng tính đến năm ngoái, theo tờ Wall Street Journal, con số đó đã tăng lên thành 10 cho tới 20 phần trăm. Bệnh viện Nhi đồng bang Texas ghi nhận trong thời gian từ tháng Ba năm 2020 đến mùa thu năm 2021, có khoảng 60 trẻ trong độ tuổi vị thành niên mắc rối loạn tic bất thường, trong khi một năm trước đó chỉ ghi nhận một hoặc hai trường hợp tương tự.
Tại một cuộc hội nghị trực tuyến diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, các bác sĩ từ các nước Canada, Pháp, Hoa Kỳ và Hungary cùng tham gia đóng góp thông tin mà họ có. Và tất cả họ đều nhận thấy có một sự gia tăng về số lượng các bệnh nhân mắc rối loạn tic theo kiểu lạ lùng này. Có trường hợp là một thiếu niên đến từ quần đảo New Caledonia thuộc Thái Bình Dương, nơi một thời quân đội Pháp từng chiếm đóng dành làm thuộc địa lưu đày; một bệnh nhân khác thì đến từ hòn đảo St. Helena hẻo lánh nằm ở Nam Đại Tây Dương, nơi Napoleon từng bị chính quyền Anh đày đến sống lưu vong những năm cuối đời. “Đều là những chốn xa xôi hẻo lánh,” Andreas Hartmann, bác sĩ tư vấn chuyên khoa thần kinh học tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris, chỉ ra trong thư điện tử. “Dẫu vậy vẫn có thể truy cập vào TikTok, YouTube hay Instagram.”
***
Trở về thời điểm bốn tháng trước khi phòng khám ở Hannover tiếp nhận bệnh nhân “kiểu mới” đầu tiên, một anh chàng 20 tuổi người Đức tên là Jan Zimmermann đã cho ra một kênh YouTube có tên Gewitter im Kopf, nghĩa là “Trong Đầu có Sấm.” Trên kênh này, anh chàng mô tả lại cuộc sống với các triệu chứng trái khoáy của bản thân, nhưng lại hết sức cuốn mắt: nào là buông những lời tục tĩu, ném thức ăn, xong rồi làm trò liếm láp bông đùa với anh bạn thân Tim. Từng có một thời anh ta làm trò báo cháy giả, kéo phanh khẩn cấp trên tàu, rồi hỏi rất trêu ngươi một vị trưởng phòng nhân sự bị lác mắt rằng “Bức tường có thú vị hơn thằng này không?”
Zimmermann hiện có 2 triệu người theo dõi trên YouTube và sở hữu một ứng dụng được thiết kế riêng cho mình. Ứng dụng này cho phép người dùng tải xuống những file âm thanh được cho là “tic đỉnh nhất” của anh. Trên trang bán hàng của Jim, bạn còn có thể mua áo hoodie các loại, ly sứ và một tấm thảm chùi chân trị giá 25 euro có đề thêm một trong những phát ngôn để đời của anh chàng: Du bist heute besonders hässlich, hay “Hôm nay bạn xấu như ma vậy”—gần giống hệt với câu mà các bệnh nhân của Müller-Vahl liên tục nhắc đi nhắc lại.
Zimmermann tự gọi những triệu chứng của bản thân là “Gisela” (trong tiếng Đức nghĩa là cây dương xỉ), đại ý muốn nói chúng cũng có nghị lực sống. Mới tháng Năm năm ngoái, anh ta đã đe doạ sử dụng hành động pháp lý đối với một nhà hoạt động xã hội, nguyên do là vì người này đã gọi Zimmermann là Nazi sau khi anh ta tung ra một video nướng bánh và nói: “(Đằng ấy) ở trong lò nướng, hãy gửi lời chào của tôi đến Anne Frank.” (Ở Đức, hành vi chối bỏ vụ diệt chủng Holocaust3 và hành động chào kiểu Hitler được coi là phạm pháp. Do vậy, việc phát sóng những nội dung kiểu này lên internet là cực kỳ kinh khủng.) Tuy nhiên, các luật sư đã bào chữa và cho rằng Zimmermann là đối tượng thuộc diện chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nên việc gọi anh ta là Nazi không khác gì một trò lố bịch. Hơn nữa, anh ta cũng không đáng phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình: Bởi sau cùng, Gisela mới là thứ khiến anh ta làm điều đó.
Có vẻ hành vi của Zimmermann đã làm ảnh hưởng đến các rối loạn tic bên trong những người xem kênh của anh. Trong một nghiên cứu sắp được công bố tới đây khảo sát trên 32 bệnh nhân “kiểu mới”, Müller-Vahl phát hiện thấy rằng: có đến 63 phần trăm trong số họ có hành vi ném liệng thức ăn, đồng thời, những từ dùng để chửi thề như arschloch (“đồ khốn”) và fick dich (“mẹ kiếp”) được phát ra rất thường xuyên. Vài cụm từ mà Zimmermann hay nói như pommes (“khoai tây chiên”) hoặc fliegende haie (“cá mập bay”) cũng được một số nhại lại. Nhưng đến lúc bọn trẻ bị nhóm nghiên cứu tra hỏi trong sự có mặt của cha mẹ, rất nhiều trong số chúng đã chối việc mình từng xem qua kênh YouTube của Zimmermann.
“Evies” (những Evie) là cái tên mà đôi khi Tammy Hedderly, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh học tại Bệnh viện Nhi đồng Evelina London, gọi các bệnh nhân mắc tic “kiểu mới” của mình. Tại buổi nghị trực tuyến, bà trình bày rằng những bệnh nhân nữ này “có biểu hiện đấm ngực thùm thụp, hét lên ‘beans’, và quỳ rạp xuống.” Biệt danh kia là lấy theo tên một influencer người Anh 21 tuổi – Evie Meg Field, hay còn được biết đến dưới tài khoản @thistrippyhippie. Cô hiện có 14,2 triệu người theo dõi trên TikTok và gần 800.000 người trên Instagram. Field còn có một cuốn sách đã được xuất bản, tựa đề My Non-identical Twin: What I’d Like You to Know About Living With Tourette’s (Tạm dịch: Người chị em song sinh khác xa của tôi: 101 Điều cần biết khi chung sống với Hội chứng Tourette.)
Một điểm đặc trưng về tic của Field—phát ra từ beans—là điều đã dẫn lối để Tara Murphy, một nhà nghiên cứu người Anh, biết được bệnh nhân Tourette mà bà phát hiện ở St. Helena xa xôi kia chắc hẳn có liên quan đến Internet. Tại hội nghị diễn ra vào tháng Mười, Murphy đã thuật lại cách mà “LM,” một thiếu nữ 16 tuổi đầu, sinh ra và lớn lên trên một hòn đảo, mắc rối loạn tic ngay từ bé nhưng đột nhiên vào đầu năm 2021 vừa rồi, bệnh tình của cô bé diễn tiến xấu với đầy đủ các triệu chứng: tạo tiếng tách bằng lưỡi (clicking), huýt sáo (whistling) và nói beans. Hay nói cách khác, LM là một “Evie”.
Bản thân Field cũng nhận thức được về sức ảnh hưởng theo một kiểu rất lạ của mình. Vào ngày 25 tháng 9 vừa rồi, cô có đăng tải một video quay chính mình trông rất ngây thơ “vô… số tội” với dòng chú thích: “tôi khi xem 95% ng dùng bị tic/tourette nói ‘beans’ và biết rằng mình là bản gốc.”4 Nhưng cả Field và Zimmerman (người vốn không có bất cứ phản hồi nào đối với các yêu cầu cho ý kiến), cũng chỉ là hai trong số hàng chục “influencer mắc hội chứng Tourette” ngoài kia sở hữu một lượng người hâm mộ đông đảo trên mạng. Theo TikTok ước tính, các video gắn nhãn #tourette đã có đến hơn 5 tỷ lượt xem.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc các video này thu hút sự quan tâm hoàn toàn ngoài mong đợi là có liên quan mật thiết đến hành vi vi phạm do sự hiếu kỳ cũng như ý muốn cổ hủ nhằm cổ xúy cho việc “hóng hớt ham vui”.5 Không chỉ vậy, điều này còn cho thấy bên trong nó tồn tại xu hướng bài trừ đối với nhóm “normies” (ý chỉ những người bình thường, có đặc điểm đại trà6) – một điển hình thần kinh (neurotypical)7 — và là một tuyên bố đầy tự hào về quyền được khác biệt. Về mặt bản chất, chứng nói tục (coprolalia) vi phạm các quy ước xã hội. Vì vậy, việc ta theo dõi những người mắc Tourette la hét và văng tục như vậy cũng chẳng khác gì đang xem một diễn viên hài theo kiểu “cố quá thành quá cố” đùa giỡn với những thứ được cho là không nên nói ra.
Hơn nữa, những thanh thiếu niên, nhờ xem qua các video gắn nhãn #tourette, còn tìm thấy cho mình một cộng đồng, nơi họ được chấp thuận, được thấu hiểu và được công nhận một cách chính đáng cho sự tồn tại của bản thân. Hay thực tế hơn, những đứa trẻ này có cơ sở để nhận ra rằng nếu những biểu hiện tic từ những người sáng tạo nội dung ngày một bắt mắt hơn, gây hấn hơn, hoặc thậm chí là thô lỗ hơn, họ sẽ viral tốt hơn.
Những thanh thiếu niên, nhờ xem qua các video gắn nhãn #tourette, tìm thấy cho mình một cộng đồng, nơi họ được chấp thuận, được thấu hiểu và được công nhận một cách chính đáng cho sự tồn tại của bản thân.
***
Vào thời điểm xuất hiện các cơn co giật đầu tiên, Katie Krautwurst đang là một hoạt náo viên tại một trường trung học ở Le Roy, New York. Một ngày tháng Mười của năm 2011, cô bé tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa và bắt đầu có dấu hiệu co thắt. Vài tuần sau đó, một hoạt náo viên khác và là bạn của cô, Thera Sanchez, cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự. Càng về sau, người ta ghi nhận càng nhiều cô bé khác với các triệu chứng như: run rẩy, nói lắp, ngất xỉu, hai cánh tay huơ loạn xạ mà không thể nào kiểm soát được. Đến cuối cùng, đã có ít nhất 18 trường hợp—bao gồm cả một cậu bé và một phụ nữ 36 tuổi—cũng bị như thế tại Le Roy.
Nhiều tháng sau đó, Tạp chí The New York Times đã đăng tải và thuật lại việc “các bậc phụ huynh không khỏi đau lòng trước tình trạng con gái mình liên tục nói lắp trước bàn ăn. Giáo viên thì đóng sầm cửa lớp khi nghe thấy một đợt “dâng trào” sắp ập tới, hết đứa này khóc lại đến đứa khác, khiến cho chuỗi âm thanh quen thuộc ấy bao trùm khắp các hành lang. Chỉ vỏn vẹn vài tháng, cho đến khi các nhóm phóng viên đưa tin ngày một thưa dần, cộng đồng này gần như không còn nhận ra chính họ nữa.” Các cơ quan y tế tại Le Roy lúc bấy giờ vin vào tự nhiên để tìm một lời giải đáp: Liệu có phải nguồn nước tại đây bị ô nhiễm? Hay do đất? Và Erin Brockovich—vâng, chính xác là Erin Brockovich8 mà bạn đang biết đấy—đã đến đây, sẵn sàng lật tẩy một màn che đậy ghê gớm liên quan đến ô nhiễm do chất thải công nghiệp. Bộ Y tế bang New York ngay lập tức ra sức trấn an các bậc cha mẹ tại cuộc họp mặt công khai rằng không hề có chuyện như vậy. Trên sóng chương trình Today của đài NBC, Katie, Thera, và mẹ của cả hai đã cùng tham gia. Cả hai lên sóng với những triệu chứng run rẩy và nói lắp, điều này nhanh chóng thu hút sự chú ý từ khắp cả nước về nguyên nhân gây nên sự tình. Các cảnh quay mô tả lại các tic như một sự gián đoạn không báo trước, so với cuộc sống vốn vẫn đang rất êm đềm của họ. Thera chia sẻ trên sóng truyền hình: “Vào thời điểm chưa bị như thế này, cuộc sống của cháu vẫn ổn, hoàn toàn không sao cả. Mọi thứ tốt lắm luôn. Cháu còn là một học sinh danh dự.” Nhưng bỗng đến một ngày, cô bé kể lại, cô bé tỉnh dậy và các triệu chứng bắt đầu trỗi lên.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, “cơn sốt” đã dấy lên. David Lichter, một bác sĩ gia đình từng điều trị qua cho vài bệnh nhân nữ tại Le Roy, đã đứng ra và tiết lộ chẩn đoán của mình, rằng thứ họ mắc là rối loạn chuyển đổi9, một thuật ngữ do Freud10 đặt ra nhưng đến nay đã bị lỗi thời. Theo đó, các căng thẳng về mặt tâm lý được cho là sẽ biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng triệu chứng về thể chất. Các chuyên gia trên thế giới vì vậy cũng bắt đầu để ý đến vụ việc. “Những hoạt náo viên này không phải đều đang sống hạnh phúc, không phải một cuộc sống đáng mơ ước như ‘giấc mơ Mỹ’; hoàn toàn không,” Simon Wessely, một giáo sư tâm thần học có thâm niên nghiên cứu về bệnh chưa được công nhận (contested illness) tại Đại học King’s College London, đã khẳng định như vậy. Các tin tức về sau cung cấp thêm một số thông tin có giá trị trong quá khứ: Một tuần trước khi Katie bắt đầu xuất hiện các rối loạn tic, mẹ của cô bé, bà Beth, đã phẫu thuật não. Còn với Thera, sự việc về sau vỡ lẽ, cô bé gặp rắc rối với vài thành viên trong gia đình. Nguồn tin từ một cô bé khác cho hay, Thera có một người cha bạo lực.
Một nhà dịch tễ học khác là Wessely cho rằng những gì đang diễn ra tại LeRoy là “một sự việc gần giống với tic truyền nhiễm (contagious tics).” Khi thấy các cô bé xuất hiện trên sóng truyền hình, nhiều bác sĩ có chuyên môn đã bày tỏ sự nghi hoặc trên mạng xã hội. “Bác sĩ chuyên khoa thần kinh,” Wessely bổ sung thêm, “thường không mấy bận tâm đến uyển ngữ. Họ hay nói thẳng: ‘Bọn trẻ bị kích động. Chứ trong y học chẳng có mấy rối loạn biểu hiện chân tay kiểu đó đâu.’” Rốt cuộc, chẩn đoán cho rằng đây là “rối loạn phân ly tập thể” nhận được nhiều sự đồng thuận từ các chuyên gia. Trao đổi qua email gần đây, Lichter bảo rằng đóng góp lớn của ông cho cuộc thảo luận là đưa ra lời khuyên tới các hãng tin tức địa phương, rằng sự việc đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn là do sự chú ý từ giới truyền thông—trong bối cảnh “các gia đình lẫn các nhà hoạt động xã hội ra sức tìm kiếm đâu mới là nguyên nhân ‘thực sự’ cho vấn đề”.
Năm 2012, sau khi trao đổi với các nhà thần kinh học từng điều trị cho hai-phần-ba số bệnh nhân tại Le Roy, Wessely cùng Robert E. Bartholomew, một nhà xã hội học tại New Zealand, đã cùng xuất bản một nghiên cứu liên quan về vụ việc trên. Cả hai cho rằng sự bùng phát này là một trường hợp của rối loạn phân ly tập thể, hay MPI—một loại bệnh xuất phát từ tâm trí và có thể khiến cho cả một nhóm người đều cảm thấy không khỏe cùng một thời điểm. Những kiểu bùng phát như thế đã từng được gọi bằng cái tên “chứng cuồng loạn tập thể” hay “chứng cuồng loạn số đông”.
Nếu Le Roy là “tâm dịch” của một loại MPI, thì Katie, cô bé hoạt náo viên nổi tiếng, hẳn là “bệnh nhân số 0” (index case) và từ đây, những bệnh nhân khác không ý thức được mà bị ảnh hưởng theo—cũng giống như cô bé Abigail, người từng bị đem ra xét xử trước phiên tòa phù thuỷ Salem diễn ra vào năm 169211 trong vở kịch The Crucible của Arthur Miller năm 1953. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các kiểu bùng phát tic và co giật như vậy vốn dĩ rất hiếm trong bối cảnh phương Tây; thay vào đó, chúng lại khá phổ biến tại những quốc gia hay tin vào thuật phù thủy. Nhưng Le Roy đã là trường hợp thứ ba như vậy trong một thập kỷ qua, sau những sự việc tương tự từng diễn ra ở Bắc Carolina và Virginia.
Cho đến thời điểm đó, sự bùng phát tại Le Roy cũng rất bất thường ở chỗ: nó không chỉ giới hạn trong một lớp học hay một nhóm bạn duy nhất. Thay vì thế, các rối loạn tic này lây lan khắp ngôi trường. Các nhà nghiên cứu đã tự hỏi: liệu có phải phương tiện truyền thông xã hội, hoặc một công nghệ mới nào đó, là tác nhân ảnh hưởng đến những mẫu lây lan này hay không. Trường hợp người trưởng thành duy nhất mắc những cơn co giật là một y tá 36 tuổi và cô nói mình chủ yếu theo dõi các tin tức của thị trấn thông qua Facebook. Dựa trên lời kể của các bác sĩ từng điều trị cho 12 bệnh nhân tại Le Roy, Bartholomew và các cộng sự của ông ghi chép lại rằng “ngay sau khi các phương tiện truyền thông bắt đầu ngừng đưa tin, tất cả các trường hợp cho thấy có dấu hiệu hồi phục và đang sinh hoạt rất tốt”—điều này về sau cũng đã được các đơn vị đưa tin địa phương chứng thực.
Cũng có nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra kể từ sau vụ việc tại Le Roy, trong đó, phải kể đến một đợt bùng phát “nấc cụt” vào năm 2012 của 24 học sinh, phần lớn là nữ thuộc hai điểm trường trung học tại Danvers, Massachusetts. (Trớ trêu thay, Danvers chính là địa phận làng Salem, nơi mà các vụ cuồng loạn có liên quan đến thuật phù thuỷ đã từng bùng phát vào hơn ba thế kỷ về trước.)
Vào tháng Tám, Kirsten Müller-Vahl đã chuẩn bị đủ các bằng chứng để sẵn sàng công bố rằng các rối loạn tic kiểu mới này cũng là một loại MPI. Những phát hiện trên được bà trình bày trong nghiên cứu có tên “Stop That! It’s Not Tourette’s but a New Type of Mass Sociogenic Illness.” (Tạm dịch: Dừng lại nào! Đó không phải Tourette mà là một loại Bệnh Xã hội Hàng loạt mới) Nói cách khác, xã hội, mà cụ thể là mạng xã hội, mới là nguồn cơn khiến các triệu chứng lan rộng. Vốn không thể tránh khỏi, công bố này của bà đã thu hút sự chú ý khắp các trang báo—đơn cử là Daily Mail, tờ tin tức lá cải của Anh, đã giật tít “Liệu có phải mạng xã hội là nguyên nhân đứng đằng sau dịch bệnh tic ở tuổi vị thành niên?”—cũng như trong cộng đồng các chuyên gia về Tourette.
Việc xếp sự bùng phát của các rối loạn tic kiểu mới vào nhóm bệnh rối loạn phân ly tập thể sẽ giúp lý giải vô số các đặc điểm nổi bật, chẳng hạn phạm vi độ tuổi hay giới tính bệnh nhân. Trong số 3.500 trường hợp MPI mà Bartholomew từng ghi nhận trong quá khứ cho đến nay, “phải có đến 98% là nữ,” ông chia sẻ. (Chỉ trừ hai trường hợp là thời kì Chiến tranh Vùng Vịnh (Gulf War) và hội chứng Havana12.)
Liệu có phải nữ giới sẽ dễ mắc các chứng bệnh này hơn không? Xét cho cùng, một nghiên cứu trước đây thật sự cho thấy đúng là họ dễ gánh chịu áp lực từ mạng xã hội hơn. Hay là liệu bác sĩ hay cơ quan chức năng có sẵn sàng hơn trong việc xem những biểu hiện này ở phụ nữ chính là xu hướng cuồng loạn của thời đại ngày nay? Tuy nhiên, điều mà ta có thể thấy rõ ràng ở đây, đó là căn bệnh rối loạn phân ly tập thể đang ghi nhận một điều gì đó mới mẻ, chưa thể định hình. Trước đây, một đợt bùng phát thường chỉ gói gọn trong quy mô một ngôi làng, một lớp học, hay một trường nữ tu. “Người ta luôn cho rằng rối loạn lây lan chủ yếu là qua đường nghe nhìn; trong quá khứ, đây chính là yếu tố gây hạn chế sự lây lan,” Bartholomew cho biết. Nhưng giờ đây thì khác, ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu, và khi tic có thể dễ dàng lây lan xuyên qua màn hình, ta đã có thể hình dung được cách mà giới trẻ ngày nay đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao bởi những con người mà chúng đơn thuần chỉ là tương tác qua mạng.
***
Tất cả những dòng tiểu sử trên mạng xã hội lẫn phụ đề sách của Evie Meg Field đều cùng đề cập đến các trải nghiệm cá nhân của bản thân cô khi chung sống với căn bệnh Tourette. Vậy nhưng, sau khi xem qua những video cô ấy ném thức ăn đầy phung phí, Hartmann lẫn Müller-Vahl đều tỏ ra ngờ vực về chẩn đoán này. Hartmann cho rằng một số influencer, cũng như những người theo dõi họ, đều có một thứ nôm na là “functional tics” (tạm dịch: tic chức năng, tic có điều kiện) và nó bao bên ngoài —“từa tựa một củ hành tây,” ông cho biết—từ mức độ Tourette nhẹ đến trung bình. Rất có thể một vài trong số những hành vi gây thu hút, dễ nhận biết và viral kia của họ chính là “sản phẩm” của tic chức năng, chứ chẳng bởi Tourette.
Giới chuyên gia vẫn chưa ghi nhận được sự đồng thuận về cách gọi những bệnh nhân “kiểu mới” của họ, cũng như cách phân loại những triệu chứng đó. Mặc dù khái niệm tic chức năng bắt nguồn từ một yếu tố khác tạm gọi là rối loạn thần kinh chức năng (functional neurological disorder – FND13), nhưng một số chuyên gia vẫn sử dụng cụm từ “hành vi giống-tic” (tic-like behavior) để phân biệt các động thái của người bệnh nhóm này với các động thái của nhóm người bị Tourette. (Chữ chức năng ở đây dùng để mô tả một sự cố nhỏ trong cách phần mềm não bộ hoạt động; bằng một cách nào đó, sự cố này gây tác động đến hệ thống thần kinh và làm sản sinh ra những thanh âm và cử động bất giác, ngoài mong muốn.) Sự thực là vậy, cuốn tự truyện của Field có đề cập đến chuyện cô từng được chẩn đoán là mắc FND nhiều năm về trước sau một chấn thương không xác định rõ; cô chỉ mới được chẩn đoán là mắc Tourette vào tháng Mười 2020, vừa ngay lúc cô trở thành influencer trên TikTok. Không phải mọi cơn co giật, hành động tạo tiếng tách bằng lưỡi hay huýt sáo đều là biểu hiện của bệnh Tourette. Với những cô gái nói beans hay “cá mập bay” gì đó, FND là chẩn đoán phổ biến nhất để gọi thay.
Trước đây, một đợt bùng phát thường chỉ gói gọn trong quy mô một ngôi làng, một lớp học, hay một trường nữ tu… Nhưng giờ đây thì khác, ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu, và khi tic có thể dễ dàng lây lan xuyên qua màn hình, ta đã có thể hình dung được cách mà giới trẻ ngày nay đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao bởi những con người mà chúng đơn thuần chỉ là tương tác qua mạng.
***
Vậy tại sao ta lại nói về những influencer mắc Tourette thay vì những influencer bị FND? Tourette thường được xem là do một nguyên nhân từ tác động bên ngoài gây nên thay vì do tâm lý. Chính phép chẩn đoán này đã ban cho các hành vi của những influencer tính hợp nhẽ về mặt xã hội, đồng thời giảm mức độ gây tổn thương đến các bệnh nhân thay vì ám chỉ họ mắc chứng cuồng loạn hay bị bệnh hoang tưởng (chỉ xảy ra trong đầu mà thôi). Khi được chẩn đoán là mắc Tourette, các thanh thiếu niên cũng sẽ dễ khiến người khác hiểu thấu về sự bất khả kiểm soát của họ trước các cơn tic. Field viết: “Thật tuyệt khi có một danh xưng để gọi tên những triệu chứng này của mình, để khi cần, tôi có thể dễ dàng nói với mọi người rằng ‘tôi bị Tourette đấy.’”
Tại sao một nhóm các triệu chứng đặc biệt này lại xuất hiện đúng vào thời điểm này? Chia sẻ với tôi qua Zoom, Robert Bartholomew bảo rằng đại dịch COVID-19—cùng với tình trạng cách ly xã hội lẫn giáo dục tại nhà nhằm kiểm soát nó—đã hình thành nên một “môi trường hoàn hảo” cho căn bệnh lây lan mạnh mẽ qua mạng xã hội. Các cô bé, cậu bé trở nên xa cách với bạn bè, chúng phải ở nhà liên tục cùng gia đình, một mình dành hàng giờ đồng hồ qua màn hình thiết bị, cùng các thói quen thường ngày bị đảo lộn không kém.
Các chuyên gia khác còn lưu ý: dù các biện pháp đóng cửa cách ly có thể khiến cho triệu chứng nặng thêm, nhưng COVID-19 không phải là nguyên nhân gây nên rối loạn tic “kiểu mới” này—bởi những bệnh nhân đầu tiên đến thăm khám tại cơ sở của Müller-Vahl là vào trước thời điểm virus COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán. Có một giả thuyết khác cho rằng một số trong chúng ta có khuynh hướng “dễ bị tic” nhưng nó chỉ biểu hiện ra khi ta bị căng thẳng hay mắc một loại bệnh khác. Giả thuyết này rất “ăn khớp” với một nghiên cứu hiện có, trong đó chỉ ra rằng rất nhiều Gen Z ngày nay rất hay lo âu, thấy mình tách biệt, dễ bị trầm cảm và tồn tại nhiều vấn đề trong việc nhìn nhận cơ thể chính mình, vốn càng tệ đi vì những thân hình hoàn hảo hay những cuộc sống đáng mơ ước mà họ lướt thấy trên TikTok hay Instagram. Họ chính là một phần trong một cuộc “đại thử nghiệm xã hội”, là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng Internet trên các điện thoại thông minh, là thế hệ đầu tiên mà hầu hết cuộc sống của ai ai cũng bị định hình bởi các lệnh từ các thuật toán mạng xã hội. Tic và co giật vì vậy có thể là một cách nói khác của Tôi muốn được giải thoát mà những đứa trẻ này vô thức bày tỏ.
Dù tic có thể gây suy nhược nghiêm trọng, song, vẫn có một số trường hợp nó có lẽ sẽ đáp ứng được nhu cầu tâm lý ngắn hạn: những thanh thiếu niên mắc phải có thể không đến trường, có thể hạn chế tham gia các hoạt động mà chúng cảm thấy không mấy hứng thú hoặc gây cho chúng nhiều áp lực. Chúng có thể kết bạn bốn phương trực tuyến, và tìm ra được một cộng đồng thực sự dành cho mình. Chúng nhận được sự chú tâm và tình cảm từ gia đình, từ người lạ thông qua Internet. Những ai mắc chứng nói tục cũng có thể tự nhiên nói mấy lời cấm kị mà chẳng có rắc rối gì, vì Gisela khiến tôi làm vậy mà. (Trong thời đại của văn hoá tẩy chay, thứ rối loạn mà bạn có thể công khai chửi bới và miệt thị ai đó lại được cho là thỏa đáng đến khôi hài.) Hartman còn nói, trong một số trường hợp, việc sản xuất các nội dung về Tourette có thể sẽ trở thành một “thứ tự do tối thượng. Cứ hứng lên là bạn cư xử như một tên cà chớn, thậm chí mọi người còn sẽ tung hô bạn và bấm đăng ký theo dõi kênh YouTube của bạn nữa chứ.” Nếu như vậy thì công cuộc đối phó với tic sẽ càng khó hơn. Nanette Mol Debes, một chuyên gia tại Bệnh viện Herlev, Đan Mạch, giải thích điều này thông qua việc một vài nữ sinh mắc bệnh đã cho thấy sự chần chừ, do dự khi họ được bảo rằng cần phải dừng làn sóng này lại ngay. “Thỉnh thoảng, các bệnh nhân đó sẽ vừa buồn, thậm chí giận lên, vừa nói: ‘Bị tic cũng tuyệt mà.’”
Mặt còn lại của câu chuyện là một số người bị tic, dù nguyên nhân là gì, lại đang vô tình tự làm hại mình. Một số trong đó đã phải từ bỏ sở thích hay công việc mà họ yêu. Cuốn sách của Evie Meg Field khép lại với lời kết cảm động về những câu chuyện có thật từ những cá nhân bị tic, chẳng hạn như “nếu không có thuốc thì rất khó để có thể chìm vào giấc ngủ,” cả những chuyện bị từ chối cho lên máy bay chỉ vì họ cứ lặp đi lặp lại câu “tôi có mang theo súng.” Do những gián đoạn gây ra bởi COVID, thêm vấn đề thiếu kinh phí cho dịch vụ chữa trị về sức khỏe tinh thần trong nhiều năm nay mà một số người đã phải loay hoay trong nhiều tháng liền mới có thể tiếp cận được liệu pháp điều trị thích hợp—có người thậm chí chỉ là một lời chẩn đoán. Vì thế, dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, đau khổ là có thật.
Gen Z chính là một phần trong một cuộc “đại thử nghiệm xã hội”, là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng Internet trên các điện thoại thông minh, là thế hệ đầu tiên mà hầu hết cuộc sống của ai ai cũng bị định hình bởi các lệnh từ các thuật toán mạng xã hội. Tic và co giật vì vậy có thể là một cách nói khác của Tôi muốn được giải thoát mà những đứa trẻ này vô thức bày tỏ.
***
Đối với các nhóm bệnh nhân, lời đề xuất cho rằng tic một phần mang đặc tính tâm lý vẫn còn gây khá nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho các trường hợp mắc “bệnh chưa được công nhận” khác, chẳng hạn như bệnh Lyme mãn tính14, đã phản ứng dữ dội với bất kỳ đề xuất nào cho rằng họ vốn mang bản chất xã hội hoặc tâm lý. Không những vậy, họ còn chửi bới và thậm chí dọa giết các nhà nghiên cứu. Mặc dù các bệnh nhân mắc rối loạn tic đã bớt phản ứng tiêu cực đi nhiều, một số bị tic chức năng vẫn phủ nhận ý kiến cho rằng TikTok là nguyên nhân. “Tôi đã đọc qua bài báo, và thấy nó chẳng khác gì một mớ tầm phào,” Michelle Wacek chia sẻ với tờ The Guardian ngay sau khi The Wall Street Journal đưa tin về sự lây lan của tic. “TikTok chẳng phải là thứ gây ra Tourette.” (Wacek khẳng định rằng chuyện cô ấy theo dõi Evie Meg Field trước khi mình khởi phát tic chỉ là trùng hợp mà thôi.) Một influencer mắc Tourette khác là Glen Cooney cũng cảnh báo rằng cơn sốt truyền thông có thể phá huỷ những nỗ lực tốt đẹp đã được thực hiện nhằm giảm đi mức độ kì thị lên căn bệnh này. Cô đăng tải: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa nhận thức, bất kể luôn tồn tại một mụ Karen15 chuyên đi ý kiến ý cò.”
Hiệp hội Tourette Hoa Kỳ thì nhìn nhận theo một cách cặn kẽ hơn. Giám đốc của Hiệp hội, bà Amanda Talty, chia sẻ rằng khoảng một nửa số người bị Tourette hay rối loạn tic hiện sống chung với bệnh mà không hề biết nó là gì, do đó, việc nâng cao nhận thức từ các influencer hoàn toàn được coi là chính đáng. Bà không nghĩ Field có lỗi gì trong việc người theo dõi cô mắc tic cả. “Thật bất công khi ta lại đổ hết lỗi lầm cho một cá nhân gánh chịu như vậy,” Talty phát biểu.
Tuy vậy, do những bản tin báo cáo gần đây, Hiệp hội cuối cùng đã quyết định ban hành một bộ hướng dẫn về cách để phân biệt Tourette với rối loạn thần kinh chức năng. Việc phân biệt này là cần thiết bởi điều trị Tourette theo đúng chuẩn phải bao gồm các thuốc đặc trị chống loạn thần hoặc thuốc dành cho rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), vốn rất mạnh và có khả năng mang lại tác dụng phụ. Những thứ thuốc này “được khuyến cáo không nên sử dụng” để điều trị tic chức năng, dựa theo hướng dẫn của Hiệp hội Tourette, mà thay vào đó là nên áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi. “Hạn chế theo dõi các video có nội dung liên quan đến tic cũng sẽ làm tăng khả năng phục hồi,” Hiệp hội phổ biến thêm.
Tammy Hedderly, vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại London, lo ngại bài nghiên cứu của các chuyên gia Đức về bệnh xã hội hàng loạt sẽ làm dấy lên nghi vấn trẻ vị thành niên hoàn toàn có khả năng khỏi bệnh chỉ cần chúng muốn. Từng có một thiếu niên 14 tuổi đã đến phòng khám của bà và có dấu hiệu “khủng hoảng” khi được yêu cầu ngừng coi các video về bệnh Tourette. Các tic của cậu giống hệt của Field. Cho đến khi trò chuyện, Hedderly mới nhận ra rằng cộng đồng này trên TikTok có ý nghĩa với cậu ấy đến nhường nào.
Thế thì điều gì đang diễn ra vậy? Bartholomew cho rằng “làn sóng” các bệnh nhân đột ngột mắc rối loạn-giống-tic ở thời điểm hiện tại rồi cũng sẽ dịu xuống, đó là khi những điều kiện cấu thành thay đổi đi. “Nó là dấu hiệu của thời đại này,” ông khẳng định. “Một thứ thước đo xã hội.” Tic đang tạo điều kiện cho bọn trẻ biểu đạt phản ứng của mình trước sự cô độc khôn xiết lẫn tình cảm gắn bó ở thời đại này, vốn diễn ra chủ yếu qua các màn hình. Những đợt bùng phát của rối loạn phân ly tập thể có vẻ sẽ thôi lây lan khi ai cũng hiểu rõ sự việc này chả liên quan gì đến rò rỉ hóa chất hay chuyện triển khai vũ khí sinh học bí mật. Và đây cũng là lý do tại sao Bartholomew tin rằng việc nhận diện chúng như một loại bệnh có tính lây nhiễm trong xã hội (social contagion) là rất quan trọng, mặc cho việc nó có thể xúc phạm đến mọi người
Kirsten Müller-Vahl kể với tôi rằng khi nhóm của bà bảo với các bệnh nhân tại Hannover là chúng không hề mắc Tourette, thay vào đó, có một thứ khác đã gây nên những tic và co giật này, chúng đã phản ứng theo nhiều kiểu rất khác nhau. Bà thuật lại, “một số bệnh nhân tương đối đã bình phục sau khi tôi đưa ra chẩn đoán chính xác.” Số khác lại không chịu thừa nhận nó. “Họ vẫn cho rằng bản thân đang mắc Tourette;” một số người thậm chí vẫn duy trì kênh YouTube của họ và tự nhiên đưa ra các chỉ bảo. Họ tự định danh mình là một influencer mắc Tourette, nhưng bây giờ họ lại phát hiện ra bản thân mình không phải mắc Tourette. Chính vì điều này, bà bộc bạch: “Tôi bị gặng hỏi: ‘vậy thì làm thế nào để cháu có thể truyền tải đến người theo dõi mình đây?’” – điều này quả là vấn đề nan giải khác mà Müller-Vahl phải đối mặt.
Hội chứng Tourette (tên đầy đủ: Hội chứng Gilles de la Tourette): là một rối loạn về phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành. Hội chứng Tourette là một phần của các bệnh giật ở cơ thể và có liên quan đến Rối loạn Tic. ↩
Chứng nói tục (coprolalia) là một trường hợp phức tạp của Hội chứng Tourette, khi đó, những lời tục tĩu được phát ra một cách không tự nguyện và được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, không nhất thiết phải có chứng nói tục mới có thể chẩn đoán là mắc Tourette.↩
Bao gồm cả việc nhắc lại và coi như không có gì. Anne Frank là một nhân chứng sống của thời kỳ Đức Quốc Xã.↩
Nguyên văn: “me watching 95% of ppl with tics/tourette’s say the ‘beans’ tic knowing i’m the original source”↩
Nguyên văn: “The unexpectedly wide appeal of these videos is surely bound up with transgression and the old-fashioned desire to rubberneck”. “Rubberneck”, nghĩa dịch thô là “chiếc cổ cao su”, ý chỉ một người hiếu kỳ, chuyên hóng hớt và đi nhòm ngó khắp nơi. ↩
Nguồn tham khảo: https://vietcetera.com/vn/normie-la-gi-lam-nguoi-binh-thuong-thi-da-sao ↩
Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân lớn lên một cách bình thường, không mắc các hội chứng hay bệnh như tự kỷ. Neurotypical là một thuật ngữ thần kinh được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng tự kỷ như một “nhãn hiệu” dành cho những người không-tự-kỷ, nghĩa là những người không có bất kỳ rối loạn phát triển nào. Thuật ngữ này đã được chấp nhận bởi cả phong trào đa dạng thần kinh (Neurodiversity) và cộng đồng khoa học. Tham khảo: https://wivi.wiki/wiki/Neurotypical ↩
Erin Brockovich là một nhà hoạt động môi trường người Mỹ. Bà trở nên nổi tiếng sau khi trở thành luật sư tham gia vụ kiện của Công ty điện lực và khí đốt Pacific Gas & Electric (PG&E) (1993) và thành công chứng minh công ty này đã sử dụng hóa chất gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước ở thị trấn Hinkley, California, Mỹ. Năm 2000, đạo diễn Steven Soderbergh đã dựa trên câu chuyện có thật về bà và sản xuất nên bộ phim Erin Brockovich do nữ diễn viên Julia Roberts thủ vai chính.↩
Rối loạn chuyển đổi (Conversion disorder) là một tình trạng mà một người không nhận thức được chuyện gì đang diễn ra và lên cơn co giật một cách vô thức. Rối loạn chuyển đổi xảy ra khi bệnh nhân đột ngột có các triệu chứng như mù, điếc, liệt, khó nói, co giật mà không có nguyên nhân bệnh lý rõ ràng. Các triệu chứng phát sinh một cách vô thức, thường để đáp ứng với căng thẳng tâm lý. Bệnh nhân có thể mô tả các triệu chứng với thái độ rất thờ ơ. Rối loạn này xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ, ở khoảng tuổi giữa thiếu niên và trung niên. Tỉ lệ những người có rối loạn chuyển đổi đồng thời có rối loạn tâm thần là khá cao.↩
Tức Sigmund Freud (1856-1939).↩
Phiên tòa Phù thuỷ Salem (Salem witch trials, 1692-1693) là một loạt các cuộc điều tra và bắt bớ khiến 19 “phù thủy” tại làng Salem thuộc thuộc địa Vịnh Massachusetts (nay là Danvers, Massachusetts, Hoa Kỳ) bị kết án, treo cổ. Tháng 06/1692, một Tòa án Đặc biệt đã được tổ chức tại Salem dưới quyền Chánh án William Stoughton nhằm xét xử các bị cáo. Người đầu tiên bị xét xử là Bridget Bishop từ làng Salem, người bị kết tội và bị xử tử bằng cách treo cổ vào ngày 10/06. Sau đó, mười ba phụ nữ và bốn người đàn ông thuộc mọi tầng lớp đã theo cô đến giá treo cổ, và một người đàn ông, Giles Corey, đã bị xử tử bằng cách giẫm đạp tới chết. Nguồn tham khảo: https://nghiencuuquocte.org/2020/03/01/san-phu-thuy-salem-bat-dau/ ↩
Hội chứng Havana là tập hợp các triệu chứng chưa được lý giải, lần đầu xuất hiện ở các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Cuba từ cuối năm 2016. Họ thường có biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, lo lắng, khó khăn về nhận thức và mất trí nhớ với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Về sau, có một số nghiên cứu cho rằng các nhà ngoại giao mắc hội chứng Havana thực chất là bị nhiễm độc phospho hữu cơ từ thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, những báo cáo này vẫn chưa được xem là kết luận đầy đủ cũng như chưa phải là kết luận cuối cùng về căn bệnh.↩
Rối loạn thần kinh chức năng (FND) là một dạng rối loạn thần kinh mà người bệnh có các biểu hiện bất thường về tâm lý – thần kinh nhưng không hoàn toàn không có thương tổn thực thể. Người mắc chứng bệnh này ý thức được các triệu chứng mà bản thân gặp phải và vẫn có thể học tập, làm việc và duy trì các mối quan hệ. Rối loạn thần kinh chức năng có triệu chứng rất đa dạng và phần lớn đều có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh lý này được chia thành nhiều nhóm tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, trong đó thường gặp nhất là chứng cuồng loạn (hysteria) và suy nhược thần kinh. Nguồn tham khảo: https://tapchitamlyhoc.com/roi-loan-than-kinh-chuc-nang-5075.html ↩
Bệnh Lyme là một căn bệnh do vi khuẩn gây ra, lây truyền bởi các con bọ chét nhiễm bệnh sống trên cơ thể hươu nai truyền sang người và động vật. Ban đầu, người bệnh chỉ bị ban đỏ nhưng sau đó, họ có thể gặp vấn đề với khớp, tim và kể cả hệ thần kinh. Một số người mắc bệnh Lyme mãn tính có thể có các triệu chứng như mệt mỏi,“đầu óc mù mờ”, rối loạn giấc ngủ và các triệu chứng khác không thể giải thích được. ↩
Karen: /ˈkɛrən/ (danh từ) là một từ lóng có ý miệt thị, dùng để chỉ một phụ nữ trung niên thường hay nổi cáu, xấu tính, bảo thủ. Họ sử dụng đặc quyền của mình để “lên mặt” với người khác. Tìm hiểu thêm: https://spiderum.com/bai-dang/Karen-la-gi-OKL1LSRUXCbr hoặc https://vietcetera.vn/vn/karen-la-gi-ban-co-biet-karen-nao-quanh-minh↩