Thoạt tiên, chuyện ăn một mình phát sinh do hoàn cảnh.
Mùa xuân năm 2020 đánh dấu việc “thế giới của tôi bỗng chốc thu bé lại” vừa bằng vài thước vuông căn hộ, khi ấy, thức ăn vừa là một lạc thú vừa là điều ủi an cho một giai đoạn ngược ngạo đầy ảm đạm và buồn tẻ trong đời tôi. Ngày qua ngày, tôi đều mò đặt pizza từ một quán quen trong Thủ đô Washington; nếm thử cùng khắp mấy nhãn hiệu mì ăn liền; hoặc nướng những mẻ bánh mì chuối. Ở một mức độ nào đó, thói quen này không hề xa lạ. Hồi cấp ba, sau khi bố mẹ ly thân, tôi luôn là người chuẩn bị bữa ăn cho cả mẹ và tôi, nhưng vì bà đi làm về muộn nên tôi thường sẽ dùng bữa một mình trước lúc bà về đến. Vậy nhưng, phần lớn thời gian khi đại dịch diễn ra, cánh cửa nhà tôi chẳng đón lấy dù chỉ một bóng người.
Thời gian dần trôi, tôi đã nhiều lần tự hỏi đến khi nào, hoặc liệu bản thân có còn cơ hội dùng bữa với bạn bè và gia đình một lần nào nữa không. Tôi rơi vào tuyệt vọng. Năm 2020 qua đi và sức khỏe tinh thần của tôi giảm sút, tôi gặp khó khăn trong việc hoàn thành các đầu việc hằng ngày. Những bữa ăn từ chỗ là chiếc phao cứu sinh khỏi nỗi cô đơn nay trở thành một việc mọn làm cho có qua ngày. Tôi chọn nấu bừa vài món không tốn quá nhiều công sức như trứng bác hay cà ri rau củ, những cái tên tôi không mấy mặn mà. Cứ đến bữa là tôi lại bấu víu vào sách siết, Netflix, thậm chí làm này làm kia chỉ để bản thân quên đi. Cuối cùng, tôi đã tải TikTok, và thế là tôi được giải thoát khỏi chuỗi ngày ăn một mình.
Ban đầu, tôi như thấy hình ảnh chính mình phản chiếu trong mục “Dành cho bạn,” nơi chứa đầy rẫy video người ta ăn uống một mình. Trong các video đó, chủ kênh trò chuyện với khán giả vô hình của họ bằng chất giọng hăm hở, như kiểu: “Mình rất mừng vì hôm nay mọi người đã ăn gì đó,” “Dù thế nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ bồi bổ sức khỏe nhé, vì bạn xứng đáng,” hay “Mình cắn một miếng, và bạn cũng thế nhé.” Sao những người này lại đi quay một cảnh sinh hoạt đến là vô vị như thế và đưa nó lên mạng nhỉ? Hơn nữa, tại sao hàng triệu con người không thân không quen với họ, bao gồm cả tôi, hằng đêm đều mở chúng lên xem?
Trên nền tảng TikTok, từ khóa #eatwithme đến nay đã có hơn 3.4 triệu lượt xem. Danh mục này bao gồm các chuyến du lịch ẩm thực đến Disney World, hướng dẫn cách làm bánh nachos1 súp lơ, và tổng hợp những video ASMR ăn cánh gà rán giòn rụm. Loại hình này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ một trào lưu của Hàn Quốc là mukbang—ghép giữa hai từ “ăn uống” (mukja) và “phát sóng” (bangsong)—cụ thể, nó thu hút người xem bằng những cảnh người ta ních vào bụng các khẩu phần ăn cỡ lớn, cộng thêm những âm thanh như độ giòn của thức ăn được phóng đại. Nhưng đây không hề là một loại hình giải trí vô tri vô bổ, bởi rất nhiều video trong số đó được thiết kế nhằm khuyến khích người xem, đặc biệt là những ai đang mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc có chẩn đoán về sức khoẻ tâm thần, cùng ăn với chủ kênh.
Tôi chưa bao giờ gõ tìm những video này. Đều là chúng tự tìm đến, bằng một cách kỳ diệu nào đó mà thuật toán của TikTok lại hiểu bạn hơn cả bạn nữa. Một tài khoản tôi từng thường hay theo dõi là @foodwithsoy của Soy Nguyễn, một food influencer sống tại Los Angeles. Với mái tóc màu lam neon và cặp má bầu bĩnh đặc trưng, Nguyễn luôn mào đầu mỗi video bằng câu nói: “Chào các bạn, lại là chuyên mục ‘eat with me’ đây! Nếu bạn đang trải qua một quãng thời gian khó khăn với việc ăn uống, vậy thì video này là dành cho bạn.” Nguyễn chia sẻ rằng nội dung câu nói trên khá chung chung một cách có chủ đích, nhằm mời gọi mọi người cùng ăn với cô ấy, bất kể người đó có đang chìm trong nỗi đau mất người thân, đang hồi phục sau chứng rối loạn ăn uống hay cảm thấy nhớ nhà da diết. Nguyễn bắt đầu chuỗi các video “eat with me” của mình từ tháng Mười một năm 2020, thời điểm bản thân cô hết sức mệt mỏi do cảm giác bất an từ cuộc bầu cử Tổng thống, cộng thêm cuộc sống xa nhà tận bờ bên kia đại dương, và nỗi lo lắng về đại dịch. Trước đó, cô đã từng gầy dựng sự nghiệp trên TikTok bằng việc sáng tạo nội dung giới thiệu các nhà hàng địa phương mà cô yêu thích tại Los Angeles, nhưng điều này lại khiến cho sự hứng thú với ăn uống của cô tụt dần về con số 0. Vậy nên về sau, Nguyễn đã quyết định quay phim chính mình và đăng tải chúng lên, với hy vọng tìm thấy ai đó đồng điệu.
Đến nay, Nguyễn đã thực hiện hơn 40 video “eat with me” và phần lớn chúng đều theo một kịch bản y hệt nhau. Sau câu mào đầu, cô sẽ bắt đầu huyên thuyên về chủ đề đã chọn, còn video thì chỉ chạy một cảnh liên hồi. Đơn cử là một video từ tháng Tám năm 2021, Nguyễn uống từng hớp soda ramune và nếm những cuộn sushi nhân đầy ụ. Nguyễn kể, cô đã tự dặn lòng phải hết sức chú ý đến sức khỏe tinh thần sau một lần để cảm xúc tụt đến mức chạm đáy: “Tuần vừa rồi, có một thoáng mình đã nghĩ mình không thiết sống nữa,” cô thổ lộ. Khi trò chuyện với người xem rằng: “Mình mong là mọi người hãy tử tế và kiên nhẫn với bản thân hơn” thì đây rõ ràng cũng là cách cô ấy đang vỗ về chính mình. Nguyễn chia sẻ là cô hy vọng việc để mặc cho bản thân yếu đuối, như việc chia sẻ quá trình cô chiến đấu với chứng lo âu và trầm cảm, hoặc nhắc về chẩn đoán ung thư vú của mẹ, có thể giúp cô ghi lại hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân, và đồng thời khuyến khích những cá nhân khác dũng cảm chia sẻ hành trình của họ mà không bị nỗi sợ hãi hay tủi hổ vây lấy. “Theo một cách hiểu nào đó, những video này giống như một cuốn nhật ký của tôi vậy,” cô chia sẻ. “Tôi đã nghĩ thế này, được rồi, mình sẽ công khai nó với cả thế giới.”
Có một số video “eat with me” mang tính chất độc thoại. Số khác thì cố làm sao cho giống đối thoại. Có thể kể đến Marisa, một TikToker 22 tuổi ở Miami hiện sở hữu tài khoản có tên @ris.writes, thường hay đưa ra những câu hỏi kiểu như “Bạn đang ăn gì thế?” hay “Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nào có món khoai tây chiên đỉnh nhất từ trước tới giờ?” rồi cô bấm tạm dừng nhằm tạo hiệu ứng gây cấn, như thể đang chờ cho người xem phản hồi. (Marisa đã yêu cầu tôi chỉ đề cập đến mỗi tên của cô vì lý do riêng tư.) Cô bước chân vào con đường làm những video “eat with me” này là vì yêu cầu từ một khán giả; video đầu tiên của Marisa mà tôi xem có liên quan đến Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Rối loạn ăn uống quốc gia2.
Năm Marisa 14 tuổi, cô đã tìm cách tham gia vào một cộng đồng trên Tumblr có tên là “pro-ana” (có nghĩa là chứng biếng ăn), nơi chứng biếng ăn tinh thần (anorexia3) được tung hô hết cỡ và người ta hay chia sẻ những mẹo nguy hiểm để làm sao ăn ít nhất có thể. Vào thời điểm đó, gia đình của cô đang gặp phải những biến cố: người thân ra đi đột ngột, rồi bệnh tật, rồi kinh tế bấp bênh. “Bây giờ hồi tưởng lại, em nghĩ khi đó bản thân là đang cố tìm lấy một thứ khiến mình nghĩ mình còn có thể kiểm soát được,” cô tâm sự. “Lúc ấy em tự thuyết phục bản thân rằng ăn uống không phải là việc gì cần kíp.” Nhờ sự trợ giúp từ chuyên gia, Marisa cuối cùng đã kịp nhận ra được mối nguy của những thông tin sai lệch từ cộng đồng pro-ana trên Tumblr kia. Vậy nhưng, việc ăn uống mất kiểm soát và mặc cảm ngoại hình vẫn còn đeo bám cô đến tận cấp ba và đại học. Cô đã hiểu được rằng “sự xao nhãng tích cực” (positive distraction) cũng có thể giúp xua đi cảm giác tự ti lẫn nỗi bất an do những bữa ăn mang lại.
Vài năm về trước, Marisa phát hiện ra trào lưu mukbangs trên YouTube và đối với cô, chúng có một sức hút kinh khủng. Cô rất thích nhìn ngắm người khác tận hưởng bữa ăn một cách tự nhiên như vậy. “Em nhớ là mình đã nghệt mặt ra trước những biểu hiện mùi mẫn của họ với thức ăn. Và em còn nhớ mình đã nghĩ, Mình cũng muốn được như thế. Em không hề muốn bản thân cứ nghĩ mãi về chuyện phải kiêng dè hay cảm thấy tội lỗi chỉ vì em ăn uống vô độ nữa,” cô nói. Dữ liệu thu thập được cũng trùng khớp với trải nghiệm của Marisa. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Calgary và Đại học Toronto đã cùng thực hiện một nghiên cứu vào năm 2020; họ phát hiện ra rằng: “cảm giác kết nối, niềm vui lây và cảnh tượng bất ngờ” là những thứ đã thúc đẩy thói quen xem mukbangs của nhiều người. Marisa bảo rằng sợi dây liên kết giữa cô với thức ăn đã được hàn gắn đáng kể vào thời điểm cô làm những video “eat with me.” Tuy nhiên, tôi thì cho rằng mọi chuyện đã quay trở về đúng quỹ đạo của nó — Marisa đã có được cái “xao nhãng tích cực” mà cô tìm vào thời điểm sóng gió kia.
Đọc những bình luận bên dưới video của Marisa như đọc những dòng nhật ký vụn vặt. “Hôm nay mình đã ăn một (nguyên văn là thế4) hộp sữa chua mà vẫn khỏe re nè. Tự hào về bản thân quá,” một người viết. “Mình đã coi nó vào sáng nay, cốt là để có người cùng mình bắt đầu bữa sáng, cảm ơn cậu nha (bh mình đang cố khỏe lại nên nó tuyệt gấp bội lần ấy5),” một khán giả khác bình luận bên dưới. Những dòng tâm sự này trông như họ đã gặt hái được một điều gì đó rất nhỏ nhặt, nhưng đối với những cá nhân đang đau khổ với chứng rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề sức khỏe tinh thần, đó là hẳn một thành tựu to lớn. Jaime Sidani, phó giáo sư6 trực thuộc khoa sức khỏe cộng đồng tại Đại học Pittsburgh, cho rằng các video này có thể tạo được thế cân bằng khi bên kia bàn cân là các thông điệp khuyến khích văn hóa ăn kiêng (diet culture) và giảm cân. Có một sự thực đáng lo ngại là các ứng dụng như TikTok vẫn tiềm tàng khả năng “vẽ đường cho hươu chạy,” dẫn đến các hành vi ăn uống gây hại cho sức khỏe lẫn mặc cảm ngoại hình. Năm 2016, Sinadi đã xuất bản một nghiên cứu trong đó chỉ ra mối liên hệ giữa việc dùng mạng xã hội với các chứng rối loạn ăn uống, nhưng chị có chia sẻ thêm rằng chính loại hình nội dung và chất lượng của nó mới là trọng điểm của vấn đề. Sidani ước gì ngày xưa chị cũng có những video “eat with me” như vậy đồng hành, bởi chị cũng đã từng phải vật lộn kha khá với chứng rối loạn ăn uống trong quá khứ. Deborah Glasofer, nhà tâm lý học lâm sàng, kiêm giáo sư tại Trung tâm Rối loạn Ăn uống trực thuộc Đại học Columbia, cho biết những video này sẽ giúp ích cho những ai đang trong giai đoạn cải thiện sức khỏe, nhưng chỉ thực sự có ích khi các nhà sáng tạo nội dung tái hiện “hành vi ăn uống thông thường”, nghĩa là ăn những bữa ăn có chế độ dinh dưỡng cũng như khẩu phần hợp lý. Các bệnh nhân của bà chia sẻ rằng họ rất trân trọng sự giúp đỡ từ mọi người — chẳng hạn như các nhà trị liệu, bạn bè hay gia đình — xuyên suốt các bữa ăn của mình.
Những người đang vật lộn với rối loạn ăn uống sẽ là những đối tượng chính tìm thấy giá trị của việc xem người khác ăn uống; tuy nhiên, ngay cả đối với những người bình thường, các video này thực ra vẫn mang lại ý nghĩa tương tự. Shawn Thomas, một thanh niên 23 tuổi sống tại thành phố Dallas, bang Texas, sở hữu kênh TikTok có tên @hellomynameisshawn, chia sẻ rằng cậu đặc biệt quay những video “eat with me” là vì mục đích trên. Mặc dù Thomas chưa từng có vấn đề gì với ăn uống, nhưng cậu, thi thoảng, vẫn thấy khổ sở với nó. “Hồi học cấp ba, em từng là một người cực kỳ cầu toàn, lúc nào cũng ưu tiên thành công hơn sức khỏe,” cậu nói. Nếu như với cậu, ăn đủ ba bữa một ngày đã là một vấn đề thì với những người coi nó như là nỗi ám ảnh, chắc chắn còn khó khăn hơn. Thomas có nhiều kỷ niệm đẹp về việc cầu nguyện trước và sau mỗi bữa ăn cùng gia đình Nam Ấn của mình. “Bàn ăn không chỉ là nơi em ngồi xuống và dùng bữa,” cậu chia sẻ. “Nó còn là một chỗ để em trò chuyện cùng gia đình về những thứ đã diễn ra trong ngày, về những gì em đạt được và cả những va vấp.” Do vậy mà cậu hy vọng những video của mình có thể tạo dựng lại được không khí rôm rả ấy trên không gian mạng, dù rằng cậu biết rõ việc coi ai đó ăn uống trên mạng cũng chỉ là một giải pháp tạm thời.
Một tối nọ vào tháng Mười một 2020, tôi đã làm món bít tết với sốt chimichurri, cùng một mẻ khoai tây nướng và đậu xanh ăn kèm. Tôi tự hào kinh khủng, đến nỗi còn chụp lại và nhắn tin cho bố. Trùng hợp thay, bố tôi cũng đang làm bít tết cho bữa tối, ông trả lời tin nhắn cùng bức ảnh đĩa thịt của mình. Nhìn vào tấm ảnh, có gì đó trong tôi như vỡ oà: Thức ăn vẫn còn đây — Chúng ta vẫn còn đây – hai câu liền nhau trong một dòng tin, nhưng không liền nhau trong thực tại. Tôi khóc. Nhưng đồng thời cũng cảm thấy hổ thẹn. Người ta ngoài kia thì đang từng giây từng phút giành giật sự sống với tử thần, vậy mà tôi lại thấy chán chường vì phải một mình dùng bữa? Tôi ăn lấy ăn để, hầu như không dừng lại để nuốt trước khi tọng vào miệng miếng tiếp theo. Sau đó tôi còn nghĩ, thật lãng phí biết bao khi mình thậm chí còn không buồn ăn.
Chưa kể, khi nhắc đến giai đoạn cuối năm 2020, tôi liền nhớ ngay đến một lần khác chuyện ăn uống cũng đã cứu rỗi tôi. Không thể bay về nhà để đón Giáng sinh cùng gia đình, tôi và một cô bạn, vốn đã cách ly suốt hai tuần liền (xét nghiệm từ đầu đến cuối — bạn nhớ những ngày đó chứ?) đã dành trọn kỳ nghỉ tại nhà của cô ấy. Lúc cô ấy đến đón tôi vào hôm 24, chúng tôi đã trao nhau một cái ôm thắm thiết, và tôi nhận ra mình chẳng còn nhớ lần cuối được ai đó ôm là bao giờ. Cô ấy chở tôi đến H-Mart mua rau củ các loại và súp rong biển để mừng sinh nhật tôi vào ngày hôm sau, sau đó chúng tôi đặt pizza vị ớt jalapeño, dứa và thịt nguội. Sau một thời gian dài sống trong “vật vã” và thiếu hơi bạn bè, tôi sung sướng với cảnh một bàn ăn hai người cười đùa vui vẻ và tán gẫu một cách thoải mái như chưa từng có cuộc chia ly. Tháng Sáu 2021, sau 18 tháng ròng xa nhà, tôi cuối cùng cũng đã bay đến California để thăm gia đình. Mẹ đón tôi ở sân bay và chúng tôi cùng ghé vào nhà hàng “ruột” bán đồ ăn Mexico. Cảm giác khi đó vừa kỳ diệu đến phát khóc vừa chỉ như một khung cảnh ngày thường khi tôi ngồi đối diện với mẹ, cả hai cùng ăn enchiladas7 và nếm những hạt muối đính trên vành ly8.
Hai năm đã trôi qua và tôi không nghĩ mình có thể nói rằng bản thân thích những bữa ăn một mình. Nhưng việc dùng bữa kiểu “ta với ta” như thế cũng đã dạy cho tôi một bài học quý giá, giống như bạn đi trị liệu tâm lý mỗi tuần vậy. Đôi khi nó khiến tôi e sợ; khi khác thì cũng không đến nỗi. Đến bữa, tôi vẫn ăn và xem Netflix, vẫn sách siết và lướt ngang lướt dọc TikTok để xem video “eat with me” trên mục “Dành cho bạn.” Độ phủ sóng của chúng vẫn không hề giảm, mặc dù so với hai năm về trước, nhiều người hẳn đã và đang có ai đó để ăn cùng hơn.
Giờ thì tiết trời đã ấm hơn, tôi thích ra ngoài ăn những lúc không vướng bận gì. Tôi được dịp quay lại những chốn “third place” (không gian thứ ba) — những chỗ như thư viện, nhà thờ, công viên và những không gian cộng đồng khác ngoài công ty và ngôi nhà của mình — để bản thân được lấp đầy bởi một thứ gì đó thay vì chỉ nghĩ về bản thân. Dạo gần đây, có một hôm tôi mang theo một bát shawarma gà9 và ngồi ăn bên đài phun nước ngay khu Dupont Circle. Tôi để ý thấy xung quanh mình đầy những con người cũng đang dùng bữa tối một mình, có người nhai bánh burrito kèm salad, có người đọc sách, người thì nghe nhạc. Trong suốt hai năm qua, tôi đã ăn tối mặt-đối-mặt với vô số con người trong một “không gian ngưỡng”10 trên Internet. Còn giờ đây, chúng tôi đã có thể ngồi cạnh, trong một thế giới thực, và dùng bữa cùng nhau.
Một món ăn nhẹ của Mexico↩
Tuần lễ Nâng cao nhận thức về Rối loạn ăn uống quốc gia (National Eating Disorder Awareness Week) là một chiến dịch thường được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 2 hàng năm với mục đích giáo dục công chúng về chứng rối loạn ăn uống.↩
Hay Anorexia nervosa, là một chứng biếng ăn tâm thần thường gặp ở những người tìm cách giới hạn thu nạp năng lượng làm dẫn đến trọng lượng cơ thể nhẹ một cách đáng kể. Những người này mang nỗi sợ kinh khủng về việc tăng cân và hay phiền muộn về ngoại hình.↩
Nguyên văn: “Today I ate an [sic] yoghurt without being sick…” Phần “nguyên văn là thế” được dịch từ chữ “sic”, vốn phụ chú cho việc nguyên tác của câu bình luận là “an yoghurt”, một lỗi chính tả. Từ đúng phải là “a yoghurt”.↩
Nguyên văn: “trying to recover rn so it’s double nice”.↩
Hoặc giáo sư dự khuyết↩
Một món ăn truyền thống của Mexico với vỏ bánh ngô kẹp nhân ăn cùng với nước sốt cay làm từ ớt.↩
Chỉ một loại cocktail với một lớp muối được viền quanh miệng ly.↩
Đây là một món thuộc ẩm thực Trung Đông bao gồm phần thịt được cắt mỏng, xếp chồng lên nhau như hình nón và được nướng quay chậm rãi theo trục dọc như Döner Kebab. Đây là món ăn đường phố của người Ấn có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Wikipedia↩
Có thể hiểu nôm na rằng bạn đang ở một ranh giới giữa hai không gian riêng biệt, thường là rộng lớn và trống vắng. Ở đây, ý tác giả là cô đang ở điểm giao thoa giữa một bên là không gian trong hiện thực thời điểm đại dịch, bên còn lại là Internet, cụ thể là cộng đồng #eatwithme trên TikTok.↩